Trang

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

28-02-2013 : THỨ HAI TUẦN III MÙA THƯỜNG NIÊN năm lẻ


Thứ Hai 28/01/2013
Thứ Hai Tuần III Mùa Thường Niên Năm lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 9, 15. 24-28
"Người chỉ tế lễ chính mình một lần để huỷ diệt tội lỗi, Người sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu độ những ai trông đợi Người".
 Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc các tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ. Đức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra, chỉ là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần: nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là phán xét, thì Đức Kitô cũng tế hiến một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Người. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4. 5-6.
Đáp: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Đáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là vua. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 3, 22-30
"Satan phải diệt vong".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: "Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám", và nói thêm rằng: "Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ". Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: "Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời". Đó là vì họ nói "Người bị thần ô uế ám". Đó là lời Chúa.

Suy Niệm: Tội ngoan cố
Hoạt động của Chúa Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Yêrusalem, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.
Chúa Giêsu đã rao giảng một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Yêrusalem đến, lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.
Trước những hành động kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài được thực hiện qua Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 3 TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chúa Giêsu đến để tiêu diệt tội lỗi và các việc làm của ma quỉ.
Trong hành trình đi tìm sự thật, con người phải để tâm hồn rộng mở, suy xét cẩn thận, và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi sự thật. Điều nguy hiểm nhất là tội ngoan cố trong sự sai trái của mình, tin hay tố cáo người khác những gì ngược lại với sự thật.
Các Bải Đọc hôm nay tập trung trong những gì Chúa Giêsu làm để tiêu diệt tội lỗi và chuẩn bị cho con người được xứng đáng lãnh nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Thư Do-Thái so sánh hiệu quả của Giao Ước cũ và mới. Giao Ước cũ không thể cất đi các tội của con người vì máu chiên bò không đủ mạnh để làm chuyện đó. Giao Ước mới có thể tẩy sạch tội của con người vì máu Chúa Giêsu, dù chỉ đổ một lần; và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các Kinh-sư tố cáo Chúa Giêsu “bị quỷ vương Beezebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Chúa Giêsu vạch ra sự sai trá của lời tố cáo này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
1.1/ Sự khác biệt giữa hai Giao Ước: Tác giả đã nói lý do tại sao Giao Ước mới hòan hảo hơn Giao Ước cũ; giờ đây ông chỉ lặp lại những gì đã nói: (1) Chúa Giêsu là trung gian của một Giao Ước Mới; (2) Ngài lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ; và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa; (3) Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.
1.2/ Chúa Giêsu chỉ hiến tế một lần là đủ: Theo Giao Ước cũ, vị thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài vật mà vào cung thánh để đền tội cho mình và cho dân. Theo Giao Ước mới, Thượng Tế Giêsu không phải dâng chính mình làm của lễ nhiều lần. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu phải có quyền năng mạnh hơn Satan.
Trình thuật hôm nay của Marcô tiếp tục trình thuật “Chúa Giêsu bị thân nhân bắt đem về nhà,” vì họ nghĩ Ngài đã hóa điên. Chúng ta đã nói tới lý do Chúa Giêsu đã quá yêu thương con người, nên Ngài dành hết mọi thời gian để dạy dỗ và chữa lành dân chúng, đến nỗi Ngài không còn thời giờ ăn uống. Các Kinh-sư trong trình thuật hôm nay đến từ kinh-đô Jerusalem, có lẽ đã được nghe báo cáo từ các Kinh-sư địa phương, buộc tội Ngài: “Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
2.1/ Chúa Giêsu trả lời 2 tố cáo của họ:
(1) Người bị quỷ vương Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-Thái Baalzebub. Trong Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được dùng ở đây và trong Mt 10:25, không thông dụng bằng Satan.
Chúa Giêsu dùng lý luận triệt tam ở đây: một vật không thể vừa có vừa không một lúc. Satan không thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.” Chúa Giêsu không thể nào bị đồng hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và giải thóat con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.
(2) Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là Vua, người cai trị dân chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải đương đầu với quyền lực của nhà Vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự: “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.”
Tương tự, quỉ vương hay Satan, là người lãnh đạo các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động đến chính Satan. Chúa Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ ngay cả chính Satan, huống hồ gì là các thần ô uế của nó. Vì thế, các tố cáo của các Kinh-sư không có lý do vững chắc.
2.2/ Tội phạm đến Chúa Thánh Thần: "Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời."
(1) Tội nào là tội phạm đến Chúa Thánh Thần? Trước tiên, Chúa Thánh Thần là sự thật; vai trò của Ngài là giúp cho con người nhận ra sự thật từ sự giả trá. Nếu sau khi đã được Chúa Thánh Thần dạy bảo nhiều lần, một người vẫn ngoan cố không nhận ra sự thật, hay tệ hơn, cho sự gian trá là sự thật; người đó đã phạm đến Chúa Thánh Thần. Ví dụ: trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với các Kinh-sư, Chúa Giêsu đã lấy quyền năng của Thiên Chúa khai trừ thần ô uế ra khỏi con người. Sau khi đã được Chúa Giêsu cắt nghĩa cẩn thận bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong, mà các Kinh-sư vẫn chối từ sự thật và ngoan cố cho Chúa Giêsu là “bị các thần ô uế ám;” họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
(2) Tại sao tội phạm đến Chúa Thánh Thần không được tha? Điều kiện để được tha tội là con người phải nhận ra những tội của mình, ăn năn sám hối, và thú nhận tội lỗi của mình. Vì người phạm đến Chúa Thánh Thần không nhận ra mình có tội, nên cũng chẳng cần ăn năn sám hối và thú tội. Với một thái độ như thế, làm sao tội có thể được tha?
Vấn đề của nhiều người thời nay là thái độ tự cho mình là công chính; họ mất hết ý thức về tội lỗi, và không còn cho điều gì là tội nữa. Nếu những người này cứ giữ thái độ ngoan cố như thế cho tới chết, họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Thượng Tế đã dâng hy lễ là chính thân thể Ngài để tiêu diệt tội lỗi và gánh tội cho con người; nhờ đó, con người đã được hòa giải với Thiên Chúa.
- Chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi phán xét kẻ khác để tránh những mâu thuẫn và phán xét không có cơ sở. Phải tránh xa những phán xét vì ghen tương và sợ người khác hơn mình.
- Chúng ta phải luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật; và nhất là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần bên trong.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Thứ hai tuần 3 thường niên
Sứ điệp: Đức Kitô dùng uy quyền của Thiên Chúa để chiến thắng quỷ dữ. Muốn chiến thắng quỷ dữ, ta cũng phải cậy nhờ quyền năng của Thánh Thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thật là vinh phúc cho con. Con đã được Chúa gọi vào số những môn đệ của Chúa. Chúa đã dùng chính cái chết của Chúa để chiến thắng quỷ dữ và dẫn đưa con vào giao ước tình yêu.
Lạy Chúa, xin Chúa giúp con biết liên kết với Chúa để nhờ ơn Chúa con chiến thắng được quỷ dữ. Cuộc đời con thường xuyên phải chiến đấu với ma quỷ và tay chân của nó là thế gian và xác thịt. Nếu không có ơn Chúa, con sẽ thua trận và quỵ ngã. Lạy Chúa là sức mạnh con, xin đừng để con thua một cơn cám dỗ nào. Xin cho con biết tin tưởng vào sức mạnh của Thánh giá.
Lạy Chúa Giêsu, để minh chứng về uy quyền của Chúa. Chúa đã dùng ví dụ một người coi nhà canh trộm, con đang canh giữ linh hồn con khỏi kẻ trộm ghê gớm là Satan gian manh. Con chắc chắn sẽ thắng được kẻ trộm này nếu con có Chúa trong lòng. Vậy xin Chúa đừng để con bao giờ mất Chúa. Xin giúp con luôn sống thân tình với Chúa. Con chạy đến với Chúa trong Thánh lễ, xin ban thêm sức mạnh cho con. Hằng ngày Chúa đang mời gọi con đến lãnh nhận nguồn sức mạnh và bảo đảm phần thưởng trên trời. Con lãnh nhận Mình Thánh Chúa, xin cho con được say mê tình Chúa, được đầy lửa mến của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa lôi kéo con. Xin cho con thuộc trọn về Chúa.
Con xin dâng Chúa hơi thở, tư tưởng linh hoạt, lý tưởng và mọi sự Chúa đã ban cho con. Xin giúp con luôn nhớ con là của Chúa và sống trọn vẹn cho Chúa. Amen.
Ghi nhớ : "Satan phải diệt vong".
www.phatdiem.org
28/01/13 THỨ HAI TUẦN 3 TN
Th. Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 3,22-30

Suy niệm: Trong các lớp giáo lý—dành cho thiếu nhi cũng như người lớn—khi nhắc đến tội phạm đến Thánh Thần, là thứ tội không được tha, ai cũng thường thắc mắc không biết tội ấy là tội gì, biết để mà tránh sợ ‘mất linh hồn đời đời’, cứ nghĩ rằng chắc là tội ‘to lắm’ đến nỗi không bao giờ được tha. Thật ra, người đã sợ mắc tội-không-được-tha này thì rõ ràng người ấy chưa bao giờ phạm tội đó. Bởi vì nếu một người phạm tội mà xin Chúa tha thứ thì không bao giờ Ngài từ chối. Chỉ những ai từ chối sự tha thứ, không chịu sám hối thì mới không thể được tha: Họ không được tha không phải vì Chúa không tha mà vì họ không muốn được tha; họ từ chối sự tha thứ là vì đã từ chối sự thật, không nhìn nhận thực trạng tội lỗi của mình, nói cách khác, không nhìn nhận Đức Kitô là chính Đấng Cứu độ (Cv 16,30-31).
Mời Bạn: Khái niệm về tội xem ra ngày càng bị lu mờ, sai lệch vì thế mà nhiều khi phạm tội mà cứ viện đủ lý do để cho rằng mình không có tội gì phải sám hối. Thiên Chúa được định nghĩa là Đấng giàu lòng thương xót, Ngài luôn tha thứ hết mọi tội con người phạm nếu người ấy có lòng sám hối. Nhận ra mình là người có tội xúc phạm đến Chúa và tha nhân là điều kiện tiên quyết để được hưởng ơn Chúa tha tội.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày để nhận ra tội lỗi của mình và xin ơn sám hối.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã đến thế gian để gánh lấy tội con. Xin cho con biết mình là tội nhân để luôn trông cậy vào lượng từ bi của Chúa và sống bao dung với anh chị em. Amen.
www.5phutloichua.net

VÀO NHÀ MỘT NGƯỜI MẠNH
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan. Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa, và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.
Suy nim:
            Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21), nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám, dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám.  Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều. Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám, không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bêendêbun. Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22). Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng, vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử. 
            Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà. Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện  và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này. Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương,  đó là Xatan hay Bêendêbun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22). Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người. Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.
            Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước: từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo,  rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).
Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.
            Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới. Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan, phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20). Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế. 
            Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà. Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt. Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).
Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7). Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm. Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ, và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.
            Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan.  Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa, và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.  Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28), nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bêendêbun,  thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).
            Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế.  Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm. Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.
            Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28), trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?
Cầu nguyn:

            Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người, Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

            Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin. Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Satan phải diệt vong".
Nguyên tắc sống không mâu thuẫn
Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được.
Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Sa tan làm sao trừ Sa tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền.” (Mc. 3, 20. 23-24)
Chúa Giêsu vẫn có những kẻ luôn rình mò Người, họ không ngại đẩy Người vào những cuộc tranh luận ở nơi công cộng. Hôm nay, các kinh sư từ Giêrusalem xuống đả kích chính tư cách bản thân Người: “Ông ấy bị thần ô uế ám”.
Tố cáo
Theo cái nhìn của những kinh sư, Chúa Giêsu là con người có nhiều mâu thuẫn. Người cho mình là Thiên Chúa mà lại không tôn trọng luật giữ ngày sa-bát? Người giao du quá dễ dàng với những người tội lỗi và quân thu thuế. Người giảng dạy và chữa bệnh với uy quyền như vậy mà lại không giữ được tư cách đàng hoàng. Tại sao và tại sao? Tóm lại, những kinh sư cho rằng Chúa Giêsu chẳng có gì phù hợp với quan niệm hay mô hình về một ngôn sứ hoặc người công chính theo như họ tưởng.
Bào chữa
Đáp lại những lời tố cáo của các kinh sư, Chúa Giêsu cho họ thấy nơi Người không có gì là mâu thuẫn cả, viện lẽ rằng không ai lại tự hủy diệt chính mình. Khi giao tiếp với ác thần, Người có tiêu diệt được nó không? Khi can thiệp để chữa cho một người bị qủy ám, chẳng phải vì Người có quyền trên thần ô uế đó sao?
Chúng ta có liên đới vơi Người không
Đến lượt mình, người tín hữu cũng sẽ bị người đời chất vấn: bạn theo ai? Người tín hữu cũng như bất cứ ai hằng gắn bó với một giáo thuyết hay một mẫu gương nào đó và muốn sống trọn với điều ôm ấp ấy, sớm muộn gì cũng sẽ phải trả lời cho biết hành động của mình có đi đôi với giáo thuyết mình tán dương không.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, ngày nay chúng ta phải chịu nhiều tố cáo và phê phán, là bởi tại đời sống làm chứng của ta không thật trong sáng, vả chăng lại còn nhiều cách biệt và mâu thuẫn giữa việc ta làm và lời Chúa dạy. Ta vẫn biết cầu nguyện là cần thiết và phải dành thời giờ cho việc ấy, nhưng sự cần thiết và thời gian được dành có phù hợp với nhau không? Ta có phấn đấu và tẩy sạch những lu mờ để đời sống bác ái của ta là tấm gương sáng phản ảnh Chúa, và trở nên Thân thể Chúa Kitô không?
Tóm lại, các kinh sư là những người hay chất vấn. Những kinh sư của thời nay cũng vẫn còn dựa vào nguyên tắc “Ngôn hành tương ứng” nói sao làm vậy để đo lường giá trị con người của ta: cây tốt thì sinh quả tốt…. Cây tốt không thể sinh quả xấu. Họ không lầm để kiểm tra ta trong vấn đề này.
www.gplongxuyen.net
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Giêng
28 THÁNG GIÊNG
Làm Việc Là Một Quyền Căn Bản
Tầm mức toàn cầu của vấn đề lao động đang thúc bách chúng ta phải khẩn trương làm một cái gì đó. Không thể chần chừ thêm nữa. Đó là một trong những quan điểm của Thông Điệp Laborem exercens, cũng đồng nhịp với nhu cầu cần phải có những sự cộng tác quốc tế thông qua những hiệp ước và những bản thỏa thuận. “Căn bản của những hiệp ước này phải nhắm đến việc liệu sao cho có thêm việc làm cho người ta. Quyền làm việc là quyền căn bản của mọi người, và những người cùng làm việc như nhau phải được hưởng thù lao tương ứng với nhau. Phải liệu sao cho mức sống của người lao động trong mọi xã hội có thể bớt bộc lộ những sự chênh lệch khủng khiếp về mức lương bổng – là điều vốn bất công và thậm chí có thể châm ngòi cho những phản ứng bạo động” (Số 18). Vì thế, ở đây các nhà lãnh đạo quốc gia phải đứng trước một công cuộc có qui mô rất lớn.
Bản thân người lao động cũng có thể đóng góp vào công cuộc lớn lao này, bằng cách hiện diện trong những tổ chức quốc tế nơi mà họ có một tiếng nói đầy sức tác động, chẳng hạn Tổ Chức Lao Động Quốc Tế.
Trong phạm vi quốc gia mình, người lao động được kỳ vọng tác động vào công luận. Tại những nước dân chủ, điều đó có thể góp phần tạo ra những chính sách đặt nền tảng không phải trên sự phân biệt đối xử nhưng là trên cơ sở rằng người ta có quyền được nuôi sống chính mình và gia đình mình một cách thích đáng. Chúng ta phải nắm vững nhãn quan này về thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại, một nhãn quan đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những sự chênh lệch quá lớn giữa các quốc gia – về vấn đề việc làm và về tiềm lực kinh tế.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28-01
Thánh Tôma Aquinô, linh mục tiến sĩ Hội Thánh; Dt 9, 15.24-28; Mc 3, 22-30.

LỜI SUY NIỆM: “Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền, nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.” (Mc 3,23-26).
Khi Chúa Giêsu lấy quyền năng của Thiên Chúa mà trừ quỷ cho một người bị quỷ ám, những người Pharisêu đã không nhìn với con mắt đức tin. Tin Chúa Giêsu là Đấng Ki-tô, nhưng lại nhìn với đầu óc hẹp hòi và đố kỵ của họ, họ chỉ xem Chúa Giêsu chỉ là một con người tầm thường như mọi con người khác, giống như những ông phù thủy. Đuổi quỷ vốn là một hiện tượng thông thường ở phương Đông. Và họ cho việc Chúa Giêsu trừ quỷ chỉ là một sự liên minh với quỷ. Qua biến cố này, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết mọi sự chia rẽ sẽ dẫn đến sự tan rã. Trong mỗi cộng đoàn luôn phải ý thức chúng ta đều là những tế bào trong Nhiệm Thể Đức Giêsu Ki-tô, phải nên một với nhau, như Ngài và Chúa Cha là một. Khi đó mới tồn tại và vững bền.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 28-01: Thánh TÔMA AQUINÔ
Linh mục Tiến sĩ (1225-1274)

Tại vương quốc Naples, người vợ quí phái của lãnh chúa Aquinô được vị tu sĩ Thánh thiện cho biết, là bà sẽ rất đỗi vui mừng vì con trẻ bà mong đợi sẽ sáng chói với sự hiểu biết khôn sánh, Người con ấy là Tôma. Ngài sẽ là một vị thánh trong hàng ngũ các thánh. Toma sinh tại lâu đài Roccasecca, gần Naples khoảng năm 1225.
Được sáu tuổi cha nàng dẫn tới tu viện Montê Cassinô. Con trẻ được dâng hiến đã hỏi: - Thiên Chúa là gì ?
Và các tu sĩ ngạc nhiên vì thấy chìm đắm trong các suy ngắm (quá sớm và sáng suốt) ấy.
Lúc mười tuổi, Ngài được gửi tới đại học Naples. Các giáo sự đã khám phá ra dưới dáng vẻ nhút nhát của Ngài, một trí khôn thượng thặng và một đời sống siêu nhiên sáng ngời với các đức tính hiền hòa, trong trắng và đức ái của Ngài. Trong những kỳ nghỉ tại lâu đài cùng cha mẹ, Ngài gắng sức trợ giúp người nghèo. Điều này làm cho chủ lâu đài phiền trách Ngài. Tình yêu của Ngài đối với người mẹ thật bao la và đã tạo nên mối dày vò suốt đời.
Khi chưa tốt nghiệp đại học, Ngài đã quyết định vào dòng Đa-minh. Lúc ấy dòng thành lập chưa được ba năm. Gia đình Ngài rúng động với ý tưởng một con người quý phái như vậy lại trở thành một tu sĩ dòng ăn xin. Ngoài ra họ còn mong mỏi rằng: một ngày kia, Ngài sẽ còn làm điều gì đó, để phục hồi vận mệnh của họ bằng việc trở lại làm tu viện trưởng Montê Cassinô. Nghe được tin, các anh của Ngài đang là sĩ quan trong quân đội, đã giận dữ. Họ bắt Ngài trên đường đi Roma và giam Ngài dưới chân tháp của lâu đài. Gia đình gắng công vô ích khi nài nỉ, đe dọa và quyến rũ Tôma đổi ý.
Các anh Ngài còn dùng tới một cô gái làng chơi để hại người nữa. Nhưng cương quyết, Tôma đã dùng cây củi cháy để xua đuổi nàng, rồi dùng than củi này vẽ lên tường hình thánh giá. Quỳ xuống trước hình thánh giá, Toma với nhiệt tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết, lập lại lời hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Được hai năm, các chị Ngài đã cảm động trước sư cương nghị và những khổ cực của Ngài, đã giúp Ngài trốn qua cửa sổ bằng một cái thúng. Các tu sĩ Đaminh đợi Ngài dưới chân tháp.
Tôma khấn dòng ở Naples, rồi đi bộ từ Roma tới đại học Colonia.
Trong môi trường học thức ưu việt này, Ngài cố dấu kín các bước tiến khác thường của mình như Ngài đã che kín vinh dự gia đình. Không khi nào Ngài đã để cho người ta ngờ rằng mình là cháu của hoàng đế Barberoussa và là bà con của vua Frêdêric II cả. Khiêm tốn là bà hoàng của lòng Ngài. Ngày kia một bạn học giảng bài cho Ngài. Toma phải là bậc thầy của anh, đã tiếp nhận bài học với lòng biết ơn. Đó là thói câm lặng của Toma. Vì bình dị nên Ngài bị coi là đần độn. Người ta gọi chàng trai to con này là con bò câm.
Nhưng thày Albertô đã coi Ngài như một thiên tài và tuyên bố: - Con bò nầy sẽ rống lớn, đến nỗi những tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp thế giới.
Người sinh viên tài ba này đã tỏ ra dễ dạy như một trẻ em. Tại phòng ăn, vị chủ chăn lầm lẫn, đã bắt Ngài sửa lại cách phát âm đã chính xác. Lập tức Toma sửa lại liền. Sau bữa ăn các bạn Ngài bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng thánh nhân trả lời: - Điều quan trọng không phải là cách phát âm của một từ ngữ, nhưng là biết khiêm tốn vâng phục hay không.
Lúc hai mươi tuổi, Tôma đã được gọi làm giáo sư tại Côlônia, Ngài xuất bản một tác phẩm danh tiếng, rồi đi Paris mở trường dạy triết học ở đường thánh Giacôbê và thụ phong linh mục. Các nhà trí thức tới hỏi ý Ngài. Vua Lu-y IX xin ý kiến Ngài trong những việc hệ trọng và mời Ngài đồng ban dự tiệc.
Nhưng không hoàn cảnh nào đã làm cho Tôma chia trí khỏi những suy tư sâu xa. Chẳng hạn tại bàn ăn của nhà vua, người ta thấy Ngài bất chợt ra khỏi sự yên lặng của mình, đập mạnh lên bàn và kêu lên:- Đây rồi, một luận chứng quyết liệt chống lại những người theo phái Manicheô.
Bối rối vì quên rằng mình đang ở trước mặt vua, Ngài muốn xin lỗi, nhưng vua thánh đã truyền cho Ngài đọc ngay cho thơ ký chép lại những suy tư có giá trị siêu việt đó.
Kinh nguyện, làm việc và ý chí là những yếu tố tạo nên sức mạnh của Tôma, Ngài nói: - Ai không cầu nguyện thì cũng giống như người lính chiến đấu mà không có khí giới.
Ngài định nghĩa sự nhàn rỗi như là: - Cái búa mà quân thù bửa xuống.
Ngài trả lời cho bà chị hỏi làm sao để được cứu rỗi: - Phải muốn.
Dầu bận việc rao giảng, dạy học và đi tới những nơi Đức Thánh Cha sai tới Thánh Toma vẫn viết nhiều tác phẩm thành công rực rỡ. Trong một lần hiện ra, Ngài nghe thấy thầy chí thánh nói với mình: - Hỡi con, con đã viết cách xứng đáng về ta, con muốn được thưởng gì ?
Tôma trả lời: - Oi lạy Chúa, con không muốn gì ngoài Chúa cả.
Người ta quả quyết rằng: Ngài đã nói chuyện với Đức Trinh Nữ, các thiên thần và các thánh. Và khi cầu nguyện tâm hồn Ngài như lìa khỏi xác. Ngài còn được mệnh danh mãi là "Tiến sĩ thiên thần" Ngài có một tâm hồn vui tươi, nhã nhặn với anh em, đến nỗi có người nói: - Mỗi lần thấy và nói chuyện với Ngài, tôi thấy như tràn ngập niềm vui thiêng liêng.
Thánh nhân đã qua mười năm tại Italia. Một phần trong thời gian nầy ở trong giáo triều, Đức Thánh cha Urbanô đã trao phó cho Ngài nhiều trọng trách, rõ ràng nhất là lo cải hóa người Do thái. Đức thánh cha còn muốn gọi Ngài lên chức giám mục nhưng Ngài đã từ chối. Năm 1269 Ngài trở lại Paris để dạy thần học. Năm 1272 Ngài được gọi về Naples để lo việc cho nhà mẹ dòng Daminh. Được năm cuối đời Ngài cống hiến để hoàn tất một tác phẩm vĩ đại, bộ "Tổng luận thần học".
Nhưng cuối năm 1273 đột nhiên Ngài ngừng viết. Khi dâng thánh lễ, Ngài bỗng có linh nghiệm rằng mình không thể viết thêm được nữa. Réginald, thơ ký của Ngài thúc giục viết thêm, thánh nhân đã trả lời rằng: theo điều đã hiển hiện cho Ngài thì tất cả chẳng ra gì: - "Vì mọi điều tôi đã viết đối với tôi chỉ là rơm rác so với điều đã được mạc khải cho tôi thấy".
Đức Grêgôriô cho mời thày dòng danh tiếng đến dự công đồng Lyon. Dầu bệnh hoạn, thánh Toma đã tuân phục và đi bộ với hai anh em để tới dự công đồng. Đi đường lên cơn sốt. Sức khỏe đã chận Người lại tu viện Fossa Nova.
Cảm thấy sắp chết, Ngài tuyên xưng đức tin và khi rước lễ, Ngài nói: - Tôi tin vững rằng: Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật trong bí tích này, con thờ lạy Chúa, ôi Thiên Chúa, đấng cứu chuộc con".
Ngài qua đời đơn sơ và dịu hiền của một trẻ em không ngừng chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
Năm 1323 Ngài được phong thánh và được tuyên bố làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1567, Đức Lêo XIII đã đặt Ngài làm Đấng bảo trợ các nhà thần học và các trường công giáo.
(Daminhvn.net)
++++++++++++++++++
28 Tháng Giêng
Nhân Vô Thập Toàn
Theo một cổ truyện của người Hồi Giáo, thì Nasruddin là hiện thân của những người độc thân khó tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi được hỏi về lý do tại sao ông không bao giờ lập gia đình, Nasruddin đã giải thích như sau: "Suốt cả tuổi thanh niên, tôi đã dành trọn thời giờ để tìm kiếm người đàn bà hoàn hảo. Tại Cairo, thủ đo của Ai Cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa đẹp vừa thông minh, với đôi mắt đen ngời như hạt oliu. Ðẹp và thông minh, nhưng người đàn bà này không có vẻ dịu hiền chút nào. Tôi đành bỏ Cairo để đi Baghdad, thủ đô Iraq, để may tìm ra người đàn bà lý tưởng tôi hằng mơ ước. Tại đây, tôi đã tìm thấy một người đàn bà hoàn hảo như tôi mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh và cũng có tấm lòng quảng đại nữa. Nhưng chỉ có điều là hai chúng tôi không bao giờ có đồng quan điểm với nhau về bât cứ điều gì.
Hết người đàn bà này đến người đàn bà khác: người được điều này, người thiếu điều kia. Tôi tưởng mình sẽ không bao giờ tìm được người đàn bà lý tưởng cho cuộc đời. Thế rồi, một hôm tôi gặp được nàng, người đàn bà cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của tôi. Nàng kết hợp tất cả những đức tính mà tôi hằng mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh, vừa quảng đại tử tế. Nàng đúng là người đàn bà hoàn hảo.
Nhưng cuối cùng, tôi đành phải quyết ở độc thân suốt đời. Các bạn có biết tại sao không? Nàng cũng đang đi tìm một người đàn ông hoàn hảo. Và tôi đã được nàng chấm như một người đàn ông còn quá nhiều thiếu sót.
Người đàn ông suốt đời độc thân trong câu chuyện trên đây đã quên một trong những quy luật cơ bản nhất của cuộc sống: đó là luật thích nghi. Thay vì bắt người khác và cuộc sống phải thích nghi với chúng ta, chính chúng ta phải là người thích nghi với người khác và cuộc sống. người đàn ông trong câu chuyện đã tìm được người đàn bà lý tưởng, nhưng chỉ tiếc rằng ông chưa biết trở thành một người đàn ông lý tưởng để có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà ấy.
Tâm lý thông thường của con người là thích đòi hỏi người khác hơn là đòi hỏi chính mình. Chúng ta đòi hỏi người khác phải thế này thế nọ với chúng ta, nhưng chúng ta quên rằng chúng ta chưa làm những gì người khác cũng trông chờ nơi chúng ta.
Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc để xử sự trong cuộc sống: "Những gì ngươi không muốn người khác làm cho ngươi, thì ngươi cũng đừng làm điều đó cho người khác". Nếu chúng ta không muốn ai đối xử bất công với chúng ta, chúng ta hãy sống công bình. Nếu chúng ta không muốn ai cư xử hẹp hòi ích kỷ với chúng ta, chúng ta hãy sống quảng đại, độ lượng. Nếu chúng ta không muốn người khác cau có với chúng ta, chúng ta hãy luôn mang bộ mặt của tươi vui, phấn khởi đến với người.
(Lẽ Sống)
Thứ Hai 28-1

Thánh Tôma Aquinas

(1225 - 1274)

Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinas là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Ngài là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ Thiên Thần.
Lúc năm tuổi, ngài được cha mẹ cho vào tu viện Biển Ðức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ thích lối sống ấy và trở nên một tu viện trưởng. Trong tu viện, các thầy giáo đều ngạc nhiên về sự tiến bộ của ngài, và mọi bạn cùng lớp đều thua kém ngài về việc học cũng như việc trau dồi nhân đức.
Khi đến tuổi khôn được lựa chọn con đường cho chính mình, Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian và quyết tâm chọn Dòng Ða Minh trái với ý định của cha mẹ. Năm 1239, lúc mười bảy tuổi, ngài gia nhập Dòng Ða Minh ở Naples. Theo lệnh của bà mẹ, ngài bị các anh em bắt cóc và giam ở nhà trên một năm trời. Gia đình còn đi xa hơn nữa bằng cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài. Nhưng tất cả mọi cố gắng ấy đều vô hiệu, Thánh Tôma vẫn kiên trì với ơn gọi. Như một phần thưởng cho sự trung tín này, Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn thanh sạch tuyệt đối, mà nhờ đó ngài xứng đáng với tước vị là "Tiến Sĩ Thiên Thần."
Sau khi tuyên khấn ở Naples, ngài theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả. Ở đây ngài có biệt danh là "bò câm", vì ngài to con và thường im lặng, nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Ðồng thời ngài cũng bắt đầu công bố các sáng tác của ngài. Bốn năm sau, ngài được gửi đến Balê. Vào năm ba mươi mốt tuổi, ngài đậu bằng tiến sĩ.
Ở Balê, ngài được vinh dự làm bạn với Vua Louis (sau này được phong thánh). Năm 1261, Ðức Urbanô IV gọi ngài về Rôma để dạy học, và ngài nhất quyết từ chối mọi vinh dự của một chức sắc trong giáo hội. Không những Thánh Tôma có tài viết, mà ngài còn có tài giảng thuyết với nhiều kết quả tốt đẹp.
Sự đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội Công Giáo là các trước tác. Sự đồng nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của mặc khải và kiến thức loài người, được thấy đầy dẫy trong các văn bản của ngài.
Tập "Summa Theologica" là công trình sau cùng của ngài đề cập đến toàn thể thần học Công Giáo, nhưng không may chưa được hoàn tất. Ngài ngưng sáng tác sau khi cử hành Thánh Lễ vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1273. Ðược hỏi lý do, ngài trả lời, "Tôi không thể tiếp tục... Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải." Ngài từ trần ngày 7 tháng Ba, 1274.
Thánh Tôma là một trong những thần học gia vĩ đại và ảnh hưởng đến mọi thời đại. Ngài được phong thánh năm 1323 và được Ðức Giáo Hoàng Piô V tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Lời Bàn

Chúng ta có thể coi Thánh Tôma Aquinas như một gương mẫu xuất chúng của Công Giáo trong ý nghĩa sâu rộng, toàn bộ và bao quát. Một lần nữa chúng ta phải quyết tâm sử dụng đến lý lẽ, là món quà của Thiên Chúa, để học hỏi và hiểu biết. Ðồng thời, chúng ta cũng phải cảm tạ Thiên Chúa vì ơn ích do sự mặc khải của Ngài, nhất là qua Ðức Giêsu Kitô.

Lời Trích

"Do đó chúng ta phải nói rằng sự nhận biết bất cứ chân lý nào đều cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, để sự hiểu biết đó được Ngài thúc đẩy đến hành động. Nhưng họ không cần một khai sáng mới ngoài sự khai sáng tự nhiên của họ, để hiểu biết chân lý trong mọi sự, ngoại trừ một vài chân lý vượt quá sự hiểu biết tự nhiên" (Summa Theologica, 1-2, 109, 1).
www.nguoitinhuu.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét