Nhân sự kiện giáo phận Qui
Nhơn kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng : Đã Làm Được Gì Trong'' Mục Vụ Ôn Cố''
?
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
10/Oct/2018
ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ TRONG “MỤC VỤ ÔN CỐ”
(Một chút cảm nhận lịch sử nhân sự kiện giáo phận Qui Nhơn kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng)
“ÔN CỐ”: đó là “một chương quan trọng” trong chương trình “Mục Vụ Năm Thánh 400 năm” của giáo phận Qui Nhơn.
Mặc dù Năm Thánh 400 năm đã trôi qua, nhưng các định hướng mục vụ của Năm Thánh lại cần phải dấn thân thực hiện như là những công cuộc “mới bắt đầu”.
Một trong những “định hướng” quan trọng và là nền tảng của mục vụ Năm Thánh đó chính là “ÔN CỐ”. Chúng ta thử tìm lại những “bài học ôn cố” để từ đó rút ra những áp dụng mục vụ cụ thể cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá hôm nay trên quê hương giáo phận.
I. NĂM THÁNH QUI NHƠN VÀ CHƯƠNG TRÌNH “ÔN CỐ”:
1. Các định hướng “Ôn Cố” của Hội Thánh:
Không thể phủ nhận điều nầy: Năm Thánh giáo phận Qui Nhơn gần như đã được “chuẩn bị cách tiềm tàng” với những định hướng mục vụ của Giáo Hội hoàn vũ cũng như của Giáo Hội Việt Nam xuyên qua những cuộc cử hành Năm Thánh: Đại Năm Thánh 2000 của Giáo Hội hoàn vũ và Năm Thánh của Giáo Hội Việt nam mừng kỷ niệm 350 hai Giáo phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam…1659-2009 và 60 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam: 1960-2010.
Chúng ta có thể nhận ra “những chuẩn bị tiềm tàng” nầy trong định hướng mang chiều kích “ÔN CỐ” với các văn kiện Huấn quyền sau đây:
1.1/. Định hướng “ôn cố” của Đại Năm Thánh 2000 của Giáo Hội hoàn vũ:
- Để chuẩn bị hướng tới đại Năm Thánh 2000: Tông thư “Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba” (Tertio Millennio adveniente), nhấn mạnh: không được quên đi quá khứ:
“Giáo Hội trong ngàn năm thứ nhất được sinh ra nhờ máu của các vị tử đạo: (…). Việc làm chứng cho Chúa Kitô cho đến đổ máu mình ra đã trở nên một di sản chung của những người Công Giáo, Chính Thống Giáo và Thệ Phản, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói lên trong bài giảng của ngài, khi phong thánh cho các vị tử đạo ở Ugandan (x. Acta Apostolicae 56 -1964- 906). Chứng từ này không thể nào được phép quên đi. Giáo Hội của các thế kỷ đầu tiên, mặc dầu phải đối diện với những khó khăn đáng kể có tính cách tổ chức hóa, cũng đã viết xuống những sổ bộ chứng tích (martyrologies), đặc biệt về những chứng tá của các vị tử đạo. Những sổ bộ chứng tích này, qua các thế kỷ được liên tục thêm vào, và việc ghi danh tích các thánh cũng như các chân phước không phải chỉ kể đến những vị đổ máu ra vì Chúa Kitô, mà còn cả các vị thày dậy đức tin, các nhà truyền giáo, các vị giải tội, các Đức Giám Mục, các linh mục, các trinh nữ, các cặp vợ chồng, các bà góa và các trẻ em nữa.
Trong thế kỷ của chúng ta đây, các vị tử đạo đã trở lại, nhiều vị trong các ngài không có tên tuổi, như những người lính vô danh cho ý muốn cao cả của Thiên Chúa. Giáo Hội phải cố gắng hết sức để chứng tích của họ không bị mất đi.….”[1]
- “Ôn cố” qua tông sắc khai mạc Năm Thánh 2000 “Mầu nhiệm Nhập Thể” (Incarnationis Mysterium): tưởng nhớ và noi gương các thánh tử đạo:
“Được lãnh nhận dồi dào ân sủng trong suốt năm thánh, chúng ta được tiếp sức để cất cao bài thánh thi tạ ơn Cha bằng tiếng hát: Đạo binh các anh hùng Tử đạo chúc vinh Ngài (Te martyrum candidatus laudat exercitus). Vâng, đây chính là đoàn người “đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7, 14). Vì lẽ đó, Hội Thánh trên toàn cõi đất phải hết lòng bảo tồn và ghi sâu trong tâm khảm của mình lời chứng của các vị tử đạo. Khi được củng cố lòng tin nhờ gương sáng của các chiến sỹ đức tin kiên cường thuộc mọi thời đại, ngôn ngữ và sắc tộc, xin cho dân Chúa được tràn đầy xác tín tiến bước qua ngưỡng cửa Thiên niên kỷ thứ ba.”[2]
1.2/. Các định hướng khác của Huấn Quyền để khai triển và đào sâu:
- Cũng đừng quên, trong Năm Đức Tin (2012-2013) để kỷ niệm 50 năm khai mở Công Đồng Vatican II, ĐGH Bênêđictô XV, trong tự sắc “Cánh cửa đức tin” (Porta Fidei) đã lưu ý dân Chúa cần phải ôn lại “lịch sử đức tin”, một việc “ôn cố” cần thiết trong hành trình sống đức tin của dân Chúa. Xin trích:
“Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là điểm lại lịch sử đức Tin của chúng ta, được ghi dấu bằng mầu nhiệm lạ lùng về sự đan xen giữa thánh thiện và tội lỗi. Lịch sử thánh thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của những người, nam và nữ, cho sự tăng trưởng và phát triển cộng đoàn bằng chứng từ cuộc sống của mình, còn lịch sử tội lỗi thúc đẩy mỗi người phải thành tâm và thường xuyên hoán cải để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đang đến gặp gỡ mọi người.”[3]
- Văn kiện hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu tức tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, đã đặc biệt lưu ý đến việc chiêm ngưỡng các Thánh Tử Đạo, như một điểm quy chiếu cần thiết cho công cuộc Tân Phúc âm hoá tại Á Châu. Xin trích:
“Qua các thời đại, Á Châu đã cung cấp cho Giáo Hội và thế giới một đoàn đông đảo các vị Anh Hùng Đức Tin, và từ con tim của Á Châu, trổi lên bài ca vĩ đại: Te martyrum candidatus laudat exercitus (đoàn tử đạo quang huy hùng dũng, máu đào đổ ra minh chứng về Ngài). Đó là bài ca của những vị đã chết vì Đức Kitô trên phần đất Á Châu trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội, và đó cũng là tiếng kêu đầy vui mừng của những người nam và nữ của các thời gần đây, như thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo, thánh Lôrensô Ruiz và các bạn tử đạo, thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, thánh Anrê Kim Taegon và các bạn tử đạo. Xin đoàn đông đảo Các Thánh Tử Đạo Á Châu xưa cũng như nay, không ngừng dạy dỗ Giáo Hội tại Á Châu biết thế nào là làm chứng cho Chiên Con mà các ngài đã giặt trắng áo trong máu của Người (x. Kh 7,14). Ước chi các ngài luôn là những chứng nhân bất khuất cho chân lý này, là các Kitô hữu được kêu gọi, luôn luôn và mọi nơi, loan báo không điều gì khác ngoài quyền lực của Thánh Giá Chúa! Và xin cho máu Các Thánh Tử Đạo Á Châu, bây giờ cũng như mãi mãi, là hạt giống sinh sự sống mới cho Giáo Hội tại mọi hang cùng ngõ hẻm của lục địa!”[4]
1.3/. Định hướng “Ôn cố” của Năm Thánh GHVN:
Bám theo “lộ trình ôn cố” như một định hướng nền tảng, Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam cũng được khai mở và hành động theo những hướng dẫn mục vụ gắn liền với những gương chứng nhân tử đạo của công cuộc loan báo Tin Mừng.
- Văn thư của Bộ Phúc Âm hoá các dân tộc dành cho Giáo Hội tại Việt Nam nhân dịp Năm Thánh đã long trọng nhắc đến các anh hùng tử đạo:
“...Việc khai mạc Năm Thánh được cử hành vào chính ngày Lễ Kính 117 Vị Tử Đạo Việt Nam, điều đó mang một ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, cơ hội này mời gọi chúng ta hiệp lòng dâng lời cầu nguyện để cảm tạ các vị anh hùng đức tin đã đổ máu mình làm chứng cho lòng trung thành và tình yêu mến đối với Chúa Giêsu-Kitô. Những giọt máu đào các ngài đổ ra trên mảnh đất Việt Nam, kết hợp với Máu Chúa Kitô trên Thánh giá, nay đã làm nẩy sinh một Giáo Hội Công Giáo phồn vinh, đang tăng trưởng nhanh chóng và mang đầy hứa hẹn giữa vô vàn khó khăn và thử thách. Năm Thánh 2010 mời gọi chúng ta nhìn lại, với tâm tình tri ân cảm tạ, lịch sử ngót 500 năm công cuộc Phúc Âm hoá một Đất Nước, nơi mà vào năm 1533, Chúa Quan Phòng nhân hậu đã gửi tới vị thừa sai tiên khởi, gieo vãi những hạt giống Phúc Âm đầu tiên, để rồi những hạt giống ấy triển nở cách lạ lùng xuyên qua những bước thăng trầm của lịch sử. Năm Thánh 2010 cũng đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ lịch sử kể từ khi Đức Giáo Hoàng, Chân Phước Gioan XXIII, thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo vào năm 1960 và quyết định ký thác các Giáo Hội địa phương tại Việt Nam cho sự hướng dẫn mục vụ của các Giám mục bản xứ. Nhìn lại lịch sử đầy ân sủng và phúc lành do Thiên Chúa ban, chúng ta chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa và cất tiếng hát ngợi khen: “vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương !” (Tv 136,1).[5]
- Thư Công bố Năm Thánh của HĐGMVN cũng long trọng nhắc đến các chứng nhân Tử Đạo:
“Năm 2010 ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam: 350 năm thiết lập hai giáo phận tông toà Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010). Đây là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử….”[6]
- Và dĩ nhiên, khi nói tới “bài học lịch sử” thì phải hướng đến các chứng nhân Tử Đạo:
“Các Thánh Tử đạo đã nhiệt tâm làm chứng cho đức tin đến độ dám hy sinh cả mạng sống. Máu các ngài đổ ra đã tưới thắm mảnh đất quê hương, trở nên hạt giống làm nẩy sinh nhiều cộng đoàn tín hữu trên đất nước Việt Nam. Khai mạc Năm Thánh vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo mời gọi chúng ta tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin đã lãnh nhận, tri ân các bậc tiền nhân, các ân nhân và chứng nhân đã gieo vãi và vun trồng hạt giống đức tin trên quê hương đất nước nầy, đồng thời ý thức giá trị cao quý của hồng ân đức tin để sống và làm chứng cho Tin Mừng, tích cực xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trong môi trường Chúa sai chúng ta đến…”[7]
2. Định hướng “Ôn Cố” của Năm Thánh” của Giáo phận Qui Nhơn:
Được thúc đẩy và hướng dẫn bới những giáo huấn nền tảng và cần thiết trên, giáo phận Qui Nhơn khi chuẩn bị mở Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng cũng đã lưu ý đặc biệt định hướng mục vụ mang chiều kích “Ôn Cố”; nội dung ý nghĩa nầy được phản ảnh qua nhiều biểu hiện cụ thể sau:
2.1/. Những bản Kinh Năm Thánh của Giáo phận Qui Nhơn:
- Bản Kinh Chuẩn Bị Năm Thánh:
“…chúng con chúc tụng và cảm tạ Chúa vì gần bốn trăm năm qua Chúa luôn làm muôn điều kỳ diệu cho Giáo phận Qui Nhơn chúng con. Chúa đã gửi đến các nhà truyền giáo nhiệt thành thánh thiện / và nhiều người kế tục không ngừng, dấn thân gieo hạt giống Tin Mừng trên mảnh đất thân yêu nầy. Xin cho chúng con biết giữ gìn và làm sinh hoa kết quả hạt giống đức tin mà chúng con đã lãnh nhận. (…). Xin Chúa ban cho chúng con được đầy ơn Chúa Thánh Thần và lòng nhiệt thành truyền giáo, biết theo gương các bậc tiền nhân, can trường hy sinh và sống bác ái, biết góp công góp sức xây dựng Giáo phận, tái thiết các giáo xứ mà các ngài đã dày công gầy dựng và hăng say làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc...”[8]
- Bản kinh trong Năm Thánh:
“…Suốt 400 năm qua, trên cuộc lữ hành đức tin đầy chông gai và thử thách, nhờ có Chúa luôn đồng hành để hướng dẫn, nâng đỡ, trợ giúp, với lòng nhiệt thành của các vị thừa sai, bao hy sinh của các chứng nhân anh dũng, và công khó của các thế hệ cha ông, Lời Chúa đã lan rộng khắp nơi, hình thành các giáo phận của cả miền nam đất Việt. Chúng con xin cùng nhau cúi đầu thống hối, vì bao tội lỗi bất trung và thiếu sót, trước tình yêu hải hà của Chúa, và ơn sâu nghĩa nặng của các bậc tiền nhân….”[9]
2.2/. Các thư mục vụ của Chủ chăn Giáo phận Qui Nhơn:
- Thư Mùa Chay và Tết Mậu Tuất 2018:
“Đối với Giáo phận Qui Nhơn chúng ta, Mùa Chay năm nay diễn ra trong khung cảnh Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng. Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta nhìn về quá khứ và học được những mẫu gương tuyệt vời về sự thánh thiện, tình yêu và nhiệt tình tông đồ của các bậc tiền nhân, đến độ các ngài đã sẵn sàng hy sinh tất cả cho Thiên Chúa và tha nhân…”[10]
- Bài giảng trong Thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Làng Sông:
“Thánh lễ khai mạc này được lồng trong khung cảnh phụng vụ của lễ kính trọng thể Chân phước Anrê Phú Yên, học trò của các thừa sai Dòng Tên, tử đạo năm 1644. Ngài là hoa trái đầu tiên của hạt giống Tin Mừng chỉ sau 26 năm hạt giống này được gieo trồng vào mảnh đất Giáo phận. Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi và là người chứng thứ nhất của Giáo Hội Việt Nam đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân phước vào Chúa Nhật, ngày 05 tháng 03 năm 2000, là Năm thánh của Giáo Hội hoàn vũ. (…).
Hòa chung với dòng máu tử đạo của các chứng nhân đức tin, còn có biết bao mồ hôi và nước mắt của các thế hệ tiền nhân qua dòng thời gian suốt 400 năm qua, từ buổi sơ khai tại cảng thị Nước Mặn một thời vang bóng cho đến hôm nay. Đó là các thừa sai Dòng Tên đã lập cư sở đầu tiên của dòng tại Nước Mặn, vừa làm khởi điểm truyền giáo, vừa làm chiếc nôi của chữ quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất. Tiếp đến là Đức cha Phêrô Lambert de La Motte, vị Đại diện Tông tòa tiên khởi của Giáo Đàng Trong, người đã truyền chức linh mục cho người Việt tiên khởi là cha Giuse Trang, quê ở Quảng Ngãi, vào ngày 31 tháng 03 năm 1668 và đã thành lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá của Đàng Trong tại An Chỉ (Quảng Ngãi) vào năm 1671. Từ đó đến nay các vị Giám mục cùng với các linh mục, tu sĩ, thầy giảng và giáo dân, đã đồng lao cộng khổ để canh tác trên cánh đồng truyền giáo của Giáo phận, để làm cho hạt giống Tin Mừng tiếp tục sinh sôi nẩy nở, bất chấp mọi khó khăn thử thách.
Thánh lễ hôm nay được cử hành tại khuôn viên chủng viện cổ kính Làng Sông, nơi xuất thân của một số Giám mục, biết bao linh mục và tông đồ giáo dân, giữa hai hàng sao đại thụ 125 năm tuổi, bên cạnh Tòa Giám mục ngày xưa, như chứng tích không phai nhòa của một lịch sử truyền giáo lâu dài, để dẫn đưa mỗi người chúng ta trở về nguồn, với tâm tình tri ân cảm tạ đối với Thiên Chúa, vì biết bao ơn lành Ngài đã ban xuống cho Giáo phận Qui Nhơn chúng ta trong suốt 400 năm qua, đồng thời cũng để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống, nước mắt mồ hôi, cho công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất mẹ Qui Nhơn.
Giờ đây Năm thánh được mở ra để mọi người con đất mẹ được dịp thể hiện những tâm tình ấy, đồng thời cũng để cầu xin Thiên Chúa tiếp tục ban ơn giúp đỡ để mỗi người chúng ta sống xứng đáng với bao hồng ân đã lãnh nhận và noi gương các bậc tiền nhân, tiếp tục làm cho hạt giống đức tin mà các ngài đã dày công gieo vãi được trổ sinh hoa trái dồi dào.”[11]
- Diễn từ của của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli:
“…Hôm nay, tôi muốn suy gẫm về một ít sự kiện quan trọng được cắm rễ sâu trong lịch sử của anh chị em, bởi vì chúng ta góp phần làm nên cuộc hành hương vĩ đại đã khởi sự khi Chúa Giêsu ủy thác cho các Tông đồ và môn đệ của Ngài ra đi đến tận cùng thế giới, “để làm cho muôn dân trờ thành môn đệ của Ngài, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Các vị truyền giáo dòng Tên từ Hội An đã đến lập cư sở tại Nước Mặn, Qui Nhơn vào tháng 7 năm 1618 và tất cả chúng ta, lớp con cháu tinh thần của những con người dũng cảm ấy, có thể vui mừng và tự hào về tầm nhìn, lòng can đảm và niềm tin của các vị.
Một mốc quan trọng khác trong cuộc hành hương đức tin của cộng đoàn Giáo phận anh chị em là việc thiết lập Giáo phận Đại diện Tông tòa Đàng Trong vào năm 1659, đã đặt nền tảng cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.
Cuộc hành trình đức tin mà anh chị em đang tiến bước là con đường dài. Từ Rôma đến Qui Nhơn, chúng ta có thể nhìn thấy và cử hành với niềm vui trên con đường đức tin cúa mình. Tuy nhiên, việc kỷ niệm thời điểm lịch sử này chỉ đạt được ý nghía trọn vẹn khi chúng ta có một cam kết dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Ấm hóa….”[12]
- Bảy bức thư mục vụ gởi cho 7 giáo hạt trong dịp cử hành Năm Thánh tại giáo hạt: Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Kim Châu, Gò Thị, Qui Nhơn, Mằng Lăng, Tuy Hoà. Trong những dịp cử hành “Thánh lễ Trạm” nầy, Đức Giám Mục giáo phận đã khơi lại dòng lịch sử hào hùng đã chảy qua phần đất của các giáo xứ thuộc địa bàn giáo hạt hiện hay.
II. GIÁO PHẬN QUI NHƠN VÀ VIỆC ÁP DỤNG MỤC VỤ ÔN CỐ
1. Những công việc “trong nhà”:
Việc “tri ân cảm tạ các tiền nhân” và noi gương các ngài trong việc thể hiện niềm tin, theo những gì mà các “văn bản hướng dẫn”, chắc chắn không ít thì nhiều đã được cộng đoàn dân Chúa khắp nơi trong giáo phận thực hiện; cho dù với con mắt trần tục, chúng ta có thể không nhận ra những biểu hiện cụ thể, nhưng phải xác tín rằng, Chúa Thánh Thần đã, đang và sẽ tác động trên dân Chúa qua mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội.
Ở đây, chỉ xin dừng lại những việc làm mang tính “ôn cố” mà mọi người có thể thấy được, xem được và có thể vận dụng như một phương thế cho công cuộc tân phúc âm hoá trong bối cảnh xã hội hôm nay.
a/. Trước hết: đó là tài liệu lịch sử chính thức của Giáo phận qua cuốn sách mang tên: GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN.
Để nắm bắt khái quát nội dung tập sách quan trọng được phát hành đúng vào dịp Khai mạc Năm thánh nầy, chúng ta thử đọc lại đôi dòng trong lời giới thiệu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên Giám Mục giáo phận Qui Nhơn:
“(…).Trong tinh thần "ôn cố tri tân" chúng ta lần theo dấu vết lịch sử, trước là để cảm đội ơn Chúa đã luôn phù trì che chở và ban sức mạnh cho các bậc tiền nhân chúng ta; sau là để noi gương anh dũng của cha ông trong việc kế tục sự nghiệp mở mang Nước Chúa và rao giảng Tin Mừng. Ngày nay người Kitô hữu chúng ta vẫn không thiếu những chướng ngại to lớn đang ngăn trở đức tin của mình, đáng sợ nhất là não trạng tôn sùng vật chất, chạy theo lợi nhuận, đang là nguy cơ làm cho đức tin người tín hữu bị lung lay hầu như tận gốc.
Để củng cố niềm tin Kitô giáo và mời gọi các tín hữu chuẩn bị tích cực đón nhận hồng ân Năm thánh của Giáo phận, Đức Giám Mục Giáo phận đã hoàn tất việc biên soạn và ấn hành quyển Giáo phận Qui Nhơn theo dòng thời gian, căn cứ trên sử liệu được trình bày hết sức khách quan và trung thực, đây là một công trình đáng ghi nhớ cũng như món quà quý báu của Giáo phận Qui Nhơn.
Xin được tóm tắt những cảm nhận và suy tư trên với lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ sáu ngày 27 tháng 01 năm 2017 tại nguyện đường Santa Marta đã nói rằng: "Anh chị em không thể hiểu đời sống Kitô hữu mà không ghi nhớ ký ức. Anh chị em không thể hiểu đời sống thiêng liêng nếu không ghi nhớ ký ức. Anh chị em không thể sống đời sống Kitô hữu nếu không ghi nhớ ký ức". Ký ức ngài nói đây chính là lịch sử, là nòng cốt để xây dựng và phát triển đức tin Kitô giáo cũng như đời sống của người Kitô hữu.
Xin trân trọng giới thiệu với anh chị em công trình biên khảo lịch sử rất giá trị: Giáo phận Qui Nhơn theo dòng thời gian và ước mong được mọi người đón nhận với tâm tình tạ ơn Chúa và với quyết tâm củng cố đức tin của chính mình và của con cháu. Hãy cầm lấy mà đọc...”[13]
Và nếu “Lời Giới Thiệu” đầu sách mời gọi chúng ta “Hãy cầm lấy mà đọc”, thì nơi những dòng cuối cuốn lịch sử quan trọng nầy đã nêu bật tiêu đích của việc “đọc lại lịch sử” đó là để “viết nên những trang sử truyền giáo mới”:
“Năm thánh sẽ bế mạc vào ngày 26.07.2018, nhưng không phải để khép lại quá khứ và biến nó thành một thứ báu vật trong viện bảo tàng, nhưng Năm thánh là một khung cửa mở ra cho tương lai, để toàn thể Giáo phận lên đường loan báo Tin Mừng theo gương các tiền nhân, viết nên những trang sử truyền giáo mới bằng một cuộc tân Phúc Âm hóa, với nhiệt tình, phương pháp và cách diễn tả mới, phù hợp với thời đại mới, để xây dựng trời mới đất mới trên quê hương Giáo phận Qui Nhơn.”[14]
b/. Tác phẩm thứ hai hoàn thành trước ngày diễn ra đại lễ Tạ ơn-Bế mạc Năm Thánh, đó là cuốn mang tên: KỶ YẾU GIÁO PHẬN QUI NHƠN MỪNG 400 NĂM LOAN BÁO TIN MỪNG.
Đây là một bản toát lược toàn cảnh giáo phận Qui Nhơn về khái quát lịch sử giáo phận, tóm lượt lịch sử và địa lý, địa bàn mục vụ các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ biệt lập, các Hội Dòng, các hội đoàn, các sinh hoạt mục vụ trọng điểm, các thánh nhân và danh nhân của giáo phận, các tác phẩm và công trình văn hoá, các trung tâm hành hương và di tích tử đạo…
Cho dù còn nhiều yếu tố phải hoàn chỉnh, bổ sung, nhưng chung chung, đây là một tài liệu quý giá để giới thiệu cho mọi người biết được “bà mẹ Qui Nhơn” 400 năm tuổi đang hiện diện và phát triển thế nào.
c/. Quần thể chủng viện làng Sông: Đây có thể nói được là công trình văn hoá vừa “vật thể” vừa “phi vật thể”.
- “Văn hoá vật thể”: đó chính là các hạng mục của cơ sở chủng viện Làng Sông với bề dày lịch sử trên dưới 170 năm mà chứng tích rõ nét là những hàng sao cao vút; riêng hàng sao ngay lối chính diện có tuổi thọ đúng 125 năm.
Công trình thuộc hạng “quý hiếm” nầy, với những mái nhà rêu phong và các đường nét, hoạ tiết kiến trúc cổ kính được phục chế, đã ghi đậm một thời vang bóng của một trung tâm điều hành và huấn luyện (Toà Giám Mục, chủng viện…) mục vụ cho một giáo phận Qui Nhơn rộng lớn bao gồm từ Quảng Nam đến Khánh Hoà và lên tận Tây nguyên.
- “Văn hoá phi vật thể”: Nơi đây cũng là cái nôi và trung tâm phát triển chữ quốc ngữ trong giai đoạn kiện toàn và củng cố mà nhà in Làng Sông chính là một công cụ hiệu quả và rất hiện đại. Cũng từ địa điểm phục vụ văn hoá chuyên biệt nầy, tủ sách Nước Mặn được hình thành để kế thừa truyền thống văn hoá-văn học về chữ quốc ngữ của nhà in Làng Sông khi xưa. Tủ sách nầy hiện nay đã có trên 50 đầu sách (Trong đó có những cuốn liên quan trực tiếp đến lịch sử 400 năm của giáo phận).
c/. Phòng Truyền thống và “ký ức cha ông”: Không thể không nhắc đến một công trình “ôn cố” đặc biệt đó chính là “PHÒNG TRUYỀN THỐNG GIÁO PHẬN”. Toạ lạc tại dãy lầu tầng trên của khu nhà sở quản lý, phòng truyền thông giáo phận vừa kịp khánh thành đúng vào sáng ngày 26.7.2018. Nơi đây, không phải chỉ là nơi “bảo tàng các cổ vật được sưu tập” mà là “mái nhà xưa của mẹ Qui Nhơn”, nơi cất giữ, chất chứa bao nhiêu kỷ vật và kỷ niệm của cha ông.
Thật vậy, qua các “kỷ vật biết nói” nầy, chúng ta sẽ thấy một “mẹ già Qui Nhơn” với đoàn lũ con cái đã ra đi trên những nẻo đường mục vụ, đã sống qua qua bao thăng trầm dâu bể của thời gian, đã trải qua bao gian nan thử thách…và đã để lại một gia tài thiêng liêng cao quý cho các thế hệ cháu con. Đây chính là một lịch sử sống của giáo phận.
2. Những điểm nhấn văn hoá với Giáo Hội và xã hội Việt Nam:
Trước hết, nếu chọn cột mốc thời gian “tháng 7/1618” để liên hệ đến buổi đầu đón nhận Tin Mừng thì phải nhắc đến “Nước Mặn” nơi mà vào đúng thời điểm trên, các thừa sai Dòng Tên đã “đóng đô” tại đó để hình thành “Cư sở truyền giáo chính thức đầu tiên của Dòng Tên tại Đàng Trong” và cũng là cư sở truyền giáo chính thức của Giáo Hội Công Giáo tại Việt nam vào thế kỷ 17.
Sở dĩ nhắc đến “địa danh” nầy, vì nếu không có biến cố xảy ra “vào tháng 7/1618 tại Nước Mặn”, chắc chắn sẽ không có sự kiện “Qui Nhơn mừng 400 năm đón nhận Tin Mừng”.
Thật vậy, khi nhìn về Miền Trung Việt Nam, nhất là vùng mang biệt danh “liên khu 5” gồm 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, thường ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh và khái niệm “đất cày lên sỏi đá, xứ dân gầy, khỉ ho cò gáy, máu lửa chiến tranh…”, mà ít khi liên tưởng đến: đây chính là “cái nôi” ghi những dấu chân đầu tiên xây dựng nền móng cho hai công trình đáng gọi là “vĩ đại” cho đất nước, dân tộc và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam:
- Công trình văn hóa: TRUNG TÂM GẦY DỰNG CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN: NƯỚC MẶN.
- Công trình tôn giáo: CƯ SỞ TRUYỀN GIÁO CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN CỦA CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN TẠI VIỆT NAM: NƯỚC MẶN.
Để khẳng định được “hai điểm nhấn lịch sử” quan trọng nầy, không phải chuyện cứ “ăn theo nói leo” (như một số các nhà nghiên cứu không chuyên vấp phải), mà phải là cuộc “truy lùng” tận ngọn, một cuộc đào bới công phu các chứng tích, các tư liệu liên quan trực tiếp đến chuyên đề lịch sử khá tế nhị và cũng lắm mờ mịt nầy.
Và đây chính là một cố gắng không nhỏ, nếu không nói, là một điểm son chói lọi, trong chương trình mục vụ tổng quát của Giáo Phận Qui Nhơn đón mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng, một đại lễ Tạ ơn mới vừa được long trọng cử hành tại chủng viện Qui Nhơn chiều ngày 26.7.2018 để bế mạc một Năm Thánh đã khai diễn vào cùng ngày năm trước tại tiểu chủng viện Làng Sông (26.7.2017).
a/. Cái nôi của chữ quốc ngữ:
Trước hết, chúng ta hãy để các nhà chuyên môn về sử học và ngôn ngữ lên tiếng.
- Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã phát biểu tổng kết trong cuộc Hội Thảo Khoa học liên ngành (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Ngôn ngữ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định…) tại Bình Định ngày 13.01.2016, với chuyên đề: “BÌNH ĐỊNH VỚI CHỮ QUỐC NGỮ”. Xin trích:
“Chữ quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn, Hội An và Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sơm hơn”.[15]
Nhưng thẩm quyền để chuẩn nhận cho “thời điểm lịch sử nầy”, chỉ có những người trong cuộc với những chứng từ của chính những nhân vật đó. Và đây là những chứng nhân lịch sử đó. Chúng ta cùng đọc lại giai đoạn lịch sử đặc biệt nầy qua tài liệu GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN[16]:
2.2.2. Cư sở Nước Mặn, Qui Nhơn.[17]
Được tin cha Buzomi bị bệnh và các thừa sai gặp nạn, nhân có chuyến tàu buôn đầu năm 1618, Bề trên Tỉnh Dòng ở Ma Cao sai hai thừa sai khác đến giúp là cha Pedro Marques (Nhật) và cha Chistoforo Borri (Ý). Cha Marques sẽ đến ở trong khu cư trú của người Nhật nên mặc áo thừa sai, còn cha Borri được sai đến bí mật truyền giáo cho người Việt nên phải cải trang làm đầy tớ trên tàu.
Sau một thời gian chữa bệnh tại tư dinh ông Trần Đức Hòa ở Qui Nhơn, cha Buzomi đã bình phục. Một hôm ông Trần Đức Hòa đi ra Cửa Hàn, có cha Buzomi đi theo và tình cờ gặp cha Borri. Hai cha cùng về Hội An, gặp được cha Marques, cha Pina và hai tu huynh. Trong cuộc gặp gỡ vui vẻ này, các cha thảo luận với nhau về những việc phải làm để đem lại lợi ích thiêng liêng cho khu vực truyền giáo và đã đi đến quyết định: cha Marques ở lại Hội An với tu huynh người Nhật, còn cha Buzomi, cha Pina, cha Borri cùng với tu huynh người Bồ đi theo quan trấn thủ Trần Đức Hòa về Qui Nhơn theo lời mời tha thiết của ông.[18]
Sau đây là lời tường thuật của cha Borri, người trong cuộc: "Chúng tôi bỏ Hội An, cha Buzomi, cha Pina và tôi, để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông luôn luôn để chúng tôi ở cùng nhà với ông và tiếp đãi chúng tôi rất đặc biệt. Thực ra chúng tôi chẳng có thế giá gì về mặt con người bắt buộc ông phải xử như thế. Cho nên rất rõ ràng và hiển nhiên là những sự ông săn sóc phải coi như hiệu quả của Thiên Chúa quan phòng. Ông dành riêng cho chúng tôi một chiếc thuyền để phục dịch một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến. Thường thì các hải cảng ở cạnh những thành phố đẹp nhất thuộc tỉnh Quảng Nghĩa. Nơi đây ông có quyền như ở Qui Nhơn, mọi người đều ra đón, chúc mừng và tỏ lòng qui phục cùng nhận quyền với rất nhiều lễ vật quí và chúng tôi cũng là những người thứ nhất được dự phần, do lệnh quan trấn thủ muốn thế. Mọi người đều lấy làm lạ khi thấy chúng tôi được trọng đãi và vì thế chúng tôi được người ta quí mến và có thịnh tình với chúng tôi. Ông cũng nghe theo lời chúng tôi thỉnh cầu trong rất nhiều trường hợp, mỗi lần có vụ xử một trọng tội nào. Chúng tôi chưa mở miệng xin ân xá thì ông đã bằng lòng ban ngay rồi. Do đó chúng tôi được nổi tiếng, có thế giá không kém quan trấn thủ. Thấy chúng tôi có lòng bác ái và thương xót hết mọi người, nên mọi người đều quí mến và tìm đến chúng tôi...
"Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh, sau tất cả những cuộc vui và cỗ bàn trong cuộc hành trình, chúng tôi được tiếp đón rất trịnh trọng và đặc biệt thường chỉ dành riêng cho các ông hoàng bà chúa... Tám ngày qua đi, chúng tôi cho ông biết là chúng tôi thích ở trong thành để dễ bề rao giảng Phúc Âm hơn, còn nếu ở trong tư dinh thì không làm được dễ dàng bằng, vì ở xa tỉnh chừng một dặm rưỡi, trong miền thôn quê như ở đây. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và buồn phiền khi phải xa chúng tôi. Thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn. Ông còn thêm: trong tư dinh của ông có tới hơn một trăm nhà, chúng tôi có thể chọn một nhà nào xứng đáng nhất để làm nhà thờ và chúng tôi cứ cho ông biết thì tức khắc ông sẽ định liệu cho đủ sự cần thiết. Chúng tôi khiêm tốn cảm tạ ông về tất cả những ơn huệ ông đã ban cho chúng tôi trong cuộc hành trình và những việc ông vẫn còn tiếp tục làm cho chúng tôi, và sau khi từ biệt, chúng tôi trèo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tùy tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi".[19]
Đây mới là đoàn thừa sai chính thức đến Nước Mặn để tiến hành công cuộc truyền giáo tại Qui Nhơn, vì lần cha Buzomi đến Nước Mặn trước đây chỉ là để chữa bệnh. Tháng 07 năm 1618, quan phủ cho thợ dựng cho các thừa sai một ngôi nhà gỗ rộng rãi tại Nước Mặn. Các ngài được yên ổn tự do truyền giáo và được ông chu cấp mọi nhu cầu. Đôi khi ông còn đích thân đến bàn chuyện với các ngài về tôn giáo. Sau đó ông còn cho một ngàn tráng đinh đến dựng cho các ngài một ngôi nhà nguyện lớn. Như vậy Nước Mặn mới thực sự là Cư sở đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong, mặc dù các ngài đã đến Cửa Hàn trước đó ba năm.[20]
Trong bản báo cáo thường niên năm 1618 của học viện Ma Cao, sau mục báo cáo chung về Đàng Trong "Missione di Cocincina", có mục báo cáo riêng "Della Residentia di Pulocambi – Về Cư sở Pulocambi (Nước Mặn)",[21] sau đó không có cư sở nào khác ở Đàng Trong được đề cập đến trong báo cáo. Từ năm 1618 đến năm 1620, số thừa sai hoạt động truyền giáo ở Nước Mặn gồm có cha Buzomi, cha Pina, cha Borri và tu huynh Dias, trong đó cha Buzomi là Bề trên của Cư sở.”[22]
b/. Các “điểm nhấn lịch sử” khác trong Lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam:
Trả lại “vị trí ưu tiên cho Nước Mặn” trong vai trò “cái nôi đầu tiên của chữ Quốc ngữ” rồi đây sẽ được giới nghiên cứu lịch sử về văn hoá, văn học liên quan đến chữ Quốc ngữ từ từ khẳng định cách thuyết phục và đầy chứng lý lịch sử cũng như khoa học khách quan.
Cách riêng, vai trò “tiên khởi” của Nước Mặn trong công cuộc truyền giáo tại Việt nam thì ước mong các nhà biên soạn Giáo sử cũng cần nhuận chính sao cho các thế hệ tín hữu Việt Nam và cả mọi người, khi tìm tới cội nguồn lịch sử của công cuộc loan báo Tin Mừng, sẽ gặp được một lịch sử Giáo Hội Việt Nam chuẩn xác và đồng bộ.
Cùng với “điểm nhấn lịch sử” liên quan đến “Nước Mặn”, qua sự kiện giáo phận Qui Nhơn mừng 400 năm loan báo Tin Mừng, nhất là với những nỗ lực trong mục vụ “ÔN CỐ”, cũng cần trả lại “vai trò tiên khởi” cho các nhân vật sau:
- CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN: Vị Tử đạo “đầu tiên” của Giáo Hội Việt Nam. Đây chính là “danh xưng” đã được Hội Thánh chính thức sử dụng trong văn bản mang tính pháp lý và phụng vụ. Xin trích nguyên văn câu tiếng La tinh trong “SẮC LỆNH TUYÊN PHONG CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II: “IOANNES PAULUS PP-II ad perpetuam rei memoriam.
- In nomine Jesu omne genu flectatur caelestium et terrestrium et infernorum, et omnis lingua confiteatur: - Dominus Jesus Christus !-, in gloriam Dei Patris – Philp 2,10-11. Juvenis Andreas, protomartyr Ecclesiae Dei quae est in Vietnamia…” [23]
- LINH MỤC GIUSE TRANG: Người Việt Nam đầu tiên duy nhất được phong chức linh mục đó là thầy Giuse Trang, 28 tuổi, quê Quảng Nghĩa. Thầy Trang được Đức cha Lambert de la Motte phong chức đúng vào ngày lễ Vọng Phục Sinh, ngày 31 tháng 3 năm 1668 tại Ajuthia Thái Lan. Cùng thụ phong linh mục với cha Trang có cha Francisco Perez, sau nầy làm Giám mục Đại diện Tông toà tại Đàng Trong (1690-1728).[24]
- Các linh mục Việt Nam khác: Hai cha Gioan Huệ và Bênêđictô Hiền (Đàng Ngoài) được thụ phong vào tháng 6 năm 1668, tức là sau lễ phong chức cha Giuse Trang 3 tháng. Trong khi đó cha Luca Bền (Đàng Trong) được phong chức vào đầu năm 1669.[25]
- Nếu nói “thế hệ linh mục Việt nam đầu tiên”, thì có thể xếp chung 4 vị linh mục có tên vừa kể; còn nếu nói linh mục người Việt nam đầu tiên thì phải dành riêng cho linh mục GIUSE TRANG. Vì chứng liệu lịch sử đã ghi thật chính xác.
Thay lời kết:
Thật sự, làm sao học cho hết “bài học của lịch sử”. Nhân sự kiện Năm Thánh 400 năm loan báo Tin Mừng, giáo phận Qui Nhơn được Chúa thúc đẩy để nhìn lại lịch sử vừa để cùng nhau cảm tạ tri ân, vừa để dốc lòng “hoán cải mục vụ”, và nhất là, để cùng nhau lên đường “viết những trang sử truyền giáo mới”.
Trong việc áp dụng “mục vụ ôn cố” không phải chỉ dừng lại ở những chuyện phần nào có vẽ không mấy thực tế nầy rồi thôi; nhưng dù sao, đó cũng là những chất xúc tác để qua “sự kiện 400 năm”, nhiều lệch lạc sẽ được chuẩn hoá, và có thể, để mọi người yêu mến và tìm đến với Giáo Hội nhiều hơn !
Mong thay.
Giuse Trương Đình Hiền
Tháng 9/10/2018
[1] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông thư “Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba” (Tertio Millennio adveniente). Số 37.
[2] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông sắc “Mầu Nhiệm Nhập Thể” (Incarnationis Mysterium), ban hành tại Rôma ngày
[3] ĐGH Bênêđictô XVI, Tự sắc “Cánh cửa đức tin” (Porta fidei) ban hành tại Rôma ngày 11.10.2011, số 13.
[4] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia) 2001, số 49.
[5] Hồng Y Ivan DIAS, Tổng trưởng + Robert SARAH, Thư ký. Thư gởi Đức Cha Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN Giám mục Giáo phận Đàlạt Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 14 tháng 11 năm 2009. Bộ Phúc âm hoá các dâ tộc, Prot. 4522/09.
[6] THƯ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GỬI CỘNG ĐỒNG dân Chúa CÔNG BỐ NĂM THÁNH 2010. Làm tại Xuân Lộc ngày 9/10/2009. Ct/HĐGMVN: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Số 1
[7] Ibid. Số 2.
[8] Kinh cầu nguyện trong thời gian 6 năm chuẩn bị gần Năm Thánh 400 năm (2012-2018)
[9] Kinh Năm Thánh từ 26/7/2017-26/7/2018.
[10] ĐGM. Mathhêô Nguyễn Văn Khôi, Thư Mùa Chay và Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018.
[11] ĐGM. Mathhêô Nguyễn Văn Khôi. Bài giảng Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh tại Làng Sông, 26.7.2017.
[12] TGM. Leopoldo Girelli. Diễn từ trong Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh tại Làng Sông, 26.7.2017.
[13] Ban biên soạn lịch sử giáo phận. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN. Nxb. An Tôn & Đuốc sáng 2017. Lời Giới Thiệu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn. Tr. 5-6
[14] Ibid. Phần “Tổng Kết”. Tr. 413.
[15] GS. Phan Huy Lê, Nguyễn Thanh Quang, Lm. Võ Đình Đệ, Ts. Trương Anh Thuận (đồng tác giả): CHỮ QUỐC NGỮ TỪ NƯỚC MẶN ĐẾN LÀNG SÔNG. Kỷ niệm 400 năm Chữ Quốc Ngữ. NXB Đồng Nai 2018. Lời giới thiệu, tr. 6
[16] Ban biên soạn lịch sử giáo phận. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN. Nxb. An Tôn & Đuốc sáng 2017. Chương II. CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN TỪ MA CAO ĐẾN ĐÀNG TRONG. Cư sở Nước Mặn. Tr. 51-54.
[17] Vị trí của cư sở này ngày nay có thể được xác định tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ngày 15.07.2011, Tòa Giám mục Qui Nhơn đã dựng bia kỷ niệm tại đó.
[18] Xem CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, sđd., tr. 126.
[19] CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, sđd., tr. 127-138. Tường trình về Khu truyền giáo, sđd, tr. 72 – 78.
[20] Xem DANIELLO BARTOLI, Dell' Istoria della Compagnia di Gesù, sđd., vol.17, terza parte, libro terzo, tr. 269.
[21] Địa danh "Pulo Cambi", phát xuất từ cách gọi của người Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ XVI, thời kỳ mà các chủ thuyền Bồ Đào Nha mướn các tài công và các hoa tiêu Mã Lai để đi lại trên Biển Đông. Địa danh này được ghi trên các bản đồ xưa. Khởi đầu, đây là tên của một hòn đảo (Cù Lao Xanh, trong tiếng Mã Lai là Poulo Gambir), nhưng sau đó được dùng để gọi vùng bờ biển chung quanh. Các bản đồ Bồ Đào Nha phân biệt Pulo Cambi de Mar (ngoài biển) và Pulo Cambi de Terra (trên đất liền); địa điểm thứ hai này hẳn là bán đảo Phương Mai, mà đỉnh cao là một điểm mốc rất dễ thấy cho giao thông đường biển, nhờ đó tàu thuyền có thể từ biển đi vào đầm Thị Nại, rồi đến phố cảng Nước Mặn là cửa ngõ của phủ Qui Nhơn. Từ đó danh xưng Pulocambi được các thừa sai dùng khi thì để chỉ phố cảng Nước Mặn, khi thì để chỉ phần đất của phủ Qui Nhơn ngày xưa.
[22] Xem "Lettera annuale del Collegio di Macao al molto Riverente Padre Mutio Vitelleschi Generale della Compagnia di Giesù, l'anno 1618", trong Lettere annue del Giappone, China, Goa, et Ethiopia. Scritte al M.R.P. Generale della Compagnia di Giesù. Da Padri dell' istessa Compagnia negli anni 1615.1616.1617.1618.1619, P. Lazaro Scoriggio, Napoli 1621, tr. 387-401. ĐỖ QUANG CHÍNH SJ., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, sđd., tr. 66.
[23] ĐGH Gioan-Phaolô II, Sắc lệnh phong chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên.
[24] [Amep, volume 121, page 748] [Launay (Adrien), Histoire de la Mission de Siam. Documents historiques, tome I: 1657-1811, Paris, Téqui, 1920, p. 26]
Deux séminaristes se trouvant en état d’être ordonnés furent faits prêtres le dernier jour de mars, veille de Pâques [1668], « sub tilulo missionum »; l’un se nomme Joseph, catéchiste cochinchinois, âgé de 28 à 29 ans, qui fut envoyé à ce sujet par feu Mr Hainques, et l’autre François Pérez, fils d’un Portugais originaire de Negapalan sur la côte de Coromandel, âgé de 24 à 25 ans. Ces deux sujets sont considérables pour leur piété et leur dégagement. Le premier a eu l’honneur de recevoir plusieurs coups de bâton dans les prisons de Cochinchinois, à cause qu’on le voyait assister les généreux fidèles qui y étaient détenus, et qui furent depuis condamnés à mort en haine de ce qu’ils professaient la religion chrétienne; le second a été le seul Portugais qui ne sortit point du séminaire, lorsque l’on publia le papier contre les missionnaires sous le nom du commissaire du Saint-Office. On ne peut assez bénir Dieu de ce qu’il a donné à la mission ces deux personnes, qui ont de belles dispositions pour être quelque jour de grands missionnaires.
- (xem thêm Launay (Adrien), Histoire de la Mission de Cochinchine. tome I: 1658-1728, Paris, 2000, p. 62]:
Deux séminaristes se trouvant en état d’être ordonnés furent faits prêtres le dernier jour de mars, veille de Pâques sub tilulo missionum; l’un se nomme Joseph, catéchiste cochinchinois, âgé de 28 à 29 ans, qui fut envoyé à ce sujet par feu Mr Hainques; il a eu l’ honneur de recevoir plusieurs coups de baton dans les prisons de la Cochinchine à cause qu’ on le voyait assister les généreurx fidèles qui y étaitent détenus, et qui furent depuis condamnés à mort en haine de ce qu’ ils professaient la religion chrétienne.
- (Xem thêm: BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, NXB Antôn & Đuốc sáng tháng 6/2017. Trang 119).
[25] Ibid.
(Một chút cảm nhận lịch sử nhân sự kiện giáo phận Qui Nhơn kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng)
“ÔN CỐ”: đó là “một chương quan trọng” trong chương trình “Mục Vụ Năm Thánh 400 năm” của giáo phận Qui Nhơn.
Mặc dù Năm Thánh 400 năm đã trôi qua, nhưng các định hướng mục vụ của Năm Thánh lại cần phải dấn thân thực hiện như là những công cuộc “mới bắt đầu”.
Một trong những “định hướng” quan trọng và là nền tảng của mục vụ Năm Thánh đó chính là “ÔN CỐ”. Chúng ta thử tìm lại những “bài học ôn cố” để từ đó rút ra những áp dụng mục vụ cụ thể cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá hôm nay trên quê hương giáo phận.
I. NĂM THÁNH QUI NHƠN VÀ CHƯƠNG TRÌNH “ÔN CỐ”:
1. Các định hướng “Ôn Cố” của Hội Thánh:
Không thể phủ nhận điều nầy: Năm Thánh giáo phận Qui Nhơn gần như đã được “chuẩn bị cách tiềm tàng” với những định hướng mục vụ của Giáo Hội hoàn vũ cũng như của Giáo Hội Việt Nam xuyên qua những cuộc cử hành Năm Thánh: Đại Năm Thánh 2000 của Giáo Hội hoàn vũ và Năm Thánh của Giáo Hội Việt nam mừng kỷ niệm 350 hai Giáo phận Tông tòa đầu tiên tại Việt Nam…1659-2009 và 60 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam: 1960-2010.
Chúng ta có thể nhận ra “những chuẩn bị tiềm tàng” nầy trong định hướng mang chiều kích “ÔN CỐ” với các văn kiện Huấn quyền sau đây:
1.1/. Định hướng “ôn cố” của Đại Năm Thánh 2000 của Giáo Hội hoàn vũ:
- Để chuẩn bị hướng tới đại Năm Thánh 2000: Tông thư “Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba” (Tertio Millennio adveniente), nhấn mạnh: không được quên đi quá khứ:
“Giáo Hội trong ngàn năm thứ nhất được sinh ra nhờ máu của các vị tử đạo: (…). Việc làm chứng cho Chúa Kitô cho đến đổ máu mình ra đã trở nên một di sản chung của những người Công Giáo, Chính Thống Giáo và Thệ Phản, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói lên trong bài giảng của ngài, khi phong thánh cho các vị tử đạo ở Ugandan (x. Acta Apostolicae 56 -1964- 906). Chứng từ này không thể nào được phép quên đi. Giáo Hội của các thế kỷ đầu tiên, mặc dầu phải đối diện với những khó khăn đáng kể có tính cách tổ chức hóa, cũng đã viết xuống những sổ bộ chứng tích (martyrologies), đặc biệt về những chứng tá của các vị tử đạo. Những sổ bộ chứng tích này, qua các thế kỷ được liên tục thêm vào, và việc ghi danh tích các thánh cũng như các chân phước không phải chỉ kể đến những vị đổ máu ra vì Chúa Kitô, mà còn cả các vị thày dậy đức tin, các nhà truyền giáo, các vị giải tội, các Đức Giám Mục, các linh mục, các trinh nữ, các cặp vợ chồng, các bà góa và các trẻ em nữa.
Trong thế kỷ của chúng ta đây, các vị tử đạo đã trở lại, nhiều vị trong các ngài không có tên tuổi, như những người lính vô danh cho ý muốn cao cả của Thiên Chúa. Giáo Hội phải cố gắng hết sức để chứng tích của họ không bị mất đi.….”[1]
- “Ôn cố” qua tông sắc khai mạc Năm Thánh 2000 “Mầu nhiệm Nhập Thể” (Incarnationis Mysterium): tưởng nhớ và noi gương các thánh tử đạo:
“Được lãnh nhận dồi dào ân sủng trong suốt năm thánh, chúng ta được tiếp sức để cất cao bài thánh thi tạ ơn Cha bằng tiếng hát: Đạo binh các anh hùng Tử đạo chúc vinh Ngài (Te martyrum candidatus laudat exercitus). Vâng, đây chính là đoàn người “đã giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7, 14). Vì lẽ đó, Hội Thánh trên toàn cõi đất phải hết lòng bảo tồn và ghi sâu trong tâm khảm của mình lời chứng của các vị tử đạo. Khi được củng cố lòng tin nhờ gương sáng của các chiến sỹ đức tin kiên cường thuộc mọi thời đại, ngôn ngữ và sắc tộc, xin cho dân Chúa được tràn đầy xác tín tiến bước qua ngưỡng cửa Thiên niên kỷ thứ ba.”[2]
1.2/. Các định hướng khác của Huấn Quyền để khai triển và đào sâu:
- Cũng đừng quên, trong Năm Đức Tin (2012-2013) để kỷ niệm 50 năm khai mở Công Đồng Vatican II, ĐGH Bênêđictô XV, trong tự sắc “Cánh cửa đức tin” (Porta Fidei) đã lưu ý dân Chúa cần phải ôn lại “lịch sử đức tin”, một việc “ôn cố” cần thiết trong hành trình sống đức tin của dân Chúa. Xin trích:
“Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là điểm lại lịch sử đức Tin của chúng ta, được ghi dấu bằng mầu nhiệm lạ lùng về sự đan xen giữa thánh thiện và tội lỗi. Lịch sử thánh thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của những người, nam và nữ, cho sự tăng trưởng và phát triển cộng đoàn bằng chứng từ cuộc sống của mình, còn lịch sử tội lỗi thúc đẩy mỗi người phải thành tâm và thường xuyên hoán cải để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đang đến gặp gỡ mọi người.”[3]
- Văn kiện hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu tức tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu” của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, đã đặc biệt lưu ý đến việc chiêm ngưỡng các Thánh Tử Đạo, như một điểm quy chiếu cần thiết cho công cuộc Tân Phúc âm hoá tại Á Châu. Xin trích:
“Qua các thời đại, Á Châu đã cung cấp cho Giáo Hội và thế giới một đoàn đông đảo các vị Anh Hùng Đức Tin, và từ con tim của Á Châu, trổi lên bài ca vĩ đại: Te martyrum candidatus laudat exercitus (đoàn tử đạo quang huy hùng dũng, máu đào đổ ra minh chứng về Ngài). Đó là bài ca của những vị đã chết vì Đức Kitô trên phần đất Á Châu trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội, và đó cũng là tiếng kêu đầy vui mừng của những người nam và nữ của các thời gần đây, như thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo, thánh Lôrensô Ruiz và các bạn tử đạo, thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, thánh Anrê Kim Taegon và các bạn tử đạo. Xin đoàn đông đảo Các Thánh Tử Đạo Á Châu xưa cũng như nay, không ngừng dạy dỗ Giáo Hội tại Á Châu biết thế nào là làm chứng cho Chiên Con mà các ngài đã giặt trắng áo trong máu của Người (x. Kh 7,14). Ước chi các ngài luôn là những chứng nhân bất khuất cho chân lý này, là các Kitô hữu được kêu gọi, luôn luôn và mọi nơi, loan báo không điều gì khác ngoài quyền lực của Thánh Giá Chúa! Và xin cho máu Các Thánh Tử Đạo Á Châu, bây giờ cũng như mãi mãi, là hạt giống sinh sự sống mới cho Giáo Hội tại mọi hang cùng ngõ hẻm của lục địa!”[4]
1.3/. Định hướng “Ôn cố” của Năm Thánh GHVN:
Bám theo “lộ trình ôn cố” như một định hướng nền tảng, Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam cũng được khai mở và hành động theo những hướng dẫn mục vụ gắn liền với những gương chứng nhân tử đạo của công cuộc loan báo Tin Mừng.
- Văn thư của Bộ Phúc Âm hoá các dân tộc dành cho Giáo Hội tại Việt Nam nhân dịp Năm Thánh đã long trọng nhắc đến các anh hùng tử đạo:
“...Việc khai mạc Năm Thánh được cử hành vào chính ngày Lễ Kính 117 Vị Tử Đạo Việt Nam, điều đó mang một ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, cơ hội này mời gọi chúng ta hiệp lòng dâng lời cầu nguyện để cảm tạ các vị anh hùng đức tin đã đổ máu mình làm chứng cho lòng trung thành và tình yêu mến đối với Chúa Giêsu-Kitô. Những giọt máu đào các ngài đổ ra trên mảnh đất Việt Nam, kết hợp với Máu Chúa Kitô trên Thánh giá, nay đã làm nẩy sinh một Giáo Hội Công Giáo phồn vinh, đang tăng trưởng nhanh chóng và mang đầy hứa hẹn giữa vô vàn khó khăn và thử thách. Năm Thánh 2010 mời gọi chúng ta nhìn lại, với tâm tình tri ân cảm tạ, lịch sử ngót 500 năm công cuộc Phúc Âm hoá một Đất Nước, nơi mà vào năm 1533, Chúa Quan Phòng nhân hậu đã gửi tới vị thừa sai tiên khởi, gieo vãi những hạt giống Phúc Âm đầu tiên, để rồi những hạt giống ấy triển nở cách lạ lùng xuyên qua những bước thăng trầm của lịch sử. Năm Thánh 2010 cũng đánh dấu chặng đường nửa thế kỷ lịch sử kể từ khi Đức Giáo Hoàng, Chân Phước Gioan XXIII, thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo vào năm 1960 và quyết định ký thác các Giáo Hội địa phương tại Việt Nam cho sự hướng dẫn mục vụ của các Giám mục bản xứ. Nhìn lại lịch sử đầy ân sủng và phúc lành do Thiên Chúa ban, chúng ta chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa và cất tiếng hát ngợi khen: “vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương !” (Tv 136,1).[5]
- Thư Công bố Năm Thánh của HĐGMVN cũng long trọng nhắc đến các chứng nhân Tử Đạo:
“Năm 2010 ghi dấu những sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam: 350 năm thiết lập hai giáo phận tông toà Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659-2009), 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010). Đây là thời điểm cho chúng ta nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử….”[6]
- Và dĩ nhiên, khi nói tới “bài học lịch sử” thì phải hướng đến các chứng nhân Tử Đạo:
“Các Thánh Tử đạo đã nhiệt tâm làm chứng cho đức tin đến độ dám hy sinh cả mạng sống. Máu các ngài đổ ra đã tưới thắm mảnh đất quê hương, trở nên hạt giống làm nẩy sinh nhiều cộng đoàn tín hữu trên đất nước Việt Nam. Khai mạc Năm Thánh vào ngày lễ Các Thánh Tử Đạo mời gọi chúng ta tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin đã lãnh nhận, tri ân các bậc tiền nhân, các ân nhân và chứng nhân đã gieo vãi và vun trồng hạt giống đức tin trên quê hương đất nước nầy, đồng thời ý thức giá trị cao quý của hồng ân đức tin để sống và làm chứng cho Tin Mừng, tích cực xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô trong môi trường Chúa sai chúng ta đến…”[7]
2. Định hướng “Ôn Cố” của Năm Thánh” của Giáo phận Qui Nhơn:
Được thúc đẩy và hướng dẫn bới những giáo huấn nền tảng và cần thiết trên, giáo phận Qui Nhơn khi chuẩn bị mở Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng cũng đã lưu ý đặc biệt định hướng mục vụ mang chiều kích “Ôn Cố”; nội dung ý nghĩa nầy được phản ảnh qua nhiều biểu hiện cụ thể sau:
2.1/. Những bản Kinh Năm Thánh của Giáo phận Qui Nhơn:
- Bản Kinh Chuẩn Bị Năm Thánh:
“…chúng con chúc tụng và cảm tạ Chúa vì gần bốn trăm năm qua Chúa luôn làm muôn điều kỳ diệu cho Giáo phận Qui Nhơn chúng con. Chúa đã gửi đến các nhà truyền giáo nhiệt thành thánh thiện / và nhiều người kế tục không ngừng, dấn thân gieo hạt giống Tin Mừng trên mảnh đất thân yêu nầy. Xin cho chúng con biết giữ gìn và làm sinh hoa kết quả hạt giống đức tin mà chúng con đã lãnh nhận. (…). Xin Chúa ban cho chúng con được đầy ơn Chúa Thánh Thần và lòng nhiệt thành truyền giáo, biết theo gương các bậc tiền nhân, can trường hy sinh và sống bác ái, biết góp công góp sức xây dựng Giáo phận, tái thiết các giáo xứ mà các ngài đã dày công gầy dựng và hăng say làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc...”[8]
- Bản kinh trong Năm Thánh:
“…Suốt 400 năm qua, trên cuộc lữ hành đức tin đầy chông gai và thử thách, nhờ có Chúa luôn đồng hành để hướng dẫn, nâng đỡ, trợ giúp, với lòng nhiệt thành của các vị thừa sai, bao hy sinh của các chứng nhân anh dũng, và công khó của các thế hệ cha ông, Lời Chúa đã lan rộng khắp nơi, hình thành các giáo phận của cả miền nam đất Việt. Chúng con xin cùng nhau cúi đầu thống hối, vì bao tội lỗi bất trung và thiếu sót, trước tình yêu hải hà của Chúa, và ơn sâu nghĩa nặng của các bậc tiền nhân….”[9]
2.2/. Các thư mục vụ của Chủ chăn Giáo phận Qui Nhơn:
- Thư Mùa Chay và Tết Mậu Tuất 2018:
“Đối với Giáo phận Qui Nhơn chúng ta, Mùa Chay năm nay diễn ra trong khung cảnh Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng. Đây là cơ hội thuận tiện để chúng ta nhìn về quá khứ và học được những mẫu gương tuyệt vời về sự thánh thiện, tình yêu và nhiệt tình tông đồ của các bậc tiền nhân, đến độ các ngài đã sẵn sàng hy sinh tất cả cho Thiên Chúa và tha nhân…”[10]
- Bài giảng trong Thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh tại Làng Sông:
“Thánh lễ khai mạc này được lồng trong khung cảnh phụng vụ của lễ kính trọng thể Chân phước Anrê Phú Yên, học trò của các thừa sai Dòng Tên, tử đạo năm 1644. Ngài là hoa trái đầu tiên của hạt giống Tin Mừng chỉ sau 26 năm hạt giống này được gieo trồng vào mảnh đất Giáo phận. Anrê Phú Yên, vị tử đạo tiên khởi và là người chứng thứ nhất của Giáo Hội Việt Nam đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân phước vào Chúa Nhật, ngày 05 tháng 03 năm 2000, là Năm thánh của Giáo Hội hoàn vũ. (…).
Hòa chung với dòng máu tử đạo của các chứng nhân đức tin, còn có biết bao mồ hôi và nước mắt của các thế hệ tiền nhân qua dòng thời gian suốt 400 năm qua, từ buổi sơ khai tại cảng thị Nước Mặn một thời vang bóng cho đến hôm nay. Đó là các thừa sai Dòng Tên đã lập cư sở đầu tiên của dòng tại Nước Mặn, vừa làm khởi điểm truyền giáo, vừa làm chiếc nôi của chữ quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất. Tiếp đến là Đức cha Phêrô Lambert de La Motte, vị Đại diện Tông tòa tiên khởi của Giáo Đàng Trong, người đã truyền chức linh mục cho người Việt tiên khởi là cha Giuse Trang, quê ở Quảng Ngãi, vào ngày 31 tháng 03 năm 1668 và đã thành lập Dòng Chị Em Mến Thánh Giá của Đàng Trong tại An Chỉ (Quảng Ngãi) vào năm 1671. Từ đó đến nay các vị Giám mục cùng với các linh mục, tu sĩ, thầy giảng và giáo dân, đã đồng lao cộng khổ để canh tác trên cánh đồng truyền giáo của Giáo phận, để làm cho hạt giống Tin Mừng tiếp tục sinh sôi nẩy nở, bất chấp mọi khó khăn thử thách.
Thánh lễ hôm nay được cử hành tại khuôn viên chủng viện cổ kính Làng Sông, nơi xuất thân của một số Giám mục, biết bao linh mục và tông đồ giáo dân, giữa hai hàng sao đại thụ 125 năm tuổi, bên cạnh Tòa Giám mục ngày xưa, như chứng tích không phai nhòa của một lịch sử truyền giáo lâu dài, để dẫn đưa mỗi người chúng ta trở về nguồn, với tâm tình tri ân cảm tạ đối với Thiên Chúa, vì biết bao ơn lành Ngài đã ban xuống cho Giáo phận Qui Nhơn chúng ta trong suốt 400 năm qua, đồng thời cũng để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống, nước mắt mồ hôi, cho công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất mẹ Qui Nhơn.
Giờ đây Năm thánh được mở ra để mọi người con đất mẹ được dịp thể hiện những tâm tình ấy, đồng thời cũng để cầu xin Thiên Chúa tiếp tục ban ơn giúp đỡ để mỗi người chúng ta sống xứng đáng với bao hồng ân đã lãnh nhận và noi gương các bậc tiền nhân, tiếp tục làm cho hạt giống đức tin mà các ngài đã dày công gieo vãi được trổ sinh hoa trái dồi dào.”[11]
- Diễn từ của của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli:
“…Hôm nay, tôi muốn suy gẫm về một ít sự kiện quan trọng được cắm rễ sâu trong lịch sử của anh chị em, bởi vì chúng ta góp phần làm nên cuộc hành hương vĩ đại đã khởi sự khi Chúa Giêsu ủy thác cho các Tông đồ và môn đệ của Ngài ra đi đến tận cùng thế giới, “để làm cho muôn dân trờ thành môn đệ của Ngài, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Các vị truyền giáo dòng Tên từ Hội An đã đến lập cư sở tại Nước Mặn, Qui Nhơn vào tháng 7 năm 1618 và tất cả chúng ta, lớp con cháu tinh thần của những con người dũng cảm ấy, có thể vui mừng và tự hào về tầm nhìn, lòng can đảm và niềm tin của các vị.
Một mốc quan trọng khác trong cuộc hành hương đức tin của cộng đoàn Giáo phận anh chị em là việc thiết lập Giáo phận Đại diện Tông tòa Đàng Trong vào năm 1659, đã đặt nền tảng cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.
Cuộc hành trình đức tin mà anh chị em đang tiến bước là con đường dài. Từ Rôma đến Qui Nhơn, chúng ta có thể nhìn thấy và cử hành với niềm vui trên con đường đức tin cúa mình. Tuy nhiên, việc kỷ niệm thời điểm lịch sử này chỉ đạt được ý nghía trọn vẹn khi chúng ta có một cam kết dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Ấm hóa….”[12]
- Bảy bức thư mục vụ gởi cho 7 giáo hạt trong dịp cử hành Năm Thánh tại giáo hạt: Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Kim Châu, Gò Thị, Qui Nhơn, Mằng Lăng, Tuy Hoà. Trong những dịp cử hành “Thánh lễ Trạm” nầy, Đức Giám Mục giáo phận đã khơi lại dòng lịch sử hào hùng đã chảy qua phần đất của các giáo xứ thuộc địa bàn giáo hạt hiện hay.
II. GIÁO PHẬN QUI NHƠN VÀ VIỆC ÁP DỤNG MỤC VỤ ÔN CỐ
1. Những công việc “trong nhà”:
Việc “tri ân cảm tạ các tiền nhân” và noi gương các ngài trong việc thể hiện niềm tin, theo những gì mà các “văn bản hướng dẫn”, chắc chắn không ít thì nhiều đã được cộng đoàn dân Chúa khắp nơi trong giáo phận thực hiện; cho dù với con mắt trần tục, chúng ta có thể không nhận ra những biểu hiện cụ thể, nhưng phải xác tín rằng, Chúa Thánh Thần đã, đang và sẽ tác động trên dân Chúa qua mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo Hội.
Ở đây, chỉ xin dừng lại những việc làm mang tính “ôn cố” mà mọi người có thể thấy được, xem được và có thể vận dụng như một phương thế cho công cuộc tân phúc âm hoá trong bối cảnh xã hội hôm nay.
a/. Trước hết: đó là tài liệu lịch sử chính thức của Giáo phận qua cuốn sách mang tên: GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN.
Để nắm bắt khái quát nội dung tập sách quan trọng được phát hành đúng vào dịp Khai mạc Năm thánh nầy, chúng ta thử đọc lại đôi dòng trong lời giới thiệu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn, nguyên Giám Mục giáo phận Qui Nhơn:
“(…).Trong tinh thần "ôn cố tri tân" chúng ta lần theo dấu vết lịch sử, trước là để cảm đội ơn Chúa đã luôn phù trì che chở và ban sức mạnh cho các bậc tiền nhân chúng ta; sau là để noi gương anh dũng của cha ông trong việc kế tục sự nghiệp mở mang Nước Chúa và rao giảng Tin Mừng. Ngày nay người Kitô hữu chúng ta vẫn không thiếu những chướng ngại to lớn đang ngăn trở đức tin của mình, đáng sợ nhất là não trạng tôn sùng vật chất, chạy theo lợi nhuận, đang là nguy cơ làm cho đức tin người tín hữu bị lung lay hầu như tận gốc.
Để củng cố niềm tin Kitô giáo và mời gọi các tín hữu chuẩn bị tích cực đón nhận hồng ân Năm thánh của Giáo phận, Đức Giám Mục Giáo phận đã hoàn tất việc biên soạn và ấn hành quyển Giáo phận Qui Nhơn theo dòng thời gian, căn cứ trên sử liệu được trình bày hết sức khách quan và trung thực, đây là một công trình đáng ghi nhớ cũng như món quà quý báu của Giáo phận Qui Nhơn.
Xin được tóm tắt những cảm nhận và suy tư trên với lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ sáu ngày 27 tháng 01 năm 2017 tại nguyện đường Santa Marta đã nói rằng: "Anh chị em không thể hiểu đời sống Kitô hữu mà không ghi nhớ ký ức. Anh chị em không thể hiểu đời sống thiêng liêng nếu không ghi nhớ ký ức. Anh chị em không thể sống đời sống Kitô hữu nếu không ghi nhớ ký ức". Ký ức ngài nói đây chính là lịch sử, là nòng cốt để xây dựng và phát triển đức tin Kitô giáo cũng như đời sống của người Kitô hữu.
Xin trân trọng giới thiệu với anh chị em công trình biên khảo lịch sử rất giá trị: Giáo phận Qui Nhơn theo dòng thời gian và ước mong được mọi người đón nhận với tâm tình tạ ơn Chúa và với quyết tâm củng cố đức tin của chính mình và của con cháu. Hãy cầm lấy mà đọc...”[13]
Và nếu “Lời Giới Thiệu” đầu sách mời gọi chúng ta “Hãy cầm lấy mà đọc”, thì nơi những dòng cuối cuốn lịch sử quan trọng nầy đã nêu bật tiêu đích của việc “đọc lại lịch sử” đó là để “viết nên những trang sử truyền giáo mới”:
“Năm thánh sẽ bế mạc vào ngày 26.07.2018, nhưng không phải để khép lại quá khứ và biến nó thành một thứ báu vật trong viện bảo tàng, nhưng Năm thánh là một khung cửa mở ra cho tương lai, để toàn thể Giáo phận lên đường loan báo Tin Mừng theo gương các tiền nhân, viết nên những trang sử truyền giáo mới bằng một cuộc tân Phúc Âm hóa, với nhiệt tình, phương pháp và cách diễn tả mới, phù hợp với thời đại mới, để xây dựng trời mới đất mới trên quê hương Giáo phận Qui Nhơn.”[14]
b/. Tác phẩm thứ hai hoàn thành trước ngày diễn ra đại lễ Tạ ơn-Bế mạc Năm Thánh, đó là cuốn mang tên: KỶ YẾU GIÁO PHẬN QUI NHƠN MỪNG 400 NĂM LOAN BÁO TIN MỪNG.
Đây là một bản toát lược toàn cảnh giáo phận Qui Nhơn về khái quát lịch sử giáo phận, tóm lượt lịch sử và địa lý, địa bàn mục vụ các giáo hạt, giáo xứ, giáo họ biệt lập, các Hội Dòng, các hội đoàn, các sinh hoạt mục vụ trọng điểm, các thánh nhân và danh nhân của giáo phận, các tác phẩm và công trình văn hoá, các trung tâm hành hương và di tích tử đạo…
Cho dù còn nhiều yếu tố phải hoàn chỉnh, bổ sung, nhưng chung chung, đây là một tài liệu quý giá để giới thiệu cho mọi người biết được “bà mẹ Qui Nhơn” 400 năm tuổi đang hiện diện và phát triển thế nào.
c/. Quần thể chủng viện làng Sông: Đây có thể nói được là công trình văn hoá vừa “vật thể” vừa “phi vật thể”.
- “Văn hoá vật thể”: đó chính là các hạng mục của cơ sở chủng viện Làng Sông với bề dày lịch sử trên dưới 170 năm mà chứng tích rõ nét là những hàng sao cao vút; riêng hàng sao ngay lối chính diện có tuổi thọ đúng 125 năm.
Công trình thuộc hạng “quý hiếm” nầy, với những mái nhà rêu phong và các đường nét, hoạ tiết kiến trúc cổ kính được phục chế, đã ghi đậm một thời vang bóng của một trung tâm điều hành và huấn luyện (Toà Giám Mục, chủng viện…) mục vụ cho một giáo phận Qui Nhơn rộng lớn bao gồm từ Quảng Nam đến Khánh Hoà và lên tận Tây nguyên.
- “Văn hoá phi vật thể”: Nơi đây cũng là cái nôi và trung tâm phát triển chữ quốc ngữ trong giai đoạn kiện toàn và củng cố mà nhà in Làng Sông chính là một công cụ hiệu quả và rất hiện đại. Cũng từ địa điểm phục vụ văn hoá chuyên biệt nầy, tủ sách Nước Mặn được hình thành để kế thừa truyền thống văn hoá-văn học về chữ quốc ngữ của nhà in Làng Sông khi xưa. Tủ sách nầy hiện nay đã có trên 50 đầu sách (Trong đó có những cuốn liên quan trực tiếp đến lịch sử 400 năm của giáo phận).
c/. Phòng Truyền thống và “ký ức cha ông”: Không thể không nhắc đến một công trình “ôn cố” đặc biệt đó chính là “PHÒNG TRUYỀN THỐNG GIÁO PHẬN”. Toạ lạc tại dãy lầu tầng trên của khu nhà sở quản lý, phòng truyền thông giáo phận vừa kịp khánh thành đúng vào sáng ngày 26.7.2018. Nơi đây, không phải chỉ là nơi “bảo tàng các cổ vật được sưu tập” mà là “mái nhà xưa của mẹ Qui Nhơn”, nơi cất giữ, chất chứa bao nhiêu kỷ vật và kỷ niệm của cha ông.
Thật vậy, qua các “kỷ vật biết nói” nầy, chúng ta sẽ thấy một “mẹ già Qui Nhơn” với đoàn lũ con cái đã ra đi trên những nẻo đường mục vụ, đã sống qua qua bao thăng trầm dâu bể của thời gian, đã trải qua bao gian nan thử thách…và đã để lại một gia tài thiêng liêng cao quý cho các thế hệ cháu con. Đây chính là một lịch sử sống của giáo phận.
2. Những điểm nhấn văn hoá với Giáo Hội và xã hội Việt Nam:
Trước hết, nếu chọn cột mốc thời gian “tháng 7/1618” để liên hệ đến buổi đầu đón nhận Tin Mừng thì phải nhắc đến “Nước Mặn” nơi mà vào đúng thời điểm trên, các thừa sai Dòng Tên đã “đóng đô” tại đó để hình thành “Cư sở truyền giáo chính thức đầu tiên của Dòng Tên tại Đàng Trong” và cũng là cư sở truyền giáo chính thức của Giáo Hội Công Giáo tại Việt nam vào thế kỷ 17.
Sở dĩ nhắc đến “địa danh” nầy, vì nếu không có biến cố xảy ra “vào tháng 7/1618 tại Nước Mặn”, chắc chắn sẽ không có sự kiện “Qui Nhơn mừng 400 năm đón nhận Tin Mừng”.
Thật vậy, khi nhìn về Miền Trung Việt Nam, nhất là vùng mang biệt danh “liên khu 5” gồm 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, thường ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh và khái niệm “đất cày lên sỏi đá, xứ dân gầy, khỉ ho cò gáy, máu lửa chiến tranh…”, mà ít khi liên tưởng đến: đây chính là “cái nôi” ghi những dấu chân đầu tiên xây dựng nền móng cho hai công trình đáng gọi là “vĩ đại” cho đất nước, dân tộc và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam:
- Công trình văn hóa: TRUNG TÂM GẦY DỰNG CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN: NƯỚC MẶN.
- Công trình tôn giáo: CƯ SỞ TRUYỀN GIÁO CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN CỦA CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN TẠI VIỆT NAM: NƯỚC MẶN.
Để khẳng định được “hai điểm nhấn lịch sử” quan trọng nầy, không phải chuyện cứ “ăn theo nói leo” (như một số các nhà nghiên cứu không chuyên vấp phải), mà phải là cuộc “truy lùng” tận ngọn, một cuộc đào bới công phu các chứng tích, các tư liệu liên quan trực tiếp đến chuyên đề lịch sử khá tế nhị và cũng lắm mờ mịt nầy.
Và đây chính là một cố gắng không nhỏ, nếu không nói, là một điểm son chói lọi, trong chương trình mục vụ tổng quát của Giáo Phận Qui Nhơn đón mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng, một đại lễ Tạ ơn mới vừa được long trọng cử hành tại chủng viện Qui Nhơn chiều ngày 26.7.2018 để bế mạc một Năm Thánh đã khai diễn vào cùng ngày năm trước tại tiểu chủng viện Làng Sông (26.7.2017).
a/. Cái nôi của chữ quốc ngữ:
Trước hết, chúng ta hãy để các nhà chuyên môn về sử học và ngôn ngữ lên tiếng.
- Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã phát biểu tổng kết trong cuộc Hội Thảo Khoa học liên ngành (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Ngôn ngữ Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định…) tại Bình Định ngày 13.01.2016, với chuyên đề: “BÌNH ĐỊNH VỚI CHỮ QUỐC NGỮ”. Xin trích:
“Chữ quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn, Hội An và Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sơm hơn”.[15]
Nhưng thẩm quyền để chuẩn nhận cho “thời điểm lịch sử nầy”, chỉ có những người trong cuộc với những chứng từ của chính những nhân vật đó. Và đây là những chứng nhân lịch sử đó. Chúng ta cùng đọc lại giai đoạn lịch sử đặc biệt nầy qua tài liệu GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN[16]:
2.2.2. Cư sở Nước Mặn, Qui Nhơn.[17]
Được tin cha Buzomi bị bệnh và các thừa sai gặp nạn, nhân có chuyến tàu buôn đầu năm 1618, Bề trên Tỉnh Dòng ở Ma Cao sai hai thừa sai khác đến giúp là cha Pedro Marques (Nhật) và cha Chistoforo Borri (Ý). Cha Marques sẽ đến ở trong khu cư trú của người Nhật nên mặc áo thừa sai, còn cha Borri được sai đến bí mật truyền giáo cho người Việt nên phải cải trang làm đầy tớ trên tàu.
Sau một thời gian chữa bệnh tại tư dinh ông Trần Đức Hòa ở Qui Nhơn, cha Buzomi đã bình phục. Một hôm ông Trần Đức Hòa đi ra Cửa Hàn, có cha Buzomi đi theo và tình cờ gặp cha Borri. Hai cha cùng về Hội An, gặp được cha Marques, cha Pina và hai tu huynh. Trong cuộc gặp gỡ vui vẻ này, các cha thảo luận với nhau về những việc phải làm để đem lại lợi ích thiêng liêng cho khu vực truyền giáo và đã đi đến quyết định: cha Marques ở lại Hội An với tu huynh người Nhật, còn cha Buzomi, cha Pina, cha Borri cùng với tu huynh người Bồ đi theo quan trấn thủ Trần Đức Hòa về Qui Nhơn theo lời mời tha thiết của ông.[18]
Sau đây là lời tường thuật của cha Borri, người trong cuộc: "Chúng tôi bỏ Hội An, cha Buzomi, cha Pina và tôi, để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông luôn luôn để chúng tôi ở cùng nhà với ông và tiếp đãi chúng tôi rất đặc biệt. Thực ra chúng tôi chẳng có thế giá gì về mặt con người bắt buộc ông phải xử như thế. Cho nên rất rõ ràng và hiển nhiên là những sự ông săn sóc phải coi như hiệu quả của Thiên Chúa quan phòng. Ông dành riêng cho chúng tôi một chiếc thuyền để phục dịch một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến. Thường thì các hải cảng ở cạnh những thành phố đẹp nhất thuộc tỉnh Quảng Nghĩa. Nơi đây ông có quyền như ở Qui Nhơn, mọi người đều ra đón, chúc mừng và tỏ lòng qui phục cùng nhận quyền với rất nhiều lễ vật quí và chúng tôi cũng là những người thứ nhất được dự phần, do lệnh quan trấn thủ muốn thế. Mọi người đều lấy làm lạ khi thấy chúng tôi được trọng đãi và vì thế chúng tôi được người ta quí mến và có thịnh tình với chúng tôi. Ông cũng nghe theo lời chúng tôi thỉnh cầu trong rất nhiều trường hợp, mỗi lần có vụ xử một trọng tội nào. Chúng tôi chưa mở miệng xin ân xá thì ông đã bằng lòng ban ngay rồi. Do đó chúng tôi được nổi tiếng, có thế giá không kém quan trấn thủ. Thấy chúng tôi có lòng bác ái và thương xót hết mọi người, nên mọi người đều quí mến và tìm đến chúng tôi...
"Rồi sau cùng, chúng tôi tới tư dinh, sau tất cả những cuộc vui và cỗ bàn trong cuộc hành trình, chúng tôi được tiếp đón rất trịnh trọng và đặc biệt thường chỉ dành riêng cho các ông hoàng bà chúa... Tám ngày qua đi, chúng tôi cho ông biết là chúng tôi thích ở trong thành để dễ bề rao giảng Phúc Âm hơn, còn nếu ở trong tư dinh thì không làm được dễ dàng bằng, vì ở xa tỉnh chừng một dặm rưỡi, trong miền thôn quê như ở đây. Quan trấn đã vui lòng giữ chúng tôi ở lại với ông vì rất quý chuộng chúng tôi, và buồn phiền khi phải xa chúng tôi. Thế nhưng vì trọng công ích hơn tư lợi nên ông nghe theo điều chúng tôi sở nguyện và tức khắc truyền cho người ta chọn cho chúng tôi một địa điểm rất tiện để làm nhà cho chúng tôi ở, trong vùng gọi là Nước Mặn. Ông còn thêm: trong tư dinh của ông có tới hơn một trăm nhà, chúng tôi có thể chọn một nhà nào xứng đáng nhất để làm nhà thờ và chúng tôi cứ cho ông biết thì tức khắc ông sẽ định liệu cho đủ sự cần thiết. Chúng tôi khiêm tốn cảm tạ ông về tất cả những ơn huệ ông đã ban cho chúng tôi trong cuộc hành trình và những việc ông vẫn còn tiếp tục làm cho chúng tôi, và sau khi từ biệt, chúng tôi trèo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tùy tùng đi tới Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi".[19]
Đây mới là đoàn thừa sai chính thức đến Nước Mặn để tiến hành công cuộc truyền giáo tại Qui Nhơn, vì lần cha Buzomi đến Nước Mặn trước đây chỉ là để chữa bệnh. Tháng 07 năm 1618, quan phủ cho thợ dựng cho các thừa sai một ngôi nhà gỗ rộng rãi tại Nước Mặn. Các ngài được yên ổn tự do truyền giáo và được ông chu cấp mọi nhu cầu. Đôi khi ông còn đích thân đến bàn chuyện với các ngài về tôn giáo. Sau đó ông còn cho một ngàn tráng đinh đến dựng cho các ngài một ngôi nhà nguyện lớn. Như vậy Nước Mặn mới thực sự là Cư sở đầu tiên của các thừa sai Dòng Tên ở Đàng Trong, mặc dù các ngài đã đến Cửa Hàn trước đó ba năm.[20]
Trong bản báo cáo thường niên năm 1618 của học viện Ma Cao, sau mục báo cáo chung về Đàng Trong "Missione di Cocincina", có mục báo cáo riêng "Della Residentia di Pulocambi – Về Cư sở Pulocambi (Nước Mặn)",[21] sau đó không có cư sở nào khác ở Đàng Trong được đề cập đến trong báo cáo. Từ năm 1618 đến năm 1620, số thừa sai hoạt động truyền giáo ở Nước Mặn gồm có cha Buzomi, cha Pina, cha Borri và tu huynh Dias, trong đó cha Buzomi là Bề trên của Cư sở.”[22]
b/. Các “điểm nhấn lịch sử” khác trong Lịch sử Giáo Hội tại Việt Nam:
Trả lại “vị trí ưu tiên cho Nước Mặn” trong vai trò “cái nôi đầu tiên của chữ Quốc ngữ” rồi đây sẽ được giới nghiên cứu lịch sử về văn hoá, văn học liên quan đến chữ Quốc ngữ từ từ khẳng định cách thuyết phục và đầy chứng lý lịch sử cũng như khoa học khách quan.
Cách riêng, vai trò “tiên khởi” của Nước Mặn trong công cuộc truyền giáo tại Việt nam thì ước mong các nhà biên soạn Giáo sử cũng cần nhuận chính sao cho các thế hệ tín hữu Việt Nam và cả mọi người, khi tìm tới cội nguồn lịch sử của công cuộc loan báo Tin Mừng, sẽ gặp được một lịch sử Giáo Hội Việt Nam chuẩn xác và đồng bộ.
Cùng với “điểm nhấn lịch sử” liên quan đến “Nước Mặn”, qua sự kiện giáo phận Qui Nhơn mừng 400 năm loan báo Tin Mừng, nhất là với những nỗ lực trong mục vụ “ÔN CỐ”, cũng cần trả lại “vai trò tiên khởi” cho các nhân vật sau:
- CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN: Vị Tử đạo “đầu tiên” của Giáo Hội Việt Nam. Đây chính là “danh xưng” đã được Hội Thánh chính thức sử dụng trong văn bản mang tính pháp lý và phụng vụ. Xin trích nguyên văn câu tiếng La tinh trong “SẮC LỆNH TUYÊN PHONG CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II: “IOANNES PAULUS PP-II ad perpetuam rei memoriam.
- In nomine Jesu omne genu flectatur caelestium et terrestrium et infernorum, et omnis lingua confiteatur: - Dominus Jesus Christus !-, in gloriam Dei Patris – Philp 2,10-11. Juvenis Andreas, protomartyr Ecclesiae Dei quae est in Vietnamia…” [23]
- LINH MỤC GIUSE TRANG: Người Việt Nam đầu tiên duy nhất được phong chức linh mục đó là thầy Giuse Trang, 28 tuổi, quê Quảng Nghĩa. Thầy Trang được Đức cha Lambert de la Motte phong chức đúng vào ngày lễ Vọng Phục Sinh, ngày 31 tháng 3 năm 1668 tại Ajuthia Thái Lan. Cùng thụ phong linh mục với cha Trang có cha Francisco Perez, sau nầy làm Giám mục Đại diện Tông toà tại Đàng Trong (1690-1728).[24]
- Các linh mục Việt Nam khác: Hai cha Gioan Huệ và Bênêđictô Hiền (Đàng Ngoài) được thụ phong vào tháng 6 năm 1668, tức là sau lễ phong chức cha Giuse Trang 3 tháng. Trong khi đó cha Luca Bền (Đàng Trong) được phong chức vào đầu năm 1669.[25]
- Nếu nói “thế hệ linh mục Việt nam đầu tiên”, thì có thể xếp chung 4 vị linh mục có tên vừa kể; còn nếu nói linh mục người Việt nam đầu tiên thì phải dành riêng cho linh mục GIUSE TRANG. Vì chứng liệu lịch sử đã ghi thật chính xác.
Thay lời kết:
Thật sự, làm sao học cho hết “bài học của lịch sử”. Nhân sự kiện Năm Thánh 400 năm loan báo Tin Mừng, giáo phận Qui Nhơn được Chúa thúc đẩy để nhìn lại lịch sử vừa để cùng nhau cảm tạ tri ân, vừa để dốc lòng “hoán cải mục vụ”, và nhất là, để cùng nhau lên đường “viết những trang sử truyền giáo mới”.
Trong việc áp dụng “mục vụ ôn cố” không phải chỉ dừng lại ở những chuyện phần nào có vẽ không mấy thực tế nầy rồi thôi; nhưng dù sao, đó cũng là những chất xúc tác để qua “sự kiện 400 năm”, nhiều lệch lạc sẽ được chuẩn hoá, và có thể, để mọi người yêu mến và tìm đến với Giáo Hội nhiều hơn !
Mong thay.
Giuse Trương Đình Hiền
Tháng 9/10/2018
[1] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông thư “Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba” (Tertio Millennio adveniente). Số 37.
[2] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông sắc “Mầu Nhiệm Nhập Thể” (Incarnationis Mysterium), ban hành tại Rôma ngày
[3] ĐGH Bênêđictô XVI, Tự sắc “Cánh cửa đức tin” (Porta fidei) ban hành tại Rôma ngày 11.10.2011, số 13.
[4] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia) 2001, số 49.
[5] Hồng Y Ivan DIAS, Tổng trưởng + Robert SARAH, Thư ký. Thư gởi Đức Cha Phêrô NGUYỄN VĂN NHƠN Giám mục Giáo phận Đàlạt Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 14 tháng 11 năm 2009. Bộ Phúc âm hoá các dâ tộc, Prot. 4522/09.
[6] THƯ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM GỬI CỘNG ĐỒNG dân Chúa CÔNG BỐ NĂM THÁNH 2010. Làm tại Xuân Lộc ngày 9/10/2009. Ct/HĐGMVN: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn. Số 1
[7] Ibid. Số 2.
[8] Kinh cầu nguyện trong thời gian 6 năm chuẩn bị gần Năm Thánh 400 năm (2012-2018)
[9] Kinh Năm Thánh từ 26/7/2017-26/7/2018.
[10] ĐGM. Mathhêô Nguyễn Văn Khôi, Thư Mùa Chay và Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018.
[11] ĐGM. Mathhêô Nguyễn Văn Khôi. Bài giảng Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh tại Làng Sông, 26.7.2017.
[12] TGM. Leopoldo Girelli. Diễn từ trong Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh tại Làng Sông, 26.7.2017.
[13] Ban biên soạn lịch sử giáo phận. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN. Nxb. An Tôn & Đuốc sáng 2017. Lời Giới Thiệu của Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn. Tr. 5-6
[14] Ibid. Phần “Tổng Kết”. Tr. 413.
[15] GS. Phan Huy Lê, Nguyễn Thanh Quang, Lm. Võ Đình Đệ, Ts. Trương Anh Thuận (đồng tác giả): CHỮ QUỐC NGỮ TỪ NƯỚC MẶN ĐẾN LÀNG SÔNG. Kỷ niệm 400 năm Chữ Quốc Ngữ. NXB Đồng Nai 2018. Lời giới thiệu, tr. 6
[16] Ban biên soạn lịch sử giáo phận. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN. Nxb. An Tôn & Đuốc sáng 2017. Chương II. CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN TỪ MA CAO ĐẾN ĐÀNG TRONG. Cư sở Nước Mặn. Tr. 51-54.
[17] Vị trí của cư sở này ngày nay có thể được xác định tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ngày 15.07.2011, Tòa Giám mục Qui Nhơn đã dựng bia kỷ niệm tại đó.
[18] Xem CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, sđd., tr. 126.
[19] CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione, sđd., tr. 127-138. Tường trình về Khu truyền giáo, sđd, tr. 72 – 78.
[20] Xem DANIELLO BARTOLI, Dell' Istoria della Compagnia di Gesù, sđd., vol.17, terza parte, libro terzo, tr. 269.
[21] Địa danh "Pulo Cambi", phát xuất từ cách gọi của người Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ XVI, thời kỳ mà các chủ thuyền Bồ Đào Nha mướn các tài công và các hoa tiêu Mã Lai để đi lại trên Biển Đông. Địa danh này được ghi trên các bản đồ xưa. Khởi đầu, đây là tên của một hòn đảo (Cù Lao Xanh, trong tiếng Mã Lai là Poulo Gambir), nhưng sau đó được dùng để gọi vùng bờ biển chung quanh. Các bản đồ Bồ Đào Nha phân biệt Pulo Cambi de Mar (ngoài biển) và Pulo Cambi de Terra (trên đất liền); địa điểm thứ hai này hẳn là bán đảo Phương Mai, mà đỉnh cao là một điểm mốc rất dễ thấy cho giao thông đường biển, nhờ đó tàu thuyền có thể từ biển đi vào đầm Thị Nại, rồi đến phố cảng Nước Mặn là cửa ngõ của phủ Qui Nhơn. Từ đó danh xưng Pulocambi được các thừa sai dùng khi thì để chỉ phố cảng Nước Mặn, khi thì để chỉ phần đất của phủ Qui Nhơn ngày xưa.
[22] Xem "Lettera annuale del Collegio di Macao al molto Riverente Padre Mutio Vitelleschi Generale della Compagnia di Giesù, l'anno 1618", trong Lettere annue del Giappone, China, Goa, et Ethiopia. Scritte al M.R.P. Generale della Compagnia di Giesù. Da Padri dell' istessa Compagnia negli anni 1615.1616.1617.1618.1619, P. Lazaro Scoriggio, Napoli 1621, tr. 387-401. ĐỖ QUANG CHÍNH SJ., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, sđd., tr. 66.
[23] ĐGH Gioan-Phaolô II, Sắc lệnh phong chân phước cho thầy giảng Anrê Phú Yên.
[24] [Amep, volume 121, page 748] [Launay (Adrien), Histoire de la Mission de Siam. Documents historiques, tome I: 1657-1811, Paris, Téqui, 1920, p. 26]
Deux séminaristes se trouvant en état d’être ordonnés furent faits prêtres le dernier jour de mars, veille de Pâques [1668], « sub tilulo missionum »; l’un se nomme Joseph, catéchiste cochinchinois, âgé de 28 à 29 ans, qui fut envoyé à ce sujet par feu Mr Hainques, et l’autre François Pérez, fils d’un Portugais originaire de Negapalan sur la côte de Coromandel, âgé de 24 à 25 ans. Ces deux sujets sont considérables pour leur piété et leur dégagement. Le premier a eu l’honneur de recevoir plusieurs coups de bâton dans les prisons de Cochinchinois, à cause qu’on le voyait assister les généreux fidèles qui y étaient détenus, et qui furent depuis condamnés à mort en haine de ce qu’ils professaient la religion chrétienne; le second a été le seul Portugais qui ne sortit point du séminaire, lorsque l’on publia le papier contre les missionnaires sous le nom du commissaire du Saint-Office. On ne peut assez bénir Dieu de ce qu’il a donné à la mission ces deux personnes, qui ont de belles dispositions pour être quelque jour de grands missionnaires.
- (xem thêm Launay (Adrien), Histoire de la Mission de Cochinchine. tome I: 1658-1728, Paris, 2000, p. 62]:
Deux séminaristes se trouvant en état d’être ordonnés furent faits prêtres le dernier jour de mars, veille de Pâques sub tilulo missionum; l’un se nomme Joseph, catéchiste cochinchinois, âgé de 28 à 29 ans, qui fut envoyé à ce sujet par feu Mr Hainques; il a eu l’ honneur de recevoir plusieurs coups de baton dans les prisons de la Cochinchine à cause qu’ on le voyait assister les généreurx fidèles qui y étaitent détenus, et qui furent depuis condamnés à mort en haine de ce qu’ ils professaient la religion chrétienne.
- (Xem thêm: BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, NXB Antôn & Đuốc sáng tháng 6/2017. Trang 119).
[25] Ibid.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét