Trang

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Đời độc thân và chức Linh mục


Đời độc thân và chức Linh mục


30 câu hỏi-đáp

John Flynn, LC
Tại sao các linh mục không thể kết hôn? Đó là một câu hỏi mà người ta thường đặt ra, và sự đòi buộc sống đời độc thân cũng bị đổ lỗi là một trong các nguyên nhân cho việc linh mục lạm dụng tình dục.

Một bản dịch mới, từ tiếng Ý qua tiếng Anh, được xuất bản mới đây đề cập đến chủ đề trên dưới dạng hỏi-đáp, với nhan đề “Linh Mục kết hôn không? Ba mươi câu hỏi quan trọng về sự độc thân" (nxb Ignatius). Sách được Arturo Cattaneo biên tập, với sự đóng góp của nhiều học giả khác nữa.

Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ, nhìn nhận: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một thách thức giáo dục lớn, trong việc giải thích giáo huấn của Giáo Hội về đời sống độc thân linh mục”.

Ngài so sánh tình trạng độc thân với hôn nhân: "Luận lý cơ bản của đời sống độc thân linh mục thì cũng giống như luận lý chúng ta gặp trong hôn nhân Kitô giáo: đó là hiến dâng mọi sự luôn mãi trong tình yêu”.

Từ khía cạnh lịch sử, cuốn sách ghi nhận rằng Chúa Kitô đã chọn đời sống độc thân cho bản thân Người, mặc dù đối với người Do Thái, bậc sống này bị xem là một sự sỉ nhục. Chúa Giêsu không là cha của con cái về thể lý, nhưng Người yêu thương các môn đệ như anh em, và chia sẻ một cuộc sống chung với các vị.

Cách thức giao tiếp sự sống của Chúa Giêsu là không phải thông qua sự sinh sản thể lý, nhưng là sinh sản tinh thần. Do đó, đời sống độc thân của những người theo Chúa Giêsu trong chức linh mục phải được hiểu trong viễn tượng của việc chuyển thông sự sống đời đời trong tinh thần.

Một trong các câu hỏi liên quan sự khẳng định rằng đời sống độc thân đã không trở thành bắt buộc cho đến thời Trung Cổ. Theo câu đáp, từ ban đầu đã có chứng cớ rõ ràng trong Kinh Thánh, cả trong Tin Mừng lẫn các thư của Thánh Phaolô, về việc ủng hộ tình trạng độc thân như một dấu chỉ của chứng tá.

Trong khi đúng là trong các thế kỷ đầu các người nam kết hôn đã được truyền chức linh mục, và sau khi chịu chức rồi, họ tập thực hành sự tiết dục, và những người đang độc thân lúc được truyền chức hoặc đàn ông góa vợ sau khi truyền chức, không được phép kết hôn khi họ đã là linh mục.

Tất cả các thầy phó tế, linh mục và Giám mục, - câu đáp nói tiếp - phải kiêng khem hoạt động tình dục từ ngày được truyền chức. "Không nơi nào trong Giáo Hội có thể chứng minh rằng một giáo sĩ đã kết hôn có thể có con một cách hợp pháp sau ngày truyền chức".

Theo dòng thời gian, Giáo Hội nhận ra rằng sự tiết dục cho các giáo sĩ kết hôn là vấn đề liên quan đến bí tích hôn nhân và do đó, trong thời Trung Cổ, điều này đã dẫn đến quyết định đòi buộc các linh mục phải sống độc thân.

Ơn gọi

Tại sao không cho phép linh mục kết hôn để thu hút nhiều ơn gọi hơn? Theo cuốn sách, điều này là một trong các lập luận thường có nhất liên quan đến đời sống độc thân. Tuy nhiên, không có bằng chứng "rằng việc ít đòi buộc đối với các ứng viên linh mục dẫn đến số lượng gia tăng ứng viên nhiều hơn", - câu đáp cho biết.

"Kinh nghiệm chứng minh điều ngược lại: ơn gọi làm linh mục phát triển và gia tăng, khi sứ điệp Tin Mừng cơ bản được hoan nghênh một cách kiên định và không biện giải".

Một lời đáp khác nhìn nhận: Sự đòi hỏi tình trạng độc thân không phải là một tín điều, nhưng cũng không có nghĩa là một biện pháp kỷ luật thuần túy. Sống độc thân có nghĩa rằng linh mục nên giống như Chúa Kitô và sống như Chúa đã sống.

Chúa Giêsu tự xem mình như là "Tân lang" của cả cộng đoàn các tín hữu. Lời giải thích nhắc đến thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô (5, 21-33), khi thư sử dụng hình ảnh của hôn nhân cho sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.

Liệu đời sống độc thân là không tự nhiên chăng, và là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nơi các linh mục chăng? Trong lời đáp cho câu hỏi này, tác giả là Manfred Lutz, một bác sĩ y khoa ngành tâm thần học, giải thích rằng câu hỏi dựa trên một tiền đề sai lầm. Điều gì xảy ra cho tất cả những người không lập gia đình - tất cả họ đều là không tự nhiên chăng?

Bác sĩ Lutz nói tiếp, đời sống độc thân chỉ trở nên không tự nhiên, khi người độc thân sống trong tính ích kỷ cô độc hoặc sự ái kỷ quá đáng.

Đời sống thiêng liêng

Từ kinh nghiệm của mình như là một bác sĩ trị liệu, ông Lutz nói rằng các khủng hoảng nơi các giáo sĩ không đến từ cuộc sống độc thân, nhưng đúng hơn là từ sự khô cạn đời sống thiêng liêng.

Một câu hỏi tiếp theo cũng bàn về chủ đề của sự cân bằng tâm lý. Câu này được André-Marie Jerumanis, một linh mục bác sĩ, trả lời.

Cha giải thích rằng cuộc sống độc thân không có hại cho trạng thái cân bằng hoặc sự trưởng thành, nếu chúng ta nhìn nhận rằng nó là một sự lựa chọn tự do của một người trưởng thành tâm lý.

Con người không chỉ là một bó các bản năng. Con người còn có một trí thông minh, ý chí và sự lựa chọn tự do, vốn giúp chúng ta tự kiểm soát bản thân.

Cha Jerumanis giải thích: "Một con người càng trưởng thành về nhân bản và tinh thần hơn, người ấy càng thực thi sự tiết dục cách hoàn hảo hơn ở bình diện tâm lý, không có sự thất vọng nhưng có tự do hoàn toàn được thực thi trong việc tự kiểm soát bản thân, và trong sự sẵn sàng hoàn thành sứ mệnh cá nhân của mình",

Trong một câu hỏi khác, cha Jerumanis trả lời về lời cáo buộc rằng sự độc thân là một yếu tố nguyên nhân của việc lạm dụng tình dục. Cha khẳng định rằng thật là vội vàng khi đi đến một kết luận như thế, cũng giống như là quá vội vàng để kết luận rằng cuộc khủng hoảng hôn nhân là do sự đòi buộc rằng hôn nhân phải là bất khả phân ly.

Một cộng tác viên khác cho biết rằng không ai có thể đổ lỗi cho định chế hôn nhân là phải chịu trách nhiệm cho một người cha người mẹ lạm dụng tình dục con cái của người ấy. Cộng tác viên này cũng nhận xét rằng việc lạm dụng tình dục xảy ra nhièu hơn trong các Giáo hội có hàng giáo sĩ kết hôn, và đại đa số các trường hợp lạm dụng tình dục xảy ra trong gia đình gần gũi.

Các giải thích trên đây và các câu hỏi-đáp khác làm cho cuốn sách trở thành một nguồn giá trị, trong một thời kỳ có cuộc tranh luận liên tục về đời sống độc thân như hiện nay. (Zenit.org 25-1-2013)

Nguyễn Trọng Đa 1/29/2013(vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét