Trang

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Thượng Hội Đồng 2018: Phúc trình vòng 3 của các nhóm nhỏ


Thượng Hội Đồng 2018: Phúc trình vòng 3 của các nhóm nhỏ
Vũ Văn An
23/Oct/2018

Theo tin của Crux ngày 20 tháng Mười, các nhóm nhỏ theo ngôn ngữ đã đệ trình phúc trình các thảo luận của các ngài về phần 3 của Tài Liệu Làm Việc. Sau đây là tóm tắt các phúc trình này do Crux thực hiện. 
Các Nhóm nói tiếng Đức 

Nhóm nói tiếng Đức tỏ ý quan tâm đối với hướng đi của Thượng Hội Đồng. Các ngài viết “Sau Thượng Hội Đồng, điều gì sẽ thay đổi? Liệu có những phương cách cụ thể để trở thành một giáo hội cho người trẻ không? Liệu có các cam kết từ phía các giám mục không?”

Nhóm kêu gọi 2 bài diễn văn chuyên biệt được phản ảnh trong tài liệu sau cùng: một của Đức Hồng Y Vincent Nichols của Westminster, Anh Quốc, về việc buôn bán người, và bài kia của Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago ngỏ với các nhà lãnh đạo chính trị.

Về các vấn đề khác, nhóm nói tiếng Đức phát biểu:

* Chúng tôi tin rằng vai trò của phụ nữ trong việc lãnh đạo và đưa ra quyết định trong Giáo Hội nên được tăng cường 1 cách đáng kể hơn nữa.

* Chúng tôi muốn một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh với người trẻ trong Giáo Hội về các vấn đề tính dục và kết đôi (partnership).

* Các ngài kêu gọi “một ý hướng nhằm khám phá và làm nhẹ các vấn nạn chuyên biệt của người trẻ tại một giáo phận (thí dụ, nghèo đói công khai hay che đậy, ghiền ma túy, du đãng thanh tiếu niên, di dân thiếu niên, nạn nhân bị lạm dụng và bạo hành)”.

* Các ngài cũng kêu gọi Giáo Hội phải có ý hướng cụ thể nhằm gặp gỡ người trẻ thường xuyên, nhất là những người trẻ kém may mắn”.

Nhóm cũng gợi ý về một số chủ đề như dạy giáo lý qua các thủ bản dựa vào Youcat, giúp tuổi trẻ dấn thân cho môi trường, cổ vũ giới trẻ tham gia vào Giáo Hội, cổ vũ tính phụ đới trong Giáo Hội, cổ vũ các phong trào, nghệ thuật, và các hiệp hội, coi chúng như những nơi chốn để “làm Giáo Hội”.

Cuối cùng, nhóm nói tiếng Đức đề cập tới các tai tiếng lạm dụng tình dục trong Đạo Công Giáo. Các ngài viết: “Chúng tôi tin rằng tài liệu sau cùng của Thượng Hội Đồng không thể khởi đầu mà không có lời nói rõ ràng về bi kịch lạm dụng tình dục trẻ em và thiếu niên”.

“Và chúng tôi cũng nghĩ rằng các giám mục chúng tôi không thể về nhà mà không có ý hướng cương quyết sẽ đưa ra các thay đổi cụ thể nhằm cung cấp việc phòng ngừa tốt hơn và chăm sóc tốt hơn cho các nạn nhân”.



Các Nhóm nói tiếng Anh 

Các nhóm nói tiếng Anh đưa ra nhiều gợi ý cho rằng vì Thượng Hội Đồng sắp tới hồi kết thúc, nên diễn trình cần lặp lại kinh nghiệm của cấp địa phương, bất kể đó là các hội đồng giám mục, các giáo phận hay các giáo xứ.

Vì phần cuối cùng của Tài Liệu Làm Việc tập chú vào các chỉ dẫn và khuyến cáo thực tiễn, nên Nhóm A, do Đức Hồng Y Oswald Gracias của Mumbai hướng dẫn, đã đưa ra một số điểm gợi ý chi tiết, trong đó, có những tài nguyên thực tiễn dành cho các cha mẹ và ông bà như “những thầy cô đầu tiên” của người trẻ, chú ý nhiều hơn tới việc đào tạo thầy cô và các chưng trình làm tuyên úy cho các trường và đại học Công Giáo, và cổ vũ việc giới trẻ tham gia nhiều hơn vào phụng vụ và các sinh hoạt của Giáo Hội trong đó, họ có nhiều quyền hơn trong việc đưa ra quyết định.

Nhóm cũng thảo luận nhu cầu phải tái tạo diện mạo giáo xứ quanh trải nghiệm ba chiều của Giáo Hội: như “mầu nhiệm”, “hiệp thông” và “sai đi”. Các ngài lưu ý rằng một điều được Thượng Hội Đồng nhận ra là người trẻ không phải chỉ là đối tượng của việc phúc âm hóa mà còn là các tác nhân.

Hai nhóm thảo luận việc nối vòng tay lớn với những người bị lôi cuốn bởi người đồng tính và cảm thấy bối rối về phái tính (gender dysphoria).

Nhóm B, do Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago hướng dẫn, đề nghị phải có “một tiết riêng biệt cho vấn đề này và đối tượng chính của tiết này sẽ là việc đồng hành mục vụ với những người này theo các đường hướng của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo”.

Nhóm D, do Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Houston-Galveston hướng dẫn, viết: “về phái tính, lối sống hoặc xu hướng giới tính, không nên làm bất cứ ai cảm thấy không được yêu thương, săn sóc. Tuy nhiên, như Thánh Tôma Aquinô đã viết, tình yêu có nghĩa ‘muốn điều tốt cho người khác’. Và đó là lý do tại sao tình yêu chân chính không hề loại bỏ lời kêu gọi hồi tâm, thay đổi đời sống”.

Sau cùng, nhiều khuyến cáo khác nhau đã được đưa ra nhằm khuyến khích các giám mục và linh mục sử dụng các phương tiện kỹ thuật số làm phương tiện nối vòng tay lớn; các ngài nhấn mạnh rằng nó là bộ máy tốt nhất các ngài có thể sử dụng để vươn tới một cử tọa mới và thường không đi nhà thờ.

Các ngài viết thêm “một cuốn video đăng tải trên YouTube hoặc Facebook thường xuyên có đó 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần, và nó có thể tìm đường đến những ngõ ngách xa xôi nhất trên thế giới, thậm chí thù nghịch nhất. Chúng tôi cảm thấy một phương pháp sinh hoa trái hơn cả là tạo ra các tài liệu có thể đồng nhất hóa semina verbi (hạt giống Lời Chúa) với cả nền văn hóa bình dân lẫn nền văn hóa bác học”.

Các Nhóm nói tiếng Ý 

Các nhóm nói tiếng Ý chủ yếu tập trung vào sự cần thiết phải đáp ứng đầy đủ các thách thức mà người trẻ đang phải đương đầu và trả lời các câu hỏi của họ về các chủ đề lớn hơn, như tính dục, phá thai và bị đẩy qua bên lề, đặc biệt là phụ nữ và người nghèo.

Nhóm đầu tiên, do Đức Hồng Y Angelo De Donatis, giám mục giám quản (vicar) Rôma, và Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, người đứng đầu Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống, đã sử dụng hình ảnh làm bánh hóa nhiều trong Sách Thánh như tượng trưng cho tính trung tâm của Chúa Giêsu đối với đức tin.

Các ngài cho rằng cần chú ý nhiều hơn đến tính trung tâm này của Chúa Giêsu; các ngài lưu ý rằng, giống như việc làm bánh hóa nhiều, Người có thể làm nhiều phép lạ với rất ít vật liệu được cung cấp cho Người.

Các thành viên trong các nhóm nói rằng phần thứ ba của tài liệu, trong khi nêu tên nhiều khả thể tham gia của người trẻ vào sinh hoạt của giáo xứ, nhưng có nguy cơ tạo ra “một danh sách dài mà không có ưu tiên nào cả” và đưa ra bốn điểm suy nghĩ: tính ưu việt của Tin Mừng, thừa tác vụ cho người nghèo, một sự nhấn mạnh lớn hơn đến việc đào tạo và Thánh Thể.

Các ngài cho rằng: thừa tác vụ người nghèo"không phải là vấn đề tổ chức lại hệ thống phục vụ thiện nguyện hay một hình thức phúc lợi phụ đới. Sứ điệp Kitô giáo, về căn bản, là chứng tá của sự gần gũi có tính cứu rỗi của Thiên Chúa đối với mọi người”.

Nhóm thứ hai được lãnh đạo bởi Đức Hồng Y Fernando Filoni, bộ trưởng Bộ phúc âm hóa các dân tộc của Vatican, và Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte, một thành viên của hội đồng tổ chức Thượng hội đồng.

Các thành viên của nhóm cho biết tài liệu làm việc của Thượng hội đồng, cho đến nay, có cách tiếp cận quá phương Tây, nhưng vẫn thất bại trong việc đề cập thỏa đáng các vấn đề như lợi ích / thách thức của thế giới kỹ thuật số, mối tương quan giữa đức tin và khoa học và việc “mất phương hướng xã hội, tinh thần và đạo đức” cùng khắp.

Các ngài nhấn mạnh: các thách thức chuyên biệt là các trường hợp bị gạt qua bên lề, đặc biệt là phụ nữ, những người "thường là nạn nhân của lòng tự tôn nam giới đủ mạnh để giết người", cũng như những người bị ảnh hưởng bởi việc nghiện ma túy và đau khổ về thể chất hoặc tinh thần.

Đề cập đến sự cần thiết phải dành "sự chú ý đặc biệt và đồng hành” với những người bị lôi cuốn bởi người đồng tính, và các thách thức đặt ra cho các người trẻ bởi nạn thất nghiệp và thiếu cơ hội việc làm thuộc lĩnh vực học tập của họ.

Các vấn đề đạo đức như các vấn đề liên quan đến tính dục, phá thai, bị loại trừ vì lý do xã hội và sắc tộc, cũng được đề cập, cũng như ảnh hưởng của các nhóm huyền bí (occult), “vốn gây ảnh hưởng đến những người trẻ mà ta không nên đánh giá thấp”.

Nhóm thứ ba, do Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, người đứng đầu Hội đồng Văn hóa của Vatican, và Đức Giám Mục Pietro Maria Fragnelli của Trapani, lãnh đạo, tập trung vào bốn lĩnh vực chủ chốt: tìm kiếm hạnh phúc trong việc lắng nghe chính mình và Lời Chúa, sự cần thiết phải đặt con người ở trung tâm, nhận ra cuộc hành trình mà mỗi người phải thực hiện và quan tâm đến môi trường.

Các lĩnh vực khác được các ngài nhấn mạnh là tầm quan trọng của lòng sùng kính Đức Marian, sự cần thiết phải khai triển các chương trình đồng hành và biện phân, sự cần thiết phải đào tạo tốt hơn về Thánh Kinh và thần học bên ngoài các định chế học thuật, sử dụng kỹ thuật, tầm quan trọng của việc phục vụ và sự cần thiết giúp đỡ các di dân trẻ tuổi, đặc biệt là "tại nhà" và qua các giáo hội địa phương.

Nhóm cũng nhắc đến việc phải cung cấp việc đào tạo và đồng hành tốt hơn cho các cặp vợ chồng trẻ, cả những người đang đính hôn và những người mới kết hôn gần đây, và sự cần thiết phải vượt qua việc kỳ thị.

Các Nhóm nói tiếng Pháp

Nhóm A nói tiếng Pháp, do Đức Tổng Giám Mục David Macaire lãnh đạo, nhấn mạnh rằng để tiến lên phía trức, không nên xem xét thừa tác vụ tuổi trẻ một cách độc lập khỏi việc chăm sóc mục vụ.

Các ngài tiếp tục bằng cách lưu ý rằng sẽ là điều có lợi khi có cả cha mẹ lẫn người trẻ cùng hiện diện ở Thượng hội đồng, cùng với các cặp vợ chồng trẻ, để cung cấp chứng từ về “việc họ tìm cách sống bí tích hôn nhân và giáo dục con cái của họ ra sao”.

Một nhóm khác nhấn mạnh rằng trong việc đề cập đến các mối quan tâm mục vụ đối với người trẻ, điều quan trọng cần nhớ là "cuộc sống của những người trẻ từ 16 đến 30 không có tính trực tuyến (linear)".

Nhóm cho rằng "đời sống ấy được đánh dấu bằng thành công, thất bại, và các dấu mốc quan trọng và có tính hạnh phước như thi đậu một kỳ thi, việc làm đầu tiên, thiết lập cuộc sống lứa đôi và gia đình".

Nhóm gợi ý Giáo Hội phải lưu tâm để các nguồn tài nguyên tinh thần cần thiết cho việc đáp ứng các nhu cầu như thế không nên mang tính công thức.

Hai nhóm khác nhau khẳng định rằng dù chủ đề của Thượng hội đồng là người trẻ, nhưng điều thiết yếu là không nên hoàn toàn tách rời họ khỏi cuộc sống rộng lớn hơn của Giáo Hội, vì sự hồi hướng và canh tân mục vụ là mục tiêu của toàn thể Giáo Hội.

Các ngài đặt câu hỏi: "Vì vậy, trước khi bàn đến chúng, há không cần cho thấy mọi chi thể của Giáo Hội đều được kêu gọi cùng nhau tiến bước theo dấu chân của Chúa Giêsu và tiến tới trong đời sống ơn thánh đó sao? Thuật ngữ Thượng Hội Đồng há không có nghĩa là cùng đi với nhau hay sao?"

Tương tự như thế, một nhóm khác lưu ý rằng điều quan trọng là phải có quyền và trách nhiệm ra quyết định thực sự "trong việc vận hành các định chế của cộng đồng, giáo xứ hoặc giáo phận".

Tuy nhiên, mặc dù vậy, các ngài bác bỏ ý tưởng cho rằng Vatican cần một bộ riêng biệt tập trung đặc biệt vào người trẻ, vì "sẽ có nguy cơ gia tăng sự cô lập của họ". Thay vào đó, các ngài khuyến cáo mọi bộ sở có thói quen tiêu chuẩn này là lắng nghe và tích nhập người trẻ vào công việc của họ.

Cuối cùng, nhóm gợi ý cho rằng người trẻ được trao quyền để phục vụ tốt hơn trong tư cách những người thông truyền giáo huấn xã hội của Giáo hội nhằm “làm cho cuộc đối thoại đức tin của Giáo Hội với các điển hình văn hóa mới này thành khả hữu, không phải bằng cách thiên tư các giáo sĩ của Giáo Hội về những chủ đề này, nhưng bằng cách đào tạo người trẻ của Giáo Hội có khả năng trở thành các người thủ diễn biết và giải thích được niềm hy vọng ở trong họ”.

Các ngài kết luận "Đó là cách, hình ảnh Giáo Hội của Chúa Kitô như một người bạn của thế giới dần dần sẽ thay đổi".

Các Nhóm nói tiếng Tây Ban Nha

Nhóm B nói tiếng Tây Ban Nha, do Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, người Tây Ban Nha và đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin của Giáo hội lãnh đạo, đã viết rằng Giáo hội phải đảm nhận một "thái độ chào đón và thân thiện" để khuyến khích sự hòa nhập và đồng hành với mọi người, "kể cả những người có xu hướng tình dục khác nhau, để họ có thể lớn lên trong đức tin và trong mối liên hệ của họ với Thiên Chúa".

Tuy nhiên, thái độ chào đón không có nghĩa là phải thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về tính dục. Ngược lại, nhóm cho rằng văn phòng “tương ứng” của Vatican nên khai triển một “xu hướng” tiếp cận vấn đề tính dục một cách có hệ thống và rõ ràng, bằng các lập luận nhân học, “dễ tiếp cận đối với mọi người trẻ, cho thấy nhân đức khiết tịnh là lời khẳng định hân hoan tạo điều kiện cho tình yêu nhân bản và thần thiêng”.

Nói về phụ nữ, nhóm đã viết rằng họ “đánh giá” chỗ đứng của họ trong Giáo Hội và nhìn nhận rằng họ có “phẩm giá bình đẳng với nam giới”. Như vậy, trong các chương trình mục vụ của Giáo Hội, các đóng góp của cả nữ lẫn nam nên được xem xét, vì chúng "bổ sung cho nhau và làm cho đời sống của cả cộng đồng sinh hoa trái".

Vì cùng lý do như trên, các ngài viết, nhóm đề nghị một "sự tham gia lớn hơn của phụ nữ vào việc biện phân mục vụ bằng cách cộng tác tích cực vào các tình huống ra quyết định".

Khi nói đến các kỹ thuật mới, nhóm viết rằng đối với người trẻ, không có sự khác biệt giữa “ảo và thực” nên Giáo hội phải thừa nhận một cách “cương định” tất cả việc ảo hóa (virtualization) này.

Ngoài ra, Giáo Hội phải giúp đỡ những người trẻ đang là nạn nhân của tội phạm trực tuyến, từ nội dung khiêu dâm trẻ em đến bắt nạt trực tuyến, hỗ trợ các nạn nhân và sản xuất các tư liệu để nhận thức và đào tạo, cổ vũ "quyền công dân kỹ thuật số có trách nhiệm".

Nhóm cũng đề nghị: việc thực hành “tính thượng hội đồng” nên trở thành một đặc điểm vĩnh viễn trong đời sống của Giáo Hội, cổ vũ sự tham gia của tất cả những người chịu phép rửa và có thiện chí, “mỗi người theo độ tuổi, bậc sống và ơn gọi của họ, làm cho việc tham gia tích cực của giới trẻ trong từng giáo phận, Hội đồng Giám mục và Giáo hội phổ quát trở thành hữu hiệu và có thực chất”.

Giống như nhóm nói tiếng Tây Ban Nha đầu tiên, do Đức Hồng Y Hond Rodriguez Maradiaga dẫn đầu, các ngài cũng nhấn mạnh đến việc người trẻ cần phải không những chỉ là “những người tiếp nhận” mà còn là những người chủ đạo trong sứ mệnh của Giáo hội, vì cả họ cũng được kêu gọi “truyền giảng Tin Mừng, thông truyền tin mừng của Chúa”.

Nhóm này cũng nói về "hồi tâm", đặt câu hỏi "hồi tâm của ai? để làm gì? từ đâu? ” muốn nói lời kêu gọi hồi tâm không nên là việc chỉ trích những gì đã được thực hiện, như thể mọi thứ “ đều xấu ”, nhưng là việc tìm “ điều hơn”, mong muốn trở nên tốt hơn và phục vụ nhiều hơn. Các ngài cho hay điều này đòi phải "lắng nghe, đi ra ngoài, biện phân, đồng hành".

Nhóm A nói tiếng Tây Ban Nha cũng thừa nhận rằng những hàng ghế ở các nhà thờ trống rỗng, và chẩn đoán rằng điều này là do thiếu sự hài hòa với người ta, đặc biệt là những người trẻ. Đề nghị cụ thể của các ngài là làm cho phụng vụ có tính tham gia nhiều hơn, với những bài hát hay hơn và thậm chí có thể duyệt lại các công thức cầu nguyện.

Các ngài viết: "Nếu những người trẻ từ bỏ việc cử hành Thánh Thể, thì đó là triệu chứng đầu tiên của việc họ mất đức tin".

Nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha

Nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, đứng đầu là Đức Hồng Y João Braz de Avis, viết rằng việc hoàn cầu hóa đã tạo ra sự thay đổi thời đại, mặc dù có nhiều hiệu quả tích cực, nó cũng đã tạo ra một xã hội "bị thương tổn" đang thách thức Giáo hội phải phục hồi "việc nói tiên tri" của mình, để cổ vũ một “Giáo hội và một xã hội hòa nhập, để không ai bị bỏ rơi”.

Các ngài thừa nhận tầm quan trọng của những biểu thức khác nhau của “lòng sùng kính bình dân”, như hành hương và thăm viếng các đền thờ, có thể thu hút người trẻ và biểu lộ đức tin của họ, nhưng cũng cần có những nơi để người trẻ khám phá giáo lý và luân lý của Giáo Hội, kèm với việc bác ái mục vụ.

Trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các ngài viết “lòng sùng kính bình dân là ‘một cách hợp pháp để sống đức tin", và các ngài nói thêm rằng nó có "sức mạnh truyền giảng Tin Mừng" lớn lao.

Nhóm cũng đề nghị một "hội đồng" hoàn cầu hoặc vọng quan sát người trẻ, ngoài Bộ của Vatican về Giáo dân, Gia đình và Sự sống, là bộ, trên thực tế, có bao gồm thừa tác vụ cho người trẻ.

Nhóm đã phê duyệt 25 gợi ý đề cập đến một số chủ đề, dù các ngài không đào sâu nội dung của chúng. Trong số đó, có mạng lưới cho thừa tác vụ tuổi trẻ; người trẻ khuyết tật; người trẻ trong tù; chăm sóc mục vụ cho người trẻ đồng tính luyến ái; các trải nghiệm truyền giáo trẻ; và Đức Maria và người trẻ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét