Sám hối hoán cải trong Thánh Kinh Tân Ước
Trong Thánh Kinh Tân Ước Đức Giêsu, ngôn sứ thành Nagiarét đã bắt đầu cuộc sống rao giảng Tin Mừng với lời mời gọi mọi người sám hối: ”Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã tới gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Thánh Gioan Tẩy Giả, một cách hữu hiệu, lấy lại lời các ngôn sứ cựu ước nói với các tín hữu Do thái bị đi dầy bên Babilonia mong ước được hồi hương: ”Có tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn sẵn đường cho Chúa, sửa lối thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co hãy uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng, rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6). Vì Nước Thiên Chúa đã tới, đang ở giữa chúng ta, nên phải thay đổi hướng đi, thay đổi tâm thức, quay trở lại đàng sau. Trở lại với Thiên Chúa là Đấng luôn chờ đợi và tiếp đón kẻ tội lỗi quay về với tình yêu thương và sự tha thứ, như người cha già chờ đón đứa con hoang trở về trong dụ ngôn người con hoang đàng thánh Luca kể trong chương 15. Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa là Tình yêu thương xót, sự trở về chậm chạp và đau đớn của người con đi hoang, và thái độ mau mắn săn đón của Người cha chờ đợi và tiếp đón người con tội lỗi trở về để tha thứ và phục hồi phẩm vị là con cho anh.
Thiên Chúa đợi chờ, tiếp đón và tha thứ cho kẻ có tội qua và trong Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu không chỉ nói về sự hoán cải, mà Người là Đấng làm cho kẻ tội lỗi trở về: ”Ta không đến để kêu gọi những người công chính, nhưng kêu gọi những kẻ tội lỗi hoản cải” (Lc 5,31-32). Ngài nói với người đàn bà tội lỗi tìm đến nhà ông biệt phái Simon, khóc trên chân ngài, lấy tóc mà lau, rồi hôn chân và lấy dầu thơm mà đổ lên: ”Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7,48). Như thế chính Chúa Giêsu là người đã làm cho kẻ tội lỗi hoán cải. Người chính là nơi sự hòa giải của chúng ta, như thánh Phaolô viết trong chương 2 thư gưi tín hữu Êphêxô: ”Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan tin mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,13-18).
Chỉ khi hiểu diễn văn kinh thánh về tội lỗi, chúng ta mới đi tới chỗ hiểu ý nghĩa của việc hoan cải và tình yêu của Thiên Chúa đối với người tội lỗi, hiện diện nơi Chúa Kitô. Tội lỗi là sự bẻ gẫy tương quan với Thiên Chúa; là sự bẻ gẫy tương quan với Chúa Kitô; là sự bẻ gẫy tương quan với Giáo Hội, là cộng đoàn của các tín hữu; là sự bẻ gẫy tương quan với thế giới. Tội lỗi là chạy về với chính mình, với cái hư vô của mình, bằng cách đánh mất sự tự do là con cái của Thiên Chúa, gây ra sự vô trật tự và thù nghịch trong thế giới ngoại tại. Trái lại, hoán cải là việc sinh ra mới, là tái sinh, như lời Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: cần phải tái sinh trong nước và Thần Khí để có thể vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,3-7). Trong thư thứ I gửi Timôthê thánh Phaolô coi đó như là hoa trái cái chết tự hiến để cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô (1 Tm 2,6). Trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô gọi đó là sự giải thoát, một sư giải thoát không phải chỉ là sự tự do khỏi luật lệ cắt bì do thái, mà cũng là tự do mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa nữa, như thánh nhân khẳng định với tín hữu Êphêxô ( Ep 3,12). Hoán cải là tái thiết lập tương quan đối thoại với Thiên Chúa, với Chúa Kitô, với Giáo Hội, với thế giới. Như thế, một cách nòng cốt, sự hoán cải là thay đổi, là ”metanoia”, một sự thay đổi tận gốc rễ, bao gồm việc thay đổi cuộc sống, được ban cho bởi sự gắn bó với Chúa Kitô như là Đấng Cứu Thế.
Theo Chúa Giêsu, sự hoán cải không chỉ dừng lại nơi việc khước từ, bẻ gẫy với cuộc sống qúa khứ vì sợ hãi sự phán xét cánh chung gần kề; nó bao gồm tất cả sự biến đổi của con người, được đòi hỏi bởi Nước Thiên Chúa và cũng bao gồm lý do mới mẻ của tương quan cá nhân của con người với Thiên Chúa, nghĩa là đức tin. Tắt một lời, thay đổi, hoán cải, là điều mà biến cố Nước Thiên Chúa đến đòi buộc nơi con người. Nhưng sự đòi buộc vô điều kiện này không được thỏa mãn bởi một công trình của con người. Trong chương 18 Phúc âm thánh Mátthêu, Chúa Giêsu giải thích điều kiện để được vào Nước Trời, bằng cách lấy trẻ nhỏ làm mẫu mực: ”Thầy bảo thật các con, nếu các con không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Hoán cải là trở thành một người khác: ”Nếu các con không hoán cải và trở thành như trẻ em, các con sẽ không vào được Nước Trời” Là trẻ nhỏ có nghĩa là bé bỏng, cần sự trợ giúp của Thiên Chúa và sẵn sàng nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ai hoán cải và trở thành bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa, thì sẵn sàng để cho Thiên Chúa hoạt động trong mình, để cho Thiên Chúa thánh hóa, biến đổi, gột rửa, sửa dậy, uốn nắn mình như Người muốn. Sự hoán cải là một ơn của Thiên Chúa, nhưng là một ơn đòi hỏi bắt buộc, và đòi hỏi đầu tiên đó là con người phải tự do chấp thuận và cộng tác với Thiên Chúa.
Sau khi mời gọi con người hoán cải, Chúa Giêsu phổ biến sứ điệp Nước Thiên Chúa, và tiếp đến là lời hứa thay đổi mà Người hiện thực như là Đấng chuẩn bị Nước Thiên Chúa. Sự thay đổi đầu tiên là lời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tất cả là những kẻ gồng gánh năng nề hãy đến cùng Người, để Người cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức lực: ”Các con hãy mang lấy ách của Ta và học cùng Ta vì Ta nhân hậu và khiêm nhường trong lòng. Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Ta êm ái, và gánh của Ta nhẹ nhàng” (Mt 11,28-29).
Nếu phép rửa trong nước của Gioan Tẩy Giả giục lòng con người chờ đợi ơn cứu rỗi hoán cải (Mt 3,11), thì phép rửa của Thánh Thần mà Chúa Giêsu ban với quyền năng của Đấng đem thế giới tới chỗ thành toàn, không gì khác hơn là sự rộng ban quyền năng của Thiên Chúa tạo dựng các con người chủ thể cho Nước Thiên Chúa, nghĩa là những người hoán cải. Mặc dù có sự khắt khe đòi hỏi của nó, sứ điệp hoán cải Chúa Giêsu rao giảng không khiến cho hối nhân phải khổ sở vì các việc hãm mình đền tội và thất vọng, nhưng thức tỉnh nơi họ ý thức tươi vui và một cuộc sống theo ý muốn của Thiên Chúa. Như thế là bởi vì nó dựa trên sự kiện việc hoán cải không là một luật như trong Do thái giáo nữa, mà là tin mừng. Như vậy sự hoán cải, một cách nòng cốt, là thái độ của sự tiếp nhận hay của sự khước từ, tiếp nhận đề nghị của Thiên Chúa để sống theo ý muốn của Người, hay khước từ đề nghị đó và sống theo ý riêng.
Vây đâu là thái độ của hối nhân? Hối nhân là người hoán cải, từ bỏ tội lỗi, nhìn và phán xử qúa khứ của mình: đối chiếu với Chúa Kitô, với tình trạng trưởng thành với tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô (Ep 4,13). Mọi tín hữu đều phải đối chiếu cuộc sống của mình với Chúa Kitô là mẫu gương toàn vẹn, để khám phá ra những gì không phù hợp, khước từ tất cả những gì là không thích đáng và sám hối. Đây không phải là một tâm tình hay một khổ đau tâm lý, tình cảm lỗi lầm, mà là một lượng định khách quan về những gì thật và đúng, liên quan tới các tư tưởng, lời nói và cung cách hành xử của mình, và những gì là không thật, không đúng, trong nhãn quan đức tin. Nhưng sự ích kỷ cũng có thể len lỏi vào trong cả phán đoán này nữa. Ngoài sự kiện trong một suy tư cá nhân tư tưởng của kẻ dữ luôn luôn có thể len lỏi vào, theo đó cho dù có phạm tội cũng không có gì nghiêm trọng xảy ra cả. Đến đây có hai lý do đòi buộc phải suy tư về chiều kích cộng đoàn của tội lỗi: con người là thành phần của cộng đoàn xã hội và cộng đoàn giáo hội.
Nhãn quan đức tin là một nhãn quan cộng đoàn: đó là nhãn quan của cộng đoàn kitô là cộng đoàn giáo hội đã nhận được giáo huấn và tư tưởng của Đấng sáng lập là Chúa Kitô. Và chính khi nhìn vào cộng đoàn giáo hội mà chúng ta có thể nhận ra sự phán xử đúng đắn về tội lỗi của mình. Chính cộng đoàn giáo hội cho tôi thấy tội lỗi của tôi, sự dữ mà tôi làm, đã gây ra thiệt hại cho Giáo Hội như thế nào, và âm hưởng trên cuộc sống của Giáo Hội ra sao. Tội lỗi mà tôi đã phạm khiến cho gương mặt của Giáo Hội bị vấy bẩn lọ lem, khiến cho Lời Chúa ít trong sáng hơn, và gương mặt của Chúa Kitô bị méo mó xấu xa đi. Hối nhân nhìn vào hiện tại cuộc sống của mình, lấy Chúa Kitô làm điểm soi chiếu, đối chiếu cung cách hành xử của mình với sự phán xử của cộng đoàn giáo hội, và xin lỗi. Ở đây không phải là việc tính sổ giữa con người với Thiên Chúa, mà là giữa con người với Chúa Kitô là Đấng tiếp tục hiện diện trong cộng đoàn tín hữu, với một thái độ trung thực của người biết mình đã gây thiệt hại cho Giáo Hội, vì đã ngăn cản nó biểu lộ ra như là cộng đoàn thánh thiện và trong sáng của Chúa Kitô.
Nhưng nhất là hối nhân hướng về tương lai. Như kitô hữu và như là chi thể của cộng đoàn kitô, họ không chỉ tiến bước trong cuộc chiến chống lại sự dữ, mà còn hướng tới tầm mức viên mãn của Chúa Kitô, mà trên trái đất này họ sẽ không thể nào đạt được, nhưng phải bắt đầu tiến tới. Hối nhân muốn tái thiết những gì chính họ đã phá đổ với tội lỗi của mình. Họ muốn sự tái thiết như là việc biểu lộ ơn tha thứ, ơn hòa giải, như là công trình của Thần Khí tái ở lại trong họ. Ở đây cũng vậy, nó không liên quan tới chính họ, nhưng liên quan tới Giáo Hội và tới thế giới. Với tội lỗi người phạm tội ngăn cản công trình của Thiên Chúa trong Giáo Hội, và khiến cho Giáo Hội bị lu mờ xấu xí đi; họ cũng làm hỏng công việc của Thiên Chúa trong thế giới. Vì thế ngoài biểu tượng của dấn thân giáo dục đối với hối nhân, việc đền tội cũng định đoạt đối với sự trong sáng của cộng đoàn tín hữu nữa, và nó cũng xây dựng đối với toàn thế giới.
Các suy tư kinh thánh nền tảng ngắn gọn trên đây về sự hoán cải, sám hối, và hòa giải xuất hiện như đòi buộc cá nhân phản ảnh trên cộng đoàn, và như là chiều kích của cộng đoàn trở thành trong sáng nơi tín hữu kitô.
THKT 1166
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét