Thứ Bảy 12/01/2013
Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh Năm Lẻ
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 5, 14-21
"Chúa nhậm lời chúng ta kêu cầu".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa: là
hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhậm lời chúng ta. Và chúng ta
biết Người nghe nhận mọi điều chúng ta xin, vì chúng ta biết rằng chúng ta có
kêu cầu Người. Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, thì hãy
cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. Có thứ tội đưa đến sự
chết, tôi không bảo ai cầu xin cho người phạm tội ấy đâu. Mọi sự gian tà đều là
tội, và có thứ tội đưa đến sự chết.
Chúng ta biết rằng ai sinh ra bởi Thiên Chúa, thì không phạm
tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ, và ma quỷ không làm gì được
họ. Chúng ta biết rằng chúng ta bởi Thiên Chúa mà ra, và toàn thể thế gian đều
phục luỵ ma quỷ. Và chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và đã ban cho
chúng ta ơn thông hiểu, để chúng ta nhận biết Chúa chân thật, và được ở trong
Con chân thật của Người. Chính Ngài là Thiên Chúa chân thật và là sự sống đời
đời. Các con thân mến, hãy giữ mình xa các tà thần. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b
Đáp: Chúa yêu thương dân
Người (c. 4a).
1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen
ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy vui mừng vì Đấng tạo tác bản thân,
con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Đáp.
2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người
với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ
khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Đáp.
3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ
trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là
vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Đáp.
ALLELUIA: Dt 1, 1-2
Alleluia, alleluia. - Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên
Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là
trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 3, 22-30
"Bạn hữu của tân lang vui mừng vì tiếng nói của tân
lang".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người đến đất Giuđêa.
Người ở lại đó với họ và làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon,
gần Salim, vì ở đó có nhiều nước, và người ta đến để chịu rửa. Vì chưng, khi ấy
Gioan chưa bị tống ngục. Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và
người Do-thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: "Thưa
Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay
cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng người!" Gioan trả lời rằng:
"Người ta không tiếp nhận gì mà không phải bởi trời ban cho. Chính các
ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi
được sai đến trước Người. Ai cưới vợ, thì là người chồng, còn bạn hữu của tân
lang đứng mà nghe tân lang nói thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang. Vậy niềm
vui của tôi như thế là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".
Đó là lời Chúa.
(www.tonggiaophanhue.net)
1. ĐỌC
Thánh Gioan xác nhận
về thân phận và sứ mạng của mình với các môn đệ của ông. Họ lầm tưởng rằng chỉ
có Gioan mới có quyền làm phép rửa. Cho nên khi họ thấy Chúa Giêsu cũng làm
phép rửa ở Giuđêa thì họ cảm thấy không vừa lòng. Cũng vì họ đã thấy Chúa Giêsu
cũng đã chịu phép rửa bởi Gioan.
Họ đâu biết rằng thầy
Gioan của họ chỉ là người dọn đường cho Chúa Giêsu. "Người
phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại" là câu nói đầy đủ ý nghĩa nhất về thân
phận và sứ mạng của Gioan.
2. SUY GẪM
Thông thường khó có ai
chấp nhận sự thật về chính mình. Dường như ai cũng muốn mình được trổi vượt hơn
người khác. Do đó, người ta hay tìm đủ mọi cách thậm chí dùng những thủ đoạn
thấp hèn để mình được hơn người khác.
Thánh Gioan không như
vậy, ông luôn ý thức về thân phận và sứ mạng của mình. Ông luôn nhớ mình chỉ là
người dọn đường không hơn không kém, và ông đã chu toàn rất tốt sứ mạng của
mình. Khi Chúa Giêsu xuất hiện thì ông lui mình vào bóng tối.
Vì thế, Chúa Giêsu đã
đề cao ông: "Ta nói cho các ngươi biết, trong các con cái
người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện người nào cao trọng hơn Gioan" (Lc 7, 28)
3. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, xin
thứ lỗi cho con vì nhiều lần con đã không ý thức được thân phận và sứ mạng của
mình. Nhiều lần con đã tự tìm cách nâng cao mình lên bằng những việc làm không
tốt. Xin Chúa giúp con luôn biết mình là ai và cho con biết sống trọn vẹn sứ
mạng Chúa trao là làm chứng cho Chúa ở trần gian này. Amen
4. CHIÊM NIỆM
"Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống,
Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên" (Lc 14, 11)
Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên" (Lc 14, 11)
(www.giaophanvinhlong.net)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Phải tránh xa tội lỗi!
Tội lỗi của con người là lý do
tại sao Chúa Giêsu xuống trần gian để gánh tội cho con người, và cứu con người
thóat khỏi quyền lực của tội. Nhưng có phải vì thế mà con người không phạm tội
nữa không? Vấn đề rất nguy hiểm ngày nay là nhiều người đã mất hết ý thức về
tội lỗi, họ không còn coi bất cứ gì là tội nữa.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung
trong những gì liên quan đến tội lỗi. Trong Bài Đọc I, Thánh Gioan phân biệt 2
thứ tội: tội đưa đến cái chết và tội không đưa đến cái chết. Con người chỉ có
thể cầu nguyện cho những người mắc tội không đưa đến cái mà thôi. Trong Phúc
Âm, các môn đệ của Gioan phạm tội ghen-tị, khi họ thấy người ta tuôn đến với
Chúa Giêsu nhiều hơn là tới thầy của họ. Gioan cho họ 3 lý do tại sao không nên
ghen-tị: Mọi quyền năng đến từ Thiên Chúa, phải biết mình và biết người để có
sự bình an, và con người phải vui mừng khi thấy Thiên Chúa được vinh quang.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tội đưa đến cái chết
và tội không đưa đến cái chết
1.1/ Điều kiện để Thiên Chúa nhận
lời cầu xin của con người:
(1) Thiên Chúa nhậm lời chúng ta,
khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người: Thiên
Chúa lắng nghe tất cả những lời cầu xin của con người, nhưng không phải ngài sẽ
nhận lời tất cả các lời cầu xin; Ngài chỉ nhận lời những điều hợp ý Ngài mà
thôi. Điều này dễ hiểu, vì có những lời cầu xin ích kỷ chỉ biết vun xới cho
mình, hay những lời cầu xin Thiên Chúa làm hại người khác, hay bắt Thiên Chúa
cư xử ngược lại với bản tính của Ngài. Điều con người nên làm khi cầu nguyện là
luôn kết thúc với câu “nếu đẹp ý Chúa.” Chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ ràng và
chắc chắn điều gì tốt đẹp cho con người, và Ngài sẽ sẵn sàng ban những điều tốt
đẹp đó cho con cái của Ngài.
(2) Tội đưa đến cái chết và tội
không đưa đến cái chết: Gioan nói về 2 thứ
tội này, nhưng không cắt nghĩa rõ ràng: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội
không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người
anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết. Có một
thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy. Mọi điều
bất chính đều là tội, nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết.” Theo ý kiến
sau cùng của các học giả và giáo huấn của Giáo-Hội: tội đưa đến cái chết là tội
của những người mất hết ý thức về tội lỗi, hay của những người tin tưởng Chúa
sẽ tha hết mọi tội mà không cần phải ăn năn, xám hối, và sửa đổi. Nếu con người
cầu xin Chúa cứu những người này là vi phạm sự công bằng của Thiên Chúa; nhưng
con người có thể cầu xin cho họ có cơ hội trở lại khi họ còn sống.
1.2/ Hai trường hợp của con người
trong thế giới: Đọan văn này rất khó hiểu;
chúng ta phải hiểu nó trong văn mạch của tòan thư Gioan I. Trước tiên, Gioan
không có ý nói tất cả các Kitô hữu không phạm tội, vì ngay trong đọan văn trên,
Gioan đã phân biệt 2 thứ tội: tội đưa đến cái chết và tội không đưa đến cái
chết. Điều ngài muốn làm ở đây là phân biệt 2 lọai người: người thuộc về Thiên
Chúa và người thuộc về thế gian.
Thánh Gioan viết: “Chúng ta biết
rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng
Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy
được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều
nằm dưới ách thống trị của Ác thần.” Theo Gioan, thế giới là bãi chiến trường
giữa sự thiện và sự ác; trong đó có những người thuộc về Thiên Chúa và những
người thuộc về Ác thần. Người thuộc về Thiên Chúa có thể phạm tội vì yếu đuối
xác thịt; nhưng họ luôn có ý thức về tội lỗi và muốn giao hòa cùng Thiên Chúa.
Người thuộc về Ác thần không có hay đánh mất hết ý thức về tội lỗi; họ không
còn coi điều gì là tội nữa.
2/ Phúc Âm: Tội lỗi phát xuất từ sự
ghen-tị của con người.
1.1/ Sự ghen-tị của các môn đệ của
Gioan: Trình thuật kể lý do của sự ghen tị:
“Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đi tới miền Judah. Người ở lại nơi ấy với các
ông và làm phép rửa. Còn ông Gioan, ông cũng đang làm phép rửa tại Aenon, gần
Salim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. Bấy giờ,
có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gioan và một người
Do-Thái về việc thanh tẩy. Họ đến gặp ông Gioan và nói: "Thưa thầy, người
trước đây đã ở với thầy bên kia sông Jordan và được thầy làm chứng cho, bây giờ
ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông." Gioan đã nói
rõ về sự khác biệt của 2 Phép Rửa: Phép Rửa của ông làm là Phép Rửa để tha tội;
Phép Rửa của Chúa Giêsu là Phép Rửa ban Thánh Thần. Sự tranh luận xảy ra có thể
tại sao cần có 2 Phép Rửa, nhưng điều chính chi phối môn đệ của Gioan là họ
ghen tị khi thấy Chúa Giêsu được nhiều người đến với hơn thầy của họ.
1.2/ Thuốc chữa bệnh ghen-tị: Gioan Tẩy Giả cho các môn đệ và cho chúng ta 3 liều
thuốc để chữa bệnh ghen tị:
(1) Mọi hồng ân đều đến từ Thiên
Chúa: Ông Gioan trả lời: "Chẳng ai có
thể nhận được gì mà không do Trời ban.” Hay nói như Thánh Phaolô: Mọi quà tặng
đều đến từ một nguồn là Chúa Thánh Thần; không phải để khoe khoang, nhưng để
phục vụ. Hay nói như kiểu Phúc Âm, Thiên Chúa càng ban tặng nhiều bao nhiêu,
Ngài càng có quyền đòi lại nhiều bấy nhiêu.
(2) Biết mình là có bình an và
niềm vui: Điều làm cho con người có bình an
là phải biết mình. Gioan Tẩy Giả rất bình an vì ông biết mình và biết Đức Kitô:
“Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: "Tôi đây không phải là
Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.” Gioan có niềm vui khi thấy
nhiều người tuôn đến với Đức Kitô, vì đó phù hợp với sứ vụ của ông. Gioan so
sánh Đức Kitô với chú rể, và cô dâu là dân chúng tin vào Đức Kitô; còn ông chỉ
là người phù rể: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể
đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là
niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.”
(3) Người phải nổi bật lên, còn
thầy phải lu mờ đi: Đây là châm ngôn của
Gioan và nên là kim chỉ nam cho hết mọi người khi chúng ta phục vụ Thiên Chúa.
Bổn phận của chúng ta cũng giống như Gioan là dọn đường cho mọi người và chỉ
cho họ đường đến với Thiên Chúa; chứ không lợi dụng việc phục vụ Thiên Chúa để
tìm lợi nhuận, nổi tiếng, và thỏa mãn các nhu cầu của chúng ta. Khi mọi người
đã tới được với Thiên Chúa, chúng ta vui mừng vì đã hòan tất sứ vụ, và sẵn sàng
để lui vào bóng tối.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Kitô đã xuống trần để cứu
chúng ta thóat khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết. Ngài đã thiết lập Bí-tích
Hòa Giải để sẵn sàng tha thứ các tội của con người.
- Con người chúng ta vẫn có thể
phạm tội vì còn mang trong người những yếu đuối và tính đam mê xác thịt. Mỗi
khi đã lỡ phạm tội trọng, chúng ta cần chạy đến với Bí-tích Hòa Giải để được
tha tội.
- Điều tối nguy hiểm là chúng ta
đánh mất ý thức về tội lỗi hay tin Chúa sẽ cứu tất cả mọi người mà không cần ăn
năn xưng tội. Đây chính là thứ tội mà Thánh Gioan gọi là “tội đưa đến cái
chết.”
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
12/01/13 THỨ
BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30
Ga 3,22-30
QUY HƯỚNG VỀ CHÚA KI-TÔ
Ông Gioan trả lời (cho các môn đệ) :"Chính anh em đã làm
chứng cho thầy là thầy đã nói : Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được
sai đi trước mặt Người. . . Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.
" (Ga 3,28.30)
Suy niệm: Người sứ giả không nói về mình
mà là nói lời của người sai mình. Gioan đã thể hiện xuất sắc vai trò sứ giả đó
cho đến giây phút cuối cùng. Trước nguy cơ tranh dành ảnh hưởng giữa các môn đệ
mình và môn đệ Đức Giêsu–mà sau này điều đó đã thực sự xảy ra–Gioan, từ trong
ngục, nhắc nhở cho các môn đệ của mình nhớ lại vai trò ngôn sứ-chứng nhân của
họ: giới thiệu Đức Ki-tô, chứ không phải giới thiệu mình; hướng dẫn người khác
đến với Đức Ki-tô, chứ không phải giữ chặt họ ở lại với mình. Không cần lý luận
cao siêu, Gioan đã làm điều mà các nhà thần học ngày nay gọi là một nền thần
học kitô hướng tâm: lấy Chúa Kitô là trung tâm (christocentric).
Mời Bạn: Từ thời của Gioan đến giờ, việc
loan báo Tin Mừng đã bao lần phải đình trệ vì các môn đệ Đức Kitô lại trở nên
đối thủ tranh dành ảnh hưởng lẫn nhau mà vẫn ảo tưởng rằng mình đang phục vụ
Ngài. Xét cho cùng, mọi hình thức bè phái đều là do cái tôi ích kỷ, muốn lấy
mình làm trung tâm thay vì quy hướng mọi sự về Đức Kitô.
Chia sẻ: Giữa các đồng nghiệp, giữa các
đoàn thể trong giáo xứ bạn đang có những mâu thuẫn nào? Bạn thử tìm nguyên nhân
và đề xuất giải pháp.
Sống Lời Chúa: Bắt chước tinh thần khiêm tốn
quên mình của Gio-an trong mọi hoạt động, đặc biệt khi làm việc tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết hy
sinh quên mình, để con loan báo về Chúa mà không làm Chúa bị lu mờ đi vì cái
tôi ích kỷ của con.
www.5phutloichua.net
Mọi người đều đến với ông
Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa, thì ông
Gioan biết rằng mình đã thành công trong sứ vụ của mình, sứ vụ làm nhịp cầu cho
Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp nhau.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình tại một nơi nào đó thuộc vùng đất Giuđê. Nơi đây Đức Giêsu và các môn đệ ở với nhau,
và Ngài đã làm phép rửa. Tại một nơi khác
có tên là Ênôn, gần Salim, có lẽ thuộc vùng Samaria, Gioan Tây Giả cũng đang làm phép rửa cho những người đến với ông.
Như thế ở hai nơi khác nhau, có hai phép rửa khác nhau, được làm bởi hai người khác nhau. Ta không thấy có gì khác biệt về bản chất
giữa hai phép rửa này. Chỉ có điều là
phép rửa của Đức Giêsu thu hút được nhiều người hơn. Các môn đệ của ông Gioan đã nhận thấy điều
đó và họ đi báo cho Thầy Gioan của mình một
tin không vui: “Mọi người đều đến với ông ấy!” (c. 26).
Họ khó chịu vì Đức Giêsu, người đã từng được Thầy của họ
làm chứng, người đã sống bên Thầy ở bên kia sông
Giođan (c. 26), bây giờ lại nổi
tiếng hơn Thầy. Ông Gioan lại
chẳng hề khó chịu chút nào. Ông chưa
bao giờ quên sứ mạng của mình là làm chứng cho Đức Giêsu, Đấng mà ông đã thấy Thần Khí ngự xuống khi
chịu phép rửa.. Gioan biết sự
cao trọng của mình nằm ở đâu: Ông là
người được Thiên Chúa sai đến trước Đức Kitô (c. 28). Ông không phải là chú rể, ông chỉ là bạn
của chú rể,
vì thế ông không có quyền “có cô dâu” (c.29). Cựu Ước coi dân Israel là cô dâu (Is 62,
4-5; Gr 2, 2; Hs 2, 21). Tân Ước coi Giáo
Hội Kitô là cô dâu (2 Cr 11, 2; Ep5, 25-27. 31-32). Ông Gioan coi Đức Giêsu là chú rể, và ông
đứng đó nghe chàng. Ông vui mừng hớn
hở khi nghe được tiếng nói của chàng. Khi người ta kéo đến với Đức Giêsu để chịu phép rửa, thì ông Gioan biết rằng mình đã thành công
trong sứ vụ của mình, sứ vụ làm nhịp
cầu cho Dân Chúa và Đức Giêsu Kitô gặp nhau. Ông như reo lên vì mãn nguyện: “Đó
là niềm vui của Thầy, niềm
vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”
(c.29).
Chúng ta không quên ơn Gioan, không quên sự xóa mình của
ông. Đức Giêsu được hiển linh, được nổi bật,
chính vì Gioan đã chịu lu mờ đi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy Chúa thật lớn lao, để đối với con, mọi sự khác trở thành bé
nhỏ. Xin cho con
thấy Chúa thật bao la, để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống. Xin cho con
thấy Chúa thật thẳm sâu, để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho
con thật mạnh mẽ, để không nỗi thất vọng nào còn chạm được
tới con. Xin làm cho con thật đầy ắp, để ngay cả một
ước muốn nhỏ cũng không còn có chỗ trong con. Xin làm cho
con thật lặng lẽ, để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi. Xin Chúa ngự
trong con thật sống động, để không phải là con, mà là chính
Ngài đang sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên Tháng 1
12
THÁNG GIÊNG
Một
Tinh Thần Mới
Giáo
Hội của thế kỷ hai mươi không ngừng cổ võ cho công bằng và cho sự phát triển
nhân bản đích thực. Trong các hội đồng giám mục, trong các giáo hội địa phương,
Giáo Hội – bằng nhiều cách – không ngừng thúc đẩy sự hòa điệu và tình huynh đệ.
Và trên hết, Giáo Hội dựa vào sự đóng góp của các gia đình Kitôhữu qua chứng tá
sống tình huynh đệ của họ theo lời mời gọi của Đức Giêsu.
Giáo
Hội không ngừng cầu xin Thiên Chúa ban cho nhân loại hôm nay một tinh thần mới,
ban cho con người biết biến đổi trái tim chai đá của mình thành trái tim đầy
trắc ẩn yêu thương, ban cho có một nền hòa bình đích thực và bền vững tại biết
bao vùng đang còn xung đột trên thế giới.
Quả
thật, thế giới là mái nhà của mỗi người, của mọi người, mọi quốc gia và của
toàn nhân loại. Loài người chưa bao giờ đông đúc như hiện nay và chưa bao giờ
đạt đến trình độ phát triển khoa học và kỹ thuật như thời hiện đại. Vì thế
chúng ta cần phải tiến bộ về mặt đạo đức. Cần phải tiến bộ trong lãnh vực tâm
linh. Chúng ta cần tiến bộ đích thực và đầy đủ trong tư cách là con người.
Đồng
thời, tổ ấm của con người – là trái đất – cũng thuộc về Chúa. Phụng vụ công bố
điều đó bằng ngôn ngữ của tác giả thánh vịnh: “Hãy dâng Chúa, hỡi gia đình các
dân tộc. Dâng Chúa quyền lực và vinh quang. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh
Người… Toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. Hãy nói với các dân: Chúa
là Vua hiển trị. Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay; Người xét xử
muôn nước theo đường ngay thẳng… vì Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét
xử địa cầu theo đường công chính và xét xử muôn dân theo chân lý của Người.”
(Tv 96, 7 – 10, 13) Ước gì tiếng nói ấy, thốt lên từ tận cung lòng Giáo Hội,
hòa nhập với tiếng kêu cầu khẩn thiết của mọi gia đình trong nhân loại – và tôn
vinh Đấng Tạo Hóa, cội nguồn của sự sống và yêu thương. Ước gì tiếng nói ấy âm
vang mạnh mẽ hơn bao giờ, âm vang đến tận cùng trời cuối đất.
- suy
tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns
xuất bản, 1994.
+++++++++++++++++
Lời
Chúa Trong Gia Đình
1Ga 5, 14-21; Ga
3,22-30
LỜI
SUY NIỆM: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi”(Ga 3,30).
Gioan Tẩy Giả là người được sai đến để
dọn đường, giới thiệu và làm chứng về Chúa Giêsu cho các môn đệ của ông và toàn
dân. Mặc dầu đám đông đang tôn vinh ông như một đại ngôn sứ. Ông vẫn không quan
tâm đến. Ông nhận mình không là chi cả đối Chúa Giêsu. Nên ông rất vui mừng khi
được biết có nhiều người đã đi theo Chúa Giêsu. Trong đời sống của mỗi chúng ta
đều là chứng nhân của Tin Mừng, và loan báo Tin Mừng. Đối với Tin Mừng khi giới
thiệu cho người anh em, chúng ta không được cắt xén, không được uốn nắn cho phù
hợp với người nghe hay là nơi chốn. Khi có người đón nhận Tin Mừng, chúng ta
phải cùng chung niềm vui với Giáo hội với cộng đoàn, phải biết khiêm nhường.
Bởi tất cả là ơn của Chúa ban, chứ không phải là công lao của riêng mình.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
12 Tháng
Giêng
Tiên Vàn, Hãy Tìm
Kiếm Nước Chúa
Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công
nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao
đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn khẳng định câu
trâm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: "Có tiền mua tiên
cũng được". Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xảy đến cho tám nhà kinh
doanh giàu có này?
Charles Schwab, giám đốc của một trong
những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng,
ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác. Samuel Insull, giám đốc
của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước
ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi. Hơưard Hopson, giám đốc
của một hãng gas lớn trở thành điên loạn. Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảng
lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi. Richard Whitney,
giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian
dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong
Chính Phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng. Người cuối cùng trong
danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20
cũng tự kết liễu cuộc sống của mình.
Bức
tranh trên đây không hẳn đã là số phận tất yếu của những người giàu có. Có biết
bao nhiêu người giàu có đã có một cuộc sống an lành hạnh phúc? Tiền bạc của cải
tự nó không phải là một điều xấu. Ai trong chúng ta cũng cần có tiền bạc của
cải để sống xứng đáng với nhân phẩm. Sự túng thiếu bần cùng là một sự dữ mà
Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con cái Ngài phải lâm vào.
Tuy
nhiên, tiền bạc của cải vẫn luôn là con dao hai lưỡi. Nếu được sử dụng như một
phương tiện, tiền bạc sẽ giúp cho con người sống xứng đáng với phẩm giá của
mình hơn. Nếu trái lại, con người chạy
theo tiền của như một cứu cánh trong đời người, nghĩa là con người có thể tôn
thờ nó như thần tượng để quên đi tất cả những giá trị khác trong cuộc sống, thì
lúc đó, sự phá sản về vật chất cũng như tinh thần là điều tất yếu với con
người.
Khi
kể lại dụ ngôn của người quản lý biết dùng tiền của để mua chuộc bạn bè, Chúa
Giêsu muốn kéo chúng ta trở lại với chân lý nền tảng trong cuộc sống: hãy chuẩn
bị cho cuộc sống mai hậu, hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống vĩnh cửu. Hãy hướng
tất cả mọi sự vào cùng đích của cuộc sống. Hãy dùng tiền bạc, hãy cư xử thế nào
để luôn có những người bạn luôn chờ đón ta trước cổng Thiên Ðàng
(Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét