Thứ
Hai 14/01/20131
Thứ Hai Tuần 1
Mùa Thường Niên Năm lẻ
Mc 1,14-20 |
BÀI ĐỌC I: Dt 1, 1-6
"Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con".
Khởi đầu thư gửi tín
hữu Do-thái.
Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa
đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây,
Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật,
và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ.
Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản
thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch
tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Đấng Oai Nghiêm, trên cõi trời cao thẳm. Tên
Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các
thiên thần bấy nhiêu.
Phải, vì có bao giờ
Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: "Con là
thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh hạ Con"? Rồi Chúa lại phán: "Ta
sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta". Và khi ban Con Một mình cho thế
gian, Chúa lại phán rằng: "Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy
Người!" Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 96, 1 và 2b. 6
và 7c. 9
Đáp: Bao nhiêu chúa tể
hãy cúc cung bái lạy Người (c. 7c).
Hoặc đọc: Chúa hiển trị,
Chúa là Đấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).
1) Chúa hiển trị, địa
cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền
kê ngai báu. - Đáp.
2) Trời xanh loan
truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu
chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người. - Đáp.
3) Lạy Chúa, vì Ngài
là Đấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. - Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự
sống đời đời. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 1, 14-20
"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin
Mừng".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Sau khi Gioan bị bắt,
Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói:
"Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối
và tin vào Tin Mừng".
Đang lúc đi dọc theo
bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì
các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta
sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới,
các ông theo Người. Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê
và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ
cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
Đó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Sám hối và tin vào Tin
Mừng
Trong sưu tập về các thánh ẩn
tu trong sa mạc, có kể giai thoại như sau: Có hai tội nhân quyết tâm vào sa mạc
để ăn chay đền tội. Nguyên một năm ròng rã, mỗi người giam mình trong một túp
lều riêng, ngày đêm ăn chay, cầu nguyện và đánh tội. Ngày ngày các tu sĩ của
cộng đoàn nọ đem thức ăn đến tận căn lều riêng cho từng người. Sau đúng một năm
thử thách, các tu sĩ nhận thấy có sự khác biệt giữa hai người: một người thì
vui vẻ, khỏe mạnh; một người thì ốm o buồn phiền. Cả hai đến trình diện trước
Bề Trên cộng đoàn để chờ xem họ có xứng đáng được gia nhập cộng đoàn hay không.
Khi được hỏi suốt một năm qua, họ đã suy niệm về những gì.
Người ốm o buồn sầu cho biết:
- Trong năm qua, ngày ngày
tôi nhớ lại những tội đã phạm, từng giây từng phút tôi nhớ đến những hình phạt
sẽ gánh chịu, tôi sợ hãi đến mất ăn mất ngủ.
Ðến lượt mình, người vui vẻ
khỏe mạnh trả lời:
- Suốt một năm qua, từng giây
từng phút, tôi hằng cảm tạ Chúa vì đã tha thứ cho tôi: tôi luôn nghĩ tới tình
yêu của Ngài.
Các tu sĩ trong cộng đoàn rất
cảm kích trước tâm tình của người vui tươi khỏe mạnh vì lòng sám hối của anh đã
biến thành lời ca cảm tạ tri ân tình yêu Chúa.
Sám hối là khởi đầu của sự
nên thánh. Dĩ nhiên, không phải tất cả những vị thánh đều bắt buộc phải là những
tội nhân, nhưng tất cả đều phải bắt đầu với ý thức về tội lỗi và sự yếu hèn của
mình. Càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm
nhận được tình yêu của Chúa. Ðó là cảm nhận của vua Ðavít, của thánh Phêrô, của
thánh Augustinô và của tất cả các vị đại thánh trong lịch sử Giáo Hội.
Lời đầu tiên Chúa Giêsu dùng
để khai mạc sứ mệnh của Ngài chính là: "Hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng". Chúa Giêsu đã nối kết sám hối với Tin Mừng. Tin Mừng là gì, nếu
không phải là tình yêu Thiên Chúa được thể hiện qua con người Chúa Giêsu Kitô.
Sám hối không chỉ là ý thức và hồi tưởng về tội lỗi của mình; sám hối đích thực
không dừng lại ở buồn phiền, sợ hãi và thất vọng, mà là ngõ tất yếu dẫn đến Tin
Mừng, nghĩa là vui mừng, hoan lạc.
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc
khải qua cuộc sống và nhất là qua cái chết của Ngài, là một người Cha muốn được
con cái yêu mến hơn là sợ hãi. Ðạo mà Chúa Giêsu thiết lập không phải là đạo
của buồn phiền, của khổ đau, nhưng là đạo của Tin Mừng, của tình yêu, của hân
hoan và hy vọng. Ðành rằng Thập giá là biểu tượng của Kitô giáo, nhưng người
Kitô hữu không dừng lại ở chết chóc, khổ đau, buồn phiền; trái lại họ luôn được
mời gọi để nhìn thấy ánh sáng, hy vọng, tin yêu và sự sống bên kia Thập giá.
Ước gì Lời Chúa hôm nay ban
sức sống để chúng ta không bị đè bẹp dưới sức nặng của tội lỗi, của yếu hèn.
Xin cho chúng ta luôn tiến bước trong hân hoan và tin tưởng, vì biết rằng Thiên
Chúa là Cha yêu thương, không ngừng nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần I TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Cùng nhau làm việc.
Người Việt Nam chúng ta rất thành công khi làm việc một mình;
nhưng thất bại khi phải làm việc chung với người khác. Lý do: chúng ta sợ! Sợ
vì mất quyền hành, sợ người khác hơn mình, sợ vì phải san sẻ lợi lộc cho người
khác. Để có thể làm việc chung, chúng ta phải tin tưởng các cộng sự viên của
mình trước khi họ chứng minh họ xứng đáng niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải
nhìn thấy những mối lợi do sự làm việc chung mang lại hơn là những gì chúng ta
phải mất.
Hơn nữa, để làm việc chung có hiệu quả, trước khi trao công
việc, chúng ta phải: (1) huấn luyện để các cộng sự viên biết và có khả năng làm
những gì chúng ta trao cho họ; (2) trao việc là phải trao quyền hành; cộng sự
viên là những người đại diện chúng ta để giải quyết vấn đề, chúng ta cần cho họ
biết trước những giới hạn về quyền hành nếu có; và (3) phải giúp mọi phương
tiện, để họ có thể thi hành sứ vụ được trao phó.
Các Bài đọc hôm nay cho thấy sự làm việc chung của Chúa Cha và
Chúa Con. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa Cha làm việc chung với các tiên-tri,
thiên-thần, và với Con của Ngài. Trong quá khứ, Người dùng miệng các tiên-tri
mà loan báo cho mọi người những gì Ngài muốn. Khi thời gian viên mãn, Người đã
dùng chính Người Con để mặc khải và dạy dỗ con người. Trong Phúc Âm, sau khi
nhận lãnh sứ vụ từ Chúa Cha, Chúa Giêsu mời gọi 4 môn đệ đầu tiên để Ngài huấn
luyện, trước khi sai họ đi để tiếp tục sứ vụ của Ngài trên trần gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa làm việc chung với các tiên tri, với Con,
và với các thiên thần.
1.1/ Thiên Chúa làm việc với các tiên tri: “Thuở xưa, nhiều lần
nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ.” Thánh
Thomas Aquinô đưa ra nguyên tắc nền tảng: Thiên Chúa làm mọi sự cho con người
qua cách thức của con người. Vì nếu không theo cách thức đó, con người sẽ không
thể hiểu được. Ví dụ, để con người hiểu được những gì Chúa muốn, Chúa dùng
miệng các tiên tri để các ngài dùng tiếng nói của con người mà nói những gì
Chúa muốn. Dĩ nhiên, trước đó Chúa phải cho các tiên tri biết Chúa muốn nói gì;
có thể bằng thị kiến, có thể bằng tác động trên trí não, miệng lưỡi … Trong Cựu
Ước, Thiên Chúa không làm việc trực tiếp với dân, nhưng qua các thiên-thần, các
Tổ-phụ, các Thủ-lãnh, và các tiên-tri. Tác giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến hai
đặc thù của sự làm việc qua các tiên-tri:
(1) Nhiều lần: Tiếng Hy-Lạp phải dịch đúng hơn “nhiều phần,” vì con
người không đủ khả năng để lĩnh hội một lần tất cả, nên Thiên Chúa phải chia ra
nhiều phần, mỗi tiên tri một phần; ví dụ: Amos, công bằng xã hội, Isaiah, sự
thánh thiện của Thiên Chúa…
(2) Nhiều cách: Các tiên tri dùng các cách khác nhau để thông báo sứ điệp
của Thiên Chúa: cách thông thường nhất là dùng miệng, nhưng cũng có người dùng
hành động như đóng kịch như Jeremiah.
1.2/ Thiên Chúa làm việc với Người Con: “Nhưng vào thời sau
hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con. Thiên Chúa đã nhờ Người
mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.”
(1) Trong tất cả mọi việc: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc. Như Tin Mừng
của Gioan, tác giả Thư Do-Thái tin Người Con làm việc tích cực với Chúa Cha
trong ba công việc này. Ngài là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
(2) Sự cao trọng của Người Con: “Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh
trung thực của bản thể Thiên Chúa.” Người là ánh sáng và là hình ảnh của Thiên
Chúa đến độ như Ngài nói: “hễ ai thấy Con là cũng thấy Cha.”
Người Con không những cao trọng hơn các tiên-tri vì Ngài mặc
khải cho con người mọi sự nơi Thiên Chúa, mà còn cao trọng hơn các thiên thần
vì tất cả quyền năng, danh dự, và vinh quang của Thiên Chúa tập trung trong
Ngài. “Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao
nhiêu, thì Người lại trổi vượt hơn họ bấy nhiêu.” Và “Mọi thiên thần của Thiên
Chúa, phải thờ lạy Người.” Điều đặc biệt là với Người Con, từ nay con người có
thể liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, mà không cần qua các tiên tri hay thiên
sứ như thuở xưa nữa.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu gọi 4 môn đệ đầu tiên.
2.1/ Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá: Trình thuật hôm nay
bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng của Chúa Giêsu sau 30 năm ẩn mình tại
Nazareth. Sứ điệp của Chúa Giêsu cho mọi người: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại
của Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Hai điều
quan trọng Chúa muốn nhấn mạnh đến:
(1) Thời giờ đã điểm, triều đại của Thiên Chúa đã đến: Giống như Thư
Do-Thái, Marcô nhấn mạnh đến sự xuất hiện quan trọng của Chúa Giêsu: vẫn có sự
liên tục trong Kế Họach Cứu Độ, nhưng được Chúa Giêsu mang đến chỗ tòan hảo.
(2) Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Đây là điều kiện để
con người được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
Nhưng để kiếm người cộng tác loan truyền sứ điệp, Chúa Giêsu gọi
các môn đệ đầu tiên. Ngài không xa lạ gì với Hồ Galilee và dân chài lưới, có
thể Ngài đã từng dạo chơi chung quanh, và đã nói chuyện với họ; nhưng hôm nay,
Ngài mời gọi họ bỏ mọi sự để cất bước theo Ngài. Nghề đánh cá là nghề khó nhọc
và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn: phải thả lưới bắt cá khi nào cá đi tìm mồi, chứ
không phải muốn thả lúc nào thì thả. Thời giờ bắt cá thường là đêm tối cho đến
lúc tảng sáng, đó là giờ ngủ của con người. Chúa Giêsu chỉ hứa hẹn với các ông
một điều: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Nói
cách khác, Ngài sẽ huấn luyện các ông để cứu vớt linh hồn của người ta. Ngài
muốn cho các ông nhận ra ý nghĩa của cuộc đời bằng chính việc các ông đang làm:
Đánh cá để kiếm của ăn sinh sống không quan trọng cho bằng việc đánh cá để cứu
linh hồn các con người đang cần đến các ông.
2.2/ Thái độ của các môn đệ khi được Chúa Giêsu gọi:
(1) Simon và Anrê: Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người. Thái độ
của hai ông đáp trả rất can đảm và dứt khóat. Can đảm vì phải bỏ nghề nghiệp
sinh sống, các ông không chút thắc mắc “giải nghệ rồi làm gì ăn?” Dứt khóat vì
quyết định rất nhanh chóng, không tiếc nuối chút nào cả.
(2) Giacôbê và Gioan: Các ông bỏ cha mình là ông Zebedee ở lại trên
thuyền với những người làm công, mà đi theo Người. Hai ông không những bỏ nghề
mà còn bỏ cả cha, đấng sinh thành ra mình. Chúa Giêsu phải có điều gì lôi cuốn
các ông hơn nghề nghiệp và tình cảm gia đình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa có thể làm tất cả một mình, nhưng Ngài muốn sự cộng
tác của con người.
- Chúng ta cần phản ứng tích cực trước lời mời gọi của Thiên
Chúa; nhất là trong việc rao giảng Tin Mừng.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
Thứ Hai tuần 1 thường niên
Sứ điệp: Được nghe loan báo Tin Mừng của Chúa
và được gọi để phục vụ Tin Mừng: đó là hồng ân cao trọng Chúa ban một cách
nhưng không. Vậy ta hãy hoán cải, quay về với Chúa, quảng đại đáp lại tiếng
Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa
đã không ngại khó khăn, vất vả, cất bước đến miền Ga-li-lê để loan báo Tin
Mừng: “Nước Thiên Chúa đã gần đến”. Chúa tha thiết mời gọi con người thay đổi
đời sống để được nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Chúa cũng đã cất
bước đi tìm và gọi các môn đệ đầu tiên để các ngài được ở với Chúa, yêu Chúa
và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa.
Lạy Chúa, giữa cuộc sống đầy bon chen của chúng con hôm nay, có
biết bao tiếng gọi mời của thế gian và lạc thú làm con xa Chúa. Chúa đã gởi
đến chúng con một tin vui và một lời mời tha thiết: “Hãy theo Ta”. Chúa muốn
con được về với Chúa. Xin đừng để con mải mê với cuộc sống ở đời đến nỗi
không nhận ra tiếng Chúa. Nhưng xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa gọi từ
trên cao, ngay khi còn đang làm những việc bình thường hằng ngày, ngay khi
con đang là tội nhân. Lạy Chúa, con hiểu rằng theo Chúa là từ bỏ tất cả. Dù
sống trong bậc giáo dân, con vẫn xin đặt Chúa trên cha mẹ, gia đình, bạn bè,
nghề nghiệp, để được cùng Chúa đi khắp nơi, đến với những ai bị bỏ rơi, những
người đau khổ, tội lỗi.
Lạy Chúa, xin cho con can đảm ra khỏi con người mình, để con
được Chúa hoàn toàn chiếm đoạt, hầu con có thể trở thành khí cụ tình thương
của Chúa cho mọi người, để con thành dấu chỉ Nước Trời đã đến. Amen.
Ghi nhớ : "Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin
Mừng".
|
www.phatdiem.org
|
14/01/13 THỨ HAI TUẦN 1
TN
Mc 1,14-20
Mc 1,14-20
NỘI DUNG CHÍNH CỦA TIN MỪNG
"Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh
em hãy sám hối cà tin vào Tin Mừng." (Mc 1,15)
Suy niệm: Năm 47 trước CN, sau khi chinh
phục được thành Pontô vùng Tiểu Á, Giuliô Xêda, hoàng đế Rôma sau này, đã mô tả
cuộc chiến thắng thần tốc của mình trong vỏn vẹn có mấy từ: “Veni, vidi, vici”
(nghĩa là: ‘Tôi đã đến, tôi đã thấy, tôi đã thắng’). Những nhà hùng biện tài ba
đều biết tóm tắt sứ điệp của mình bằng những lời ngắn gọn, rõ ràng, nhưng thật
hàm súc, dứt khoát. Chúa Giê-su cũng tóm tắt nội dung của sứ điệp Ngài rao
giảng bằng những lời thật đanh thép và súc tích: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Như vậy điều cốt yếu để vào Nước Trời không phải là lời giảng
thuyết hùng hồn hay những phép lạ vĩ đại mà là sám hối và tin vào lời rao giảng của Đức
Giê-su.
Mời Bạn: Có những thứ “râu ria” nào
thường làm bạn quên mất nội dung chính của Lời Chúa? Phải chăng là việc quá bận
tâm đến những nghi thức bên ngoài: sau những kỳ đại lễ bạn cảm thấy thoả mãn vì
đã tổ chức lễ hoành tráng những nghi thức trang trọng? Hay bạn yên tâm vì mình
vẫn đi lễ, rước lễ thường xuyên, vẫn làm phúc bố thí, đóng góp vào việc chung?
Tất cả những điều đó đều cần nhưng chưa đủ, còn phải có lòng sám hối và lòng
tin nữa!
Chia sẻ: Khi loan báo Tin Mừng cho anh
em, bạn có nhớ “chốt” vào nội dung chính này không?
Sống Lời Chúa: Trước khi làm các việc đạo đức
bạn hãy dọn mình bằng cách sám hối tội lỗi của mình và giục lòng tin vào Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn con đến với
Chúa với cả tấm lòng hơn là của lễ. Xin giúp con biết sám hối thật lòng và tăng
thêm lòng tin cho con.
www.5phutloichua.net
Thầy
- gọi - bỏ - theo
Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống
cho người khác, dám bỏ lại những điều rất quý giá và thân thương, dám bỏ lại
cuộc sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu.
Suy niệm:
Sau khi chịu phép rửa của Gioan ở sông Giođan Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải rời bỏ
gia đình ở Nadarét, phải chia tay
với người mẹ thân yêu, phải từ giã nghề
nghiệp mà mình đã theo đuổi mấy chục năm trời. Sau khi nhận Thánh Thần từ trên xuống, Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên
đường dấn thân cho sứ mạng do Cha ủy thác.
Vùng Galilê là vùng Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng về
Nước Trời (c.14). Ngài mời người
ta sám hối và tin vào Tin Mừng mà Ngài rao giảng.(c.15). Nhưng Đức Giêsu không nghĩ rằng mình có thể
tự mình làm mọi sự. Ngài cần người
cộng tác, dù nước Ítraen chỉ là một nước bé nhỏ. Đức Giêsu đi tìm môn đệ, và Ngài bắt gặp các anh đánh cá nơi hồ
Galilê. Có hai đôi anh em ruột đã lọt vào mắt của
Ngài. Ngài THẤY Phêrô và Anrê đang quăng lưới bắt
cá. “Hãy theo tôi. Tôi sẽ làm các anh thành
những kẻ lưới con người” (c. 17). Đây là một mệnh lệnh nhưng cũng là một lời mời thân thương. Ngài GỌI họ đi theo Ngài, theo chính con
người của Ngài, chứ không phải
theo một lý tưởng hay một chủ nghĩa nào đó, dù là cao đẹp. Theo Ngài sẽ dẫn đến một thay đổi lớn nơi
họ: từ lưới cá đến lưới con người. Bây giờ con người là mối bận tâm của họ, không phải là cá như xưa
nữa.Đức Giêsu cũng thấy cặp anh em ruột thứ hai là Giacôbê và Gioan. Họ đang vá lưới trong khoang thuyền với
người cha. Khung cảnh cha con thật êm đềm, tưởng như
chẳng gì có thể làm xáo trộn. Tiếng gọi
của Thầy Giêsu vang lên, gây cuộc chia ly. Bốn anh đánh cá đầu tiên này đã BỎ để dáp lại tiếng gọi của Thầy
Giêsu. Họ đã bỏ chài lưới, bỏ nghề dánh cá, bỏ
những thú vui của sông nước. Hơn nữa
họ còn bỏ gia đình, bỏ vợ, bỏ cha, để gắn bó với Thầy Giêsu. Họ bỏ một giá trị để sống cho một Giá Trị
lớn hơn, bỏ một tình yêu để sống cho một Tình Yêu
lớn hơn.Đức Giêsu đã có kinh nghiệm về sự đau đớn khi phải từ bỏ như vậy. Nhưng bỏ chính là để THEO (cc. 18.20). Theo một Đấng sống không chỗ tựa đầu, và
bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Hôm nay Đức Giêsu vẫn cần những con người dám sống cho
người khác,
dám bỏ lại những điều rất quý
giá và thân thương, dám bỏ lại cuộc
sống ổn định và ấm êm, tiện nghi và dễ chịu. Xin cho chúng ta nghe được tiếng gọi thì thầm của Ngài và vui sướng
đáp lại.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia
đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của
Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người
yêu. Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài. Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó. Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của
Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa.
Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng
1
14
THÁNG GIÊNG
Thiên
Chúa Muốn Con Người Quan Hệ Mật Thiết Với Nhau
Việc thực thi công
bằng – là nền tảng của đời sống xã hội – không hề giới hạn hay cương tỏa tự do
của nhân vị khi việc ấy không đi ngược lại bản tính con người và không độc
đoán. Trái lại, nó giúp đỡ và hướng dẫn cho người ta, nam cũng như nữ, thực
hiện những quyết định của riêng mình một cách phù hợp với thiện ích chung. Đời
sống hôn nhân và gia đình là những cơ chế tự nhiên như thế. Chúng bắt rễ trong
chính sự hiện hữu của nhân vị. Và sự thiện hảo riêng của những cơ chế này sẽ là
nhân tố cho sự thiện hảo của toàn xã hội. Chúng giúp người ta có được những sự
chọn lựa tốt lành và đúng đắn.
Thật vậy, Hiến Chế Mục
Vụ Gaudium et spes của Công Đồng Vatican II nêu rõ: “Thiên Chúa đã không dựng
nên con người cô độc; bởi vì từ khởi thủy, ‘Ngài đã tạo dựng có nam có nữ’’ (St
1, 27). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người
với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có
xã hội tính và nếu không liên lạc với những hữu thể khác thì con người sẽ không
thể sống và phát triển tài năng mình.” (MV 12)
Đời sống hôn nhân và
gia đình – nền tảng của xã hội – là những cơ chế mà toàn thể cộng đồng thế tục
cũng như tôn giáo phải phục vụ cho. Nếu chúng ta nhận thức rằng “xã hội này của
người nam và người nữ là mô hình đầu tiên của hiệp thông nhân vị”, chúng ta sẽ
hoàn toàn chấp nhận rằng bất cứ hành động nào phục vụ cho đời sống hôn nhân và
gia đình cũng có sức củng cố và làm phong phú hóa mọi cộng đồng khác và trên
hết là toàn thể xã hội loài người.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
do
nhà Servant Pubns xuất bản, 1994.
+++++++++++++++++
14
tháng Giêng
Xuống Ðường
Thông thường, hai chữ
"Xuống Ðường" gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu
tình, đôi khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những
trường hợp người ta "xuống đường" là để gặp gỡ, cảm thông với người
khác, nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường,
những người bị đẩy ra bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp
"xuống đường" của một số giáo dân thuộc xứ Saint Leu Gilles thuộc
phận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.
Từ 8 năm qua, một số giáo dân thuộc xứ trên đây đã tụ họp
lại để thành lập một hiệp hội có tên là "Giải phóng kẻ bị giam cầm".
Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ các nhà giáo, các cán
sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ
gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ, hoặc mái
ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người đứng đường như các cô gái
điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của những gặp gỡ này chính là
thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng ghét bỏ.
Một thanh niên thường
xuyên đến gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như
sau: "Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường,
nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành
động đĩ diếm của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của
chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng
bao giờ kết án ai."
Mục đích của những
người xuống đường trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc
lối, ăn năn hối cải và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói
với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó
chợ rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể
bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác
là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông.
Nếu có một thứ hoán
cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hoán cải:
hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán cải trong cái nhìn đối với
người khác. Chúa Giêsu đã từng nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các
ngươi. Phải chăng, khi xuống đường đến
với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta không là
những người cải hóa cho Tin Mừng?
(Lẽ Sống)
Thứ
Hai 14-1
Thánh Macrina
T
|
hánh Macrina là bà nội của
Thánh Basil Cả mà chúng ta mừng kính vào ngày 2-1. Dường như Thánh Macrina đã
nuôi dưỡng Thánh Basil Cả và khi lớn lên thánh nhân đã không ngớt lời ca tụng
công việc lành phúc đức của bà nội. Ðặc biệt, thánh nhân đã nhắc đến việc giáo
dục đức tin của bà khi thánh nhân còn nhỏ.
Thánh Macrina và chồng đã
phải trả một giá rất đắt khi theo Ðức Kitô. Trong thời kỳ bách hại của các
hoàng đế La Mã Galerius và Maximinus, hai ông bà đã phải đi trốn. Họ tìm thấy
một nơi ẩn náu trong rừng gần nhà. Bằng cách nào đó, họ đã thoát khỏi sự bách
hại. Họ luôn luôn bị đói khát và lo sợ nhưng không mất đức tin. Họ đã kiên nhẫn
chờ đợi và cầu nguyện để chấm dứt sự bách hại. Và cuộc bách hại này đã chấm dứt
sau bảy năm dài. Thánh Gregory Nazianzen có ghi lại các chi tiết này.
Trong một cuộc bách hại khác,
Thánh Macrina và chồng bị mất tất cả tài sản. Họ không còn gì ngoại trừ đức tin
và lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Người ta không biết chính xác
Thánh Macrina từ trần năm nào, họ phỏng đoán năm 340, và cháu nội của thánh nữ
là Thánh Basil Cả từ trần năm 379.
www.nguoitinhuu.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét