Trang

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

17-01-2013 : THỨ NĂM TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN năm lẻ


Thứ Năm 17/01/2013
Thứ Năm Tuần I Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 3, 7-14
"Chúng ta hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là Hôm Nay".

 Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, như Thánh Thần phán rằng: "Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng như thời chống đối, như ngày thử thách trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã thách thức Ta, dù đã chứng nhận và thấy các việc Ta làm trong bốn mươi năm; vì thế Ta đã phẫn nộ với thế hệ đó và phán rằng: Tâm hồn chúng luôn luôn lầm lạc, chúng không nhận biết đường lối của Ta, nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ rằng: Chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta".
Anh em thân mến, anh em hãy coi chừng, kẻo có ai trong anh em thiếu lòng tin, lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Mỗi ngày anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là "Hôm Nay", để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá. Vì chúng ta được đồng phần cùng Đức Kitô, nếu chúng ta giữ vững lòng tin thuở ban đầu cho đến cùng. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 94, 6-7. 8-9. 10-11.

Đáp: Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).

1) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Đấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Đáp.
2) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Đừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. - Đáp.
3) Ròng rã bốn chục năm, dòng giống này thực Ta đã ngán, khiến Ta thốt ra: dân lạc tâm địa chính thị bọn này, và bọn này không hiểu biết đường lối của Ta. Bởi thế, Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: không khi nào chúng sẽ vào chốn nghỉ an Ta! - Đáp.

ALLELUIA: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 1, 40-45
"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Động lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm:
Chữa người phong cùi
Raoul Folereau, vị đại ân nhân của những người phong cùi đã ghi lại một chuyến đi của ông như sau: Ðến một nơi cách thành phố 15 cây số, chúng tôi lần theo một lối đi được chỉ trước, và sau nửa giờ đi bộ chúng tôi lạc vào một thế giới của buồn thảm, đau khổ và thất vọng. Thật thế, tại một nơi mà không ai muốn đặt chân đến, có khoảng 60 người phong cùi đang sống bên nhau. Trước đây, người ta giam họ trong một trại cùi chẳng khác nào một trại tù, mọi người nhìn họ như những kẻ bị chúc dữ, hoặc tệ hơn nữa, như những con thú dữ. Không chịu nổi sự giam hãm và cách ly như thế, một số người cùi này đã trốn thoát và đến trú ẩn giữa khu rừng này. Tại đây, tình trạng của họ càng thêm tồi tệ hơn, xung quanh họ, trên đất đầy dẫy những vết tích của căn bệnh quái ác này.
Tôi đến bên một người lớn tuổi được xem như đại diện của họ và hỏi:
- Hôm nay là chiều Thứ Bảy, cửa quán ngoài phố xá đã đóng cửa rồi; thứ hai tôi sẽ trở lại và mang theo thức ăn thức uống; tôi cũng sẽ đưa một bác sĩ đến để chăm sóc cho bà con, chúng tôi sẽ cất nhà và sẽ ở lại đây với bà con khi cần, vậy bác hỏi bà con có thể chờ cho đến ngày Thứ Hai không?
Người đó đưa mắt nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, vì đã từ lâu họ không còn tin điều đó nữa; đối với họ, xem ra không còn ai đáng tin trên đời này nữa. Rồi ông khẩn khoản nói:
- Ông không thể giúp cho chúng tôi ngay được sao? Chúng tôi vừa mới có một người anh em qua đời, chúng tôi phải dùng đôi tay cùi lở này để đào xới một cái mộ chôn người anh em.
Tôi nhìn đôi bàn tay không nguyên vẹn vì bệnh tật, nay phải mang thương tích vì người đồng loại. Những con người khốn khổ đó nếu không nhìn thấy, không thể tin được là có thật.
Căn bệnh phong cùi vẫn là căn bệnh ghê sợ nhất đối với hiện tại. Người phong cùi đau đớn trên thân xác đã đành, mà còn đau khổ gấp bội phần trong tâm hồn khi cảm thấy bị bỏ rơi.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã gặp gỡ và chữa lành cho người phong cùi. Không những chữa lành tấm thân bệnh hoạn, Ngài còn tái lập họ trong cộng đoàn nhân loại, khi bảo bệnh nhân đi trình diện với các tư tế, nghĩa là hội nhập họ trở lại cuộc sống. Sự tái hội nhập này luôn đòi hỏi sự cảm thông, lòng quảng đại và cởi mở đón nhận của người khác. Vi trùng Hansen đục khoét và hủy hoại thân xác con người, thì cũng có biết bao thứ vi trùng khác độc hại hơn đang ẩn núp trong tâm hồn con người, tên của chúng là dửng dưng, ích kỷ, thù hận. Chúng đang giết dần giết mòn con người mà con người không hay biết.
Xin Chúa tha thứ cho những mù quáng, dửng dưng và ích kỷ của chúng ta trước bao nhiêu cảnh khốn cùng của đồng loại. Xin Ngài ban cho chúng ta một trái tim biết cảm thông và đôi tay rộng mở để san sẻ.
 (Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần I TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Bất tuân lệnh Thiên Chúa sẽ phải lãnh nhận hậu quả.
Trong cuộc sống, mọi người chúng ta đều nhận ra nguyên tắc: nếu muốn kết quả tốt đẹp, phải thi hành những điều kiện đòi hỏi; làm ngược lại sẽ phải lãnh hậu quả xấu. Ví dụ, để có thể lành bệnh, con người phải làm theo những gì bác sĩ căn dặn; nếu không, sẽ không khỏi bệnh. Để có thể thu thập kiến thức và đạt được điểm cao, học sinh phải lắng nghe giáo sư và viết lại những gì giáo sư nói; nếu nói ngược lại và không có lý do chứng minh, sẽ bị điểm xấu và có thể bị ở lại lớp.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc con người phải vâng lời Thiên Chúa và thi hành những gì Ngài dạy, nếu muốn được Thiên Chúa săn sóc và ban ơn. Làm ngược lại những gì Thiên Chúa dạy là tự chuốc hậu quả xấu cho mình. Trong Bài Đọc I, Tác giả Thư Do-Thái dùng ví dụ của hai nhà lãnh đạo Moses và Aaron để răn bảo dân phải biết vâng lời Thiên Chúa mà tin vào Đức Kitô. Trong Phúc Âm, mặc dù đã được ngăn cấm bởi Đức Kitô, người phong hủi vẫn không vâng lời. Sự bất tuân của anh làm cho Chúa Giêsu không thể vào thành và dạy dỗ dân chúng được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta!
1.1/ Tâm hồn chúng cứ lầm lạc mãi, chúng nào biết đến đường lối của Ta:
(1) Biến cố trong sa mạc tại Meribah và Massah (Psa 95:7-11): Dân chúng đi trong sa mạc không có nước uống, họ kêu ca với Moses và Aaron hai lần. Lần đầu tại Marah (Exo 15:23), nước quá đắng họ không uống được, Thiên Chúa chỉ cho Moses lấy một khúc gỗ quăng xuống, nước liền hóa ngọt cho dân uống. Lần thứ hai tại Meribah (Exo 17:1-7, Num 20:1-13), dân chúng cũng kêu trách vì không có nước uống, Thiên Chúa bảo Moses và Aaron: "Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với Aaron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống." Ông Moses cầm lấy cây gậy ở trước nhan Đức Chúa, như Người đã truyền cho ông. Ông Moses và ông Aaron triệu tập đại hội trước tảng đá; ông Moses nói với họ: "Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không?" Ông Moses giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống” (Num 20:8-11).
Nếu một người so sánh những gì Thiên Chúa nói với những gì ông Moses làm, người đó sẽ nhận thấy ông Moses đã không vâng lời làm theo những gì Thiên Chúa truyền: Chúa bảo ông “các ngươi sẽ nói với tảng đá.” Ông Moses lấy gậy đập vào tảng đá, không chỉ đập một lần mà tới hai lần. Vì thế, đây là bài học muôn đời cho dân Israel và cho chúng ta: Hễ Thiên Chúa bảo gì, hãy làm đúng như vậy. Tác giả Thánh Vịnh 95 nhắc lại cho dân chúng sự kiện này để họ biết tầm quan trọng của việc vâng lời Thiên Chúa: “Vì thế, như lời Thánh Thần phán: Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng như hồi chúng nổi loạn, như ngày chúng thử thách Ta trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã từng dò xét mà thử thách Ta và đã thấy các việc Ta làm suốt bốn mươi năm. Vì thế, Ta đã nổi giận với dòng giống này, Ta đã nói: Tâm hồn chúng cứ lầm lạc mãi, chúng nào biết đến đường lối của Ta.”
(2) Hậu quả của việc không vâng lời: Bấy giờ Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aaron: "Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Israel, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng. Đó là mạch nước Meribah - nghĩa là gây chuyện - nơi con cái Israel đã gây chuyện với Đức Chúa, và Người đã biểu dương sự thánh thiện của Người giữa họ" (Num 20:12-13). Hai ông Moses và Aaron, mặc dù có công nhiều trong việc lãnh đạo dân Do-Thái ra khỏi Ai-Cập và cuộc hành trình suốt 40 năm trong sa mạc, đã không được lãnh đạo dân vào Đất Hứa vì biến cố bất tuân tại Meribah này. Thiên Chúa cho ông Moses thấy Đất Hứa rồi qua đời (Jos 1:1-2), nhưng đã chọn ông Joshua lãnh đạo đem dân vào Đất Hứa. Tác giả của Thánh Vịnh 95 cũng nhắc lại hậu quả này: “Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta!”
1.2/ Đừng chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô:
1) Nếu chối bỏ Đức Kitô: Sau khi Tác-giả Thư Do-Thái dùng bằng chứng của Cựu Ước để chứng minh sự quan trọng của việc vâng lời Thiên Chúa, ông áp dụng điều này trong Tân Ước. Vì Đức Kitô được Thiên Chúa sai đến để dạy dỗ và mang ơn Cứu Độ cho dân, tất cả mọi người phải tin vào Ngài và thực hành những gì Ngài dạy. Ông viết: “Thưa anh em, hãy đề phòng, đừng để người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Trái lại, ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt. Quả thế, chúng ta đã được thông phần Đức Kitô, miễn là chúng ta cứ giữ vững cho đến cùng căn bản của lòng tin đã có từ ban đầu.”
(2) Hậu quả của việc chối bỏ Đức Kitô: lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Theo các tác giả của Tân Ước, điều kiện để được hưởng ơn Cứu Độ là tin vào Đức Kitô. Ai không tin vào Đức Kitô, sẽ không có sự sống đời đời; và như thế, sẽ không bao giờ được chung sống với Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Người phong cùi được chữa lành, nhưng không nghe lời Thiên Chúa.
2.1/ Chúa Giêsu chữa lành người phong cùi: Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch." Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi!" Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.
2.2/ Lệnh truyền của Chúa Giêsu: Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: "Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Moses đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." Mục đích tại sao Chúa Giêsu làm phép lạ là vì thương bệnh nhân và muốn cho họ nhận ra Ngài là Thiên Chúa, chứ không phải để được tán dương ca tụng. Nếu sau khi lãnh nhận phép lạ, mà vẫn không tin vào Ngài, phép lạ đó coi như đã không đạt được mục đích.
2.3/ Anh được chữa lành phong hủi không nghe lời Chúa Giêsu: Trình thuật kể: “Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành.” Chúng ta cứ thử tưởng tượng, nếu Chúa Giêsu là một ông vua hay nhà lãnh đạo quân sự, điều gì sẽ xảy ra cho anh phong cùi này?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa và tuân giữ những gì Ngài truyền dạy.
- Vâng lời Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo không phải là hèn kém hay nô lệ, nhưng chứng tỏ sự khôn ngoan của chúng ta; vì chúng ta biết họ khôn ngoan và yêu thương chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ Năm tuần 1 thường niên
Sứ điệp: Chúa Giêsu chữa lành những đau khổ của con người, nhưng Chúa truyền giữ bí mật về vai trò cứu thế của Chúa. Chúa chỉ muốn sống như người tôi tớ khiêm tốn, âm thầm hy sinh phục vụ để cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nếu ngày nay Chúa sống trong thân phận con người giữa chúng con, chắc hẳn người ta sẽ đưa Chúa lên báo chí, truyền hình, truyền thanh. Người ta sẽ quảng cáo Chúa khắp các ngả đường. Và Chúa lại phải vất vả trốn vào hoang địa, Chúa lại tiếp tục ra chỉ thị cấm tuyên truyền đồn thổi về một vị cứu tinh mới xuất hiện.
Lạy Chúa, Chúa thực sự là Đấng Cứu Tinh nhân loại, nhưng Chúa chẳng muốn phô trương tuyên truyền. Những lời đồn đãi vội vã thường nông cạn và làm cho người ta hiểu lầm về sứ mạng của Chúa. Chính con đôi lúc vì thiếu học hỏi và suy gẫm về Chúa, nên cũng hiểu Chúa một cách méo mó, mơ hồ. Xin Chúa giúp con biết khám phá Chúa mỗi ngày. Xin giúp con chuyên chăm học hỏi và suy gẫm Lời Chúa, để có được một niềm tin xác thực và chắc chắn. Xin đừng để con theo Chúa chỉ vì những ước mơ trần tục để rồi có lúc phải thất vọng vì ảo tưởng.
Lạy Chúa, Chúa chỉ muốn sống như người tôi tớ, âm thầm, khiêm tốn, hy sinh, phục vụ. Xin cho con biết nhìn vào cuộc đời quên mình và cái chết của Chúa trên thánh giá để nhận ra tình thương và ơn cứu độ của Chúa. Và xin Chúa cho mọi người chúng con biết đem Tin Mừng đến cho người khác, không phải sự tuyên truyền quảng cáo, nhưng bằng một cuộc đời hy sinh phục vụ trong khiêm tốn và âm thầm như Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".
www.phatdiem.org
17/01/13 THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Th. Antôn, viện phụ
Mc 1,40-45

THƯƠNG XÓT NHƯ THẦY MÌNH
Đức Giê-su chạnh lòng thương, giơ tay đụng đến anh và bảo :" Ta muốn, anh sạch đi." (Mc 1,41)
Suy niệm: “Tôi luôn nhận ra rằng lòng nhân từ sinh hoa trái phong phú hơn là sự công bằng tuyệt đối” (Tổng thống Mỹ A. Lincoln). Lẽ ra người phong cùi này phải đứng cách Đức Giêsu hai mét như luật định. Lẽ ra Ngài không được phép  đụng vào anh như lề luật chỉ rõ. Thế nhưng, đối với Đức Giêsu, trong cuộc sống chỉ có luật duy nhất là luật yêu thương, cần và phải bày tỏ lòng thương xót với người thân cận. Bàn tay thanh sạch của Ngài đụng đến anh, một kẻ không được đụng đến. Điều kỳ diệu đã xảy ra: chứng phong biến mất, anh được thanh sạch. Nét độc đáo của Kitô giáo là đụng đến người không ai muốn đụng đến, yêu người không ai muốn yêu, và tha thứ cho kẻ không ai muốn tha thứ, vì Chúa của mình đã làm như vậy.
Mời Bạn: “Không ai hư mất trong mắt Thiên Chúa, ngay cả khi xã hội đã kết án người ấy” (Hồng y J. Lustiger). Bạn hãy nhìn ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, rồi thực hiện lòng thương xót ấy với những người đau khổ chung quanh bạn: đau khổ thể xác, đau khổ tinh thần. Bạn cũng không loại trừ ai ra khỏi thế giới bạn, vì không ai bị hư mất trong cái nhìn của Chúa.
Sống Lời Chúa: Lâu nay tôi thường đối xử khắc nghiệt, không khoan dung với ai? Hôm nay tôi sẽ thay đổi cách ứng xử, bày tỏ lòng trắc ẩn, nhân từ với những người anh em ấy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con nhìn ngắm mẫu gương yêu thương của Chúa qua việc bày tỏ lòng thương xót với những người bất hạnh. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, luôn cư xử với nhau trong lòng nhân ái. Amen.
www.5phutloichua.net

THỨ NĂM TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN 
Mc 1, 40 - 45
1. Ghi nhớ : "Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch". (Mc 1,40).
2. Suy niệm : Không phải một lần, mà nhiều lần Kinh Thánh cho thấy Chúa thường hay chạnh lòng thương trước đau khổ, bệnh tật và mất mát của con người và lần nầy Chúa chạnh lòng thương chữa người phong cùi được sạch.
Muốn được chữa khỏi bệnh tinh thần hay thể xác, ngưới ta phải đến với Chúa, với niềm tin mãnh liệt như người phong cùi quỳ xuống van xin...Muốn được khỏi tội, chúng ta phải chạy đến toà giải tội với lòng chân thành, sám hối ăn năn. Chúa có muôn ơn; nhưng chúng ta phải xin, Chúa mới cho. Tiệc cưới dọn sẳn, ai muốn ăn thì phải đến, và phải mặc áo cưới. Nhìn nhận mình có tội và quyết tâm sửa đổi, đó chính là sám hối, là chiếc áo cưới, để đi dự tiệc tha thứ nơi toà cáo giải.
3. Sống Lời Chúa : Mau mắn chạy đến toà cáo giải để được làm hòa với Chúa và với nhau.
4. Cầu nguyện : Chúng con biết những lỗi lầm đã phạm đến Chúa, nhưng thường hay chần chừ trong việc xưng thú tội lổi, xin cho chúng con mau mắn làm hoà với Chúa.. Amen.
www.giaophanvinhlong.net
CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Giáo hội Công giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi, và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo hội. 

Suy nim:
            Đây là quy chế người mắc bệnh phong theo sách Lêvi (13, 45-46). Người ấy phải mặc quần áo rách, để tóc bù xù, che môi trên, phải vừa đi vừa kêu lên : “Ô uế ! ô uế !” để người ta biết mà tránh xa. Người phong phải ở một mình, phải ở một chỗ bên ngoài trại…
            Như thế từ xa xưa, người ta đã biết đến sự dễ lây lan của bệnh phong và ảnh hưởng nguy hiểm trên thân xác do chứng bệnh này. Để được chứng nhận là đã khỏi bệnh, người phong phải trình tư tế, phải qua một quá trình phức tạp để thanh tẩy trong tám ngày, và phải dâng những con vật bị sát tế để làm lễ xá tội (Lêvi 14).
            Người phong trong bài Tin Mừng hôm nay đã không giữ Luật Môsê. Anh dám lại gần Đức Giêsu, dám tin ngài có khả năng làm anh được sạch, mặc dù theo truyền thống Kinh Thánh, chỉ Thiên Chúa mới làm được chuyện đó. Đức Giêsu vì thương anh, nên cũng đã làm điều không được phép. Ngài dám đưa bàn tay ra và đụng đến anh, đụng đến da thịt nhơ uế của anh, đến chính phận người hẩm hiu của anh, dù chỉ một lời của ngài thôi cũng đủ làm anh khỏi bệnh.
            Cái đụng của bàn tay Đức Giêsu đã không làm ngài bị ô uế. Trái lại, nó đã đem lại sự thanh sạch cho anh bị phong. Để làm phép lạ chữa bệnh rất lừng lẫy này, Đức Giêsu đã phải trả giá. Người phong khi được khỏi, đã không tránh được chuyện rêu rao. Vì thế người ta đổ xô nhau tới khiến ngài phải ở ngoài thành. Khi người khỏi bệnh vào được thành thì Đức Giêsu lại phải ở hoang địa !
            Thái độ chạnh lòng thương và đụng đến người phong của Đức Giêsu đã gợi hứng cho nhiều tâm hồn noi gương bắt chước. Tại nhiều trại phong ở Việt Nam, ta thấy bóng dáng của các nữ tu. Họ ở trại phong Bến Sắn, Di Linh, Quy Hòa, Văn Môn… Nhiều nữ tu đã hiến dâng tuổi trẻ của mình để phục vụ người phong, đụng đến những vết thương tàn phế nơi thân xác họ. Các chủng sinh Miền Bắc cũng đã quen tiếp xúc với người phong, ở lại với họ, săn sóc và chia sẻ thân phận của họ.
            Giáo hội Công giáo sung sướng được phục vụ người phong ở khắp nơi, và coi đây như một nét đặc trưng của khuôn mặt Giáo hội.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu thương mến, xin ban cho chúng con tỏa lan hương thơm của Chúa đến mọi nơi chúng con đi. Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa. Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con, để những người chúng con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa, không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".

Hãy coi chừng

Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quì xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch (Mc. 1, 40-42)
Phúc âm thánh Maccô nhấn mạnh đến một điều khá ngạc nhiên: nhiều lần Maccô tường thuật việc Chúa răn bảo, và cả đến truyền lệnh cho người ta phải giữ kín, không được nói cho ai biết Người là ai, Người làm gì. Xem ra Chúa Giêsu rất dè dặt và khôn ngoan khi nói: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả!”
Đừng có mới nới cũ
Khi dặn dò người phong hủi được chữa lành như vậy, tiên vàn Chúa có ý nhắc nhở anh hãy biết sống trung thành.
Chúa Giêsu không tin người ta một cách mù quáng, Người biết rõ bụng dạ mỗi người. Người biết rõ ta dễ dàng thả mồi bắt bóng. Người biết được một người mắc bệnh nan y lẽ nào lại không bùi tai khi nghe một ông lang vườn nói sẽ cho người ấy rất nhiều hy vọng chữa khỏi. Người biết chúng ta hay thay đổi: chỉ mới nghe nói, đây là phát minh cuối cùng, là đồ mới cáo “tuyệt cú mèo”, là ta đã vội đổ xô đến ngay. Hãy cầm thử một tờ báo mà coi, toàn là những tin tức và sự kiện, mà điều quan trọng là những tin tức và sự kiện ấy phải là sốt dẻo. Nhưng cái là nội dung tờ báo, cái mà xét cho cùng là đường giây mối rợ thông thường và căn bản cho cuộc sống, thì không ai ghi nhớ.
Thế nên, để đối lại với thái độ này của con người là hay thay đổi và chạy theo cái mới, Chúa Giêsu nhắc nhở ta hãy biết sống trung thành, biết giữ lấy sự liên tục: “Vì anh dã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền để làm chứng cho người ta biết”, có nghĩa là: “Anh đừng vội thay đổi tập tục tôn giáo! Anh hãy liên kết điều vừa xảy ra cho anh với điều anh vốn đã tin. Có một sự liên tục giữa Mô-sê với tôi.Và chúng ta có thể nghe đây như tiếng vang vọng: “Có sự liên tục giữa tập giáo lý đồng ấu với lối dạy giáo lý cho người lớn, có liên tục giữa cộng đoàn lớn với cộng đoàn nhỏ, có liên tục …”
Đào sâu hơn là trải rộng
Việc Chúa Giêsu nhắc nhở người cùi được chữa lành phải kín miệng, cũng làm cho ta ý thức đến một sự lầm lạc khác vốn rình rập ta: đó là tính hời hợt nông cạn. Hãy nhớ kỹ dụ ngôn người gieo giống: cây lúa mọc lên, nhưng chết khô vì thiếu đất ẩm. Hãy coi chừng khi ta hứng lên trở lại với Chúa mà chưa có thời gian thử thách. Đừng coi nước dầu bóng bên ngoài mà cho rằng gỗ tốt: vẻ bóng loáng ấy không nhất thiết đã bền.
 www.gplongxuyen.net
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Giêng
17 tháng giêng
Xây Dựng Một Bầu Khí
Sống Hoạt Yêu Thương
Nhiều khía cạnh khác của đời sống gia đình cũng cần được quan tâm. Chẳng hạn, chúng ta không được phép quên quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người già lão. Và cũng có những quyền lợi của gia đình xét như một toàn thể – tôi đã đề cập đến những quyền này trong Tông Huấn Familiaris consortio. Tòa Thánh đã đúc kết những quyền này trong bản “Hiến Chương Quyền Của Gia Đình”.
Tất cả các quyền ấy đều rất quan trọng; nhưng ở đây tôi muốân đề cập một cách đặc biệt đến quyền được giáo dục của con cái. Trách nhiệm giáo dục con cái mình là một trách nhiệm rất quan trọng của cha mẹ – qua đó họ giúp con cái mình đạt đến mức trưởng thành đầy đủ trong tất cả các giá trị căn bản nhất của đời sống. Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để giúp cho việc giáo dục toàn diện con cái trong đời sống cá nhân và xã hội trở nên dễ dàng. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể.” (GD 3).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns xuất bản, 1994.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Antôn, viện phụ; Dt 3, 7-14; Mc 1, 40-45.

LỜI SUY NIỆM: “Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi! Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.” (Mc 1, 41-42)
Đứng trước những con người bệnh tật, đói nghèo, bơ vơ Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương, và Ngài đã lấy quyển năng của Ngài để đụng đến và ban phát mọi ơn lành cần thiết cho họ. Trong cuộc sống của mọi con người. Chúa cũng đã đặt để trong họ có lòng trắc ẩn, mỗi khi đối diện những nỗi khổ đau của người đồng loại bất kể họ là ai: nam hay nữ, già hay trẻ đều đánh động đến lòng thương xót. Nhưng từ lòng trắc ẩn đến bàn tay và tấm lòng chia sẻ, phục vụ là một khoảng cách xa hay gần thì còn tùy ở mỗi người. Ước gì người Ki-tô hữu, mỗi khi chúng ta động lòng trắc ẩn trước một hoàn cảnh của người anh em: chúng ta nhìn thấy chính người đó là Chúa Giêsu của mình để tỏ lòng thương xót mà phục vụ giúp đỡ.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 17-01:
Thánh ANTÔN
Viện Phụ (Thế kỷ IV)

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ.
Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: "Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta" (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.
Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn. Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi "căn phòng" và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.
Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: - Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được.
Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: - Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.
Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: - Oi, lạy Chúa, Chúa ở đâu ? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con ?
Tiếng Chúa trả lờ i: - Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.
Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.
Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: - Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.
Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.
Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.
Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau: - Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.
Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:
- Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết ? Thánh nhân trả lời:
- Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.
Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.
Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: - Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.
Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ:
- Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô .
Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.
Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.
Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: - Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.
Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
17 Tháng Giêng
Cứ Ðể Yên Như Thế
Trong một tác phẩm có tựa đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", một tác giả người Italia là ông Mario Pomilio có tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Sau thời kỳ bách hại tại Roma, các tín hữu bắt đầu xây cất nhà thờ. Ðâu đâu người ta cũng thấy mọc lên nhà thờ. Tên của Ðức Mẹ và các Thánh được đặt cho các nhà thờ. Nhưng người ta vẫn chưa thấy có nhà thờ nào mang tên của Ngôi Lời. Thấy thế thánh Gioan mới đến báo cáo với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bèn ra lệnh cho thánh Phêrô khởi công xây cất một nhà thờ dâng kính cho Ngôi Lời.
Con người đã có một thời được mệnh danh là người xây dựng vĩ đại của Giáo Hội mới đi rảo khắp nơi để thu tập vật tư. Thánh Mathêô đã cung cấp đá. Thánh Marcô mang vôi đến. Thánh Luca tặng những cây trụ lớn. Còn Thánh Gioan thì cúng đá cẩm thạch để làm bàn thờ và vàng để làm nhà tạm..
Với tất cả những vật liệu cần thiết, Thánh Phêrô hớn hở bắt tay vào việc xây cất. Nhưng thời gian trôi qua, công sức đã tiêu hao quá nhiều mà người thợ xây Phêrô mới chỉ hoàn tất được việc đặt nền móng cho ngôi nhà thờ. Thấm mệt, vị thủ lãnh các tông đồ mới cầu xin Chúa: "Lạy Chúa, xin ban thêm cho con đủ sức để hoàn thành ngôi Nhà Thờ".
Chúa Giêsu mới trả lời: "Cứ để yên như thế. Ngươi hãy nhớ rằng cứ mỗi người đi ngang qua công trình này đều có thể mang đến một viên gạch, một ít vôi để xây tường và thế hệ này qua thế hệ khác, những cột trụ Ðền Thờ sẽ được dựng lên".
Có hai sự kiện xem ra tương phản nhau: tại Tây Phương, nhiều nhà thờ bị đóng cửa hoặc đem ra bán đấu giá, vì giáo dân không đủ cấp số hoặc không còn người lui tới nhà thờ. Trong khi đó thì tại Việt Nam, nhu cầu sửa chữa hoặc xây nhà thờ mới mỗi ngày một gia tăng.
Có thể có hai quan niệm sống đạo đằng sau hai sự kiện ấy. Nhiều người Tây Phương cho rằng sống đạo là sống Công Bình và Bác Ái, chứ không nhất thiết phải đến nhà thờ. Trong khi đó thì có người lại trách cứ rằng nhiều người Việt Nam chỉ giữ đạo hình thức, họ thích biểu dương tôn giáo, họ thích rước sách, họ đọc kinh làu làu, họ siêng năng đến nhà thờ, nhưng họ xem thường những đòi hỏi của Công Bình và Bác Ái.
Kỳ thực, giữ đạo trong nhà thờ mà không sống đạo bên ngoài nhà thờ là một thiếu sót, nếu không muốn nói là một thái độ giả hình mà Chúa Giêsu đã lên án gắt gao. Nhưng sống Công Bình và Bác Ái mà không múc lấy sức sống từ việc gặp gỡ Chúa nơi nhà thờ cũng là một thiếu sót. Người Kitô đích thực múc lấy sức sống từ Ðức Kitô và diễn đạt sức sống ấy qua cuộc sống thường ngày. Có nhà thờ để cầu nguyện nhưng cũng có chợ đời để gặp gỡ Chúa. Người Kitô hướng về Trời cao, nhưng vẫn còn bám lấy cõi Ðất. Người Kitô đến nhà thờ, mà để quay trở lại cuộc sống. Và cuộc sống cũng sẽ trở nên cằn cỗi, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng lương thực Thần Linh.
"Hãy trở nên những viên đá sống động". Ðó là ơn gọi của người Kitô chúng ta. Hãy trở thành những viên đá sống động không chỉ để xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng là để xây ngôi Ðền Thờ của cuộc sống. Cuộc sống có trở thành Ðền Thờ để gặp gỡ Chúa qua những gặp gỡ với tha nhân, qua những xây dựng Hòa Bình và yêu Thương, thì Ðền Thờ gỗ đá mới sống động.
(Lẽ Sống)
Thứ Năm 17-1
Thánh Antôn ở Ai Cập
(251 - 356)

C
uộc đời Thánh Antôn nhắc nhở chúng ta nhiều điểm về cuộc đời Thánh Phanxicô Assisi. Khi 20 tuổi, ngài thật cảm kích trước câu Phúc Âm, "Hãy đi và bán những gì anh có, và phân phát cho người nghèo" (Máccô 10:21b), và Thánh Antôn đã thực sự thi hành đúng như vậy với gia tài kếch sù của ngài. Thánh Antôn khác với Thánh Phanxicô ở cuộc đời ẩn dật. Ngài nhìn thấy thế gian đầy những cạm bẫy và đã sống nhân chứng cho Giáo Hội cũng như thế gian qua cuộc đời khổ hạnh nơi ẩn dật, đầy hy sinh hãm mình và cầu nguyện. Nhưng không vị thánh nào thực sự xa lánh xã hội, và Thánh Antôn đã thu hút người ta đến với ngài để được hướng dẫn và chữa lành tâm linh.
Lúc 54 tuổi, theo lời thỉnh cầu của nhiều người, ngài đã sáng lập một loại đan viện với các phòng ở rải rác cách nhau. Lúc 60 tuổi, ngài hy vọng sẽ là vị tử đạo trong thời tái bách hại của Rôma năm 311, và ngài đã không sợ nguy hiểm khi hỗ trợ tinh thần và giảng dạy đạo lý cho những người trong tù. Năm 88 tuổi, ngài chống với bè rối Arian (từ chối thiên tính của Ðức Kitô), vết thương to lớn ấy đã khiến Giáo Hội phải mất nhiều thế kỷ mới phục hồi được.
Ảnh Thánh Antôn thường được vẽ với thập giá hình chữ T, một cuốn sách và một con heo. Thập giá và con heo tượng trưng cho cuộc chiến dũng cảm của ngài chống với ma quỷ -- thập giá luôn luôn là phương tiện quyền lực giúp ngài chế ngự ma quỷ, được tượng trưng là con heo. Cuốn sách nói lên sở thích của ngài là "học hỏi từ thiên nhiên" thay vì sách vở in ấn.
Thánh Antôn chết trong cô độc khi ngài 105 tuổi.
Lời Bàn
Trong thời đại mà người ta coi thường ma qủy và thiên thần, một người có sức mạnh chế ngự ma quỷ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Và trong thời buổi người ta nói đến đời sống như cuộc chạy đua nước rút thì một người dành cả cuộc đời cho sự cô quạnh và cầu nguyện đã nói lên những căn bản quan trọng của đời sống Kitô Hữu. Ðời sống ẩn dật của Thánh Antôn nhắc nhở chúng ta về sự tuyệt đối cắt đứt tội lỗi và hoàn toàn tận hiến cho Ðức Kitô. Ngay cả trong thế giới tốt lành của Thiên Chúa cũng còn một thế giới khác mà giá trị giả dối của nó luôn cám dỗ chúng ta.
www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét