Trang

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

16-01-2013 : THỨ TƯ TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN năm lẻ


Thứ Tư 16/01/2013
Thứ Tư Tuần 1 Thường Niên Năm Lẻ

BÀI ĐỌC I: Dt 2, 14-18
"Người phải nên giống anh em mình mọi đàng".

 Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
            Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người, mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng, Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9.
Đáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. - Đáp.
2) Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. - Đáp.
3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. - Đáp.
4) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaác. - Đáp.

ALLELUIA: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 1, 29-39
"Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
            Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.
            Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ. Đó là lời Chúa.

Suy Niệm :Ðộng lực của việc tông đồ (Mc 1, 29-39)
Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.
Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: "Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện". Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: "Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì".
Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình".
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 1 TN, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chúa Giêsu là Thựơng-tế nhân-từ và trung-tín.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có đau mắt mới biết thương người mù.” Có là cha mẹ mới biết nỗi khổ của việc cưu mang và dưỡng nuôi con cái. Có trải qua đau khổ và cám dỗ, một người mới có thể giúp ai trong hòan cảnh đó. Các Bài đọc hôm nay xoay quanh vấn nạn tại sao Chúa Giêsu phải nhập thể và trở nên hòan tòan giống như con người về mọi phương diện, trừ tội lỗi.

Trong Bài Đọc I: Tác giả Thư Do-Thái cắt nghĩa lý do tại sao Chúa Giêsu phải nhập thể, và trở nên giống con người về mọi phương diện trừ tội lỗi. Mục đích của việc nhập thể là để có thân xác để chịu chết để tiêu diệt tội lỗi và sự chết cho con người. Mục đích của việc trở nên giống con người về mọi phương diện là để đồng cảm và cứu giúp con người cách hiệu quả. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng cảm với số phận con người: Ngài chữa lành cho mẹ vợ Phêrô và tất cả mọi người trong Thành Capernaum kéo đến kêu xin. Ngài cũng dạy cho các tông-đồ biết thăng bằng giữa các họat động tông-đồ với đời sống cầu nguyện.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện.

Khi Kitô Giáo lan tràn vào thế giới La-Hy, hai vấn nạn khó khăn Giáo Hội phải đương đầu với là phải giải thích cho người Hy-Lạp biết:

(1) Tại sao Thiên Chúa phải nhập thể: Đối với người Hy-Lạp, Thiên Chúa hòan tòan là Thần Khí, nơi Ngài không có một chút vật chất nào cả. Để được giải thóat và kết hợp với Thiên Chúa, con người phải cố gắng làm sao để thóat khỏi ngục tù thân xác đang giam hãm linh hồn con người, để chỉ còn thần khí mà thôi. Kitô Giáo đi ngược lại, Con Thiên Chúa phải nhập thể để cứu chuộc con người!

(2) Tại sao Thiên Chúa phải chịu đau khổ: Người Hy-Lạp và người Do-Thái không tin Thiên Chúa phải chịu đau khổ; chỉ có con người mới phải chịu đau khổ mà thôi. Một Thiên Chúa phải chịu đau khổ không còn là Thiên Chúa nữa. Họ lý luận: Nếu Thiên Chúa không có uy quyền để vượt thóat đau khổ, làm sao Ngài có thể giúp người khác vượt qua đau khổ được? Kitô Giáo cũng đi ngược lại, không thể có Ơn Cứu Độ nếu con Thiên Chúa không chịu chết trên Thập Giá!

Tác giả Thư Do-Thái cố gắng trả lời hai vấn nạn này như sau:

1.1/ Chúa Giêsu phải nhập thể để mang lấy thân phận con người: Để có thể tiêu diệt tội lỗi và sự chết, Chúa Giêsu phải mang lấy thân xác con người để có thể chịu chết và đền tội cho con người. Nếu không có thân xác, làm sao chết? “Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giêsu đã cùng mang lấy huyết nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. Vì những kẻ được Người giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Abraham.” Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không chết muôn đời; Ngài đã sống lại vinh quang, và trở nên hoa quả đầu tiên của những người từ trong cõi chết sống lại. Ngài là “người tiên phong” đi mở đường, để tất cả các anh em của Ngài cũng được đi con đường đó.

1.2/ Chúa Giêsu phải trở nên con người về mọi phương diện: Tác giả Thư Do-Thái nhận ra sự cần thiết của việc Chúa Giêsu phải trở nên con người về mọi phương diện, ngọai trừ tội lỗi: “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân.” Mục đích của việc “hòan toàn trở nên con người” là để:

(1) Ngài có thể thực sự được coi là một con người: Đã là con người, ai cũng phải chịu đựng đau khổ và ngang qua cái chết.

(2) Ngài có thể thông cảm và đồng cảm với thân phận con người: Nếu một người không ngang qua những kinh nghiệm đau khổ và sự chết, người đó sẽ không thể hòan tòan hiểu và thông cảm những ai bị ở trong hòan cảnh đó.

3) Ngòai ra, Ngài có thể giúp đỡ một cách hiệu quả cho những ai ở trong hòan cảnh đó: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.”

Nói tóm, Thiên Chúa có uy quyền trên cả sự sống và sự chết. Ngài có thể cho Con của Ngài nhập thể, chịu đau khổ, ngang qua sự chết, và phục sinh vinh hiển. Chẳng gì là không thể đối với Thiên Chúa; và đừng áp dụng các thức suy nghĩ của con người cho Thiên Chúa.

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu đồng cảm với con người. Ngài chữa lành mọi bệnh họan, tật nguyền.

2.1/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà nhạc của Phêrô: “Vừa ra khỏi hội đường Capernaum, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.”

Trong hành trình của Chúa trên dương gian, Ngài luôn đồng cảm với con người, nhất là những bệnh nhân và những người lâm cảnh khốn khó. Ngài luôn chữa lành khi họ kêu xin; và nhiều khi họ chưa kêu xin nữa.

2.2/ Chúa Giêsu chữa bệnh cho rất nhiều người trong thành: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Sở dĩ họ phải chờ chiều đến, là Luật Do-Thái không cho chữa bệnh trong ngày Sabbath.

2.3/ Chúa Giêsu cầu nguyện với Thiên Chúa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

(1) Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện: Khi Ngài còn đang cầu nguyện, ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy!" Cả một ngày vất vả dạy dỗ và chữa bệnh, Chúa Giêsu vẫn tìm được thời gian để cầu nguyện với Thiên Chúa. Ngài muốn dạy các môn đệ: cần phải thăng bằng giữa đời sống kết hợp với Thiên Chúa để nuôi dưỡng các họat động tông-đồ.

(2) Nước Chúa cần được mở rộng khắp nơi: Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." Rồi Người đi khắp miền Galilee, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Người tông-đồ của Chúa Giêsu phải biết cảm thương với số phận của con người: yếu đuối, bệnh tật, đau khổ, và tội lỗi, trước khi có thể giúp đỡ đem họ về cho Chúa.

- Chúng ta cần phải giữ thăng bằng cho đời sống: có thời giờ cho các họat động tông đồ và có thời giờ để cầu nguyện kết hợp với Thiên Chúa.

- Chúng ta cần trưởng thành trong đời sống để tự giúp mình, và để lãnh trách nhiệm trong việc mở mang Nước Chúa, chứ không hòan tòan sống ỷ lại vào người khác.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên Op

Thứ Tư tuần 1 thường niên
Sứ điệp: Mọi hoạt động của Chúa đều nhằm cứu độ con người khỏi sự dữ phần hồn cũng như phần xác. Ta hãy tin tưởng đến với Chúa là Đấng Cứu Độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay gợi lên cho con thực trạng đau khổ của cuộc sống nhân loại. Khi xưa cũng như ngày nay, loài người phải mang lấy biết bao bệnh hoạn, tật nguyền. Đặc biệt con nghĩ đến những chứng bệnh nan y mới phát sinh, đang đe dọa tính mạng của nhiều người. Con nghĩ tới những nạn nhân chiến tranh, những kẻ tàn phế. Con nhớ tới những nạn nhân tâm thần càng ngày càng nhiều. Con nhớ tới những kẻ đang sống nô lệ cho ma quỷ, tội lỗi, sự ác và bất công. Con nhớ tới những đau khổ hồn xác của mọi người trên thế giới, của những người trong gia đình con và của chính con.
Lạy Chúa, những đau khổ ấy thật là khó hiểu và dễ làm con nổi loạn. Nhưng lạy Chúa, con tin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Trái tim Chúa đã và vẫn mãi ôm ấp và chữa lành những đau khổ của chúng con. Hằng ngày con chạy đến với Chúa trong thánh lễ. Xin Chúa cứu chúng con khỏi mọi sự dữ. Lạy Chúa, ngày nay Chúa vẫn đang hiện diện giữa chúng con và đang biểu lộ quyền năng cứu độ chúng con. Chúa đã lại gần cầm tay bà mẹ vợ ông Simon và đỡ dậy. Con tin rằng trong các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, Chúa đang lại gần con, cầm tay và đỡ con lên. Chúa có đủ quyền năng và muôn vàn phương thế để phục hồi và tái tạo cuộc đời chúng con cả hồn lẫn xác. Xin Chúa ra tay thực hiện và xin Chúa dạy con biết góp phần xóa bớt những đau khổ của anh chị em, để họ được sống trong niềm vui và hạnh phúc. Amen.
Ghi nhớ : "Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".
www.phatdiem.org
THỨ TƯ TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN 
Mc 1, 29 - 39

 1. Ghi nhớ :"Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó". (Mc 1,35).
2. Suy niệm : Dù suốt ngày bận rộn việc giảng dạy và làm phép lạ chữa các bệnh tật, Đức Giêsu vẫn dành thời giờ thanh tịnh lúc chiều tối hay sáng sớm để cầu nguyện.
Cầu nguyện là hơi thở của Chúa Giêsu. người phối hợp nhịp nhàng giữa những hoạt động tất bật và sự bình an tâm hồn qua việc gắn bó mật thiết với Chúa Cha trong những giây phút cầu nguyện. Không phải chỉ trong lúc cầu nguyện chúng ta mới dành đời mình cho Chúa; thực ra cả đời sống người tín hữu lúc nào cũng thuộc về Chúa, tuy nhiên có lúc chúng ta chú tâm đến công việc mưu sinh nhiều hơn và có lúc chúng ta dành riêng để hàn huyên tâm sự với Chúa, nạp lại năng lượng cho đời sống tinh thần.
3. Sống Lời Chúa : Mời Chúa tham dự vào những biến cố cuộc đời chúng ta qua việc năng cầu nguyện.
4. Cầu nguyện : Bận rộn với những chuyện thường ngày, chúng con thường dễ bỏ quên sự hiện diện đầy yêu thương và nâng đỡ của Chúa, xin giúp chúng chuyên cần cầu nguyện mỗi ngày. Amen.
www.giaophanvinhlong.net
16/01/13 THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Mc 1,29-39

VÒ RỖNG BÊN GIẾNG NƯỚC
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Chúa Giê-su. Cả thành xúm lại trước cửa. (Mc 1,32-33)
Suy niệm: Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay vẫn có đông đảo con người “hy vọng được thỏa mãn ước muốn sâu xa nhất trong tâm hồn, chỉ có ước muốn ấy mới có thể đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống.” Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vừa qua khẳng định như thế và ví con người thời đại hôm nay như đang ngồi cạnh giếng nước với một chiếc vò rỗng, tựa người phụ nữ xứ Samari xưa. Giáo Hội ý thức bổn phận phải ngồi cạnh những con người nam nữ thời nay, người già-người trẻ, người giàu-người nghèo… để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ và để họ được gặp Chúa, vì chỉ mình Chúa là nước ban sự sống đích thực và là Đấng duy nhất nói cho con người về sự thật trong tâm hồn mỗi người và chữa lành mọi người. Nhu cầu hồi sinh đức tin trong thế giới càng lớn, thì trách nhiệm Kitô hữu càng nặng nề, đòi hỏi khẩn thiết mọi Kitô hữu tiếp tục vị trí của Chúa Giêsu bên cạnh những người đang trong cơn bệnh và cơn khát được sống, tiếp tục công việc của Ngài rót vào tâm hồn họ sự sống của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Các Tông Đồ, các vị tử đạo, các thừa sai đã cảm thấy bất hạnh nếu không loan báo Chúa Giêsu cho mọi người. Bạn thì sao?
Chia sẻ: Bạn làm gì để có thể giúp hồi sinh đức tin cho người bên cạnh?
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn giới thiệu Chúa Giêsu cho một người gần bên bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin khơi lại cho chúng con những điều phải tin, những việc phải làm, để đức tin chúng con mỗi ngày thêm sâu sắc và trưởng thành hơn. Amen.
www.5phutloichua.net

BÀ PHỤC VỤ CÁC NGÀI
Xin cho mọi người biết nhìn nhận vai trò quý báu của người vợ, người mẹ trong nhà, và vai trò của người phụ nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.

Suy nim:
            Sau khi chữa người bị quỷ ám tại hội đường Caphácnaum, Đức Giêsu trở về một căn nhà của một gia đình quen biết, gia đình của hai anh Simon và Anrê, những người mới bỏ nhà để theo ngài. Không may bà mẹ vợ của Simon lại đang lên cơn sốt. Đức Giêsu đã lại gần giường bà nằm, cầm lấy tay bà và nâng bà dậy. Lập tức cơn sốt lui khỏi bà và bà phục vụ các ngài.
            Đây là phép lạ chữa bệnh đầu tiên của Đức Giêsu cho một phụ nữ, tại một ngôi nhà. Sốt chẳng phải là một bệnh quá nặng và nguy hiểm, nhưng cũng đủ để làm người bệnh không hoạt động được, gây cản trở những sinh hoạt bình thường trong gia đình. Đức Giêsu đến đem lại sự chữa lành, niềm vui và sức sống. Khi người phụ nữ được khỏi bệnh, mọi sự như sống lại. Bếp lại có lửa, bàn lại có thức ăn, và người ta ngồi quanh cười nói rôm rả. Hạnh phúc gia đình có khi chỉ tùy thuộc vào những điều be bé. Hạnh phúc bị sứt mẻ lắm khi chỉ vì những chuyện không đâu.     Hãy nhìn cách Đức Giêsu chữa bệnh cho người phụ nữ này. Thật gần gũi và thân tình, ngài chẳng nói lời nào để đuổi cơn sốt. Khi nắm tay người bệnh nặng, ngài chấp nhận nguy cơ bị nhiễm nhơ uế. Nhưng Đức Giêsu chẳng hề bị nhiễm gì, trái lại ngài đem đến bình an. Ngài đã nâng bà dậy (êgeiren), có nghĩa là ngài làm bà phục sinh. Sau khi được phục sinh thì bà đi phục vụ các vị khách. Phục vụ hiểu theo nghĩa đơn sơ nhất là đi chuẩn bị bữa ăn. Các thiên thần cũng đã phục vụ Đức Giê su sau khi ngài thắng các cơn cám dỗ (Mc 1, 13). Tuy nhiên có thể hiểu phục vụ theo nghĩa rộng hơn nhiều.
            Sau khi Đức Giêsu chết trên thập giá, chỉ còn các phụ nữ ở lại đến cùng. “Họ đã đi theo ngài và phục vụ ngài từ hồi ngài còn ở Galilê và họ đã cùng ngài lên Giêrusalem” (Mc 15, 40-41). Như vậy không phải chỉ các ông môn đệ mới là người phục vụ (Mc 10, 43). Các bà cũng đã trung tín phục vụ đến cùng, phục vụ như Thầy Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ” (Mc 10, 45).
            Xin cho mọi người biết nhìn nhận vai trò quý báu của người vợ, người mẹ trong nhà, và vai trò của người phụ nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.

Cầu nguyn:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới. Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".

Một ngày chồng chất công việc
Chiều đến khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói vì chúng biết Người là ai (Mc. 1, 32-34)
Khi liệt kê tất cả những công việc Chúa Giêsu đã thực hiện trong hai ngày, thánh Maccô cho ta cảm tưởng là Chúa Giêsu không cà kê công việc, mà Người đã phải đầu tắt mặt tối, nào là giảng dạy ở hội đường, đi đến nhà ông bà nhạc của Phêrô, chiều đến lại dành thời giờ chữa nhiều kẻ bệnh tật. Ngày hôm sau Người thức dậy thật sớm, đi cầu nguyện ở một nơi thanh vắng, rồi lại lên đường đi rao giảng và phục vụ những người đau ốm tật nguyền.
Mô tả trên đây giúp chúng ta nhìn ra ba nét tính nơi con người Đức Giêsu.
Một con người hoạt động
Thánh Maccô cho ta thấy Chúa Giêsu mang hình ảnh khá giống với những con người nam nữ thời nay: họ bận bịu với trăm công nghìn việc, lúc nào cũng tất bật và đa đoan đủ chuyện.
Một con người biết dừng lại
Thế nhưng, dù phải đảm đang công kia việc nọ, vậy mà Chúa Giêsu vẫn có thời giờ dừng lại để làm những công chuyện quan trọng như đáp lại tình nghĩa bạn bè và cầu nguyện.
Khoảng thời giờ giữa hai lần giảng dạy cho dân chúng, Người dành cho việc đi thăm tình nghĩa và bao lâu kẻ tiếp đón còn cần đến Người thì Người không vội ra đi.
Chúa Giêsu cũng không cắt xén những thời giờ quý báu dành cho việc cầu nguyện của Người. Người thà cắt bớt giờ ngủ và có lẽ cả giờ nghỉ ngơi giải trí nữa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy…”.
Một con người thấy rõ việc phải làm
Đây là nét tính nổi bật nơi con người Đức Giêsu mà ta thường gặp thấy trong sách Phúc âm. Người biết rõ việc Người phải làm. Nếu đã tổ chức chuyến đi truyền giáo lần đầu tiên ở Galilê rồi thì Người lại trở về miền Samari. Nếu đã kết nạp xong mấy môn đệ, thì Người vẫn không quên “những con chiên lạc”. Người không nghỉ ngơi sau một vài thành công. Người biết rõ mình còn phải làm gì và lần lượt tới viếng thăm và giảng dạy ở các hội đường theo một lịch trình rõ rệt.
Còn một ngày của chúng ta thì sao?
Khi phác họa một ngày làm việc của ta, ngày ấy có sẽ đầy đủ công việc như ngày làm việc của Chúa Giêsu không? Ta có biết làm cho ngày đó đầy tràn hiệu quả tốt không? Ta có biết dừng chân để đáp lại tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa với Chúa, tình nghĩa với bà con lân cận không? Và mặc dầu đã mệt mỏi rã rời và đã chu toàn bổn phận rồi, ta có dám nhìn trước ngày hôm sau để hoạch định công việc mà không ai sẽ làm thay cho ta?

www.gplongxuyen.net
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Giêng
16 tháng giêng
Thờ Ơ Hay Chống Lại Các Giá Trị
Của Gia Đình Là Tự Chuốc Lấy Tai Họa
Quyền lợi của gia đình, như chúng ta thấy, không phải chỉ là những vấn đề thuần túy thuộc địa hạt tâm linh tín ngưỡng mà xã hội trần thế có thể phớt lờ không đếm xỉa đến. Để thực thi sứ mạng của mình, Giáo Hội tích cực cổ võ cho các giá trị nền tảng của gia đình. Nhưng các nhà cầm quyền dân sự cũng phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ và đề cao các quyền lợi giúp thăng tiến và nâng đỡ đời sống hôn nhân.
Vận mệnh của cộng đồng nhân loại gắn kết chặt chẽ với “sức khỏe” của gia đình xét như một cơ chế trong xã hội. Khi quyền bính trần thế xem thường những giá trị mà gia đình Kitôhữu đem lại cho xã hội và khi quyền bính trần thế bàng quan đứng ngoài các giá trị đạo đức ấy, thì điều sẽ xảy ra là gia đình bị sụp đổ trong xã hội. Đồng thời, một thái độ dễ dãi đối với tình trạng sống chung chạ bên ngoài mối ràng buộc hôn nhân xem ra có thể là giải pháp cho một số vấn đề nào đó nhất thời. Song, về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hoại ghê gờm chính bản chất và phẩm cách của hôn nhân. Một xã hội như thế không thể tránh khỏi các hậu quả cay đắng.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns xuất bản, 1994.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Dt 2,14-18; Mc 1, 29-39.

LỜI SUY NIỆM; “Người bảo các ông: Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)
Trong đời sống của con người thường thích được sống với những thành công vinh quang nơi mình đã đạt được, mà được nhiều người biết đến với sự tôn trọng và nể phục, họ không muốn rời bỏ những nơi này. Đối với các Tông đồ khi đang sống trong thời rao giảng của Chúa Giêsu, các ông cũng đã có những tâm tình và ước muốn như vậy. Nhưng Chúa Giêsu đã thôi thúc các ông phải rời bỏ nơi ấy, để Ngài còn phải đến nhiều làng xã khác nữa, vì Chúa đến là để đem Tin Mừng cho mọi người. Đối với những người làm công tác Tông Đồ cũng cần phải học biết cách này, để đem Tin Mừng đến Cho nhiều nơi khác. Đặc biệt trong việc đào tạo nhân sự kế thừa, sau khi đã đào tạo được một nhân sự, chúng ta cần giáo công tác và trách nhiệm trên công việc cho họ. Chúng ta cần phải tránh mặt, để cho người mới phát huy những gì đã học được. Đừng đứng chặn đường anh em. Nhưng phải biết bổ trợ cả vật chất lẫn như tinh thần để người mới làm tốt công việc của mình
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
16 Tháng Giêng
Giấc Mơ Của Mẹ Têrêxa Calcutta

Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Ái chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:
"Trong những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: "Không thể để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi cùng khổ".
Tôi mới tức giận nói với Ngài như sau: "Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để cho con vào Thiên Ðàng".
Tội nghiệp thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ.
Giai thoại trên đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.
Ðức Cha Fulton Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ, đã có lần phát biểu như sau: "Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được vào Thiên Ðàng".
Ai cũng có thể là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau. Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 16-1
Thánh Berard và Các Bạn
(c. 1220)

R
ao giảng Tin Mừng thường là công việc nguy hiểm. Rời bỏ quê hương và thích ứng với các nền văn hóa mới, chính phủ mới và ngôn ngữ mới thì đã đủ khó khăn; nhưng đôi khi sự tử đạo còn vượt quá mọi hy sinh này.
Vào năm 1219 với chúc lành của Thánh Phanxicô, Cha Berard rời Ý với các tu sĩ Peter, Adjute, Accurs, Odo và Vitalis để đi rao giảng ở Morocco. Trên đường đến Tây Ban Nha thì Cha Vitalis bị đau nặng và ngài xin các linh mục khác cứ tiếp tục sứ mệnh truyền giáo mà đừng bận tâm đến ngài.
Các cha khác cố gắng đi rao giảng ở Seville nhưng không đạt được kết quả nào. Sau đó họ tiếp tục đến Morocco là nơi họ rao giảng ngay trên đường phố, trong khu thị tứ. Các ngài bị nhà cầm quyền Hồi Giáo khiển trách và ra lệnh cho họ phải rời bỏ nơi đó; nhưng họ từ chối. Khi các ngài lại tiếp tục rao giảng thì vua Thổ Nhĩ Kỳ tức giận đã ra lệnh xử tử họ. Sau khi bị đánh đập và khước từ những dụ dỗ để chối bỏ đức tin, các ngài đã bị chém đầu vào ngày 16 tháng Giêng, 1220.
Họ là các tu sĩ Phanxicô đầu tiên được tử đạo. Khi Thánh Phanxicô nghe tin về cái chết của họ, ngài đã thốt lên, "Bây giờ tôi có thể thực sự nói rằng tôi có được năm Tu Sĩ Dòng!" Di hài của họ được đưa về Bồ Ðào Nha, là nơi một giáo sĩ trẻ của dòng Augustine vì cảm kích trước cái chết anh hùng của họ, đã gia nhập dòng Phanxicô và sang truyền giáo ở Morocco vào năm kế tiếp. Giáo sĩ trẻ tuổi đó là Thánh Antôn ở Padua.
Năm vị tử đạo được phong thánh năm 1481.
Lời Bàn
Cái chết anh hùng của Thánh Berard và các bạn đã khơi dậy lòng khát khao truyền giáo của Thánh Antôn Padua và những người khác. Có rất nhiều tu sĩ Phanxicô đã đáp lại lời thách đố của Cha Thánh Phanxicô. Rao giảng Phúc Âm có thể nguy hại đến tính mạng, nhưng điều đó không thể ngăn cản các tu sĩ nam nữ của dòng Phanxicô ngày nay liều mạng sống đi rao giảng ở khắp nơi trên thế giới.
Lời Trích
Trước thời Thánh Phanxicô, Quy Luật của các dòng không nhắc đến việc rao giảng cho người Hồi Giáo. Trong Quy Luật năm 1223, Thánh Phanxicô viết: "Các tu sĩ, là những người được linh ứng để đi rao giảng cho người Saracen (Hồi Giáo và Ả Rập) và những người ngoại giáo khác, phải xin phép bề trên của họ. Nhưng các bề trên không được cho phép, trừ khi thấy người ấy thích hợp để được sai đi" (Chương 12).
www.nguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét