Trang

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

05-10-2018 : THỨ SÁU - TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN


05/10/2018
Thứ sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên


BÀI ĐỌC I: G 38, 1. 12-21; 40, 3-5
“Ngươi có xuống tận đáy biển và đi bách bộ dưới vực thẳm không?”
Trích sách ông Gióp.
Từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời ông Gióp rằng: “Sau khi ngươi đã sinh ra, ngươi có ra lệnh cho bình minh, và chỉ chỗ cho rạng đông không? Ngươi có cầm giữ các phần cuối cùng trái đất, và xua đuổi khỏi địa cầu bọn gian ác không? Mặt đất trở nên như đất sét có đóng ấn và trải ra như chiếc áo. Bọn gian ác bị tước mất sự sáng, và cánh tay giơ cao bị bẻ gẫy.
“Ngươi có xuống tận đáy biển, và đi bách bộ dưới vực thẳm không? Cửa tử thần có mở ra cho ngươi và ngươi có nhìn thấy tối tăm không? Ngươi có xem xét chiều rộng địa cầu không? Nếu ngươi đã hiểu biết, hãy chỉ mọi sự cho Ta. Sự sáng ở đàng nào và sự tối tăm ở nơi đâu, để ngươi dẫn dắt cả hai đến địa giới của chúng, và hiểu biết đường lối nhà chúng? Bấy giờ ngươi có biết ngươi sẽ sinh ra không? Và ngươi có biết rõ số ngày đời ngươi không?”
Gióp thưa lại cùng Chúa rằng: “Con nói lơ đãng, thì con trả lời thế nào được? Con để tay trên miệng con. Con đã nói một lần, chớ chi con đừng nói! Và lần thứ hai, con không nói thêm gì nữa”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 138, 1-3. 7-8. 9-10. 13-14ab
Đáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con, lúc con ngồi, khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con. – Đáp.
2) Con đi đâu để xa khuất được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được lên trời, thì cũng có Ngài ngự đó; nếu con nằm dưới âm phủ, thì đây cũng có mặt Ngài. – Đáp.
3) Nếu con mượn đôi cánh của hồng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đây cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con. – Đáp.
4) Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thật diệu huyền. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 10, 13-16
“Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi.
“Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục.
“Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Đấng đã sai Thầy”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Nguy cơ của những tiện nghi vật chất
Có một hiện tượng chung tại các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị. Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi, thú tiêu khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó: người dân đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.
Thời Cựu Ước, các Tiên tri đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo dân chúng về cuộc sống đồi bại tại các đô thị. Chúc dữ các đô thị vốn là một đề tài quen thuộc trong lời rao giảng của các Tiên tri. Dường như có hai lý do khiến các Tiên tri lên án các đô thị: Một đàng các Tiên tri muốn nhắc nhở dân chúng về cuộc sống du mục trong sa mạc, tại đó họ đã nghe được tiếng Chúa và đã kết ước với Ngài, cuộc sống càng đơn giản, con người càng dễ kết thân với Chúa; nhưng đàng khác, nhận thấy cuộc sống đồi bại của các thành phố ngoại giáo trong vùng, các tiên tri muốn cảnh cáo dân chúng về mối nguy cơ có thể chạy theo một cuộc sống như thế. Sự đồi bại nguy hiểm nhất mà các Tiên tri không ngừng lên án một cách gắt gao, đó là việc tôn thờ ngẫu tượng và nếp sống vô luân của thị dân, điển hình nhất là của các đô thị sa đọa là Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn.
Trong Tin Mừng hôm nay, theo truyền thống các tiên tri Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và Capharnaum. Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước Lời Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình, do đó, cô đơn vốn là điều con người sợ nhất, thành ra đi vào quan hệ với người khác là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống ồn ào náo nhiệt của nó dễ tạo cho con người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi vào quan hệ với người đồng loại.
Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, cuộc sống càng xô bồ, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mang lại bí quyết cho sự thông hiệp đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, nó cũng sẽ không cảm thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa mà có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một quan hệ chân thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên Chúa.
Dù muốn hay không, những thay đổi trong cuộc sống do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống đức tin của người Kitô hữu. Thật ra, cuộc sống đức tin không phải là một sinh hoạt phụ trong cuộc sống chúng ta; đức tin phải là chiều kích bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta: chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là Thánh Lễ Chúa Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một số dịp nào đó trong năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải thực thi hằng ngày.
Nguyện cho Lời Chúa luôn là động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt và quan hệ hằng ngày của chúng ta, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng ta luôn tìm gặp Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 26 TN2, Năm Chẵn
Bài đọcJob 38:1, 12-21, 33-35; Lk 10:13-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết Chúa – biết mình
Napoléon đã tuyên bố một câu bất hủ: “Biết người, biết ta: trăm trận trăm thắng.” Nhiều người chẳng những đã không biết mình mà còn mù tịt về Thiên Chúa. Hậu quả là con người thường có khuynh hướng lấy những gì mình biết mà áp dụng cho Thiên Chúa; vì thế, con người dễ kiêu ngạo và khinh thường Thiên Chúa, khinh thường những người làm việc cho Thiên Chúa, và lọai Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời. Các Bài đọc hôm nay dạy cho chúng ta những trường hợp phải tránh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự quan phòng của Thiên Chúa trong vũ trụ
Con người có thể nhận ra sự hiện diện, sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa qua việc quan sát thiên nhiên. Thánh Thomas Aquinô đã dùng những nguyên lý rất khoa học để chứng minh những điều này: Ví dụ, theo nguyên lý nhân quả: Vật gì có là phải có người làm cho có; mà vũ trụ thực sự hiện hữu; vì thế phải có người dựng nên vũ trụ. Chúng ta gọi Người đó là Thiên Chúa. Cũng theo nguyên lý này: sự vật càng tinh vi bao nhiêu thì người sáng chế ra nó càng khôn ngoan bấy nhiêu; nhìn vào hệ thống thái dương hệ, nhìn vào thân thể con người với các bộ phận tinh vi và họat động hòa điệu với nhau; chúng ta có thể nhận ra sự khôn ngoan và uy quyền của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng khẳng định điều này: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được” (Rom 1:19-20).
Thiên Chúa cũng nhắc nhở cho ông Gióp những điều này:
(1) Qua những gì xảy ra trên trời: “Trong cả đời ngươi, đã có lần nào ngươi từng ra lệnh cho buổi sáng, chỉ định vị trí cho hừng đông, để hừng đông nắm chắc mười phương đất, giũ cho sạch hết bọn gian tà?”
(2) Qua những gì xảy ra dưới biển cả và đáy vực sâu: “Có bao giờ ngươi đã đến tận nguồn biển cả và lang thang ở đáy vực sâu? Có ai từng mở cho ngươi lối vào âm phủ và ngươi thấy được cửa dẫn tới âm ty? Có khi nào ngươi hiểu mặt đất rộng chừng nào? Nếu ngươi biết hết mọi điều đó thì cứ nói đi!”
(3) Qua sự hiện diện của ánh sáng và bóng tối: “Con đường nào dẫn đến nơi ở của ánh sáng, đâu là nơi bóng tối cư ngụ, để ngươi đưa nó đến miền nó ở, và nhận ra đường về nhà nó? Điều này, hẳn ngươi biết rõ, vì khi ấy, ngươi đã chào đời, và đời ngươi đã qua bao năm tháng!”
(4) Qua những qui luật của trời đất: “Liệu ngươi có biết được quy luật của trời, có ấn định được ảnh hưởng của trời đối với đất? Liệu tiếng ngươi có vọng thấu tầng mây, khiến trên ngươi cả khối nước trời đổ xuống?”
2/ Phúc Âm: Biết mình để đừng kiêu ngạo
(1) Hai thành của Do-Thái, Chorazin và Bethsaida: Sử gia Eusebius và thánh Jerome định vị Chorazin là một thành phố nằm cách Capernaum 2 dặm về phía Bắc. Vì nó nằm trên ngọn đồi nên từ đây một người có thể nhìn xuống Capernaum và Biển Hồ. Thành phố này rất phồn thịnh cho tới thế kỷ 2 AD. Tuy Phúc Âm không tường thuật Chúa rao giảng hay làm phép lạ ở Chorazin, nhưng có lẽ vì thành rất gần Capernaum nên đã nghe những gì Chúa giảng và chứng kiến những gì Chúa làm. Bethsaida, tiếng Do-Thái có nghĩa là “nhà của cá.” Thành này nằm ở phía Tây của Hồ Tiberias. Đây là chỗ sinh sống của các Tông Đồ Phêrô, Anrê, và Philip, và cũng là nơi Chúa thường xuyên lui về để nghỉ ngơi (Mk 6:45, Lk 9 :10, Jn 1:44, 12:21). Tại đây, Chúa làm phép lạ chữa người mù (Mk 8:25) và chữa mẹ vợ của Phêrô (Mt 8 :14, Mk 1 :30).
(2) Hai thành của Dân Ngọai, Tyre và Sidon: Hai thành này nằm dọc theo bờ biển Mediteranean về phía Bắc của Do-Thái là Lebanon hiện giờ. Vì nằm trên bờ biển và là nơi giao thông giữa Á Châu và Âu Châu nên hai hải cảng này rất phồn thịnh. Trong suốt cuộc đời rao giảng của Chúa, chỉ có 2 Thánh Ký Matthew và Mark tường thuật một lần Chúa Giêsu đi đến Tyre và Sidon (Mt 15:21, Mk 7:30) và làm phép lạ một lần: chữa con gái người đàn bà Dân Ngọai Canaanite, sau khi đã khen ngợi đức tin của bà (Mt 15:28, Mk 7:30). Tuy không được Chúa Giêsu đến rao giảng và không được chứng kiến những phép lạ Chúa làm như các thành khác của người Do-Thái; nhưng mỗi khi nghe nói Chúa rao giảng những thành trì gần nơi họ ở, họ kéo nhau tới để lắng nghe Chúa giảng; và niềm tin của người đàn bà xứ Canaanite đã làm Chúa ngạc nhiên.
Khi so sánh giữa 2 thành của Do-Thái (Chorazin và Bethsaida) với 2 thành của Dân Ngọai (Tyre và Sidon), Chúa đã phải thốt lên: “Khốn cho ngươi, hỡi Chorazin! Khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tyre và Sidon, thì họ đã mặc áo vải thô từ lâu, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong Ngày Phán Xét, Tyre và Sidon sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
(3) Capernaum được nhắc tới 16 lần bởi cả 4 Thánh Ký. Matthew và Mark tường thuật Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài sau khi bị cám dỗ trong sa mạc tại Capernaum (Mt 4:13, Mk 1:21); Ngài thường xuyên trở lại đây rao giảng (Mk 2:2, Lk 4:31); và diễn từ quan trọng nhất về Bí Tích Thánh Thể được nói trong hội đường của người Do-Thái tại đây (Jn 6). Nơi đây Chúa đã làm rất nhiều phép lạ (Lk 4:23): chữa lành người đầy tớ của viên Đại Đội Trưởng (Mt 8:5, Lk 7:10); chữa người bị quỉ ám (Mk 1:26, Lk 4:33); chữa lành người bất tọai (Mk 2:12); làm phép lạ đầu tiên cho nước hóa thành rượu tại Cana, rất gần Capernaum (Jn 2:11); chữa con trai của một công chức (Jn 4:52); bắt sóng biển phải im lặng (Jn 6:21). Nhưng cũng tại Capernaum Chúa gặp rất nhiều thử thách và chống đối (Mt 17:24, Mk 2:7). Dân chúng tại Capernaum đã được nghe Chúa giảng nhiều lần và chứng kiến rất nhiều phép lạ Ngài làm, nhưng họ vẫn cứng lòng, kiêu ngạo không chịu tin vào Ngài; đó là lý do tại sao có những lời của Chúa hôm nay: “Còn ngươi nữa, hỡi Capernaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!”
(4) Hậu qủa của sự chấp nhận hay khước từ các môn đệ: Chúa Giêsu tuyên bố: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” Điều này cho chúng ta thấy sự quan trọng của các môn đệ. Chúa Giêsu đã ban cho các ông tất cả những gì cần thiết cho việc rao giảng Tin Mừng trước khi sai các ông đi. Các ông là đại diện cho Chúa Giêsu giống như Chúa Giêsu là đại diện cho Thiên Chúa; người được sai đi có đầy đủ uy thế và quyền hành như người sai đi. Chúng ta thường có khuynh hướng coi nhẹ những người đại diện, xem họ không có uy quyền bằng chủ nhân của họ. Chúng ta đừng quên những lời tường thuật của các môn đệ có khả năng làm Thiên Chúa khen thưởng hay đánh phạt chúng ta.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải học biết về Thiên Chúa để hiểu biết đường lối của Ngài và tránh được kiêu ngạo. Đừng có thái độ “ếch ngồi đáy giếng.” 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


05/10/2018 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,13-16

ĐỂ SỐNG CÓ TÌNH HƠN
Khi ấy, Đức Giê-su nói: “Nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.” (Lc 10,13)
Suy niệm: Dòng đời như dòng nước, cứ lặng lẽ trôi chảy. Đời người thoáng qua như “bóng câu cửa sổ”, trôi theo dòng đời. Nhịp sống “một ngày như mọi ngày” dần dần trở thành một thói quen, thậm chí trở thành nhàm chán. Và rồi ta không còn ý thức đến những gì chúng ta đã lãnh nhận để chúng ta có mặt trên đời, để chúng ta hiện hữu như chúng ta đang có hiện nay. Không ý thức được điều đó, chúng ta trở thành người vô tình, vô ơn trước ân tình lớn lao của Thiên Chúa, Đấng đã tác thành và ban cho chúng ta tất cả.
Mời Bạn: Tất cả chúng ta đều là những “con nợ”: nợ Thiên Chúa, nợ con người, nợ cuộc đời và nợ cả thiên nhiên tạo vật. Nếp sống dửng dưng đó làm ta không ý thức về tội lỗi của mình, nên không cần sám hối ăn năn. Để đánh thức ý thức đó, chúng ta phải làm sống lại trong ta ơn sủng của bí tích rửa tội và bí tích hòa giải. Chính các bí tích này sẽ mang lại cho ta “một trái tim mới, một thần trí mới”, để ta tái khám phá Thiên Chúa là ai,  và mình là ai trước nhan Ngài nhờ đó ta sẽ biết sống “có tình” với Chúa và với nhau hơn.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian cầu nguyện, xét mình kỹ lưỡng và quyết tâm lãnh nhận bí tích Hòa giải trong thời gian sớm nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhận ra điều Chúa truyền dạy và quyết tâm thi hành, bằng cách lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin đừng bao giờ để lòng con nên vô tình, vô ơn trước những lời mời gọi hiến thân cho Chúa, và sống yêu thương phục vụ anh em. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Khốn cho ngươi (5.10.2018 – Thứ Sáu Tuần 26 Thường niên)

Suy nim:
Tin Mừng hôm nay kể lại một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu,
Kinh nghiệm của một người tận tụy với công việc tông đồ
nhưng sau thời gian dài chờ đợi, kết quả lại không như ý.
Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này.
Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ Galilê.
Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó.
Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10),
và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi mời hoán cải.
Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Ngài giảng
và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm.
Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ.
Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên ngoài.
Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong cuộc sống.
“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!
Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên
với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).
Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu.
Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét.
Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn,
dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37 ; 7,10).
Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về tương lai của nó (c. 15).
Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ !
Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc tông đồ.
Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10, 10-12).
Không được tiếp đón, bị từ khước, không được người ta nghe (c.16),
thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị giết chết.
Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn thường gặp,
vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.
Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố,
những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài.
Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu,
chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành phố.
Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám hối cá nhân,
nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành phố.
Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì?
Ngài có chỗ không ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống,
đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện?
Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng,
là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.
Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta
những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta phải nói :
“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.”
Và nếu có ai hỏi con
tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,
con sẽ trả lời
vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con nhiều.
“ Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao !”
Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể nói :
“nếu tôi tớ mà tốt như vậy,
thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào ?”
Chân phước Charles Foucauld.
  Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.



Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI
Tính Nhân Bản Của Thánh Kinh
Từ khi Thiên Chúa tự biểu lộ chính Ngài cho Abraham – nghĩa là tái lập cuộc đối thoại giữa con người với Đấng Sáng Tạo vốn đã bị gãy đổ do tội Adam – tính nhân bản đích thực theo Thánh Kinh không ngừng khẳng định phẩm giá độc đáo nơi mỗi con người. Mỗi người đều được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Mỗi người đều được Chúa Kitô cứu chuộc và mời gọi đi vào trong mối hiệp thông với Ngài.
Đó là địa vị của con người trong thế giới này và trong bậc thang giá trị. Đành rằng văn chương và nghệ thuật thường đề cập đến tính yếu đuối, mỏng dòn, thú nhục dục, thói đạo đức giả và tính thô bạo của con người. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, trên hết, con người thật kỳ diệu với lối suy nghĩ sáng sủa, với những khám phá khoa học, với những cảm hứng trữ tình trong thi ca, với những sáng tạo nghệ thuật trác tuyệt, với tính cách đạo đức anh hùng, và quan trọng nhất là với những chứng tá thánh thiện trong Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05/10
G 38, 1.12-21; 40, 3-5; Lc 10, 13-16.

LỜI SUY NIỆM: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi hỡi Bết-xai-đa! Vì các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đon, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi.”
            Chúa Giêsu đang mời gọi mỗi người trong chúng ta phải dùng đến đôi mắt, đôi tai và trí óc minh mẫn, để  nghe nhìn những cảnh quan, những biến cố, những hoàn cảnh sống, những thương tật, những tai nạn đang xãy ra trong đời sống, để nhìn lại chính bản thân, gia đình của mình, hầu có thể có những suy nghĩ, để biết tạ ơn, hay cần phải sám hối giúp cải thiện cuộc sống của mình.
            Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con có thói quen quan tâm và lấy làm ngac nhiên trước  những gì đang xãy ra cho bản thân cũng như những người thân cận, để biết chỉnh sửa mình lại, giúp cho chúng con tránh được lời quở trách của Chúa.
Mạnh Phương


05 Tháng Mười
Sứ Ðiệp Của Một Người Tàn Tật
Hằng năm tổ chức có tên là “Tự nguyện chịu đau khổ” hành hương đến Lộ Ðức để chia sẻ kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành hương đã chú ý đến lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay, không mắt… Tôi toan tự tử.
Trên giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh… Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông cậy.
Tôi cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau khổ. Ngài đã van xin: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này”, nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: “Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha”. Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.
Như lời văn hào Mauriac nói: “Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ”. Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán: “Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ”.
Tại Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề “Nụ cười”.
Tôi liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: “Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp”.
Ông Jacques Lebreton kết luận như sau: “Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay, sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại”.
Ðã có khoảng 6,000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ có 64 vụ được Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh thần lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng kêu cầu Chúa thực hiện.
Nhìn lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét