THỨ BA 10/09/2013
Thứ Ba sau Chúa Nhật
23 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 2, 6-15
"Chúa đã cho anh em được
chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi của anh em".
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến,
như anh em đã nhận lãnh Chúa Giêsu Kitô, anh em hãy sống trong Người, hãy đâm rễ
và xây dựng trong Người, và kiên trì trong lòng tin, như anh em đã học biết,
hãy đầy lòng cảm tạ trong Người.
Anh em hãy cẩn thận,
đừng để ai lấy triết lý và những mánh khoé gian giảo mà lừa dối anh em, theo
truyền thống loài người, theo những yếu tố phàm trần, chứ không theo Ðức Kitô;
nơi Người chứa đựng tất cả sự viên mãn của bản tính Thiên Chúa, và trong Người,
anh em cũng được sung mãn, chính Người là Ðầu mọi thủ lãnh và quyền năng. Trong
Người, anh em đã chịu cắt bì, một phép cắt bì không do tay người phàm cất khỏi
xác thịt, nhưng là phép cắt bì của Ðức Kitô. Nhờ phép rửa tội, anh em đã được
mai táng làm một với Ðức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin
vào quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.
Anh em vốn đã chết
vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, (nhưng) Thiên
Chúa đã cho anh em được chung sống với Người. Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng
ta, đã huỷ bỏ văn tự bất lợi cho chúng ta, vì (nó) làm cho chúng ta bị kết án;
Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. Người đã tước
quyền những kẻ chấp chính và những kẻ cầm quyền. Người đã mạnh bạo điệu chúng
ra và toàn thắng chúng trong bản thân Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11
Ðáp: Chúa hảo tâm với hết mọi loài
(c. 9a).
Xướng: 1)
Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh
Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh
Chúa tới muôn đời. - Ðáp.
2) Chúa nhân ái và
từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với
mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, mọi
công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng
Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của
Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia!
- Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống. Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở
giữa thế gian. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 6, 12-19
"Suốt đêm, Người cầu nguyện,
Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Trong những ngày ấy,
Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Ðó
là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan,
Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi
là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.
Người đi xuống với
các ông, và dừng lại trên một khoảng đất bằng phẳng, có nhóm đông môn đệ cùng
đoàn lũ dân chúng đông đảo từ khắp xứ Giuđêa, Giêrusalem và miền duyên hải Tyrô
và Siđôn đến nghe Người giảng và để được chữa lành mọi bệnh tật. Cả những người
bị quỷ ô uế hành hạ cũng được chữa khỏi, và tất cả đám đông tìm cách chạm tới Người,
vì tự nơi Người phát xuất một sức mạnh chữa lành mọi người.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Chọn Nhóm Mười Hai
Lịch sử ơn cứu rỗi
đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ
trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà địa, Thiên Chúa đã chọn Abraham;
trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; và trong những người con của
Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Ðể thực
hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê
làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi
chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một
số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavít làm vua, thay
thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.
Tất cả những chọn lựa
của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa
thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất
cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một
người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình,
Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn
làm ngôn sứ.
Tiếp tục đường lối
của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn
bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và
đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là
thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những
dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức
là hạng người thường bị khinh bỉ.
Thánh Luca đã ghi lại
một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện
suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu
nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa
muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không
thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông
chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất
của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất
của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy
của yếu đuối và phản bội.
Từ mười hai người
dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một
Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa:
"Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế". Chính sự hiện diện
sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ
sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là
kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ
cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: "Tôi sống,
nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi", hoặc
"Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà
thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh".
Suy niệm về việc
Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra
thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của
chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương
tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua
lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại
những điều thiện hảo cho chúng ta.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 23 TN1
Bài đọc: Col 2:6-15; Lk 6:12-19
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đức Kitô là chìa khóa đem ơn
cứu độ đến cho con người.
Xưa cũng như nay,
người tín hữu sống trong thế giới bị cám dỗ rất nhiều bởi các tư tưởng và chủ
thuyết sai lạc nhằm đưa con người xa lìa sự thật của Thiên Chúa. Nếu không được
bén rễ sâu trong chân lý, người tín hữu sẽ dễ dàng bị lung lay đức tin, hay bị
thay đổi vì những học thuyết này.
Các bài đọc hôm nay
muốn giúp con người nhận ra đâu là những điều chính yếu mang lại ơn cứu độ cho
con người. Trong bài đọc I, thánh Phaolô quả quyết Đức Kitô và các giáo lý của
Ngài là trọng tâm giúp con người đạt tới ơn cứu độ. Các tín hữu cần cầu nguyện
và kết hợp sâu xa với Ngài, đồng thời cũng phải học hỏi và thi hành những gì
Ngài dạy. Đừng để cho bất kỳ một học thuyết nào mê hoặc và thuyết phục để các
tín hữu sống xa những lời dạy của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cầu nguyện suốt
đêm với Thiên Chúa để có thể chọn lựa những Tông Đồ dám hy sinh để xây dựng
Giáo-hội mà Ngài sắp thiết lập. Sau khi đã chọn lựa, Ngài cho các ông ở với
mình để dạy dỗ và ban tặng những ơn thánh cần thiết để các ông thi hành sứ vụ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy bén rễ
sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô.
1.1/ Những điều người
môn đệ cần làm: Trình thuật hôm
nay là phần dạy dỗ của Thư Colossê. Các tín hữu Colossê bị cám dỗ từ nhiều
phía: giáo thuyết của những người Do-thái đòi họ phải cắt bì và tuân giữ các Lề
Luật; giáo thuyết của các triết-gia theo Phái Thuần Tri (Gnosticism) hứa hẹn họ
có những kiến thức bí mật giúp linh hồn thoát ra khỏi thân xác để hưởng hạnh
phúc đời đời; giáo thuyết dạy Đức Kitô cũng chỉ là một trong số các thần, và phải
tôn thờ nhiều thần; các giáo thuyết dạy phải tôn thờ mặt trời, các tinh tú, và
phải giữ cẩn thận các ngày, tháng, năm... Thánh Phaolô dạy các tín hữu phải
tránh xa các giáo thuyết này, tập trung trong Đức Kitô, và làm những điều sau
đây:
(1) Nếu anh em đã
nhận Đức Giêsu Kitô làm Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người. Người tín hữu sống kết hợp với
Đức Kitô bằng việc tham dự Lễ Bẻ Bánh và đời sống cầu nguyện.
(2) Anh em hãy bén
rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô: Sống Lời Chúa là nền tảng cuộc
đời của các tín hữu.
(3) Hãy dựa vào đức
tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ: Người tín hữu hãy để cho đức
tin vào Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời và đừng lo lắng chi cả.
(4) Hãy coi chừng
chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch
theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức
Kitô. Để đề phòng những
giáo huấn sai lạc, người tín hữu đòi phải biết những giáo huấn chân thật của Đức
Kitô.
Nói tóm, người tín
hữu không cần một thần nào khác ngoài Đức Kitô để được hưởng ơn cứu độ, vì “Thật
vậy, nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, và
trong Người, anh em được sung mãn: Người vốn là đầu mọi quyền lực thần thiêng.”
1.2/ Phép Rửa của Đức
Kitô đủ để mang lại ơn cứu độ cho con người: Kế tiếp, thánh Phaolô nói về tầm quan trọng của bí tích Rửa Tội
trong việc mang lại ơn cứu độ cho con người, để chống lại việc những người
Do-thái đòi các tín hữu phải được cắt bì: “Trong Người, anh em đã được chịu
phép cắt bì, không phải phép cắt bì do tay người phàm, nhưng là phép cắt bì của
Đức Kitô, có sức lột bỏ con người tội lỗi của anh em.”
Khi chịu bí-tích Rửa
Tội, người tín hữu cùng được mai táng với Đức Kitô và cùng được trỗi dậy với
Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi
chết. Hơn nữa, trước khi chịu bí-tích Rửa Tội, một người coi như đã chết vì tội;
nhưng sau khi được chịu bí-tích này, người tín hữu được Thiên Chúa cho cùng sống
với Đức Kitô, vì Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của họ.
Thánh Phaolô cũng
xác tín Lề Luật không đủ sức để cứu độ con người, đó là lý do Thiên Chúa hủy bỏ
Giao-ước cũ: “Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật
đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào
thập giá.” Ngài cũng tuyên bố: Không một kiến thức nào (chống lại giáo phái Thuần
Tri, Gnosticism) có thể giải thoát con người trừ kiến thức về Đức Kitô.
2/ Phúc Âm: Chọn các
Tông Đồ dám hy sinh tiếp tục sứ vụ xây dựng Giáo Hội.
2.1/ Đức Kitô chọn các
Tông-đồ: Tại Caesarea
Philip, Chúa Giêsu đã chính thức chọn Phêrô là Đá để xây dựng Giáo-hội mà Ngài
sắp thiết lập. Tuy nhiên, một mình Phêrô không đủ để điều hành một số người quá
lớn nên Chúa chọn thêm 11 Tông Đồ để cùng điều hành. Một số những điều chúng ta
học được từ cách chọn lựa của Chúa Giêsu hôm nay:
- Ngài không chọn bất
cứ ai, nhưng từ những môn đệ của Ngài. Chúng ta cần phân biệt hai danh từ môn đệ
và tông đồ. Theo tiếng Hy-lạp, danh từ môn đệ, mathetês, đến từ động từ học hỏi,
người môn đệ là người học hỏi từ Thầy mình; trong khi danh từ tông đồ,
apóstolos, đến từ động từ sai đi, tông đồ là người được sai đi. Chính Chúa
Giêsu đã cho Giáo-hội một cấu trúc: các môn đệ, các tông đồ, Phêrô người kế vị
Ngài; không phải ai cũng được sai đi và ai cũng có quyền quyết định.
- Ngài đã thức suốt
đêm để đàm đạo với Chúa Cha để chọn các Tông Đồ theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa.
Nhìn vào danh sách những người được chọn, chúng ta chẳng thấy có gì nổi bật nơi
họ, nếu xét theo tiêu chuẩn của con người như khôn ngoan, đạo đức, nổi tiếng,
quyền thế, giầu có … Chẳng những thế, họ còn là những người yếu đuối, tội lỗi,
và tính tình rất khác nhau: Một Phêrô yếu đuối vừa mạnh dạn tuyên xưng sẽ không
bao giờ bỏ Chúa, lại chối Chúa 3 lần trong đêm đó. Một Matthew thu thuế bị coi
là người tội lỗi và kẻ thù của người Do-thái lại được Chúa chọn để ở chung với
Simon biệt danh là Quá Khích. Sở dĩ có biệt danh này vì ông là người bảo thủ, rất
ghét đế quốc Rôma và có thể ám sát những người làm tay sai cho họ. Và một Giuđa
Iscarioth, mà Người biết trước sẽ trở thành kẻ phản bội.
2.2/ Chúa Giêsu chuẩn
bị cho các ông thi hành sứ vụ: Sau
khi đã chọn xong, Chúa Giêsu bắt đầu huấn luyện các ông bằng những lời dạy dỗ
và gương sáng của chính Ngài. Các ông phải hy sinh từ bỏ nghề nghiệp và gia
đình để đi theo Chúa và sống với nhau, học những lời giảng dạy của Ngài, trừ quỉ
và chữa lành.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để khỏi mất đức
tin, người môn đệ cần kết hợp sâu xa với Đức Kitô trong lời cầu nguyện và năng
lãnh nhận các bí-tích.
- Để có thể chống lại
những lạc thuyết của thế gian, người môn đệ cần học hỏi các chân lý của Đức
Kitô và mang ra áp dụng trong đời sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 23 –
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Lc 6,12-19
A. Hạt giống...
Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã
được nhiều người biết đến, trong số đó có kẻ ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung
quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ (5,30.33 6,1). Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn
một nhóm nồng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến lời Ngài.
- Trước khi tuyển chọn, Chúa Giêsu đi lên một
ngọn núi và cầu nguyện : Chúa Giêsu là một người thường xuyên cầu nguyện (Lc
5,16 6,12 9,18.28.29 10,21 11,1 22.32.40-46 23,34.46). Ngài cầu nguyện tha
thiết trong những lúc quan trọng (3,21 9,28-29 22,41). Lần này Ngài cầu nguyện
“suốt đêm”, chứng tỏ việc Ngài sắp làm là hết sức quan trọng, quan trọng đối
với sứ vụ của Ngài mà cũng quan trọng đối với toàn thể lịch sử cứu độ.
-
Đó là việc gì ? Là việc tuyển chọn từ số đông môn đệ ra 12 người mà Ngài gọi là
tông đồ :
- Khi ghi nhận các tông đồ được tuyển chọn khỏi hàng ngũ môn đệ, Lc tỏ ra quan
tâm tới các tác vụ trong Giáo Hội. Quan tâm này sẽ được khai triển nhiều hơn
nữa trong quyển Công vụ (chẳng hạn Cv 6,1-7). Môn đệ là tất cả những ai “đi
theo” Chúa Giêsu ; còn tông đồ là những môn đệ được tuyển lựa kỹ để làm “cán
bộ”. Điều kiện để được tuyển là ; a/ Đã từng sống với Chúa Giêsu và chứng kiến
việc Ngài chết và sống lại ; b/ Được “sai đi” (đây là ý nghĩa của chữ “tông đồ”
apostolos) để loan báo Tin Mừng sống lại ấy. Lc dành riêng danh hiệu “tông đồ”
cho nhóm 12 vì chỉ có họ mới hội đủ 2 điều kiện này. Ngay cả với Phaolô, Lc
cũng không gọi ông này là “tông đồ”, vì Phaolô là tông đồ theo một nghĩa khác
hơn.
B.... nẩy mầm.
1. Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu
nguyện suốt đêm. Ta hãy noi gương Ngài thường xuyên cầu nguyện, nhất là trước
mỗi khi làm một việc quan trọng.
2. Mặc dù Chúa Giêsu đã cân nhắc và cầu nguyện
nhiều trước khi lựa chọn, nhưng vẫn có một người là Giuđa sau này phản bội
Ngài. Khi ơn Chúa không được con người hợp tác thì cũng bị thất bại.
- Ta hãy cầu nguyện cho ơn gọi của chính mình.
Xin cho con hợp tác với ơn Chúa, để ơn gọi con ngày càng triển nở tốt đẹp.
- Ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng
và các Đức Giám mục là những người ngày nay đang kế thừa nhiệm vụ của các tông
đồ.
3. Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn
bằng những cuộc tuyển chọn… Tất cả những sự chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ,
vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người… Từ một hai
người thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nến tảng của Giáo Hội
không phải là sức riêng của con người mà là sức mạnh của Đấng đã hứa “Thầy sẽ ở
cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”… Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn
12 tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn
của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác tuyệt đối và tình yêu của Ngài
("Mỗi ngày một tin vui")
4. Đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê,
Giêrusalem cũng như miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Ngài giảng và để
được chữa lành tật bệnh” (Lc 6,17-18)
Cả 4 chúng tôi đã tham gia chiến dịch “ánh sáng
văn hóa hè” tại vùng biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh. Chúa nhựt tuần đầu tiên,
chúng tôi phải hỏi thăm hết một giờ rưỡi mới tới được nhà thờ. Chỗ chúng tôi ở
chỉ có một vài gia đình công giáo và hầu hết thỉnh thoảng mới đi lễ vì nhà thờ
quá xa. Mà xa thật, mưa thì lầy lội, còn nắng thì bụi mù.
Trên đường đi, chúng tôi cứ nghĩ là nhà thờ chắc
không đông. Nhưng đến nơi, chúng tôi thấy cả một nhà thờ đông đúc. Nhà thờ
không rộng, cũng chưa có cha xứ. Cha thì từ nơi khác về dâng lễ, còn giáo dân
thì đến từ nhiều nơi khác nhau.
Chúng tôi còn được biết ở đây chỉ có một lễ vào
sáng Chúa nhựt nên nhiều gia đình phải thay phiên nhau đi lễ hàng tuần. Họ ước
ao có cha xứ để được dự lễ thường xuyên hơn. Ra về, ai nấy trong chúng tôi đều
cảm thấy như được thúc bách đến gần Chúa hơn, hạnh phúc dù có phải đi xa và mệt
nhọc.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa
trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần
Thơ
10/09/13 THỨ BA TUẦN 23
TN
Lc 6,12-19
Lc 6,12-19
CẦU NGUYỆN TRƯỚC ĐÃ
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu
nguyện cùng Thiên Chúa. Đén sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai
ông và gọi là tông đồ.” (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Là
người Con Yêu Dấu của Chúa Cha, Chúa Giêsu không làm điều gì theo ý riêng mình.
Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện nhất là trước khi quyết định một việc gì
quan trọng. Quả vậy, trước khi bước vào cuộc sống công khai, Ngài vào hoang địa
cầu nguyện suốt 40 ngày (Mc 1,12-13). Khi sắp chịu khổ hình, Chúa đã vào vườn
cây dầu cầu nguyện (Mt 26,36). Lần này, trước khi chọn Nhóm Mười Hai Chúa cũng lên
núi và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa, hầu thấy rõ ý muốn
của Chúa Cha trong việc tuyển chọn này. Quả thật Người đến trần gian không làm
gì hơn là để thi hành thánh ý Cha.
Mời Bạn: Trong
suốt cuộc đời mình, ai ai cũng có nhiều lần phải quyết định, quyết định khi
chọn người làm bạn đời, khi chọn người cộng tác... Thường thường người ta chọn
theo tiêu chuẩn: đẹp người đẹp nết, hợp tính, tài đức, bằng cấp, chuyên môn...
Điều đó không sai, nhưng có khi chúng ta đã quên vị trí ưu tiên của Chúa trong
cuộc đời mình. Mời bạn noi gương Chúa Giêsu, trước khi làm việc gì, bạn hãy
cùng Ngài cầu nguyện trước đã.
Chia sẻ: Bạn
có kinh nghiệm gì khi làm một việc mà có cầu nguyện trước?
Sống Lời Chúa: Tập
thói quen luôn luôn cầu nguyện, dù chỉ là một vài giây, trước khi làm bất cứ
việc gì.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Ánh Sáng và là Đường Đi. Xin dạy chúng con biết
đến với Chúa thường xuyên để được Chúa soi sáng và chỉ dẫn mỗi khi chúng con
phải quyết định một việc gì.
Giáo Hội Mới Của Chúa
Trong đoạn Phúc Âm trên thánh sử Luca đã trình bày cho chúng ta
một cộng đoàn quanh Chúa Giêsu. Cộng đoàn này là hình ảnh loan báo trước trong
cộng đoàn Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ thành lập và trao phó cho sứ mạng sau khi
Người đã phục sinh từ cõi chết. Tất cả mọi thành phần của cộng đoàn này đều quy
về một trung tâm duy nhất là Chúa Giêsu, lắng nghe lời Người giảng dạy và được
quyền năng Người chữa lành khỏi bệnh tật cũng như được bảo vệ khỏi những quyền
lực của ma qủy. Chúng ta nhìn thấy rõ ràng những thành phần của cộng đoàn quanh
Chúa Giêsu lúc đó. Trước hết là nhóm Mười Hai tông đồ vừa được tuyển chọn sau một
đêm dài cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, rồi đến các môn đệ và cuối cùng là đám
đông dân chúng từ nhiều nơi trong và ngoài lãnh thổ dân Israel. Từ Giuđêa,
Giêrusalem, nằm trong lãnh thổ của dân Chúa, và từ miền duyên hải Tia và Xiđon
là miền nằm ngoài lãnh thổ của Do Thái Giáo.
Ðọc lại đoạn văn, chúng ta có thể lưu ý đến hai đặc điểm chính của
cộng đoàn quanh Chúa Giêsu, tiêu biểu cho cộng đoàn Giáo Hội Chúa trong tương
lai. Trước hết, có thể nói đây là một cộng đoàn phổ quát, vượt ra bên ngoài
ranh giới của dân tộc Do Thái. Sự độc quyền nhờ ân sủng Chúa nơi một dân tộc đã
chấm dứt. Mọi người, mọi dân Chúa đã mời gọi gia nhập vào cộng đoàn này.
Ðặc tính thứ hai là trật tự mới của cộng đoàn được thiết lập qui
về Chúa là trung tâm và có mười hai tông đồ được Chúa Giêsu chọn riêng ra, được
Người huấn luyện và trao cho sứ mạng, chăm sóc, hướng dẫn cộng đoàn mới.
Tông đồ Phêrô được nhắc đến trong đoạn văn là kẻ đứng đầu nhóm
Mười Hai: "Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con". Các tông
đồ và cộng đoàn theo Chúa đã nghe lời Ngài nhiều hơn sau những biến cố vượt qua
của Chúa, khi Giáo Hội được khai sinh. Chúa Giêsu đã chuẩn bị để nhóm Mười Hai
tông đồ này trở thành nền tảng cho toàn thể Giáo Hội mới của Chúa. Hơn nữa, con
số mười hai tông đồ là biểu hiện thứ nhất có ý nghĩa nhắc đến mười hai chi tộc
của toàn dân Do Thái trong thời Cựu Ước. Dân mới của Chúa thời Tân Ước được mở
rộng đón nhận toàn thể nhân loại không ai bị loại ra khỏi chương trình cứu rỗi
của Chúa.
Lạy Chúa,
Chúng con tin và cảm tạ Chúa vì đã thiết lập Giáo Hội như một cộng
đoàn qui tụ dân Chúa, một cộng đoàn có tổ chức được các tông đồ hướng dẫn qua mọi
thời đại. Chúa không ngừng tuyển chọn những con người mới trong dòng lịch sử để
tiếp tục sứ mạng của Chúa trên trần gian này. Sự yếu đuối của con người có thể
xảy ra như đã xảy ra với Giuđa Ítcariốt, kẻ phản bội Chúa, nhưng chương trình cứu
rỗi của Chúa không vì thế mà bị hư mất. Xin thương qui tụ chúng con lại trong
tình yêu Chúa và củng cố đức tin chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Khởi đầu việc truyền giáo, Đức Giêsu được dân chúng nồng nhiệt đón nhận,
say sưa lắng nghe những lời giáo huấn của Ngài. Số người đi theo Ngài ngày càng
đông. Tuy nhiên Ngài chỉ chọn riêng một số người, đó là nhóm mười hai, để sau
này trao cho họ những trọng trách đặt biệt.
Trước khi chon lựa Chúa Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện với Chúa Cha.
Điều này cho chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn sống kết hiệp với Chúa Cha, cầu
nguyện với Chúa Cha, nhất là trước những biến cố quan trọng. Noi gương Chúa
Giêsu mỗi người Kitô hữu chúng ta phải luôn cầu nguyện, sống kết hiệp với Thiên
Chúa trong mọi phút giây của cuộc sống.
Thông thường khi gặp đau khổ, khó khăn hay có những biến cố quan trọng
trong cuộc sống chúng ta mới chạy đến với Chúa. Nhưng chúng ta đến với Chúa chỉ
là để xin ơn. Chúng ta coi Thiên Chúa như là một ông chủ, để khi cần gì đó chúng
ta đến xin ông ban phát cho ta. Đây quả thật là một quan niệm sai lầm. Chính
Chúa Giêsu đã dạy chúng ta kêu Chúa là Cha, vậy tại sao chúng ta không đến với
Thiên Chúa bằng tâm tình của một người con đến với Cha? Chúng ta thường nói
chuyện gì với cha mẹ chúng ta? Xin thưa là nói tất cả mọi chuyện, có chuyện vui
chúng ta nói cho cha mẹ để các ngài chúc mừng, chuyện buồn cũng tâm sự để cha
mẹ chia sẻ và tìm cách giúp chúng ta giải quyết. Cũng vậy khi cầu nguyện với
Thiên Chúa chúng ta cũng hãy làm như vậy. Hãy học cùng Chúa Giêsu để luôn sống
thât mật với Thiên Chúa bằng tâm tình của một người con thảo. Vì cầu nguyện
chính là không khí thiêng liêng để chúng ta hít thở sức sống của Thiên Chúa.
Sống đời cầu nguyện kết hiệp với Thiên Chúa cách mật thiết sẽ giúp chúng ta
nhận ra thánh ý của Thiên Chúa để sống đẹp lòng Ngài.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra Thiên Chúa là
một người cha nhân từ luôn yêu thương chăm sóc cho chúng con. Xin cho chúng con
luôn biết sống tâm tình của một người con thảo bằng đời sống cầu nguyện mật
thiết với Chúa hằng ngày. Xin cho chúng con nhận ra và trân trọng giá trị của
việc cầu nguyện trong đời sống thiêng liêng của chúng con. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín
10
THÁNG CHÍN
Chúng
Ta Khát Vọng Tuyệt Đối
Giáo
Hội tuyên bố rằng con người, trong hành trình cuộc sống của mình, cần phải được
hết mực kính trọng, yêu thương và quan tâm săn sóc – bởi vì con người được tiền
định sống đời đời. Vì vậy, bất cứ nền văn hoá nào tôn trọng phẩm giá và định mệnh
tối hậu của con người đều hỗ trợ cho con người sống một cuộc sống cao thượng và
công chính trên cuộc hành trình dương thế này.
Thánh
Phaolô đề cập đến điều này trong giáo huấn của ngài gửi cho cộng đoàn tín hữu
Philipphê: “Cuối cùng, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là
chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những
gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý”. (Pl 4,8). Trong suốt cuộc
hành trình dương thế này, từ khi sinh ra cho đến lúc lìa đời, con người phải ý
thức hoàn toàn rằng mình là một lữ khách trên đường hành hương về với Thiên
Chúa.
Chính
trong khát vọng tuyệt đối này có hàm ẩn kinh nghiệm về Thiên Chúa. Trong tất cả
những con người xuyên qua lịch sử đã kiếm tìm Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy
khuôn mặt vĩ đại của Thánh Augustinô, người đã thốt lên khi gặp gỡ được Đấng mà
mình kiếm tìm: “Con đã gặp Ngài ở đâu để nhận biết Ngài, nếu không phải là
chính nơi Ngài, vượt xa trên chính con?” (Tự Thú của T. Augustinô, 10,26).
- suy
tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê
Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10-9
Cl 2, 6-15; Lc 6, 12-19
LỜI SUY NIỆM: “Trong
những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu
nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy Mười Hai
ông và gọi là Tông đồ” (Lc 6,12-13)
Giáo Hội luôn nhắc cho
chúng ta biết: cầu nguyện là hơi thở của mọi Ki-Tô hữu. Nên chúng ta luôn phải
cầu nguyện một cách liên lỉ. Chúa luôn luôn hiện diện bên chúng ta. Ngài luôn lắng
nghe, Ngài luôn luôn nhìn thấy; Ngài luôn luôn biết nỗi thống khổ của chúng ta;
Ngài luôn luôn muốn cứu giúp chúng ta; Ngài luôn luôn muốn cứu thoát chúng ta
ra khỏi mọi sự áp bức, mọi nô lệ. Để chúng ta được sống tự do và hạnh phúc.
Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta chạy đến với Ngài trong cầu nguyện với lòng
Tin, Cậy và mến. Chắc chắn chúng ta sẽ được mọi ơn lành của Ngài ban cho.
Mạnh Phương
10 Tháng Chín
Quà Tặng Quý Giá Nhất
Trong một góc hè phố, một bác hành khất tê bại nằm co quắp. Chợt
có một người đàn ông ăn mặc bảnh bao đi qua. Người hành khất bèn mở miệng xin bố
thí. Người đàn ông ăn mặc sang trọng xỏ tay vào túi áo, nhưng ông tìm mãi mà chẳng
được gì. Vừa bối rối, vừa thành kính, ông ta mới phân bua với người hành khất:
"Này bác, tôi muốn biếu bác chút đỉnh, nhưng rất tiếc, vì
đi bất ngờ nên tôi không có mang tiền theo. Xin bác thông cảm cho".
Người hành khất mới trả lời: "Cám ơn ông. Ông đã cho tôi
nhiều hơn mọi của bố thí. Bởi vì ông đã gọi tôi là Bác. Chưa bao giờ trong đời
tôi, tôi đã nhận được danh dự đó trên môi miệng của một người sang trọng nào cả".
Dù là một người hành khất, dù là một người tàn tật, dù là một
người bị xã hội ruồng rẫy bỏ rơi, tất cả đều có một phẩm giá như nhau. Quà tặng
quý giá nhất mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác, chính là tôn trọng
người đó với tất cả phẩm giá cao quý nhất của họ.
(Lẽ Sống)
Thứ Ba 10-9
Thánh Tôma ở Villanova
(1488-1555)
Thánh Tôma sinh ở Castile Tây Ban Nha, và tên Villanova là thành
phố nơi ngài lớn lên. Ngài được giáo dục rất chu đáo ở Ðại Học Alcala và trở
nên một giáo sư triết của đại học này.
Sau khi gia nhập dòng Augustine ở Salamanca ngài được thụ phong
linh mục và tiếp tục dạy học, mặc dù ngài hay đãng trí và kém trí nhớ. Ngài làm
tu viện trưởng và bề trên tỉnh dòng, và là người đầu tiên gửi các cha Augustine
đến Tân Thế Giới. Ngài được hoàng đế đề nghị làm tổng giám mục ở Granada, nhưng
ngài từ chối. Và khi tòa giám mục trống ngôi thì ngài lại bị áp lực phải chấp
nhận. Số tiền ngài được hưởng để sắm sửa cho tòa giám mục thì ngài đã tặng cho
một bệnh viện. Ngài giải thích "Khi dùng tiền cho người nghèo ở bệnh
viện thì đó là việc phục vụ Chúa tốt đẹp hơn. Một tu sĩ khó nghèo như tôi thì
muốn bàn ghế để làm gì?"
Ngài vẫn mặc các bộ quần áo từ khi còn là đệ tử sinh, mà chính tay
ngài khâu vá lại. Các giáo sĩ và người trong dòng xấu hổ vì ngài, nhưng họ
không thể thuyết phục ngài thay đổi. Mỗi sáng có đến vài trăm người nghèo đến
nhà ngài để được ăn uống và được cho tiền. Khi người ta chỉ trích là ngài bị
lợi dụng, ngài trả lời, "Nếu có những người không chịu làm việc thì đó
là phần của chính phủ và cảnh sát phải đối phó. Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ và
an ủi những người đến với tôi." Ngài nhận nuôi các trẻ mồ côi và ngài
thưởng tiền cho những ai đem các trẻ về cho ngài. Ngài khuyến khích những người
giầu có hãy bắt chước ngài để trở nên giầu lòng thương xót và bác ái hơn là
giầu của cải trần gian.
Ngài thường bị chỉ trích là không khắt khe và không mau chóng
trừng phạt những kẻ có tội, ngài nói, "Hãy để họ (người chỉ trích) tìm
hiểu xem Thánh Augustine và Thánh Gioan Kim Khẩu có rút phép thông công hay ra
vạ tuyệt thông để ngăn chặn những người say sưa và phạm thượng, là những người
mà các ngài đang săn sóc không."
Khi ngài sắp chết, Thánh Tôma ra lệnh lấy tất cả tiền của ngài có
mà phân phát cho người nghèo. Các vật dụng của ngài thì được tặng cho văn phòng
hiệu trưởng trường cũ của ngài. Thánh Lễ được cử hành và sau khi Truyền Phép,
ngài thở hơi cuối cùng với những lời: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con
trong tay Chúa."
Ngay khi còn sống Thánh Tôma Villanova đã được gọi là "người
bố thí" và "cha của người nghèo." Ngài được phong
thánh năm 1658.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét