Ngày 8 tháng Giêng
hay Thứ Ba Sau Lễ Hiển Linh
Bài Ðọc I: 1 Ga 4, 7-10
"Thiên Chúa là Tình
Yêu".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta
phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì hễ ai thương yêu,
thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không thương
yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ðiều này biểu lộ
tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một
Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu là thế
này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu
chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng
ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71, 2. 3-4ab.
7-8
Ðáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban
quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để
người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính
trực. - Ðáp.
2) Ước gì núi non đem hòa
bình cho dân, và đồi nổng đem lại sự công chính. Người sẽ bênh vực kẻ khiêm tốn
trong dân, sẽ cứu thoát con cái người nghèo khó. - Ðáp.
3) Sự công chính và nền hòa
bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không
còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến
tận cùng trái đất. - Ðáp.
Alleluia: Mt 4,22
Alleluia, alleluia! - Chúa
Giêsu rao giảng Tin Mừng nước trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong
dân. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6, 34-44
"Hoá bánh ra nhiều,
Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Ðấng Tiên tri".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu xem thấy
dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên không người
chăn giữ, và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều. Và khi giờ đã muộn, các môn
đệ đến thưa Người rằng: "Chỗ này hoang vắng, mà giờ đã muộn, xin Thầy giải
tán họ, để họ đi tới các làng các xóm gần đây mà mua gì ăn". Chúa Giêsu
trả lời họ rằng: "Các con hãy cho họ ăn đi". Họ thưa Người:
"Chúng con phải đi mua đến hai trăm đồng bạc bánh để phát cho họ ăn".
Người nói với họ: "Các con có mấy cái bánh? Hãy đi xem". Khi biết
được rồi, họ thưa: "Có năm cái bánh và hai con cá". Người ra lệnh cho
họ bảo mọi người ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống
từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi. Người cầm năm cái bánh và hai con cá,
ngước mắt lên trời mà chúc tụng, rồi bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ, để họ
phân phát cho người ta; còn hai con cá, Người cũng chia cho mọi người. Và tất
cả đều ăn no. Mụn bánh và cá còn dư lại, người ta lượm được mười hai thúng đầy.
Mà số người ăn là năm ngàn người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Ðức Giêsu là con người giầu
tình thương. Thấy dân chúng bơ vơ, Ngài không thể chịu được. Ngài chạnh lòng
thương và lại dạy dỗ họ; dù rằng Chúa và các môn đệ định vào nơi thanh vắng để
nghỉ ngơi đôi chút. Dân chúng mệt mỏi đói khổ. Chúa Giêsu cũng tìm cách giúp họ
để lấy lại sức khỏe. Ngài làm phép lạ cho bánh hóa nhiều để họ được ăn no nê.
Chính bản thân Chúa khi phải đói, phải khổ, Ngài chấp nhận. Nhưng thấy dân khổ,
Ngài vội vàng ra tay cứu giúp. Quả thực, Ðức Giêsu chính là vị Cứu Tinh của
nhân loại.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, trước tình
thương bao la của Chúa, chúng con bị cuốn hút. Chúng con vô cùng cảm mến. Thế
nhưng điều quan trọng: Chúng con phải làm gì để trở nên giống Chúa? Lòng từ bi
của chúng con có bén nhạy trước nhu cầu, nỗi khổ của anh chị em chúng con
không? Mỗi ngày chúng con đều được đón nhận hồng ân của Chúa. Chúng con có cảm
thấy món nợ tình thương chúng con phải đền trả cho anh chị em chúng con không?
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng
con biết bao dung, quảng đại để chúng con càng ngày càng trở nên giống Chúa,
đồng hình đồng dạng với Chúa. Amen.
Sứ Giả Hòa Bình
Thánh
Phanxico Assisi, vị sứ giả Hòa Bình, không những đã có một tình bác ái cao độ
đối với con người, Ngài còn trải dài tinh yêu thương ấy đến cả muôn vật, cỏ
cây.
Cây cỏ
gợi lại cho Thánh nhân chính Cây thập giá của Chúa Giêsu, do đó, Thánh nhân cảm
thấy thương tâm vô cùng mỗi khi có người hành hạ cây cỏ. Ngài nói với người làm
vườn như sau: Anh hãy để lại một góc vườn nguyên vẹn. Ðừng sờ đến cây cỏ, hãy
để cho chúng sinh sôi nảy nở và lớn lên, ngay cả cỏ dại và hoa dại.
Mỗi lần
đi qua góc vườn ấy, Ngài bước đi nhẹ nhàng và cẩn thận để không sát hại bất cứ
một loại sâu bọ, côn trùng nào.
Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.
Gặp người ta mang chiên và chim rừng ra chợ bán, Ngài mua hết để rồi phóng sinh chúng.
Ngài nói
với chim chóc như sau: "Hỡi những người anh em nhỏ bé của tôi, anh em phải
ca ngợi Ðấng Tạo Hóa hơn ai hết, vì Ngài đã ban cho anh em bộ lông đẹp, giọng
hát hay cũng như lúa thóc anh em ăn thỏa thuê mà không phải gieo vãi".
Với chú
chó sói, thánh nhân nhắn nhủ: "Anh sói ơi, anh quả thật đáng chết, vì anh
đã cắn xé trẻ em. Anh hãy làm hòa với loài người. Từ nay, anh hãy ăn ở hiền
lành và mọi người sẽ cung cấp đầy đủ cho anh". Chú sói ấy đã cùng với
thánh nhân lên tỉnh và trở thành người bạn thân của các trẻ em ở Gubbio.
Một con
người có tâm hồn như thế quả thực xứng đáng được chọn làm sứ giả Hòa Bình qua
mọi thời đại.
Năm 1979,
Ðức Gioan Phaolô II đã công bố Thánh Phanxico là quan thầy của những người khởi
xướng phong trào của những người bảo vệ môi sinh. Ngài nói trong phần mở đầu sứ
điệp Hòa Bình năm 1990 như sau: "Ngày nay, con người mỗi lúc một ý thức
rằng Hòa Bình của thế giới không những chỉ bị đe dọa vì cuộc chạy đua võ trang,
vì các xung đột giữa các vùng và những bất công liên tục giữa các dân tộc và
quốc gia, nhưng còn bởi vì thiếu tôn trọng đối với thiên nhiên nữa".
Ðức Gioan
Phaolô II đã nói đến việc bảo vệ và tôn trọng môi sinh như một nghĩa vụ luân
lý.
Người Kitô
nhận thức được nghĩa vụ ấy, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn vật tốt đẹp
và để con người hưởng dụng một cách hợp lý. Trong phần kết thúc sứ điệp, Ðức
Thánh Cha đã nhắc đến Thánh Phanxico Assisi như mẫu gương của sự tôn trọng đối
với thiên nhiên vạn vật. Thánh nhân đã mời gọi vạn vật dâng lời chúc tụng và
thờ lạy Thiên Chúa. Trong sự bình an của Thiên Chúa, Thánh nhâ kiến tạo ngay cả
sự hòa hợp với thiên nhiên và sự hòa hợp ấy cũng là điều kiện tiên quyết để
được hòa bình với tha nhân.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba sau Lễ Hiển Linh
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện cho con
người qua Đức Kitô.
Hôm qua, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã tỏ
cho con người biết sự thật của Thiên Chúa. Hôm nay, Ngài tỏ cho chúng ta biết
tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu rất khó để nói tới vì nó rất trừu tượng;
nhưng cách tỏ bày tình yêu lại hết sức cụ thể. Vì thế, con người có thể nhận ra
tình yêu Thiên Chúa qua Biến Cố Nhập Thể, dù chưa bao giờ con người thấy Thiên
Chúa. Con người cũng có thể nhận ra tình yêu thật từ những tình yêu giả dối,
bằng cách nhìn vào những biểu lộ cụ thể của tình yêu.
Các Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra
tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu đích thực từ những tình yêu giả dối. Trong Bài
Đọc I, Thánh Gioan cho chúng ta biết 3 sự thật về tình yêu Thiên Chúa: (1)
Nguồn gốc của mọi tình yêu đến từ Thiên Chúa vì “Thiên Chúa là tình yêu.” (2)
Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian Con Một của Ngài (Jn
3:16). (3) Thiên Chúa đã yêu thương con người trước. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
động lòng thương dân vì họ bơ vơ như chiên không người chăn. Sau khi đã dạy dỗ
để cung cấp lương thược phần hồn, Ngài làm phép lạ để cung cấp cho dân lương
thực phần xác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa yêu thương con người.
1.1/ Nguồn gốc của mọi tình yêu: Tác giả xác quyết: “tình yêu bắt nguồn
từ Thiên Chúa;” và “Thiên Chúa là tình yêu.” Theo Sách Sáng Thế Ký, con người
được dựng nên giống hình ảnh và đặc tính của Thiên Chúa (Gen 1:26). Nhiều học
giả Kinh Thánh cho rằng: tình yêu làm cho con người giống Thiên Chúa hơn cả.
Clement of Alexandria tuyên bố: “khi con người yêu thương là con người đang
luyện tập trở nên giống như Chúa.” Khi chúng ta yêu thương là chúng ta ở gần
Thiên Chúa hơn lúc nào hết. Vì Thiên Chúa là tình yêu, muốn trở nên giống Thiên
Chúa, con người phải học cho biết yêu thương. Ai không yêu thương, thì không
biết Thiên Chúa.
1.2/ Tình yêu Thiên Chúa dành cho con
người: “Tình yêu của Thiên
Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến
thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.” Khi chúng ta chiêm
ngưỡng Chúa Hài Đồng trong máng cỏ, chúng ta phải cảm nghiệm được 2 điều:
(1) Thiên Chúa đã quá yêu thương con
người: Không có một người
cha nào trên trần thế dám hy sinh người con một của mình để chết thay cho người
khác; nhất là một cái chết cô đơn, tủi nhục, tàn bạo trên Thập Giá. Câu truyện
Tổ-phụ Abraham sẵn sàng hiến tế Isaac cho chúng ta cảm nghiệm được phần nào
tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
(2) Con người không xứng đáng với tình
yêu Thiên Chúa: Con người
không làm bất cứ gì xứng đáng với tình yêu này; ngược lại, con người đã, đang,
và sẽ còn gây đau khổ cho Thiên Chúa.
1.3/ Thiên Chúa yêu thương con người
trước: Tình yêu là lý do duy
nhất của việc tạo dựng, quan phòng, và cứu chuộc con người. Thiên Chúa tạo dựng
con người vì Thiên Chúa là tình yêu: Ngài yêu nên Ngài tạo dựng, và muốn được
con người yêu thương lại. Thiên Chúa có thể tạo nên những con người máy và để
tự chúng sinh sống; nhưng vì yêu thương, Ngài muốn luôn luôn chăm sóc cho con
người. Trong việc cứu chuộc, tình yêu Thiên Chúa đã biểu lộ quá rõ ràng: “Không
phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta,
và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.”
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu yêu thương, dạy dỗ, và cho dân
ăn.
2.1/ Chúa Giêsu yêu thương và dạy dỗ dân
chúng: Trình thuật kể: “Ra
khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ
như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.” Để
hiểu thấu những điều này, chúng ta cần đọc Sách Tiên-tri Ezekiel để nhận ra tại
sao chiên bơ vơ không người chăn. Theo Tiên-tri, chiên bơ vơ không phải vì
không có người chăn; nhưng tại các người chăn vô trách nhiệm: họ chỉ để ý đến
lông chiên, thịt chiên, mà không để ý đến tình trạng của chiên. Nếu những nhà
lãnh đạo không chịu săn sóc, dạy dỗ, chỉ đường, thì làm sao những người dân
biết sống lành mạnh và tránh được những nguy hiểm trong cuộc sống?
2.2/ Chúa Giêsu làm phép lạ để nuôi dân:
(1) Quá mải mê nghe Chúa giảng, dân
chúng quên ăn: Vì bấy giờ đã
khá muộn, các môn đệ đến gần Người và thưa: "Ở đây hoang vắng và bây giờ
đã khá muộn. Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung
quanh mà mua gì ăn." Chắc các ông quan niệm, nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ có
trách nhiệm phần hồn cho dân chúng mà thôi. Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ
một bài học: Người rao giảng không chỉ quan tâm đến việc cho dân chúng lương
thực phần hồn, đôi khi còn phải quan tâm đến việc cho giáo dân lương thực phần
xác nữa.
(2) Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ cho
dân ăn: Người đáp: "Thì
chính anh em hãy cho họ ăn đi!" Các ông nói với Người: "Chúng con
phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?" Qua lời đối
thọai, chúng ta nhận ra ngay những tính tóan của các môn đệ và tình yêu không
tính toán của Chúa Giêsu. Các môn đệ nghĩ ngay đến tiền, Chúa Giêsu chỉ nghĩ
đến tình yêu.
(3) Chúa Giêsu làm phép lạ từ 5 chiếc
bánh và 2 con cá: Người bảo
các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!" Khi biết rồi, các
ông thưa: "Có năm chiếc bánh và hai con cá." Người ra lệnh cho các
ông bảo mọi người ngồi thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống thành từng
đám, chỗ thì một trăm, chỗ thì năm mươi. Chúa cần sự cố gắng và cộng tác của
các môn đệ dẫu Ngài có thể làm mọi sự.
(4) Hình bóng của Bí-tích Thánh Thể: “Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con
cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để
các ông dọn ra cho dân chúng. Người cũng chia hai con cá cho mọi người.” Cả 4
Thánh-sử đều tường thuật phép lạ này. Riêng Gioan, phép lạ này mở đầu cho “Diễn
từ về Thánh Thể” trong chương 6 của ngài, dù Gioan không tường thuật sự kiện
Chúa lập Bí-tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Qua Bí-tích Thánh Thể, Thiên Chúa
chứng tỏ Ngài vẫn yêu thương, săn sóc, và cho dân ăn mỗi ngày.
(5) Số còn dư lại: “Ai nấy đều ăn và được no nê. Người ta
thu lại những mẩu bánh được mười hai thúng đầy, cùng với cá còn dư. Số người ăn
bánh là năm ngàn người đàn ông.”
ÁP DỤNG TRONG
CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải cảm nghiệm được tình yêu
của Thiên Chúa trong cuộc đời, trước khi có thể yêu thương Ngài và tha nhân.
- Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu không
tính toán, vô vị lợi, và không biên giới. Chỉ có tình yêu này mới giúp chúng ta
vượt qua mọi khó khăn và trung thành yêu thương tới cùng.
- Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch yêu
thương, vì Chúa Giêsu đã yêu thương phó mạng sống làm lễ tế hy sinh cho con
người. Nếu chúng ta cảm thấy mình ích kỷ, thiếu yêu thương, khó tha thứ, đây là
Bí-tích tăng cường tình yêu cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Ba sau Hiển Linh
Sứ điệp: Những công việc của con
người tự nó không có giá trị siêu nhiên, nhưng khi cộng tác với Thiên Chúa, nó
sẽ trở thành hành động cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước
sự kiện Chúa làm phép lạ bánh hóa nhiều, con đã tự hỏi: Chúa chỉ cần phán một
lời là có thể làm phép lạ. Nhưng tại sao Chúa không làm thế, mà Chúa lại cần
đến năm chiếc bánh và hai con cá?
Lạy Chúa, Chúa không làm như con nghĩ. Chúa cần
con cộng tác. Chúa cần con người góp công chung sức để mưu ích cho nhau. Sự
đóng góp của các môn đệ, chẳng thấm vào đâu, nhưng từ đó, Chúa đã thực hiện một
bữa ăn no nê cho dân chúng.
Thánh Âu-tinh đã nói: để tạo dựng con người,
Thiên Chúa không cần con người. Nhưng để cứu độ con người, Thiên Chúa cần con
người cộng tác.
Lạy Chúa, nhìn vào thế giới hôm nay, con tin
chắc chắn rằng: Chúa cũng đang chạnh lòng thương xót nhân loại đang đau khổ vì
đói khát, vì bệnh tật, vì dốt nát, vì chiến tranh. Chúa cũng có thể làm mọi sự
để cứu độ loài người. Nhưng Chúa cần con cộng tác, tuy dù nhỏ bé và âm thầm.
Xin Chúa giúp con luôn biết mở rộng trái tim
trước nhu cầu của anh chị em. Xin dạy con biết mở rộng bàn tay dâng hiến cho
Chúa và cho tha nhân. Dù sự đóng góp của con chẳng đáng kể là gì so với nhu cầu
của thế giới, nhưng con tin Chúa đang chờ đợi đón nhận và nhân lên gấp bội. Xin
Chúa dạy con biết nghĩ đến người khác, biết chia sẻ cho nhau, để nhân loại khỏi
bị diệt vong vì ích kỷ, nhưng luôn phát triển phong phú khi biết quảng đại sẻ
chia. Amen.
Ghi nhớ: "Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là Ðấng Tiên
tri".
www.phatdiem.org
08/01/13 THỨ
BA SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,34-44
Mc 6,34-44
TẤM LÒNG MỤC TỬ
Chúa Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không
người chăn dắt. (Mc 6,34a)
Suy niệm: “Chạnh lòng thương,” đó là xúc
cảm cao độ xuất phát từ lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, thể
hiện qua hình ảnh Vị Mục tử nhân lành, hiện thân rõ nét nơi con người Chúa
Giêsu. Khi chứng kiến đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giêsu đã xúc động “chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.” Chúa Giêsu thường tránh xưng mình là Mêsia, là vua, và cấm người
khác gọi Ngài như thế; thế nhưng, nhiều lần Ngài nói: “Ta là mục tử nhân lành” (x. Ga 10,1tt). Đây không chỉ là lời nói suông nhưng là một xác
tín được chứng minh bằng chính cuộc sống của Chúa. Nhìn thấy họ bơ vơ, “lầm than vất vưởng” (Mt 9,36), Chúa đã “giảng dạy họ nhiều điều.” Chẳng những thế, Ngài còn quan tâm lo cho họ được đầy đủ thức ăn
khi bị đói vì theo Chúa; và nhất là Ngài sẵn lòng hiến thân chịu chết vì muôn
người, để muôn người được cứu độ.
Mời Bạn: Yêu thương, quan tâm đến người
khác là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Mang danh là kitô hữu, chúng ta có bổn
phận trở nên những “mục tử” thực thụ, biết quan tâm chăm sóc đến những nhu cầu
tinh thần và vật chất của anh chị em mình bằng những hành vi bác ái, bắt đầu từ
những việc nhỏ bé, kín đáo nhất. Đó là điều không thể thiếu và là điều Chúa cần
đến.
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cụ thể cho
người đang sống gần mình.
Cầu nguyện: Xin cho con có được một tình
yêu vô bờ bến và một trái tim nhạy cảm như Chúa. Xin biến con trở thành tấm
bảnh bẻ ra, để thoa dịu phần nào sự đói khát của anh chị em đồng loại.
www.5phutloichua.net
Ai
nấy được no nê
Bẻ ra và trao đi là điều kiện để giải quyết nạn
đói của thế giới hôm nay. Chỉ có thể xóa nạn đói nghèo bằng sẻ chia và liên
đới.
Suy niệm:
Trên thế giới hiện nay có gần một tỷ
người đói ăn, Và nhiều nơi ở
châu Phi vẫn có bao trẻ thơ chết đói. Có người coi tôn giáo là duy tâm, sống lơ lửng với những
ý tưởng đẹp, và loay hoay
với chuyện cứu rỗi linh hồn. Nhưng Thiên Chúa ta gặp trong Kinh Thánh lại là một Thiên Chúa
để ý đến cái đói của thân xác con người. Thiên Chúa ấy đã cung ứng manna, thịt chim cút và nước
uống cho dân Người
trong cuộc hành trình tiến về Đất hứa, mà Đất hứa này là vùng phì nhiêu, nơi chảy sữa và mật. Thiên Chúa ấy được coi
là người mục tử dẫn chiên đến
đồng cỏ xanh tươi, đến suối nước trong lành.
Đức Giêsu cũng chẳng làm khác với
Cha của Ngài. Trong bài Tin
Mừng hôm nay, Ngài tỏ mình ra như người mục tử. Khi thấy đoàn dân bơ vơ như bầy chiên
không người chăn dắt, Ngài qui tụ họ
lại bằng cách dạy dỗ họ nhiều điều. Nhưng khi chiều xuống, Ngài cũng biết họ cần ăn. Lo cho chiên được no
là nhiệm vụ của người mục tử. Đức Giêsu đã muốn các môn đệ cộng tác trong việc nuôi ăn
này: “Chính anh em
hãy cho họ ăn !” Với tất cả
những gì môn đệ có, vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá, năm ngàn người đã được ăn no và còn dư
mười hai thúng đầy. Chiều hôm đó,
cỏ như xanh hơn vì lòng người vui rộn rã. Qua phép lạ lớn này, Đức Giêsu tỏ mình ra cho đám đông
dân chúng.
Đây là phép lạ của sự bẻ ra và được nhân lên. Chẳng phải Thầy Giêsu
mới là người bẻ ra và trao đi cho các môn đệ. Chính các môn đệ cũng đã làm như thế
cho đoàn dân. Bẻ ra và trao
đi là điều kiện để giải quyết nạn đói của thế giới hôm nay. Chỉ có thể xóa nạn đói
nghèo bằng sẻ chia và liên đới. Đừng sợ nếu bạn chỉ có ít cá và bánh, ít thời giờ, tiền
bạc, khả năng. Hãy trao vào
tay Chúa tất cả những gì bạn có và để Người định liệu.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý
thức rằng tấm bánh để
dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu
thuộc về người thiếu thốn. Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng
phí bên cạnh những
Ladarô túng quẫn, có bao điều
con hưởng lợi dựa trên nỗi
đau của người khác,
có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu. Con hiểu rằng nguồn gốc sự bất công chẳng ở đâu xa. Nó nằm ngay nơi sự
khép kín của lòng con. Con phải chịu trách nhiệm về cảnh nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân, vũ trụ, trái đất và
tất cả tài nguyên của nó là quà tặng Cha cho mọi người có quyền hưởng. Cha để cho có sự chênh
lệch, thiếu hụt, vì Cha muốn
chúng con san sẻ cho nhau. Thế giới còn nhiều người đói nghèo là vì chúng con giữ
quá điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết
cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ yêu thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu tỏ ra Mình là
Đấng Tiên tri".
Bánh hóa ra nhiều
Con
người chúng ta dễ động lòng trắc ẩn khi đứng trước một cảnh tượng tang thương
nào đó. Ai lại không mủi lòng khi đứng trước một cảnh đau lòng xót dạ như chết
chóc hay tai họa ập đến. Lòng người ít khi trở thành chai đá, sắt thép, vô tri
trước những nỗi đau khổ bất hạnh của đồng loại mình. Có khác nhau chẳng qua là
có người nhậy bén hay ít nhậy cảm hơn mà thôi. Chúa Giêsu cũng mang thân phận
con người, Ngài cũng có trái tim biết cảm động như chúng ta nhưng Ngài là Thiên
Chúa, Ngài thấy rõ tất cả trong tâm khảm của mỗi người, và vì thế Ngài càng
nhậy cảm hơn chúng ta gấp trăm ngàn lần.
Khi
nhìn thấy đám đông theo Ngài để nghe giảng dạy, vì từ trước đến giờ có ít người
giảng dạy cho dân chúng trong lúc họ muốn được nghe giảng dạy. Vì thế Ngài động
lòng thương xót, Ngài thương xót cho sự bơ vơ của họ. Chính vì thế mà Ngài đã
say sưa giảng dạy cho họ đến nỗi quên cả không gian và thời gian, quên cả việc
nghỉ ngơi ăn uống và những nhu cầu của thân xác.
Dân
chúng vẫn theo bước Chúa đi vào nơi hoang vắng để nghe Ngài giảng dạy, và trời
đã xế chiều mà Lời Chúa giảng dạy đang còn hấp dẫn lôi cuốn họ khiến họ quên cả
đường sá xa xôi, quên cả đói khát. Và các môn đệ thấy giờ đã muộn, các ông nhắc
Chúa Giêsu nhớ lại hiện tại: “Chỗ này hoang vắng mà giờ đã muộn, xin Thầy giải
tán họ để họ đến các làng mạc gần đây mà mua gì ăn”.
Chúa
Giêsu muốn thử lòng các môn đệ nên bảo các ông hãy liệu cho họ ăn đi. Ngài đâu
nỡ lòng nào mà để cho dân chúng trở về trong lúc bụng còn đói và thân xác mệt
nhoài vì theo Ngài nghe giảng, nên Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho năm chiếc bánh
và hai con cá hóa ra nhiều để nuôi tất cả mọi người ăn no nê. Số người ăn là
trên năm ngàn người và lượm được số bánh còn dư là mười hai thúng đầy.
Trong
cuộc sống của chúng ta, nhiều khi niềm tin của chúng ta còn yếu kém, nên đi
theo Chúa nhưng tâm hồn chúng ta vẫn còn do dự, so đo tính toán. Chúng ta lo
tiến mà cũng lo tính mưu kế lỡ thất bại thì có đường rút lui. Với tâm trạng đó
thì làm sao chúng ta có thể dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa được: “Hãy tìm sự
công chính trước, mọi sự khác Chúa sẽ thêm sức bổ túc cho chúng ta sau”.
Vua
Salômôn chỉ xin sự khôn ngoan để cai trị dân Chúa mà không xin sự giàu sang phú
quý và những điều khác. Nhưng Thiên Chúa chẳng những ban cho Salômôn sự khôn
ngoan để cai trị dân Chúa mà còn ban cho ông sự giàu sang phú quý mà thế gian
vẫn hằng mong ước.
Chúng
ta cầu xin Chúa ban cho có nhiều tâm hồn tận hiến cho Thiên Chúa để dấn thân
phục vụ tha nhân, vì biết bao nhiêu người đang tìm kiếm, đang muốn nghe Lời
Chúa nhưng không ai rao giảng Lời Chúa cho họ. Không phải lỗi ở họ nhưng là vì
thiếu thợ gặt trong khi lúa chín đầy đồng. Tâm thức lo âu đó khiến chúng ta hãy
cùng với Giáo Hội thao thức góp lời cầu nguyện để Chúa ban nhiều thợ gặt đến
gặt lúa của Người.
Ăn
uống là một vấn đề thiết yếu để duy trì và phát triển sự sống con người. Do đó
chúng ta có thể coi trọng vấn đề ăn uống nhưng chúng ta cũng đừng có quan niệm
“sống để mà ăn” nhưng là “ăn để mà sống”. Người ta thường nói: “Tìm một miếng
giữa làng bằng một sàng xó bếp” làm cho con người chúng ta tranh giành nhau về
miếng ăn không mấy tốt đẹp.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy trên năm ngàn người dù theo Chúa Giêsu suốt
ngày để nghe giảng dạy, dù đói, dù mệt mỏi nhưng họ vẫn nghe lời Chúa Giêsu, họ
ngồi xuống làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ lặng lẽ bình tĩnh hiền lành,
ngồi thành từng nhóm 100, chỗ 50. Họ không chạy ngược xuôi, không lộn xộn la ó
mất trật tự. Đó là một thái độ sống chúng ta cần suy nghĩ để từ đó rút ra một
bài học cho chúng ta trong cuộc sống, nhất là trong cách cư xử, tiếp xúc làm
sao để ăn ở với nhau cho hòa thuận, yêu thương, thông cảm, nhường nhịn nhau như
anh em con cùng một Cha chung trên trời.
Lạy
Chúa, xin Chúa ban cho Giáo Hội Chúa có nhiều tâm hồn biết khoan dung, độ
lượng, hy sinh dấn thân phục vụ cho sứ mệnh tông đồ để mở mang nước Chúa. Xin
Chúa cho mỗi người chúng con luôn biết sống yêu thương, hòa thuận, nhường nhịn
lẫn nhau như anh em trong một gia đình có Chúa là người Cha đầy tình yêu thương
tha thứ. Amen.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Bánh
hóa nhiều lần thứ nhất.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu đã tỏ lộ chính cõi
lòng của Ngài, cõi lòng của một mục tử: khi thấy dân chúng đông đảo, Chúa động
lòng thương xót, vì họ như chiên không có người chăn.
Việc Chúa tỏ mình bao giờ cũng nhằm làm cho con người được
sống và sống hạnh phúc. Chúa đến với con người không phải để đè bẹp hay để làm
con người phải sợ hãi, nhưng Ngài đến để yêu thương, để cứu độ con người. Thật
vậy, khi Chúa tỏ lộ tấm lòng mục tử của Ngài, thì cảnh bơ vơ lạc lõng của người
ta không còn nữa. Tấm lòng mục tử của Ngài không dửng dưng trước nỗi bi đát của
con người. Tấm lòng ấy đã làm mọi sự vì con người và cho con người. Và qua tấm
lòng ấy, người ta còn nhìn ra chính tấm lòng của Thiên Chúa: Chúa Giêsu chính
là ân huệ bằng xương bằng thịt mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại.
Đứng trước sự tỏ lộ đầy yêu thương ấy, chúng ta hãy có thái
độ biết ơn và vui mừng, cố gắng trở nên những con chiên ngoan hiền bên vị Mục
tử nhân hậu và cùng với Ngài tỏ lòng cảm thương những con chiên bơ vơ lạc lõng.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 1
8 THÁNG GIÊNG
Đức Kitô Xua Tan Đêm Tối
Tuy nhiên, Giê-ru-sa-lem của cuộc Hiển Linh
không phải chỉ là Giê-ru-sa-lem của Hê-rô-đê thời ấy. Trong viễn tượng của
Thiên Chúa, đó cũng là Giê-ru-sa-lem của các ngôn sứ nữa.
Trong thành Thánh, chứng từ của những
người báo trước về cuộc xuất hiện của Đấng Cứu Tinh được bảo tồn xuyên qua bao
thế kỷ dưới sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngôn sứ Mi-ca nói về cuộc sinh hạ
của Vua Cứu Độ ở Bê-lem, chẳng hạn. Nhất là Isaia, vị ngôn sứ của Đấng Mêsia,
cống hiến một lời chứng thật độc đáo về cuộc Hiển Linh: “Bừng sáng lên,
Giê-ru-sa-lem hỡi! Ánh sáng của ngươi đã đến, và vinh quang Chúa chiếu tỏa trên
ngươi. Hãy nhìn xem, màn đêm bao trùm mặt đất và mây mù che phủ các dân! Nhưng
Chúa giọi ánh sáng trên ngươi và vinh quang Người xuất hiện nơi ngươi.” (Is 60,
1 – 2)
Sấm ngôn này của Isaia diễn tả tuyệt vời
nội dung của Lễ Hiển Linh. Vinh quang của Đức Kitô phủ ngập thành Thánh
Giê-ru-sa-lem. Người xua tan bóng tối và soi giọi ánh sáng của Người trên dân
Người.
Rồi, Isaia tiên báo rằng mọi dân tộc đang
sống trong bóng tối sẽ tuôn về thành Thánh của Thiên Chúa: “Các dân nước sẽ
bước đi trong ánh sáng của ngươi, và các vua chúa sẽ được ánh quang ngươi đưa
dẫn. Hãy hướng mắt nhìn xem, tất cả tụ tập để đến với ngươi: Các con trai ngươi
từ xa kéo đến, và các con gái ngươi trên cánh tay bảo mẫu” (Is 60, 3 – 5). Mô
tả lạ lùng ấy của Isaia lần đầu tiên được chứng thực trọn vẹn bằng cuộc xuất
hiện tại Giê-ru-sa-lem của các nhà thông thái từ phương Đông tới.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II
-
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns xuất bản, 1994.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
1Ga 4, 7-10; Mc 6, 34-44
LỜI SUY NIỆM: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào
thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn. Người đáp: thì chính anh em hãy
cho họ ăn đi. Các ông nói với Người:chúng con phải đi mua tới hai trăm quan
tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6,36-37).
Đứng trước cái đói của con người Thiên
Chúa luôn chạnh lòng thương, con người đói không phải là do Thiên Chúa không
tạo dựng đủ để nuôi sống con người, nhưng vì cái ích kỷ của con người, đã quên
đi người đồng loại với mình. Trong bài Tin Mừng này chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu
thì chạnh lòng thương dân trong cơn đói, nhưng các Tông đồ lại muốn làm ngơ,
muốn phủi bỏ trách nhiệm đối với hơn năm ngàn người đang đói. Chúa Giêsu đã
đánh thức lương tâm trách nhiệm của các ông: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi.”
Nhưng rồi các ông cũng đã sợ hao hụt túi tiền, nên cũng đã viện ra lý do khó
khăn để từ chối. Nhưng rồi một em bé có năm chiếc bánh và hai con cá hiến tặng
vào tay của Chúa Giêsu. Ngài đã cho năm ngàn người ăn no nê. Thật vậy, chúng ta
được Chúa chọn, để chúng ta biết dâng hiến cho Chúa một chút khả năng của chúng
ta, nhưng với cái ít ỏi đó. Thần Khí Chúa sẽ làm được tất cả.
Mạnh Phương
Thứ
Ba 8-1
Thánh Thorfinn
(c.
1285)
S
|
au khi Thánh Thorfinn từ trần
khá lâu, người ta mới biết đến cuộc đời thánh thiện của ngài. Thánh Thorfinn từ
trần năm 1285 trong một đan viện Xitô ở Bỉ. Năm mươi năm sau, ngôi mộ của ngài
tình cờ bị khai quật trong một công trình xây cất, và mọi người đều kinh ngạc
vì một mùi thơm nồng nàn phát ra từ quan tài của ngài. Do đó, vị đan viện
trưởng bắt đầu cuộc điều tra.
Trong đan viện, chỉ còn người
đan sĩ già tuổi nhất, Walter de Muda, là còn nhớ đến Ðức Giám Mục Thorfinn.
Thật vậy, Cha Walter đã quá khâm phục đức tính nhân từ và kiên quyết của Ðức
Thorfinn đến nỗi ông đã làm thơ về Ðức Thorfinn ngay khi ngài còn sống. Và khi
Ðức Thorfinn từ trần, Cha Walter đã dán các bài thơ ấy trong mộ của Ðức
Thorfinn. Khi các đan sĩ đến xem xét, họ ngạc nhiên khi thấy nét mực các bài
thơ vẫn còn nguyên như mới. Chắc chắn đây là một dấu hiệu mà Thiên Chúa muốn
Ðức Thorfinn được tưởng nhớ và được vinh danh. Dân chúng bắt đầu tuốn đến để
xin Ðức Giám Mục Thorfinn cầu bầu cho họ, và các phép lạ bắt đầu xảy ra.
Theo bài viết của Cha Walter,
Ðức GM Thorfinn đến từ Na Uy. Khi là linh mục ở Na Uy, có lẽ ngài phục vụ ở
vương cung thánh đường Nidaros với chức vụ kinh sĩ. Dường như trong thời gian ở
đây, ngài đã ký một văn kiện quan trọng. Ngài là một nhân chứng của Hiệp Ước
Tonsberg năm 1277. Ðây là một hiệp ước giữa Vua Magnus VI và đức tổng giám mục
nhằm giải thoát Giáo Hội khỏi sự khống chế của nhà cầm quyền. Nhưng vài năm
sau, Vua Eric đã bãi bỏ hiệp ước này. Ông trở mặt và chống đối đức tổng giám
mục cũng như hai giám mục phụ tá là Ðức Giám Mục Andrew của Oslow và Ðức Giám
Mục Thorfinn của Hamar. Sau đó các giám mục phải ra nước ngoài lánh nạn.
Ðức Giám Mục Thorfinn khởi
đầu một hành trình đầy cam go về đan viện TerDoest ở Flanders, mà người ta cho
rằng trước đây ngài là một đan sĩ của đan viện này. Con tầu của ngài từng bị
đắm. Sau cùng, ngài đã đến được đan viện và sống ở đây cho đến chết. Ngài từ
trần ngày 8 tháng Giêng 1285.
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét