Trang

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

19-01-2013 ; THỨ BẢY TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN năm lẻ


Thứ Bảy 19/01/2013
Thứ Bảy Tuần I Mùa Thường Niên Năm lẻ
Mc 2,13-17


BÀI ĐỌC I: Dt 4, 12-16
"Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phải phơi trần và tỏ ra trước mắt của Đấng mà ta phải trả lẽ.
Vậy chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có Thượng tế không thể thông cảm sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Nên chúng ta hãy tin tưởng chạy đến toà ơn Chúa, để nhờ Chúa thương đến, chúng ta được ơn Chúa tuỳ thời cơ thuận tiện. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 18, 8 . 9. 10. 15
Đáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).

1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Đáp.
2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Đáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. - Đáp.
4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Đá Tảng, là Đấng Cứu Chuộc con. - Đáp.

ALLELUIA: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mc 2, 13-17
"Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: "Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi". Đó là lời Chúa.

Suy Niệm:
Kêu gọi người tội lỗi
Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".
Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.
Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa".
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần I TN, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Hiệu quả của Lời Chúa

Theo truyền thống Do-Thái, một khi lời nói phát xuất từ miệng một người, nó có thể hiện hữu cách độc lập. Nó không chỉ là một âm thanh với một ý nghĩa; nó còn là một năng lực thóat ra để hòan thành ý định của người nói. Ví dụ, biết bao việc làm là hậu quả của những lệnh truyền của vua chúa và các vĩ nhân trên thế giới. Điều này càng đúng hơn với Lời Chúa. Theo Tiên-tri Isaiah: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11).

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc đề cao sự quan trọng của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-Thái so sánh Lời Chúa với thanh gươm sắc bén hai lưỡi, có khả năng xuyên thấu mọi chỗ bí ẩn của con người.
Trong Phúc Âm, Lời Chúa Giêsu có sức hấp dẫn một người thu thuế như Matthew, và làm cho ông trở nên một Tông-đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I (năm lẻ): Lời Chúa nhập thể trong thân xác con người.

1.1/ Sự quan trọng của Lời Chúa: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách thần trí với linh hồn, khớp xương với tuỷ sống.” Phân tích từ ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của Lời Chúa.
- Sống động: Lời Chúa không phải là tác phẩm văn chương hay triết lý, cho dầu hay đến đâu chăng nữa; nhưng vẫn sống động và cần thiết cho con người ở mọi nơi, mọi thời. Đây là lý do tại sao không một Sách nào trong lịch sử con người có nhiều người đọc bằng Kinh Thánh.
- Hữu-hiệu: Khi một người quyết định sống theo Lời Chúa, họ trở thành con người hòan tòan mới. Việc Matthew bỏ mọi sự theo Chúa Giêsu là một trường hợp điển hình.
- Xuyên-thấu: Lời Chúa sắc-bén hơn cả gươm hai lưỡi. Người Hy-Lạp quan niệm con người là tập hợp của 3 phần chính: (1) linh hồn là cái làm cho con người sống; (2) thần trí là đặc điểm làm con người suy tư và lý luận; và (3) thân xác. Tác-giả có ý muốn nói Lời Chúa thử thách đời sống thể lý cũng như tâm linh của con người.
- Phê-bình: Lời Chúa phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Tâm tình thuộc về phần cảm xúc của con người; trong khi tư tưởng thuộc về phần trí tuệ của con người.
Nói tóm, “Không có loài thọ tạo nào có thể ẩn giấu trước Lời Chúa; nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” Con người không thể trốn tránh và che phủ trước Lời Chúa; chúng ta phải diện-đối-diện với Thiên Chúa và trả lời cho tất cả những việc chúng ta đã không làm theo Lời Chúa dạy.

1.2/ Kinh nghiệm của Chúa Giêsu: Đây là một giáo lý hòan tòan mới và là một cuộc cách mạng tôn giáo; vì các tôn giáo bấy giờ tin Thiên Chúa và đau khổ không thể ở chung với nhau. Đối với người Do-Thái, một Thiên Chúa uy quyền không thể chịu đau khổ. Đối với Phái Khắc Kỷ (Stoics), Thiên Chúa không được có cảm xúc (apatheia), vì sẽ bị dân thuyết phục và lợi dụng để cầu xin; và như thế, họ hơn Chúa. Đối với Phái Khóai Lạc (Epicureans), Thiên Chúa phải tách rời thế giới. Ngài sung sướng và hạnh phúc hòan tòan rồi, không cần phải biết đến thế giới con người. Kitô Giáo đi ngược lại với các tôn giáo này, khi tin Chúa Kitô đã trải qua mọi kinh nghiệm trên trời cũng như dưới đất để thấu hiểu, để đồng cảm, và để cứu giúp con người.
(1) Kinh nghiệm trên trời: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.”
(2) Kinh nghiệm dưới đất: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.”
Vì đã có tất cả các kinh nghiệm trên trời cũng như dưới đất, Chúa Giêsu biết cách mang Thiên Chúa đến cho con người, và mang con người về cho Thiên Chúa. Hai điều chính Chúa Giêsu có thể giúp con người:
- Cảm thương: Không một nỗi cơ cực nào con người phải trải qua mà Chúa Giêsu không phải chịu, và còn hơn chúng ta nữa. Khi chúng ta phải quằn quại trong đau khổ, chúng ta không muốn chạy đến một chúa vô cảm của Do-Thái và Hy-Lạp; nhưng đến với một Chúa đã trải qua gian khổ như chúng ta để được đồng cảm.
- Trợ giúp: Người có thể giúp chúng ta cách hiệu quả nhất là Người đã trải qua mọi gian nan và thử thách như chúng ta, và đã chiến thắng. Chúng ta hãy chạy lại với Ngài để được giúp.

3/ Phúc Âm: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.

3.1/ Chúa Giêsu gọi Lêvi, người thu thuế: “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.” Người Do-Thái quan niệm: người thu thuế như ông Lêvi là người tội lỗi công khai, vì đã toa rập với nước ngòai để bóc lột dân chúng. Họ bị ngăn cấm không cho vào Đền Thờ, và được xếp hạng cùng với hàng đĩ điếm và trộm cướp. Chúa Giêsu không những chọn Matthew, mà còn công khai dùng bữa với các người thu thuế khác tại nhà ông. Thái độ của Matthew rất anh hùng và dứt khóat, vì một khi đã bỏ nghề thu thuế là ông đã mất tất cả về phương diện vật chất. Nhưng bù lại, ông đã nhận được rất nhiều về phương diện tinh thần: bình an vì từ nay không còn bị khinh thường, trở thành Tông-đồ, và trở thành Thánh-sử để loan báo Tin Mừng của Chúa.

3.2/ Xung đột ý kiến giữa Chúa Giêsu và Nhóm Biệt-phái: Có hai phản ứng chính trong cuộc trở lại của Matthew:
(1) Những kinh-sư thuộc nhóm Biệt-phái: Thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!"
(2) Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."
Ngược lại với cách cư xử của con người, Thiên Chúa không giữ quá khứ tội lỗi của con người; trái lại Ngài không ngừng kêu gọi con người từ bỏ quá khứ tội lỗi để hướng về tương lai. Như một bác sĩ rành nghề, Chúa Giêsu biết Ngài có thể chữa bệnh cho Matthew, và dùng những tài năng sẵn có của ông cho việc rao giảng Tin Mừng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Lời Chúa có sức để làm những chuyện không thể đối với con người.
- Lời Chúa có khả năng thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện.
- Chúng ta phải dành địa vị quan trọng cho Lời Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua thời gian bỏ ra, cố gắng khắc phục khó khăn, và thực thi Lời Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


Thứ Bảy tuần 1 thường niên
Sứ điệp: Thiên Chúa gọi kẻ Ngài muốn. Chúa kêu gọi ông Lêvi và giúp ông thoát khỏi cảnh sống bất công. Chúa cũng kêu mời từng người chúng ta theo Ngài, để sống đời thánh thiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho con một điều rất quý là sự tự do. Vì có tự do, con phải chọn lựa: hoặc theo Chúa, hoặc theo ma quỷ, tội lỗi, thế gian. Theo Chúa là để sống một cuộc đời thánh thiện, theo Chúa cũng có nghĩa là từ bỏ tội lỗi, tính mê nết xấu.
Lạy Chúa, chắc chắn rằng trong niềm tin, con đã chọn Chúa, nhưng trong cuộc sống, rất nhiều lần con đã làm theo ý của ma quỷ, thế gian và xác thịt. Con cần phải đứng về phía Chúa để loại trừ tội lỗi. Tuy nhiên, cũng như ông Lêvi được Chúa yêu thương, con cũng cần được Chúa ghé mắt đoái nhìn.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi đến dùng bữa tiệc tại nhà ông Lêvi. Đó là cử chỉ thân tình và Chúa đã biểu lộ lòng nhân từ. Chúa đến nhà ông như một dấu hiệu ông đã thuộc về Chúa. Hôm nay, không những Chúa đến với con, mà còn hơn thế nữa, Chúa dẫn con đến nhà Chúa, đến với Chúa để hưởng trọn niềm vui của người được ơn tha thứ.
Xin Chúa giúp con biết dứt khoát, cương quyết can đảm đứng dậy đi vào cuộc sống mới, như ông Lêvi đã hành động.
Chúa đã gọi tên ông Lêvi và kêu mời ông đi theo Chúa. Hôm nay Chúa cũng gọi đích danh con, Chúa đang đứng đó chờ con. Xin Chúa giơ tay cứu vớt tâm hồn con đang ngập tràn tội lỗi. Được ở bên Chúa, con cảm thấy an tâm và hạnh phúc, vì Chúa có sức mạnh thay đổi tâm hồn và cải hóa con trở thành người tốt. Amen.
Ghi nhớ : "Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".
www.phatdiem.org

THỨ BẢY TUẦN I MÙA THƯỜNG NIÊN 
Mc 2, 13 - 17
1. Ghi nhớ : "Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!" (Mc 2,16).
2. Suy niệm : Chúa Giêsu không chỉ tỏ ra Người có quyền tha tội mà còn thể hiện tình thương đối với người có tội. Ngài kêu gọi Lêvi, người thu thuế, - kẻ bị liệt vào hạng tội lỗi công khai - làm tông đồ. Chưa hết, Chúa giao tiếp thân tình với người tội lỗi, khi đồng bàn ăn uống với họ.
Tội thì đáng ghét, nhưng Chúa luôn thương người có tội và đó cũng chính là mục đích của Chúa khi xuống trần gian nầy là cứu chuộc kẻ có tội. Chúa biết chúng ta yếu đuối, mỏng giòn và Người luôn sẵn sàng tha thứ. Chúa không kết án người có tội, mà chờ mong họ ăn năn để tha thứ. Noi gương Chúa, chúng ta đừng chỉ trích, phê bình, công kích và loại trừ nhau, khi thấy anh em lỗi phạm, vì chúng ta cùng mang lấy thân phận tội lỗi như nhau.
3. Sống Lời Chúa : Cầu nguyện cho anh em được thay đổi đời sống tốt hơn.
4. Cầu nguyện : Xin Chúa tha tội cho con. Amen.
www.giaophanvinhlong.net
19/01/13 THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Mc 2,13-17

VỊ THẦY CỨU CHỮA NHÂN LOẠI
"Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần." (Mc 2,7)
Suy niệm: Dù đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng y khoa vẫn phải bó tay trước một số căn bệnh như ung thư, AIDS... Con người luôn mong có những vị thầy thuốc có thể chữa bá bệnh cho nhân loại, căn bệnh thể lý cũng như tâm hồn. Đọc các sách Tin Mừng, ta nhận ra trong ba năm thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã cứu chữa tận căn mọi bệnh tật, cả thể xác lẫn tâm hồn. Lêvi đã may mắn gặp được vị thầy thuốc trong mơ ấy. Nghề thu thuế khiến đôi tay Lêvi bị bẩn, tâm trí đen tối, trái tim chai đá. Vì nghề thu thuế, ông không được tham dự nghi thức tôn giáo, bị mọi người thù ghét. Tất cả chỉ vì tiền! Chúa thấy Lêvi, thấy cả con người nội tâm đang dằng co của ông. Chúa gọi Lêvi, ông đáp lại, đứng dậy đi theo Người. Lêvi đã mời Chúa vào nhà cuộc đời ông, để Chúa cứu chữa tâm hồn mình.
Mời Bạn: Nhân loại đang bế tắc vì bệnh tật, nghèo đói, bất công. Bạn thao thức gì để cứu đời cứu người? Tuy nhiên, bạn cũng ý thức rằng dù nỗ lực đến đâu, nhưng “lực bất tòng tâm,” mình bạn và nhóm của bạn không làm gì được! Bạn cần xác tín vào quyền năng Chúa, còn mình chỉ là dụng cụ, là “cây bút chì” trong tay họa sĩ là Thiên Chúa như kiểu nói của Mẹ Têrêxa Calcutta. Trước tiên để Ngài cứu chữa tâm hồn bạn, rồi cùng với Ngài, bạn góp một tay làm dịu bớt đi những đau khổ của người anh em.
Sống Lời Chúa: Lặp lại lời nguyện tắt: “Lạy Chúa Giêsu, con mời Chúa vào nhà con.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến để cứu chữa những gì đã hư mất. Chúa biết rằng con cần Chúa, vì chỉ có Chúa mới là vị Cứu Tinh thật sự đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho con. Amen.
www.5phutloichua.net

KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ, vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình, và bỏ lại tất cả sau lưng. 
Suy nim:
            Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại. Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6). Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công, vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng. Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ. Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc. Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách. Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông. Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.” Lêvi có ngỡ ngàng không? Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam. Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa. Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình. Đức Giêsu có liều lĩnh không? Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không? Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo, nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi. Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa. Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ.
            Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc, trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm. Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm. Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y. Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án. Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17). Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân? Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?
            Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ, vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình, và bỏ lại tất cả sau lưng. Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.
Cầu nguyện:
            Lạy Cha, thế giới hôm nay cũng như hôm qua vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin; vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống; vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế, ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm; vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn, bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống; vẫn có những người bị sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong...
            Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương như Con Cha. Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy chính bản thân chúng con.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".

Kìa Người đến dùng bữa!


Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi thu thuế ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mc. 2, 13-14)
Chúa Giêsu thường bị những con mắt hay soi bói và đả kích Người bám theo. Mọi cử chỉ của Người đều bị họ rình mò, giải thích và sàng lọc theo luật lệ của những người Pharisiêu. Các kinh sư là những người rất quen với công việc này; và họ cũng thường có cơ hội dễ dàng.
Hạng người rình mò như thế vẫn còn, bởi lẽ tất cả chúng ta tự bản tính vốn dễ dàng xếp loại mọi người, phân cách người lành với kẻ dữ và nhất là muốn dựng lên bức vách ngăn giữa cái gì là khả kính với bất kính, ít nữa là xét theo quy tắc và quan điểm của ta.
Thực ra Giáo hội vẫn còn là một tập hợp những con người đáng trọng cũng có và không đáng kinh cũng có, nơi đây Chúa Giêsu đến cư ngụ, bởi vì ngay lúc ban đầu, từ những con người tội lỗi mà Chúa đã lập nên Giáo hội vậy.
Giáo Hội là một tập hợp đủ thứ
Theo cái nhìn của những người trí thức Mác-xít tích cực, thì Giáo hội thường quy tụ những con người yếu hèn, bất lực trong việc tự giải quyết lấy thân phận con người và xã hội của mình, nên mới chạy đến với những cái nạng gọi là “Thiên Chúa” hay “đức tin” vậy.
Nơi đây có Chúa cư ngụ
Thực ra, hơn nơi nào khác, Chúa Giêsu chỉ thích tìm cư ngụ nơi những con người đã không tìm được ở nơi mình bất cứ một lý lẽ nào để biện minh cho sự công chính của mình, nơi những kẻ không có lấy một sự đáng tôn đáng kính nào khác, ngoài chuyện họ sống trung thực, can đảm và sẵn sàng thú nhận mình là kẻ tội lỗi.
Quả thực, người tội lỗi là người sống trung thực, vì người ấy biết rõ mình. biết nơi mình không có được tất cả sự bền bỉ cần thiết để sống trọn phẩm giá con người, và để được như thế, cần phải có ơn Chúa. Người có tội không gian lận với mình.
Người tội lỗi cũng là người can đảm. Có người đã viết điều này: có can đảm hay không ở tại biết làm cho sự thật phải yên lặng hoặc không làm cho sự thật yên lặng? Quả quyết mình dốt nát hay dấu nhẹm sự ấy, đàng nào can đảm hơn? Tỏ ra run sợ trước Thiên Chúa thánh thiện và siêu phàm, phải chăng kém can đảm hơn là trốn chạy khỏi tôn nhan Người?
Sau cùng con người tội lỗi luôn ở tư thế chuẩn bị sẵn; người ấy biết rõ rằng điều tốt nhất đang ở phía trước, nên sẵn sàng lại lên đường.
Có thế ta mới hiểu được tại sao Chúa Giêsu thích lui tới hạng người này và tại sao chúng ta không được vấp phạm vì hành động của Giáo hội mẹ ta và vì những ai thường đến chung sống với họ vậy.

www.gplongxuyen.net
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Giêng
19 THÁNG GIÊNG
Ngắm Nhìn Mẫu Gương
Người Thợ Mộc Khiêm Nhường
Lao động đem lại niềm vui và niềm thỏa mãn; nhưng lao động cũng đòi nỗ lực và khiến người ta mệt mỏi, như ai cũng có thể cảm nghiệm được sau một ngày dài nhọc nhằn. Vui và thỏa mãn, vì lao động cho phép người ta thể hiện vai trò thống trị mặt đất mà Thiên Chúa đã ủy trao cho mình (St 1, 26 – 28). Thật vậy, Thiên Chúa đã nói với người đàn ông và người phụ nữ đầu tiên: “Hãy sinh sôi nảy nở đầy mặt đất và chinh phục nó. Hãy làm chủ cá biển, chim trời và muôn loài sống động trên mặt đất” (St 1, 28).
Thế nhưng, không phải bao giờ chúng ta cũng thích loại công việc mà mình đang làm. Đôi khi ta phải làm những công việc nguy hiểm. Chẳng hạn, rất nhiều người làm việc trong các hầm mỏ sâu hun hút dưới mặt đất. Nhiều công việc rất nặng nhọc, đơn điệu và gây buồn chán. Đó là thân phận con người chúng ta. Thánh Kinh viết rằng vì con người bất tuân phục nên phải đổ mồ hôi mới có cái ăn. Rồi trong quá trình canh tác trồng trọt, cũng vì sự bất tuân phục của con người mà mặt đất không dễ dàng sản sinh hoa trái cho họ (St 3, 17 – 19). Dù sao, đối với những con người lao động tín thác vào Thiên Chúa, những nỗi cố gắng nhọc nhằn của họ bao giờ cũng gắn liền với niềm vui sướng – vì họ biết rằng mình đang tham dự vào chính công trình của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo.
Đối với chúng ta là những Kitôhữu, Đức Giêsu là mẫu gương hoàn hảo và là nguồn cảm hứng cho công việc của chúng ta. Trong lao động, Đức Giêsu sống mối hiệp thông mật thiết với Cha trên trời. Vì thế, chúng ta cần phải nhìn ngắm cung cách làm việc hằng ngày của Đức Giêsu trong suốt những năm dài ở Na-da-rét. Đó là tấm gương tuyệt hảo cho tất cả chúng ta. Ngắm nhìn chàng thợ mộc ấy, chúng ta sẽ nhận được niềm phấn khởi và sự khích lệ lớn lao để kiên trung trong việc phục vụ nhỏ nhoi của mình – dù đó là ngành nghề gì đi nữa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
Dt 4, 12-16; Mc 2, 13-17

LỜI SUY NIỆM: “Đi qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người.” (Mc 2,14)
Đối với Chúa Giêsu khi Ngài chọn lựa nhân sự để đào tạo thành những môn đệ của Ngài để tiếp nối đem lại hạnh phúc và sự sống cho con người. Ngài đã không phân biết thành phần, nghề nghiệp và giai cấp trong xã hội. Ngài chỉ đòi hỏi sự vâng lời dứt khoát, hoàn toàn tin và phó thác mọi sự vào Ngài. Khi nhìn vào ông Lêvi nếu là chúng ta thì sao? Đối với nghề nghiệp của ông là một nghề hái ra tiền, một chỗ đứng gọi là vững chắc cho cuộc sống vật chất của bản thân và gia đình. Ông quyết định rời bỏ cái nghề này để đi theo Chúa thì không còn cơ hội để trở lại chiếc ghế này nữa, trong khi đó dưới con mắt của xã hội, ông sẽ là người bị mọi người oán ghét, đối với dân tộc của ông thì ông đang mang tội là phản quốc làm tay sai cho ngoại bang. Ai mà giám tin vào ông, vào những việc ông nói. Nhưng nhờ vào lòng tin của ông. Chúa đã cho ông một vinh quang lớn lao là: toàn thể nhân loại đều biết đến ông.
Mạnh Phương
++++++++++++++++++
19 Tháng Giêng
Bàn Chân Năm Ngón

Một người thanh niên tên là Tony Melendez bỗng trở nên quen thuộc với nhiều người kể từ khi Ðức Gioan Phaolô II đến viếng thăm tiểu bang California, Hoa Kỳ dạo mùa hè năm 1987. Nhiều người đã chứng kiến buổi lễ tiếp đón Ðức Thánh Cha hôm đó và khó quên hình ảnh vô cùng cảm động khi vị Giáo Hoàng bước xuống từ một lễ đài cao để ôm hôn một người thanh niên đang hát với tiếng đàn Guitar của mình. Ðiều gì đã làm cho khung cảnh ấy trở nên khác lạ và giây phút ấy đã trở nên luyến nhớ cho nhiều người?
Tony là hiện thân của niềm Hy Vọng. Tony đã chào đời không có hai cánh tay. Nhưng Tony đã vận dụng những ngón chân của mình để học đàn guitar. Không những thế, anh còn dùng chân trong nhiều công việc khác như xếp quần áo, vắt một ly nước chanh.
Anh đã biết biến sự tàn tật kém may mắn của mình thành một khả năng thuần thục. Ngạc nhiên trước khả năng lạ lùng ấy của anh, nhiều người đã hỏi anh: "Bí quyết nào đã giúp anh chẳng những chấp nhận chính mình để sống bình thường mà còn sử dụng guitar một cách tuyệt diệu như thế?". Anh đã trả lời như sau: "Tôi đã cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhận lấy con và dùng con theo thánh ý Chúa. Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động và Chúa đã nhậm lời tôi".
Không ai trong chúng ta chọn lựa được sinh ra hay không sinh ra. Không ai trong chúng ta chọn lựa làm đàn ông hay đàn bà. Không ai trong chúng ta chọn lựa được làm người xinh đẹp hay xấu xí, thông minh hay ngu đần, khỏe mạnh hay bệnh tật, giàu sang hay nghèo hèn. Dưới mắt người đời, mỗi người chúng ta đến trong trần gian này với cả một định mệnh. Người ta vẫn nói: có người sinh ra dưới một ngôi sao xấu, có người sinh ra dưới một ngôi sao tốt, có người kém may mắn.
Nhưng trong ánh mắt Tình Yêu của Thiên Chúa, thì số phận nào cũng là một hồng ân cao cả. Trong chương trình Quan Phòng của Ngài, mỗi người, dù nhỏ bé hèn mọn, dù tàn tật bất hạnh đến đâu, cũng đều có một chỗ đứng. Do những bất trắc của thiên nhiên, hay do hậu quả của tội lỗi, nhiều người phải sinh ra với tất cả một gánh nặng của bất hạnh. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc vì những hư hỏng ấy, Ngài luôn có một chương trình cho mỗi người. Lắm khi chúng ta thấy được những kỳ diệu của Thiên Chúa được thể hiện qua những bất hạnh, mất mát của con người.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét