Ngày 2 tháng Giêng
Mùa Giáng Sinh
Gioan Tiền Hô |
Bài Ðọc I: 1Jo 2,22-28
"Ước gì điều các con
đã nghe từ ban đầu, vẫn ở lại mãi trong các con"
Bài trích thơ thứ nhất của
Thánh Gioan Tông Ðồ.
Các con thân mến, ai là kẻ
nói dối, nếu chẳng phải là kẻ không nhìn nhận Chúa Giêsu là Ðức Kitô?
Ai không nhận Chúa Cha và
Chúa Con, chính nó là Phản Kitô, ai không nhận Chúa Con, thì cũng không được có
Chúa Cha. Còn ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha. Còn ai tuyên
xưng Chúa Con thì cũng được có Chúa Cha.
Phần các con, ước gì điều các
con đã nghe từ ban đầu, vẫn ở lại mãi trong các con.
Nếu điều các con đã nghe từ
ban đầu vẫn ở lại trong các con, thì các con cũng được ở lại trong Chúa Con và
Chúa Cha nữa. Và này là điều Người đã hứa cho chúng ta, đó là sự sống đời đời.
Ta đã viết những điều này cho
các con biết về những người lừa dối các con.
Về phần các con, việc xức dầu
mà các con đã nhận lãnh nơi Người vẫn ở lại trong các con, nên các con không
cần ai dạy dỗ, nhưng như việc xức dầu của Người đã dạy các con mọi sự, và lại
là sự thật, chứ không phải sự dối trá, nên như các con đã được dạy dỗ, hãy ở
lại trong Người.
Và giờ đây, hỡi các con bé
nhỏ, hãy ở lại trong Người, để khi Người tỏ hiện, chúng ta được dạn dĩ, không
phải xấu hổ lìa xa Người, lúc Người đến.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97,1.2-3a, 3cd-4
Ðáp: (3c) Mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Xướng 1) Hãy ca tụng Chúa một
bài ca mới, vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng. Tay mặt Người đã đem lại
toàn thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ,
đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và
trung thành đối với nhà Israel. - Ðáp.
3) Mọi dân trên khắp cùng bờ
cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu,
hãy hân hoan mừng Chúa, hãy mừng vui, hoan lạc và đàn ca. - Ðáp.
Alleluia: Jo 1,14 và 12b
Alleluia, Alleluia - Ngôi Lời
đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ
quyền làm con Thiên Chúa. Alleluia.
Phúc Âm: Jo 1,19-28
"Có một Ðấng sẽ đến
sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi"
Bài trích Phúc Âm theo Thánh
Gioan.
Ðây là chứng của Gioan, khi
những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông:
"Ông là ai?"
Ông liền tuyên xưng, ông
không chối, ông tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Ðấng Kitô".
Họ liền hỏi: "Như vậy là
thế nào? Ông có phải là Elia chăng?"
Gioan trả lời: "Tôi
không phải là Elia".
"Hay ông là một đấng
tiên tri?"
Gioan đáp: "Không
phải".
Họ liền bảo: "Vậy ông là
ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là
ai?"
Gioan đáp: "Tôi là tiếng
kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan
báo".
Và những người đã được sai
đến đều thuộc nhóm biệt phái.
Họ hỏi Gioan rằng: "Nếu
ông không phải là Ðức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao
ông làm phép rửa?"
Gioan trả lời: "Tôi làm
phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết.
Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng
chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho
Người".
Việc này xảy ra tại Betania,
bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm:
"Người sẽ đến sau tôi,
và tôi không đáng cởi dây dép cho Người". Ðó là lời chứng của Gioan về
Ðấng Thiên Sai. Gioan muốn khẳng định ông không phải là Ðấng Kitô. Ông chỉ là
Sứ Thần đi trước để dọn lối cho Người. Gioan không lạm dụng uy tín để đi quá
phạm vi của mình. Ông đã khiêm hạ, chân thật sống đúng là mình.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng
con chân thành nhận ra mình. Không ảo tưởng, không cậy mình kiêu căng, cướp
quyền vinh quang Thiên Chúa, xin cho chúng con biết dùng những ân huệ Chúa ban
như phương tiện giới thiệu Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa đang đến và
hoạt động trong cuộc đời mỗi người. Amen.
Lời Chứng Của Gioan
Con người thường mang tâm
trạng thích được khen, người nhận lời khen cảm thấy tâm hồn thoải mái, vui
tươi, phấn khởi. Ðó là một nghệ thuật để khuyến khích người khác hăng hái tiếp
tục công việc họ đang làm ngày càng khá hơn. Trong gia đình, người chồng khen
người vợ biết trang hoàng căn phòng lịch sự, sáng sủa, đơn sơ sẽ làm cho người
vợ thương mến người chồng hơn, hoặc người chồng được vợ khen là biết chọn màu
áo trang nhã, tiệm may vừa khít trông đẹp, phải chăng tình thương nồng ấm, đậm
đà giữa vợ chồng trong gia đình càng tăng thêm hạnh phúc hơn.
Nếu một người nhân viên trong
sở làm, người giám đốc mỉm cười khen một cách thành thực là anh đi làm rất đúng
giờ có phải là một ích lợi lớn lao cho anh, vì được ông chủ để ý đến mình và
biết đâu anh ta nhờ đó mà siêng năng, chăm chỉ hơn trong công việc của mình.
Cho nên, khen là một điều nên thực hiện khi có thể đối với nhau. Tuy nhiên,
điểm tác hại sâu xa nhất là khen hời, khen quá hóa nịnh là chuyện không nên.
Người ta không có mà chúng ta đưa lên tận mây xanh làm họ mở mắt không ra,
không nhìn thấy khả năng thực sự của mình và làm họ cứ ảo tưởng nghĩ rằng mình
giỏi thật, đó thật là một chuyện nguy hiểm và là chuyện tâm lý bình thường của
con người. Có một điểm nữa là từ đó con người ưa nói quá về mình. Chúng ta
không có nhưng người ta nịnh gán cho mọi thứ tài giỏi hay ho, chúng ta cũng cứ
nhận bừa lấy và trở thành như là của mình để rồi cứ nhận tiếp những lời khen
quá đáng như thế.
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Gioan Tẩy Giả đã cho chúng ta một bài học trung thực về chính cuộc đời của ông.
Khi những người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi
ông là ai? Ngụ ý của họ là muốn biết Gioan có phải là Ðức Kitô, Ðấng phải đến
chăng? Gioan xác nhận ngay: "Tôi không phải là Ðức Kitô". Ðức Kitô
thì chắc hẳn Gioan không dám tự nhận nhưng ông có thể nhận mình là Elia được,
vì có ai biết được Elia đâu, người ta chỉ nghe truyền thuyết là Elia không
chết, ông ngồi trên xe lửa mà về trời và sau này ông sẽ trở lại. Nhưng Gioan
Tẩy Giả cũng không nhận mình là Elia và ngay cả người ta hỏi: "Ông có phải
là một tiên tri không?" vì Gioan cũng làm nhiều điều lạ, ông kêu gọi mọi
người ăn năn hối cải và người ta đến rất đông để nhận lãnh phép rửa do ông ban
cho. Ông cũng có thể nhận mình là một tiên tri nào đó thì có ai biết đến, thế
nhưng ông vẫn trả lời:"Tôi không phải là một tiên tri" mà ông tự nhận
như sau: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa, hãy sửa đường cho ngay thẳng
để Chúa đi", như lời tiên tri Isaia đã loan báo.
Một con người thấp hèn với
địa vị khiêm tốn, nào ai trong chúng ta chấp nhận được tinh thần như Gioan Tẩy
Giả. Và còn hơn thế nữa, Gioan đã nhìn nhận con người kém cỏi của mình so với
Ðấng Cứu Thế mà ông đang rao giảng: "Ðấng sẽ đến sau tôi nhưng tôi không
xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài". Một câu nói khác mà Chúa Giêsu đưa ra để
cho chúng ta noi gương, Chúa Giêsu đã nói: Khi vào bàn tiệc hãy ngồi chỗ rốt
hết để sau đó người ta mời mình lên nơi cao có phải vinh dự hơn không?"
Còn nếu chúng ta ngồi vào chỗ nhất, chỗ nhì thì sau đó người ta sẽ lại đến nói
với chúng ta: "Xin nhường chỗ cho vị này" có phải là chúng ta xấu hổ
mà ngồi lui xuống dưới chăng.
Khi người khác nhờ chúng ta
một việc gì trong khả năng mà chúng ta có thể làm được thì chúng ta sẽ giúp họ.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn khiêm tốn nói: "Nếu không có gì trở ngại, tôi sẽ
làm giúp cho anh", hay "theo khả năng của tôi, tôi hy vọng giúp được
anh". Nói thế không hẳn là chúng ta thiếu tự tin hay không sốt sắng sẵn sàng
trong những công việc người khác nhờ chúng ta. Nhưng nói như vậy là chúng ta
nói lên sự tế nhị, sự khiêm tốn trong khả năng Thiên Chúa ban cho mỗi người
trong chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng
con bắt chước thánh Gioan Tẩy Giả có một tinh thần khiêm nhu, ôn hòa để qua
cuộc sống của chúng con, mọi người nhận ra được khuôn mặt nhân hậu, từ ái bao
la của Chúa. Amen.
(Veritas
Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 2 tháng 1 BNGS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Sự thật và sự dối
trá quanh co
Trong xã hội, rất khó
cho chúng ta để nhận biết bản chất đích thực của một người qua việc đối thọai.
Khi phải nói về mình, con người thường có những khuynh hướng như: mạo nhận danh
nghĩa người khác; giả vờ như mình có để người khác phải thán phục mình; khuếch
đại: có ít nói nhiều; nói quanh co để người khác khỏi nhận ra con người thực
của mình. Khi phải tìm hiểu cá nhân đó qua người khác, người khác thường có
khuynh hướng: cắt bớt những công trạng và các đức tính tốt để họ đừng nổi bật
quá; thêm những nhận xét của mình để dìm bớt những điều tốt; gán cho họ những
tật xấu mà họ không có; hay vơ vào những thói xấu của gia đình họ.
Các Bài Đọc hôm nay dạy
chúng ta phải biết sống thực với con người của mình. Trong Bài đọc I, Thánh
Gioan đưa ra lý do tại sao chúng ta phải sống thực là vì chúng ta đã lãnh nhận
dầu Thánh Thần qua Bí-tích Rửa Tội. Thánh Thần giúp chúng ta sống thực, và giúp
nhận ra những sự giả trá trong thế gian. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả cho chúng
ta một mẫu gương phải sống thực qua cách trả lời cho những người đến điều tra:
ngắn gọn: có hoặc không; trực tiếp: không dài giòng quanh co; đơn giản: không
dùng những lời nhiều nghĩa; chính xác: những gì mình là, không phải những gì
người khác gọi, hay khen mình. Khi phải so sánh mình với Chúa Giêsu, Gioan Tẩy
Giả đã khiêm nhường nhìn nhận: “Tôi tuy đến trước, nhưng tôi không xứng đáng để
cởi quai dép cho Ngài.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Kitô
Giáo và các tôn giáo khác
1.1/ Phản-Kitô là người
không tin Đức Kitô: Nhiều tôn giáo thờ một Thiên Chúa; chẳng hạn, Do-Thái Giáo, Hồi
Giáo, nhưng Kitô Giáo thờ Thiên Chúa và Đức Kitô.
(1) Các lạc giáo: Ngay từ thời Thánh
Gioan, khi Kitô Giáo bành trướng vào thế giới, có nhiều những lạc giáo từ chối
không tin thiên tính (Do-Thái Giáo) hay nhân tính của Đức Kitô (Chủ-nghĩa thuần
Tri-thức). Thánh Gioan đề phòng các tín hữu của ngài các lạc giáo này: “Ai là
kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô? Kẻ ấy là tên
Phản-Kitô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con.”
(2) Mối liên hệ giữa
Thiên Chúa và Đức Kitô: Đối phương của Gioan có thể thuyết phục ngài: “Tuy khác biệt,
nhưng chúng ta cùng tin Một Thiên Chúa.” Thánh Gioan thẳng thắn nói lên niềm
tin của ngài: “Ai chối Chúa Con thì cũng không có Chúa Cha; kẻ tuyên xưng Chúa
Con thì cũng có Chúa Cha.” Theo ngài, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa Chúa Cha
và Chúa Con:
- Chúa Giêsu mặc khải
cho con người biết về Chúa Cha, và nếu Ngài không mặc khải, con người không thể
biết Chúa Cha: “Không ai biết Con trừ ra Cha; và cũng không ai biết Cha trừ ra
Con và những người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:27, Lk 10:22).
- Tin Con là tin Cha (Jn
12:44-45); từ chối Con sẽ bị Cha từ chối (Mt 10, 32-33).
- Nhìn thấy Con là nhìn
thấy Cha (Jn 14 :6-9).
1.2/ Hai tiêu chuẩn để
nhận ra sự thật: Để chống lại những lạc giáo, Thánh Gioan đưa ra 2 tiêu chuẩn để
giúp các tín hữu nhận ra sự thật phải theo và sự dối trá phải tránh: tiêu chuẩn
bên ngòai là những Giáo Huấn của Giáo Hội; và tiêu chuẩn bên trong là sự soi
sáng của Chúa Thánh Thần.
(1) Điều anh em đã nghe
từ lúc khởi đầu: Ngài nói: “Phần anh em, ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi
đầu ở lại trong anh em. Nếu điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh
em, thì chính anh em sẽ ở lại trong Chúa Con và Chúa Cha. Và đây là điều mà
chính Đức Kitô đã hứa ban cho chúng ta: sự sống đời đời.” Điều nghe từ đầu đây
có lẽ là những dạy dỗ về đạo, trước khi một người được lãnh nhận Bí-tích Rửa
Tội.
(2) Sự soi sáng của Chúa
Thánh Thần:
Khi một người được chịu Phép Rửa nhân danh Đức Kitô, người ấy được xức dầu của
Thánh Thần; và được phong chức làm tư tế, tiên tri, và vương đế. Thánh Gioan
quả quyết: “Phần anh em, dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Kitô ở lại trong anh
em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa; nhưng dầu của Người dạy dỗ anh em mọi sự
- mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá - thì theo như dầu ấy đã dạy
anh em, anh em hãy ở lại trong Người.” Trong khi chủ thuyết “Thuần Tri-thức”
cho rằng chỉ có họ mới biết cách giải thóat con người ra khỏi vật chất để kết
hợp với Thiên Chúa; Thánh Gioan dạy các tín hữu: một khi đã có Thánh Thần của
Thiên Chúa, Thần Sự Thật, trong người, các tín hữu chẳng cần phải được dạy dỗ
bởi ai khác nữa.
2/
Phúc Âm: Lời
chứng của Gioan
2.1/ Những gì Gioan không
là: Và đây
là lời chứng của ông Gioan, khi người Do-Thái từ Jerusalem cử một số tư tế và
mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông tuyên bố thẳng thắn, ông
tuyên bố rằng: "Tôi không phải là Đấng Kitô." Họ lại hỏi ông:
"Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlijah không? " Ông nói:
"Không phải." "Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? " Ông đáp:
"Không." Sở dĩ Gioan Tẩy Giả trả lời như thế là vì ông không quan tâm
đến những điều người khác nói về ông, mà ông chỉ quan tâm đến những gì ông thực
sự là. Nhiều người đã coi Gioan Tẩy Giả như một Tiên-tri, và chính Chúa Giêsu
đã gọi ông là một Tiên-tri quan trọng hơn hết các tiên-tri.
2.2/ Điều Gioan Tẩy Giả
là: Họ liền
nói với ông: "Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã
cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?" Ông nói: “Tôi là tiếng người
hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaiah
đã nói.” Một khi Gioan nhận ra sứ vụ Thiên Chúa trao cho trong cuộc đời, ông
dành mọi thời gian, và nỗ lực để chu tòan sứ vụ của mình.
Trong nhóm được cử đi,
có mấy người thuộc phái Pharisees. Họ hỏi ông: "Vậy tại sao ông làm phép
rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlijah hay vị ngôn
sứ?" Ông Gioan trả lời: "Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có
một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi
không đáng cởi quai dép cho Người." Chỗ khác, Gioan phân biệt hai Phép
Rửa: ông làm Phép Rửa để tha tội, nhưng Đức Kitô làm Phép Rửa để ban Chúa Thánh
Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần biết
mình, biết Thiên Chúa, và biết tha nhân.
- Chúng ta đừng bao giờ
mạo nhận những gì chúng ta không có, cũng đừng bao giờ đánh cắp công ơn của
người khác; nhưng phải biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật.
- Chúng ta phải đề phòng
những kẻ Phản-Kitô và những người không sống xứng đáng với danh hiệu “Kitô hữu”
của mình.
Lm.An-tôn
Đinh Minh Tiên, OP.
Ga 1, 26 |
Ngày 02 tháng 01
Sứ điệp: Thánh Gioan Tiền Hô
giới thiệu cho người Do Thái: “Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không
biết”. Chúa Giêsu âm thầm đồng hành bên ta. Cần có đức tin để nhận ra Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, hôm nay
lời Thánh Gioan Tiền Hô đang vang lên bên tai con: Chúa ở giữa chúng con mà
chúng con không biết. Quả thật Chúa âm thầm lặng lẽ đến với con. Ngày Chúa
giáng trần, không mấy người nhận ra Hài Nhi nằm trong máng cỏ là Chúa, Đấng Cứu
Độ. Những năm tháng Chúa sống tại làng Na-da-rét, chẳng ai nhận ra nơi người
thợ mộc là vị cứu tinh nhân loại. Khi Chúa lên đường đi rao giảng, không người
nào nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai. Giờ phút Chúa chịu chết trên thánh giá, rất
ít người nhận ra Chúa là Đấng Cứu Thế. Và ngày nay, Chúa sống lại và đang âm
thầm đồng hành bên con, nhưng không mấy khi con nhận ra Chúa. Chúa âm thầm lặng
lẽ hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể, nhưng chẳng mấy lúc con có được một lòng
tin sống động để kết hiệp và phó thác đời mình cho Chúa.
Lạy Chúa, xin Chúa tỏ ra cho tâm hồn con để con
nhận biết Chúa. Chúa rất cao cả trổi vượt trên con, nhưng cũng rất nhỏ bé bên
cạnh con. Chúa ở xa con nhưng cũng rất gần sát lòng con. Chúa dường như vắng
mặt, nhưng thực ra lại hiện diện trong mọi giây phút và mọi bước đường con đi.
Xin Chúa khơi dậy nơi con ý thức về sự hiện diện của Chúa.
Tuy dù Chúa hiện diện âm thầm lặng lẽ, nhưng
Chúa vẫn hoạt động mạnh mẽ hữu hiệu, Chúa vẫn là Chúa. Xin cho con nhận ra
Chúa, đến với Chúa và bước đi bên Chúa, để con được Chúa dìu dắt và nâng đỡ, để
cuộc đời con được Chúa biến đổi và nâng cao. Amen.
Ghi nhớ: "Có một Ðấng sẽ
đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi"
www.phatdiem.org
02/01/13
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Th. Baxiliô Cả và Ghêgôriô Nadien,giám mục, tiến sĩ HT
Ga 1,19-28
Th. Baxiliô Cả và Ghêgôriô Nadien,giám mục, tiến sĩ HT
Ga 1,19-28
"ÔNG NÓI GÌ VỀ CHÍNH ÔNG ?"
Họ liền nói với ông:"Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả
lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?" Ông nói
:'Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: "Hãy sửa đường cho thẳng đê Đức
Chúa đi'. "(Ga 1,22-23)
Suy niệm: “Một số môn đồ của Gioan rao
giảng về Thầy mình như là Đấng Mê-si-a” (Sách Clementine Recognitions 250
A.D.). Một số khác coi ông là Ê-li-a, vị đại tiên tri đến trong thời đại sau
hết. Hay cứ theo thói thường, người ta coi ông là tư tế vì sinh ra trong dòng
tộc tư tế hay ông đáng gọi là một tiên tri vì là một nhà giảng thuyết đông đảo
dân chúng đến nghe. Nhưng Gio-an đã lần lượt phủ nhận tất cả. Gio-an chỉ
nhận mình là : “tiếng người hô trong hoang địa” một vai trò độc đáo, mới mẻ, không
giống ai. Gio-an đã nhận biết, sống và chết cho sứ mệnh của mình.
Mời Bạn : trả lời cho câu hỏi “Ông nói
gì về chính ông ?” Đây là vấn đề “tự biết mình” và xác lập căn tính của mỗi
nguời, để khám phá chỗ đứng độc đáo, một ơn gọi riêng không thay thế được trong
chương trình cứu độ của Chúa. Phúc cho ai khám phá ra, và trong ơn thánh Chúa,
ngày ngày thể hiện mình, trở nên chính mình, sống với một cái tôi chân thật,
không vay mượn, không ngụy tạo.
Chia sẻ: Trong hoạt động tông đồ, điều
gì khiến bạn trở thành vật cản không cho người ta đến với Chúa Kitô?
Sống Lời Chúa: làm một việc nào đó trong trách
nhiệm của mình mà mình hay quên hay lẩn tránh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng tác tạo con,
Chúa thấu hiểu con hơn con hiểu con, xin cho con biết Chúa để con yêu Chúa và
xin cho con biết con để con sẽ sống như Chúa muốn cho con sống.
www.5phutloichua.net
CÓ MỘT VỊ ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG
Người ta chỉ lớn lên khi ra khỏi mình, ra
khỏi những bận tâm về mình. Người ta chỉ lớn hết mức khi không còn coi mình là
trung tâm. Trung tâm được đặt nơi Thiên Chúa và tha nhân.
Suy niệm:
Người ta chỉ lớn lên khi ra
khỏi mình, ra khỏi những bận tâm về mình.
Người ta chỉ lớn hết mức khi
không còn coi mình là trung tâm.
Trung tâm được đặt nơi Thiên
Chúa và tha nhân.
Đức Giêsu đã từng khẳng định
rằng
trong con cái loài người,
không ai lớn hơn ông Gioan Tẩy Giả (x. Mt 11,11).
Gioan lớn vì ông là vị ngôn sứ
giới thiệu trực tiếp Đấng Mêsia.là Đức Giêsu,
một điều mà không một ngôn sứ
nào trong Cựu Ước được diễm phúc làm.
Nhưng Gioan cũng lớn vì ông đã
chấp nhận nhỏ đi:
“Người phải lớn lên, còn tôi
phải nhỏ lại” (Ga 3, 30).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
cách Gioan làm mình nhỏ lại.
Khi Gioan đã nổi tiếng bởi lối
sống khắc khổ và lời giảng mạnh mẽ,
thì người Do Thái, người
Pharisêu, sai các tư tế và các thầy Lêvi
từ Giêrusalem đến với Gioan
đang làm phép rửa ở bên kia sông Giođan.
Họ muốn biết ông Gioan là ai.
Gioan đã không nhận mình là
Đấng Kitô, hay Êlia tái giáng (Ml 4,5),
hay vị Ngôn Sứ cao cả đã được
ông Môsê loan báo (Tl 18, 15.18),
mặc dù có người đã nghĩ ông là
như vậy.
Những lời từ chối của Gioan
càng lúc càng ngắn hơn và sắc hơn.
“Tôi không phải là Đức Kitô. -
Tôi không phải là. - Không.”
Gioan từ chối những chức danh
mà nhiều người thèm muốn.,
bởi lẽ ông biết rõ mình là ai.
Khi bị bắt buộc phải đưa ra
một câu trả lời về con người của mình,
Gioan đã chọn câu của ngôn sứ
Isaia (40, 3).
“Tôi là tiếng người hô trong
hoang địa.
Hãy sửa cho thẳng con đường
của Chúa.”
Gioan nhận mình chỉ là người
dọn đường cho một Đấng đến sau,
Đấng ấy là người ông không
xứng đáng cởi quai dép.
Cởi quai dép của chủ là việc
chỉ dành cho người nô lệ thấp kém nhất.
Gioan là người làm chứng tuyệt
vời về ánh sáng (Ga 1, 7-8).
Ông là “tiếng” làm chứng cho
“Lời” là Con Một Thiên Chúa.
Cám ơn Gioan vì nhờ ông mà ta
gặp được Ánh Sáng thật.
Cám ơn Gioan vì tiếng của
ông dẫn ta đến với Lời của Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen.
(Thánh Augustinô)
“Có một Ðấng sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã
có trước tôi”
Ngài đang ở giữa anh em.
Vào
một đêm trăng. Thích Ca ngồi giữa các đệ tử, ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và
nói: ”Kia là mặt trăng, cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón
tay ta là mặt trăng”.
Tin
Mừng hôm nay cũng đề cập đến một cuộc đối thoại tương tự giữa Gioan Tẩy giả và
những biệt phái đến từ Yêrusalem. Họ đặt ra ba hình ảnh về về Gioan. Trước hết,
họ hỏi ông có phải là Đấng Kitô không? Thật thế, người Do Thái đã và vẫn còn
mong đợi Đấng Kitô, nhưng không ai có ý niệm đích xác về Ngài: kẻ thì nghĩ đó
là Đấng đem hòa bình đến cho nhân loại, người thì cho đó là Đấng đến thiết lập
sự công chính, một số đông hy vọng đó là vị anh hùng sẽ lãnh đạo dân Do Thái đi
chinh phục toàn thế giới, có người còn hình dung đó là một siêu nhân đến từ
Thiên Chúa. Câu trả lời phủ định của Gioan ngầm hiểu rằng Đấng Kitô không phải
là người như các ông nghĩ, nhưng nếu chịu khám phá, các ông sẽ nhận ra Ngài
đang ở giữa các ông.
Họ
lại hỏi ông có phải là Êlia mà theo tục truyền đã được đưa về trời cách kỳ diệu
và bây giờ lại xuất hiện không? Người Do Thái vẫn tin rằng trước khi Đấng Kitô
đến. Êlia phải trở lại để chuẩn bị cho thế giới đón nhận Ngài, nhất là sẽ phong
vương cho Ngài để được gọi là Kitô. Nhưng Gioan đã chân thành nhận mình không
phải là Êlia.
Cuối
cùng họ hỏi ông có phải là tiên tri không? Hỏi như vậy là vì có lời trong sách
Thứ luật: ”Thiên Chúa sẽ cho nổi dậy một tiên tri như ta” (18,15). Người Do
Thái có khi hiểu lầm và áp dụng vào Đấng Cứu thế (Cv 6,k4), có khi cho đó là
một đại tiên tri, như Isaia, Yêrêmia (Mc 8,28), nhưng Gioan lại từ chối và cho
mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc: ”Hãy dọn đường Chúa”.
Gioan
đã làm chứng cho Chúa trong sự khiêm tốn. Người Kitô hữu cũng phải làm chứng
cho Chúa về nhiều phương diện: không những giơ ngón tay chỉ Chúa Giêsu cho
người khác, mà còn phải là chứng nhân bằng chính cuộc sống nữa. Đó là sứ mạng
cao cả mà chúng ta cần nhiều ơn Chúa để có thể chu toàn trong cuộc sống hằng
ngày của chúng ta.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Sống chứng nhân
Mở đầu Tin mừng Gioan, sau lời tựa
tác giả trình bày sứ vụ của Chúa Giêsu – Ngôi lời Thiên Chúa qua Lời chứng của
Gioan Tiền Hô, Ông là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, tiên báo và dọn đường
cho Đấng Mêsia- Chúng ta hãy cùng bước theo Thánh Sử, xem ông đã trình bày về lời
chứng của Thánh Gioan Tiền Hô về Chúa Giêsu như thế nào.
Trong câu 19, Thánh Sử khẳng định:
”Đây là Lời chứng của ông Gioan…”Ông Gioan làm chứng bằng” Lời” về chính bản
thân mình khi được một số Thầy Lê Vi và các Tư Tế đến hỏi” Ông là ai?”. Vì sao
họ lại hỏi ông câu này? Thưa vì: dân chúng quá ngưỡng mộ ông Gioan xem ông như
một vị tiên tri thời xưa sống lại. Họ đã nghe lời ông rao giảng và ăn năn sám
hối theo tình trạng tội lỗi hoặc bổn phận của họ: ”ai có hai áo,hãy chia… đừng
đòi hỏi quá mức… chớ hà hiếp, đừng tống tiền…hãy an phận với đồng lương” (x.lc
3,10-14). Dân dân lũ lượt kéo theo ông Gioan đến nỗi các Tư Tế và thầy Lêvi
phải xao động và tìm hiểu về căn tính đích thực của Gioan”Ông là ai?”.Gioan
biết họ tưởng ông là Đấng Mêsia, nên ông trả lời”Tôi không phải là Đấng
Mêsia…Tôi không phải là Êlia… cũng không phải là một vị ngôn sứ…”. Câu trả lời
đầy khiêm tốn của Gioan khiến họ thêm nghi ngờ về dự đoán của họ. Họ hết kiên
nhẫn và cũng chẳng muốn tìm hiểu hơn nữa, nên họ gặng hỏi: ”ông là ai để chúng
tôi trả lời cho những người cử chúng tôi đến? (c.22a). Điều này chứng tỏ họ
theo ông không phải để được sám hối, để được thứ tha lỗi lầm, nhưng là để tò mò
và hơn nữa để có thêm chứng cớ mà khai trừ. Họ buộc Gioan phải trả lời về chính
căn tính của mình”ông nói gì về chính ông?” (c,22b).
Đến lúc này, Gioan mới làm chứng về
mình”Tôi là tiếng hô…để sửa đường cho Đức Chúa”(c.23). Một tiếng hô vang lên
lạc lõng nơi sa mạc, chứ không nơi thành thị phố xá đông người. Tiếng hô này có
một sứ mạng quan trọng. Đó là giới thiệu Đấng Cứu Thế cho dân của Ngài. Tiếng
hô này cũng dần dần đến với Đấng Cứu Độ và cũng là Thiên Chúa của họ: ” Tôi chỉ
làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông… tôi không đáng
cởi quai dép cho Người” (c. 26-27). Phép rửa của Ông Gioan mới chỉ là bước đầu
sám hối, để xứng đáng bước vào Nước Trời, làm con dân Nước Trời và suy phục một
vị vua, của lòng họ mà thôi. Vị Tiền Hô này cũng đưa ra dấu hiệu về Đấng Mêsia
cho dân: ”Người ở giữa các ông”. Như thế, Thiên Chúa đã cư ngụ và cắm lều giữa
dân Người. Người đã đến nhà mình mà không được tiếp nhận (c.11). Uy quyền của
Đấng này rất cao vời đến nổi Gioan. người mà được dân chúng suy tôn không đáng
cởi quai dép, không xứng đáng làm nô lệ cho Người. Mặc dù chưa thấy Đức Giêsu,
nhưng Gioan đã mạnh dạn làm chứng bằng chính lời nói, hành động và nhất là bằng
cái chết của mình. Ông đã làm tròn vai trò ngôn sứ của Đấng Cứu Thế. Còn chúng
ta thì sao? Từ khi lãnh nhận Bí Tích rửa tội, chúng ta có thi hành chức vụ ngôn
sứ của mình chưa? Chúng ta có dám làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa ở
giữa nhân loại trong thế giới hỗn độn, thế giới vật chất đầy hưởng thụ này
không?. Hay chúng ta e ngại vì sợ bị chê là” đạo của các bà già” mà chỉ tin vào
những tiện nghi vật chất và những lợi nhuận có trưóc mắt? Hay chúng ta sợ bị
thua thiệt cả về vật chất, tinh thần, ngay cả mạng sống… khi làm chứng cho một
nền công lý, bình an và hy vọng.
Lạy Chúa, xin hãy ban thêm Thánh
Thần Chúa để chúng con đủ sức và can đảm làm chứng cho Chúa trong lòng thế giới
hôm nay.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 12
2 THÁNG GIÊNG
Một Mầu Nhiệm Giấu Ẩn Trong
Hai Tâm Hồn
Giáo
Hội cảm nghiệm niềm vui giáng sinh của Chúa trong mầu nhiệm gia đình – mầu
nhiệm Gia Đình Thánh. Đây là một chân lý đầy chất nhân bản. Với sự chào đời của
đứa con, cuộc hôn nhân giữa hai người nam nữ – giữa vợ và chồng – càng trở nên
trọn vẹn hơn trong tư cách là một gia đình.
Đồng
thời, cuộc sinh hạ của Đức Giêsu là một mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa vén mở
ra trước mắt người trần, một mầu nhiệm giấu ẩn trong đức tin và trong cõi lòng
của Maria và Giu-se ở Na-da-rét. Trước bất cứ ai, hai người là những chứng nhân
duy nhất của biến cố Hài Nhi chào đời tại Bê-lem – biến cố chào đời của Con
Đấng Tối Cao!
Nơi
Maria và Giu-se, Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm gia đình. Thiên Chúa xây dựng gia
đình này với Maria và Giu-se – và với cuộc chào đời của Giê-su.
Và
chúng ta, khi biết nhìn bằng con mắt đức tin, sẽ nhận ra rằng qua Gia Đình
Thánh này, Thiên Chúa cho thấy Ngài gần gũi chúng ta biết bao. Gia Đình Thánh
ấy cũng nêu bật địa vị của mọi gia đình trong ánh nhìn của Tạo Hóa. Thật vậy,
Đức Kitô đã trao tặng chúng ta Bí Tích Hôn Nhân như một dấu chỉ của địa vị cao
cả ấy. Tông Đồ Phao-lô đã có thể gọi bí tích này là “một mầu nhiệm lớn lao” của
mối quan hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (Ep 5, 32).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Basiliô Cả và Thánh Grêgôriô Naziazênô,giám
mục tiến sĩ Hội Thánh
1Ga 2, 22-28; Ga 1,19-28.
LỜI
SUY NIỆM: “Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Do-thái từ
Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: Ông là ai? Ông tuyên
bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: Tôi không phải là Đấng Ki-tô”.
(Ga 1,19-20).
Ông Gioan Tẩy Giả chỉ là vị tiền hô, đến để dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Mặc
dù bên ngoài của ông, làm cho nhiều người lầm tưởng ông là Đấng Ki-tô, hay là
những ngôn sứ lớn. Nhưng ông đã khước từ những danh xưng đó. Ông tuyên bố thẳng
thắn là: ông không phải là Đấng Ki-tô. Ông chỉ lả tiếng người hô trong hoang
địa. Trong đời sống của chúng ta, chúng ta cũng cần có thái độ như Gioan Tẩy
Giả, dù những công việc chúng ta đang làm, lời ta đang nói có được xem là tốt
lành, chúng ta cũng phải nhận ra đó là ân ban của Chúa, tất cả những gì chúng
ta đang có đều là của Ngài. Chúng ta luôn phải sống tốt và tốt hơn để Chúa đến
trên chúng ta. Chúng ta chỉ là tiếng hô cho mọi người chung quanh biết để họ
nhận ra có Chúa mà đến với Ngài.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 02-01:
THÁNH BASILIÔ CẢ
Giám mục, Tiến Sĩ (329-397)
Thánh
Basiliô, con người kỳ diệu mà mọi thời gọi là thánh Cả, chào đời vào khoảng
cuối năm 329 tại Cêsarêa, thủ đô miền Cappadocia. Ngài thật có phúc vì được
sinh ra trong một gia đình thánh thiện. Cha Ngài là thánh Basilio, mẹ Ngài là
thánh nữ Emelia. Nhưng sinh ra Ngài, cha mẹ Ngài đã chịu bao nỗi lo âu. Một cơn
bệnh nặng tưởng như đã cất mất mạng sống của Ngài. Việc Ngài bình phục được coi
như là kết quả của lời cầu nguyện mà thôi.
Từ
thuở thơ ấu thánh nhân đã đến sống với người bà là thánh nữ Macrina. Tại đây,
Ngài đã hấp thụ được những nguyên tắc sống đạo đức đầu tiên. Ngài nói: tôi
không hề quên được những lời dạy dỗ và gương lành mà người bà thánh thiện đã
ghi vào trong tâm hồn bé thơ của tôi.
Ngay
khi tới buổi đi học, cha Ngài, một con người vừa đạo đức vừa hoạt bát, đã tự
đảm nhiệm việc dạy dỗ Ngài những yếu tố đầu tiên về văn chương. Sau khi cha qua
đời, Ngài được gửi đi Cêsarea rồi Constantinople để học khoa hùng biện. Sau
cùng, Ngài đi Athena, kinh thành ánh sáng của thế giới nói tiếng Hy Lạp thời
đó. Tại đây, Ngài có dịp làm quen với Thánh Gregoriô thành Nazianze. Hai người
kết thân với nhau và tình bạn đầy thánh thiện của họ không hề bị một áng mây mù
nào che phủ. Trong thành phố xa hoa ấy, họ chỉ biết có hai con đường dẫn tới
nhà thờ và tới trường học.
Sau
khi hoàn tất các môn học, Ngài dồn nỗ lực học kinh thánh và các giáo phụ. Ngài
đã kín múc được từ kho tàng phong phú này những hiểu biết và những tâm tình cao
thượng qui hướng con người lên trời.
Lúc
hai mươi bảy tuổi, Ngài trở về quê nhà và biện hộ cho một vài vụ kiện tụng. Tài
lợi khẩu và thành công tưởng đã cột chặt Ngài vào với pháp đình. Nhưng chị Ngài
là thánh nữ Macrina (trẻ) đã nói cho Ngài biết về sự giả trá của những tài năng
của cả loài người, và về những giá trị chân thực mà Ngài nhhư đã bỏ quên. Thế
là thánh nhân quyết từ giã thế gian và đeo đuổi đời sống tu trì. Ngài đã viếng
thăm các tu viện bên Đông phương để tìm kiếm gương mẫu và thầy dạy đường nhân
đức. Một năm sau Ngài trở về Cappadocia, rồi lui về miền Pont và thiết lập
nhiều tu viện. Các qui luật Ngài soạn ra cho các tu viện đã trở thành danh
tiếng và ngày nay vẫn còn được áp dụng tại các tu viện của Giáo hội công giáo theo
nghi lễ Byzantin. Chính thánh Bênêdictô cũng chịu ảnh hưởng của Ngài qua bản
dịch tiếng la Tinh của Ruffinô. Thánh Basiliô chỉ sống năm năm như tu sĩ trong
viện. Nhưng điều Ngài đã làm đã viết là phần thành công trực tiếp và lâu bền
nhất trong công trình đời Ngài.
Năm
370 khi Đức giám mục Eu-sê-bi-ô qua đời, thánh Basiliô được bầu làm giám mục
Cêsaria. Thánh nhân đã lãnh nhận giáo phận trong một hoàn cảnh đầy sóng gió và
đã tỏ ra là một chủ chăn bất khuất trong việc bảo vệ đức tin. Lúc ấy lạc giáo
Ariô đang ở vào thời cực thịnh. Hoàng đế Va-lăng (valens) đứng vào phái lạc
giáo để bách hại Giáo hội. Thánh Grêgoriô đã kể lại cuộc đời thánh Basiliô, có
lẽ đã tô điểm thêm đôi chút, nhưng đã cho thấy được cá tính của thánh nhân như
thế nào. Va-lăng phái Modestô, một tổng trấn nổi tiếng mưu mô và hung ác đến
gặp thánh nhân.
Hắn
nói: - Tại sao ông dám chống lại hoàng đế và không theo đạo của Ngài.
Thánh nhân trả lời: - Bởi vì Thiên Chúa là hoàng thượng của tôi, Ngài bảo vệ tôi.
Thánh nhân trả lời: - Bởi vì Thiên Chúa là hoàng thượng của tôi, Ngài bảo vệ tôi.
Modestô
vặn lại: - Vậy ông coi chúng tôi là thứ gì chứ ?
Thánh
nhân trịnh trọng đáp lời: - Tôi chẳng coi các ông là gì cả, bởi vì các ông đã
bắt chúng tôi phải có những điều phản nghịch lại thánh ý Thiên Chúa:
Modestô
liền dở trò đe dọa: - Ông không biết rằng tôi có thể cho ông nếm mùi sức mạnh
của chúng tôi sao ?
Nhưng
thánh nhân đã khẳng khái trả lời: - Những hậu quả do sức mạnh của các ông chỉ
có thể là tịch biên tài sản, lưu đày, tra tấn hay là sát hại mà thôi. Đối với
việc tịch biên tài sản thì người không có gì như tôi làm gì mà phải sợ. Tôi
càng không sợ phải lưu đày, bởi vì đâu có Chúa thì đấy cũng là quê hương của
tôi. Đối với những tra tấn ông muốn bắt tôi phải chịu, thì quả thật tôi đã quá
yếu đuối và không đủ sức để chịu được một cuộc tra tấn thứ hai. Về cái chết,
làm sao tôi lại phải sợ, vì nó sẽ sớm đưa tôi về với Thiên Chúa hơn".
Vị
tổng trấn ngạc nhiên: - Tôi chưa hề gặp người nào gan dạ như ông.
Và thánh Basiliô bình tĩnh trả lời: - Bởi vì ông chưa nói chuyện với một giám mục nào.
Và thánh Basiliô bình tĩnh trả lời: - Bởi vì ông chưa nói chuyện với một giám mục nào.
Sau
cuộc đàm thoai nẩy lửa này, tình hình lắng dịu một thời gian. Nhưng vì áp lực
của bè rối, hoàng đế Valăng tính bắt giám mục Basiliô đi đày. Nhưng ý định bất
thành vì ngay đêm trước con ông ngã bệnh nặng, được giám mục viếng thăm và cầu
nguyện cho lành, nó cũng đã qua đời vì sự thay lòng đổi dạ của nhà vua. Dầu
vậy, dưới áp lực mạnh mẽ của bè rối, vua cũng quyết ký án lệnh phát lưu Đức
giám mục. Lần này, ông vẫn thất bại vì ba bốn lần cầm lấy viết thì viết bị hư,
cầm đến ấn thì ấn bị bể nát.
Ngoài
sự can trường để bảo vệ đức tin chân chính, thánh Basilio còn là một mục tử
nhiệt hành và giàu lòng bác ái, Ngài đã liên tục đi thăm viếng từng miền trong
giáo phận, Ngài chuyên chăm dạy dỗ đoàn chiên và một số bài giảng của Ngài được
lưu giữ tới ngày nay là những công trình thần học rất đáng giá. Ngoài ta thánh
nhân còn thương yêu đặc biệt những người nghèo khó bệnh tật. Ngài đã thiết lập
một nhà thương, đặt tên là Basiliô (Basiliade) để săn sóc họ.
Thánh
nhân đã được sống để chứng kiến cái chết của Valăng lẫn sự tàn lụi của lạc giáo
Ariô. Nhưng chẳng bao lâu sau Ngài cũng qua đời vì kiệt sức, ngày 1 tháng giêng
năm 379.
Thánh Ba-si-lio và Gre-gô-rio nazianzeno |
Ngày 02-01:
Thánh GREGÔRIÔ
NAZIANZÊNÔ
Giám Mục Tiến Sĩ - (329 - 390)
Thánh
Grêgôriô Nazianzênô là một trong những giáo phụ danh tiếng của giáo hội Hy Lạp
và được mệnh danh là thần học vì giáo thuyết rất sâu sắc của Ngài. Ngài ra đời
khoảng năm 329, trong một gia đình danh giá và đáng mến chuộng. Cha Ngài, cũng
tên là Grêgôriô, lúc ấy còn là lương dân. Nhưng thánh nữ Monna, mẹ Ngài, nhờ
nhân đức siêu vượt, sự dịu hiền, đời sống gương mẫu với kinh nghiệm và nước mắt
đã đưa ông về với Chúa Giêsu.
Thánh
Leông (Léonce) giám mục thành Cêsarêa đã rửa tội cho ông. Vài năm sau, nhờ đời
sống đạo đức trổi vượt, ông đã xứng đáng lãnh chức giám mục, cai quản điạ phận
Nazianze.
Thánh
Grêgôriô ra đời như kết quả lời cầu nguyện của bà mẹ thánh thiện, chỉ mong có
được người con để phục vụ bàn thánh. Khi thánh nhân ra đời, bà coi Ngài như quà
tặng của trời cao. Được đào tạo trong một môi trường thánh thiện như vậy, ngay
từ nhỏ, Ngài đã biết quí trọng những nét đẹp của tội thơ vô tội.
Thánh
nhân được cử đi học hùng biện ở Cêsarêa, rồi Palestina. Sau đó Ngài đã qua
Alexandria và sau cùng tới Athena là nơi coi là nguồn gốc đích thật của khoa
hùng biện, trên đường tới Athena, con tàu thánh nhân đi đã phải một cơn bão dữ
dội, tưởng chừng như sẽ bị đắm chìm trong lòng biển. Lúc ấy thánh nhân chưa
được rửa tội và rất lo âu cho phần rỗi của mình. Ngài tha thiết cầu khẩn Thiên
Chúa thánh cho được sống thêm, để có thể làm con Chúa. Thánh nhân đã được nhậm
lời. Cơn giông bão chấm dứt và Ngài tới được Athena.
Tại
đây thánh Gregorio gặp lại một người bạn cũ của mình là thánh Basiliô. Mối giây
thân tình giữa các Ngài ngày càng trở nên bền chặt hơn. Cho đến ngày nay, người
ta vẫn còn trưng dẫn hai vị nhân này như là khuôn mẫu cho tình bạn trong trắng
và chân thành nhất. Không thể lìa xa nhau, họ còn chú tâm tránh thoát mọi cuộc
kết thân nguy hiểm và chỉ giao tiếp với những bạn bè mà lòng hiếu học luôn đi
đôi với việc thực hành các nhân đức. Không bao giờ người ta thấy họ đi vào các
cuộc giải trí có tính cách trần tục. Trong thành phố xa hoa ấy họ chỉ biết có
hai con đường dẫn tới nhà thờ và các trường học.
Hoàn
tất việc học hành, thánh Grêgôriô trở về sống với cha mình đang làm giám mục
cai quản giáo phận Nazianze và được cha ban phép Rửa tội cho. Một khi đã được
đóng ấn tín thần linh, Ngài coi mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và hiến thân
phung sự Ngài,
Ngài
nói: - "Tôi hiến trọn cho Đấng đã ban cho tôi tất cả. Từ nay chỉ có Ngài
là phần sản nghiệp của tôi".
Tình
thảo hiếu đã giữ lại bên người cha già tám mươi tuổi trong ba năm trời. Ngài
giúp đỡ cha trong mọi công việc và chăm sóc mọi việc trong nhà. Nhưng lòng yêu
thích được ẩn dật đã đưa Ngài tới gặp thánh Basiliô đang theo đuổi nếp sống tu
trì. Ngài đã sống xa thế gian một thời gian và chỉ lo tới sự hoàn thiện của
mình. Nhưng thời gian ẩn dật này mới chỉ đủ cho Ngài nếm thử được sự ngọt ngào
để mà luyến tiếc thôi, người cha già chín mươi tuổi đã gọi Ngài về giúp việc
điều khiển giao phận. Nhận thấy rằng: Giáo hội sẽ được lợi ích nhiều bởi người
con thân yêu của mình, vị thánh giám mục già cả đã truyền chức linh mục cho
Ngài ngày 6 tháng 1 năm 362. Lúc ấy thánh Gregôriô hơn ba muôi lăm tuổi và ấn
tích mới càng tăng thêm nhiệt tình của Ngài.
Thánh
Basiliô lúc ấy đã làm tổng giám mục Cêsalêa, quyết định nâng thánh Gregoriô lên
làm giám mục cai quản điạ phận Sarima. Nhưng vì những chống đối dữ dội, Ngài đã
không hề tới nhậm điạ phận được và dường như Ngài chịu chức giám mục chỉ để
giúp đỡ người cha mà tuổi tác đã không cho phép chu toàn phận sự được nữa. Sau
khi cha qua đời năm 374 thánh nhân trở lại Nazianze săn sóc cho giáo phận,
nhưng không hề muốn làm giám mục của giáo phận này.
Năm
380, tức là khoảng năm năm sau, các tín hữu ở Constantinopkle đã khẩn nài thánh
nhân tới củng cố giáo phận đã bị bè rối Ariô tàn phá của họ, với nhiệt tâm tông
đồ, thánh nhân đã nhận lời. Trước tiên thánh nhân đã không được tiếp đón nồng
hậu lắm. Trong một thành phố xa hoa giàu có vì là thủ đô mới của đế quốc này,
người ta đang ngóng đợi một nhân vật có khuôn mặt sáng sủa giữa một đám rước
linh đình. Nhưng người ta đã vô cùng kinh ngạc khi thấy Ngài chỉ là một ông lão
già yếu, ăn mặc giản dị và lời nói vắn gọn.
Những
người theo lạc giáo Ariô chế giễu phỉ báng Ngài. Dầu vậy, bằng những giáo huấn
vững chắc và hùng hồn, Ngài đã thành công trong việc đưa dân thành này từ chỗ
bỏ cái sai lầm của lạc giáo mà trở về với đức tin công giáo. Sau bốn mươi bị
năm bị tàn phá. Giáo phận không có nhà thờ, Ngài rao giảng trên đường phố hay
tại một ngôi nhà mà Ngài đăt tên là Anastasia.
Hương
thơm nhân đức và sự hiểu biết uyên thâm của Ngài đã lối kéo cảm tình người nghe
càng thêm đông. Từ trong sa mạc, thánh Hiêronymô cũng tìm đến nghe người giảng
thuyết. Tuy nhiên bề ngoài khiêm tốn bình dị và hoàn cảnh khó khăn ấy cũng là
một khó khăn khiến cho địch thủ đã nhiều lần toan tính ám hại Người.
Năm
381, công đồng chung họp tại Constantinople, thánh Grêgôriô được bầu lên làm
giám mục chính tòa của giáo phận này và giữ ghế chủ tịch công đồng. Nhưng ít
lâu sau, một số giám mục đã chất vấn tính cách hợp pháp của chức vụ Ngài. Lợi
dụng những chống đối này, thánh Grêgôriô đã xin từ chức. Sau khi đã làm vui
lòng các nghị phụ công đồng bằng quyết định của mình, thánh nhân đã đe5 đơn lên
Hoàng đế Têodô (Thésdose) Hoàng đế buộc lòng chấp thuận, cho Ngài từ nhiệm, chỉ
vì lý do sứ ckhỏe mà thôi. Trước khi dứt mình khỏi Giáo hội mà Ngài đã dày công
tạo lập với đầy tình yêu quí, Ngài đã nói với mọi tín hữu và với các nghị phụ
một diễn từ đặc sắc. Người ta gọi diễn từ ấy là: những lời giã biệt (Les
Adieux).
Lui
về Nazianze, thánh Grêgôriô dành thời gian viết sách. Năm 390 Ngài qua đời và
để lại cho Giáo hội một kho tàng quí báu gồm 45 bài suy luận thần học và điếu
văn, 245 bức thư và mấy tập thi ca. Người ta đọc cuộc đời trong những tác phẩm
có giá trị văn chương và tín lý, chính ân đức ấy và sức mạnh tinh thần của
Ngài.
Người ta còn giữ được
bản di chúc và bản văn trên bia mộ chính Ngài sáng tác. Bản mộ thi này là một
tóm lược khúc chiết trọn đời Ngài với những dòng kết thúc như sau: - "Tôi
là mục tử không có đoàn chiên, và tôi đã đau khổ không ít bởi chính các mục tử.
Tôi để Chúa Giêsu Kitô lo lắng cho tương lai đời tôi như chính Người đã lo cho
tôi trong quá khứ".
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
02 Tháng Giêng
Ðóng Thuế Cho Năm
Mới
"Ðóng Thuế Cho Năm Mới: 15 người thiệt
mạng, khoảng 1,500 người bị thương, gần 2,500 lâm cảnh màn trời chiếu
đất". Trên đây là hàng tít lớn của hầu hết các nhật báo xuất bản tại thủ
đô Manila Phi Luật Tân, trong số ra ngày mùng 02 tháng Giêng mỗi năm, tức là số
báo đầu tiên trong năm. Dường như đây là công thức quen thuộc mà bất cứ nhật
báo nào cũng đưa ra số báo đầu năm. Ðó cũng là điều mà dân chúng chờ đợi sau
một đêm đón giao thừa trong tiếng nổ liên tục của pháo và trong khói bay mịt
mù.
15 người xấu số trên đây đều là nạn nhân của
những vụ đâm chém, bắn giết vì say sưa quá chén trong đêm giao thừa. 1,500
người bị thương khác là nạn nhân của bất cẩn trong khi đốt pháo.
Chỉ riêng ở thủ đô Manila thôi, chưa tính số
tiền được đốt đi trong tiếng pháo, số thiệt hại vì hỏa hoạn và những thiệt hại
khác lên đến cả triệu Mỹ kim.
Hôm nay thì mọi người đều trở lại với sinh
hoạt bình thường của mình. Ðọc bảng tin về những gì đã xảy ra trong Ðêm Giao
Thừa và Ðầu Năm, ai cũng bàng hoàng xót xa cho những người xấu số và có lẽ ai
cũng thở ra nhẹ nhõm vì bất trắc đã không xảy đến cho mình. Người ta nghĩ rằng
may mắn vẫn còn đó. Bảng tổng kết Ðầu Năm và lời kêu gọi đề phòng cho Năm Mới
không mấy chốc cũng sẽ đi vào quên lãng. Bánh xe lịch sử cứ lăn và con người
cũng sẽ tiếp tục lập lại những lỗi lầm của quá khứ.
Người
Á Ðông chúng ta thường nói: "cha ăn mặn thì con khát nước". Kinh
Thánh Cựu Ước cũng viết: "cha ông ăn nho xanh thì con cháu phải ê
răng". Người tin ở thuyết quả báo thì cho rằng con cái phải gánh chịu
những hậu quả do lầm lỗi của ông bà để lại.
Trong
một cái nhìn khách quan và sâu xa hơn, chúng ta phải nói rằng lịch sử thường
lặp lại. Lịch sử thường lặp lại, bởi vì nó được cấu tạo bởi những biến cố do
con người chủ động. Mà bởi vì mẫu số chung của con người ở mọi thời đại vẫn là
tự do, cho nên những lầm lẫn giống nhau được lập lại là chuyện bình thường, có
khác chăng là khác ở mức độ và hình thức mà thôi. Ơ� thời đại nào mà không có
chiến tranh, ở thời đại nào mà không có cảnh người bóc lột người, ở thời đại
nào mà không có tham, sân, si?
Người Kitô chúng ta hãy nhìn vào bản thân và
lịch sử của nhân loại với một cái nhìn thực tế và lạc quan. Thực tế để thấy
rằng sống là một cuộc chiến đấu không ngừng: chiến đấu giữa thiện và ác, chiến
đấu giữa tự do và nô lệ, chiến đấu giữa ân sủng và tội lỗi. Thực tế để thấy
rằng cuộc chiến ấy đang diễn ra trong từng phút giây của cuộc sống. Nhưng chúng
ta cũng hãy có cái nhìn lạc quan, lạc quan và tin rằng, lầm lỗi thất bại là
khởi đầu của những ân ban dồi dào hơn, và trong cuộc chiến từng ngày đó: Thiên
Chúa vẫn luôn có mặt để nâng đỡ chúng ta.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 2-1
Thánh Basil Cả
Thánh Basil đang là một thầy giáo nổi tiếng thì ngài quyết định
theo đuổi đời sống tu trì nghèo hèn của Phúc Âm. Sau khi tìm hiểu các phương
thức tu trì, có thể nói ngài là người sáng lập đan viện đầu tiên ở Tiểu Á. Ngài
nổi tiếng đối với các vị ẩn tu Ðông Phương cũng như Thánh Benedict nổi tiếng ở
Tây Phương, và quy luật ngài viết đã ảnh hưởng đến đời sống đan viện Ðông
Phương mãi cho đến ngày nay.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài phụ tá cho Ðức Tổng Giám Mục của
Caesarea (bây giờ là vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ) và sau cùng chính ngài trở thành
tổng giám mục, bất kể sự chống đối của các giám mục phó, có lẽ vì ngài đã nhìn
thấy những canh tân cần thiết. Trong nhiệm vụ của một tổng giám mục, ngài siêng
năng học hỏi và làm việc liên lỉ. Ðiều này giúp ngài được gọi là "Vĩ
đại" ngay trong thời của ngài và là Tiến Sĩ Hội Thánh sau khi ngài chết.
Vào thời ấy, một trong những nguy hại nặng nề cho Giáo Hội là bè rối
Arian, mà họ khước từ thiên tính của Ðức Kitô. Hoàng đế Valens bách hại đạo
chính thống, và ép buộc Ðức Basil phải giữ im lặng và chấp nhận cho những người
bè rối được rước lễ. Ðức Basil giữ vững lập trường, và Valens phải nhượng bộ.
Nhưng khó khăn vẫn còn. Khi vị đại thánh Anthanasius từ trần, trách nhiệm che
chở bảo vệ đức tin chống với bè rối Arian đổ xuống trên Ðức Basil. Ngài cố gắng
khủng khiếp để kết hợp và phục hồi những người Công Giáo theo ngài đang bị tan
nát vì sự bạo ngược và vì chia rẽ nội bộ. Có thể nói sự chiến thắng tà thuyết
Arian trong Công Ðồng Nicene và việc lên án tà thuyết này trong Công Ðồng
Constantinople năm 381-382, phần lớn là do công lao của ngài.
Ngài làm việc không biết mệt trong công việc mục vu, chống với nạn
buôn thần bán thánh, giúp đỡ nạn nhân của hạn hán và đói kém, cố gắng thay đổi
hàng giáo sĩ, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật, ngài không sợ lên án những điều
xấu xa một khi được nhận thấy, và ra vạ tuyệt thông những ai dính líu đến nạn
mãi dâm ở Cappadocia.
Ðức Basil nổi tiếng là một nhà diễn thuyết. Các văn bản của ngài,
dù thời ấy không nổi tiếng, đã đưa ngài lên hàng các bậc thầy của Giáo Hội. Bảy
mươi hai năm sau khi ngài từ trần, Công Ðồng Chalcedon đã đề cập đến ngài là
"Ðức Basil vĩ đại, người thừa tác ơn sủng đã dẫn giải chân lý cho toàn
thể trái đất."
Lời Bàn
Như người Pháp thường nói, "Càng thay đổi bao nhiêu, họ
càng giữ nguyên như vậy." Thánh Basil phải đối diện với các khó khăn
giống như Kitô Hữu ngày nay. Bổn phận của một vị thánh là duy trì tinh thần Ðức
Kitô trong những vấn đề thật đau khổ và phức tạp, như cải cách, tổ chức, chiến
đấu cho người nghèo, duy trì sự quân bình và bình an khi bị hiểu lầm.
Lời Trích
Thánh Basil nói: "Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm
của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giầy
dép bạn không dùng là giầy dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là
tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất
công mà bạn đã phạm."
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét