Trang

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

01-09-2013 : (P 1) CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

CHÚA NHẬT 01/09/2013
Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm C
(Phần I)


BÀI ĐỌC I:  Hc 3, 19-21. 30-31  (Hl 17-18. 20. 28-29)
"Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa".

Trích sách Huấn Ca.
Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.
Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 67, 4-5ac. 6-7ab. 10-11
Đáp:  Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần  (x. c. 11b).

1) Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Đấng ngự giá qua hoang địa. - Đáp.
2) Là Cha kẻ mồ côi, là Đấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. - Đáp.
3) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. - Đáp.

BÀI ĐỌC II:  Dt 12, 18-19. 22-24a
"Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Đấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Đấng trung gian của giao ước mới là Đức Giêsu. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:  1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

PHÚC ÂM:   Lc 14, 1. 7-14
"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, nhằm một ngày Sabba, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Hãy học với Chúa Giêsu mà ở khiêm nhường và hiền lành trong lòng

Tuần lễ trước, Chúa đã dạy chúng ta phải đi qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. Và tác giả thư Hípri đã giúp chúng ta nhận thấy các thử thách và khó khăn xảy đến cho người tín hữu đang mở ra trước mắt họ con đường hẹp mời họ đi vào. Nhưng đó chỉ là một cách áp dụng, một khía cạnh của con đường hẹp. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một khía cạnh khác và một cách áp dụng mới. Chúa dạy chúng ta phải khiêm nhường. Thoạt nghe chúng ta có thể nghĩ đây là một giáo huấn đơn sơ; nhưng đọc kỹ các bài Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ thấy đó là bài học rất sâu xa. Chúa dùng lời nói và kiểu nói thông thường của loài người, nhưng lại muốn gợi đến những mầu nhiệm thâm thúy. Chúng ta hãy xin ơn soi sáng để hiểu ra ý Chúa.

1. Hãy Ở Khiêm Hạ
Bài sách Huấn ca cho chúng ta những lời khuyên thực tế. Tác giả là Ben Sira, và vì thế tác phẩm của ông còn được gọi là Siracide. Chúng ta xét đến nội dung và nhất là công dụng của cuốn sách và đặt tên cho nó là Huấn ca, vì lẽ đặc biệt từ thời thánh Cyprianô nói thường được Giáo hội dùng để giáo huấn tân tòng (và vì thế trong tiếng Pháp nó còn được gọi là: Ecclesiastique, tức là sách để Giáo hội dùng để dạy dỗ). Nội dung của nói quả thật có giá trị huấn luyện.
Tác giả là một người Do Thái đạo đức, khả giả, và khôn ngoan ở thời Hy Lạp đô hộ, tức là vào khoảng năm 200 năm trước Chúa Giêsu giáng sinh. Ông thấy văn minh Hy Lạp đang chi phối đời sống của dân Chúa. Triết lý Hy Lạp cũng đang len lỏi vào tâm tư của nhiều người. Ben Sira không bài ngoại nhưng cân nhắc. Ông suy nghĩ đắn đo. Ông thấy Lời Chúa vẫn trổi vượt. Làm sao để đồng bào của ông cũng thâm tín như vậy? Ben Sira mượn lối văn khôn ngoan, đi từ những kinh nghiệm thực tế, suy nghĩ theo lương tri và nhận ra ơn cứu độ chỉ có nơi Lời Chúa mạc khải. Ông viết các suy tư vụn vặt của ông ra giấy trắng mực đen, để dạy dỗ con cháu và môn sinh trung thành với Lời Chúa. Ông đem Lời Người vào thực tế, hòa hợp sự khôn ngoan triết học với chân lý mạc khải, làm ra quyển sách có giá trị này để dạy dỗ người đời.
Hôm nay trong đoạn sách vừa nghe, tác giả khuyên chúng ta hãy ở khiêm hạ. Các bản dịch không nhất trí với nhau về mọi từ ngữ; nhưng ý chính vẫn được tôn trọng. Ben Sira khuyên rằng: trong mọi sự, kể cả trong giàu có và lúc thế lực, chúng ta hãy ở khiêm hạ. Tư thế của ông cho phép ông khuyên như vậy mà không sợ bị phản đối: vì ông cũng là người giàu có và có thế lực. Kinh nghiệm cho ông thấy rằng cả khi có tiền có quyền, tốt hơn cứ ở khiêm hạ vì hai lẽ: vừa đẹp lòng người vừa đẹp lòng Chúa.
Người ta vẫn thích thái độ khiêm hạ, vì nó nói lên lòng kính trọng kẻ khác và ý chí nhẫn nhục không muốn đè bẹp một ai nhưng chờ đợi sự hiểu biết của mọi người. Nó gây được lòng thiện cảm của mọi người đang khi vẫn làm cho mọi người thấy khả năng đích thực của người có thế lực. Người có khả năng càng nhiều khiêm hạ bao nhiêu càng dễ thành công bấy nhiêu vì khả năng của họ chinh phục được cả lòng người nữa. Còn đối với Thiên Chúa, thái độ khiêm hạ của con người là cớ để Chúa càng mở rộng lòng rộng rãi đối với họ. Người thấy họ bé nhỏ trước mặt mình, nên Người càng thương và càng muốn ban ơn. Chính vì vậy mà tiên tri Sôphônia đã nhìn thấy Dân Chúa sau này gồm toàn những người khiêm hạ, tức là những người khó nghèo được đầy ơn vì họ biết mình hèn hạ ở trước mặt Chúa nên được Người đổ đầy ơn Cứu độ (3,12). Chúng ta ngày nay còn hiểu rõ giá trị của thái độ khiêm hạ này hơn nữa vì chính Ðức Giêsu đã dạy: Hãy học với Ta mà ở hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,28-30).
Thế là từ một nhận xét theo kinh nghiệm thấy rằng con người cư xử khiêm hạ luôn luôn được mọi người chấp nhận, tác giả sách Huấn ca tìm thấy giá trị sâu xa của thái độ ấy nằm trong Lời Chúa, và mạc khải của Người. Chính Người muốn huấn luyện dân được tuyển chọn nên những con người hiền lành và khiêm nhường để được chấp nhận trong thời kỳ cứu độ. Viễn tượng này làm cho lời khuyên khiêm hạ của tác giả có giá trị bất khả kháng vì hết mọi con cái Israen thời bấy giờ không sợ gì hơn bị loại khỏi những con số được cứu vớt.
Tuy nhiên tác giả còn muốn triển khai thêm. Ông cho thấy nết xấu ngược lại, tức là tính kiêu ngạo là một thứ bệnh nan trị. Nó là thứ cây xấu đã đâm rễ từ trong lòng người ta, thì hành vi ngôn ngữ hết thảy của họ đều xấu xa tội lỗi. Ông có thể đã nghĩ đến thái độ của Pharaô kiêu căng cố chấp nên đã đi từ thảm hại này đến thẩm hại khác. Có lẽ ông cũng đã nghĩ nhiều hơn đến thái độ của dân Do Thái trong suốt lịch sử cứng đầu cứng cổ và lòng dạ chai đá đối với Lời Chúa. Ông nghĩ rằng con người có tư cách, sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng lãnh được Lời Hứa của Người phải là kẻ khôn ngoan có thái độ môn sinh, biết nhận xét thực tại nhưng nhất là biết lắng nghe Lời. Hai thái độ này làm cho người ta biết sống và đạo đức. Người ta phải học hỏi và quan sát thực tế, nhưng nhất là phải để Lời Chúa hướng dẫn tâm tư. Một con người như vậy sẽ đẹp lòng Chúa và không sợ sai lầm. Họ là người khôn của Nước Trời, vượt xa sự khôn ngoan của thế gian.
Lời của Ben Sira đã đem đạo vào đời. Quan niệm và tư tưởng của ông còn rất mới. Tuy nhiên chúng ta sẽ thấy trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu còn dạy dỗ cụ thể và sâu xa hơn nữa, làm chứng Tân Ước sẽ kiện toàn Cựu Ước.

2. Hãy Hạ Mình Xuống
Theo thánh Luca, hôm ấy là ngày Sabát; người ta vừa đi lễ vừa nghỉ ngơi. Các gia đình ăn uống khá hơn ngày thường. Và người ta dễ mở tiệc đãi khác, vậy, một đầu mục Biệt phái mời Ðức Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông. Có lẽ ông cũng chẳng có thịnh tình đặc biệt gì đối với Người. Nhiều người Biệt phái khác cũng đã mời Người dùng bữa (Lc 7,36; 11,37; 14,1). Họ đều muốn dò xét xem Người là con người thế nào. Nên có nhiều Biệt phái và Luật sĩ cũng được mời đến ăn để tiếp chuyện Người.
Theo thông lệ, khi mời các bậc "thầy" đến dùng bữa, người ta muốn nghe biết đạo lý của các Ngài. Ðức Giêsu vẫn được tôn là "Thầy", nên hôm nay trăm mắt cũng đổ dồn vào Người để đón nghe lời đạo lý. Nói đúng ra, hôm nay đã có cớ để Ðức Giêsu mở miệng phát biểu. Có một người mắc bệnh thủy thủng đứng trước mặt Người. Người hỏi các Luật sĩ và Biệt phái: có được chữa bệnh ngày hưu lễ không? Họ không muốn trả lời. Nhưng Người đã cho người kia được khỏi bệnh, để làm chứng - hay nói đúng hơn, để gợi lên ý tưởng - Người là Ðấng Cứu Thế đã đến ở giữa họ. Người muốn chữa lành tâm tư tội lỗi của mọi người.
Thế nên thấy Luật sĩ và Biệt phái luôn chọn chỗ nhất, chỗ cao nơi bàn ăn cũng như nơi hội đường, Ðức Giêsu nhớ đến những câu trong bộ sách Khôn ngoan, đặc biệt mấy lời trong sách Huấn ca và Châm ngôn nói rằng: Ông lớn mời con, con hãy ở xa, để ông càng xích lại mời (Hc 13,9); Con đừng xin địa vị cao sang với Vua Chúa (7,4); Trước mặt vua, con chớ nên vênh váo và đừng ngồi vào chỗ của kẻ quyền cao; bởi, được người ta nói: "xin mời lên đây" thì tốt hơn là bị hạ xuống trước mặt vương công (Cn 25,6-7). Ít ra những lời Ðức Giêsu nói với Biệt phái và Luật sĩ hôm nay đã phản ánh và làm dội lại lập trường khôn ngoan được ghi trong Sách thánh. Người ta có thể thấy Người cũng có lập trường chính thống và họ không thể phản đối Người. Hơn nữa Người đã nhắc lại cho người ta và cho những người "kiêu ngạo nhất" giáo lý của sách Huấn ca dạy mọi người hãy ở khiêm hạ. Và Người đã áp dụng giáo lý ấy vào một trường hợp cụ thể và cho những con người cụ thể.
Chúng ta có thể hỏi: Không biết các Luật sĩ và Biệt phái có khó chịu khi nghe những lời như vậy không? Nhưng rõ ràng Ðức Giêsu đã muốn dùng lối văn gián tiếp, kiểu văn khôn ngoan của thời đại; nên họ có khó chịu cũng không đến nỗi nào.
Người cũng dùng một kiểu nói như vậy để hướng về phía chủ nhà đã mời Người. Ông ta cũng muốn được nghe một lời nào cho riêng mình, theo như tâm lý của mọi người khi mời một bậc thầy đến dùng bữa để được nghe lời khôn ngoan. Người dạy: "khi nào thết tiệc, ngươi hãy mời những kẻ ăn mày, tàn tật, què quặt, đui mù; và ngươi sẽ có phúc, vì họ không có gì báo đền ngươi lại. Bởi chưng ngươi sẽ được báo đền khi kẻ lành sống lại".
Ðây cũng còn là những điều dạy trong luật pháp, nhưng hoặc không rõ, hoặc bị quên lãng. Ðức Giêsu đã triển khai giáo huấn của sách Thứ luật nói rằng "Cuối mỗi ba năm, ngươi sẽ đem ra tất cả thập phân về hoa lợi của ngươi năm ấy và ngươi sẽ cất lại trong cổng thành ngươi; để Lêvi, người không có phần hay cơ nghiệp chung với ngươi, và khách cư ngụ, cùng mồ côi quả phụ ở trong cổng thành ngươi sẽ đến; họ sẽ ăn và được no nê; ngõ hầu Thiên Chúa của ngươi chúc phúc cho ngươi trong mọi công việc ngươi làm" (14,28). Ðiều mà luật pháp dạy làm cứ mỗi ba năm Ðức Giêsu nói hãy làm bất cứ lúc nào. Và khi luật pháp bảo cứ để sẵn đó cho người ta đến dùng, Ðức Giêsu bảo hãy đi mời người ta lại; cuối cùng luật pháp hứa cho người ta được đền bù ở đời này, Ðức Giêsu nói sẽ được báo đáp ở đời sau. Ðức Giêsu đã chẳng lặp lại ý nguyên luật pháp; Người đã triển khai, kiện toàn và đưa luật pháp lên bình diện đạo đức thiêng liêng hơn.
Nhưng như vậy chúng ta chỉ mới nhìn sự việc đúng lúc xảy ra trong cuộc đời của Ðức Giêsu khi Người còn tại thế. Thánh Luca khi viết lại bài Tin Mừng hôm nay đã có một kinh nghiệm mới hơn. Người đang sống trong Hội Thánh mà vẫn nhìn thấy Hội Thánh cử hành bàn tiệc Thánh Thể. Chúng ta sẽ không hiểu hết ý của Người nếu dừng câu chuyện lại ở thời Ðức Giêsu. Qua câu chuyện ấy, chúng ta còn phải đón nhận giáo huấn của thánh Luca về bàn tiệc Thánh Thể và Hội Thánh.
Khi mở đầu bữa ăn bằng việc chữa lành một người bị thủy thủng, Ðức Giêsu không muốn bữa ăn Người dự nên bữa tiệc cánh chung và cứu thế hay sao? Thiên Chúa, trong ngày cứu độ, sẽ chữa lành mọi tật bệnh và tội lỗi của loài người và đưa họ vào tiệc cưới muôn đời của Người. Nếu thế thì không thể có những người kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn ở bàn tiệc này, nhưng khi thay vào chỗ của họ là những kẻ khó nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù.
Thế nên những người đã được đưa vào bàn tiệc như vậy vừa phải có tinh thần khiêm hạ, vừa phải có lòng quảng đại vô vị lợi. Chỉ khi nào như vậy, các bàn tiệc Thánh Thể mới diễn tả được bữa ăn tiệc ly của Chúa. Ngày dùng bữa tiệc ấy, Người đã hạ mình như thế nào để rửa chân cho môn đệ và Người đã trao ban rộng rãi vô vị lợi làm sao khi phó nộp thân thể mình làm của ăn và của uống!
Suy nghĩ như vậy, các bài Kinh Thánh chúng ta vừa đọc mới thật sự ý nghĩa; và mới giúp chúng ta đi sang bài thư Hípri.

3. Hãy Tiến Lại Gần
Tác giả đang nói những lời "an ủi". Người so sánh số phận dân cũ và dân mới. Tôn giáo thời nào cũng đưa người ta đến gần Thượng đế. Nhưng ngày xưa ở núi Sinai, dân Cựu Ước đã tiến lại gần núi thánh mà rụng rời. Quang cảnh trời long đất lở, sấm chớp hãi hùng làm cho con cái Israen phải xin với Môsê làm sao để Thiên Chúa đừng nói thẳng với họ kẻo họ chết hết. Xin Người cứ dùng ông mà mạc khải tôn ý. Ðạo cũ vì thế không thể thoải mái được. Ðó là giai đoạn còn luyện lọc thanh tẩy.
Nhưng đạo mới không còn như vậy nữa. Tất cả đã thay đổi. Chúng ta ngày nay đã được tiến lại gần núi Sion và Giêrusalem thiên đài, tức là đã được đưa sang một thế giới khác, thế giới thiêng liêng của Thiên Chúa hằng sống. Các yếu tố thiên nhiên vật chất như lửa, mây, sấm, chớp không còn nữa. Người tín hữu lúc này được bao vây toàn bằng những thực tại thiêng liêng: nào là cộng đoàn những trưởng tử đã được đăng ký trên trời, tức là cộng đoàn các tín hữu đã được ghi danh vào sổ hằng sống, nào là vạn vạn thiên thần trong ngày đại hội. Nhất là người theo đạo mới đã được tiến lại gần ngai ân sủng là chính Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người nhưng vô cùng khoan dung rộng rãi với con cái, nhờ Ðấng trung gian mới là Ðức Giêsu đã đổ máu rửa sạch tội lỗi chúng ta.
Ðó là thế giới đức tin của người tín hữu. Họ đã được đưa vào từ ngày chịu phép Thánh Tẩy; và ngày nay mỗi khi đến gần bàn thờ để cầu nguyện và cử hành Thánh Thể họ lại được đưa vào thế giới thiêng liêng cao cả ấy. Thân phận của họ như vậy thì các chỗ ngồi và ngôi thứ ở trần gian này còn đáng quan tâm nữa không? Nói đúng hơn, ơn Chúa đã đưa con người vào thế giới thiêng liêng tốt đẹp như vậy để họ thấy phải đem thực hiện tương tự như thế trong đời sống trần gian. Nơi đó con người được hòa đồng với mọi người trong tình bác ái tốt đẹp và quảng đại, thì họ cũng phải thi hành những tinh thần ấy khi sống trong xã hội với mọi người.
Nếu những điều kiện chúng ta vừa nói trên đây là đúng, thì chúng ta hãy nghĩ đến công việc chúng ta đang làm. Chúng ta đang ở gần bàn thờ. Chúng ta sắp hiệp thông trong thánh lễ. Ðây không phải là bàn tiệc Nước Trời sao? Ở đây không được có óc biệt phái, nhưng phải hòa hợp.
Hơn nữa, phải xem gương Ðức Giêsu hạ mình và xả thân rất quảng đại. Chúng ta có thể nào dự lễ sốt sắng rồi về nhà lại sống phân biệt ích kỷ? Các bài Kinh Thánh hôm nay đưa chúng ta vào thánh lễ, thì thánh lễ phải đưa chúng ta vào đời sống, để tinh thần khiêm hạ, xả kỷ không phải chỉ là lời khuyên nhưng trở thành nếp sống đạo mới của chúng ta theo gương Ðức Giêsu, Ðấng đã dạy chúng ta hãy học với Người mà ở khiêm nhường và hiền lành trong lòng; và đã mở cửa Nước Trời và bàn tiệc Nước Trời nguyên cho những người như vậy.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 22 Thường Niên, Năm C

Bài đọc: Sir 3:17-18, 20, 28-29; Heb 12:18-19, 22-24a; Lk 14:1, 7-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khiêm nhường tự hạ để giúp đỡ kẻ yếu kém.

Kiêu ngạo là một khuynh hướng dường như có sẵn trong con người, chỉ chờ cơ hội để bộc phát. Tội nguyên tổ là một ví dụ điển hình, vì muốn bằng Thiên Chúa, nên bà Evà đã bất tuân lệnh của Ngài và ăn trái cấm. Hậu quả của tội kiêu ngạo làm cho con người xa cách Thiên Chúa, chịu biết bao đau khổ, và sau cùng phải chết. Từ đó đến nay, tội này càng ngày càng tác hại khốc liệt trong thế giới con người, làm cho con người xa cách Thiên Chúa, hận thù chồng chất, gia đình ly tán, và ngăn cản con người đạt tới đích điểm của cuộc đời.

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta một phương thuốc hiệu nghiệm để chữa bệnh kiêu ngạo là luyện tập để có nhân đức khiêm nhường. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca dạy con phải có nhân đức khiêm nhường để được Thiên Chúa và tha nhân yêu mến. Càng làm lớn càng phải khiêm nhường để được Thiên Chúa chúc phúc và tha nhân cộng tác trong việc điều hành và học được những bài học quí giá trong cuộc đời. Trong bài đọc II, tác giả Thư Do-thái dạy các tín hữu phải có thái độ kính sợ Thiên Chúa và yêu thương Đức Kitô. Không có Đức Kitô, con người tội lỗi không thể đến gần Thiên Chúa; nhưng vì nhờ máu của Đức Kitô đổ ra, con người được thanh tẩy và hòa giải với Thiên Chúa, và họ có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn đệ luôn có thái độ khiêm nhường trong cách cư xử và phục vụ, vì Thiên Chúa yêu thích và ban ơn cho những người như thế.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những ích lợi đạt được do việc biết sống khiêm nhường.

1.1/ Thiên Chúa yêu thích kẻ khiêm nhường.

Tác giả Sách Huấn Ca khuyên con: “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách khiêm nhu, thì con sẽ được mến yêu hơn những người rộng lượng cho đi. Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.”

Người khiêm nhường là người biết con người thực của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người khiêm nhường biết định giá đúng công ơn của Thiên Chúa đổ xuống trên họ; trong khi kẻ kiêu ngạo đánh cắp công ơn Thiên Chúa làm của mình. Người khiêm nhường biết họ chỉ là loài thọ tạo do Thiên Chúa tạo dựng nên, họ biết khôn ngoan của họ không thể nào so sánh với Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan, họ biết uy quyền phát xuất từ Thiên Chúa và Ngài có thể lấy đi bất cứ lúc nào, họ biết mọi của cải là do Thiên Chúa ban cho nhân loại hưởng dùng. Vì thế, họ luôn vâng lời và giữ cẩn thận những điều Thiên Chúa truyền dạy, không lên mặt kiêu căng hay thực thi quyền hành với tha nhân, và không cậy dựa vào của cải của mình. Vì luôn biết đánh giá và sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, người khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa quí yêu, chúc lành, và bảo vệ trong suốt cuộc đời.

1.2/ Những lợi ích khác của người khiêm nhường

(1) Tha nhân yêu thích kẻ khiêm nhường: Người khiêm nhường càng ngày càng thêm bạn hữu; trong khi người kiêu ngạo càng ngày càng thêm kẻ thù. Trong việc lãnh đạo, họ được cấp trên thương mến và cấp dưới vâng lời, vì họ luôn đối xử với tha nhân xứng hợp với nhân phẩm và địa vị của họ.

(2) Khiêm nhường giúp một người nhìn thấy những khôn ngoan và cái hay của người khác để học hỏi và thăng tiến; trong khi người kiêu ngạo lấy mình làm thước đo người khác, khi đã cảm thấy quá đủ, họ sẽ không cần phải học nơi người khác.

(3) Người khiêm nhường nhìn thấy tất cả các tật xấu của họ cần sửa đổi, vì thế càng ngày càng tiến trên đường nhân đức; trong khi người kiêu ngạo không nhìn thấy mình có gì cần sửa, nên càng ngày càng lún sâu trong tội.

(4) Người khiêm nhường ưa thích lắng nghe, vì thế càng ngày họ càng có kiến thức hơn; trong khi kẻ kiêu ngạo vội vàng muốn phô trương. Nói mãi rồi cũng có cạn tàu ráo máng.

2/ Bài đọc II: Thái độ thích ứng của con người khi đứng trước Thiên Chúa.

2.1/ Con người không là gì cả trước mặt Thiên Chúa.

Tác giả Thư Do-thái nhắc lại cuộc thần hiện của Thiên Chúa trên núi Sinai, với mục đích nhắc nhở cho các tín hữu nhận ra sự khác biệt vô cùng lớn lao giữa Thiên Chúa và con người, để rồi con người phải biết kính sợ Thiên Chúa. Nếu Ngài không cho phép, không ai có thể nhìn thấy Ngài mà còn sống, không ai có thể nghe những lời Thiên Chúa phán ra.

“Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa, vì họ không chịu nổi mệnh lệnh sau đây: Ngay cả thú vật đụng đến núi, cũng phải bị ném đá. Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Moses phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy!”

Ông Moses là người đã từng có kinh nghiệm với Thiên Chúa, mà còn cảm thấy hãi hùng như thế, huống hồ gì một con người thường. Có lẽ điều gây thiệt hại nhất cho con người là thái độ khinh thường Thiên Chúa và những lời giáo huấn của Ngài. Khinh thường Thiên Chúa cũng dẫn tới thái độ tự mãn và kiêu ngạo: coi mình như ông trời mà không cần nghe và giữ những gì Thiên Chúa dạy.

2.2/ Con người chỉ có thể tới với Thiên Chúa qua Đức Kitô.

Tác giả Thư Do-thái không muốn các tín hữu coi Thiên Chúa như một hung thần để rồi phải sợ hãi Ngài; nhưng họ có thể đến với Thiên Chúa như một người Cha yêu thương, qua trung gian của Đức Kitô: “Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu và được máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel.”

Đức Kitô đã rửa sạch tội cho con người nhờ máu của Người đã đổ ra trên Thập Giá. Ngài hòa giải con người với Thiên Chúa và mang lại ơn cứu độ cho con người.

Với Đức Kitô, con người không còn phải sợ hãi Thiên Chúa nữa; nhưng có thể gọi Thiên Chúa là Cha. Tuy nhiên, con người vẫn không được có thái độ “gần chùa gọi bụt bằng anh.” Với Đức Kitô, con người được mời gọi tới dự tiệc vui là núi Sion, nơi Thiên Chúa ngự trị, và thành Jerusalem trên trời.

3/ Phúc Âm: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

3.1/ Người khiêm nhường chọn chỗ rốt hết.

Khuynh hướng con người là muốn được người khác kính nể và cho là người quan trọng, một trong những cách thức tỏ mình ra là ngồi chỗ trên hết. Chúa Giêsu dạy các môn đệ đề phòng thói quen này bằng cách kể một câu truyện như sau: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: "Xin ông nhường chỗ cho vị này.” Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: "Xin mời ông bạn lên trên cho.” Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

Có nhiều lý do đàng sau lời khuyên khôn ngoan của Chúa Giêsu:

(1) Con người không thể tự đánh giá mình hay đòi sự tôn trọng trong mối liên hệ với người khác; nhưng phải để cho tha nhân đánh giá và tỏ sự tôn trọng với mình. Khi tham dự tiệc cưới, chúng ta không biết người chủ mời những ai và mối liên hệ của chủ tiệc với họ. Tự động ngồi chỗ quan trọng nhất là ảo tưởng kiêu ngạo của chúng ta, nghị rằng mình có thế giá với gia chủ. Thái độ này sẽ bị mất mặt khi bị gia chủ mời xuống.

(2) Người khiêm nhường nhìn nhận mình không phải là trung tâm điểm mà người khác phải hướng về, vì trong thế gian còn biết bao người hơn mình về sự khôn ngoan, kiến thức, uy quyền và tài năng.

(3) Chỗ rốt hết là chỗ an toàn nhất, vì không ai có thể đẩy mình đi đâu được nữa. Khi đã chọn chỗ rốt hết, người khiêm nhường để cho tâm hồn được bình an vì không phải lo tranh giành chỗ và địa vị với người khác. Người kiêu ngạo sẽ cảm thấy bất an khi người khác được trọng vọng hơn mình.

3.2/ Khiêm nhường giúp đỡ kẻ khó nghèo.

Một thói quen khác nữa của con người là họ có khuynh hướng mở tiệc đãi gia đình, họ hàng và bạn bè. Khi mở tiệc, họ thường hay mời những người đồng vai vế hay còn tính chuyện để nhờ vả họ trong tương lai. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải ý thức việc mở tiệc của mình. Dĩ nhiên, Chúa không cấm việc mở tiệc chung vui với gia đình; nhưng nếu chúng ta nhắm tới ích lợi, thì chúng ta đừng chỉ nhắm ích lợi đời này.

(1) Phần thưởng đời này: Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.”

(2) Phần thưởng đời sau: “Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại."

Trong chương 25 của Tin Mừng Matthew, Chúa Giêsu xác định rõ: “những gì chúng ta làm cho những người bé mọn, chúng ta làm cho Ngài.” Thiên Chúa sẽ trả công cho chúng ta về những gì chúng ta làm cho một trong những người bé mọn nhất.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần phải ý thức tất cả những gì chúng ta sở hữu là của Thiên Chúa ban. Người kiêu ngạo đánh cắp công ơn của Thiên Chúa và sống xa lánh Ngài.

- Chúng ta cần yêu thương và giúp đỡ những anh chị em yếu kém, vì họ cũng là con của Cha trên trời và là anh chị em của chúng ta.

- Người khiêm nhường sẽ dễ dàng sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân. Họ sẽ được Thiên Chúa và tha nhân quí mến, đồng thời sẽ gặt hái được rất nhiều kết quả cả đời này và đời sau. Họ sẽ sống bình an trong đời này và đạt tới Nước Trời mai sau.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


Cây cao dễ gãy.
Sau một trận bão, người ta thường thây những câu cao bị đổ gãy, trái lại những cây  nhỏ và thấp, thì vẫn đứng trơ trơ. Sau cuộc chính biến, những kẻ quyền cao chức trọng bị lật đổ, bị mất chức, bị tù tội còn những kẻ thấp cổ bé miệng thì trước sau vẫn vậy.
Tuy nhiên, trong bất kỳ xã hội, bất kỳ tổ chức nào cũng thế, người ta vẫn tranh nhau những chức vụ cao để hưởng nếu không phải là lợi lộc, thì ít ra cũng là danh vọng. Mâm cao cỗ đầy. Chức càng lớn thì bổng lộc càng nhiều, đi tới đâu cũng được trọng vọng. Ngày xưa thì võng cáng, lọng che còn ngày nay thì mô tô hộ tống, cảnh sát còi hụ dẹp đường, lính tráng dàn chào. Cái thói ham danh vọng này không tha cả những người lãnh đạo tôn giáo vì thế các chức sắc đạo Do Thái ngày xưa thích mặc áo thụng, may dài thẻ kinh tới đâu thì cũng chiếm hàng ghế đầu, còn ngồi ở bàn tiệc thì chọn chỗ nhất.
Vì thế Chúa Giêsu không ngần ngại lên tiếng chỉ trích họ, nhân dịp Ngài được mời dự tiệc trong nhà một ông biệt phái. Dĩ nhiên đa số khách mời đều là biệt phái cả. Họ không ưa gì Chúa Giêsu và hôm nay họ được dịp dò xét kỹ để bắt lỗi. Chẳng hạn họ để ý xem Người có rửa tay trước khi ăn hay không? Nhưng họ đâu ngờ rằng chính họ lại đang bị Chúa Giêsu dò xét, bởi vì Ngài thấy ông nào ông nấy cũng đều ham địa vị cao, thích ngồi vào chỗ danh dự nhất trong đam khách được mời.
Bài học của Ngài hôm nay là bài học khiêm nhường, có lẽ đã làm cho họ ăn mất ngon và hẳn nhiều ông đã mất mặt. Chúa Giêsu không chỉ nhận xét về khách dự tiệc mà còn thẳng thắn đưa ra một bài học khác cho chủ nhà, bởi vì ông này mở tiệc đãi khách, thực ra không hpải vì khách mà vì mình. Thực vậy, cái thói mời người có chức quyền, mời người giàu sang để khoe rằng mình quen biết lớn, giao thiệp rộng, rằng bè bạn của mình toàn là những ông to bà lớn. Cái thói này ở mọi nơi, mọi thời đều rất thịnh hành. Ông chủ nhà hôm nay cũng là một trong những kẻ thích khoe khoang. Ông ta mời Chúa Giêsu có lẽ chẳng phải vì mến phục, nhưng chỉ để khoe với bè bạn về tài giao thiệp của mình, bởi vì lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã là một nhân vật nổi tiếng.
Thế nhưng được ăn thì cũng phải được nói, nhân dịp này Chúa Giêsu nhắc nhở ông đừng tốn của cho những kẻ vốn đã giàu sang, nhưng hãy nghĩ đến những người nghèo khó, những người đang cần được ăn để sống chứ không sống để ăn như những kẻ giàu sang quyền quý.
Lòng khiêm tốn và nhân hậu chính là nền tảng của đạo đức, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Ngài. Thói thường, thì những kẻ làm lớn thì ăn trên ngồi trốc, thống trị mọi người. Còn Chúa Giêsu thì khác, Ngài không đến để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Ngài đòi hỏi các môn đệ, những kẻ bước theo Ngài cũng phải sống như vậy. Thế nhưng lòng khiêm tốn phải đi đôi với tình bác ái, với tinh thần phục vụ. Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học phục vụ. Chúa Giêsu đã hạ mình xuống để phục vụ, để nâng đỡ gánh nặng của người khác, còn chúng ta thì sao?

01/09/13 CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – C 
Lc 14,1.7-14

CHO MÀ KHÔNG TÌM NHẬN LÃNH
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì để đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Bước vào đời người ta thường được dạy “lẽ khôn” này là: “Chẳng ai cho không bạn cái gì!” Điều đó dẫn đến qui tắc ứng xử: Tôi cũng sẽ không cho không ai cái gì! Rất may, đó không phải là tất cả đời sống; vì đời sống còn có chỗ cho tình nghĩa, cho trái tim. Khi Mẹ Têrêsa qua đời hồi tháng 9 năm 1997, tổng thống Pháp Jacques Chirac đã gửi điện chia buồn, viết: “Tối hôm nay, thế giới nghèo đi hơn trong tình yêu thương, nghèo đi hơn trong lòng trắc ẩn, nghèo đi hơn trong bao dung.” Đấy bởi vì Mẹ Têrêsa là tượng đài của lòng bác ái trong thế giới hiện đại. Mẹ đã hiến cả đời mình để dấn thân chia sẻ, phục vụ những con người nghèo nhất trong số những người nghèo vì“họ không có gì để đáp lễ”. Nhưng chính Chúa đã bù đắp lại cho Mẹ gấp trăm ngay ở đời này và cả đời sau nữa.
Mời Bạn: Mỗi khi chúng ta quan tâm, chia sẻ, phục vụ những người bất hạnh xung quanh đời mình một cách hoàn toàn vô vị lợi, chúng ta thấy mình là người hơn, là môn đệ Chúa Kitô đúng nghĩa hơn. Bạn đã cảm nghiệm được điều đó chưa?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn đặc biệt quan tâm đến những người cần được giúp đỡ ở xung quanh mình, có hành động cụ thể chia sẻ với họ, một cách chân thành và trong tinh thần hoàn toàn vô vị lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết mở rộng tấm lòng, để sẵn sàng cho đi mà không hề tính toán; vì khi con biết cho đi là con lại được nhận lãnh.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín

1 THÁNG CHÍN

Chúa Thánh Thần Hướng Dẫn Giáo Hội

Tất cả chúng ta hãy tôn vinh và tạ ơn Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt Giáo Hội hôm nay bước đi trên nẻo đường vừa đầy thách đố vừa chan hòa niềm vui: đó là nẻo đường canh tân như Công Đồng Vatican II khởi xướng. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và trong tinh thần nhiệt tình đổi mới, Hội Nghị Đặc Biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã xác quyết dứt khoát rằng không gì có thể thành tựu nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong Chúa Thánh Thần chúng ta mới có thể đạt được bất cứ gì là thánh thiện – và chỉ trong Chúa Thánh Thần chúng ta mới có thể thi hành được sứ mạng mà Chúa Kitô giao phó. Lạy Chúa, nếu không có Thánh Thần của Ngài, mọi cố gắng của chúng con sẽ chỉ như dã tràng xe cát biển đông mà thôi!
Chính Chúa Thánh Thần đã dẫn dắt các bước đi của Công Đồng Vatican II và đã tiếp tục dẫn dắt các cuộc họp Thượng Hội Đồng tiếp sau đó trong ngọn lửa tình yêu và trong làn gió đổi mới của Ngài. Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là điểm tựa cho mọi công cuộc của chúng con, Ngài đã tràn ngập trong lòng các mục tử và toàn dân Chúa, xin Ngài hãy đến chiếm lĩnh trái tim tất cả những ai tin tưởng vào Ngài.
Thật vậy, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn chúng ta trên đường sự thật. “Ngài sẽ dạy anh em biết tất cả sự thật” (Ga 16,13) – Đức Giêsu đã nói rõ về vai trò của Chúa Thánh Thần như thế. Chúa Thánh Thần là Thần Khí mà Đức Kitô hứa trao ban cho các Tông Đồ trong Căn Gác Thượng trước cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người. Ngài tiếp tục cho thấy sự hiện diện của Ngài trong Giáo Hội qua mọi thời, nhất là trong những giai đoạn đầy căng thẳng như thời đại của chúng ta hôm nay. Trong tác động của Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta cùng thốt lên: “Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn sống, xin hãy đến với chúng con”.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 01-9
Chúa Nhật XXII Thường Niên
Hc 3, 19-21.30-31; Dt 12, 18-19.22-24a; Lc 14, 1.7-14.


LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Chúa Giêsu thấy những người khi dự tiệc thường thích chọn cỗ nhất mà ngồi, Chúa Giêsu có lời khuyên dạy họ, và cuối cùng Ngài kết luận: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c.11). Chúa Giêsu muốn chúng ta luôn phải biết chỗ đứng của mình trong khiêm tốn, đừng dẫm chân lên nhau. Trong cuộc đời của chúng ta, nhiều khi chúng ta đã đạp chân lên chân của người anh em; mặc dù biết mình đang đạp chân lên bạn mình, và cũng biết bạn mình đang đau; nhưng rồi cứ làm như không hay biết. Ước gì chúng ta biết khiêm nhường, biết nỗi đau của người anh em mà đứng đúng vị trí của mình.


Mạnh Phương


01 Tháng Chín

Bờ Dậu Trước Ngõ

Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị... Ở đó, chàng đã ăn chơi trác táng... Kiếm sống xa đọa đã đưa đẩy chàng đến chỗ thân tàn ma dại. Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống ấm êm trong gia đình.
Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường về, nghĩ mình quá bất xứng không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó, chàng viết thư về cho cha mẹ và thú nhận tội lỗi. Chàng cũng ngỏ ý. Nếu cha mẹ bằng lòng thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà.
Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một chiếc áo bông mà lấy tất cả áo trong nhà ra treo kín cả dậu trước ngõ.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng, nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây từng phút. Tình Yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Ngài thi ân cho chúng ta hơn cả sự mong đợi và cầu xin của chúng ta. Người con hoang trong tin mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh, và sai mở tiệc ăn mừng.

Phải, Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta.

(Lẽ Sống)

1-9
Thánh Beatrice Silva 
(1424-1491)

T
hánh Beatrice có một liên hệ sơ sài nhưng rõ ràng với phong trào Phanxicô. Dòng tu ngài sáng lập đã không được sát nhập vào dòng Phanxicô cho đến sau khi ngài chết, nhưng ngày nay dòng ấy là một nhánh chính yếu của gia đình Thánh Phanxicô.
Beatrice sinh trưởng ở Ceuta, Morocco. Ngài có liên hệ đến hoàng gia Bồ Ðào Nha và có lúc phục vụ như một thị tỳ cho nữ hoàng Castile. Sau khi từ bỏ công việc ấy, ngài gia nhập tu viện Ða Minh ở Toledo, là nơi ngài sống trong 37 năm (dù rằng ngài chưa bao giờ tuyên khấn lời hứa của dòng này).
Bảy năm trước khi từ trần, Thánh Beatrice thành lập một cộng đoàn chiêm niệm theo luật Dòng Xitô. Sau khi ngài chết được ba năm, Ðức Giáo Hoàng Alexander VI đặt cộng đoàn của thánh nữ trong hệ thống Anh Em Hèn Mọn Phanxicô và theo Luật Thánh Clara. Ngày nay những nữ tu này thường được gọi là Người Theo Linh Ðạo Thánh Clara Khó Nghèo, và vào năm 1968 các nữ tu này chiếm khoảng 20 phần trăm tổng số người trong Dòng Nhì. Sơ Beatrice được phong thánh năm 1976.
Lời Bàn
Nhiều người khiếp sợ sự cầu nguyện và hãm mình của các nữ tu dòng Thánh Clara Khó Nghèo. Những người khác lại được hứng khởi bởi lòng bác ái và hy sinh này, mà linh đạo ấy đã giữ cộng đoàn trung tín với mục đích của dòng: phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội với một tâm hồn ngày càng thanh khiết hơn.
Lời Trích
Celano viết về những người đầu tiên theo Thánh Phanxicô: "Trên tất cả mọi sự, trong cộng đoàn của họ nảy sinh một nhân đức ngoại hạng về lòng bác ái cộng đồng và liên tục, mà nhân đức này đã kết hợp họ thành một, mặc dù bốn năm chục người sống trong một mái nhà, và sự đồng tâm nhất trí của họ đã khuôn đúc thành một tinh thần trong nhiều tinh thần ngoại hạng khác" (I Celano, #19).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét