Trang

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

06-09-2013 : THỨ SÁU TUẦN XXII MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ SÁU 06/09/2013
Thứ Sáu Tuần XXII Mùa Thường Niên Năm lẻ


BÀI ĐỌC I: Cl 1, 15-20
"Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Đức Giêsu Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi tạo vật, vì trong Người, muôn loài trên trời dưới đất đã được tác thành, mọi vật hữu hình và vô hình, dù là các Bệ thần hay Quản thần, dù là Chủ thần hay Quyền thần: Mọi vật đã được tạo thành nhờ Người và trong Người. Và Người có trước mọi loài, và mọi loài tồn tại trong Người. Người là đầu thân thể, tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người, và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 99, 2. 3. 4. 5
Đáp: Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá (c. 2c).

1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Đáp.
2) Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi. - Đáp.
3) Hãy vào trụ quan nhà Người với lời khen ngợi, vào hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Người. - Đáp.
4) Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ. - Đáp.

ALLELUIA: Cl  3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Đức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 5, 33-39
"Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?" Người đáp lại rằng: "Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy".
Người còn nói với họ thí dụ này rằng: "Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ. Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da, rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta nói: 'Rượu cũ thì ngon hơn' ". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Dứt Khoát Tận Căn

Kỷ luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: "Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta", "Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa", "Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta". Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Xin Chúa nâng đỡ đức tin chúng ta để chúng ta tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 22 TN1
Bài đọc: Col 1:15-20; Lc 5:33-39.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần biết trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của mình.

Tin như nào sẽ sống như vậy. Ví dụ, nếu một người chỉ tin vào truyền thống của cha ông, họ sẽ chống lại tất cả những học thuyết mới lạ, vì chúng có thể đe dọa đức tin của họ. Tuy nhiên, các tín hữu cần tìm hiểu sự thật của những gì mình tin, để họ có thể trả lời cho những ai chất vấn niềm tin của họ. Khi không trả lời được những câu hỏi do các lạc thuyết đề ra, nhiều người có đức tin yếu kém sẽ dễ chạy theo những lạc thuyết đó.

Các Bài Đọc hôm nay nhấn mạnh vào sự hiểu biết của niềm tin. Trong Bài Đọc I, tác giả nhắc nhở các tín hữu phải nắm vững đức tin của mình vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô, để có thể tránh được những ngụy thuyết chung quanh luôn đe dọa con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu sửa sai quan niệm của các kinh-sư và biệt-phái về quan niệm ăn chay và cầu nguyện của họ. Mục đích của việc ăn chay cầu nguyện là để con người sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và thương yêu tha nhân, chứ không phải để được khen ngợi, để chu toàn Lề Luật, hay vì bất kỳ lý do nào khác. Nếu các môn đệ đang có Thiên Chúa ở bên cạnh, họ không cần phải ăn chay. Họ sẽ ăn chay cầu nguyện khi Đức Kitô bị cất đi khỏi họ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người.

1.1/ Thiên Chúa tạo dựng qua Ngôi Lời: Col 1:9-14 là một Bài Thánh Ca cổ, được hát trong lúc hội họp hay thờ phượng trong những cộng đoàn tiên khởi để ca tụng Đức Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa. Có học giả cho nguồn gốc của Bài Thánh Ca là để chống lại chủ thuyết Thuần Tri Thức (Gnosticism) rất thịnh hành thời đó trong quốc gia Hy-lạp. Một sự so sánh giữa những gì Giáo Hội dạy cho thấy sự đối nghịch hoàn toàn với chủ thuyết Thuần Tri Thức.

(1) Đức Kitô là Thánh Tử, là Ngôi Lời (Logos), là hình ảnh (eikon) của Thiên Chúa vô hình: thấy Đức Kitô là thấy Thiên Chúa (Jn 14:9). Chủ thuyết Thuần Tri Thức cho Đức Kitô tuy cao hơn các tạo vật, nhưng không phải là Thiên Chúa vì mang trong mình chất liệu của con người; chỉ có Thiên Chúa là hoàn toàn không lệ thuộc vật chất.

(2) Đức Kitô là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo: Ngài là Lời, là sự không ngoan của Thiên Chúa. Trong trình thuật về tạo dựng của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo dựng bằng cách phán: "Hãy có!" tức thì mọi vật liền có. Do Ngôi Lời mà muôn vật được tạo thành, và không có Ngài, chẳng có vật gì được tạo thành (Jn 1:3). Thuyết Thuần Tri Thức không cho Thiên Chúa tạo dựng thế giới, mà thế giới được tạo thành bởi một vị thần ác, đối nghịch với Thiên Chúa.

(3) Thiên Chúa quan phòng mọi sự qua Đức Kitô vì Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa: "Tất cả đều tồn tại trong Người." Thuyết Thuần Tri Thức cho vũ trụ tồn tại nhờ chính nó.

1.2/ Thiên Chúa cứu chuộc và hòa giải qua Ngôi Lời.

(1) Đức Kitô cứu chuộc con người: bằng cách đổ máu để thanh tẩy tội lỗi, làm cho con người khỏi chết, và cho con người được sống đời đời với Thiên Chúa bằng sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Thuyết Thuần Tri Thức cho con người được giải thoát khỏi nô lệ cho vật chất và đoàn tụ với Thiên Chúa nhờ kiến thức đặc biệt và bí mật mà chỉ có họ mới có thể cung cấp cho con người.

(2) Đức Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa và với nhau: Ngài hòa giải con người bằng việc chấp nhận cái chết trên Thập Giá. Nhờ sự hòa giải này, con người có được sự bình an.

Thuyết Thuần Tri Thức không tin vào tội lỗi và vào sự hòa giải, vì Thiên Chúa không thay đổi và con người luôn xấu xa vì bị giam cầm trong thân xác.

2/ Phúc Âm: Tại sao môn đệ ông không ăn chay, cầu nguyện?

2.1/ Họ trách môn đệ Chúa Giêsu không năng ăn chay cầu nguyện. Họ nói với Người: "Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisees cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!"

Đức Giêsu trả lời họ: "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay." Qua câu trả lời, Người muốn nhắn nhủ họ làm việc gì cũng phải có lý do, thời gian, và nơi chốn. Ăn chay, cầu nguyện là để con người sống gần gũi với Thiên Chúa, và bớt lệ thuộc vào vật chất. Các môn đệ của Ngài không cần phải ăn chay lúc này, vì họ đang có Thiên Chúa là chính Ngài. Khi nào Ngài xa lìa họ, bấy giờ họ mới ăn chay. Ăn chay, cầu nguyện phải bày tỏ tâm hồn thống hối bên trong, chứ không phải những việc làm bên ngoài để lấy tiếng khen, hay lấy làm tiêu chuẩn để phán xét người khác có đạo đức thành thật hay không!

2.2/ Phải có tinh thần mới để đón nhận mặc khải mới của Đức Kitô: Những người biệt-phái và kinh-sư khó có thể chấp nhận những giảng dạy của Đức Kitô, vì trí óc của họ đã quá quen với Lề Luật và lối sống vụ hình thức bên ngoài. Để có thể tiếp nhận những giảng dạy mới lạ của Đức Kitô, họ cần thay đổi cách nhìn về việc giữ đạo. Để họ nhận ra sự quan trọng của việc cần có một tinh thần cởi mở để lãnh nhận giảng dạy mới của Thiên Chúa, Đức Giêsu còn kể cho họ nghe một số các dụ ngôn:

(1) "Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ." Không ai dại dột đến độ không chịu mặc áo mới, mà lại xé ra lấy vải để vá vào áo cũ. Nếu làm như vậy, người đó sẽ là người không bình thường, và miếng vá sẽ càng ngày càng tệ hơn sau mỗi lần giặt.

(2) "Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới." Rượu mới có nồng độ mạnh hơn nên dễ làm căng thẳng bầu da cũ; vì thế, để tránh việc nứt bầu da và phí rượu, rượu mới phải được đổ vào bầu da mới.

(3) Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: "Rượu cũ ngon hơn." Các kinh-sư và biệt-phái là những người cố gắng bảo thủ các truyền thống của cha ông. Họ bị Chúa Giêsu ví là những người thích uống rượu cũ vì cho rượu cũ ngon hơn. Có một phần sự thực trong đó; nhưng đồng thời họ cũng phải biết mở lòng đón nhận những điều hay của các mặc khải và dạy dỗ mới đến từ Chúa Giêsu. Để có thể tiếp nhận những dạy dỗ của Ngài, họ phải thay đổi thái độ "truyền thống quá khích," họ mới có thể hiểu được những gì Chúa muốn nói.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết niềm tin của mình; nếu không đức tin của chúng ta dễ bị lung lay bởi các lạc thuyết hay khi người khác chất vấn niềm tin của chúng ta.

- Biết cắt nghĩa niềm tin rất quan trọng trong việc giáo dục đức tin cho những người chúng ta có trách nhiệm. Nếu không được giải thích thỏa đáng, con người dễ đánh mất niềm tin.

- Chúng ta phải biết gìn giữ các tinh hoa của truyền thống, nhưng cũng cần biết mở lòng đón nhận những cái mới của thời đại và hoàn cảnh.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 22 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Lc 5,33-39

A. Hạt giống...
Chuyện này xảy ra sau khi Chúa Giêsu gọi một người thu thuế là Lêvi làm môn đệ Ngài và còn ngồi ăn cùng bàn với nhiều người thu thuế khác trong bữa tiệc do Lêvi khoản đãi để ăn mừng.
Những người pharisêu và luật sĩ thấy thế rất khó chịu và trách Chúa Giêsu cùng các môn đệ Ngài không lo ăn chay cầu nguyện mà chỉ lo ăn uống !
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ta thấy ý nghĩa thực của việc ăn chay và cách sống trong thời Tân Ước :
- Thời Cựu Ước, việc ăn chay đi kèm với sự chờ đợi ơn giải thoát. Việc ăn chay như muốn nói : thời buổi xấu xa quá, chúng tôi không thỏa mãn, chúng tôi không thiết sống nữa, nguyện xin Chúa mau đến giải thoát chúng tôi.
- Việc Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân Ước, thời của Tin Mừng, thời vui sống với Đấng Messia như dự tiệc cưới với chàng rể.
- Khi Chúa Giêsu được đem đi (ám chỉ việc Ngài chết, sống lại và lên trời), các môn đệ sẽ lại ăn chay đề xin Ngài mau trở lại.

B.... nẩy mầm.
1. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước, thời của vui mừng hoan lạc. Tại sao ta thường ảo não, buồn rầu và lo lắng. Cuộc sống không vui tươi của chúng ta làm sao hấp dẫn được người khác ?
2. Biệt phái và luật sĩ ăn chay, nhưng họ lại kết án các môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay. Họ lấy họ làm tiêu chuẩn, mẫu mực và buộc người khác phải theo họ. Chưa chắc gì tôi đọc kinh cầu nguyện mà đã là tốt đến nỗi tôi có quyền lên án người khác không đạo đức bằng tôi.
3. “Không ai lấy vải mới vá vào áo cũ… Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu cũ” : ý Chúa Giêsu muốn nói phải sống thời Tân Ước với tâm tình của thời Tân Ước. Tâm tình thời Cựu Ước là sợ hãi, tâm tình của thời Tân Ước là yêu thương. Vậy tâm tình thường xuyên của tôi đối với Chúa là gì : rán làm lành tránh dữ vì sợ Chúa phạt hay vì yêu thương Chúa ?
4. “Những người pharisêu và những kinh sư nói với Chúa Giêsu rằng : ‘Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người pharisêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống !” (Lc 5,33)
Nếu cha giảng lâu quá 10 phút thì họ bảo cha chỉ thao thao bất tuyệt.
Nếu cha nói về mầu nhiệm Thiên Chúa thì họ bảo cha nói trên mây trên gió
Nếu cha đề cập đến các vấn đề xã hội, cha sẽ bị kết án là khuynh tả
Nếu cha đi làm việc ở nhà máy, họ nghĩ ngay là vì cha không có gì làm
Nếu cha ở lại trong giáo xứ, có người sẽ nói cha xa rời quần chúng, cắt liên lạc với thế gian.
Nếu cha hay mỉm cười : cha quá dễ dãi !
Nếu vì đãng trí hay bận tâm, cha không nhìn thấy, người náo đó sẽ nói : cha khinh người !
Nếu cha còn trẻ : cha thiếu kinh nghiệm !
Nếu cha có tuổi : cha nên về hưu thì vừa ! …
Giêsu ơi ! Không thua gì các kinh sư và biệt phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng con mắt dò xét, khe khắt và hẹp hòi. Con luôn muốn họ phải như con nghĩ chứ không được như họ là. Nên con cảm thấy thật khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với đôi mắt của Chúa : nhìn và yêu. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

06/09/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39
CỞI MỞ VỚI THÁNH THẦN
“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới!” (Lc 5,37)
Suy niệm: Từ sau cuộc lưu đày bên Babylon và nhất là trong cuộc bách hại của đế quốc Hy Lạp, giới kinh sư và Pharisêu muốn bảo vệ sự tinh tuyền của Do Thái giáo bằng một lối sống đạo thật nhiệm nhặt. Vì thế đối với họ, thì ăn chay là việc đạo đức tối quan trọng. Thế nhưng khi Chúa Giêsu đến trần gian, lịch sử cứu độ đã sang trang. Ngài được sai đến để mở ra vận hội ân phúc mà Ngài ví như một tiệc cưới, trong đó Ngài chính là chàng rể và mọi người đều được mời tham dự. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng không phải là ăn chay hay làm những việc theo truyền thống khác nhưng là sống với Ngài, để được Ngài dẫn vào cuộc sống thân tình với Thiên Chúa. Chính vì không ra khỏi tư duy của mình, những người Biệt phái đánh mất một cơ hội thưởng thức thứ rượu cứu độ mới Chúa Giêsu mang đến.

Mời Bạn: Đời sống đạo, cơ cấu tổ chức trong cộng đoàn, kinh nguyện, cử hành phụng vụ luôn cần có những thích nghi cho phù hợp với một thế giới không ngừng biến đổi. Đó phải là kết quả của việc lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần, để rồi quyết định dưới ánh sáng của Lời Chúa. Thái độ cần có là cởi mở và biết kiên nhẫn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác.

Sống Lời Chúa: Để sống hiệp thông trong cộng đoàn, cùng dấn thân thi hành sứ vụ, chúng tôi cùng nhau ngồi lại cầu nguyện và trao đổi trong tinh thần đối thoại để khám phá ra điều Chúa muốn ta làm trong hiện tại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến trong chúng con và đổi mới tâm hồn chúng con.

Chàng rể ở với họ
Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm. Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất. 


Suy nim:
Sau khi Lêvi, người thu thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo,
ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản đãi Thầy và các môn đệ.
Ông còn mời các bạn đồng nghiệp đến dùng bữa để từ giã.
Ăn uống vui vẻ, hòa đồng cả với những người bị xã hội tránh xa,
đó là một nét đặc biệt của nhóm Thầy Giêsu.
Đừng quên chính Thầy cũng bị mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).
Như thế nhóm của Thầy không có nét khắc khổ, 
như các nhóm môn đệ của Gioan hay của người Pharisêu.
Các nhóm này thường hay ăn chay và cầu nguyện.
“Còn môn đệ Thầy thì ăn với uống !” (c. 33).
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó.
Thầy trả lời: vì bầu khí của nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới.
Chú rể chính là Thầy, còn các môn đệ là những khách dự tiệc.
Chẳng ai dự tiệc cưới mà lại ăn chay.
Chẳng ai buồn khi chàng rể còn đang ở bên cạnh (c. 34).
Bởi đó thật là dễ hiểu nếu các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần,
nếu họ có nét mặt tươi tắn và sẵn sàng chung vui với người khác.
Chuyện Thầy Giêsu ăn uống hồn nhiên với những tội nhân
cho thấy Thiên Chúa không khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về.
Thầy cho thấy mình đang rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui.
Đến với Thầy là gặp được niềm vui cứu độ.
Thầy Giêsu và các môn đệ đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12)
Nhưng hoán cải ở đây không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui,
bởi lẽ hoán cải là thay đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác.
Chẳng ai vui bằng người thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi.
Cả thiên đàng cũng mừng vui khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10).
Thầy Giêsu đã trao cho các môn đệ niềm vui của chính mình.
Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Kitô giáo bắt nguồn từ niềm vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy.
Các tông đồ bị đánh đòn mà lại vui, bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41).
Niềm vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi thách đố.
Niềm vui là quà tặng lớn của chúng ta cho một thế giới muộn phiền.
Chàng rể Giêsu đang ở với chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi,
nên “anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).
Chúng ta chỉ có thể là sứ giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm.
Niềm vui này phải tỏa ra như hương thơm làm mọi người ngây ngất.
Ông Nietzsche một triết gia vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu:
“Nếu niềm tin của các anh làm các anh hạnh phúc,
thì hãy cho tôi thấy hạnh phúc ấy trên khuôn mặt của các anh…
Nếu Tin Mừng của Sách Thánh được viết trên khuôn mặt của các anh rồi,
thì các anh chẳng cần phải cố nhấn mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.”
Nietzsche không tin một Kitô hữu buồn, mà bảo mình tin vào sự phục sinh.
Chúng ta có bao giờ để ý soi khuôn mặt Kitô hữu của mình không?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.
Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.
Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.
Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.
Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.
Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

SUY NIỆM

Đọc đoạn tin mừng này gợi lên cho tôi những suy nghĩ sau đây:
- Những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giêsu về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ.
- Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của tôi. Chúa muốn tôi buớc theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin mừng. Thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giêsu, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ, khoan dung tha thứ.

 Tôi cũng nhiều lần tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý của tôi?

Tôi cho mình là đúng, tôi cho mình là phải, tôi cho mình là tài giỏi và cho ý kiến của mình là hay để bắt mọi người làm theo tôi muốn?

 Tôi có dám thay đổi đời sống của mình để sống phù hợp với tin mừng của Chúa dạy không? Hay là tôi ngại khó ngại khổ, ngại hy sinh để sống mãi trong tội lỗi.

 Lạy Chúa! Xin tha thứ cho con bởi đã nhiều lần con chưa dứt khoát đi theo Chúa. Xin Chúa lấy đi trái tim khô khan chai đá của con, và ban cho con trái tim yêu thương của Chúa. Xin cho con biết nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc sống để con biết yêu thương và phục vụ mọi người. Xin cho con quảng đại đón nhận mọi vui buồn trong cuộc sống này vì lòng yêu mến Chúa để con can đảm sống chứng nhân tin mừng giữa lòng đời. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín

6 THÁNG CHÍN

Trở Nên Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Kitô

Mỗi ơn gọi đều là một lời kêu mời dấn sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa. Việc học hỏi thần học và triết học sẽ giúp thấu hiểu sâu hơn ngôi vị của Đức Kitô. Nhưng sự hiểu biết sâu hơn này không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực tri thức của chúng ta. Tiên vàn việc nhận biết Chúa Con là ân huệ do Chúa Cha ban cho chúng ta nhờ Thánh Thần. Chúng ta không thể chỉ dừng lại với việc được giáo dục trong đức tin mà còn phải trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” nữa.

Mọi sự cộng tác của chúng ta với ân sủng tiếng gọi phải theo sự khôn ngoan mà Đức Kitô diễn tả trong dụ ngôn cây nho. Ngài nói: “Thầy là cây nho, Cha Thầy là Người trồng nho” (Ga 15,1) … “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (Ga 15,5).

Giai đoạn huấn luyện chủng sinh hay tu sĩ hướng đến mục tiêu đào sâu mối hiệp nhất của chúng ta với Đức Kitô. Đức Kitô đưa ra cùng lời mời gọi đó cho mỗi người trong chúng ta.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 06-9
Cl 1, 15-20; Lc 5, 33-39.


LỜI SUY NIỆM: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo củ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải mới cũng không ăn với áo cũ” (Lc 5,36).

Chúa Giêsu đưa dụ ngôn này; chúng ta phải biết suy nghĩ, để rồi nhận định mà sống. Thường thường, khi sắm cái mới là để thay thế cái đã cũ. Nếu chúng ta chứa chất cái cũ, nó sẽ choáng chỗ cái mới. Những cái đã dùng đi dùng lại nhiều lần và đã cũ thì cần phải tìm ra cái mới để thay thế, khi đã khám phá ra cái mới thì cần làm ngay và tập làm cho nhuần nhuyễn. Chứ đừng ngại cái mới để rồi cứ ôm cái cũ cả đời. Trong đời sống Đức Tin, trong cầu nguyện. Chúng ta không thể mãn nguyện những cái mà mình đã biết, đã quen làm. Nhưng phải luôn học hỏi, càng học hỏi Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều mới lạ về tình yêu của Thiên Chúa để chúng ta sống tốt hơn.

Mạnh Phương
06 Tháng Chín

Không Mong Ðền Ðáp

Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.
Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là ngươòi thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.
Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.
Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.
Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: "Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?".
Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.

Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại... Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.
Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại... Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.
Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.
Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng...
Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng... Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng.Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt... Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.


(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét