20/10/2018
Thứ Bảy tuần 28 thường niên
BÀI ĐỌC I: Ep 1, 15-23
“Thiên Chúa tôn Đức Kitô làm đầu
toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài”.
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, khi
nghe biết lòng tin của anh em đối với Chúa Giêsu, và lòng mến của anh em đối với
hết thảy các thánh, tôi không ngừng tạ ơn Chúa cho anh em, khi nhớ đến anh em
trong kinh nguyện. Xin Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha
vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người.
Xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy
vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các
thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là
những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà
Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và
đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền
thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này
lẫn đời sau.
Chúa khiến mọi sự quy
phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài,
và là sự sung mãn của Đấng chu toàn mọi sự trong mọi người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 8, 2-3a.
4-5. 6-7
Đáp: Chúa đã đặt
Con Chúa cai trị các công trình tay Chúa tác thành (c. 7).
1) Lạy Chúa, lạy Chúa
chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu! Chúa đã nâng cao oai
nghiêm Ngài trên cõi trời xanh. Từ miệng thiếu nhi và trẻ con đang bú sữa. –
Đáp.
2) Khi con ngắm cõi trời,
công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì
nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? Con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? –
Đáp.
3) Chúa dựng nên con
người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh
quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo. Chúa đặt muôn
vật dưới chân con người. – Đáp.
ALLELUIA: Gc 1, 18
Alleluia, alleluia!
– Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng
ta nên như của đầu mùa các tạo vật. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 12, 8-12
“Trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy
các con phải nói thế nào”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con
Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối
bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa.
Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm
thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
Khi người ta điệu các
con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng
phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các
con phải nói thế nào”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Cuộc Sống Chứng
Tá
Sau khi khiển trách
các người pharisiêu và những nhà thông luật, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy
có lòng can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ
dữ mà không sợ bị bách hại. Bài trình thuật Phúc Âm hôm nay vì thế mời gọi tất
cả chúng ta hướng về một đức tin xác quyết và một niềm hy vọng bất diệt vào quyền
năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ hãy can đảm làm chứng
tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền
lực trần thế, đó là điều kiện để các ông được Chúa Cha trên trời đón nhận như
Ngài nói: "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người
cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa".
Tất cả cuộc sống của
người Kitô không nằm ở thái độ biểu dương đức tin để trở nên xứng đáng với trước
mặt Thiên Chúa, nhưng là thái độ khiêm tốn và xác tín trong việc sống thực hành
những lời răn của Thiên Chúa mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào. Khi Chúa
Giêsu nói: "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người thì còn được tha, nhưng ai
nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha", Người ngụ ý dạy rằng tội lỗi
thực sự của loài người là sự ngoan cố đối nghịch với Thiên Chúa và từ khước
tình yêu thương và sự tha thứ của Người.
Chúa Thánh Thần là Ðấng
của tình yêu thương và sự tha thứ. Ai khước từ Chúa Thánh Thần là hoàn toàn từ
chối sự cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Hồng ân và sức mạnh đến từ
Chúa Thánh Thần làm cho đức tin của chúng ta được tăng trưởng và đức tin đó được
đun nóng từ Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta đến những hành động anh hùng bằng
gương tử đạo. Gương tử đạo không xuất phát từ các yếu tố con người mà là kết quả
đến từ những ai để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong
tâm hồn mình đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết mở rộng
con tim để đón nhận Người.
Trong bài Phúc Âm hôm
nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ sẽ chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã
cảnh giác rằng các ông có thể sẽ mất đi những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào
tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức tin. Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa
Thánh Thần sẽ ban cho các ông sự khôn ngoan và lòng can đảm để đối diện với những
kẻ dữ trong giờ phút bị bách hại. Ðồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ
nói phạm đến Thánh Thần. Sự phạm thánh đó bao gồm những hành động hay những tư
tưởng chống đối Thiên Chúa tiềm ẩn trong con tim hay biểu lộ ra bên ngoài. Tội
nói phạm đến Chúa Thánh Thần là thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu
và sự tha thứ của Thiên Chúa mà không thực lòng muốn sám hối.
Lòng nhân ái của Thiên
Chúa thì vô bờ bến nhưng nếu một ai từ chối lòng thương xót của Người thì sẽ tự
mình kết án chính mình. Hồng ân đến từ Chúa Thánh Thần sẵn sàng ban xuống cho
những ai tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Ðấng Cứu Thế.
Lạy Chúa,
Người là niềm hy vọng
và là sự cứu rỗi của chúng con. Xin cho chúng con biết đặt sự tin tưởng vào
Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn hay cám dỗ nào. Xin hãy để ngọn lửa của
Chúa Thánh Thần bùng cháy trong con tim chúng con, cho chúng con sự khôn ngoan
và can đảm để theo gương đức tin mặc dù phải đối diện với những sự bách hại của
kẻ dữ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Thứ Bảy Tuần 28 TN2, Năm
Chẵn
Bài đọc: Eph
1:15-23; Lk 12:8-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vai trò của
Chúa Thánh Thần trong đời sống các tín hữu.
Khi phải đương đầu với những khó khăn sẽ xảy đến trong tương lai, chúng ta sẽ rất
lo sợ nếu chúng ta không biết những gì sẽ xảy ra vì không biết phải đối phó thế
nào; nhưng nếu chúng ta biết trước phần nào những gì sẽ xảy ra, chúng ta sẽ an
tâm hơn vì biết mình sẽ phải làm gì. Khởi đầu Chương 1 của Thư Êphêsô, tác giả
muốn cho các tín hữu hiểu rõ mục đích của đời người và chương trình cứu độ của
Thiên Chúa, để con người vững dạ an lòng khi phải đối phó với những gì sẽ xảy
ra trên thế gian này. Trước khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài đã có sẵn một
mục đích cho con người là được hưởng hạnh phúc và vinh quang với Người muôn đời.
Mục đích này đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người; nhưng con người có
tự do để đi đến mục đích đó hay không. Khi quỉ dữ cám dỗ con người xa rời mục
đích bằng cách bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, Ngài cũng đã có sẵn một kế
hoạch để chuộc tội cho con người qua cái chết của người con một của Ngài là Đức
Kitô. Quỉ dữ không thể làm gì để vô hiệu hóa mục đích và kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa. Chúng chỉ có thể cám dỗ những người có tự do muốn đi theo đường của
chúng mà thôi. Trong Phúc Âm, Thiên Chúa còn ban cho con người Thánh Thần của
Ngài để chiến đấu với những chước cám dỗ của ba thù. Thánh Thần giúp cho con
người nhận ra sự thật và tình yêu của Thiên Chúa để con người có thể đáp trả lại
tình yêu và làm chứng cho Ngài. Nếu con người biết theo sự hướng dẫn của Thánh
Thần, con người sẽ không lạc vào đường sai trái của quỉ dữ. Ngay cả khi phải
mang ra trước tòa của thế gian, Thánh Thần như một trạng sư, sẽ giúp con người
phải nói và hành xử thế nào cách xứng hợp với địa vị con Thiên Chúa của con người.
Ngay cả việc hy sinh mạng sống để tuyên xưng đức tin cũng là việc xứng đáng cần
làm cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vai trò của Chúa Thánh Thần
1.1/ Trong đời sống của
các tín hữu: Thánh Thần giúp các tín hữu nhận
biết Đức Kitô và những lời giảng dạy của Ngài:
Đọan văn chúng ta tìm hiểu hôm nay rất khó dịch từ nguyên bản Hy-lạp vì: (1)
các tư tưởng nối tiếp nhau, (2) lẫn lộn của chủ từ (Chúa Cha, Chúa Con, hay
Chúa Thánh Thần), và (3) việc xử dụng rất nhiều của sở hữu. Vì thế, để hiểu
đúng ý tác giả, chúng ta cần chú ý tới cách cấu trúc câu, túc từ trực tiếp,
danh từ sở hữu, và túc từ gián tiếp; một đôi khi chúng ta phải hy sinh cách dịp
văn chương để bảo đảm sự diễn tả chính xác của tác giả.
Sau khi tạ ơn Thiên Chúa cho các tín hữu của ngài, Thánh Phaolô cầu xin Thiên
Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người Cha vinh hiển, ban cho các tín hữu
2 điều:
(1) Ban Thánh Thần của khôn ngoan và của mặc khải để các tín hữu nhận biết Người
(Đức Kitô). Nhiều người sẽ tranh luận ở đây nên dịch “pneuma” là thần
trí hay là Thánh Thần. Thiết tưởng không quan trọng lắm, vì sứ vụ của Chúa
Thánh Thần là tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô, Ngài soi sáng cho các tín hữu để họ
hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Một khi hiểu biết những lời
này, họ cũng sẽ hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô hơn.
(2) Soi lòng mở trí các tín hữu để nhận thức 3 điều quan trọng:
– đâu là niềm hy vọng của ơn gọi mà Người dắt anh em tới: Niềm
hy vọng quí giá nhất trong đọan văn hôm qua là được trở nên “nghĩa tử của Thiên
Chúa.”
– đâu là sự phong phú của vinh quang của gia nghiệp Ngài giữa
dân thánh: Một khi đã trở nên con là được thừa hưởng gia nghiệp của cha: các ân
sủng và cuộc sống đời đời.
– đâu là sự lớn lao vô cùng của quyền lực của
Ngài giữa chúng ta là những người tin, dựa theo hiệu quả của sức mạnh
của quyền năng Ngài, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức
Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời: Quyền lực lớn
lao nhất của Thiên Chúa là cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Qua biến cố này,
tử thần bị tiêu diệt, tội lỗi con người được tha thứ, con người có thể được hưởng
nhan thánh Chúa.
Để các tín hữu nhận ra những điều này, lại một lần nữa họ phải nhờ Chúa Thánh
Thần soi lòng mở trí. Dĩ nhiên, quyền ban là quyền của Chúa Cha, nhưng người
thi hành nhiệm vụ là Chúa Thánh Thần. Con người không thể hiểu nổi những lời giảng
dạy và mặc khải của Đức Kitô nếu Chúa Cha không ban Thánh Thần và nếu Thánh Thần
không soi lòng mở trí.
1.2/ Tương quan giữa Đức
Kitô và Hội Thánh: Chiến thắng của Chúa
Giêsu đã bảo đảm cho con người tất cả các đặc quyền; nhưng để các đặc quyền này
được lan rộng tới mọi người, Chúa Kitô cần sự cộng tác của Hội Thánh. Thư
Êphêsô có những lời dạy đặc biệt về Hội Thánh. Trong hai câu cuối cùng hôm nay,
Thánh Phaolô cho chúng ta thấy vai trò của Giáo Hội trong Kế Họach Cứu Độ của
Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu
toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người,
Đấng làm cho tất cả được viên mãn.”
Những tư tưởng này cũng được nói tới chi tiết hơn trong Thư Côrintô I: Chúa
Kitô là Đầu, Thân Thể là Hội Thánh, mọi người là những chi thể của Thân Thể Đức
Kitô. Hội Thánh làm cho Kế Họach Cứu Độ được lan rộng tới mọi người bằng việc
tiếp tục rao giảng và cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho mọi người nhận thức
được 3 điều quan trọng nêu trên, để mọi người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô
và xứng đáng lãnh nhận ơn Cứu Độ.
2/ Phúc Âm: Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống chứng nhân
2.1/ Cuộc sống của con
người ở đời này là để làm chứng nhân cho Thiên Chúa: Cũng giống như những suy luận trên, mục đích của Hội
Thánh và của mỗi tín hữu là làm chứng nhân cho Thiên Chúa bằng lời rao giảng và
các việc làm. Chúa Giêsu tuyên bố hậu quả của những người chu tòan hay không
chu tòan sứ vụ làm chứng nhân: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận
Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt
các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị
chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.”
2.2/ Tội phạm đến Thánh
Thần là tội nào? Đối với người Do-Thái và
ngay cả đối với chúng ta, sứ vụ của Chúa Thánh Thần là làm cho con người nhận
thức được Sự Thật. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội từ chối không nghe và
theo sự hướng dẫn của Ngài. Trong Tin Mừng của Matthêu và Marcô, cả hai Thánh
Ký đều đề cập đến tội phạm đến Chúa Thánh Thần khi người Do-Thái bảo Chúa
Giêsu: “Ông ấy nhờ quyền lực của tướng quỉ mà trừ quỉ” (Mt 12:31-32, Mk
3:28-29).
Tại sao không được tha? Khi con người đã mất sự nhạy cảm về sự thật đến nỗi cho
điều thật là sai và cho điều sai là điều thật, hay như một số người Do-Thái,
cho Chúa Giêsu là ma quỉ, làm sao họ có thể tin vào Đức Kitô để được hưởng ơn Cứu
Độ. Tương tự, một khi con người đã mất hết ý thức về tội lỗi: chẳng còn cho cái
gì là tội nữa, thì họ đâu cần để được tha thứ! Vì thế, khi con người từ chối
không nghe sự hướng dẫn của Thánh Thần để nhận ra sự thật, con người sẽ không
có hy vọng để lãnh nhận ơn Cứu Độ.
2.3/ Vai trò của Chúa
Thánh Thần trong đời sống chứng nhân: Chúa
Giêsu nói rõ cho các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần: “Khi người ta đưa
anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm
quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay
trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” Thánh Thần
được gọi là Trạng Sư trong Tin Mừng Gioan, và nhiệm vụ của Trạng Sư là nói thay
cho người bị cáo. Chính sự khôn ngoan và sức mạnh của Thánh Thần đã làm cho những
con người yếu đuối và chất phác trở nên những vị tử đạo anh hùng, và lưu truyền
cho hậu thế những lời khôn ngoan, bất khuất, và kiên cường.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Sứ vụ quan trọng của Chúa Thánh Thần trong Kế Họach Cứu Độ là làm cho con người
thấu hiểu những lời giảng dạy và mặc khải của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta cần cầu
xin với Ngài mỗi khi nghe Lời Chúa để Ngài soi lòng mở trí cho chúng ta.
– Chúng ta cần lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để luôn biết tìm hiểu
và nhạy cảm với sự thật. Một khi đã khinh thường và mất đi nhạy cảm với sự thật,
con người không còn hy vọng được cứu rỗi.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
20/10/2018 – THỨ BẢY TUẦN 28 TN
Lc 12,8-12
BỆNH LIỆT KHÁNG TÂM LINH
“Thầy nói cho anh em biết : …Ai chối Thầy trước mặt thiên hạ,
thì cũng sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Bất cứ ai nói phạm
đến Con Người thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng
được tha.” (Lc 12,9-10)
Suy niệm: Một bộ phận của cơ thể, một
khả năng của con người nếu để lâu ngày không sử dụng, sẽ teo lại vào bị đào thải.
Mặt khác, nếu trong một thời gian dài, nó phải tiếp xúc với những chất độc, nó
sẽ dần mất đi sức đề kháng và bị nhiễm độc mà không hay biết. Phần tâm linh của
con người cũng tương tự như thế. Người ta cũng có thể mất đi khả năng nhận thức
Thiên Chúa nếu như trong suốt cuộc đời này họ nhắm mắt tâm hồn, đóng cửa lòng
mình trước Thiên Chúa. Mặt khác, ai thường xuyên đắm chìm trong tội, người ấy
cũng mất đi khả năng nhận ra mình có tội, và do đó cũng không còn khả năng sám
hối để được ơn tha thứ. Đó chính là những triệu chứng của căn bệnh nghiêm trọng
của thời đại: bệnh liệt kháng tâm linh.
Sống Lời Chúa: Để phòng chống bệnh liệt
kháng tâm linh, xin đề nghị một “đơn thuốc”: 1/ làm thật tốt những việc có tính
làm chứng: làm dấu thánh giá trang nghiêm sốt sắng, y phục đoan trang, tề chỉnh
khi đi nhà thờ, loại bỏ ảnh hưởng khiêu dâm, bạo lực ra khỏi nhà bạn…; 2/ luôn
luôn kiểm điểm đời sống cách nghiêm túc để tạo sức đề kháng mạnh đối với tội lỗi.
Chia sẻ: Làm thế nào nâng cao ý thức về công bằng, khiết tịnh,
nhân ái trong cộng đoàn của bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ
gìn con luôn nhạy bén trước những đòi hỏi của Lời Chúa để con dùng đời sống làm
chứng cho Chúa ở giữa thế gian. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Đừng lo (20.10.2018 – Thứ Bảy Tuần 28 Thường niên)
Suy niệm:
Người ta thường nói giữ đạo tại tâm.
Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,
nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm.
Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.
Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.
Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.
Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,
nhưng quyết không bước qua thập giá.
Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,
nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm.
Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.
Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.
Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.
Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,
nhưng quyết không bước qua thập giá.
Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57).
Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,
đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn.
Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.
Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.
Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa,
hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay,
Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng,
như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang.
Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã.
Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).
Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,
đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn.
Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.
Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.
Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa,
hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay,
Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng,
như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang.
Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã.
Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).
Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng.
Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)
sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ.
Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.
Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông,
vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13).
Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).
“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì,
vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).
Không sợ và không lo,
đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.
Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)
sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ.
Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.
Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông,
vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13).
Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).
“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì,
vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).
Không sợ và không lo,
đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.
Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10).
Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố,
khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta.
Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu.
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.
Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận.
Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.
Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố,
khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta.
Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu.
Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.
Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận.
Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.
Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần
để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới.
Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.
để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới.
Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.
Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,
lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.
Thế gian này vàng thau lẫn lộn.
Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.
Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
giữ được vị mặn của muối,
và sức tác động của men,
để đem đến cho thế gian
một linh hồn, một sức sống.
Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
chỉ sợ mình bỏ sống đạo
vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.
Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,
những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.
Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui
của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG MƯỜI
Kiến Tạo Hòa Bình Bằng
Tình Yêu
Chiến tranh và bạo lực
là con đẻ của sự xem thường các quyền căn bản của con người. Quyền căn bản nhất
của con người, đó là phải xem mỗi người là một ngã vị độc đáo và không thể thay
thế được. Con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài.
Qua Bí Tích Phép Rửa, con người trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa và thông dự vào
ơn cứu chuộc nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.
Ở nơi đâu con người
còn bị lạm dụng để làm thỏa mãn quyền lợi, nhu cầu, khát vọng của người khác
thì ở đó sẽ nảy sinh bạo lực, lộn xộn và chiến tranh. Trái lại, ở nơi nào con
người biết phục vụ cho quyền lợi của anh chị em mình, biết xem anh chị em mình
“là những tạo vật duy nhất được Thiên Chúa yêu thương do chính bản chất của nó“
(MV 24), thì ở đó có tình yêu đích thực, hòa bình sẽ triển nở. Bởi vì nền móng
của hòa bình là tình yêu.
Nói cách khác, Thiên
Chúa là nguồn gốc của hòa bình – vì Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi tình yêu.
Đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là đời sống yêu thương. Chúa Cha yêu Chúa Con
và Chúa Con yêu Chúa Cha. Tình yêu này mạnh mẽ và biệt vị đến nỗi nó được biểu
hiện như một ngã vị thần linh – đó là Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta cho phép
Chúa Thánh Thần tràn ngập trong lòng chúng ta, nhất là khi lãnh nhận các bí
tích, thì chúng ta sẽ có được tình yêu ấy và sẽ trở thành những người kiến tạo
hòa bình đích thực.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 20/10
Ep 1, 15-23; Lc 12,
8-12.
LỜI SUY NIỆM: “Bất cứ ai nói
phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ
chẳng được tha.”
Sau khi Chúa Giêsu cho biết về hậu quả của những ai tin nhận Người và không tin
nhận Người. Và Người còn cho biết điều hết sức hệ trọng đến phần rỗi linh hồn
là phải biết tôn kính Chúa Thánh Thần. Bởi Chúa Thánh Thần: “Ngài được phụng thờ
và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.” Mọi tác động của Thần
Khí nhằm giúp chúng ta đạt đến Thiên Chúa, giúp chúng ta hiệp thông sống động với
Ngài và thấu hiểu những điều bí nhiệm linh thánh của Ngài và để trao cho chúng
ta “những bí ẩn của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Trong mọi Thánh Lễ chúng con đều được vị chủ tế chào mừng:
“Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu cua Chúa Cha và ơn
thông hiệp cua Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13). Xin cho
chúng con luôn được vui sống với lời chào này.
Mạnh Phương
20 Tháng Mười
Làm Trai Nên Chết Ở Biên Thùy
Gần một nửa thế kỷ
trước Chúa Giáng Sinh, một danh tướng nhà Ðông Hán là Mã Viện đã nói một câu bất
hủ: “Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thân mà chôn, chứ nằm
xó giường mà chết trong tay người nâng đỡ thì còn xứng gì”.
Tại thành Sparte
thuộc Cổ Hy Lạp, mỗi khi tiễn con ra trận, người mẹ thường đưa cho con một cái
mộc và bảo con rằng: cùng với nó hay nằm trên nó. Cùng với nó, con đắc thắng trở
về. Nằm trên nó, xác con được mọi người kính nể khiêng vác trên vai.
Người Kitô chúng ta
cũng đã nhận lấy một chiếc mộc. Ðó là chiếc mộc của bí tích Rửa Tội. Qua cửa
ngõ của bí tích này, chúng ta như được gửi ra chiến trường.
Cái chết từng ngày là
điều đang chờ đợi chúng ta. Nhưng cái chết đó là con đường dẫn đến vinh quang
Phục Sinh. Ðức Kitô, vị thủ lãnh của chúng ta, đã đi qua con đường ấy. Ngài
cũng đang có mặt trong cuộc chiến của chúng ta để dìu dắt chúng ta trong từng
phút giây. Nếu có một lúc nào đó, chúng ta chán nản muốn đào ngũ và bỏ cuộc,
chúng ta hãy nhìn lên thập giá của Ngài. Thập giá đó phải là ánh sáng soi dẫn
những đoạn đường tăm tối trong cuộc chiến của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét