Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

13-01-2013: CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA (phần I)


Chúa Nhật 13/01/2013
Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh Năm C
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
(Phần I)


BÀI ĐỌC I: Is 42, 1-4. 6-7
"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".

 Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10

Đáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).

1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. - Đáp.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. - Đáp.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Cv 10, 34-38
"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".

Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người". Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: x. Mc 9, 7

Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 3, 15-16. 21-22
"Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Đấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha". Đó là lời Chúa.


Con Là Con Chí Ái Của Ta
(Isaia 42,1-7; Công vụ Tông đồ 10,34-38; Luca 3,15-22)
Suy Niệm:
Tự nhiên chúng ta không thích việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay ông Gioan. Chính ông này khi thấy Chúa đến xin rửa cũng đã bắt đầu từ chối: Vì Chúa là Ðấng Công Chính và Cứu Thế lẽ nào còn phải và còn cần phải được rửa? Hơn nữa, Gioan sánh với Chúa là gì mà dám giơ tay dội nước rửa cho Ngài? Nhưng ý nghĩ là loài người của chúng ta không như ý nghĩ của Chúa. Phụng vụ - và đặc biệt phụng vụ Ðông phương - đã khám phá ra ý nghĩa của việc Chúa xin chịu phép rửa của Gioan, nên muốn cử hành ngày lễ hôm nay thật long trọng.
Phụng vụ coi lễ này như một phần của mùa Hiển linh, tức là mùa Chúa tỏ mình ra trong việc giáng sinh làm người. Hơn nữa, có thể nói đây là tột đỉnh của việc Chúa Hiển Linh, nên đáng dùng để kết thúc mùa phụng vụ Giáng Sinh, là mùa cử hành mầu nhiệm Chúa tỏ mình ra.
Thoạt đầu Người tỏ mình nơi máng cỏ cho một số mục đồng, rồi Người đã cho Simêon và Anna được bồng ẵm trong đền thờ; Và cho các đạo sĩ từ xa đến thờ lạy. Lớn lên, Người đã hành hương Giêrusalem để bắt đầu khiến các luật sĩ phải kinh ngạc. Nhưng những lần hiển linh này chỉ như những tia sáng vừa lóe ra đã vội tắt đi: chẳng ai biết Ðức Giêsu trong 30 năm ở Nadarét đã làm gì và như thế nào...? Mãi cho đến hôm nay, Người đi giữa quần chúng, tiến lên xin ông Gioan rửa cho, và có tiếng từ trời tuyên bố Người là Con chí ái của Thiên Chúa.
Thời gian ẩn thân của Người đã chấm dứt: từ nay Người trở thành nhân vật công khai và được chú trọng nhiều nhất. Lễ Người chịu phép rửa hôm nay không phải là tuyệt đỉnh của việc Hiển Linh sao? Nó bộc lộ con người Ðức Giêsu khi đã "trưởng thành". Nó cho chúng ta thấy con người sắp thi hành công cuộc Cứu Thế là ai? Nó kết thúc mùa Giáng sinh vì nó hoàn tất việc Ðức Giêsu tỏ mình ra cho chúng ta biết rõ con người của Ngài.
Do đó chúng ta hãy nhờ phụng vụ hôm nay để biết rõ, biết hết về con người sắp sửa đi làm công việc cứu thế. Chúng ta sẽ nhờ các bài đọc Kinh Thánh để hiểu Ðức Giêsu thành Nadarét là ai, trước khi quan sát các hoạt động cứu thế của Người mà các Chúa nhật sau đây sẽ kể lại. Chúng ta nhờ các bài sách Isaia chuẩn bị trước để hiểu bài Tin Mừng. Và chúng ta sẽ dùng bài sách Công vụ để biết Ðức Giêsu còn là người thế nào đối với chúng ta ngày nay.
 1. Này Ðây Tôi Tớ Của Ta
Bài sách Isaia là bài mở đầu cho một loạt bốn bài của tác giả nói về Người Tôi Tớ (49,1-6; 50,4-9; 52,13-53,12).
Phần này rất quý trong sách Isaia. Nhà tiên tri loan báo rằng đến thời kỳ đã định, Thiên Chúa sẽ ra tay oai hùng cứu dân nhờ Người Tôi Tớ của Ngài. Ai là người tôi tớ này? Isaia đã không chỉ đích danh Ngài, nhưng đã mô tả Ngài dưới nhiều nét độc đáo để hậu thế có thể nhận ra Ngài khi Ngài xuất hiện.
Ðoạn trích hôm nay cho chúng ta biết những nét đầu tiên. Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã tuyển chọn, nâng đỡ và sủng mộ, sẽ được Chúa tấn phong, không phải bằng dầu thơm như các vua chúa, tiên tri và tư tế trong dân Chúa, nhưng với chính Thần Khí của Chúa. Dĩ nhiên đã có nhiều người nhận được Thần Khí của Chúa để làm công việc của Người từ thời Abraham cho tới nay. Ðặc biệt không có Thần Khí của Chúa, các tiên tri đã không thể tuyên sấm. Nhưng khi Isaia viết như trên, ông nghĩ đến lời hứa rằng: trong những ngày ấy, tức là đến thời kỳ sung mãn cứu độ, Thiên Chúa sẽ đổ Thần Trí của Người trên Israen mới và người ta sẽ trở nên dân mới không còn bội phản giao ước nữa. Và như vậy, người Tôi Tớ mà Chúa dùng để làm công việc cứu độ hẳn phải nhận được Thần Trí Chúa trước hết và đầy đủ nhất. Hơn nữa, Chúa sẽ ban Thần Trí cho tôi tớ một cách công khai, thay thế lễ nghi xức dầu mà người ta vẫn coi như là dấu hiệu tấn phong kẻ được Chúa chọn. Chính việc ban Thần Khí công khai và trực tiếp bởi tay Chúa như vậy đánh dấu sự khác thường và trổi vượt của việc tuyển chọn người Tôi Tớ. Không ai trong quá khứ và tương lai được giới thiệu và chứng thực như vậy. Và việc này là dấu chỉ đầu tiên về ưu vị của Người Tôi Tớ trong chương trình cứu độ của Người.
Dĩ nhiên Phụng Vụ hôm nay đã chọn bài đọc này vì điều mà Isaia vừa mô tả, tức là vì việc Thiên Chúa đã ban Thần Trí của Người cho Người Tôi Tớ. Chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu sẽ nhận được Thần Trí như thế nào. Nhưng hơn nữa, Phụng vụ còn muốn chúng ta để ý đến chính danh xưng Người Tôi Tớ trong bài sách Isaia để nhìn Ðức Giêsu đến chịu Gioan rửa như là Người Tôi Tớ đích thực của Thiên Chúa.
Isaia trong đoạn văn hôm nay mô tả người Tôi Tớ có sứ mạng làm "rạng phán quyết ra cho các nước", tức là làm cho các dân tộc nhận biết sự xét xử của Thiên Chúa về các việc lành dữ, và về các người tốt xấu. Ngài sẽ hủy sự tội lỗi và thiết lập sự Công chính. Và nói theo tâm lý người dân Cựu Ước thì Ngài sẽ giải cứu người ngay và trừng phạt kẻ dữ. Ðặc biệt Ngài sẽ quan tâm đến số phận những người nghèo khó, để kẻ mù được xem, người tù được phóng thích và dân cư bóng tối sẽ được đưa vào nơi sáng láng.
Sứ mạng ấy, Ngài không thi hành bằng võ lực, nhưng theo cách khiêm cung, từ tốn. Ngài không la lối, và lên tiếng to, Sậy đập Ngài không nỡ bẻ; tim đèn leo lét, Ngài không dập tắt. Ngài dùng lẽ thật mà làm rạng phán quyết. Dĩ nhiên Ngài sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng Ngài sẽ không nao núng vì "này lời của Thiên Chúa:
"Chính Ta đã gọi ngươi...
Ta nắm tay ngươi"...
Vinh quang của Ta, Ta sẽ không ban cho người khác".
Tất cả những lời tiên tri ấy đều rất quý. Chúng ta có thể dựa vào mà tìm hiểu con người của Ðức Giêsu. Nhưng có lẽ hôm nay phụng vụ không cần đến những quan niệm phong phú như vậy. Phụng vụ chỉ cần chúng ta lưu ý: Ðức Giêsu là người Tôi Tớ đích thực của Thiên Chúa và Ngài đã được Thiên Chúa ban Thần Trí tấn phong làm việc cho các dân tộc. Ðiều phụng vụ muốn hơn nữa, là danh từ Người Tôi Tớ hãy gợi lên trong đầu óc chúng ta những nội dung cốt yếu của toàn loạt bốn bài ca về Người Tôi Tớ trong sách Isaia, để không những chúng ta thấy Ngài khiêm nhu, từ tốn như trên vừa nói, mà còn bị đánh đập và giết đi vì tội lỗi của loài người. Chính những tư tưởng này lại càng có ích cho việc hiểu biết Ðức Giêsu trong việc chịu phép rửa hôm nay. Quả vậy khi muốn chúng ta biết Ngài là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, luôn luôn phụng vụ ngầm hiểu Ngài là Người Tôi Tớ đau khổ, bởi vì trong sách Isaia không thể biết có người Tôi Tớ mà lại không thấy đó là người Tôi Tớ đau khổ. Quan niệm này sẽ giúp chúng ta dễ hiểu câu chuyện kể trong bài Tin Mừng.
 2. Con Là Con Chí Ái Của Ta
Phần đầu cho chúng ta thấy Gioan giới thiệu Ðức Giêsu là Người quyền thế hơn sẽ đến, bởi vì Ngài sẽ không rửa bằng nước, nhưng trong Thánh Thần và lửa. Ðiều này có nghĩa là phép rửa của Gioan cũng thua kém phép rửa của Ðức Giêsu. Một đàng chỉ rửa bằng nước để được ơn tha tội; đàng kia sẽ rửa trong Thánh Thần và lửa, tức là trong ơn thánh hóa và thiêu hủy tội lỗi. Nhưng điều ấy cũng có nghĩa là Ðức Giêsu vượt trội hơn Gioan. Ông chỉ là tiền hô cho Ngài. Ông dọn đường để Ngài đến. Chính Ngài sẽ đến rửa trong Thánh Thần và lửa, tức sẽ là công chính hóa người này và thiêu hủy người kia. Ngài đến để xét xử, y như Isaia đã loan báo...
Thế mà khi Ngài đến chúng ta có thấy như vậy đâu. Phần sau bài Tin Mừng nói rõ Ðức Giêsu đã đến ở giữa toàn dân. Ngài cũng chịu rửa. Nhưng rồi, đang khi Ngài cầu nguyện thì trời mở ra, Thánh Thần lấy hình bồ câu đáp xuống và tự trời có tiếng phán ra: "Con là Con Chí Ái Ta, hôm nay Ta đã sinh ra con".
Tác giả Luca đã kể quá vắn tắt. Ông nghĩ rằng ai ai cũng đã biết rõ chuyện Chúa chịu phép rửa của Gioan. Ðó là điều đầu tiên các Tông đồ giảng về Chúa Giêsu cho mọi người theo dàn bài tường thuật về Ngài "từ khi chịu Gioan rửa cho đến khi chịu chết sống lại, lên trời và sai Thánh Thần xuống". Luca thấy không cần nhắc lại dài dòng làm gì. Ông viết thật vắn tắt, tức là chỉ giữ lại những nét thật cốt yếu. Do đó những lời ông kể trở nên rất giá trị.
Luca cho chúng ta thấy Ðức Giêsu đã đến ở giữa toàn dân. Ngài đi ở giữa họ. Và họ đến với Gioan để xưng thú tội lỗi và chịu phép rửa. Kẻ đứng ngoài phải liệt Ngài vào hạng tội nhân. Và Ngài muốn như vậy, vì Ngài được sai đến gánh tội thiên hạ, Ngài là Người Tôi Tớ Thiên Chúa muốn mang lấy mọi vết hằn của loài người chúng ta...
Những lần Ngài tỏ mình ra trước đây, chưa bao giờ Ngài hạ mình xuống sâu như vậy. Khi sinh ra nơi hang đá máng cỏ, thiên tính đã hạ mình, nhưng còn mặc lấy thân thể một hài nhi dễ thương. Lúc được đưa vào dâng trong đền thờ Simêon vẫn còn chào Ngài là ánh sáng muôn dân. Và hôm ở trong đền thờ hồi 12 tuổi, Ngài đã làm cho nhiều luật sĩ kinh ngạc. Còn hôm nay, ở đây Ngài để người ta coi mình như một tội nhân ở giữa toàn dân tội lỗi. Ngài chia sẻ thân phận khốn nạn nhất của loài người vậy.
Tại sao Ngài làm thế? Chính lúc đó chẳng ai giải thích được. Ngay Ðức Giêsu cũng đã từ chối cắt nghĩa cho Gioan hiểu thái độ của Ngài khi ấy. Ngài chỉ hứa sau này sẽ hiểu; còn lúc này cứ làm theo ý Thiên Chúa. Và Gioan đã làm theo ý Ngài và rửa cho Ngài. Nhưng sau này, khi đã được Thánh Thần soi sáng, các tông đồ đã hiểu. Bấy giờ đã có cây Thánh Giá. Ðức Giêsu đã bị treo lên như một tội nhân ở giữa những kẻ gian phi. Ngài chịu rửa một lần nữa - và lần này bằng máu - như lòng Ngài ao ước. Nhờ vậy các tông đồ đã hiểu ra ý nghĩa của lần rửa nơi sông Giođan. Hôm ấy Ðức Giêsu đã muốn báo trước cuộc tử nạn của Ngài. Có thể nói Ngài đã tập dượt cuộc tử nạn. Ngài đóng vai trò Người Tôi Tớ mang lấy tội lỗi của đồng loại. Ngài là Con Chiên gánh tội thiên hạ. Ngài đã chọn lần xuất hiện công khai với dân chúng để làm công việc này là có tính toán: để tỏ lòng liên kết với nhân loại tội lỗi; để nói với mọi người rằng; Ngài sẽ đưa họ vượt qua khỏi tội khi mang tội của họ trên thân thể của Ngài; để họ biết rằng Ngài được sai đến để xóa tội chứ không phải làm công việc nào khác; để rồi đây họ sẽ thấy Ngài chịu rửa trong máu để ban nước rửa trong Thánh Thần.
Vậy việc chịu rửa hôm nay là hình ảnh về cuộc tử nạn mai ngày thì phải có hình ảnh về việc phục sinh kèm theo vì chẳng bao giờ có tử nạn tách rời phục sinh. Do đó đã có cảnh trời mở ra, Thánh Thần đáp xuống, và tiếng Chúa Cha tuyên bố từ trời cao: "Con là Con Chí Ái Ta, hôm nay Ta đã sinh ra Con". Theo thánh Phaolô, đây là lời Thiên Chúa nói với Ðức Giêsu trong mầu nhiệm phục sinh. Luca là môn đệ của Thánh Thần, hẳn đã phải hiểu theo ý đó; và theo truyền thống của kinh Thánh, đây cũng là công thức Vua Cha quen dùng để Ngôi cho thái tử kế vị trong ngày đăng quang. Luca biết truyền thống này và hẳn đã muốn tuyên xưng Vương quyền của Chúa Giêsu trong Mầu nhiệm Phục sinh.

Nhưng rõ rệt ở đây, ai ai cũng thấy Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, vì tiếng từ trời phán ra không mập mờ tí nào. Lời ấy đã đi kèm việc ThánhThần lấy hình bồ câu đã xuống, khiến đó thật là lời tấn phong và việc Thánh Thần ngự xuống là hành vi xức dầu từ trước tới nay trong lịch sử dân Chúa. Và như vậy lời sách Tiên tri Isaia hôm nay đã ứng nghiệm. Ðức Giêsu là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa tuyển chọn, sủng mộ và nâng đỡ để làm rạng phán quyết cho các nước tức là đưa các dân tộc khỏi lầm lạc và tội lỗi để được đưa vào nước Chân lý và Thánh thiện. Do đó chưa bao giờ Ðức Giêsu tỏ mình ra như hôm nay, vừa công khai vừa với nhiều tước hiệu và những tước hiệu cao quý hơn cả. Chúng ta được biết Ngài là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sủng mộ. Ngài được tấn phong trong Thánh Thần để được xưng tụng là Kitô một cách đặc biệt hơn hết vì chẳng ai được "xức dầu" như Ngài. Vẻ khiêm cung khó nghèo của Ngài chỉ làm chứng Ngài thật là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa mà sách Isaia đã loan báo. Người Tôi Tớ ấy sẽ đau khổ vì tội lỗi loài người đến nỗi bị giết, bị đâm nhưng sẽ được tôn vinh; nên hôm nay chúng ta thấy Ðức Giêsu đứng trong hàng ngũ tội nhân và chịu Gioan rửa. Ngài làm trước cuộc tử nạn sau này và do đó Chúa Cha hôm nay cũng báo trước việc Ngài sẽ phục sinh. Và dòng sông Giođan hôm nay chứng kiến những sự kiện này cũng được trở nên hình ảnh về phép rửa tái sinh nhân danh Ðức Giêsu chịu chết và sống lại. Do đó nói như nhiều Giáo Phụ đã nói; Ðức Giêsu hôm nay xuống dòng sông Giođan là để thành hóa nước thánh tẩy tội nhân sám hối sau này.
Tất cả những ý nghĩa ấy không làm cho ngày lễ hôm nay nên long trọng sao? Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng?
 3. Ngài Thi Ân Giáng Phúc
Bài sách Công vụ hôm nay là mấy câu đầu trong bài diễn từ của Phêrô tại nhà một viên sĩ quan Rôma. Ông đã đến đây theo lệnh Thánh Thần vì Ngài muốn cho cả lương dân cũng được ơn cứu độ của Ðức Giêsu Kitô. Ông thấy rõ: Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng chiếu cố đến mọi người có lòng ngay. Ngài đã sai đến cho tất cả chúng ta một Ðấng Giêsu Kitô, đã được Ngài xức dầu bằng Thánh Thần và quyền năng để ngang qua đâu, Ðức Giêsu cũng thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị quỷ ma áp bức thống trị.
Dĩ nhiên Phêrô đã ám chỉ đến những lần Ðức Giêsu chữa bệnh và xua đuổi tà thần ra khỏi những kẻ bị quỷ ám. Nhưng những phép lạ ấy chỉ là dấu hiệu nói lên sứ mạng của Ngài là cứu nhân loại tội lỗi ra khỏi quyền lực của Satan. Và như vậy, những lời Phêrô nói hôm nay như muốn kéo dài việc hiển linh ở bờ sông Giođan. Ông giới thiệu việc làm của Ðức Giêsu sau khi chịu phép rửa. Lời ông nói không những phù hợp với lễ hôm nay mà còn gợi ý, để chúng ta thấy ảnh hưởng của Ðức Giêsu Kitô còn kéo dài cho những "người kính sợ Chúa và làm lành" ở mọi thời và mọi nơi, chẳng thiên vị hoặc kỳ thị ai.
Chúng ta vẫn tin như vậy, nhưng cần giục thêm lòng tin mỗi khi đến với Chúa Giêsu Kitô, dặc biệt trong những giờ thánh lễ như bây giờ. Chúng ta sẽ được tiếp xúc với Ngài trong Thánh Thể.
Ðây cũng là mầu nhiệm tử nạn phục sinh. Bánh rượu bề ngoài cũng tầm thường thôi; nhưng lời truyền phép cho chúng ta biết giá trị đã thay đổi rồi. Không có gì giống như trong việc Ðức Giêsu chịu phép rửa sao? Hôm ấy bề ngoài Ngài là phận tôi tớ, nhưng tiếng Thiên Chúa đã tuyên dương Ngài là Con Chí Ái cùng lúc với Thánh Thần đã lấy hình bồ câu đáp xuống trên Ngài. Nếu chúng ta đã chấp nhận những lời Thánh Kinh về việc Ngài chịu rửa, thì chúng ta hãy lãnh nhận Thánh Thể với niềm tin mạnh mẽ như thế, để như lời Phêrô nói, Ðức Giêsu đi ngang qua sẽ thi ân giáng phúc và cứu chúng ta khỏi quỷ ma áp bức thống trị.
Hơn nữa, rồi ra sau thánh lễ, chúng ta phải theo gương Ngài đi giữa trần gian. Chúng ta cũng có thể làm nhiều việc bác ái thương người! Chúng ta cũng có thể làm nhiều việc bác ái thương người! Và chúng ta cũng có thể xua đuổi ảnh hưởng và áp lực của quỷ ma nếu chúng ta kính sợ Thiên Chúa và làm lành với sự trợ giúp của ơn Ngài. Còn nói gì nữa, khi chúng ta lại muốn như Ngài trở thành Người Tôi Tớ Thiên Chúa sẵn sàng mang các gánh nặng của anh em! Sự thật, có làm như vậy, chúng ta mới tỏ ra đã hiểu việc Chúa Giêsu đã chịu phép rửa hôm nay và đã để cho việc ấy sinh ơn cứu độ cho mình. Cầu chúc chúng ta làm được như vậy.
 (Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật Lễ Phép Rửa của Chúa Giêsu, Năm C

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Đức Kitô được tuyển chọn để thi hành sứ vụ.

Trong sự quan phòng điều khiển của Thiên Chúa, Ngài không làm hết mọi sự, nhưng tuyển chọn những người khác nhau để cho họ tham dự vào Kế-họach Cứu Độ của Ngài. Những người Ngài tuyển chọn, Ngài cũng sẽ ban mọi ơn cần thiết để họ có thể chu tòan sứ vụ Ngài đã trao phó. Các Bài Đọc hôm nay nói về việc tuyển chọn cao trọng nhất của Thiên Chúa là tuyển chọn Đức Kitô. Chúng ta cùng nghiên cứu sự tuyển chọn này để rồi áp dụng vào ơn gọi tuyển chọn của mỗi người chúng ta.

Trong Bài Đọc I, Tiên-tri Isaiah đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy rõ ràng sự tuyển chọn Người tôi trung của Ngài. Đây là Người được Thiên Chúa yêu mến vì luôn trung thành với Thiên Chúa để hòan tất sứ vụ Cứu Độ của Ngài. Cách thức hòan tất sứ vụ Thiên Chúa trao cũng rất đặc biệt và khác hẳn với cách thức của con người: không kêu to, nói lớn, ồn ào; không dùng bạo lực để tiêu diệt nhưng dùng tình thương để chinh phục; không yếu hèn để chịu khuất phục, nhưng trung thành để thiết lập công lý bằng sự thật. Trong Bài Đọc II, Thánh Phêrô nhắc nhở cho các tín hữu nhìn lại cuộc đời của Đức Kitô để học hỏi cách chu tòan sứ vụ của Ngài trong Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người. Trong Phúc Âm, Marcô tường thuật những gì xảy ra khi Đức Kitô chịu Phép Rửa: Khi Ngài từ dưới nước nhô lên, Thánh Thần của Thiên Chúa hiện xuống và đậu lại trên Người, đồng thời có tiếng của Chúa Cha làm chứng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." Chúng ta cùng nghiên cứu những chi tiết trong các Bài Đọc để tìm ra những ý nghĩa quan trọng của nó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người tôi trung của Yahweh

1.1/ Liên hệ giữa Thiên Chúa và Người tôi trung: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.” Ai là Người tôi trung mà Tiên tri Isaiah muốn nói tới ở đây? Có người nói là Israel vì là Dân Riêng được Thiên Chúa tuyển chọn; có người cho là Cyrus, người đã vâng lệnh Thiên Chúa; có người cho là Đức Kitô vì không ai mà Thiên Chúa đã quí mến hết lòng bằng chính Người Con Một của mình. Theo sự phiên dịch của Targum (bản dịch từ Do-Thái qua Aramaic và Hy-Lạp), Người tôi trung chính là Đấng Thiên Sai. Hơn nữa, văn mạch cũng ám chỉ Người tôi trung là một cá nhân, chứ không phải một dân tộc. Ngòai ra, Thiên Chúa có thể chọn bất cứ ai để chu tòan sứ vụ của Vua Cyrus; nhưng để chu tòan Kế-họach Cứu Độ, chỉ một mình Người con mới có thể chu tòan mà thôi.

1.2/ Cách hành xử của Người tôi trung: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.” Có một sự hòa điệu giữa Thiên Chúa và Người tôi trung trong cách hành xử để mang tới thắng lợi sau cùng: tình thương, sự thật, và trung thành. Cách hành xử này khác hẳn với cách thức của con người: ăn to nói lớn, bạo lực, và gian trá.

1.3/ Sứ vụ của Người tôi trung: “Người phán thế này: "Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước."”


- Người là giao ước giữa Thiên Chúa với dân: Trong giao ước tại Sinai, Moses chỉ là người trung gian của giao ước giữa Thiên Chúa và dân. Trong giao ước mới, Người tôi trung là chính giao ước. Điều này có nghĩa tất cả các ơn lành của giao ước đều bắt nguồn và được ban từ Người tôi trung này. Đón nhận Người là đón nhận ơn lành, từ chối Người là từ chối ơn lành; vì không có Người sẽ không có ơn lành.


- Người là ánh sáng chiếu soi muôn nước: Song song với vị thế “làm giao ước với dân” là vị thế “làm ánh sáng chiếu soi muôn nước.” Điều này không chỉ có nghĩa Người mang ánh sáng tới, hay hứơng dẫn dân tới ánh sáng, nhưng Người chính là ánh sáng. Ánh sáng là chính ơn Cứu Độ (Isa 49:6). Dân Ngọai đang ngồi trong tối tăm của tội lỗi và sự chết, Người đến “để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.”

2/ Bài đọc II: Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người.

2.1/ Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa bao gồm cả Do-Thái và Dân Ngọai: Thánh Phêrô, sau khi đã được Chúa Giêsu mặc khải Kế họach Cứu Độ, đã làm chứng cho Thiên Chúa: "Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận. Người đã gửi đến cho con cái nhà Israel lời loan báo Tin Mừng bình an, nhờ Đức Giêsu Kitô, là Chúa của mọi người. Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Judah, bắt đầu từ miền Galilee, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng.” Chỉ có kế họach như thế mới bảo đảm được sự nhân từ và công bằng của Thiên Chúa.

2.2/ Đức Kitô thực hiện Kế-họach Cứu Độ của Thiên Chúa: “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”

3/ Phúc Âm: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con."
Năm C: (Lk 3:15-16, 21-22)

3.1/ Sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan: "Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Messiah! Ông Gioan trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
Ngoài sự phân biệt của Gioan về uy quyền giữa Đấng Thiên Sai và ông, Gioan còn đề cập đến sự khác biệt giữa hai phép rửa:
+ Bằng nước: Đây là phép rửa Gioan làm cho dân chúng để thanh tẩy tội lỗi và tỏ lòng ăn năn xám hối để chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Thiên Sai tới.
+ Bằng Thánh Thần và lửa: Đây là phép rửa của Chúa Giêsu. Ngoài việc tha thứ tội lỗi, phép rửa của Chúa Giêsu còn ban Thánh Thần để thanh luyện mọi tính hư tật xấu trong con người, và ban ơn thánh hóa để con người luyện tập nhân đức, để giúp con người thánh thiện, xứng đáng là những con cái của Thiên Chúa.

3.2/ Những điều nhấn mạnh khác của Luca
(1) Chúa Giêsu cầu nguyện: "Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con."" Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu luôn hiệp nhất với Chúa Cha qua việc cầu nguyện.
(2) Sự liên hệ giữa Cha và Con: Trình thuật của Luca nhấn mạnh đến sự liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con. Nguyên bản Hy-lạp phải dịch lời của Chúa Cha trực tiếp nói với Chúa Con là: "Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con." Bản dịch của Nhóm PVCGK dịch từ bản tiếng Pháp với câu rất khó hiểu "Ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con!" Có phải chờ cho đến biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài mới được làm Con Thiên Chúa?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Mỗi người chúng ta đều đã chịu Phép Rửa của Đức Kitô, tức là đã được tấn phong làm tiên tri, tư tế, và vương giả. Chúng ta đã thi hành 3 sứ vụ đó chưa?

- Ba sứ vụ của Đức Kitô cũng là 3 sứ vụ của mỗi người chúng ta:
(1) Sứ vụ tiên tri: Chúng ta đã rao giảng cho mọi người biết về Thiên Chúa chưa; ít nhất là cho con cháu của chúng ta? Để có thể chu tòan sứ vụ, Đức Kitô phải ở ẩn suốt 30 năm để đàm đạo với Thiên Chúa trước khi rao giảng công khai trong 3 năm. Chúng ta đã dành được bao nhiêu thời gian để học biết về Thiên Chúa? Chúng ta cần nhắc nhở cho mình: Chúng ta không thể cho con cái điều mình không có!
(2) Sứ vụ tư tế: Chúng ta đã thờ phượng một mình Thiên Chúa, làm gương, và chỉ đường cho con cái đến với Thiên Chúa chưa? Hay chúng ta thờ ơ nguội lạnh trong việc thờ phượng và mải miết chuyện thế sự, và vô tình dạy cho con cái tôn thờ những giá trị thế gian thay vì tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa!
(3) Sứ vụ vương giả: Chúng ta đã dùng thời gian, tài năng, và của cải Thiên Chúa ban để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân chưa? Hay chúng ta đã lãng phí thời gian, của cải, tài năng vào những canh bạc đỏ đen, những vui thú của hộp đêm, những mối liên hệ trái phép, để rồi tất cả mọi người trong gia đình phải chịu hậu quả về những việc làm của chúng ta. Ngòai ra, chúng ta còn phải xét tới cách thức chúng ta phục vụ theo gương Đức Kitô: không phải la to, nói lớn, đe dọa, chửi rủa, hay dùng quyền hành, bạo lực; nhưng bằng yêu thương, dạy dỗ, kiên nhẫn, và can đảm cho tới khi đạt được kết quả sau cùng như Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 1
13 THÁNG GIÊNG


Những Sứ Giả Đầu Tiên Của Đức Tin

Gia đình Kitôhữu không duy chỉ là một cộng đồng nhân loại. Món quà vô giá là sự sống con người cần phải được tháp nhập vào chính sự sống của Đức Kitô và nhờ đó trở nên phong phú. Sứ mạng chân chính của gia đình là bảo vệ các giá trị nhân bản, nhưng đồng thời gia đình cũng phải dồn tâm lực đào sâu các giá trị Kitô giáo.

Nhiều người có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng chỉ các linh mục và tu sĩ mới được ủy trao trách nhiệm đối với Giáo Hội. Thật là một quan niệm sai lầm. Rõ ràng chính gia đình là môi trường đầu tiên để các trẻ em học biết thế nào là “thông dự vào lời hứa của Đức Giêsu Kitô qua Tin Mừng” (Ep 3, 6). Như Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Các đôi vợ chồng Kitô giáo là những người cộng tác với ơn thánh và là nhân chứng đức tin đối với nhau, cũng như đối với con cái và những phần tử khác trong gia đình của họ. Chính họ là những người đầu tiên phải rao truyền và giáo dục đức tin cho con cái mình. Bằng lời nói và gương sáng họ huấn luyện con cái sống đời Kitô giáo và làm việc tông đồ. Họ thận trọng giúp đỡ con cái trong việc lựa chon ơn kêu gọi, và nếu thấy chúng có ơn kêu gọi sống đời linh mục hay đời sống thánh hiến, họ tận tình nuôi dưỡng ơn gọi ấy.” (SL Tông Đồ Giáo Dân 11)

Gia đình Kitôhữu là mảnh đất đầu tiên để các ơn gọi nẩy mầm và phát triển. Đó là một chủng viện hay một tập viện cho trẻ em. Chúng ta hãy dứt bỏ quan niệm sai lầm rằng Kitô giáo chỉ là một cái gì đóng khung bên trong cánh cổng nhà thờ. Bất cứ gì diễn ra trong phụng vụ cần phải được chuyển hóa vào đời sống hằng ngày. Gia đình phải là nơi sống phụng vụ. Để rồi, sự sống trong Đức Kitô sẽ lớn lên và trưởng thành dưới mái nhà của mỗi gia đình. Khi ấy, gia đình mới đích thực là một diễn tả chính Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns xuất bản, 1994.
+++++++++++++++++

Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa; Is40,1-5.9-11; Tt 2, 11-14; Lc 3, 15-16.21-22.


LỜI SUY NIỆM: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”         (Lc 3,21-22).

Giáo hội chọn Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa khai mở phụng vụ cho mùa thường niên, nhắc nhở cho chúng ta biết. Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là đỉnh cao của mạc khải tình thương của Thiên Chúa, chính giây phút Chúa Giêsu chịu phép Rửa: Thiên Chúa đã tỏ hiện Ngài qua Chúa Giêsu, có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần: tựa hình chim bồ câu, với tiếng của Chúa Cha phán từ trời xuống: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con. Ước gì mọi ngày sống của chúng ta luôn tiếp nhận tình yêu của Chúa Cha ban qua Chúa Giêsu và trong Chúa Thánh Thần. Để làm cho chúng ta thêm vững mạnh xác hồn, nhất là đức tin.

Mạnh Phương
+++++++++++++++++

Gương Thánh Nhân
Ngày 13-01: Thánh HILARIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ (khoảng 320-368)


Thánh Hilariô chào đời tại Poa-tu (Poitou) Ngài là con một nhà quí tộc làm nghị viên và được giáo dục đầy đủ. Các môn học mà thánh nhân ưa thích là văn chương, thi ca, nhất là triết lý. Việc học tập của Ngài luôn được đào sâu cho tới cùng là Thiên Chúa, Ngài nhận định rằng: hạnh phúc thật của con người không phải bị những thú vui đời này, dù chúng thanh cao đến mấy đi nữa. Trái lại hạnh phúc là được sống cho chân lý ở một cuộc sống khác với cuộc sống tạm trên trần gian này. Ngài nói: - "Tôi khóc lên vì vui sướng mỗi khi nghĩ đến thân xác này chỉ được tiền định để phải chết đi".


Nhưng làm thế nào mà thánh nhân đã gặp được chân lý, gặp được Thiên Chúa mà các triết gia và các tôn giáo thường nói tới một cách mù mờ ? Chính thánh nhân kể lại cuộc khám phá của mình: - "Từ môi trường ngoại giáo, Chúa đã dẫn đưa tôi tới nguồn sáng chân thực. Giữa bao nhiêu hệ thống triết lý và tư tưởng khác nhau, tôi vẫn ưu tư tìm đến Chúa bằng con đường ngay thật, chắc chắn hữu thể thần linh vĩnh cửu phải là đơn thuần và độc nhất, không có gì là không bắt nguồn tự Ngài, vạn vật đều phải thờ phượng Ngài".
Xác tín rằng phải có Chúa, Ngài còn suy nghĩ về các phẩm tính thần linh của Chúa.
- "Nếu một công rình vượt quá trí khôn chúng ta, thì nhà nghệ sĩ thần linh còn trổi vượt công trình đó thế nào ? Vậy phải nhận biết rằng, Thiên Chúa tuyệt mỹ và chúng ta chỉ cảm nhận mà chúng ta không thể thấu hiểu nổi".
Trong khi còn miên man suy nghĩ như vậy. Thánh nhân bỗng gặp được một cuốn kinh thánh. Ngài đọc được đoạn văn trên Chúa hiện ra với Môsê và tự bày tỏ: "Ta là Đấng hiện hữu".
Ngài sung sướng với khám phá này: - "Tôi vui thỏa với danh hiệu mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho Môsê. Thánh danh ấy vừa biểu lộ một quan niệm sâu xa về Thiên Chúa, lại vừa tầm với trí óc con người.
Từ đó thánh nhân say mê nghiên cứu thánh kinh, nhất là các sách tiên tri với những đoạn loan báo về Đấng thiên sai. Trong các sách Tin Mừng, Ngài thích nhất tự ngôn của Tin Mừng theo thánh Gioan. - "Trí tôi học biết và Thiên Chúa vượt quá điều nó dám ước mong... lòng tôi run rẩy bồn chồn vì vui sướng trước giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và trước lời mời gọi tái sinh nhờ đức tin".
Thế là thánh nhân đã lãnh nhận phép rửa tội và cảm thấy hạnh phúc lạ lùng. Ngài đã lập gia đình và có được một người con gái. Rồi đây Ngài sẽ đưa cả vợ con về với đức tin. Khi Ngài muốn trở thành linh mục, vợ Ngài chỉ còn gặp lại Ngài tại bàn thánh và coi Ngài như một người anh. Nhân đức và trí khôn ngoại hạng còn đưa Ngài tới chức giám mục cai quản địa phận Pcachie (Poutiers) năm 350.
Lúc ấy lạc giáo Ariô nổi lên như vũ bão trong Giáo hội. Vua Constantiô ủng hộ lạc giáo và tiếp tay cho cuộc bách hại. Thánh Athanasiô bị bắt đi lưu đày. Thánh Hilariô đứng lên lãnh đạo công cuộc bảo vệ đức tin chân chính. Ngài triệu tập một công đồng để lên án hai giám mục theo lạc giáo. Cộng đồng còn cử Ngài đi thương thuyết với nhà vua. Nhưng lòng can đảm của Ngài đã bị trừng phạt bằng cuộc lưu đày năm 356, chấp nhận gian khổ, Ngài tuyên bố:
- "Người ta có thể bắt các giám mục lưu đày, nhưng có thể trục xuất chân lý được không ?"
Cuộc hành trình tới Phrygia nằm ở cuối miền Tiểu Á thật dài và đầy gian khổ. Nhưng thánh nhân đã không hề phàn nàn mà vẫn bình thản sống mật thiết kết hợp với Chúa. Đầy dũng cảm, Ngài vẫn tiếp tục làm rung chuyển thế giới bằng công việc viết lách của mình.
Ngài nói: - "Dầu bị lưu đày, chúng tôi vẫn tiếp tục nói bằng sách vở, bởi vì người ta không thể giam hãm lời Chúa".
Ngài đã viết 12 khảo luận bàn về Chúa Ba Ngôi, và đưa giáo thuyết chân chính của công giáo với những tư tưởng kinh tế của Hylạp vào thổ ngữ. Ngài tiếp tục điều khiển giáo phận bằng thư tín. Cũng vào thời này, thánh nhân diụ dàng hướng dẫn Ebra, người con gái của mình tới đời sống thánh thện. Một bức thư Ngài viết trong buổi lưu đày còn sót lại có khuyên nhủ nàng tận hiến cho Chúa như sau:
- "Con thân yêu, con là đứa con duy nhất của cha, cha muốn thấy con đẹp nhất và đẹp nhất trong các phụ nữ. Người ta nói với cha về một thanh niên có một viên ngọc quí và một bộ áo quí giá đến nỗi ai mà có được những thứ đó thì sẽ là người giàu có hơn hết mọi người".
Và thánh nhân kể lại rằng: phải khó khăn lâu ngày, Ngài mới gặp được người thanh niên này để xin Người ban viên ngọc và chiếc áo ấy cho Ebra. Bên chiếc áo này, tuyết hết trắng, không có một vết nhơ nào có thể bôi bẩn, không một tai nạn nào có thể xé rách. Còn viên ngọc, không vật nào chịu nổi vể rực rỡ huy hoàng, chẳng bao giờ tàn sắc, ai mang được sẽ hết khổ và không phải chết.
Và Ngài tiếp: - "Đấy là những món trang sức mà cha ước ao, những thứ ban ơn cứu rỗi và hạnh phúc vĩnh cửu".
Ngài còn gửi cho cô những khúc thánh thi để cô ca nguyện sớm chiều. Ebra sớm theo ước nguyện của người cha nhưng cũng sớm lìa trần.
Bốn năm trôi qua, Hoàng đế cho triệu tập công đồng Sêlêucia. May mắn Ngài cũng được mời dự. Tại đây Ngài đã dùng hết tài hùng biện và trí thông minh để chống lạc giáo, bảo vệ đức tin chân chính. Không chịu nổi ảnh hưởng của Ngài. Bọn theo lạc giáo đã can thiệp để Ngài về quê hương cho rảnh nợ. Thế là năm 360, Đức Giám mục Hilariô được trở về Poa-chi-ê.
Cuộc hồi hương của thánh nhân là niềm vui cho toàn dân chứ không riêng gì cho giáo phận Poa-chi-ê. Thánh Hiêrônimô đã nói: "Toàn dân Gôn (Gaules) ôm hôn vị anh hùng tay mang ngành vạn tuế trở về".
Trong đoàn người đông đảo đón mừng người cha già, phải kể đến một người lính trẻ tên là Martinô. Lúc ấy Martinô đang sống ẩn dật ở Ganlinaria và sau này sẽ làm thánh giám mục. Ngày về của vị giám mục già cả còn được ghi dấu bằng một phép lạ nhãn tiền. Một bà mẹ khóc lóc ôm một đứa con mới chết gặp Ngài. Bà tha thiết xin thánh nhân cứu sống con mình, ít ra để nó được rửa tội. Cảm thương nỗi niềm đau đớn của người thiếu phụ, Ngài quì gối cầu nguyện và da thịt đứa trẻ dần dần đỏ hồng rồi sống lại.
Tuổi già sức yếu nhưng thánh nhân vẫn nhiệt thành chỉnh đốn lại những tàn phá do bè rối gây nên. Lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới tận Milan khiến bọn lạc giáo kinh hoàng và làm áp lực bắt Ngài phải trở lại Poa-chi-ê. Ngày 13 tháng giêng năm 386 Ngài đã qua đời. Người ta kể lại rằng: lúc thánh nhân tử trần, một luồng chói chang khắp phòng.
Ngày 10 tháng giêng năm 1852, theo lời thỉnh cầu của nhiều vị giám mục. Đức giáo hoàng phong Ngài lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài là vị thánh tiến sĩ đầu tiên ở Gôn.
(Daminhvn.net)

++++++++++++++++++


13 tháng Giêng
Tiếng Chó Sủa

Những người có chức vụ và quyền hành trong bất cứ xã hội nào cũng thường bị chỉ trích và chống đối.
Có một nhà lãnh đạo quốc gia kia thường bị những người đối lập tấn công và thóa mạ một cách bất công, nhưng lúc nào ông ta cũng tỏ ra bình thản như không có gì xảy ra. Một hôm, có người bạn hỏi lý do tại sao ông có thể tỏ ra bình tĩnh được trước không biết bao nhiêu khiêu khích của người khác, ông đã giải thích như sau:
"Tôi đã học được bí quyết giữ bình tĩnh ngay từ lúc nhỏ. Chúng tôi sống bên cạnh một nhà láng giềng có nuôi một con chó khó tính. Cứ mỗi lần trăng tròn, con chó lại sủa một cách giận dữ vô căn cứ, có khi cơn sủa của nó kéo dài đến cả tiếng đồng hồ. Tất cả những người xung quanh đều tỏ ra bực bội đối với con vật khó tính ấy, chỉ trừ có người chủ của nó. Ông không bao giờ tỏ ra bực bội, bởi vì ông ta là một người điếc.
Tất cả bí quyết của tôi nằm ở đó. Trăng sáng, con chó sủa. Một lúc sau, nó lại mỏi mệt và thôi sủa mặc dù trăng vẫn cứ sáng".

Kiên nhẫn chịu đựng thường bị xem như một thể hiện của tính thụ động, tiêu cực. Có người còn gọi đó là nhân đức của người nghèo. Thế nhưng, trong cuộc sống, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, có lẽ chúng ta cần đến nhân đức này hơn bao giờ hết.

Thiên Chúa là đấng kiên nhẫn. Kiên nhẫn vẫn là nét đặc thù trong công trình sáng tạo của Ngài. Chúng ta có biết rằng trái đất của chúng ta có bao nhiêu tuổi chưa? Các nhà địa chất nói với chúng ta rằng trái đất đã được cấu tạo qua từng thời kỳ kéo dài đến cả triệu triệu năm. Ðịa chất học quả thực là môn học của sự kiên nhẫn của Thượng Ðế. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn đối với con người. Toàn bộ Cựu Ước là một quyển ký lục về những nhẫn nhục chịu đựng của Thiên Chúa đối với sự yếu đuối, khờ dại cũng như hung bạo của con người. Ngài phải chờ đợi đến cả trăm năm để cho lụt Hồng Thủy trút xuống trên con người. Ngài chờ đợi đến cả mười năm mới trừng phạt vua Saolô.

Tân Ước lại càng cho chúng ta cảm nhận được bằng xương thịt. Tình yêu thương nhẫn nhục, chịu đựng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy chiêm ngắm sự nhẫn nhục của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, đối với kẻ thù của Ngài và nhất là đối với đám đông nghèo khổ, lạc lõng. Nhưng nhất là những đau khổ, bách hại mà chính bản thân mình gánh chịu, Chúa Giêsu chỉ biết giữ thinh lặng, thinh lặng không phải của căm hờn, oán trách mà là của yêu mến, tha thứ cho đến cùng.

(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét