Chúa Nhật 27/01/2013
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN Năm
C
BÀI ĐỌC I: Nkm 8, 2-4a. 5-6. 8-10
"Họ đọc trong
sách Luật và người ta hiểu được điều đã đọc".
Trích
sách Nơ-khe-mia.
Ngày
ấy, thầy tư tế Esdras mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất
cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa
trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn
bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật.
Thầy thư ký Esdras đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước
công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả
đều đứng lên. Esdras chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên
đáp lại: Amen, amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát
đất. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và
người ta hiểu được điều đã đọc. Nơ-khê-mia là tổng trấn, Esdras là tư tế và là
thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: "Ngày hôm nay
được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta; anh chị em đừng mang tang
chế, đừng than khóc". Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời
trong luật. Họ nói với dân chúng rằng: "Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu
ngon, hãy gửi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh,
dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn luỹ của anh chị
em!" Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 18, 8. 9. 10. 15
Đáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).
1)
Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ
dốt. - Đáp.
2)
Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng
soi con mắt. - Đáp.
3)
Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật,
công minh hết thảy. - Đáp.
4)
Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên
nhan, lạy Chúa là Tảng Đá, là Đấng Cứu Chuộc con. - Đáp.
BÀI
ĐỌC II: 1 Cr 12, 12-30 (bài dài)
"Anh em là thân
xác Chúa Kitô, và là chi thể của Người".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh
em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy
nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một
Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu
Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một
Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Nếu
chân nói rằng: "Vì tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc thân
xác", có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Và nếu lỗ tai nói
rằng: "Vì tôi không phải là con mắt, nên tôi không thuộc về thân
xác", có phải vì thế mà nó không thuộc về thân xác đâu? Nếu toàn thân xác
là một, thì đâu là thính giác? Nếu toàn thân xác là tai, thì đâu là khứu giác?
Vậy, Thiên Chúa đã đặt các chi thể, và mỗi chi thể ở trong thân xác như ý Người
muốn. Nếu tất cả đều là một chi thể, thì còn đâu là thân xác? Thật vậy, có
nhiều chi thể, nhưng có một thân xác. Con mắt không thể nói với bàn tay:
"Ta không cần mi". Đầu cũng không thể nói với chân: "Ta không
cần các ngươi". Nhưng hơn thế nữa, các chi thể thân xác xem như yếu hơn,
lại cần thiết hơn. Và những chi thể ta coi là ít vinh dự nhất, lại là những chi
thể chúng ta đặt cho nhiều vinh dự hơn; và những chi thể thiếu trang nhã lại
được ta trang sức hơn, còn những chi thể trang nhã lại không cần như thế: nhưng
Thiên Chúa đã sắp đặt thân xác, cho cái thiếu vinh dự được vinh dự hơn, để
không có sự bất đồng trong thân xác, mà là để các chi thể đồng lo công ích cho
nhau. Nếu một chi thể phải đau, tất cả các chi thể khác đều phải đau lây; hoặc
một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể cùng chia vui.
Phần
anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể của Người, mỗi người có phận
sự mình. Có những người Thiên Chúa đã thiết lập trong Hội thánh, trước hết là
các tông đồ, rồi đến các tiên tri, thứ ba là các tiến sĩ. Kế đến là quyền làm
phép lạ, các ơn chữa bệnh, các việc từ thiện, quản trị, nói nhiều thứ tiếng.
Vậy tất cả mọi người là tông đồ ư? Tất cả là tiên tri ư? Tất cả là tiến sĩ ư?
Tất cả được ơn làm phép lạ ư? Tất cả được ơn chữa bệnh ư? Tất cả nói nhiều thứ
tiếng ư? Tất cả được ơn diễn giải ư? Đó là lời Chúa.
Hoặc
đọc bài vắn này: 1 Cr 12, 12-14. 27
Anh
em thân mến, như thân xác là một mà có nhiều chi thể, và tất cả chi thể tuy
nhiều, nhưng chỉ là một thân xác, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng, trong một
Thánh Thần, tất cả chúng ta chịu phép rửa để làm thành một thân xác, cho dầu
Do-thái hay Hy-lạp, tự do hay nô lệ, và tất cả chúng ta cùng uống trong một
Thánh Thần. Vì thân xác không chỉ gồm một chi thể, mà là nhiều chi thể. Phần
anh em, anh em là thân xác Chúa Kitô và là chi thể Người, mỗi người có phận sự
mình. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA:
Lc 4, 18-19
Alleluia,
alleluia! - Chúa đã sai con đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, loan
truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Lc 1, 1-4; 4, 14-21
"Hôm nay ứng
nghiệm đoạn Kinh Thánh này".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vì
có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, theo
như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng
ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi
quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo
huấn ngài đã lãnh nhận.
Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa
trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung
quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến
Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ,
Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách
tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng:
"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi,
vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó,
thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam
cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố
năm hồng ân và ngày khen thưởng".
Người gấp sách lại, trao cho thừa
tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.
Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các
ngươi vừa nghe". Đó là lời Chúa.
Ðức Giêsu rao giảng Tin Mừng
trong nguyện đường ở Nadarét
Suy Niệm:
Trọng tâm của bài Tin Mừng
chúng ta vừa nghe cũng là đề tài chính của toàn thể Lời Chúa hôm nay: chúng ta
thấy Ðức Giêsu đứng công bố Tin Mừng trong nguyện đường ở Nadarét. Như vậy, câu
chuyện Ezra đứng đọc luật pháp Môsê ở trước mặt con cái Israen như bài đọc I
hôm nay kể lại, chỉ là hình ảnh báo trước việc Chúa Kitô sẽ rao giảng Tin Mừng
cứu độ cho muôn dân. Và như thế sinh hoạt của Hội Thánh hiện nay như thư
Côrintô kể, cũng chỉ là hiệu quả của việc công bố Tin Mừng này. Chúng ta hãy
suy nghĩ về cả ba bài đọc để hiểu rõ Lời Chúa muốn nhắn nhủ chúng ta những gì
chung quanh việc công bố Tin Mừng.
1. Công Bố Tin Mừng Ðể Triệu Tập Dân Chúa
Bài sách Nêhêmya đưa chúng ta
trở về thời sau lưu đày trong lịch sử Israen, vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Ðức
Giêsu giáng sinh... Nhà cầm quyền Ba Tư bấy giờ cho phép các dân bị trị được
phục hồi các truyền thống của dân tộc mình. Con cái Israen được khuyến khích bỏ
đất Babylon để trở về quên quán. Họ dựng lại đền thờ và tái thiết Giêrusalem.
Công việc gặp nhiều khó khăn.
Trước hết phần lớn những
người Do Thái làm ăn được ở đất khách, không muốn trở về. Những người yêu nước
và tha thiết với quê cha đất tổ, muốn trở về nhưng lại ít phương tiện. Rồi về
đến nơi, họ lại gặp thái độ thù địch của dân đã đến sinh sống tại Giêrusalem
trong thời gian lưu đày. Do đó việc trùng tu thánh điện tiến hành rất chậm. May
có Ezra và Nêhêmya.
Hai người có uy tín với triều
đình Ba Tư. Ezra là tư tế. Nhưng ở đất lưu đày không có nơi phụng thờ Giavê,
ông đã chuyên khảo và suy niệm luật pháp Môsê. Ðang khi ấy Nêhêmya được giữ
chức tiến rượu trong đền Vua, nhưng lòng vẫn hướng về Giêrusalem. Khi được tin
công việc phục hưng xứ sở gặp nhiều khó khăn, ông đã xin phép hồi hương và được
nhà vua phong làm Tổng đốc Giêrusalem. Nhờ sắc phong này ông đã giúp đồng bào
xây dựng lại được tường thành để có thể sống yên ổn đối với dân đã đến lập cư
tại Giêrusalem trong thời gian lưu đày. Nhưng thành quách chỉ là giới hạn bên
ngoài. Muốn củng cố tinh thần của đồng bào ông và xây dựng lại cộng đồng con
cái Israen, cần phải có luật pháp. Và đây là phần đóng góp của Ezra.
Bài đọc I hôm nay giới thiệu
ông trong vai trò luật sĩ hơn là tư tế. Và rõ ràng con cái Israen đã cử hành
phụng vụ Lời Chúa chứ không phải là phụng vụ tế lễ.
Ðó là đặc điểm của Do Thái
giáo sau lưu đày. Toàn dân tập họp lại đủ mọi thành phần già trẻ, trai gái. Và
trăm người như một. Tất cả đều chăm chú nhìn vào thầy Ezra đang
"kiệu" sách Luật lên đứng trên một bục gỗ cao, kê quay xuống quần
chúng... chung quanh thầy có các phụ tế, tăng thêm vẻ trang trọng cho việc công
bố Lời Chúa sắp cử hành. Thầy Ezra bắt đầu bằng mấy lời chúc tụng danh Chúa.
Cộng đoàn sốt sắng đáp lại bằng những chữ "Amen, Amen", kèm theo lễ
nghi phủ phục thờ lạy. Rồi Thầy Ezra bắt đầu đọc Lời Chúa trong sách Luật. Thầy
đọc dễ dàng, trang trọng. Nhưng sách viết bằng chữ Hipri. Rất nhiều người trong
dân chúng không hiểu thứ tiếng ấy một cách dễ dàng nữa. Ít ra họ cũng thấy có
nhiều điều khó hiểu khiến Nêhêmya và các phụ tế phải giúp thầy Ezra giải nghĩa
cho dân. Càng nghe con cái Israen càng bùi ngùi xót xa. Họ thấy Chúa thương dân
đến như vậy mà cha ông họ đã không nghe tiếng Người. họ thấm thía những hình
phạt mà Người đã buộc lòng phải gửi đến. Nước mắt họ trào ra... Cả Nêhêmya và
Ezra phải vội vàng tuyên bố: Hôm nay là ngày thánh, không được khóc như vậy...
Ðúng hơn phải biến những giọt lệ xót xa vì tội lỗi nên niềm tin và ơn Chúa cứu
độ. Nên hãy ăn uống và chia phần cho mọi kẻ đang túng thiếu.
Rõ ràng buổi phụng vụ Lời
Chúa theo sách Nêhêmya chúng ta vừa đọc có những nét rất gần với nghi thức công
bố Lời Chúa trong các buổi phụng vụ của chúng ta ngày nay. Ðó là khởi nguyên để
chúng ta hoàn thành. Chúng ta nhất định phải làm tốt hơn con cái Israen ngày
xưa. Họ đã tập họp đầy đủ, các thành phần già trẻ, trai gái. Gia đình chúng ta
có thể làm được như vậy chứ! Họ đã nghiêm chỉnh, chăm chú nhìn vào người đọc và
lắng nghe Lời Chúa. Họ lại chẳng chịu để lời nào nghe mà không hiểu, nhưng đã
đòi được giải thích. Chúng ta có làm như vậy không? Nhất là họ để cho Lời Chúa,
lương tâm khiến họ có thái độ thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình. Chúng ta
cũng cần biến việc đọc và nghe Lời Chúa nên như cơ hội để thực hiện mầu nhiệm
tử nạn phục sinh hầu tìm thấy ơn cứu độ của Chúa trong việc đọc và nghe Lời
sách thánh.
Ước gì Lời Chúa từ nay trở
thành sức mạnh tập họp và thánh hóa gia đình chúng ta và giáo xứ chúng ta. Có
như vậy chúng ta mới hơn được con cái Israen ngày xưa.
Tuy nhiên chúng ta phải dành
cho việc công bố Lời Chúa trong nhà thờ một địa vị quan trọng hơn. Và cho được
như thế chúng ta hãy xem bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Ðức Giêsu rao
giảng Tin Mừng trong nguyện đường ở Nadarét.
2. Dân Chúa Hiểu Tin Mừng Theo Ðức Giêsu
Chúng ta hãy tạm không nói
đến những lời đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay. Ðó cũng là những lời mở đầu
của sách Tin Mừng theo thánh Luca. Rồi đây, chúng ta sẽ thấy rất ý nghĩa. Nhưng
chúng ta hãy nhìn thẳng vào trọng tâm của bài Tin Mừng này.
Luca tóm tắt cho chúng ta
thấy, Ðức Giêsu bấy giờ đầy Thánh Thần. Người ra khỏi sa mạc hẻo lánh sau 40
ngày đêm chay tịnh. Người trở về Galilê. Chắc chắn đi đến đâu Người cũng rao
giảng Tin Mừng và chữa nhiều bệnh tật. Thế nên tiếng tăm Người đã đồn ra khắp
nơi. Người ta đã nhiều lần hoan hô Người khi Người lên tiếng giảng dạy trong
các hội đường. Vậy, Người đến Nadarét nơi Người sinh trưởng. Và theo tục lệ,
người ta trao sách Thánh cho Người đọc... Người mở ra gặp trúng đoạn Isaia nói
về người tôi tớ. Ðọc xong, Người gấp sách lại. Và trước mắt của trăm người như
một đang hướng về Người. Người đã khởi sự giải thích Lời Chúa bằng những lời dễ
dàng sau đây: "Lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe đọc, nay đang diễn ra".
Là vì người Tôi Tớ mà Thiên
Chúa đã xức dầu Thánh Thần trong sách Isaia, không ai khác chính Người đang nói
trước cử tọa trong nguyện đường ở Nadarét. Có lẽ khi viết những lời này, tác
giả Isaia chỉ muốn chép quan niệm của các tiên tri về ơn gọi và sứ mạng của
những người được Thiên Chúa cử làm ngôn sứ cho Người. Hết mọi người được trao
phó sứ mạng rao truyền Lời Chúa đều được Người đổ Thần Linh của Người trong
nghi lễ xức dầu mà sách các Vua I còn kể lại (19,16). Và sứ điệp mà họ phải
tuyên bố chính là tin mừng cứu độ dành cho người khó nghèo, tù đày, để mọi nơi
như được hân hoan cử hành những năm hồng ân đại xá mà nhân dân hằng mong ước. Những
lời Isaia ấy hợp cho mọi ơn gọi ngôn sứ. Nhưng chắc chắn phải được dành riêng
để nói về Người Tôi Tớ Ðức Giavê, một nhân vật mầu nhiệm trong sách Isaia mà
chắc chắn chính là hình ảnh về Ðức Giêsu Kitô cứu thế.
Quả thật, ai đã được xức dầu
Thánh Thần rõ ràng và dồi dào phong phú như chính Người sau khi chịu phép rửa ở
sông Hòa Giang? Và vị tiên tri nào đã giảng dạy mà gây được niềm vui cứu độ như
Người đã làm khi bỏ sa mạc trở về Galiêa? Nhiều bệnh nhân đã khỏi. Có những kẻ
mù được trông thấy. Con người khó nghèo, tù đàuytrong cảnh lầm than không đang
được giải thoát đó sao? Và khắp nơi đang nổi lên bầu khí hân hoan của những năm
hồng ân đại xá. Ðức Giêsu thật có lý để tuyên bố: những lời tiên tri đang được
thực hiện... và được thực hiện nhờ Người, do Người. Và người ta phải công nhận
như vậy.
Có điều người ta chưa nhận ra
đủ là Ðức Giêsu còn muốn đồng hóa mình với Người Tôi Tớ của Thiên Chúa mà Isaia
muốn nói đến trong đoạn tiên tri này. Người không phải chỉ là tiên tri nhưng
còn hơn tiên tri. Người đến không phải để chỉ công bố năm hồng ân, nhưng còn để
thực hiện ơn cứu độ. Bà con thân thuộc của Người ở Nadarét chưa nhận ra điều ấy
và sẽ không chấp nhận như chúng ta sẽ thấy trong ngày Chúa nhật sau. Họ không
bằng lòng khi vừa nghe Người khẳng định Người là Ðấng Thiên Chúa sai đến vì
trong thâm tâm, họ chỉ chờ được hưởng thụ những phép lạ mà Isaia đã loan báo và
nghe rằng Người đã làm ở những nơi khác.
Luca viết đoạn Tin Mừng này
không nhằm vào chúng ta đó sao? Lòng tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô dường
như chưa thật vững chắc vì âm thầm có lẽ chúng ta cũng đang tiếc xót việc người
không làm nhiều phép lạ ở giữa chúng ta. Người đã làm ở đất thánh ngày xưa, cho
những người thời bấy giờ. Còn ngày nay đối với chúng ta, dường như Người không
làm gì cả nhưng chỉ đòi chúng ta tuyên xưng Người là Ðấng Thiên Chúa xức dầu và
sai đến...
Chính vì vậy Luca đã viết
đoạn Tin Mừng này. Người viết cả quyển Tin Mừng thứ ba để, như trong lời mở
đầu, chúng ta được am tường rằng giáo huấn chúng ta thụ lĩnh thực là đích xác. Và
cho được như vậy Luca đã phải truy tầm gốc ngọn về mọi sự một cách tường tận
rồi theo thứ tự đầu đuôi mà viết lại theo như các kẻ từ đầu đã được chứng kiến
và phục vụ Lời Chúa đã truyền lại. Luca đã muốn cho tác phẩm của Người có giá
trị đích xác để giúp chúng ta tin.
Nhưng thiết tưởng Người cũng
đã làm gương để những ai muốn tin Chúa Giêsu Kitô cũng phải đào sâu giáo lý đã
thụ lãnh. Không có sự truy tầm và suy niệm này, đức tin sẽ không chắc chắn và
đích xác. Chúa Giêsu Kitô sẽ không rõ rệt ở trước mắt chúng ta. Người sẽ trở
thành một nhân vật thuộc quá khứ hơn là hiện tại. Chúng ta sẽ thấy Người sống
với dân Do Thái hơn là sống với chúng ta. Là vì chúng ta không thấy lời tiên
tri đang thực hiện ở giữa chúng ta. Chúng ta đọc Kinh Thánh như những sự việc đã
xảy ra mà đồng thời không thấy chúng diễn tả mầu nhiệm Ðức Kitô đang muốn ban
ơn cứu độ cho mọi người. Nghĩa là không những chúng ta phải biết cử hành phụng
vụ Lời Chúa như bài đọc I hôm nay đã cho chúng ta thấy. Nhưng chúng ta còn phải
biết cử hành mầu nhiệm Ðức Kitô để Lời Chúa trở nên bánh nuôi tinh thần nữa. Và
chúng ta chỉ làm được công việc này nhờ Hội Thánh và trong Hội Thánh vì chỉ ở
đây mới có phụng vụ Lời Chúa. Nhưng phải làm thế nào để có thể ở trong Hội
Thánh?
3. Chúa Giêsu Kết Hợp Chúng Ta Trong Hội Thánh
Bài thư Phaolô hôm nay viết
về Hội Thánh một cách đơn sơ nhưng không kém phần sâu xa, và nhất là có giá trị
rất thực tiễn. Tất cả chúng ta ở trong Chúa Giêsu như các chi thể khác nhau ở
trong cùng một thân thể. Thế thì cũng như các chi thể của một thân thể không
phủ nhận và từ chối nhau, thì chúng ta cũng phải chấp nhận và mật thiết kết hợp
với nhau ở trong Chúa Giêsu. Các phận vụ ở trong Hội Thánh rất khác nhau, vì
Người được ơn gọi làm tông đồ, kẻ được Chúa gọi làm tiên tri... nhưng đó là để
ai theo phận nấy mà làm bộ phận cho thân thể. Không do một thân thể con người?
Chẳng bao giờ mắt muốn mọi bộ phận khác trong con người phải như mình... vì như
vậy chỉ có ngàn mắt mà không có thân thể.
Cũng thế muốn có thân thể mầu
nhiệm của Ðức Kitô, mỗi người phải chấp nhận cho người khác đóng vai trò của họ
và hơn nữa phải biết đau với bộ phận đau, vinh dự với bộ phận cinh dự. Nói cách
khác, theo kiểu so sánh này, muốn thấy Chúa Giêsu Kitô còn tiếp tục hoạt động
trong Hội Thánh để chúng ta được kết hợp với Người, ai ai cũng phải tôn trọng
người khác và liên kết cộng tá với họ như các bộ phận trong một thân thể.
Hơn nữa, như lời Phaolô ám
chỉ trong bài thư hôm nay mọi người phải chiếu cố hơn đến những bộ phận được
coi như yếu hơn và không trang nhã mấy.
Ðó chẳng phải là thái độ và
sứ mệnh của chính Ðức Kitô sao? Người được sai đến như người tôi tớ được xức
dầu Thánh Thần để đem Tin Mừng đến cho người nghèo khó, kẻ tù đày... Bài Tin
Mừng Luca đã cho chúng ta thấy rõ Người đến thực hiện mọi lời Tiên Tri. Người
thật là vị được tuyển chọn để công bố lời cứu độ mà Ezra xưa chỉ là hình bóng
xa xôi. Người còn tiếp tục sứ mạng ấy trong Hội Thánh là thân thể có đầy đủ mọi
bộ phận khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Chính khi kết hiệp với nhau mà các
phần tử trong Hội Thánh thấy mình đang được thần trí của Chúa Giêsu Kitô làm
cho sống động và mới thấy Người dang sống động trong Hội Thánh.
Thế nên chúng ta họp nhau lại
để nghe Lời Chúa như con cái Israen xưa, thì chưa đủ. Chúng ta cùng nhau tham
dự vào Mình Máu Chúa Giêsu để kết hợp với Người, như Người đã ở giữa cử tọa hội
đường Nadarét xưa cũng chưa đủ. Nhận lãnh thần trí của Người rồi, chúng ta còn
phải tôn trọng và muốn hợp tác với anh em, trong các công việc chung nữa, thì
mới hiện đại hóa mầu nhiệm Chúa Giêsu đang cứu độ và cứu thế.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật
III Thường Niên, Năm C
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Sách
Thánh giúp con người giải quyết mọi vấn nạn của cuộc đời.
Thiên Chúa không để con người lầm
lẫn trong tối tăm của thế giới, Ngài ban cho con người một tấm gương soi là
Kinh Thánh, Lời của Người. Con người có thể nhìn vào đó để nhận ra lỗi lầm quá
khứ, để phiên dịch những gì đang xảy ra trong hiện tại, và để biết chuẩn bị cho
tương lai đang tới. Điều cần là con người phải bỏ thời giờ để học hỏi và hiểu
biết Kinh Thánh; nếu không, con người sẽ lầm lẫn trong bóng tối của cuộc đời,
và không biết cách giải quyết những vấn nạn của cuộc sống.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật những ví
dụ cụ thể của việc áp dụng Kinh Thánh trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, nhiều
người Do-thái không hiểu lý do Thiên Chúa để Đền Thờ bị phá hủy, quốc gia bị
xâm lăng, và dân chúng phải chịu lưu đày cực khổ khắp nơi. Trong ngày khánh
thành Đền Thờ mới, tư tế Ezra cho đọc Sách Luật và các thầy Lêvi thay phiên
nhau cắt nghĩa cho dân chúng. Họ hiểu ra lý do của những tai ương là tội của
toàn dân đã khinh thường Lời Chúa và đã không thi hành Lề Luật. Họ khóc vì đã
xúc phạm đến Thiên Chúa hằng yêu thương và săn sóc họ.
Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô đưa
ra một ví dụ về thân thể mà con người có thể áp dụng trong cuộc sống để bảo trì
sự hiệp nhất, thực thi đức bác ái, và cùng nhau xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô
đến mức thập toàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng lời ngôn sứ Isaiah để nói cho
khán giả biết Ngài chính là sự ứng nghiệm của những lời ấy.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Toàn dân đều khóc khi nghe lời sách
Luật.
1.1/
Sách Thánh giúp dân chúng hiểu biết những gì đang xảy ra trong cuộc đời: Hoàn cảnh lịch sử của
trình thuật hôm nay là ngày khánh thành Đền Thờ thứ hai. Sở dĩ có ngày khánh
thành Đền Thờ thứ hai là Thiên Chúa đã đổi lòng vua Ba-tư là Cyrus và Darius,
để hai vua này ban chiếu chỉ phóng thích cho dân Israel được hồi hương và giúp
đỡ tài chánh để xây dựng lại Đền Thờ. Tư tế Ezra "đem sách Luật ra trước
mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông
đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn
bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn
dân lắng tai nghe sách Luật."
Sự kiện đọc Sách Luật và giải thích
cho dân chúng nghe hôm nay là một hiện tượng mới. Trước năm 538 BC, người
Do-thái chỉ biết nghe theo lời những người lãnh đạo và các ngôn sứ của Thiên
Chúa gởi tới, cầu nguyện và dâng lễ vật đền tội trong Đền Thờ. Sau biến cố này,
người Do-thái thiết lập các hội đường để thường xuyên cầu nguyện và học hỏi
Kinh Thánh trong ngày Sabbath. Việc nghe Kinh Thánh giúp dân chúng nhận ra tội
lỗi của họ đã xúc phạm đến tình thương của Thiên Chúa; đó là lý do dân chúng
khóc vì nhận ra họ đã không trung thành với Thiên Chúa.
1.2/
Khinh thường Kinh Thánh là nguyên do của mọi đau khổ trong cuộc đời: Trong trình thuật hôm
nay, dân chúng phải nghe giảng giải Kinh Thánh từ sáng sớm tới trưa, chứ không
phải chỉ 15 phút trong thánh lễ mỗi tuần như nhiều người quan niệm. "Ông
Ezra và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ
thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc."
Điều mọi người đều nhận ra là Kinh
Thánh không dễ hiểu, và có rất nhiều những giải thích sai lạc. Để hiểu, con
người cần có thời giờ chuẩn bị tâm hồn cho tâm hồn lắng đọng và xin Thánh Thần
soi sáng trước khi nghe Lời Chúa. Ngoài ra, dân chúng cần có những người chuyên
môn am tường Kinh Thánh như các thầy Levi, để cắt nghĩa cho dân chúng về ý
nghĩa và cách áp dụng Kinh Thánh trong cuộc sống.
Kinh Thánh không phải là thứ sách
đọc qua rồi bỏ; nhưng là tấm gương soi để con người thường xuyên dựa vào đó để
xét mình xem coi mình đã thực hành Lời Chúa được đến đâu. Kinh Thánh giúp con
người nhận ra những lỗi lầm họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến tha nhân.
Kinh Thánh là nguồn khôn ngoan giúp
con người dựa vào đó để tìm ra những giải pháp cụ thể cho mọi vấn nạn của cuộc
đời. Thực hành những điều Thiên Chúa dạy dỗ sẽ giúp con người tránh được tội
lỗi và những đau khổ sẽ xảy đến trong tương lai. Ngoài ra, Kinh Thánh giúp con
người nhận ra tình thương Thiên Chúa và trung thành với Ngài trong suốt cuộc
đời.
2/
Bài đọc II: Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý
Người muốn.
Trình thuật hôm nay muốn nhấn mạnh
đến mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và với tha nhân nằm trong kế
hoạch quan phòng của Thiên Chúa. Hiểu biết nền thần học thân thể của Phaolô sẽ
giúp chúng ta loại bỏ những chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, kỳ thị, và hưởng thụ;
đồng thời sẽ giúp chúng ta biết xây dựng gia đình, cộng đoàn, xã hội và Giáo
Hội được bình an, tăng trưởng, và hạnh phúc.
2.1/
Phận vụ của các chi thể trong một thân thể: Thánh Phaolô liệt kê những kiến thức căn bản
về thân thể:
-
thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều chi thể, mà các chi thể của
thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể;
-
các chi thể đều thuộc về thân thể cho dù chúng muốn hay không. Ví dụ, giả như
chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân
thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có
nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể," thì
cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể;
-
mỗi chi thể đều cần thiết cho thân thể hoạt động theo ý định của Thiên Chúa:
"Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ
là tai, thì lấy gì mà ngửi? Giả như tất cả chỉ là một chi thể, thì làm sao mà
thành thân thể được?"
-
những chi thể xem ra yếu đuối nhất lại được coi là cần thiết nhất; và những chi
thể coi là tầm thường nhất, lại được tôn trọng hơn cả;
-
tất cả các chi thể đều góp phần trong việc xây dựng thân thể: nếu một chi thể
đau, thì toàn thân đều đau.
2.2/ Mỗi người tín hữu là chi thể của một Nhiệm
Thể là Hội Thánh và Đức Kitô là Đầu: Thánh Phaolô áp dụng sự phân tích về thân thể
vào Nhiệm Thể của Đức Kitô. Ngài dùng câu so sánh: "Đức Kitô cũng
vậy."
-
tất cả chúng ta, dầu Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu
phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã
được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
-
mỗi người được Thánh Thần ban cho mỗi đặc sủng khác nhau: người được ơn làm
phép lạ, người được đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị,
để nói các thứ tiếng lạ.
-
đặc sủng khác nhau đưa đến những ơn gọi khác nhau: Trong Hội Thánh, Thiên Chúa
đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là
các thầy dạy...
-
đừng bắt người khác giống mình, vì điều đó đi ngược lại với ý định của Thiên
Chúa và không mang lại kết quả tốt đẹp: "Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ?
Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn
làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng
lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?"
3/ Phúc Âm: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh
Thánh quý vị vừa nghe."
3.1/ Mục đích của thánh sử Lucas khi viết Tin
Mừng: Tin
Mừng được viết cho một khán giả đặc biệt và mục đích được Lucas tuyên bố rõ
ràng: "Thưa ngài Theophile đáng kính ... mong ngài sẽ nhận thức được rằng
giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc."
Theo truyền thống Do-thái, lời chứng
của hai, ba, hay nhiều người, là lời chứng vững chắc. Lucas nhắc nhở lời chứng
của thế hệ thứ hai, những người đã nghe thế hệ thứ nhất thuật lại: "Có
nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện
giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ
đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta." Và Lucas thêm vào lời
chứng của mình: "Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi
sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài." Điều cần
lưu ý ở đây về cách cấu trúc văn chương của đoạn văn: cả đoạn đều là một câu;
việc chia thành 4 câu là công việc của các học giả Kinh Thánh sau này.
3.2/ Chúa Giêsu đọc và giải thích Kinh Thánh.
(1)
Chúa Giêsu nhận ra tầm quan trọng của việc đọc và dạy dỗ Kinh Thánh: Trình thuật kể:
"được Thánh Thần thúc đẩy Ngài đi khắp miền Galilee để giảng dạy dân chúng
trong các hội đường." Như đã nói trên, kể từ thời Ezra trở đi, người
Do-thái có thói quen thành lập các hội đường tại địa phương để cầu nguyện và
học hỏi Kinh Thánh mỗi ngày Sabbath. Trong trình thuật hôm nay, "Đức Giêsu
trở về Nazareth, nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen
làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách Thánh."
(2)
Ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra,
gặp đoạn chép rằng: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn
phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công
bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả
lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa." Đây là
lời của ngôn sứ Isaiah, 61:1-2a, về sứ vụ của ông nhận được từ Thiên Chúa, để
loan tin cho dân Do-thái nơi lưu đày biết họ sắp được phóng thích để hồi hương.
Chúa Giêsu bắt đầu nói với họ:
"Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Đoạn văn của
Isaiah không chỉ đúng cho Isaiah và người đương thời của ông, mà còn đúng cho
Chúa Giêsu và khán giả thời của Ngài. Thánh Thần cũng xức dầu cho Đức Kitô
trong biến cố Ngài chịu phép rửa tại sông Jordan. Ngài cũng được sai đi để rao
giảng Tin Mừng Cứu Độ, không chỉ cho dân Do-thái, mà còn cho tất cả mọi người.
Ngài giải thoát con người không phải khỏi ách nô lệ của ngoại bang, nhưng là
ách nô lệ của tội lỗi và các quyền lực của ma quỉ.
Lời Kinh Thánh vẫn tiếp tục ứng
nghiệm mỗi ngày trong cuộc đời cho đến tận thế. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng
ta cũng nhận lãnh sứ vụ rao truyền Tin Mừng để giải thoát con người khỏi ảnh
hưởng của những gian trá và tội lỗi. Khi chúng ta thực hành những gì Kinh Thánh
dạy, chúng ta tìm thấy niềm vui và được hưởng những hiệu quả tốt đẹp. Ngược
lại, khi chúng ta không làm những gì Kinh Thánh dạy, chúng ta không có sự bình
an và phải lãnh nhận mọi đau khổ do tội lỗi mang lại.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Lời Chúa là ánh sáng soi đường, là tấm gương soi chiếu cuộc đời, là nguồn khôn
ngoan giúp chúng ta nhận ra sự thật và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống.
-
Chúng ta cần biết tận dụng thời giờ để học hỏi và cố gắng thực thi Lời Chúa để
tránh được những đau khổ không cần thiết trong cuộc đời. Nếu không chịu học
hỏi, chúng ta sẽ lầm lũi trong đêm tối và phải lãnh nhận mọi hậu quả không tốt
đẹp.
-
Lời Chúa giúp chúng ta không những nhận ra những gian trá của ba thù, mà còn
giúp chúng ta biết cách thức xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, mang bình an và
hạnh phúc đến cho cá nhân và cộng đoàn.
-
Lời Chúa vẫn tiếp tục ứng nghiệm hằng ngày trong cuộc đời mỗi người, gia đình,
và nhân loại.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên OP
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng
Giêng
27 THÁNG GIÊNG
Bảo Vệ Quyền Lợi Người
Lao Động
Trong Thời Đại Tự Động
Hóa
Hiểu được giá trị trỗi
vượt của con người trong môi trường lao động, chúng ta thấy rõ rằng con người
không thể bị hy sinh để phục vụ cho hiệu năng của tự động hóa. Vâng, các môi
trường lao động hiện đại phải hết sức lưu tâm để bảo vệ quyền làm việc của con
người – bằng cách chỉ triển khai loại thay đổi này (tức tự động hóa) sau khi đã
vạch kế hoạch kỹ lưỡng. Với thiện chí và với sự tiên lượng tốt, chúng ta có thể
giúp cho nhiều người trong số những kẻ mất việc làm do sự thay đổi công nghệ
được đào tạo lại và được tái thu dụng vào lực lượng lao động.
Trong tình hình như vậy, ý
nghĩa đích thực của nhân vị và của phẩm giá con người phải là mối ưu tiên hàng
đầu trong bất cứ trường hợp nào liên can đến sự thu dụng hay chuyển đổi chỗ làm
của người lao động. Những người chủ việc phải cố gắng đứng ở vị trí bảo vệ
quyền làm việc thích đáng cho mọi công nhân của mình. Tôi đặc biệt đề xuất điều
này với các tổ chức công đoàn – là những tổ chức có bổn phận bênh vực quyền lợi
của người công nhân. Các công đoàn không thể giới hạn tầm nhìn của mình nơi chỉ
một loại công nhân nào đó, nhưng cần phải quan tâm đến phẩm giá của mọi người
trong môi trường lao động.
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 27-01
Chúa Nhật III Thường
Niên; Nkm 8, 2-4a.5-6.8-10; 1Cr
12, 12-30; Lc 1, 1-4; 4, 14-21.
LỜI SUY NIỆM: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc
4,21).
Tin Mừng không phải là
ngày hôm qua cũng như không phải của ngày mai, nhưng là chính hôm nay. Thiên
Chúa là Đấng Hiện Hữu. Chính Thiên Chúa ban một Đấng đang hiện diện với chúng
ta ngay lúc này là: Đức Giêsu Ki-tô và Ngài đang nói với chúng ta:
Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong
tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bốcho
kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt trả lại tự
do cho người bị áp bức công bố một năm hồng ân của Chúa
Chúa Giêsu đang hiện
diện với chúng ta, Ngài đang ban phát tình thương và sự bình an trên chúng ta,
đồng thời Ngài cũng đang mời gọi mọi người chúng ta cọng tác với Ngài trong
việc dành mọi ưu tiên cho người nghèo, phải cùng nhau tôn trọng và bảo vệ tự do
của con người, để giải thoát khỏi mọi tội lỗi đã áp bức của thân xác, trí tuệ
và tâm hồn. Cùng nhau tạ ơn Chúa vì mọi ơn lành Ngài ban.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 27-01:
Thánh ANGÊLA MÊRICI
Đồng trinh (1474-1540)
Angêla Mêrici sinh ngày
21-3-1474 ở Dessenzanô bên hồ Garda. Khi lên mười, Ngài đã bị mồ côi cha mẹ.
Những tín hữu đạo đức ước ao cho con cái mình tìm được hạnh phúc trong vinh
quang Chúa và đưa cuộc đời các thánh ra làm gương mẫu. Cậu của Ngài lãnh trách
nhiệm giáo dục Ngài, cũng theo một tinh thần trên. Khi các ông cậu qua đời,
Ngài lại về sống với anh em. Angêla là một cô gái đạo đức và để bảo đảm sự
thánh thiện của mình, Ngài đã gia nhập hội dòng ba thánh Phanxicô, hiến mình
làm việc bác ái, nhất là việc giáo dục trẻ em.
Một ngày kia Angêla
được thị kiến thấy một chiếc thang nối liền đất với trời. Một đoàn trinh nữ leo
lên từng bậc thang ấy và một người trong số đó nó với Ngài: - Chị sẽ làm mẹ đám
người ấy.
Theo lòng đạo đức thời
đó, người thiếu nữ đã đi hành hương nhiều nơi. Rồi với một nhóm người hành
hương, Ngài muốn đi hành hương Giêrusalem. Nhưng Ngài bị một cơn mù lòa nhiệm
lạ tại Candie và chỉ hết bệnh khi Ngài trở lại đây. Ngài đã giải thích sự kiện
nầy như biểu tượng sự từ bỏ, làm nền tảng cho mọi dự định của mình. Angêla đến
yết kiến Đức Thánh cha và lo thực hiện công trình giữa những sự đau khổ của
chiến tranh. Ngài tận tụy nhiều cho người nghèo và dân lao động. Những kỷ niệm
cuộc thị kiến ám ảnh lòng Ngài mãi. Ngài đã tới Brescia là nơi có một ngôi nhà
dành cho Ngài xử dụng.
Một số thiếu nữ đến qui
tụ bên Ngài. Đây là hạt nhân của một hội dòng mà Ngài sẽ thành lập với một hình
thức tu trì mới mẻ đối với thời đại, một cuộc sống nối kết sự chiêm niệm với
việc dạy dỗ trẻ em. Angêla đặt hội dòng dưới sự bảo trợ của thánh nữ Ursula, vị
nữ đồng trinh thành Côlôgna, đã được tôn vinh như là một nữ anh hùng chiến
thắng man rợ về văn hóa.
Phương pháp của thánh
Angêla thật khác với ý niệm tân tiến về một trường dòng Ngài thích sai các nữ
tu đến dạy các thiếu nữ tại ngay gia đình họ. Ngài thường nói: - Xáo trộn trong
xã hội là kết quả sự xáo trộn ngay tự trong gia đình.
Không được học hành
nhiều. Thánh Angêla có những trực giác lạ lùng. Ngài nghĩ rằng: người ta chỉ có
thể canh tân phong hóa tự gia đình, và gia đình được canh tân là do việc giáo
dục phụ nữ.
Thánh Angêla Mêrici
được biết tới như vị sáng lập dòng của các nữ tu Ursula. Thực sự Ngài là vị
sáng lập, dầu không đúng với các ý hướng của Ngài. Bởi vì Ngài xem ra có hơi
cấp tiến đối với thời đại của mình. Dự định của Ngài về các nữ tu là không có y
phục riêng, không có lời khấn trọng, không có lũy rào để dễ đến với tuổi trẻ
hứa hẹn của tương lai, và để có thể phục vụ tha nhân hữu hiệu hơn. Nhưng dự
định này đi ngược với những ý niệm thịnh hành thời Ngài và dưới ảnh hửơng của
thánh Carôlô Berrômêô và của qui luật của đức Thánh cha (Thánh Piô V) là buộc
các nữ tu Ursula phải nhận những bảo đảm theo giáo luật đòi buộc mọi nữ tu.
Những năm cuối đời,
thánh Angêla Mêrici thường hay xuất thần. Ngài qua đời ở Brescia ngày 27 tháng giêng
năm 1540.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
27 Tháng Giêng
Ống Ðiện Thoại Sống
Xã hội càng văn minh,
kỹ thuật càng tân tiến, thì người già càng bị ngược đãi. Tại Roma chẳng hạn,
với khoảng 3 triệu dân cư, người ta ước tính có đến trên sáu trăm ngàn người
già. Chỉ có một số nhỏ được săn sóc đàng hoàng, đa phần phải trải qua một trong
những thử thách lớn nhất của tuổi già là cô đơn và nhiều sự ngược đãi khác.
Từ bao lâu nay, các tu
sĩ thuộc cộng đồng Thánh Egidio đã dấn thân một cách đặc biệt trong việc bảo vệ
quyền lợi của người già. Nay, cộng đồng còn đưa ra một sáng kiến mới gọi là
"Cú điện thoại chống lại bạo động và bênh vực quyền lợi của người
già". Với sáng kiến này, cộng đồng đã thiết lập một đường dây điện thoại
đặc biệt nhằm giúp cho những người già đang sống một mình hoặc bà con thân
thuộc của họ có thể liên lạc để xin trợ giúp tron bất cứ nhu cầu nào. Túc trực
điện thoại trên đường dây này là 60 nhân viên, tất cả đều đã từng có kinh
nghiệm trong nhiều ngành khác nhau như luật pháp, cán sự xã hội, y tá, nói
chung trong mọi lĩnh vực có liên quan đến các vấn đề của người già.
Qua sáng kiến trợ giúp
trên đây, nhiều người già cả đã ý thức hơn về quyền lợi của họ cũng như tìm
được nhiều an ủi đỡ nâng qua chính những người chỉ túc trực ở điện thoại để
lắng nghe.
Một tác giả đã viết về
sự cô đơn như sau: "Cô đơn là cho đi mà không có người nhận, muốn nhận mà
chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ chẳng bao giờ đến. Như hai
bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông. Nên cô đơn là gần
nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của
cõi lòng. Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con cái cô đơn bên cha mẹ. Càng gần nhau
mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại
càng cô đơn hơn. Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những con sông thờ ơ, những
mây mù ảm đạm. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với những người khác…".
Những dòng trên đây như
muốn nói lên một sự thật: ai trong chúng ta cũng đều có thể rơi vào cô đơn.
Trong bất cứ tuổi tác nào, trong bất cứ địa vị nào trong xã hội, ai cũng có thể
làm mồi cho cô đơn. Liều thuốc để ra khỏi sự cô đơn, chính là ra khỏi chính
mình để làm cho người khác bớt cô đơn. Xã hội sẽ được ấm tình người hơn nếu mỗi
người biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của mình để đến với người khác, để trở
thành một đường dây điện thoại sống cho người khác.
(Lẽ Sống)
27-1
Thánh Angela Merici
(1470 - 1540)
Vào lúc 56 tuổi, Angela Merici từ chối lời yêu cầu của Ðức Giáo
Hoàng. Ngài biết Ðức Clêmentê VII muốn ban cho ngài một vinh dự lớn lao và một
cơ hội vĩ đại để phục vụ khi đức giáo hoàng yêu cầu ngài nhận trách nhiệm lãnh
đạo một dòng nữ tu chuyên về điều dưỡng. Nhưng Angela biết công việc điều dưỡng
không phải là điều Thiên Chúa muốn mời gọi ngài thi hành.
Ngài mới từ Ðất Thánh trở về. Khi trên đường đến đó ngài bị bệnh
nặng và bị mù. Tuy nhiên, ngài nhất quyết tiếp tục cuộc hành hương và thăm
viếng các thánh địa với tất cả lòng sùng kính hơn là muốn chiêm ngưỡng bằng cặp
mắt. Trên đường về ngài được chữa lành và được sáng mắt. Ðiều ấy chắc chắn đã
nhắc nhở ngài rằng không thể nhắm mắt trước nhu cầu của những người chung
quanh, và đừng đóng cửa lòng trước lời mời của Thiên Chúa.
Ở khắp nơi trong thành phố, đâu đâu ngài cũng thấy các em gái
nghèo nàn, không có học vấn và cũng không có tương lai. Trong thế kỷ mười lăm
và mười sáu của Thánh Angela, vấn đề giáo dục phụ nữ là dành cho người giầu và
cho các nữ tu. Angela là người có học thức. Cha mẹ ngài chết sớm khi ngài mới
mười tuổi và sau đó ngài phải sống với người chú. Ngài thực sự bối rối khi thấy
chị của ngài từ trần mà không được lãnh nhận các bí tích. Trong một thị kiến
ngài được đảm bảo là chị của ngài được an toàn trong bàn tay Thiên Chúa -- và
cũng qua thị kiến ấy ngài tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.
Khi chú ngài từ trần, trở về nhà ngài nhận thấy các em gái trong
vùng không có một chút học vấn. Nhưng ai sẽ dạy các em? Thời ấy thật khác biệt.
Phụ nữ không được phép làm nghề giáo và các cô chưa chồng thì không được tự ý
đi ra ngoài -- dù để phục vụ người khác. Nữ tu là các phụ nữ có kiến thức nhưng
họ không được phép bước chân ra khỏi tu viện. Thời đó không có dòng nữ tu
chuyên về giáo dục như ngày nay.
Ðể giúp đỡ các em, Angela nghĩ ra một phương cách mới. Ngài quy tụ
một nhóm các cô thuộc dòng Ba Phanxicô, đi ra đường phố và tụ tập các em gái
lại để dạy học cho các em. Các cô không có tiền cũng như không có quyền thế, họ
chỉ có tấm lòng tận tụy cho việc giáo dục và cho Ðức Kitô. Sống trong chính nhà
của mình, họ gặp gỡ để cầu nguyện và dạy học. Họ thành công đến nỗi Angela được
yêu cầu đưa sáng kiến ấy để thực hiện ở các thành phố khác, và đã làm nhiều
người kinh ngạc, kể cả đức giáo hoàng.
Mặc dù ngài từ chối đức giáo hoàng, nhưng có lẽ thỉnh cầu của đức
giáo hoàng đã gợi ý cho ngài thấy rằng cần phải chính thức hóa tổ chức của
ngài. Mặc dù chưa bao giờ là một nữ tu, Hội Thánh Ursula của Angela là nhóm nữ
tu đầu tiên hoạt động ngoài khuôn khổ nhà dòng và là dòng nữ đầu tiên chuyên lo
giáo dục.
Thánh Angela Merici từ trần năm 1540, khi ngài khoảng bảy mươi
tuổi.
Lời Bàn
Như với nhiều vị thánh khác, lịch sử hầu như chỉ lưu tâm đến hoạt
động của các ngài. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng, đức tin và đức ái sâu xa
của các ngài là động lực thúc đẩy và là nguồn can đảm giúp các ngài đáp ứng với
nhu cầu không cùng của con người trong xã hội.
Lời Trích
Khi sự thay đổi trở nên khó khăn đối với nhiều người, có lẽ thật
hữu ích khi nhớ lại lời của thánh nữ nói với các nữ tu: "Nếu theo thời
gian và vì nhu cầu, các chị phải vâng theo các quy luật mới và thay đổi một vài
điều, thì hãy thi hành với sự thận trọng và hãy để ý đến lời khuyên bảo."
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét