Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

Các hòn đá tìm đường về lại nhà Chuá


Chuyện thần kỳ có thật: Các hòn đá tìm đường về lại nhà Chuá

Khi Chuá Giêsu đi vào thành Giêrusalem và có đông đảo dân chúng chạy theo tung hô Ngài vang dội, thì một số người Pharisêu ghen tức đã đòi hỏi Chuá phải kềm hãm họ lại, Ngài trả lời:" Ta bảo thật, nếu những người này im tiếng, thì những tảng đá sẽ hô lên" (Luca 19:38-40)

2000 năm qua, đã xẩy ra gần như vậy. Đó là trường hợp cuả những tảng đá xây nên nguyện đường đan viện Xitô New Clairvaux, ở tỉnh Vina tiểu bang California Hoa Kỳ. Hơn nữa những tảng đá này còn phải đi qua một nửa vòng Thế Giới, vượt qua một đại dương và một đại lục, để tìm đường trở về nhà Chuá trong một cuộc hành trình kéo dài nhiều thế kỷ. 

"Những tảng đá này đã trở về nhà... " là lời cuả linh mục đan viện Cha Paul Mark Schwan.

"Như quí vị có thể nhìn thấy sự vinh quang cuả vòm đá, chúng tôi đã xướng lên bài thánh vịnh Salve (Tung Hô) trong dịp khai trương. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 1835 khi mà những tảng đá này vang vọng lần cuối những tiếng kinh cầu cuả các đan sĩ Xitô", Cha Schwan nói thêm.

Lịch sử cuả những tảng đá còn cổ kính hơn thời điểm 1835 mà Cha Schwan nói rất nhiều. Từ thời Trung Cổ, vào thế kỳ 12 (tương đương với Nhà Lý ở VN), chúng đã được đẽo gọt để xây nên một nguyện đường cho một đan viện Xitô có tên là Santa Maria de Ovila ở Tây Ban Nha. 

Trong thời Nội Chiến Tây Ban Nha, đan viện đã bị một chính phủ cực tả quốc hữu hoá vào năm 1835, và kể từ đó được dùng làm nhà kho cho nông dân địa phương. 

Chính sách quốc hữu hoá tài sản cuả giáo hội lúc đó đã gây ra nhiều hậu quả tai hại cho xã hội Tây Ban Nha và tạo ra cảnh bần cùng hoá nông dân. Từ lâu các mảnh đất không có giá trị canh tác cuả các đan viện đã được dùng như là một loại 'công thổ' để nông dân có thể nuôi gia xúc giúp việc đồng áng, và các đan viện cũng là những 'lò' cung cấp nhân lực 'rẻ và bền' cho các dịch vụ xã hội như nhà thương, cô nhi viện, nhà tế bần.

Phải mất nhiều chục năm sau chính quyền Tây Ban Nha mới cho phép các đan viện hoạt động trở lại, nhưng những hậu quả tiêu cực từ chính sách chống giáo hội lúc đó đã không bao giờ có thể vãn hồi được nữa. Sau những biến động đó, Tây Ban Nha đã trở thành một quốc gia 'không đáng kể' trên trường quốc tế.

Hình như những chính sách 'bài tôn giáo' đã không bao giờ đem lại một kết quả tích cực nào bất cứ ở đâu, từ Tây Ban Nha cho đến Mễ Tây Cơ. Và ngay bây giờ, người ta đã có thể nhìn thấy nhiều hệ lụy đang diễn ra tại Hoa Kỳ và Âu Châu với những chính sách chống tôn giáo cuả các chính quyền hiện tại.

Trở về với chuyện các tảng đá, tài sản cuả đan viện sau đó được bán cho William Randolph Hearst, một 'ông vua' cuả ngành báo chí Hoa Kỳ. Ông Hearst đã cho tháo rời nguyện đường để lấy đá và vận chuyển sang Hoa Kỳ, có lẽ với ý định sẽ dùng vào những việc xây cất ở toà lâu đài nổi tiếng cuả ông là Hearst Castle.

Nhưng những viên đá đã bị bỏ quên và nằm mọp một xó một cách tiều tụy ở Golden Gate Park cuả San Francisco hơn 60 năm.

Khi đan viện New Clairvaux được thành lập năm 1955, chúng lọt vào cặp mắt xanh của một đan sĩ mới là Cha Thomas Davis, lúc đó ngài tự nghĩ: "những hòn đá này cần phải quay trở lại dòng Xitô... chúng là di sản của chúng tôi."

Khi Cha Davis trở thành tu viện trưởng cuả New Clairvaux, ngài vẫn nhủ lòng về việc "đưa các tảng đá về tu viện". Sự việc bắt đầu xẩy ra là vào năm 1970 đan viện bị hoả hoạn lớn và toà nhà chính bị cháy rụi, thì ngài đã xin Golden Gate Park được 20 tảng đá, nhưng số đó không đủ để làm việc gì.
Cổng vào tu viện


Ngài tiếp tục cố gắng để xin thêm vào những năm 90, và năm 1994. Cuối cùng thì tất cả những tảng đã được trao cho tu viện để tái tạo một nguyện đường theo mẫu Trung Cổ.

Nguyện đường kiểu thời Trung Cổ này là một ví dụ diển hình về kiểu kiến ​​trúc cổ điển của dòng Xitô, vừa có vẻ Romanesque vừa Gothic, theo lời Cha Schwan.

Phí tổn đã là 7 triệu đô. Để hoàn thành mọi thứ, đan viện còn cần thêm khoảng 2 triệu đô nữa.

Nhưng nếu việc gây quĩ đạt được con số 5 triệu, thì đan viện sẽ xây thêm được một bệnh xá, và một trung tâm cho các tập viên mới.

Việc gây quỹ đang được công ty bia Sierra Nevada ở Chico hỗ trợ. Trong năm 2010 họ bắt đầu ủ một loại bia có mùi vị Bỉ được gọi là bia "Ovila Abbey" (đan viện Ovila).

Sierra Nevada sẽ tặng một phần số thu cho các dự án xây dựng cuả tu viện. 

Còn riêng đan viện cũng sản xuất nhiều loại rượu vang mang nhãn hiệu cuả đan viện, với một nhà máy sản xuất gọi là Vineyard New Clairvaux.
Biển nhà máy rượu vang


Hiện nay đan viện New Clairvaux đã có 23 đan sĩ và ơn gọi mới "có vẻ rất tốt" theo lời Cha Mark nói. Năm ngoái họ có 3 tu sĩ khấn trọn đời.

Cũng như dòng Biển đức, dòng Xitô là một cộng đồng sống theo tuân chỉ 'nghiêm nhặt' cuả thánh Biển đức (Benedict), dành nhiều thời gian để chiêm nghiệm và Phụng Vụ Giờ ​​Kinh. Có những nơi như ở bên Canada còn gọi là dòng Trappists. Ở Việt Nam có nhiều đan viện Xitô như Châu Sơn, Mỷ Ca.

Họ sống nhờ vào sức lao động của chính mình.

Trở về những tảng đá, Cha Mark cho biết cộng đồng cuả đan viên rất vui mừng vì các tảng đá đã bị bỏ quên ở Golden Gate Park đã có thể trở về nhà ở với các tu sĩ mà chúng đã được đẽo gọt nên.

"Đó là lý do tại sao chúng tôi có một tình cảm rất mạnh mẽ về những viên đá. Chúng không chỉ là đá, chúng là một loại đá đã thấm nhuần sự sống đan sĩ Xitô từ hơn 600 năm... thật là công bằng khi chúng được trở về nhà. "
Trần Mạnh Trác1/11/2013 (vietcatholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét