Trang

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

23-10-2018 : THỨ BA - TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN


23/10/2018
Thứ Ba tuần 29 thường niên


BÀI ĐỌC I: Ep 2, 12-22
“Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, khi ấy anh em không có Đức Kitô, anh em bị đặt ra ngoài cộng đồng Israel, anh em là những người xa lạ đối với những giao ước, không được cậy trông lời hứa và cũng không được biết Thiên Chúa ở cõi đời này. Xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ, để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.
Vì vậy, anh em không còn là khách trọ và khách qua đường nữa, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và các Tiên tri, có chính Đức Giêsu Kitô làm đá góc tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa; trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Đáp: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc Người (c. 9).
Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. – Đáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. – Đáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài. – Đáp.

ALLELUIA: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật”. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 12, 35-38
“Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Hạnh Phúc Của Nước Trời
Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho chúng ta nghe về những dụ ngôn báo trước hạnh phúc của nước Trời. Ngài kêu gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng cho giây phút Chúa Cha gọi chúng ta về nhà Người và Ngài đã dùng hình ảnh của ông chủ và người đầy tớ. Thật ra, không bao giờ Thiên Chúa muốn coi chúng ta là đầy tớ đâu, nhưng ở đây hình ảnh này được sử dụng để giúp cho chúng ta dễ nhận ra sứ điệp của lời Chúa mà thôi. Dĩ nhiên, tự bản chất thụ tạo, chúng ta bất trung và chúng ta chỉ xứng đáng là đầy tớ nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng ta là con như Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha. Vì là con nên chúng ta biết mình có chỗ trong nhà Cha, là con nên chúng ta biết mình không thể đi hoang, là con nên chúng ta biết dù gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được thụ hưởng gia tài của người cha.
Trong một câu chuyện cổ tích nọ, người cha già muốn cho các con mình ra đi để cứu nhân độ thế và ước mơ của ông là các con ông làm được nhiều việc thiện, nhiều việc tốt để mang lại lợi ích cho nhiều người, để sau khi kết quả trở về trong hân hoan vì những thành quả của các con mình.
Thiên Chúa sai chúng ta đến với mọi người trong trần gian này cũng với một sứ mệnh tương tự như sứ mệnh của những người con trong câu chuyện cổ tích trên. Chúng ta hãy sống yêu thương, bác ái để làm cho cuộc sống anh chị em của mình được hạnh phúc, vì Thiên Chúa đã đến trần gian để mong mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Lạy Thiên Chúa,
Xin giúp chúng con luôn ý thức sẵn sàng như những người đầy tớ khôn ngoan luôn chờ đợi chủ. Sự đợi chờ của chúng con được thể hiện bằng tất cả nỗ lực mang tình yêu thương của Cha đến cho mọi người, với ước mơ được cùng tất cả anh chị em con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Cha trên quê trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)




Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 29 TN2
Bài đọcEph 2:12-22; Lk 12:35-38.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Gương phục vụ của Đức Kitô
“Con người đến không phải được phục vụ, nhưng…” Bài đọc I liệt kê tất cả những gì con người được hưởng qua sự phục vụ của Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hứa Ngài sẽ phục vụ tất cả những ai trung thành với sứ vụ Ngài đã trao.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô đã hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa.
1.1/ Khác biệt giữa người Do-Thái và Dân Ngọai: Người Do-Thái tự hào là Dân Riêng của Thiên Chúa, tự hào vì Lề Luật của Thiên Chúa ban cho, và tự hào vì được chính Thiên Chúa lãnh đạo. Những đặc quyền này làm cho họ khinh thường các dân tộc khác và không muốn sống chung với Dân Ngọai trong bất cứ hòan cảnh nào. Thánh Phaolô, mặc dù là Tông Đồ của Dân Ngọai, nhận ra có 4 sự khác biệt giữa người Do-Thái và các Dân Ngọai: Thuở ấy (trước khi Đức Kitô đến) anh em:
(1) không có Đấng Kitô: Lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban Đấng Thiên Sai được làm với người Do-Thái. Tước hiệu “Kitô” trong tiếng Hy-Lạp có nghĩa “Đấng được xức dầu.”
(2) không được hưởng quyền công dân Israel: Các dân tộc khác đều được xếp lọai là Dân Ngọai; vì thế, không được hưởng những đặc quyền như những công dân Do-Thái.
(3) xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã ký kết nhiều giao ước với người Do-Thái qua các tổ phụ của họ. Những giao ước này hòan tòan xa lạ với các Dân Ngọai.
(4) không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này: Không có Thiên Chúa là không có hy vọng được sống. Đối với các Dân Ngọai, chết là hết.
1.2/ Công cuộc hòa giải của Đức Kitô: Ngài đã làm cho cả người Do-Thái và Dân Ngọai 5 việc như sau:
(1) Mang hai bên lại gần nhau: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.” Dân Ngọai là những người ở xa, nhờ Đức Kitô, đã được nhập đòan cùng với người Do-Thái, những kẻ ở gần.
(2) Hy sinh thân mình để xóa bỏ thù ghét và làm hai bên nên một: “Người đã liên kết đôi bên, dân Do-Thái và Dân Ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.” Bức tường ngăn cách thể lý đây có thể được nhìn thấy trong Đền Thờ Jerusalem, nơi mà nếu bất cứ người Dân Ngọai nào vượt qua bức tường này, họ sẽ bị tử hình bởi người Do-Thái.
(3) Hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật: “Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người.” Để được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ cần đặt niềm tin vào Đức Kitô và giữ các điều Ngài dạy.
(4) Hòa giải con người với Thiên Chúa: “Nhờ Thập Giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.” Con người phải hòa giải với nhau trước khi họ có thể hòa giải với Thiên Chúa. Đức Kitô không chỉ giúp cho con người hòa giải với nhau, mà còn giúp cho con người hòa giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Ngài trên Thập Giá.
(5) Mang bình an: “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần.” Sự kiện này đã được nhìn thấy trước bởi tiên tri Isaiah (57:19): Dân Ngọai trở thành những người ở gần (người Do-Thái) nhờ việc hòa giải của Đức Kitô. “Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.”
1.3/ Hậu qủa của việc hòa giải: Thánh Phaolô dùng 2 hình ảnh để nói lên 2 đặc quyền con người được hưởng sau khi được hòa giải bởi Đức Kitô:
(1) Con người trở nên người nhà của Thiên Chúa: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa.” Trong một quốc gia, người ngọai quốc không được hưởng những đặc quyền của người thường trú, và những người thường trú không được hưởng những đặc quyền của người công dân. Cũng như vậy đối với Dân Ngọai, trước khi Đức Kitô đến, họ là những người xa lạ đối với Dân Thánh (Israel); nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài đã làm cho họ trở nên những người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa. Vì thế, họ cũng được hưởng đầy đủ mọi đặc quyền như những người trong nhà.
(2) Con người trở nên những viên gạch của Đền Thờ Thiên Chúa: Trong Đền Thờ này, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau: Đá Tảng Góc Tường là chính Đức Kitô Giêsu, nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn tất cả mọi người là những viên gạch được xây dựng thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thánh Thần.
2/ Phúc Âm: Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ trung thành.
2.1/ Sẵn sàng bằng cách hòan tất các bổn phận Chúa trao: Để đánh giá con người có trung thành với Thiên Chúa hay không, Chúa Giêsu dùng ví dụ một ông chủ giao nhà cho các đầy tớ trông coi để đi ăn cưới: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” Vì tiệc cưới của người Do-Thái thường hay xảy ra ban đêm và không có giờ giấc rõ rệt, nên đòi những người có trách nhiệm luôn phải sẵn sàng và nhất là luôn có đèn sáng trong tay. Đêm tối là lúc con người ít chuẩn bị nhất, và hầu hết các họat động bất chính đều xảy ra ban đêm. Vì thế, để đánh giá sự chuẩn bị của các đầy tớ, ông chủ trở về bất chợt lúc ban đêm.
2.2/ Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ trung thành: Chúa Giêsu tuyên bố: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” Lời tuyên bố của Chúa không bình thường vì việc phục vụ là việc của các đầy tớ; nhưng đây là phần thưởng dành cho các đầy tớ trung thành. Nếu con người trung thành trong việc phục vụ tha nhân, con người cũng sẽ được phục vụ bởi Đức Kitô trong vương quốc của Ngài, như Ngài đã từng phán: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Những sự khác biệt đã tạo nên bất đồng, thù ghét, và chiến tranh giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia kia, giữa con người và Thiên Chúa.
– Sự hiện diện của Chúa Kitô xóa tan những sự khác biệt. Ngài đến để hòa giải bằng cách tiêu diệt mọi bất đồng giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia kia, giữa con người và Thiên Chúa.
– Chưa hết, Ngài còn hứa sẽ phục vụ hết tất cả những ai trung thành với ơn gọi trong vương quốc của cha Ngài. 
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


23/10/2018 – THỨ BA TUẦN 29 TN
Th. Gio-an Ca-pét-ra-nô, linh mục
Lc 12,35-38

MỘT TÌNH YÊU THỨC TỈNH
“Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật phúc cho họ.” (Lc 12,37)
Suy niệm: Các công nhân làm việc nơi công cộng thường mặc áo có gắn phản quang, để người khác biết rằng họ đang lao động mà cẩn thận hơn. Cũng vậy, ở xứ Palestina ngày xưa, thắt lưng gọn gàng là dấu chỉ tư thế của người đang lao động, của người thức tỉnh, sẵn sàng, đang hăng say làm việc. Chủ đích của người đầy tớ trong bài Tin Mừng là đón đợi chủ về. Người chủ đi dự tiệc cưới, sẽ về bất cứ lúc nào, nên người đầy tớ trung tín luôn sẵn sàng, không lơ là hay mê ngủ, phòng khi chủ về là mở cửa ngay đón chủ. Một tình yêu sâu sắc cũng luôn có được yếu tố thức tỉnh ấy. Người đang yêu luôn tinh tế, nhạy bén trước mọi nhu cầu của người yêu, đón được ý người yêu, sẵn sàng phục vụ với tất cả quả tim yêu thương của mình.
Mời Bạn: Cuộc sống đời thường với những lo toan về công ăn việc làm, giao tế; với nhịp điệu đều đều của ăn uống, ngủ nghỉ, lao động, thư giãn, thú vui… làm bạn dễ mê ngủ, tưởng rằng đời mình chỉ có thế, quên mất cứu cánh tối hậu của đời mình. Cần thức tỉnh để biết rằng chủ đích đời mình là đón chờ người chủ là Chúa, thức tỉnh để “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.”
Sống Lời Chúa: Sống Lời Chúa, siêng năng rước Thánh Thể, cầu nguyện và thi hành giáo huấn của Hội Thánh, là phương thế tốt nhất giúp luôn tỉnh thức trong yêu thương.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã cho con hiểu được cùng đích đời người. Xin ban cho con đức tin-cậy-mến mạnh mẽ, luôn có được sự tỉnh thức của tình yêu, hầu sẵn sàng phục vụ Chúa và anh chị em cách chân tình và tận tâm. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Chủ sẽ phục vụ (23.10.2018 – Thứ ba Tuần 29 Thường niên)

Suy nim:
Chúng ta dành bao nhiêu thời gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?
Nhiều người nghĩ mình có thể đưa ra những con số khá chính xác.
Nhưng chúng ta dành bao nhiêu thời gian để chờ?
Có thứ chờ tính được bằng thời gian.
Có thứ chờ kéo dài liên tục nằm nơi trái tim mong ngóng.
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng, những người yêu chờ nhau.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,
có hai người chờ một nhân vật mơ hồ tên là Godot.
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông Godot nào đó đã không đến.
Có lẽ Samuel Beckett muốn nói đến cái phi lý của đời người.
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ và chẳng xảy ra.
Đức Giêsu dạy các môn đệ biết chờ đợi trong cuộc sống.
Chờ như những đầy tớ chờ chủ mình đi ăn cưới về.
Đám cưới ngày xưa hay vào ban đêm để tránh cái nóng.
Chủ có thể về trễ, nên phải chịu khó chờ,
nghĩa là phải tỉnh thức, không được ngủ quên.
Nhưng chờ lại không phải là thái độ ngồi yên, thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế sẵn sàng phục vụ.
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).
Người đầy tớ sẵn sàng bắt tay vào việc,
vì chiếc áo đã được vén lên gọn gàng,
và trong đêm, ngọn đèn được châm dầu vẫn luôn cháy sáng.
Có một giây phút quan trọng, giây phút ông chủ về.
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.
Lỡ giây phút này là lỡ tất cả.
“Để khi chủ về tới, gõ cửa thì mở ngay” (c. 36).
Mở ngay vì mình đang chờ, đang thức, đang sẵn sàng,
áo đã được vén lên để chuẩn bị phục vụ,
đèn đã được thắp sáng để soi trong bóng đêm.
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau mắn như vậy của các đầy tớ.
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ ngàng hơn nhiều.
Chính khi các anh chuẩn bị phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà phục vụ” (c. 37).
Rõ ràng đã có một sự đổi vai bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.
Đó là mối phúc dành cho người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá nửa đêm về gần sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai, chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ cửa đầu tiên trong đêm.
Chúng ta mong nghe được tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
con thường thấy mình không có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của tình yêu
là con có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.
(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG MƯỜI
Một Thế Kỷ Văn Minh
Tôi cho rằng nếu sau này hậu thế nhớ lại và ghi nhận rằng thời đại này của chúng ta là một thế kỷ văn minh, thì đó không phải do những tiến bộ về mặt văn hóa và kỹ thuật mà nó đạt được, nhưng là do sự phát triển xã hội của chúng ta trong đó thiện ích của con người được nêu thành mục tiêu để kiếm tìm. Vấn đề tìm nơi ăn chốn ở cho hàng triệu người tị nạn trên thế giới ngày nay là vấn đề tiên quyết trong một xã hội phát triển như thế.
Hồi ức về những đau khổ mà nhân loại phải chịu đựng trong suốt thế chiến thứ hai phải buộc chúng ta nhận thức sâu sắc về tính phi lý và kinh dị của tấn bi kịch ấy. Trong cuộc chiến tranh kinh khủng nói trên, hàng triệu con người bị buộc phải trốn chạy, phải rời bỏ nhà cửa và quê hương của mình. Để phòng tránh sự tái diễn của tình trạng đau thương đó, chúng ta phải nỗ lực không mệt mỏi để giải quyết những bất hòa chia rẽ, những cuộc xung đột ý thức hệ và những sự tranh giành quyền lực. Phải dứt khoát vứt bỏ những não trạng ích kỷ phi nhân, chúng ta mới có thể quảng bá được tinh thần tôn trọng con người. Và, cuối cùng, chúng ta sẽ dựng xây được một nền văn minh trên cơ sở của tình yêu và sự thật, trên cơ sở của sự hợp tác giữa mọi dân tộc trên mặt đất.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23/10
Thánh Gioan Capestranô, linh mục
Ep 2, 12-22; Lc 12, 35-38.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.”
            Chúa Giêsu luôn căn dặn mỗi một người trong chúng ta luôn phải chu toàn bổn phận của mình với tinh thần trách nhiệm cao. “Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4,13). Cũng như trong Thánh Vịnh 139 còn cho chúng ta biết thêm: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì. Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi. Chúa đều xem xét, mọi nẽo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.” (c.1-3)
            Lạy Chúa Giêsu. Lời Chúa là ánh sáng soi lối cho chúng con đi. Xin cho Lời Chúa thấm đượm trong tâm trí của chúng con, để chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa trong tâm tình con thảo của Chúa.
Mạnh Phương



Gương Thánh Nhân
Ngày 23-10
Thánh GIOAN CAPISTRANÔ
Dòng Phanxicô (1386 – 1456)

Cha của Gioan là một nhà quí tộc người Pháp đã theo bá tước Anjon trong cuộc chinh vương quốc Naples. Để ân thưởng cho lòng can đảm, ông đã được chiếm những lãnh điạ rộng lớn. Ong định cư tại Caoistranô và qua đời sớm sau khi cưới một thiếu nữ người Y. Gioan con của ông theo học tại Perugia đã gia nhập ngành thẩm phán.
Các tài năng của thánh nhân đã khiến cho thánh nhân được coi như hoàng tử của các luật gia. Được đặt làm nhà cầm quyền, thánh nhân hiểu rõ sự cao trọng trong sứ mạng của mình: dửng dưng với những đe dọa của các lãnh chúa, Ngài quyết nâng đỡ những người nghèo khó. Một cư dân quí phái giàu có muốn gả con cho Ngài. Tương lai rực rỡ trước mắt Gioan khi bất ngờ định mệnh đổi khác. Lãnh trách nhiệm hoà giải Perugia và Rimini, Ngài bị tố cáo là đã thiên tư, bị bắt giam ở Rimini… trong một tháp canh.
Gioan muốn tẩu thoát, bị gãy chân và nằm bẹp nhưng một hầm gia dưới đất. Trong tận cùng đau khổ, một tu sĩ dòng Phanxicô xuất hiện mời gọi Ngài sống đời sống nghèo khó và bác ái. Gioan đã nhiệt thành đáp lời. Vừa khi được phóng thích, Ngài bán mọi của cải, từ hôn và đến với các tu sĩ dòng Phanxicô ở Perugia. Chân phước Marcô thành Bergame nghi ngờ ơn gọi như vậy và đón nhận Ngài với những lời chẳng hoà nhã chút nào: “các tu viện không phải nơi trú chân của những kẻ lang thang hay chán đời. Phải có những thử thách khác để gia nhập một dòng tu. Tôi chi nhận anh khi anh nói lời từ giã những phù vân thế tục mà tôi sẽ chỉ cho anh”.
Đây là một lời giã từ lừng danh, một thử thách nổi tiếng thánh nhân phải chịu. Perugia được chiêm ngưỡng nhà cầm quyền của họ riễu qua đường phố, quay ngược lại trên lưng lừa ăn mặc rách rưới, đầu đội nón có ghi những tội của mình bằng chữ lớn. Dân chúng nhạo cười, nhưng Gioan can đảm đón nhận mắng nhiếc.
Tại nhà dòng, Gioan có một bậc thầy chỉ là trợ sĩ, anh Onuphre, người nghiên khắc lột bỏ con người cũ của Ngài cách vĩnh viễn. Thêm vào những lời quở trách là những nghiêm nghị. Nhưng những bất công dày và phải được bỉnh thản lãnh nhận, chẳng hạn ngày kia anh em giặt đồ đang đợi cho nước bớt nóng. Bỗng anh Onuphre đi tới. Bỏ qua mọi anh em khác, anh giận dữ phạt Gioan vì biếng nhác và lấy áo dài từ nước nóng bỏng ra thải vào mặt Gioan. Đáp lại, Gioan khiêm tốn đến quì trước mặt anh.
Viên chức mãn nguyện còn tăng gấp đôi lòng nhiệt thành của Ngài trong những công việc thấp hèn nhất, đồng thời vẫn học thần học thánh Bernadinô thành Sienua là thầy dạy, thán phục vì những buớc tiến ngoại hạng của Người đã nói: “Gioan ngủ mà học những điều mà người khác ngày đêm nỗ lực mới học được” Dường như Ngài có sự hiểu biết thiên phú, là nhà thần học sâu sắc và sắp thành nhà truyền giáo lớn của thời Ngài.
Gioan rảo qua các tỉnh thuộc nước Ý và dẫn về cho Chúa hàng triệu những kẻ lạc giáo và những tội nhân, Ngài đã thăm các dòng tu ở Đông phương, góp phần hiệp nhất với người Armenia. Trở về Ngài nổi bật tại cộng đồng Florentinô và được đặt làm sứ thần tại Sicile. Giữa những thành công rực rỡ. Gioan vẫn là con người cầu nguyện và sám hối. Ngài xây dựng các tu viện, chống lại lạc giáo. Các bài giảng của Ngài thật phi thường. Thiên Chúa rõ ràng bao bọc Ngài. Những người rối đạo lân la để biết chỗ Ngài ở đâu. Giọng điệu của họ đủ cho thấy rõ số phận họ muốn dành cho Ngài như thế nào. Gioan giản dị và êm ái trả lời: “Tôi đây”. Những người theo bè rối sững sờ và không làm gì hại Ngài.
Một huyền thoại bình dân kể rằng: thánh nhân khi giã từ Assisiô với các bạn để hoàn thành một sứ mệnh, bị từ chối không được chở qua sông gần Trévise vì người lái xe đoán rằng: đám người nghèo này sẽ không trả tiền. Thánh nhân trải áo của Bernađiô thầy mình trên sông. Nước sẽ rẽ ra và các tu sĩ qua bờ bên kia sông.
Đức giáo hoàng đã sai Gioan qua Đức, Hungari, Bohemia, Balan. Cả thành ra đón Ngài, lão già nhỏ bé khô khan kiệt sức nhưng vui tươi không mệt mỏi. Cả đoàn thính giả đã nghe Ngài mỗi ngày. Sau đó người ta công khai đốt các cỗ bài, những hình ảnh dâm ô, những đồ trang sức, mọi cái có hại cho tâm hồn.
Đây là lửa hoả thiêu lâu đài của quỉ dữ. Ơ Bohemia sau một trong những bài giảng về sự phán xét, thánh nhân đã gây hứng khởi cho hơn 100 thanh niên ôm ấp đời sống tu trì. Các Đức giáo hoàng nối tiếp liên tiếp trao cho Ngài những sứ mệnh đặc biệt.
Người Hồi vừa mới xâm chiếm Constantinople. Mahomet tin rằng: mình là thủ lãnh Kitô giáo. Không ông hoàng nào xem ra có thể ngăn cản nổi cuộc xâm lăng. Gioan Capistranô nhận được lệnh của Đức giáo hoàng để cổ động đoàn quân thánh giá, Ngài liên kết được 40 ngàn người và chọn Hunyade là một anh hùng làm thủ lãnh của họ. Quân hung bạo bốn lần đông hơn chế nhạo. Belgrade đã bị chiếm. Mọi sự xem ra đã mất hết. Gioan lao lên hàng đầu, tay cần kỳ hiệu và một thánh giá, khuyên các binh sĩ hoặc thắng hoặc chết. Địch quân rút lui, thành lũy được cứu thoát.
Vài tuần sau, Hunyade qua đời trong tay Gioan, người sống sót đã được lâu hơn ông ta một chút. Ngài riến tới gần cái chết với sự bình thản hoàn toàn và các ông hoàng đã thán phục sự can đảm của Ngài, bấy giờ phải bối rối trước sự khiêm tốn của vị thánh khi hấp hối, công khai thú nhận các lỗi lầm của mình.
(daminhvn.net)



23 Tháng Mười
Cùm Chân Chó
Sách Lã Thị Xuân Thu có chép một câu chuyện như sau: Nước Tề có người xem tướng chó rất giỏi. Một người hàng xóm tới nhờ anh ta tìm cho một con chó biết bắt chuột. Ít lâu sau, anh mang đến một con chó và nói: “Con chó này tốt lắm, ông cứ dùng sẽ vừa ý”.
Người hàng xóm tin theo, nhưng mấy năm qua, con chó không bắt được con chuột nào cả. Người hàng xóm phàn nàn, anh ta liền nói: “Con chó này tốt, nhưng nó chỉ có tài săn bắt hươu nai, bây giờ muốn nó bắt chuột thì phải buộc chân sau nó lại”. Người hàng xóm đã nghe theo và quả nhiên con chó bắt chuột rất hay.
Có cùm một chân lại, con chó mới có thể bắt được chuột. Phải chăng, đó không phải là hình ảnh của rất nhiều người thành công trong những địa hạt lớn, trong những công tác xã hội, trong những việc làm ở quy mô lớn, nhưng lại thất bại trong gia đình hay trong chính cuộc sống cá nhân của mình. Người ta nghĩ rằng chỉ có những công việc vĩ đại mới có giá trị. Người ta phân bua rằng việc trong nhà, việc ở xó bếp là việc của đàn bà.
Thế nhưng có ai nghĩ rằng hạnh phúc của gia đình tùy thuộc rất nhiều vào những công việc xó bếp ấy. Và những công việc vô danh ấy cũng đòi hỏi nhiều hy sinh, nhẫn nhục và tình yêu hơn tất cả những đại cuộc khác. Công việc càng nhỏ nhặt, càng vô danh thì càng nhiều phiền toái và càng đòi hỏi nhiều phấn đấu hơn. Nếu không bióêt cùm chân lấy một chân, nếu không biết hy sinh, nhẫn nhục, một người mẹ trong gia đình không thể chịu đựng năm kia tháng nọ tất cả những phiền toái ấy.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét