THỨ SÁU 30/08/2013
Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên
BÀI ĐỌC I: 1 Tx 4, 1-8
"Đây cũng là thánh
ý Thiên Chúa và cũng là sự nên thánh của anh em".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, chúng tôi van nài anh em trong Chúa Giêsu điều
này là như anh em được chúng tôi dạy cho biết phải sống thế nào cho đẹp lòng
Chúa, anh em đang sống như vậy, xin anh em cứ tiến thêm nữa. Vì anh em biết rõ
huấn thị chúng tôi nhân danh Chúa Giêsu đã ban cho anh em. Vì chưng, đây là
thánh ý Thiên Chúa, và cũng là sự nên thánh của anh em là anh em hãy giữ mình
khỏi tội gian dâm, để mọi người trong anh em biết giữ thân xác mình trong sự
thánh thiện và danh dự: anh em chớ nên buông theo dục tình đam mê, như Dân Ngoại
không biết Thiên Chúa: và đừng ai xâm phạm hay lường gạt quyền lợi anh em mình
trong việc ấy, vì Chúa sẽ báo oán các điều đó, như chúng tôi đã bảo trước và đã
minh chứng cho anh em. Vì chưng, Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta để sống ô uế,
nhưng để sống thánh thiện. Bởi thế, kẻ nào khinh chê những luật này, thì chẳng
phải là khinh dể người phàm, nhưng là khinh dể Thiên Chúa, Đấng cũng đã ban
Thánh Thần Người cho chúng ta. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 96, 1-2b. 5-6. 10. 11-12
Đáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa (c. 12a).
1)
Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Mây khói
và sương mù bao toả chung quanh; công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Đáp.
2)
Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan; trước thiên nhan Chúa tể toàn
cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển
của Người. - Đáp.
3)
Chúa yêu thương những ai ghét xa điều dữ; Người gìn giữ tâm hồn những tôi
ngoan, và giải thoát họ khỏi bàn tay đứa ác. - Đáp.
4)
Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người
hiền đức hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người. - Đáp.
ALLELUIA: 1 Tx 2, 13
Alleluia,
alleluia! - Anh em hãy đón nhận lời Chúa, không phải như lời của loài người, mà
là như lời của Thiên Chúa, và đích thực là thế. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 25, 1-13
"Kìa chàng rể đến,
hãy ra đón người".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: "Nước
trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ
dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những
cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các
cô đều thiếp đi và ngủ cả.
"Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người.
Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói
với các cô khôn ngoan rằng: 'Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em
đã tắt cả'. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: 'E không đủ cho chúng em và các chị,
các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn'. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến.
Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại.
Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: 'Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng
tôi'. Nhưng người đáp lại: 'Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi'. Vậy
hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Tích Cực Sống Ðức
Tin
Ðời
người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Ðợi chờ
chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ
mong mỏi người nào hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương hoặc quí chuộng. Với
ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.
Dụ
ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo Hội cho
chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các
trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu để cháy sáng.
Chúa
Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể
đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc
cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ, không ai có thể đoán trước được. Các trinh nữ
được bước vào tiệc cưới với đèn cháy sáng. Ðèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức
tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của
mình để giữ đèn của mình được luôn cháy sáng, cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô
đến, dù chàng rể có đến chậm.
Những
chi tiết của dụ ngôn cho hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho
đèn đức tin được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu phải tích cực sống đức tin, chứ
không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được; mỗi Kitô hữu cần đến sự
khôn ngoan của Thiên Chúa để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, để luôn sống
trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ
của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.
Xin
Chúa mở rộng đôi mắt chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lịch sử.
Xin ban sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận cho phù hợp với thánh ý Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 21 TN1
Bài đọc: I Thes 4:1-8;
Mt 25:1-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cách thức để đạt tới Nước
Trời.
Nhiều
người và nhiều đạo quảng cáo: chỉ cần tin Đức Kitô là được cứu độ mà không cần
giữ những gì Ngài dạy; vì những gì con người sống hay làm không có ảnh hưởng gì
đến sự cứu độ của con người. Không lạ gì mà những đạo này được nhiều người chạy
theo, vì họ muốn được cả hai: đời này và đời sau, vừa thỏa mãn thân xác, vừa thỏa
mãn linh hồn!
Các
Bài Đọc hôm nay muốn vạch ra những sai trái của lối sông này. Trong Bài Đọc I,
thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải tuyệt đối xa tránh lối sống gian dâm,
không phải vì ý khôn ngoan của Ngài, nhưng là thánh ý của Thiên Chúa muốn con
người phải sống thánh thiện và tinh tuyền. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các
môn đệ phải biết cách tỉnh thức và chuẩn bị cho ngày Chúa tới qua dụ ngôn 10
trinh nữ đi đón chàng rể. Nếu không biết chuẩn bị khôn ngoan, họ có thể bị loại
ra ngoài, mặc dù đã được chọn để đi đón chàng rể.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa.
1.1/
Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh: Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu: ''Thưa anh em, anh em đã
được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng
đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giêsu, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ
anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa.'' Các tín hữu Thessalonica là những người
Hy-lạp, mặc dù đã được rửa tội và dạy dỗ, họ luôn bị cám dỗ để trở về với nếp sống
ngày xưa. Đời sống tình dục vô luân là một trong những cám dỗ chính họ phải
đương đầu với.
(1)
Tránh xa gian dâm: Thánh Phaolô muốn các tín hữu Hy-lạp biết, không phải ngài lấy sự
khôn ngoan của con người mà dạy họ, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa: ''Hẳn
anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giêsu mà ra những chỉ thị nào cho anh em.
Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh: tức là xa lánh gian dâm.'' Để thực
hiện điều này, các tín hữu cần phải sống trong ơn gọi gia đình: ''mỗi người hãy
biết lấy cho mình một người vợ để sống cách thánh thiện và trong danh dự, chứ
không buông theo đam mê dục vọng như dân ngoại, là những người không biết Thiên
Chúa.''
(2)
Hình phạt cho những ai vi phạm: Thánh Phaolô cảnh cáo: ''Về điểm này, đừng ai làm tổn thương hay
lừa dối người anh em mình, vì Chúa là Đấng trừng phạt tất cả những cái đó, như
chúng tôi đã từng báo trước và cảnh cáo anh em. Thật vậy, Thiên Chúa đã không
kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện.''
+
Nhiều triết gia Hy-lạp dạy: "thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn;" vì thế chỉ có
linh hồn mới đáng quí trọng, thân xác không có giá trị gì cả. Hậu quả là họ
quan niệm cứ việc sống vô luân trong đời sống tình dục, không có tội lỗi chi cả.
+
Theo quan điểm Công-giáo: thân xác là đền thờ của Thiên Chúa, và sẽ được sống lại hiển
vinh trong Ngày Quang Lâm; vì thế, phải giữ cho thân xác được tinh tuyền. Hơn nữa,
kinh nghiệm dạy "một tinh thần minh mẫn trong một thân xác tráng kiện;"
một thân xác mệt mỏi, tội lỗi không thể giúp linh hồn đạt được những mục đích
mà Thiên Chúa muốn con người thực hiện.
1.2/
Đừng khinh thường những chỉ dạy của Thiên Chúa: Thánh Phaolô cảnh cáo: ''Vậy ai khinh thường
những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường
Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người.''
2/
Phúc Âm: Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!
2.1/
Mang đèn mà không mang theo dầu dự trữ: Chúa Giêsu kể một câu truyện: "Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống
như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô
dại và năm cô khôn.'' Đám cưới của người Do-thái thường xảy ra ban đêm; vì thế
đèn là một vật không thể thiếu. Chàng rể sẽ cho nhà gái biết ngày đón dâu,
nhưng không cho biết giờ nào. Khi gần đến, chàng rể sẽ sai người đi trước báo
hiệu để đàng gái chuẩn bị ra nghênh đón.
(1)
Biết phòng xa là tiêu chuẩn để phân biệt giữa khôn ngoan và khờ dại: ''Quả vậy, các cô dại
mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang
chai dầu theo.'' Đèn chỉ có lợi khi có dầu, hết dầu đèn trở thành vô ích, vì
không thể chiếu sáng được nữa. Người khôn ngoan là người biết phòng xa, biết
tiên liệu những gì sẽ xảy ra, và biết chuẩn bị thích đáng. Các cô khờ dại có thể
nghĩ chàng rể sẽ tới đúng giờ, nên số lượng dầu trong đèn sẽ đủ, và không muốn
bận tâm mang dầu theo cho đỡ nặng; hoặc các cô nghĩ có thể mua khi hết dầu,
nhưng các cô không biết hàng quán nào mà mở ban đêm; hoặc các cô nghĩ có thể mượn
đỡ của chị em, nhưng ai dám cho mượn vì họ không biết có đủ cho họ không.
(2)
Mệt nhọc và buồn ngủ là hai cái làm con người thiếu tỉnh thức và đề phòng: Đêm tối là thời gian con
người ít tỉnh thức và đề phòng; đó là lý do tại sao các tội ác thường xảy ra
ban đêm; vì thế, việc gì có thể làm ban ngày, đừng đợi tới ban đêm.
(3)
Có những thứ và những lúc không thể cho mượn: ''Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy,
và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho
chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!" Các cô khôn đáp:
"Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy
thì hơn." Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng
được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại.''
+
Đức tin không thể vay mượn: Mọi người phải luyện tập mỗi ngày để có một niềm tin vững mạnh
nơi Thiên Chúa, và để sẵn sàng xử dụng khi cần tới trong những lúc phải đương đầu
với đau khổ hay thử thách. Nếu một người đợi đến lúc đó mới đi tìm đức tin e đã
quá muộn màng.
+
Tình yêu không thể vay mượn: Mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa cần thời gian để phát
triển; một người không thể đợi đến lúc gần chết mới đi tìm tình yêu, nhưng phải
dành thời gian cho Ngài mỗi ngày. Thiên Đàng không có chỗ cho những ai không có
tình yêu với Thiên Chúa; và con người cũng không mượn đâu ra được tình yêu để
yêu Thiên Chúa.
+
Cuộc sống thánh thiện: không phải một lúc mà có; nhưng phải kiên trì tập luyện mỗi
ngày. Các tín hữu trở nên thánh thiện không chỉ bằng khử trừ các tính hư tật xấu;
nhưng còn phải kiên trì tập luyện để thủ đắc các nhân đức.
2.2/
Bị gạt ra ngoài vì không chuẩn bị: ''Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: "Thưa Ngài, thưa
Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!" Nhưng Người đáp: "Tôi bảo thật các
cô, tôi không biết các cô là ai cả!" Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em
không biết ngày nào, giờ nào.''
Bài
học cho mọi người được nêu rõ ở đây: hãy luôn biết chuẩn bị sẵn sàng, vì không
ai biết được ngày nào, giờ nào. Cả cuộc đời con người là một cuộc chuẩn bị để về
với Thiên Chúa; nếu không biết chuẩn bị, con người rất dễ bị gạt ra ngoài. Mục
đích của các trinh nữ là đón được chàng rể, thế mà bị gạt ra ngoài vì đèn hết dầu.
Tương tự, mục đích của cuộc đời là được về để hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa: nếu
không đạt được đích này, chúng ta đã hoang phí cả cuộc đời của mình.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải luôn biết chuẩn bị trong mọi nơi mọi lúc, mỗi ngày một ít. Đừng
bao giờ đợi nước tới chân mới nhảy, kẻo phải ân hận suốt đời.
-
Đừng hoang phí thời giờ vào những chuyện vô bổ: tán gẫu, xem TV tối ngày, la cà
các chỗ giải trí ... Hãy dành những thời gian này để học hỏi Lời Chúa, và thực
hành những gì Ngài dạy.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 21 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 25,1-13
A. Hạt giống...
Dụ ngôn một cô phù dâu tiếp tục dạy về sự tỉnh
thức :
- Kitô hữu tỉnh thức là để đón chờ Đức Kitô
(chàng rễ) đến.
- Phải tỉnh thức luôn luôn vì không ai biết chừng
nào Đức Kitô đến.
- Tỉnh thức là lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng
(như đèn đầy đủ dầu).
- Chi tiết các cô khôn ngoan không cho các cô khờ
dại mượn dầu có nghĩa là không ai có thể giúp ai được trước số phận đời đời.
B.... nẩy mầm.
1. 5 cô khôn ngoan cũng ngủ như 5 cô khờ dại, thế
mà được coi là có thái độ tỉnh thức, bởi vì tuy ngủ nhưng họ đã chuẩn bị sẵn
sàng những thứ cần thiết. Như thế, tỉnh thức không phải là lúc nào cũng lăng
xăng làm việc, tỉnh thức không phải là không được nghỉ ngơi. Tỉnh thức là chu
toàn trách nhiệm : khi trách nhiệm chưa xong thì phải lo cho xong, khi đã xong
rồi thì có quyền ngơi nghỉ.
2. Cách sống của 5 cô khờ dại là “mặc kệ, tới đâu
hay tới đó”, là cách sống của những người gần chết mới nghĩ tới việc linh hồn.
3. Dầu mà tôi phải luôn chuẩn bị đầy đủ cho cây
đèn linh hồn tôi là những gì ?
4. Trong bài Tin Mừng này có một chi tiết hơi lạ
là khi 5 cô khờ dại thấy đèn mình hết dầu, họ đã đến xin dầu nơi 5 cô khôn
ngoan. 5 cô khôn ngoan này mỗi cô có cả một bình dầu đầy ắp thế mà lại không
chia sẻ cho 5 cô kia. Có phải là quá ích kỷ không ? Thưa nếu là chuyện dầu đèn
bình thường thì đúng là ích kỷ. Nhưng đây là những hình ảnh tượng trưng cho
phần rỗi đời đời nên nó không có nghĩa là ích kỷ. Bời vì đối với phần rỗi đời
đời của mỗi người, nói cách khác, đối với chuyện công đức và tội lỗi thì không
ai có thể chia cho ai và cũng không ai có thể xin ai được. Anh bạn tôi chết,
tôi thương anh tôi lắm nhưng tôi không thể chia cho anh những công lao phúc đức
của tôi, tôi cũng không thể xin Chúa san xẻ cho tôi gánh chịu dùm một số tội
lỗi của anh.
Bởi vậy, mỗi người tự gánh tránh nhiệm về cuộc
đời mình, tu thân tích đức thì mình nhờ, chuốc lấy tội lỗi thì mình chịu.
5. Đời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào
cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi
người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi
đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn
sóc con mình ; một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo
để đón tiếp bạn.
Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài
đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cộc viếng
thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc
viếng thăm bất ngờ. ("Mỗi ngày một tin vui")
6. “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết
ngày nào, giờ nào” (Mt 25,13)
“Bạn sẽ làm gì nếu bạn biết rõ bạn chỉ còn sống
đúng một ngày nữa thôi ?” Đó là chính câu hỏi của một nhà giáo đã đặt cho 625
học sinh người Đức trong 12 trường và có kết quả :
20% được hỏi liền trả lời : “Chúng sẽ dùng thời
gian còn lại để uống say sưa, hút ma túy và vui chơi cho thoả thích”.
Cuối cùng có một nữ sinh 18 tuổi trả lời : “Tôi
sẽ dành thời gian còn lại để chuẩn bị cho giờ cuối cùng của tôi. Tôi sẽ dành
buổi tối cuối cùng để đến gặp Chúa và cảm tạ Chúa đã ban cho tôi một đời sống
hạnh phúc và đầy đủ”.
Chúa đến bất chợt, hôm nay, ngày mai hay một ngày
gần đây. Vậy chúng ta phải làm gì để chuẩn bị cho giờ đó ? Hay chúng ta chỉ mãi
sống trong nếp sống cũ ? Hãy canh thức để đón chờ ngày Chúa đến gọi ta.
Lạy Chúa Giêsu, bao giờ Chúa đến gọi con, hôm nay
hay ngày mai ? mùa thu hay mùa xuân ? Xin Chúa giúp con để con luôn tỉnh thức
chờ ngày đó. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp. Cần Thơ
30/08/13 THỨ SÁU TUẦN 21 TN
Mt 25,1-13
Mt 25,1-13
DẠI VÀ KHÔN THEO ĐỨC KI-TÔ
“Nước Trời sẽ giống như chuyện
mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rễ. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô
khôn. Quả vậy,các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì
vừa mang đèn vừa mang dầu theo.” (Mt 25, 1-4)
Suy niệm: Tìm kiếm sự khôn ngoan là mối bận tâm của tất
cả mọi người. Nhưng khám phá ra đâu là dại, đâu là khôn thì không phải là
chuyện dễ dàng. Nhà thơ Trần Tế Xương đã “triết lý” về cái lẽ “dại khôn” ấy
rằng:
“Thiên hạ đua nhau nói dại khôn.
Biết là ai dại biết ai khôn.”
Chúa Giêsu kể dụ ngôn mười
trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể để dạy chúng ta biết phân định sự khôn ngoan
không phải theo quan niệm của đời này mà là theo chuẩn mực của Tin Mừng. Sự
khôn ngoan ấy hệ tại tinh thần tỉnh thức, sẵn sàng cho những đòi hỏi của Nước
Trời. Hình ảnh chiếc đèn luôn đầy dầu nói lên sự chuyên chú, trung kiên sống
theo những giá trị của Tin Mừng mọi lúc trong cuộc sống cho đến lúc kết hợp
trọn vẹn với Chúa trên Nước Trời.
Mời Bạn: Đâu là khôn, đâu là dại theo Đức Kitô? Thánh
Phaolô xác quyết: Thập giá Đức Kitô là sự vấp phạm, sự điên rồ đối với thế
gian, nhưng đó là đường cứu rỗi, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,17-25).
Chân lý này không được mạc khải cho những kẻ hiền triết khôn ngoan, mà cho
những ai bé mọn, những người “khôn ngoan như rắn và đơn sơ
như bồ câu” (Mt
10,16).
Sống Lời Chúa: Suy niệm mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô để sống
theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy dạy con: … chính lúc quên mình là lúc gặp lại
bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…” (Kinh Hoà Bình)
SUY NIỆM : Ánh lửa huy hoàng
Thầy Rabbi dạy các học trò của mình phải luôn nhớ rằng mỗi
một điều xảy ra đều có thể dạy cho chúng ta đôi điều gì đó. Một học trò hỏi
lại:
- Thưa thầy, một chuyến xe lửa đi qua thì có thể dạy chúng ta
điều gì?
Thầy bảo:
- Nó dạy ta rằng chỉ trong một phút giây, chúng ta có thể sẽ
đánh mất tất cả.
Kinh nghiệm của thầy Rabbi có thể giúp chúng ta hiểu Lời Chúa
hôm nay hơn. Có thể nói chỉ vì một chút thiếu cảnh giác vì ngủ quên hay vì
không mang dầu mà các cô dại khờ đã không gặp được chàng rể. Hệ quả là các cô
đã bị loại trừ vĩnh viễn. Ngày nay, mỗi chúng ta là những trinh nữ đương thời,
đang trông chờ chàng rể là Chúa Giêsu đến lần thứ hai trong cuộc giáng lâm vinh
hiển của Người. Trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm vào giờ phút cuối cùng
của lịch sử, mỗi người đồ đệ được Chúa viếng thăm hàng ngày trong Lời Chúa,
trong các bí tích và trong những biến cố, sự kiện, xảy ra trong cuộc sống
thường nhật. Thử hỏi, chúng ta có đủ tỉnh thức, sẵn sàng để nhận ra những lần
Chúa viếng thăm này không?
Kinh nghiệm của thầy Rabbi là mỗi một điều xảy ra đều có thể
dạy chúng ta đôi điều gì đó và chúng ta có thể sẽ đánh mất tất cả. Chỉ trong
một phút giây cũng dạy cho chúng ta bài học khôn ngoan để luôn tỉnh thức và sẵn
sàng như các trinh nữ khôn ngoan trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe.
Mỗi giây phút trong cuộc đời ta đều có tính quyết định cho cả
cuộc đời.
Hãy sẵn sàng có nghĩa là mỗi giây phút sống và là giây phút
chúng ta sống tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất, bình an nhất, trọn vẹn nhất, tưởng
chừng như đó là phút giây cuối cùng của ta trên cuộc đời lữ hành trần thế, là
giây phút chàng rể đến, giây phút chúng ta chờ đợi đã đến, giây phút chúng ta
được gặp Ðấng là nguồn ánh sáng. Chúng ta sẽ hưởng hạnh phúc viên mãn khi chúng
ta đem ánh lửa của mình hòa nhập vào nguồn ánh sáng để nó được bừng lên trong
ánh sáng huy hoàng.
Vì thế, chúng ta hãy tích cực cộng tác với ơn Chúa, hãy giữ
lấy ngọn lửa đã được thắp lên trong lòng chúng ta trong ngày chúng ta lãnh bí
tích thánh tẩy, để cho lòng chúng ta lúc nào cũng bừng cháy lên ngọn lửa hy
vọng được gặp Chúa Kitô, chàng rể. Khi chúng ta chắc rằng chúng ta luôn đầy
tràn dầu của tình yêu và nhiệt thành, chính ngọn lửa ấy sẽ soi rọi mọi nẻo
đường chúng ta đi. Dầu của tình yêu và nhiệt thành sẽ làm cho ngọn lửa hy vọng
được tỏ rạng giúp chúng ta nhận ra ý định của Thiên Chúa nơi thế giới quanh ta
và ngay cả những gì thuộc về mình. Trong một tầm nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ đọc
được những dấu chỉ của thời đại, chúng ta có thể thức tỉnh khi lòng chúng ta
luôn sẵn sàng để lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta qua những dấu chỉ đó và
chúng ta sẵn sàng đáp trả ở mức độ trọn vẹn nhất.
Ước gì chúng ta đừng để cho mỗi một giây phút nào qua đi mà
không giúp chúng ta nghe rõ tiếng của chàng rể, là Ðấng mà ta hằng mong đợi và
là niềm hạnh phúc viên tròn của cuộc đời ta. Chúng ta hãy gặp Người trong từng
phút giây của cuộc đời ta, rồi giây phút trọng đại diện đối diện ấy cũng sẽ
đến, đó là lúc chúng ta đã sẵn sàng được theo chàng rể vào dự tiệc cưới.
Lạy Chúa,
Xin cho chúng con luôn nhận ra tiếng Chúa trong cuộc sống.
Xin ban cho chúng con ân sủng, sức mạnh và lòng nhiệt thành để mỗi giây phút
sống là mỗi giây phút chúng con kết hiệp thân tình với Chúa và sống trọn vẹn
cho anh chị em.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY
NIỆM
Đoạn Tin mừng hôm nay thường được người ta chọn để suy
niệm trong các thánh lễ an táng, nhằm nhắc nhau thái độ tỉnh thức. Ai cũng mong
số phận mình là “năm cô khôn ngoan”. Chẳng ai muốn mình trở nên “năm cô khờ
dại”.
Đức Giêsu dùng hình ảnh mười cô phù dâu đi đón chàng rể,
trong bối cảnh tiệc cưới của người Do Thái. Với ngọn đèn trên tay, trong y phục
đẹp, các cô có nhiệm vụ đón chàng rể đến, sau đó tất cả vào dự tiệc. Nhưng tiếc
thay, chàng rể và nhà trai đến chậm, nên cả mười cô đều thiếp ngủ. Nhưng đến
khi có tin báo chàng rể đến, lúc sửa soạn đèn, thì hoàn cảnh của các cô lại
khác nhau: năm cô hân hoan đi đón chàng rể với đèn sáng trên tay; còn năm cô
thì không, với lý do đèn của các cô đã tàn và các cô đã không dự trữ dầu.
Chuyện của mười cô phù dâu nhắc tôi rằng: trong cuộc
sống, có những cô dại và những cô khôn, có những cô luôn sẵn sàng và những cô
không sẵn sàng.
Chuyện của mười cô phù dâu nhắc tôi sự cần thiết của sự
tỉnh thức, bằng việc luôn chuẩn bị cho dầu đèn đời mình.
Mong sao, qua thánh lễ và các bí tích, qua những việc
lành và nghĩa cử yêu thương, tôi chuyên cần châm dầu cho ngọn đèn đời mình.
Mong sao, trong giờ Chúa đến, Chúa thấy tôi ra đón
Người với ngọn đèn sáng trên tay.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám
30
THÁNG TÁM
Hướng
Tới Một Giáo Lý Sáng Tỏ
Công
việc chuẩn bị cho Sách Giáo Lý Công Giáo toàn cầu phản ảnh ước muốn của các nghị
phụ về việc giải quyết dứt khoát một số giáo huấn và diễn dịch đức tin không am
hợp với huấn quyền của Giáo Hội. Các nghị phụ nhận ra nhu cầu thiết yếu phải có
sự sáng tỏ và chắc chắn về giáo lý để bác bỏ các sai lầm như thế.
Nhằm
mục tiêu đó, Thượng Hội Đồng đã đề nghị phải có một bản tổng lược tất cả các
giáo thuyết Công Giáo cơ yếu liên quan đến đức tin và các vấn đề luân lý. Mục
đích của chúng ta là sao cho bản giáo lý này có thể phục vụ như một điểm qui
chiếu cho mọi sách giáo lý được biên soạn bởi các địa phương khác nhau trên thế
giới. Đây không phải là lần đầu tiên các mục tử của Giáo Hội đòi hỏi phải có sự
sáng tỏ hơn trong việc hướng dẫn đức tin. Điều này đã được đề cập một cách đặc
biệt trong Thượng Hội Đồng giám mục 1977. Trong Tông Huấn Catechesi tradendae,
tôi cũng đã mời gọi các Thượng Hội Đồng giám mục “kiên trì và quyết liệt đảm nhận
công việc rất quan trọng là hình thành được sách giáo lý có chất lượng và am hợp
với nội dung cốt yếu của mạc khải.”
Chúng
ta mong muốn thế hệ mới của chúng ta có một đức tin vững chãi đặt nền trên chân
lý Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu nguyện cho sách giáo lý quan trọng này sẽ hướng dẫn
tất cả chúng ta trên khắp thế giới đến một sự hiểu biết sáng tỏ về chân lý. Lạy
Chúa Thánh Thần, xin hãy đến và soi trí mở lòng cho chúng con.
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức
dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30-8
1Tx 4, 1-8; Mt 25, 1-13
LỜI SUY NIỆM: Trong
dụ ngôn, mười cô trinh nữ cầm đèn ra đón chàng rể. Đèn phải có dầu, để thắp
sáng, khi thắp sáng thì dầu sẽ vơi cạn, cần phải có dầu đem theo để châm vào
cho đèn luôn được sáng. Đèn mà hết dầu thì trở thành bóng tối. Trong đời sống của
chúng ta trong việc học hỏi lời Chúa cũng vậy. Bởi Lời Ngài là lời Hằng Sống,
luôn mới để giúp chúng ta càng ngày càng yêu mến Ngài hơn, và sống xứng đáng với
ân sủng của Ngài. Nhờ đó chúng ta có đủ dầu để ra đón Ngài. Nếu chúng ta lơ là,
không biết chuẩn bị cho mình. Khi Ngài đến đèn có trên tay nhưng không có dầu,
chúng ta sẽ không vay mượn của ai được nữa, bởi mọi người đều đủ cho mình. Thật
là bất hạnh. Ước gì mỗi người trong chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình ngay từ
bây giờ những gì cần thiết cho phần rỗi của mình.
Mạnh Phương
30 Tháng Tám
Ban Phát Không Ngừng
Trong
một câu chuyện ngắn, văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại mẩu đối thoại của 3 người
khách bộ hành như sau:
Mệt
mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối trong
vắt. Trong những giây phút thoải mái bên cạnh dòng suối, mỗi người mới phát biểu
về lợi ích của nó.
Người
thứ nhất lên tiếng: "Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên
vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, nhưng
còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau".
Người
bộ hành thứ hai góp ý: "Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi: Hỡi
loài ngơừi, hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt
đẹp hơn".
Người
bộ hành thứ ba, sau một phút trầm ngâm, mới thốt lên: "Những gì các bạn vừa
phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa mà tôi muốn
chia sẻ cho các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó
ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự
đáp trả nào... Mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế".
Sự sống đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta chính là Thần Khí của
Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức sống của Ngài, Tình Yêu của Ngài,
mà không đòi hỏi một điều kiện nào nơi chúng ta.
Thiên Chúa chỉ muốn thông ban, Thiên Chúa chỉ muốn san sẻ và
Ngài chờ đợi chúng ta cũng sống như thế. Nguồn suối đang châu lưu trong tâm hồn
chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống một cách tươi mát, luôn mời gọi chúng ta
cũng hãy ban phát không ngừng.
Thánh Thần là ân ban của Thiên Chúa... Người Kitô nhận lãnh
Thánh Thần cũng hãy trở thành ân ban của Thiên Chúa cho người khác. Càng trao
ban, càng phân phát, người Kitô càng tìm gặp lại chính mình.
(Lẽ
Sống)
Thứ Sáu 30-8
Thánh Jeanne Jugan
(1792-1879)
guồn gốc khiêm hạ không
nhất thiết khiến chúng ta không được thi hành những điều vĩ đại cho Thiên Chúa.
Thánh Jeanne Jugan chứng minh điều đó.
Sinh trong một gia đình
nghèo ở Brittany, Pháp, ngay từ nhỏ thánh nữ đã hiểu thế nào là công việc nặng
nhọc. Thánh nữ cũng học được sự mỹ miều của đức tin mà bà mẹ goá trao truyền
lại. Khi lên 16, Jeanne trở nên người làm bếp cho một gia đình mà họ không chỉ
chăm sóc con cái nhưng còn phục vụ người nghèo, người già yếu trong vùng. Mười
năm sau, Jeanne trở nên một y tá trong bệnh viện ở Le Rosais. Không lâu, cô gia
nhập một dòng ba do Thánh John Eudes sáng lập.
Sau sáu năm, cô trở nên
một người đầy tớ và thân hữu của một phụ nữ mà cô gặp qua dòng ba này. Họ cầu
nguyện, đi thăm người nghèo và dậy giáo lý trẻ em. Sau khi người bạn từ trần,
cô Jeanne và hai phụ nữ khác tiếp tục đời sống tương tự trong thành phố Saint
Sevran. Vào năm 1839, họ nhận người khách thường trực đầu tiên. Họ bắt đầu một
tổ chức, nhận thêm đoàn viên và nhiều người khách nữa. Vào cuối năm 1849, Mẹ Maria
của Thánh Giá, là chị Jeanne, sáng lập thêm sáu trung tâm nữa cho người nghèo,
tất cả được điều hành bởi các phần tử của tổ chức Các Chị Em của Người Nghèo.
Vào năm 1853 tổ chức này có đến 500 hội viên và có nhiều trụ sở ở tận Anh Quốc.
Tu Viện Trưởng Le
Pailleur, một tuyên uý, đã ngăn chặn việc tái đắc cử làm bề trên của chị Jeanne
vào năm 1843; chín năm sau, linh mục này giao phó cho chị các nhiệm vụ trong tu
hội, nhưng không để chị được nhận biết là sáng lập viên. Toà Thánh đã cách chức
linh mục này vào năm 1890.
Vào lúc Đức Giáo Hoàng
Lêô XIII tán thành hiến pháp của tu hội vào năm 1879, có đến 2,400 Chị Em của
Người Nghèo. Chị Jeanne từ trần cùng năm đó, ngày 30 tháng Tám. Sự nghiệp của
chị được đưa lên Rôma vào năm 1970, và chị được phong chân phước năm 1982 và
phong thánh năm 2009.
Lời Bàn:
Thánh Jeanne Jugan nhìn
thấy Đức Kitô trong điều mà Chân Phước Mẹ Têrêsa Calcutta diễn tả là “sự đau
khổ ẩn giấu”. Với sự tin tưởng mãnh liệt vào sự quan phòng của Chúa và sự cầu
bầu của Thánh Giuse, chị sẵn sàng đi xin ăn cho các trung tâm mà chị đã mở, dựa
trên gương mẫu tốt lành của các Chị và sự độ lượng của các ân nhân, họ biết rõ
công việc của các chị. Giờ đây các chị làm việc trong 30 quốc gia. Chị Jeanne
đã từng nói, “Với con mắt đức tin, chúng ta phải thấy Chúa Giêsu trong người
già—vì họ là phát ngôn viên của Chúa.” Bất kể vấn đề khó khăn đến đâu, chị luôn
luôn có thể ca ngợi Thiên Chúa và tiến bước.
Lời Trích:
Trong bài giảng lễ phong
chân phước, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ca ngợi “sự thầm lặng nhưng chiếu
toả mạnh mẽ của cuộc đời thánh nữ. Trong thời đại chúng ta, sự kiêu ngạo, sự
theo đuổi kết quả, sự cám dỗ dùng quyền lực, tất cả dày đặc trong thế giới, và
đôi khi, thật không may, ngay cả trong Giáo Hội. Chúng trở nên những cản trở
cho Vương Quốc Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao linh đạo của Jeanne Jugan lại
có thể thu hút những người theo Đức Kitô và lấp đầy tâm hồn họ với sự thanh
bạch và khiêm tốn, với hy vọng và niềm vui phúc âm, có nguồn gốc ở nơi Thiên
Chúa và trong sự quên mình.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét