Ngày 10 tháng Giêng
hay Thứ Năm Sau Lễ Hiển Linh
Lc 4,14-22a |
Bài Ðọc I: 1 Ga 4, 19 - 5,
4
"Ai yêu mến Thiên
Chúa thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta
hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Người đã thương yêu chúng ta trước. Nếu ai nói mình
yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối. Vì người anh
em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là
Ðấng mình không thấy được? Ðây là giới răn chúng ta lãnh nhận nơi Thiên Chúa:
ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa.
Hễ ai tin Chúa Giêsu là Ðấng
Kitô, thì đã được sinh ra bởi Thiên Chúa. Vì hễ ai yêu mến Chúa là Ðấng đã sinh
thành, thì cũng yêu mến những kẻ bởi Người mà sinh ra. Do điều này mà chúng ta
biết mình yêu thương con cái Thiên Chúa, là hễ chúng ta yêu mến Thiên Chúa, thì
chúng ta phải thực hành giới răn Người. Tình yêu Thiên Chúa là thế này: là
chúng ta giữ các giới răn Người, và giới răn Người chẳng có nặng nề đâu. Hễ sự
gì bởi Thiên Chúa mà sinh ra, thì thắng được thế gian, và đây là sự chiến thắng
thế gian: đó là đức tin của chúng ta. Ai chiến thắng thế gian, nếu không phải
kẻ tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa?
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71, 2. 14 và
15bc. 17
Ðáp: Lạy Chúa, muôn dân khắp mặt đất sẽ thờ lạy Chúa (x. c. 11).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin ban
quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để
người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính
trực. - Ðáp.
2) Người sẽ cứu tâm hồn họ
khỏi bất công và đàn áp, giá máu của họ đáng kể trước mặt người. Họ sẽ cầu
nguyện cho người luôn và sẽ chúc phúc người mãi mãi. - Ðáp.
3) Chúc tụng danh người đến
muôn đời, danh người tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa
sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người. - Ðáp.
Alleluia: Lc 7, 16
Alleluia, alleluia! - Một
Tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng ta và Thiên Chúa đã viếng thăm dân
Người. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 4, 14-22a
"Hôm nay đã ứng
nghiệm lời Kinh Thánh này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về
Galilêa trong quyền năng của Thánh Thần và danh tiếng Người đồn khắp miền xung
quanh. Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và ai nấy đều ca tụng Người.
Người đến Nadarét là nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, Người
vào hội đường ngày Sabbat, và đứng dậy đọc sách. Người ta trao cho Người cuốn
sách Tiên tri Isaia. Người mở sách và gặp chỗ có chép rằng: "Thánh Thần
Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho
người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải
thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế,
công bố năm hồng ân của Thiên Chúa".
Người xếp sách lại, trao cho
viên phụ trách, đoạn ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều đưa mắt chăm chú
nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ rằng: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh
Thánh tai các ngươi vừa nghe". Và ai nấy đều công nhận lời Người và ngạc
nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Sau khi đọc sách ngôn sứ
Isaia. Ðức Giêsu tuyên bố: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh",
nghĩa là lời ngôn sứ Isaia đã ám chỉ về Ngài và về việc Ngài bắt đầu thực hiện.
Ðức Giêsu được Thiên Chúa sai
đến, được Thánh Thần dẫn đưa để thi hành sứ vụ. Sứ vụ của Ðức Giêsu không gì
khác hơn là đem hạnh phúc cho con người, cứu giúp cảnh khốn cực, giải phóng
cảnh áp bức để con người được sống tự do trong tình con cái Chúa.
Sứ vụ của Ðức Giêsu đã hoàn
tất, nhưng tôi đã được giải phóng chưa? Hay đúng hơn tôi đã để cho Ðức Giêsu
giải phóng tôi chưa? Tôi phải làm thế nào để tôi sống trong tự do hạnh phúc?
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, lời tuyên bố
của Chúa: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh". Lời đó đã ứng nghiệm
nơi tâm hồn chúng con chưa?
Lạy Chúa, chúng con cảm thấy
chúng con rất yếu đuối, chúng con chưa thoát khỏi xiềng xích của ích kỷ, danh
vọng. Chúng con vẫn bị cầm tù bởi những đam mê tiền của. Xin Thánh Thần của
Chúa dẫn đưa chúng con, như Thánh Thần dẫn đưa Ðức Giêsu. Ðể trong cuộc đời
chúng con, dù ăn uống, ngủ nghỉ, chúng con làm vì danh Ðức Giêsu Kitô. Chỉ
trong Ðức Giêsu Kitô, chúng con mới được tự do sống trong ân tình con cái Cha.
Amen.
10 Tháng Giêng
Hạt Giống Của Hy Vọng
Văn hào Shakespeare của nước Anh đã nói rằng: liều thuốc duy nhất
còn lại cho những người khốn khổ chính là niềm Hy Vọng. Bao lâu còn hy vọng,
bấy lâu con người muốn tiếp tục sống.
Những người Mỹ tại một thành phố nọ thường truyền tụng cho
nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng của một gia đình nọ như sau: Có một đôi
vợ chồng nọ vừa yêu người cũng lại vừa yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột
thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong
nhà là được săn sóc vườn hoa và những thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng
chừng như không biết thế nào là đau khổ. Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn
hoa trở thành hoang tàn, khi người chồng ngộ nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn
bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng
mỗi lúc một tàn lụi.
Mùa đông đến càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn.
Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới
trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang
hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm
cười đáp: "Má sẽ biết khi mùa xuân đến". Và nguyên một mùa đông, ngày
nào các con của bà cũng ra vườn để xới đất.
Thế rồi khi mùa xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong
vườn. Những hạt giống mà những người con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay
thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn trở thành tươi mát, sặc sỡ.
Cùng với hạt giống của các thứ hoa, những người con đã gieo
vào lòng người mẹ một thứ hạt giống khác: đó là hạt giống của Hy Vọng. Chính
niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở lại cuộc sống và đánh tan mọi buồn
phiền trong tâm hồn bà.
Câu
chuyện trên đây có lẽ cũng chính là bức tranh của không biết bao nhiêu thăng
trầm trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Có những ngày tháng, mọi sự xem
chừng như vô vọng. Có những lúc mây mù của khổ đau bao phủ kín khiến chúng ta
không còn thấy đâu là lối thoát. Chính trong những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến
hạt giống của niềm Hy Vọng. Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi cho các tín hữu
Rôma như sau: "Chính trong niềm Hy Vọng mà chúng ta được cứu thoát. Chính
trong niềm Hy Vọng đó, chúng hãy nhìn thấy Sức Sống đang chờ đợi chúng ta.
Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng ta hãy nhìn thấy những hoa trái của những
hạt giống mà chúng ta đã vất vả gieo vãi.
Một
người Hòa Lan và một người Mỹ bàn về ý nghĩa của hai lá cờ quốc gia. Người hòa
Lan phát biểu một cách mỉa mai như sau: lá cờ của chúng tôi có ba màu: đỏ,
trắng, xanh. Chúng tôi tức giận đỏ cả người lên, mỗi khi chúng tôi bàn đến thuế
má. Chúng tôi run sợ đến trắng bệch cả người mỗi khi chúng tôi nhận được giấy
thuế má. Và chúng tôi xanh như tàu lá sau khi đã trả hết các thứ thuế. Người Mỹ
cũng nói lên một cảm tưởng tương tự mỗi khi nhận được các thứ giấy đòi nợ,
nhưng lại bảo rằng: bù lại, chúng tôi chỉ thấy toàn các thứ sao.
Sao
trên bầu trời là biểu hiện của chính niềm Hy Vọng. Bên kia những vất vả thử
thách, bên kia những mất mát, bên kia những thất bại khổ đau, phải chăng người
Kitô chúng ta không được mời gọi để thấy được các ngôi sao của niềm Hy Vọng.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Yêu Chúa là thi hành thánh ý của Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề:
phải bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa bằng các hành động cụ thể. Trong Bài
Đọc I, Thánh Gioan dạy: Vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, nên chúng
ta phải bày tỏ tình yêu với Thiên Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho tha
nhân. Ai nói mình mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói dối. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Ngài trong các hội đường để
người ta biết đến Ngài. Khi trở về Nazareth, nơi Người sinh trưởng, Ngài cũng
vào hội đường và đọc Sách Tiên-tri Isaiah, chương 61, nói về Năm Hồng Ân. Ngài
nói cho mọi người trong hội đường biết, Ngài chính là Người mà Tiên-tri nói
tới. Ngài đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa và giải thóat nhân lọai khỏi mù
lòa và xiềng xích của tội lỗi.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Yêu Chúa là giữ các giới răn của Ngài.
Hai tư tưởng chính của Thư Gioan I là:
(1) tin Đức Kitô đến từ Chúa Cha; và (2) giữ điều răn yêu thương. Chúng ta đã
nói tới 2 tư tưởng này trong các bài chia sẻ trước. Hôm nay, chúng ta chỉ để ý
tới những khía cạnh mới lạ của 2 tư tưởng chính này.
1.1/ Yêu Thiên Chúa là yêu Đức Kitô: Thánh Gioan cắt nghĩa: “Phàm ai tin rằng
Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng
sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.” Trong Phúc Âm, Thánh
Gioan nói rõ hơn: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Jn 1:12). Người tín hữu trở nên
con Thiên Chúa bằng niềm tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Nếu họ yêu mến
Cha, Đấng Sinh Thành, họ cũng phải yêu mến Con là Đức Kitô, Người được Đấng ấy
sinh ra. Điều mới lạ ở đây là Gioan đi từ “tin” đến “yêu” Đức Kitô.
1.2/ Yêu Thiên Chúa là giữ các giới răn
Ngài truyền: “Căn cứ vào
điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta
yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người. Quả thật, yêu mến Thiên
Chúa là tuân giữ các điều răn của Người.”
(1) Yêu mến Chúa là phải yêu thương anh em: “Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” Như đã nói ở trên, khi một người tin vào Đức Kitô là người đó cũng yêu Đức Kitô. Tình yêu của người đó dành cho Đức Kitô sẽ thúc đẩy người đó giữ các điều răn Đức Kitô truyền, như Ngài nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ những điều Thầy truyền” (Jn 14:15). Mà điều quan trọng nhất Đức Kitô truyền là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu mến anh em” (Jn 13:34).
(1) Yêu mến Chúa là phải yêu thương anh em: “Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” Như đã nói ở trên, khi một người tin vào Đức Kitô là người đó cũng yêu Đức Kitô. Tình yêu của người đó dành cho Đức Kitô sẽ thúc đẩy người đó giữ các điều răn Đức Kitô truyền, như Ngài nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, hãy giữ những điều Thầy truyền” (Jn 14:15). Mà điều quan trọng nhất Đức Kitô truyền là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu mến anh em” (Jn 13:34).
(2) Yêu mến Chúa mà ghét anh em là kẻ nói
dối: “Nếu ai nói: "Tôi
yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai
không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên
Chúa mà họ không trông thấy.” Câu này là phản đề của câu trên: Yêu mến Thiên
Chúa là có tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong mình. Khi có tình yêu Thiên
Chúa là phải giữ điều răn yêu thương. Vì thế, nếu một người nói mình yêu mến
Thiên Chúa, mà không giữ điều răn yêu thương (ghét anh em mình), người đó là kẻ
nói dối; vì không có tình yêu Thiên Chúa trong mình mà dám nói có. Nói tóm lại:
Phải có tình yêu Chúa mới có thể yêu anh em; và yêu anh em là bằng chứng mình
có tình yêu Chúa.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu chu tòan sứ vụ Chúa Cha trao
phó.
2.1/ Chúa Giêsu giảng dạy trong các hội
đường: Trình thuật của Luca
hôm nay ngay sau biến cố Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc, và bắt đầu sứ vụ
công khai rao giảng của Ngài. Chúa Giêsu chọn Galilee là địa điểm để bắt đầu sứ
vụ rao giảng vì Galilee là vùng rất đông dân cư, và dân chúng mở lòng cho những
dạy dỗ mới, chứ không bảo thủ như ở vùng Judah. Người Do-Thái chỉ có một Đền
Thờ duy nhất tại Jerusalem, nhưng hội đường mới là các trung tâm tôn giáo của dân
địa phương. Theo Lề Luật, chỗ nào có từ 10 gia đình trở lên, chỗ đó phải có một
hội đường. Vì thế, hầu như mỗi làng mạc hay thành phố, đều có ít nhất một hội
đường cho dân học hỏi và làm việc thờ phượng. Phụng vụ của người Do-Thái gồm 3
phần chính:
(1) Phần phụng vụ của các lời cầu nguyện;
(2) Phần đọc Kinh Thánh: Có tất cả 7 người trong cộng đòan đọc. Họ đọc bằng tiếng Do-Thái,
nhưng được phiên dịch ra tiếng Aramaic hay Hy-Lạp, vì thời của Chúa Giêsu, ít
người hiểu tiếng Do-Thái. Nếu là Sách Luật, họ đọc một câu một lần; nếu là Sách
Tiên-tri, họ đọc 3 câu một lần.
(3) Phần dạy dỗ: Không có nhất định một Rabbi. Người
trưởng hội đường có thể mời bất cứ một người nào có thế giá trong dân để chia
sẻ, và để điều khiển cuộc đối thọai sau đó. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu có
cơ hội giảng dạy để người ta biết tới và tôn vinh.
2.2/ Chúa Giêsu giảng dạy tại Nazareth,
nơi Ngài lớn lên: Người vào
hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sabbath, và đứng lên đọc Sách
Thánh. Họ trao cho Người Sách ngôn sứ Isaiah. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:
“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan
báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm
biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người
bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Đây là đọan văn trong Chương 61
của Isaiah, nói về Năm Hồng Ân, xảy ra mỗi 50 năm một lần. Trong năm này, tất
cả nợ nần được tha, tất cả đất đai đã bán được trả về cho chủ cũ, tù nhân được
phóng thích hay giảm án. Nói tóm, mọi người đếu có cơ hội làm lại cuộc đời (Lev
25).
Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người
giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn
Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý
vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp
thốt ra từ miệng Người. Chúa Giêsu nói với dân chúng Người chính là Đấng mà
Tiên-tri Isaiah đã loan báo. Ngài đã được Thánh Thần ngự xuống và tấn phong khi
chịu Phép Rửa tại sông Jordan bởi Gioan Tẩy Giả, và hôm nay Người bắt đầu sứ vụ
đã được trao phó. Chắc chắn Chúa Giêsu không quan tâm đến việc giải phóng người
nghèo phần xác cho bằng người nghèo về tâm linh: bị mù lòa và bị xiềng xích bởi
tội lỗi, và năm hồng ân của Chúa chính là ơn cứu độ Ngài mang tới cho con
người.
ÁP DỤNG TRONG
CUỘC SỐNG:
- Nếu chúng ta yêu Thiên Chúa, chúng ta
phải thực hành những gì Chúa truyền, vì những giới răn này giúp chúng ta ở lại
trong Chúa, và không lạc xa tình yêu của Ngài.
- Yêu Thiên Chúa là biết lo chung với
những lo âu của Thiên Chúa: Làm sao cho mọi người nhận biết và yêu mến Thiên
Chúa để tất cả đều được hưởng hồng ân cứu độ của Ngài.
- Mỗi người chúng ta đều có bổn phận cùng
chung với Giáo-Hội lo việc truyền giáo: làm sao cho càng ngày càng tăng số
người nhận biết và tin vào Thiên Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Thứ Năm sau Hiển Linh
Sứ điệp: Chúa Giêsu vào hội
đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày Sa-bát.
Đối với Kitô hữu, việc cầu nguyện riêng tư với Chúa là điều cần thiết, nhưng
cầu nguyện chung với cộng đoàn là điều quan trọng không thể thiếu được.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa
thường thờ phượng ở hai nơi công cộng là hội đường, và đền thờ. Mỗi thị trấn
đều có hội đường, nên người ta tụ họp vào ngày hưu lễ để nghe, suy gẫm Lời Chúa
và cầu nguyện. Người Do thái chỉ có một đền thờ để nhấn mạnh rằng: chỉ có một
Thiên Chúa duy nhất, ở đó người ta tụ họp để dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Đó là
nơi dâng hy tế trong tinh thần cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, phụng vụ Lời Chúa như chúng con
tuân giữ hôm nay phản ánh công việc tại hội đường: tức là mỗi người cùng lắng
nghe Lời Chúa, cùng suy gẫm và cầu nguyện. Còn phụng vụ Thánh Thể thì phản ánh
công việc tại đền thờ: nghĩa là mỗi người cùng biểu lộ niềm tin vào một Thiên
Chúa duy nhất, cùng dâng hy tế trong tinh thần cầu nguyện.
Xin Chúa giúp con ý thức rằng: đời sống đức tin
của con cần được nuôi dưỡng và phát triển trong đời sống đức tin của cộng đoàn.
Bởi vì cũng như một cục than sẽ luôn cháy hồng rực sáng nếu nằm cạnh những cục
than khác, nhưng nó sẽ bị lụi tàn nếu đứng riêng lẻ một mình. Cũng thế, con cần
tham dự những buổi cầu nguyện chung với anh em một cách tin tưởng để thờ phượng
như Chúa đã làm và dạy con thực hiện. Chúa là mối dây liên kết con với người
khác. Amen.
Ghi nhớ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh này".
www.phatdiem.org
10/01/13 THỨ
NĂM SAU LỄ HIỂN LINH
Lc 4,14-22
Lc 4,14-22
CÁCH CHÚA TỎ MÌNH
"Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi . . .để tôi loan Tin
Mừng cho người nghèo hèn. Người sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ
được tha, cho người mù biết họ sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố
một năm hồng ân của Đức Chúa." (Lc 4,18-19)
Suy niệm: Chúa Nhật vừa rồi Giáo Hội mừng
lễ Chúa Hiển Linh là lễ Chúa tỏ mình cho muôn dân. Trong Tin Mừng hôm nay, ngày
trong tuần Hiển Linh, Chúa tỏ mình qua sứ vụ của Ngài là Đấng Thiên Sai. Đoạn
sách ngôn sứ Isaia mà Ngài đọc trong hội đường ngày hôm ấy, được viết trước đó
mười thế kỷ, được ứng nghiệm cho Ngài. Ngài là Vị Thiên Sai đảm nhận sứ vụ, nên
Ngài clà Đấng đem lại niềm vui. Người nghèo được nghe Tin Mừng, sao lại không
vui? Tù nhân được trả tự do, chắc chắn là mừng lắm! Người mù được sáng mắt, còn
niềm vui nào sánh bằng? Sứ vụ của Chúa Giêsu nói lên rằng Ngài là Đấng tha tội,
Đấng chữa lành thiêng liêng.
Mời Bạn: Phần đông chúng ta không bị tù
đày và mắt chúng ta không bị mù. Chúng ta cũng không bị áp bức phải làm nô lệ
cho ai. Nhưng trên phương diện thiêng liêng, rất có thể chúng ta đang bị tù
đày, bì kìm kẹp bởi tội lỗi. Con mắt đức tin của chúng ta có thể bị mù. Nay
Đấng Thiên Sai đến, Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài qua Lời của Ngài và bí
tích hoà giải, hầu cho chúng ta trở thành những con người tự do.
Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để gia đình
đọc kinh mỗi ngày, trong đó cùng đọc và suy niệm Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng
con Lời Chúa và bí tích hoà giải như phương thế giải phóng và tha tội cho chúng
con. Xin cho chúng con luôn yêu mến Lời Chúa và năng lãnh nhận bí tích hoà
giải.
www.5phutloichua.net
Trả lại tự do
Vẫn luôn có những người tự nhốt mình trong nhà tù
của thành kiến, thói quen... Xin được ơn tự do để thoát khỏi sự chi phối của
cái tôi ích kỷ.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
Đức Giêsu tỏ mình. Ngài không tỏ mình cho một đám đông trong
hoang địa, nhưng tỏ mình cho người dân làng Nadarét,
tại hội đường của họ. Thánh Luca đã muốn chọn Nadarét thay vì
Caphácnaum làm nơi Đức Giêsu bày tỏ con người và
chương trình hành động của Ngài.
Nadarét là một ngôi làng nhỏ,
chẳng có gì nổi bật (x.Ga 1, 46), nhưng ở đây, Con
Thiên Chúa làm người đã sống hơn chín phần mười đời mình như một người thợ (Mc 6, 3), con của một ông thợ khác (Mt 13, 55). Ở đây, Đức Giêsu đã lớn lên từ từ về mọi mặt (Lc 2, 40). Bé Giêsu, cậu Giêsu, chú Giêsu rồi ông Giêsu. Ngài sống như một người bình thường, không có hào quang trên đầu, cũng không làm nhiều phép lạ như các sách ngụy thư đã kể. Hôm nay, Đức Giêsu trở lại làng xưa, nơi có biết bao kỷ niệm. Vì là ngày sabát, theo thói tục, Ngài đến hội đường. Ông trưởng hội đường đã mời Ngài đọc sách thánh và diễn giải. Hãy ngắm nhìn cử chỉ đĩnh đạc của Đức Giêsu. Ngài đứng lên, nhận cuộn sách, mở ra;
sau khi đọc, Ngài cuộn sách,
trả lại và ngồi xuống. Đức Giêsu đã cố ý chọn đoạn sách Isaia 61,
1-2 . Ngài thấy đoạn sách thánh đó nói về mình,
về sứ vụ tương lai: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai
quý vị vừa nghe.” Như thế chính Ngài nhận mình là Đấng
có Thần Khí Chúa ngự trên, nhận mình là Mêsia, Đấng được xức dầu để
thi hành một sứ mạng. Sứ mạng của Đức Giêsu chủ yếu là loan báo
và công bố ( Lc 4, 18-19). Sứ mạng ấy nhắm đến những người bất hạnh
trong xã hội: người nghèo, người bị giam cầm, người bị mù
lòa, bị áp bức. Đức Giêsu như đến để mở một Năm Thánh đặc
biệt, Năm hồng ân. Ơn nổi bật là ơn trả lại tự do cho tù nhân
và cho người bị áp bức (aphesis). Vẫn luôn có
những người tự nhốt mình trong nhà tù của thành kiến, thói quen...
Xin được ơn tự do để thoát
khỏi sự chi phối của cái tôi ích kỷ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, ai trong
chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con
thấy mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo
ra. Xin giúp chúng con được tự do thực sự: tự do trước những đòi hỏi của thân xác, tự do trước đam mê của trái tim, tự do
trước những thành kiến của trí tuệ. Xin giải
phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ, để dễ nhận ra
những đòi hỏi tế nhị của Chúa, để nhạy cảm
trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng
con được tự do như Chúa. Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi, khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi và chữa bệnh ngày Sabát. Chúa tự do
trước những thế lực đang ngăm đe, khi Chúa
không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau,
nhục nhã và cái chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng. Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng, để chúng con được tự do bay cao.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Hôm nay đã ứng nghiệm lời
Kinh Thánh này".
Chúa Giêsu giảng dạy tại Nagiaret
Trong
ba năm rao giảng Nước Trời để thi hành sứ mệnh của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu
đã làm nhiều phép lạ như cho kẻ chết sống lại, kẻ câm nói được, kẻ què được đi
và xua trừ ma quỷ… vì thế tiếng tăm Chúa Giêsu được mọi người biết đến. Người
ta nhìn nhận Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không phải như những
người luật sĩ Do thái chỉ biết cắt nghĩa không mà thôi. Ngài giảng dạy có phép
lạ kèm theo để minh chứng điều Ngài giảng dạy. Ngài có sức thu hút lôi kéo mọi
người để nghe lời Ngài rao giảng để họ được ơn cứu rỗi.
Hôm
nay đoạn Tin Mừng kể lại cho chúng ta rằng, với quyền năng Chúa Thánh Thần,
Chúa Giêsu trở về Galilê, đến Nagiaret là nơi Ngài sinh trưởng. Và theo thói quen
Ngài vào hội đường ngày sabat, đứng lên đọc Sách Thánh, người ta trao cho Ngài
cuốn sách tiên tri Isaia, Ngài mở sách ra và gặp thấy có chỗ chép rằng: “Thánh
Thần Chúa ở trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng
cho người nghèo khó, chữa lành những người sầu khổ trong tâm hồn, loan tin giải
thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, giải thoát người bị áp chế và
công bố năm hồng ân của Thiên Chúa”. Khi đọc tới đó, Chúa Giêsu gấp sách lại
trao cho người phụ trách, rồi đưa mắt nhìn mọi người và Chúa Giêsu bắt đầu nói
với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai các ngươi vừa nghe”. Và Tin
Mừng ghi lại: “Và mọi người đều công nhận lời Ngài giảng dạy như một Đấng uy
quyền, và họ ngạc nhiên vì những lời hấp dẫn thốt ra từ miệng Chúa Giêsu.
Chúa
Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần
trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy xuống trần gian để cứu rỗi nhân loại
nhưng cả Ba Ngôi vẫn là một. Chúa Giêsu đã tiết lộ: “Ta và Cha Ta là một”. Đồng
thời khi lãnh nhận phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả, Chúa Thánh Thần với hình chim bồ
câu đậu xuống trên đầu Ngài, đồng thời có tiếng từ trong đám mây phán ra rằng:
“Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Lời đó chứng tỏ cho chúng ta
thấy rằng, Chúa Kitô đã được xức dầu, được sai đi thi hành sứ vụ của Cha Ngài,
hầu đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa Cha đến cho mọi người.
Ngài
đi đến với những người nghèo khó, bệnh tật để chữa lành cho họ mọi bệnh tật về
tâm hồn, còn thể xác, Ngài đem Tin Mừng đến để họ được sống trong bình an, khỏi
phải sầu khổ lo âu trong tâm hồn. Con người bị nô lệ dưới xiềng xích của tội
lỗi, mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, bị giam cầm bởi tội Ađam nay được ơn giải
thoát của Đức Kitô, chính Ngôi Hai Thiên Chúa mang đến.
Trong
Cựu Ước, dân Do thái bị lưu đầy ở Babylon bốn mươi năm trong sa mạc, lầm than
khổ sở như đi trong tối tăm. Chúa Giêsu Kitô đến mở mắt cho họ thấy ánh sáng
cứu độ của Thiên Chúa, Ngài đến để công bố cho mọi người biết hồng ân cứu độ
của Thiên Chúa mà bao năm tháng qua mọi người trông đợi, như lính canh mong đợi
hừng đông để đến phiên canh gác của mình. Chúa Giêsu là Đấng mà con người mong
đợi đã đến, và Ngài đã đến để thực hiện chương trình cứu rỗi như hôm nay chính
Ngài đã xác nhận: “Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa
nghe”.
Mỗi
người trong chúng ta sau khi nghe đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ nghĩ gì? Khi
nghe một câu chuyện nào vui hay một tin hấp dẫn vui mừng, chúng ta thường nhanh
chóng vội vàng kể cho nhau nghe một cách mau mắn phấn khởi. Có lẽ chúng ta
không để lâu được trong lòng, càng loan tin vui mừng, càng sớm chừng nào càng
hay chừng ấy. Thế mà Tin Mừng của Chúa đem ơn cứu rỗi nhân loại chúng ta mà
chúng ta có vẻ e ngại, do dự, rụt rè chăng? Chúa không cần chúng ta phải ăn nói
hoạt bát, lưu loát văn chương hay như những nhà hùng biện nổi danh tổ chức,
hàng trăm ngàn người đến để nghe giảng thuyết về Thiên Chúa. Nhưng Ngài chỉ
mong ước chúng ta sống đạo, sống yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, sống hòa thuận
như chính anh em, như chính bản thân chúng ta mà thôi.
Trong
mùa Giáng Sinh, với ơn Chúa trợ giúp chúng ta sẽ sống được như thế. Lạy Chúa,
xin cho chúng con vững niềm tin vào mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể để đem ơn cứu
rỗi xuống cho nhân loại, để chúng con sống trọn mầu nhiệm yêu thương ấy cho
chúng con và cho tha nhân. Amen.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Chúa Giêsu viếng Nazaret.
Tuy chỉ
diễn ra ở Hội đường Nazaret, nhưng việc Chúa Giêsu xuất hiện lần này nêu bật tư
cách và sứ mệnh Mêsia của Ngài. Đồng thời tạo ra một khúc ngoặt trong lịch sự
cứu rỗi, vì nó đánh dấu thời điểm mọi lời tiên báo của Cựu ước được thành tựu.
“Hôm
nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh tai các ngươi vừa nghe”. Biết bao thế hệ Cựu
ước đã nôn nao chờ đợi hai tiếng “hôm nay” ấy. Đây là giờ phút vui mừng tột độ
đối với những ai thật lòng chờ đó ngày Yavê. Dĩ nhiên, thời cứu rỗi sẽ ngày
càng tốt đẹp do những can thiệp sẽ đến của Thiên Chúa, nhưng tất cả đều tuỳ
thuộc ở giây phút này, giây phút Chúa Giêsu tỏ mình là Đấng mà tất cả Cựu ước
đều hướng về.
Đây
thật là một cuộc “hiển linh”, nhưng khác với ngờ tưởng của con người, vì là
cuộc tỏ mình một cách êm ả, trong khung cảnh phụng vụ quen thuộc: Ngài đến hội
đường ngày hưu lễ, cầu nguyện chung với mọi người, nghe đọc và nghe giải thích
lời Chúa. Đấng Mêsia gặp gỡ Thiên Chúa, tìm hiểu, lắng nghe và nhận ra thánh ý
Thiên Chúa nơi cơ chế phụng tự quen thuộc và nơi Kinh thánh, và rồi Ngài cũng
sẽ thực hiện chương trình cứu rỗi bằng chính đời sống lao nhọc vì tha nhân,
bằng chính thái độ tận tình đối với tha nhân, để “kẻ nghèo được nghe Tin mừng,
người sầu khổ được chữa lành, kẻ bị giam cầm được giải thoát…”.
Chớ gì
mỗi khi họp nhau nghe Lời Chúa chúng ta cũng nhận ra được thánh ý cứu độ của
Ngài để rồi cùng với Chúa Kitô chúng ta thực hiện thánh ý ấy trong cuộc sống.
Điều đó đòi hỏi nơi chúng ta một tấm lòng rộng mở và biết lắng nghe, một con
tim quảng đại biết quên mình để dấn thân phục vụ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 1
10 THÁNG GIÊNG
Ánh Sáng Cho Các Dân Tộc
Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta hình ảnh
Đức Giê-su Na-da-rét như là “người tôi tớ của Thiên Chúa” đã được báo trước
trong Sách Ngôn sứ Isaia, như là người được Thiên Chúa tuyển chọn và hài lòng.
Trong tư cách là người tôi tớ của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chu toàn sứ mạng của
Người với sự dấn thân trọn vẹn cho Thánh Ý Thiên Chúa; và Người nêu mẫu gương
khiêm nhường trong quan hệ với mọi người. Như vậy, Thiên Chúa đã đặt Người “như
một giao ước với con người”, “như một ánh sáng cho các dân tộc”, để đem lại ánh
sáng cho người mù và trả lại tự do cho các tù nhân.
Người tôi tớ kỳ diệu ấy của Thiên Chúa là
Đức Kitô, Đấng đã đến để đem ơn cứu độ cho nhân loại – như được mạc khải trong
nước của phép Rửa. Trong Tin Mừng của Luca, Đức Giêsu được Gio-an làm phép Rửa.
Bấy giờ trời mở ra, và Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Đức Kitô trong hình một
chim bồ câu. Rồi tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta; Ta hài lòng
về Người.” (Mt 3, 17).
Giờ đây sấm ngôn xưa đã được ứng nghiệm.
Thiên Chúa vui thỏa đối với tôi tớ của Ngài; Cha hài lòng về Con đời đời của
mình. Bởi người Con ấy đã đảm nhận bản tính nhân loại. Với lòng khiêm nhường
sâu thẳm, Người đã xin Gio-an làm phép rửa cho Người trong nước. Tuy nhiên,
Gio-an Tẩy Giả chỉ là một vị tiền hô của Đức Kitô, và phép rửa của Gio-an trong
nước chỉ là một chuẩn bị cho cuộc xuất hiện của Đấng Mêsia – một chuẩn bị để
đón nhận ân sủng. Đức Giêsu, người tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa, mới là
người mang ân sủng đến và làm phép Rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II
-
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns xuất bản, 1994.
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
1Ga 4, 19-5,4; Lc 4, 14-22a.
LỜI SUY NIỆM: “Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi
Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn thường quen làm trong ngày
Sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh.” (Lc 4,16).
Mọi người Ki-tô hữu đều đã học được
thói quen là mỗi ngày Chúa Nhật trong cuộc đời của mình đều đến Nhà Thờ để dâng
lễ, cầu nguyện, nghe Lời Chúa và rước mình Thánh Chúa. Cao điểm của việc đến
Nhà Thờ là việc rước Mình Thánh Chúa Giêsu. Đây là giây phút gặp gỡ chính Ngài,
sau khi đã tự sám hối riêng và chung với cộng đoàn, cũng như nghe chính những
lời của Chúa và giáo huấn của Huấn Quyền. Thời gian ân sủng khi rước lễ và tạ
ơn quá ngắn ngủi. Trên bàn thờ không còn chén và dĩa thánh. Cửa Nhà Tạm thì đã
được đóng và khóa lại. Mình Thánh Chúa giờ chỉ còn ở trong lòng của chúng ta.
Giờ đây chính mỗi một người chúng ta trở thành Nhà Tạm, là cung lòng của Đức
Maria. Ước gì mỗi người trong chúng ta ý thức, để sống với xã hội ngày hôm nay.
Mạnh Phương
Thứ
Năm 10-1
Thánh William ở Bourges
(c.
1209)
T
|
hánh William xuất thân từ một
gia đình giầu có ở Nevers nước Pháp. Ngay khi còn nhỏ, ngài không uổng phí thời
giờ để chơi đùa hay mơ mộng. Ngài dùng thời giờ để cầu nguyện. Khi gia nhập
dòng Xitô, ngài đã cố gắng để trở nên một đan sĩ tốt lành. Các đan sĩ khác rất
ngưỡng mộ ngài mặc dù ngài không có ý định đó.
Thánh William đặc biệt sùng
kính Ðức Giêsu trong Thánh Thể. Ngài hãm mình thật khắc khổ nhưng luôn luôn tỏ
ra vui vẻ. Khi được chọn làm đan viện trưởng, ngài rất khiêm tốn. Khi đức tổng
giám mục của Bourges từ trần, ngài được chọn để thay thế. Tuy cảm kích được
phong chức giám mục nhưng ngài không vui vì sự lưu ý của người đời. Ngài tiếp
tục sống khiêm tốn và ăn năn đền tội để cải hóa các tội nhân. Ngoài công việc
bình thường của một giám mục là thăm viếng các giáo xứ, ngài còn đến thăm người
nghèo và các bệnh nhân để đem Ðức Kitô đến cho họ.
Ðức William từ trần ngày 10
tháng Giêng 1209. Ngài được chôn trong vương cung thánh đường ở Bourges. Sau đó
các phép lạ bắt đầu xảy ra cho những ai cầu nguyện ở mộ của ngài. Vào năm 1218,
Ðức Giáo Hoàng Honorius III đã phong thánh cho ngài.
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét