THỨ BẢY 07/09/2013
Thứ Bảy Tuần XXII
Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Cl 1, 21-23
"Người đã giao hoà anh em,
để làm cho anh em nên thánh thiện và tinh tuyền".
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh
em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ xa lạ và thù nghịch trong tư tưởng và
trong hành động xấu xa. Nhưng hiện nay, Thiên Chúa đã giao hoà anh em trong xác
thịt của Đức Kitô, nhờ cái chết của Người, làm cho anh em nên thánh thiện, tinh
tuyền, không có gì đáng trách trước mặt Người, miễn là anh em được xây dựng,
kiên trì trong đức tin, bền vững và không lay chuyển khỏi lòng trông cậy vào
Tin Mừng, mà anh em đã được nghe biết và đã được loan báo cho mọi tạo vật dưới
bầu trời, là Tin Mừng mà chính tôi, Phaolô, là người phục vụ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 53, 3-4. 6 và 8
Đáp: Kìa, Thiên Chúa phù trợ tôi (c.
6a).
1) Ôi Thiên Chúa,
xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi
Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin. - Đáp.
2) Kìa, Thiên Chúa
phù trợ tôi, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn tôi. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật
lên Chúa, lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo. - Đáp.
ALLELUIA:
Tv 110, 8ab
Alleluia, alleluia!
- Lạy Chúa, mọi giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn ngàn đời. - Alleluia.
PHÚC ÂM:
Lc 6, 1-5
"Tại sao các ông làm điều
không được phép làm trong ngày Sabbat?"
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Trong
một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến,
vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: "Tại
sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?" Chúa Giêsu trả
lời họ rằng: "Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ
tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và
cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành
cho các trưởng tế mà thôi". Và Người bảo họ rằng: "Con Người làm chủ
cả ngày Sabbat". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Ý
Nghĩa Của Lề Luật
Về triết gia Ðavít
Hume của Anh vào thế kỷ 18, người ta kể một giai thoại như sau: Một hôm, có một
quận công hỏi ông:
- Theo ông thì đối
tượng của luật pháp là gì?
Ðavít Hume trả lời:
- Ðó là để phục vụ
cho lợi ích lớn nhất của số lớn nhất.
Quận công hỏi lại:
- Thế thì theo ông
số lớn nhất là gì?
Triết gia đáp:
- Số lớn nhất là số
một.
Ðây là thực tế thường
xảy ra trong luật pháp của nhiều quốc gia: số lớn nhất thường chỉ là một thiểu
số. Luật pháp được làm ra không phải là để phục vụ mọi người, mà chỉ nhắm đến
quyền lợi của thiểu số mà thôi.
Vào thời Chúa
Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để triệt hạ và chối bỏ người
khác. Truyện được ghi trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình cho biết bao trường
hợp nhân danh pháp luật để đè bẹp con người. Chúa Giêsu đã thách thức cho đến
cùng thái độ như thế. Thật ra, Chúa Giêsu không phải là một con người sống
ngoài luật pháp, Ngài đến để kiện toàn lề luật. Nhưng sở dĩ Chúa Giêsu chống lại
luật pháp là bởi vì luật pháp đó phi nhân hoặc chối bỏ con người. Các môn đệ vì
đói nên bứt bông lúa mà ăn, thật ra không phải là vi phạm ngày Hưu lễ. Không có
khoản luật nào trong các sách luật xem một hành động như thế là vi phạm ngày
Hưu lễ; nếu có thì chỉ là vi phạm một trong 39 hành động mà các nhà chú giải Do
thái đã thêm vào qui định của ngày Hưu lễ mà thôi. Hơn nữa, Chúa Giêsu đã dẫn
chứng hành động của Vua Ðavít và Ngài khẳng định: hành động của các môn đệ
không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì
lề luật. Ðó là ý nghĩa của luật pháp mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận
với những Biệt phái. Khi luật pháp chống lại con người, nghĩa là chối bỏ phẩm
giá và quyền lợi cơ bản của con người, thì luật pháp đánh mất ý nghĩa và không
còn lý do để hiện hữu nữa; trong trường hợp đó, dĩ nhiên không tuân hành luật
pháp là một thái độ thích đáng.
Thật ra, khi luật
pháp chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì luật pháp đó
cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Gioan đã hành động một
cách cương quyết khi dõng dạc tuyên bố trước Công nghị Do thái: "Thà vâng
lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Chẳng hạn, khi luật pháp một quốc
gia cho phép phá thai, nghĩa là tước đoạt quyền sống của con người, thì chống lại
luật pháp đó là một nghĩa vụ. "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài
người". đó là nguyên tắc nền tảng hướng dẫn người Kitô hữu trong các quan
hệ xã hội của họ. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ của Ngài một thái độ dứt
khoát tận căn: không thể vừa vâng lời Thiên Chúa, vừa chạy theo những gì chống
lại Thiên Chúa.
Nguyện xin Chúa cho
chúng ta ơn can đảm để luôn biết nói không với những gì loại trừ con người và
xúc phạm đến Thiên Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm xác tín và vâng
phục cho đến cùng, để trong mọi sự, chúng ta chỉ tìm thánh ý Chúa và xây dựng
những giá trị Nước Trời.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 22 TN1
Bài đọc: Col 1:21-23; Lc 6:1-5.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần chú trọng đến những gì là
chính yếu.
Nhiều người chỉ nhắm
một cái lợi trước mắt mà không để ý đến cả đống cái hại sau lưng, hay vịn vào lề
luật để vạch lá tìm sâu mà quên đi nguyên tắc căn bản và nền tảng đưa đến lề luật
đó. Hậu quả là họ phải gánh lấy bao tai hại xảy đến trong tương lai. Vì thế,
con người cần có thời gian để học hỏi, suy xét, và thảo luận trước khi làm bất
cứ việc gì, để tránh lối nhìn thiển cận, một chiều, và quyết định độc đoán.
Các Bài Đọc hôm nay
chú trọng đến việc tìm ra những điều nền tảng và quan trọng trong việc sống đạo.
Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô muốn các tín hữu Colossê tập trung vào Đức Kitô:
những gì Ngài đã dạy dỗ và đã làm cho con người. Mục đích là để các tín hữu tập
luyện các nhân đức để biết sống mỗi ngày một thánh thiện hơn, đức tin mỗi ngày
một vững bền hơn, và đừng bao giờ mất niềm hy vọng vào Tin Mừng. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu bênh vực các môn đệ của Ngài khi bị các kinh-sư và biệt-phái tố cáo
đã vi phạm luật ngày Sabbath. Ngài nhắc nhở cho họ biết nguyên lý của ngày
Sabbath là để phục vụ con người, và luật ngày Sabbath không áp dụng cho Thiên
Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi đã được
trở nên người phục vụ Tin Mừng.
1.1/ Đức Kitô phải là
trọng tâm của đời sống Kitô hữu:
Để hiểu tầm quan trọng của Đức Kitô, thánh Phaolô so sánh vận mạng của các tín
hữu trước và sau khi họ tin vào Đức Kitô:
+ Trong quá khứ: "Xưa kia, anh em là những
người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của
anh em."
+ Hiện nay: "Nhờ Đức Giêsu là con người
bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người,
để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt
Người."
Các tín hữu Colossê
đa số là những người Hy-lạp và Dân Ngoại; vì trước kia họ không tin Thiên Chúa,
nên cũng chẳng biết những gì Ngài dạy dỗ để sống. Hậu quả là họ sống trong tội
lỗi theo những gì họ suy nghĩ. Nhưng nhờ việc rao giảng Tin Mừng của Phaolô, họ
biết Thiên Chúa và tin vào Đức Kitô; nên họ được máu Đức Kitô thanh tẩy mọi tội
lỗi và được hòa giải với Thiên Chúa.
1.2/ Cần giữ vững đức
tin và niềm hy vọng:
Tuy đã được Đức Kitô thanh tẩy và hòa giải với Thiên Chúa bằng cái chết của
Ngài, người tín hữu vẫn còn phải đương đầu với bao nhiêu cám dỗ hằng ngày của
ba thù. Để có thể trung thành với Thiên Chúa cho đến giây phút cuối cùng, người
tín hữu cần làm hai việc chính yếu sau đây:
(1) Đào luyện đức
tin: Tuy đức tin là quà
tặng của Thiên Chúa ban cho con người, nhưng con người có bổn phận làm cho đức
tin tăng trưởng và vững chắc. Chúa Giêsu đã ví đức tin như hạt giống, cần phải
chăm sóc để có thể thành cây và sinh hoa kết trái; nếu không được chăm sóc, hạt
giống đức tin có thể bị ma quỉ lấy đi bất cứ lúc nào. Để đào tạo đức tin, con
người cần học hỏi những gì Đức Kitô dạy dỗ và biết thực hành trong cuộc sống.
(2) Giữ vững niềm
hy vọng: Theo Tin Mừng, niềm
hy vọng cao trọng nhất của con người là được sống trường sinh và hạnh phúc bên
Thiên Chúa sau cuộc sống tạm thời trên dương gian này. Giống như đức tin, ma quỉ
có thể cất đi niềm hy vọng này bằng cách đưa ra những vinh quang hào nhoáng và
danh vọng tạm thời. Để giữ vững niềm hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu, con người
cần tập sống theo tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời, theo Bát Phúc của Đức
Kitô, và những gì Ngài dạy dỗ trong Tin Mừng. Nói tóm, điều cần thiết nhất
trong cuộc đời là hiểu biết, sống, rao giảng, và làm chứng cho Tin Mừng.
2/ Phúc Âm: Luật ngày
Sabbath làm ra là để phục vụ con người.
2.1/ Các môn đệ bị tố
cáo vi phạm luật ngày Sabbath: Vào
một ngày Sabbath, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa,
vò trong tay mà ăn. Khi mấy người Pharisees nhìn thấy, họ tố cáo: "Tại sao
các ông làm điều không được phép làm ngày Sabbath?"
Theo truyền thống
Do-thái, ngày Sabbath có nguồn gốc trong Sách Sáng Thế: sau khi Thiên Chúa hoàn
tất việc tạo dựng trong sáu ngày, Ngài nghỉ ngơi ngày thứ bảy và truyền cho con
người cũng phải nghỉ ngơi trong ngày đó. Tại sao Thiên Chúa muốn có ngày
Sabbath? Có hai lý do chính:
(1) Để con người có
thời giờ nghỉ ngơi sau sáu ngày vất vả làm việc: Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người, Ngài biết và muốn
con người có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức. Không phải chỉ cho con người; mà
các gia súc, cây cối, và đất đai cũng cần có thời gian nghỉ ngơi trước khi tiếp
tục làm việc và sinh hoa kết trái. Nếu không biết nghỉ ngơi, con người dễ bị
lao lực, bệnh tật, và không đem lại hiệu quả tốt đẹp.
(2) Để con người
trau dồi đời sống tâm linh: Con
người là tập hợp của linh hồn và thân xác. Trong ngày Sabbath, khi thân xác được
nghỉ ngơi, linh hồn cần được nuôi dưỡng bằng các của ăn thiêng liêng như nghe Lời
Chúa và chịu Mình Thánh Chúa để lấy nghị lực cho tâm hồn.
Nếu không biết tận
dụng ngày Sabbath, con người sẽ tiếp tục làm việc, hay lãng phí thời giờ và nghị
lực vào những cuộc ăn chơi vô bổ, để rồi chẳng những thân xác thêm mệt mỏi, mà
linh hồn cũng bị đói khát những lương thực tinh thần. Truyền thống Do-thái có
thói quen dành ngày Sabbath để học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện trong các hội
đường.
Luật ngày Sabbath cấm
làm việc xác là cho hai mục đích này, chứ không phải nhắm chi li đến những điều
nhỏ nhặt, được làm hay không được làm trong ngày đó. Những chi tiết nhỏ nhặt là
do con người thêm vào sau này.
2.2/ Câu trả lời của
Chúa Giêsu: Luật ngày Sabbath
không tuyệt đối, vì có những trường hợp ngoại lệ:
(1) Được làm việc nếu
cần để có của ăn sinh sống: Giáo
Hội ban phép cho những ai vì quá nghèo mà phải lao động kiếm ăn mới đủ sống. Đức
Giêsu cũng đưa ra một trường hợp phải ăn để bảo toàn sự sống, ngay cả ăn thứ bị
ngăn cấm: "Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì
khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho
thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi." Việc các môn
đệ của Ngài phải ăn vì đói là điều được phép làm trong ngày Sabbath. Các Biệt-phái
tố cáo các môn đệ làm việc xác, vì đã "bứt lúa," "vò trong
tay," và "chuẩn bị" để có hạt lúa ăn.
(2) Luật ngày
Sabbath không áp dụng cho Thiên Chúa: Chúa
Giêsu tuyên bố với họ: "Con Người làm chủ ngày Sabbath." Thiên Chúa
nghỉ ngơi không tạo dựng, nhưng Ngài vẫn quan phòng và điều khiển mọi sự việc
trong vũ trụ; và Ngài quan phòng bằng theo sự khôn ngoan của Ngài, mà sự khôn
ngoan của Thiên Chúa là chính Ngôi Lời. Chúa Giêsu có lý do để tuyên bố
"Con Người làm chủ ngày Sabbath."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần học
hỏi để biết những gì là chính yếu trong đạo thánh Chúa. Nếu chỉ bằng lòng với
việc đọc kinh cho nhiều hay chú trọng đến các hình thức thờ phượng bên ngoài,
chúng ta khó có thể phát triển mối liên hệ thâm sâu với Chúa và sống hài hòa với
mọi người.
- Biết những gì là
chính yếu cũng giúp chúng ta trong việc làm những quyết định khôn ngoan trong
cuộc đời, và biết hướng dẫn người khác trong khi rao truyền Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh Minh
Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 22 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Lc 6,1-5
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu và biệt phái tranh luận nhau về việc
sống ngày sabát :
- Biệt phái chỉ biết giữ luật nghỉ ngơi ngày
sabát. Nên khi họ thấy các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa trong ngày này thì họ lên
án.
- Chúa Giêsu hiểu luật ngày sabát nhằm giải phóng
con người, nên trách bệt phái đã quá câu nệ chữ nghĩa của luật mà không hiểu
tinh thần.
B.... nẩy mầm.
1. Ngày Chúa nhựt, nếu tôi chỉ biết nghỉ làm việc
và đi dự lễ thì chưa chắc là tôi đã “thánh hóa” ngày đó theo đúng ý muốn của
luật Giáo Hội. Tôi còn phải yêu mến Chúa nhiều hơn và quan tâm đến anh em tôi
hơn.
2. Nếu tôi giữ luật chỉ vì đó là luật thì việc
giữ luật của tôi không đem lại lợi ích thực nào cho tôi mà lại thêm nặng nề khó
chịu. Nếu tôi buộc người khác giữ luật chỉ vì đó là luật thì cũng chẳng ích lợi
gì cho người khác, trái lại càng làm cho người khác khổ sở thêm.
3. “Con Người là chủ của ngày hưu lễ” : Chúa
Giêsu là chủ của ngày Chúa nhựt. Ngày Chúa nhựt tôi có quy hướng mọi sự về Chúa
Giêsu không ?
4.
“Con Người làm chủ ngày sabát” (Lc 6,5)
Hồi bé, tôi luôn phải nghe đi nghe lại điệp khúc
: “nghỉ chơi đi lễ, lễ xong về chơi chẳng muộn”. Vâng, tôi đã đi lễ, nhưng đi
một cách miễn cưỡng. Giáo Hội thật “ác”, đặt ra bao điều phải theo.
Bây giờ tôi đến với thánh lễ không phải vì những
luật lệ, những “điệp khúc” hồi bé, nhưng bằng chính tấm lòng, bằng sự khao khát
của con tim, của tâm hồn muốn có được sự bình an vĩnh cửu. Nghĩ lại, tôi thầm
cám ơn Chúa vì những luật lệ trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, xin cho con đến với Chúa không phải vì
lề luật đòi buộc, nhưng với cả tấm lòng của một người con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp.Cần Thơ
07/09/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 6,1-5
Lc 6,1-5
CHỌN CON NGƯỜI THỰC
“Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào
nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này chỉ có tư tế
mới được ăn mà thôi.” (Lc 6,3-5)
Suy niệm: Bánh dâng tiến trong đền thờ tạm bấy giờ gồm
có 12 ổ tượng trưng của lễ 12 chi tộc dâng lên Chúa để tạ ơn Ngài. Mỗi tuần
thay bánh một lần và bánh cũ phải thay là lộc dành riêng cho tư tế. Bình thường
tự tiện ăn thứ bánh này là có tội. Thế nhưng khi vua Đa-vít và thuộc hạ bị đói
ăn, thì chính tư tế Akhimêléc cho Đa-vít và các thuộc hạ ăn (1Sm 21,2-7). Khi
đem câu chuyện này kể lại để bênh vực cho việc các môn đệ bứt lúa trong ngày
sa-bat, Chúa Giêsu cho thấy phải ưu tiên chăm lo cho nhu cầu cấp bách thiết thực
của con người hơn là cứng nhắc với những lễ nghi, qui ước con người bày đặt ra.
Mời Bạn: Người ta thường dễ đánh mất con người thực của
mình và của tha nhân khi mơ tưởng trở thành những “siêu nhân”, “bá chủ thế
giới”, xây dựng “thiên đường dưới thế”… Con người ngày nay, nhất là giới trẻ
vẫn tiếp tục bị cám dỗ về điều đó khi mải mê “lướt mạng” với những trò chơi,
những mối quan hệ trên “thế giới ảo” đến độ quên mất thế giới thực với những
con người thực là anh chị em sống ngay bên cạnh mình.
Sống Lời Chúa: Năm học mới bắt đầu. Là học sinh, sinh viên,
tôi sử dụng mạng điện toán cách khôn ngoan, lành mạnh. Là phụ huynh, tôi giúp
con em sử dụng những phương tiện hiện đại ấy một cách trưởng thành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con sự khôn ngoan của Chúa để con biết
đầu tư công sức thì giờ đem lại yêu thương, hạnh phúc cho tha nhân hơn là chạy
theo những gì phù phiếm, giả dối ở đời.
Điều
không được phép làm
Mọi luật lệ được đặt ra để phục vụ con người và
thăng tiến nó. Đôi khi chúng ta phải nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu để
điều chỉnh lại cho phù hợp với những nhu cầu mới của con người.
Suy niệm:
“Tại sao các ông lại ăn
uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”
“Tại sao môn đệ ông lại
không ăn chay?”
“Tại sao môn đệ ông không
chịu rửa tay khi dùng bữa?”
Mấy người Pharisêu có vẻ
thích đặt những câu hỏi tại sao.
Và trong bài Tin Mừng hôm
nay, họ lại đặt một câu hỏi nữa:
“Tại sao các ông làm điều
không được phép làm trong ngày sabát?”
Câu chuyện đơn giản như
sau:
Thầy Giêsu và các trò đi
ngang qua một cánh đồng lúa chín.
Các môn đệ đói nên bứt
những bông lúa, vò trong tay cho vỏ tróc ra mà ăn.
Hành vi này được phép
làm, dựa theo sách Đệ nhị luật (23, 26).
Nhưng vì đó là ngày
sabát, nên lại không được phép làm.
Thật ra sách Xuất hành
chỉ cấm gặt lúa vào ngày sabát thôi (34, 21).
Nhưng truyền thống đã
dựng thêm một hàng rào bảo vệ,
bằng cách coi bứt lúa
cũng là một hình thức gặt lúa.
Bởi thế các môn đệ bị coi
là đã vi phạm luật giữ ngày sabát.
Thầy Giêsu lại một lần
nữa bênh vực học trò của mình.
Ngài bắt đầu câu trả lời
bằng việc đưa các ông Pharisêu về với Kinh Thánh.
Chẳng lẽ những người trí
thức như họ mà đã không đọc chuyện này rồi sao.
Đó là chuyện vua Đavít và
thuộc hạ đói bụng, đã được ăn “bánh thánh”,
khi họ đến đền thờ Nốp,
gặp tư tế Akhimêléc (1 Sm 21, 2-7).
Vị tư tế này đã cho họ ăn
thứ bánh đặt trước nhan Đức Chúa (Xh 25, 30)
mà chỉ tư tế mới được
phép ăn (c. 4; Lv 24, 9),
khi 12 bánh cũ của tuần
trước được thay bằng bánh mới vào ngày sabát.
Akhimêléc đã làm điều
không được phép, vì bánh thường không còn.
Đứng trước cơn đói của
Đavít, ông đã không quay đi vì nệ luật.
Đức Giêsu dùng câu chuyện
này để bênh các môn đệ đang đói của Ngài,
dù nó không liên quan gì
đến chuyện giữ ngày sabát.
Như tư tế Akhimêléc, Ngài
cũng không quay đi vì nệ luật.
Hơn nữa, Ngài khẳng định
mình là chủ ngày sabát (c. 5).
Đức Giêsu không dẹp bỏ
ngày sabát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.
Chính Ngài cho ta biết
cách giữ ngày sabát theo đúng ý Thiên Chúa.
Tội nghiệp các môn đệ bị
đói, vì họ đã bỏ mọi sự mà theo Thầy Giêsu.
Họ chấp nhận bữa đói bữa
no với một vị Thầy lang thang đây đó,
sống hoàn toàn nhờ lòng
tốt của người nghe.
Mấy bông lúa có là gì để
tránh cái cồn cào trong ruột.
Thầy Giêsu đã từng nếm
cái đói, và thèm một trái vả (Mc 11, 13).
Thầy đã từng khát và xin
nước của người phụ nữ (Ga 4, 7).
Bởi đó Thầy hiểu được cái
đói khát hành hạ con người mọi thời.
Mọi luật lệ được đặt ra
để phục vụ con người và thăng tiến nó.
Đôi khi chúng ta phải
nhìn lại những luật đã quen giữ từ lâu
để điều chỉnh lại cho phù
hợp với những nhu cầu mới của con người.
Làm sao để luật không đè
bẹp, nhưng nâng đỡ con người sống tốt hơn?
Làm sao để khi áp dụng
luật, tôi vẫn giữ được sự mềm mại của tình yêu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn
thiếu ăn,
vì bên con còn có người
đói lả.
Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,
vì bên con còn có người
đang khát.
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
vì bên con còn có người
phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,
vì bên con còn có người
mù tối.
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,
vì bên con còn có người
trần trụi.
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao
người thiếu thốn.
(Myrtle Householder)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
SUY NIỆM
Tôi rất thích Chúa Giêsu
vì mỗi lần các môn đệ của Người phạm luật của người Do thái, hay khi các môn đệ
sai lỗi thì Người lại bênh vực và tha thứ. Qua đó tôi nhận ra bản chất tuyệt
hảo của Chúa Giêsu đó là Người luôn thấu hiểu, luôn yêu thương, tha thứ và mở
cho người khác một con đường sống. Được người khác thông cảm tha thứ và bênh đỡ
khi mình yếu đuối lỡ lầm là một niềm vui rất lớn. Thật may mắn cho các môn đệ
đã được tận hưởng niềm vui này nơi Thầy Giêsu.
Thật vậy, trong cuộc
sống, người ta thường tìm sơ hở của nhau để triệt hạ nhau. Phải chăng tôi cũng
đang sống trong vòng xoáy đó khi tôi phê bình chỉ trích người khác?
Chúa Giêsu đã khai mở một
phong cách sống mới: sống quân tử, sống thông cảm và yêu thương. Cách sống này
làm biến đổi con người và thay đổi thế giới.
Lạy Chúa, Chúa muốn con
đi theo con đường Chúa đã vạch ra, đó là con đường biết sống quảng đại để nhìn
người khác với các ưu điểm của họ, biết thơng cảm và khích lệ nhau để mọi người
cố gắng vượt khó mà thi hành ý Chúa. Xin Chúa cho con có đôi tay sẵn sàng giúp
đỡ mỗi khi tha nhân cần. Xin Chúa thánh hóa miệng lưỡi con để con đừng thốt ra
những lời chỉ trích cay nghiệt, nhưng biết dùng những lời nói êm dịu chân thành
hầu đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín
7
THÁNG CHÍN
Liên Kết
Với Cây Nho
Dưới
tác động của Chúa Thánh Thần, mối kết hiệp thiêng liêng giữa cành và cây phải
được củng cố. Bản thân người được kêu gọi và Chúa Kitô phải hiệp nhất ngày càng
thâm sâu hơn. Và điều này nhất thiết có nghĩa rằng đương sự phải có kỷ luật sống
và biết hy sinh – cách riêng phải biết học hỏi và cầu nguyện. Chính sự hy sinh
sẽ giải phóng trái tim chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể nhiệt thành bám chặt
vào Lời Chúa. Chính sự hy sinh sẽ thúc đẩy chúng ta quên mình để phục vụ anh chị
em mình. Như thánh Gioan viết: “Cành nào sinh hoa trái, thì sẽ được cắt tỉa để
sinh nhiều hoa trái hơn”. (Ga 15,2). Vì vậy, bạn đừng nghi ngờ tình yêu Thiên
Chúa khi phải đối diện với những thử thách hay khổ đau – bởi vì Chúa “cắt tỉa”
những ai Người yêu mến để người ấy sinh hoa trái dồi dào hơn.
Để
nên một với Đức Kitô, chúng ta phải đón nhận trọn vẹn Lời của Người. Lời này được
chuyển đạt cho chúng ta qua Thánh Kinh và qua truyền thống Giáo Hội. Giáo Hội
gìn giữ và giới thiệu Lời Chúa trong tất cả vẻ tinh ròng, nhất quán và trong tất
cả sức mạnh của Lời đó. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần và nhờ đoàn sủng của
quyền giáo huấn, Giáo Hội có thể chuyển trao Tin Mừng cho mọi thế hệ. Thật vậy,
một thái độ vâng phục trong tình yêu đối với quyền giáo huấn đích thực của Giáo
Hội sẽ đảm bảo cho chúng ta nắm bắt được Lời của Thiên Chúa. Bởi nếu không bám
vào Lời Chúa, chúng ta sẽ không thể kết hiệp với Đức Kitô – sự kết hiệp đem lại
cho ta sự sống. Trung thành với quyền giáo huấn của Giáo Hội, đó là một điều kiện
tất yếu để có thể nhận hiểu đúng các “dấu chỉ của thời đại”. Nhờ đó chúng ta được
ở trong mối liên kết với Cây Nho trao ban nguồn sống.
- suy
tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê
Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 07-9
Cl 1, 21-23; Lc 6, 1-5
LỜI SUY NIỆM: Trong
câu chuyện các môn đệ bứt lúa ăn trong ngày Sa-bát lúc đi đường. Nhưng có mấy
người Pharisêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày Sa-bát”
(Lc 6,2)
Như chúng ta được biết,
Ngày Sa-bát được lập ra để con người được nghỉ ngơi sau một tuần lao nhọc.
Không những dành để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng còn phải nghỉ ngơi để đem lại
thư thái, bồi bổ cho thân xác và tinh thần. Để có sức tiếp tục lao động cho tuần
tới. Thiên Chúa không muốn con cái của Ngài phải nô lệ vật chất. Nhưng với người
Pharisêu, họ đã quá câu nệ hình thức, tìm cách bắt bẻ người khác để tự đề cao
mình lên. Trong cuộc sống hôm nay có rất nhiều khó khăn cho việc mưu sinh. Chúng
ta đã quá mất nhiều thời gian và công sức. Nên ngày Chúa nhật chúng ta cần phải
biết quý trọng. Ngày Chúa Nhật là ngày của Chúa. Đây cũng là ngày dành cho gia
đình sum vây bên bàn ăn hay là được vui chơi chung với nhau; chia sẻ, trao đổi
để thể hiện sự quan tâm đến nhau.
Mạnh Phương
07 Tháng Chín
Ðâu Là Hạnh Phúc Ðích Thực
Seiji Katagire, một phi công Nhật Bản, đang trên cần lái của chiếc
phản lực cơ DC 8 của hãng hàng không dân sự với 174 hành khách trên tàu. Ðang
lúc anh chuẩn bị đáp xuống phi trường Ðông Kinh, thì anh bỗng nghe được những
âm thanh khủng khiếp báo hiệu một sự chết chóc rùng rợn. Do phản ứng tự nhiên,
anh đã kéo giật cần lái, khiến cho chiếc máy bay đâm nhào xuống đất gây tử
thương cho 24 hành khách và hàng trăm người bị thương.
Khi cuộc điều tra về tai nạn kết thúc thì anh được gửi ngay đến
bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ về khoa thần kinh học cho rằng những tiếng kêu
gào khủng khiếp mà viên phi công đã nghe được, xuất hiện ngay trong cơn ác mộng
giữa lúc tỉnh táo của anh và đó chính là nguyên nhân gây ra tai nạn... Theo các
bác sĩ tâm thần, ác mộng xảy ra trong tình trạng nửa tỉnh nửa mơ là dấu hiệu
báo trước một cơn khủng hoảng tinh thần.
Theo những con số chính xác được tiết lộ từ các bệnh viện thần
kinh tại Nhật Bản, thì con số người mắc bệnh mất trí và thác loạn thần kinh đã
gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế tại quốc
gia này... Người Nhật Bản nổi tiếng là người cần cù siêng năng nhất thế giới. Từ
em bé mới tập tễnh cắp sách đến trường với một vị bộ trưởng trong chính phủ, tất
cả mọi người đều lấy sự bon chen và lấy sự phấn đấu làm phương châm của cuộc sống...
Sự cố gắng đó vừa đưa nước Nhật đến chỗ phồn thịnh cũng vừa xô đẩy người dân đến
tình trạng căng thẳng không ngừng. Một chút lơ đễnh có thể đưa đến thất bại, một
chút sơ sót có thể đưa đến chỗ mất công ăn việc làm... Tự ái cá nhân và tự ái
dân tộc khiến người Nhật không chịu đựng được sự thất bại. Một lần thi trượt có
thể xô ngã không biết bao nhiêu học sinh Nhật đến chỗ tự vận.
Nhật Bản là quốc gia được coi là mạnh nhất Á Châu và là nước một
trong những kỹ thuật cao nhất thế giới. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: liệu sự giàu
có phồn thịnh đó có đem lại cho con người hạnh phúc hay không?
Hạnh phúc là một cái gì vô cùng tương đối... Nhà giàu đứt tay bằng
ăn mày đổ ruột.
Chúng ta hãy thử so sánh niềm vui của các trẻ em thuộc hai xã hội
khác nhau. Trong một gia đình mà cơm trắng được coi như một thứ xa xỉ phẩm, thì
chắc chắn một ổ bánh mì tây sẽ tạo cho các em bé trong gia đình nghèo một niềm
vui gấp nghìn lần niềm vui của những em bé suốt đời sống trên nhung lụa và ăn
toàn cao lương mỹ vị.
Một chiếc áo mới mỗi năm chỉ được mặc một lần của em bé nhà
nghèo có lẽ sẽ làm cho em bé đó vui hơn tất cả những em bé suốt đời chỉ biết có
lụa là gấm vóc.
Của cải vật chất là một điều kiện cần thiết để cho con người được
sống xứng với phẩm giá con người. Những phương tiện kỹ thuật giúp con người
phát triển nhiều hơn trong nhân cách. Sự sung túc về vật chất phải đem lại sự
phát triển nhân bản và tinh thần. Có hiều hơn để nên người nhiều hơn: đó là khẩu
hiệu người ta thường đề ra để kêu gọi giúp đỡ các nước kém mở mang... Tuy
nhiên, tự nó, của cải vật chất, sự giàu có, những phương tiện văn minh tiến bộ
không phải là cùng đích của con người.
Người Kitô luôn thức tỉnh để đánh giá đúng những phương tiện vật
chất họ đang sử dụng hay đang tìm cách để đắc thủ. Sự chạy đua với những phương
tiện vật chất không nên làm họ mờ mắt, bán đứng lương tâm của mình.
Hạnh phúc duy nhất và đích thực trong cuộc sống của người Kitô
phải là chính Chúa. Có được hạnh phúc đó trong tâm hồn, chúng ta sẽ đánh giá
đúng mức của cải vật chất và đồng thời sẽ tìm được hạnh phúc ngay trong những
điều kiện thiếu thốn nhất của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
Thứ Bẩy 7-9
Chân Phước Frederick Ozanam
(1813 -1853)
Vì tin tưởng ở giá trị vô
cùng của mỗi một con người, Frederick đã phục vụ người nghèo ở Balê và đã lôi
cuốn những người khác phục vụ người nghèo trên thế giới. Qua tổ chức St.
Vincent de Paul, công việc của Chân Phước Frederick còn tiếp tục cho đến ngày
nay.
Frederick là con thứ năm
trong 14 người con của ông bà Jean và Marie Ozanam, và là một trong ba người
còn sống cho đến tuổi trưởng thành. Khi là thiếu niên, anh nghi ngờ tôn giáo của
mình. Việc đọc sách thánh và cầu nguyện dường như không giúp ích gì, nhưng sau
những lần thảo luận với Cha Noirot của Ðại Học Lyons đã làm sáng tỏ nhiều vấn
đề.
Frederick muốn học về
văn chương, mặc dù cha anh, một bác sĩ, muốn anh trở thành một luật sư.
Frederick vâng theo ý cha và năm 1831 anh đến Balê học luật tại đại học
Sorbonne. Khi một vài giáo sư chế nhạo giáo huấn Công Giáo trong các bài giảng,
Frederick lên tiếng bảo vệ Giáo Hội.
Một câu lạc bộ về biện
luận do Frederick thành lập đã thay đổi hướng đi cuộc đời anh. Trong câu lạc bộ
này, người Công Giáo, người vô thần và người chủ trương bất-khả-tri tranh luận
về những vấn đề xảy ra hàng ngày. Có một lần, sau khi Frederick nói về vai trò
của Kitô Giáo trong nền văn minh, một hội viên lên tiếng: "Này ông
Ozanam, chúng ta hãy thành thật với nhau và hãy thiết thực. Tôi hỏi ông, ngoài
việc thảo luận ông còn làm gì để chứng tỏ đức tin của ông?"
Frederick đau điếng bởi
câu hỏi ấy. Sau đó anh quyết tâm rằng lời nói phải đi đôi với hành động. Và
cùng với một người bạn, anh đến thăm những người nghèo ở chung cư Balê và giúp
đỡ bất cứ gì họ có thể. Không bao lâu một nhóm người thiện chí nhằm giúp đỡ
những ai có nhu cầu được thành lập dưới sự bảo trợ của tổ chức St. Vincent de
Paul do Frederick đứng đầu.
Nghĩ rằng đức tin Công
Giáo cần phải được một nhà thuyết giảng nổi tiếng giải thích các giáo huấn,
Frederick nài nỉ Ðức Tổng Giám Mục Balê chỉ định Cha Lacordaire, nhà thuyết
giảng đại tài của Pháp thời ấy, đến giảng trong Tuần Thánh ở Vương Cung Thánh
Ðường Notre Dame. Người ta tham dự rất đông và từ đó trở đi đã trở thành một
truyền thống hàng năm ở Balê.
Sau khi tốt nghiệp đại
học Sorbonne, Frederick dạy luật tại Ðại Học Lyons. Ngài cũng đậu bằng tiến sĩ
văn chương. Sau đó, vào ngày 23-6-1841, ngài kết hôn với Amelie Soulacroix, và
trở về Sorbonne dạy văn chương. Là một giảng viên đáng kính nể, Frederick đã
đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Trong khi đó, tổ chức St. Vincent de Paul
lan tràn khắp Âu Châu. Riêng ở Balê có tới 25 chi nhánh.
Vào năm 1846, Frederick,
Amelie và cô con gái Marie đến nước Ý; ở đây Frederick hy vọng sẽ phục hồi sức
khỏe yếu kém của mình. Và họ đã trở lại Ý vào năm sau đó. Cuộc cách mạng 1848
đã khiến nhiều người ở Balê cần đến sự giúp đỡ của tổ chức St. Vincent de Paul.
Số người thất nghiệp lên đến 275,000. Chính phủ yêu cầu Frederick và các cộng
tác viên của ngài trông coi tổ chức giúp đỡ người nghèo của chính phủ. Các hội
viên St. Vincent de Paul ở khắp Âu Châu tuốn đến Balê để giúp đỡ.
Sau đó Frederick thành
lập tờ báo, Thời Ðại Mới, để bảo vệ sự công chính cho người nghèo và giới lao
động. Nhiều người Công Giáo không vui với những bài viết của Frederick. Cho
rằng người nghèo là "tư tế của dân tộc," Frederick nói rằng sự
đói khát và mồ hôi của người nghèo tạo thành một hy lễ có thể đền bù tội lỗi
nhân loại.
Vào năm 1852, sức khỏe
yếu kém buộc Frederick phải trở về Ý với vợ và cô con gái. Ngài từ trần ngày
8-9-1853. Trong tang lễ của Frederick, Cha Lacordaire mô tả ngài như "một
trong những tạo vật được đặc ân trực tiếp xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa, mà
trong con người ấy Thiên Chúa đã nối kết sự nhạy cảm với kỳ tài để khích động
thế giới."
Frederick được phong
chân phước năm 1997. Vì ngài có viết một tuyệt tác nhan đề Thơ Thánh Phanxicô
Trong Thế Kỷ 13, và vì cảm nhận của ngài về phẩm giá của người nghèo rất gần
với tư tưởng của Thánh Phanxicô, nên thật thích hợp để coi ngài là một trong
những "vĩ nhân" của dòng Phanxicô.
Lời Bàn
"Ai chế nhạo
người nghèo là xúc phạm đến Thiên Chúa" (Cách Ngôn 17:5). Frederick
Ozanam không bao giờ coi thường người nghèo trong bất cứ sự phục vụ nào mà ngài
có thể thi hành. Ðối với ngài, mỗi một người, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ em
đều thật đáng quý. Sự phục vụ người nghèo đã dạy cho Frederick những điều về
Thiên Chúa mà ngài không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác.
Lời Trích
Giáo sư Bailly, giám đốc
linh hướng cho chi nhánh đầu tiên của tổ chức St. Vincent de Paul, nói với
Frederick và các cộng sự viên về đức ái, "Cũng như Thánh Vinh Sơn, các
bạn cũng sẽ nhận ra rằng người nghèo giúp các bạn nhiều hơn là các bạn giúp họ."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét