Trang

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

19-08-2013 : THỨ HAI TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Hai 19/08/2013
Tuần XX Thường Niên Năm I


BÀI ĐỌC I: Tl 2, 11-19
"Chúa khiến các quan án đứng ra, nhưng chúng không muốn nghe các ông".

Trích sách Thủ Lãnh.

Trong những ngày ấy, con cái Israel làm điều gian ác trước mặt Chúa và phụng thờ các thần Baal. Chúng lìa bỏ Chúa là Thiên Chúa các tổ phụ chúng, Đấng đã dẫn chúng ra khỏi đất Ai-cập, mà theo các thần ngoại, những thần các dân tộc cư ngụ chung quanh chúng, và thờ lạy các thần ấy, khiêu khích cơn nghĩa nộ Chúa, chối bỏ Người, và phụng thờ thần Baal và Astaroth. Chúa thịnh nộ Israel, trao chúng vào tay bọn cướp. Bọn này bắt chúng mà bán cho quân thù ở chung quanh chúng, chúng không sao chống lại được địch thù của chúng. Dù chúng muốn đi nơi nào, tay Chúa vẫn đè trên chúng, như Người đã phán và đã thề với chúng, như thế chúng phải chịu khổ cực nặng nề.

Chúa khiến các vị thủ lãnh đứng ra giải thoát chúng khỏi tay những người bóc lột, nhưng chúng cũng chẳng muốn nghe theo các vị thủ lãnh. Chúng hướng lòng về các thần ngoại và thờ lạy các thần ấy. Chúng đã vội bỏ đường lối các tổ tiên chúng đã đi, dù chúng có nghe biết các điều răn của Chúa, nhưng chúng vẫn làm mọi điều trái nghịch. Khi Chúa khiến các vị thủ lãnh đứng ra, Người tỏ lòng thương xót chúng, nghe lời những kẻ khốn cực kêu van, và giải thoát chúng khỏi tay những người bóc lột sát hại. Nhưng sau khi vị thủ lãnh chết, chúng lại đổi lòng, làm những điều xấu xa hơn cha ông chúng đã làm, theo các thần ngoại, phụng sự và thờ lạy các thần ấy. Chúng không từ bỏ những điều chúng bày đặt ra và đường lối quá ương ngạnh chúng quen đi. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 105, 34-35. 36-37. 39-40. 43ab và 44

Đáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Chúa (c. 4a).

Xướng: 1) Họ không chịu tiêu diệt những dân mà Chúa đã có lệnh truyền cho họ. Họ đã hoà mình với người chư dân, và học theo công việc chúng làm. - Đáp.
2) Họ sùng bái tà thần của chúng, những tà thần đã hoá thành lưới dò hại họ. Họ đã giết những người con trai và con gái, để làm lễ cúng tế quỷ thần. - Đáp.
3) Bởi những việc đó, họ tự làm ô uế bản thân, và do hành động tội lỗi, họ đã ngoại tình. Chúa đã bừng cơn thịnh nộ với dân tộc, và tởm ghét phần gia nghiệp của Người. - Đáp.
4) Nhiều lần Chúa đã thương giải phóng nhưng họ manh tâm chống lại Người. Nhưng Người đã nhìn đến cảnh gian truân của họ, khi Người nghe lời họ kêu xin. - Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 19, 16-22
"Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, có một người đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?" Người bảo kẻ ấy rằng: "Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Đấng nhân lành là Thiên Chúa. Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, ngươi hãy tuân giữ các giới răn". Người ấy hỏi rằng: "Những giới răn nào?" Chúa Giêsu đáp: "Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ, và yêu thương kẻ khác như chính mình". Người thanh niên thưa lại rằng: "Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ khi còn niên thiếu, vậy tôi còn thiếu sót gì nữa chăng? Chúa Giêsu bảo anh: "Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta". Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp. Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Ðường Ðến Sự Sống Ðời Ðời

Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có. Người thanh niên đến gặp và xin Chúa Giêsu chỉ con đường dẫn đến sự sống đời đời, đó là một ý nghĩ khôn ngoan. Tuy nhiên, thái độ của anh đáp ứng Lời Chúa Giêsu chứng tỏ anh mới chỉ có ý nghĩ một chút về sự khôn ngoan. Anh thoáng thấy của cải không phải là hạnh phúc đích thực, vì thế, anh đến với Chúa để tìm sự khôn ngoan. Khốn nỗi, con đường khôn ngoan mới vạch ra đã bị của cải cản lối khiến anh không nhận ra được rằng sự sống đời đời mới là của cải quí giá nhất mà anh phải tìm kiếm.
Người thanh niên tìm đến với Chúa Giêsu, vì nhận thấy Ngài là một tôn sư có gì khôn ngoan hơn những bậc thầy trong dân Israel mà anh thường gặp. Anh chưa nhận ra Chúa Giêsu chẳng những là tôn sư dạy sự khôn ngoan, mà còn là chính sự khôn ngoan; Ngài không chỉ đưa ra một lời dạy khôn, mà còn là lời ban sự sống đời đời; ai đón nhận và thực hiện lời Ngài sẽ được sống đời đời. Chính vì thế, anh đã sầm nét mặt, buồn sầu bỏ đi khi Chúa Giêsu bảo anh: Hãy về bán hết của cải, rồi đến theo Ngài. Anh yêu của cải hơn sự sống và hạnh phúc đời đời. Anh tưởng Lời Chúa chỉ là một trong những lời chỉ giáo muôn mặt của các bậc thầy trong Israel, có theo hay không cũng chẳng sao, cứ nắm giữ lề luật cha ông truyền lại đã đủ chiếm được Nước Trời. Do đó, anh làm sao hiểu được lời này: "Anh chỉ còn thiếu một điều".
Anh đã thực hiện những gì ghi trong lề luật, nhưng anh còn thiếu một điều, mà thiếu điều đó, những gì anh đã nắm giữ mới chỉ là thứ công chính của Biệt phái không thể vào Nước Trời được. Ðiều anh còn thiếu chính là tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là liên kết với Ngài và thực hiện Lời Ngài. Vì Lời Ngài là lời thần linh làm cho việc tuân giữ giới răn trở thành sức sống trong tâm hồn con người.
Thật ra, tự nó, của cải không cản trở người ta vào Nước Trời, nhưng thái độ ham mê của cải cản trở người ta yêu mến Thiên Chúa và Chúa Kitô. Cần phải có tinh thần sẵn sàng từ bỏ mọi của cải, mọi đam mê, để được tự do nghe tiếng Chúa dạy dỗ trong tâm hồn. Thái độ từ bỏ của cải và đam mê, không nhất thiết bắt người ta trở thành nghèo mạt, bởi vì từ bỏ mọi sự vì Chúa và vì Tin Mừng, chẳng những không làm người ta bị thiệt thòi, mà còn mở rộng tương giao xã hội của họ, vì họ sẽ được đại gia đình nhân loại, và rồi với những thử thách đã vượt qua, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời.
Nguyện xin Chúa kiện toàn nơi chúng ta những gì Ngài đã khởi sự, và cho chúng ta đạt tới lý tưởng là sống theo Chúa, Ðấng là đường, là sự thật và là sự sống đời đời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 20 TN1, Năm lẻ

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa vẫn trung thành dù con người bội phản.

            Đọc lịch sử Do-thái, chúng ta phải ngạc nhiên trước tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa dành cho họ; dẫu họ đã bất trung phản bội Ngài không biết bao nhiêu lần. Nhìn vào mối liên hệ của mỗi người với Thiên Chúa, chúng ta cũng không khỏi ngạc nhiên vì Thiên Chúa luôn trung thành, dù biết bao nhiêu lần chúng ta phạm tội phản bội Ngài trong cuộc đời.
            Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng tình yêu trung thành của Thiên Chúa dù cho con người bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần của thế gian. Bài Đọc I tường thuật con cái Israel đã lìa bỏ Đức Chúa để làm tôi thần Baal và các nữ thần Ashtaroth; hậu quả là họ bị bại trận mỗi khi ra quân và phải làm nô lệ cho các dân tộc chung quanh họ. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn gởi những nhà lãnh đạo đến để giải phóng họ khỏi tay quân thù. Trong Phúc Âm, khi một chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu về con đường để trở nên trọn lành, Chúa trả lời hãy về bán các tài sản chàng có và giúp người nghèo khó, rồi trở lại theo Chúa. Chàng thanh niên buồn bã bỏ đi vì chàng có nhiều của cải.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Sự phản bội của con cái Israel và tình thương của Thiên Chúa.

1.1/ Sự bất trung của con cái Israel: Đọc Sách Thủ Lãnh, một người có thể nhận ra "bổn cũ tái diễn" của con cái Israel như trình thuật hôm nay:
            (1) Con cái Israel đã lìa bỏ Đức Chúa để chạy theo các thần ngoại bang: "Họ đã lìa bỏ Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên, Đấng đã đưa họ ra khỏi đất Ai-cập, và họ đã đi theo các thần ngoại lai trong số các thần của các dân chung quanh. Họ sụp lạy các thần ấy và chọc giận Đức Chúa.
Họ đã lìa bỏ Đức Chúa để làm tôi thần Baal và các nữ thần Ashtaroth."
            (2) Hậu quả con cái Israel phải lãnh nhận: "Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với Israel và đã trao họ vào tay quân cướp cho chúng tha hồ bóc lột; Người đã trao họ vào tay kẻ thù chung quanh, nên họ không thể đương đầu nổi với kẻ thù. Cứ mỗi lần họ xuất trận là tay Đức Chúa giáng hoạ trên họ, như Đức Chúa đã phán và thề với họ. Họ lâm cảnh khốn cùng."
            (3) Tình thương Thiên Chúa: "Bấy giờ Đức Chúa cho xuất hiện các thủ lãnh để giải thoát họ khỏi tay những kẻ cướp phá họ... Khi Đức Chúa cho xuất hiện các thủ lãnh để giúp họ, thì Đức Chúa ở với vị thủ lãnh và Người cứu họ khỏi tay quân thù bao lâu vị thủ lãnh còn sống, vì Đức Chúa động lòng trắc ẩn trước những tiếng than khóc của họ, khi họ bị đàn áp và ức hiếp."
            (4) Tiếp tục phản bội: "Nhưng rồi các thủ lãnh của họ, họ cũng chẳng nghe mà cứ đàng điếm với các thần ngoại lai và sụp lạy các thần đó. Họ vội từ bỏ con đường cha ông họ đã đi, là tuân giữ mệnh lệnh của Đức Chúa; họ đã không noi gương các ngài."
           
1.2/ Tại sao con cái Israel tiếp tục phản bội Thiên Chúa? Nhìn lại lịch sử của Israel rồi nhìn lại con người mình, chúng ta có thể thấy sự phản bội của mỗi người chúng ta cũng chẳng thua kém gì con cái Israel, vì mỗi khi chúng ta phạm một tội trọng là mỗi lần chúng ta phản bội Thiên Chúa. Tại sao chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa? Có phải vì chúng ta không tin Thiên Chúa? Không! Chúng ta tin Thiên Chúa; nhưng vì yếu đuối con người, nên chúng ta rơi vào chước cám dỗ của ma quỉ, thế gian, và xác thịt. Có phải vì chúng ta không yêu Thiên Chúa? Không! Mỗi khi chúng ta chạy đến tòa cáo giải là chúng ta ăn năn hối hận, vì đã phản bội tình yêu Ngài dành cho chúng ta.
            Sự thật là tự con người chúng ta không đủ sức để thắng vượt được những chước cám dỗ của ba thù, chúng ta cần có sức mạnh của ơn thánh đến từ Chúa, mới có thể thắng vượt được. Bài học của con cái Israel giúp chúng ta tin tưởng nơi tình yêu trung thành của Thiên Chúa, để đừng bao giờ thất vọng mỗi khi bị sa ngã; ngược lại, hãy biết can đảm đứng lên thú tội với Thiên Chúa và làm lại cuộc đời.
           
2/ Phúc Âm: Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi.
           
2.1/ Điều kiện để được hưởng sự sống đời đời.
            (1) Đấng Tốt Lành và điều tốt: Chàng thanh niên đến thưa Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?" Đức Giêsu đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi."
            Câu hỏi của chàng thanh niên nhấn mạnh vào điều tốt phải làm để kiếm điểm cần thiết vào Nước Trời. Câu trả lời của Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng tốt của Cha Ngài. Được hưởng sự sống đời đời, trước tiên, không phải là do công lao của con người lập được; nhưng là do bởi sự tốt lành của Thiên Chúa.
            (2) Phải tuân giữ các giới răn: Thứ đến, Chúa nói với anh ta: "Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn;" rồi Chúa liệt kê ra 5 giới răn sau cùng của Thập Giới liên quan đến con người, và nhấn mạnh đến nguyên lý "ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình." Điều làm nhiều người ngạc nhiên trong câu trả lời của Chúa là Ngài không đá động gì đến 3 giới răn đầu tiên liên quan đến Thiên Chúa cả. Có thể giải thích điều này như sau: Tất cả Thập Giới có thể thu gọn vào trong hai giới răn: "mến Chúa, yêu người." Hai giới răn này không thể tách rời nhau: nếu một người mến Chúa, người đó phải yêu người. Ai nói mình mến Chúa mà không yêu thương anh em là kẻ nói dối, và sự thật không có nơi người ấy (I Jn 4:20). Chúa chỉ cần thử xem anh có yêu người là biết anh có mến Chúa hay không.

2.2/ Mãnh lực của thần tiền: Người thanh niên ấy nói: "Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa không?" Đức Giêsu mời gọi chàng thanh niên: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Phân tích câu trả lời của Chúa Giêsu và phản ứng của chàng thanh niên này, chúng ta thấy có những điều sau đây:
            (1) Anh đã đặt của cải lên trên Thiên Chúa: Điều này vi phạm trầm trọng giới răn thứ nhất: vì yêu của cải hơn yêu Chúa, nên anh đã buồn rầu bỏ đi. Chúa cảnh cáo chúng ta: "Anh em không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn của cải."
            (2) Anh không "yêu đồng loại như yêu chính mình" như Chúa Giêsu đòi hỏi; vì anh không dám hy sinh của cải anh có để bố thí cho người nghèo.
            (3) Anh không hiểu hay không tin Chúa Giêsu khi Ngài bảo anh: nếu anh bán tài sản và cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Anh không hiểu "kho tàng trên trời" có nghĩa gì hay anh không tin Chúa có thể làm được việc đó.
          
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
            - Kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự phải là nguyên lý hướng dẫn cuộc đời mỗi người chúng ta. Đừng bao giờ đặt bất cứ con người nào hay sự vật gì trên Thiên Chúa.
            - Mỗi khi yếu đuối phạm tội bất trung với Thiên Chúa, chúng ta đừng nản lòng; nhưng luôn biết trông cậy vào tình yêu trung thành của Thiên Chúa.
            - Một điều sẽ giúp chúng ta là cần học hỏi để biết tình thương, uy quyền, và những ơn lành Chúa đã làm cho chúng ta trong cuộc đời; để chúng ta biết đáp đền cho xứng đáng.

Lm.An-tôn ĐINH MINH TIÊN, OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 20 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 19,16-22

A. Hạt giống...
Chuyện một ơn gọi thất bại :
- Đối tượng là một thanh niên giàu thiện chí. Vì thiện chí, anh tự tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi cách cho được sự sống đời đời. Qua đối thoại với Chúa Giêsu, anh còn cho biết anh đã tuân giữ tất cả giới răn từ thuở nhỏ.
- Thấy thiện chí của anh, Chúa Giêsu mời anh tiến một bước xa hơn nữa : bán tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi trở lại theo làm môn đệ Ngài.
- Điều này đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Anh không thể đáp ứng được, nên anh buồn rầu bỏ đi.

B.... nẩy mầm.
1. Mặc dù thanh niên này là một người tốt, nhưng xét cho cùng, anh còn ích kỷ, anh chỉ nghĩ tới thu vào, anh đã có nhiều thứ và còn muốn được thêm chứ không dám mất đi. Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời (nghĩa là anh muốn được cả đời này lẫn đời sau). Khi Chúa Giêsu đề nghị anh bỏ tài sản thì anh từ chối.
Đối với Chúa, nhiều khi phải dám mất thì mới được : mất vật chất để được tinh thần, mất về đời này để được đời sau.
2. “Tôi phải làm việc lành gì để được sự sống đời đời ?” : Người thanh niên này nghĩ sự sống đời đời là tiền công cho những việc lành. Chúa Giêsu sửa lại cách nghĩ đó : “Sao anh hỏi tôi về việc lành ? Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng tốt lành”. Theo Chúa Giêsu, điều ta phải nhắm là Thiên Chúa tốt lành chứ không phải những việc lành. Làm việc lành mà nghĩ đến mình, mong cho mình được thưởng thì là lệch hướng. Nhắm đúng hướng là làm mọi việc chỉ vì lòng yêu mến Chúa. Kitô giáo không phải là đạo nhằm đến những công việc, mà nhắm đến một Người là Thiên Chúa.
3. Người thanh niên này đã khá tốt lành, nhưng nếu anh muốn trọn lành thì hãy từ bỏ của cải. Từ đó ta có thể suy ra 2 ý tưởng :
- Sự dính bén với của cải là một cản trở cho việc trở nên tốt lành hơn.
- Sự từ bỏ của cải giúp người ta trọn lành.
4. Có một vị khổ tu Hồi giáo nọ sống rất gương mẫu. Suốt đời ông chỉ có một thao thức là ra sức chống lại tình dục. Khi ông chết, nhiều người thương tiếc, trong số đó có một đệ tử của ông vì thương tiếc quá nên ngã bệnh và cũng qua đời. Khi tới thế giới bên kia, anh chứng kiến một cảnh tượng làm anh rất hài lòng, đó là có những đàn bà đẹp ở với thầy. Anh chợt nghĩ rằng thầy mình xứng đáng được thưởng như vậy, và anh đến chúc mừng thầy. Thế nhưng vị khổ tu quay lại nhìn anh và nói “Ngươi là một thằng điên. Ta không được thưởng công gì cả. Đây không phải là thiên đàng. Những người đàn bà này cũng đang bị trầm luân như ta mà thôi.
Câu chuyện tưởng tượng trên đây muốn nói với chúng ta rằng sự thánh thiện đích thực không hệ tại lối sống khắc khổ hay tuân giữ một cách nhiệm nhặt những qui định của đạo như ăn chay, hãm mình, đọc kinh, bố thí. Đạo của chúng ta không chỉ là hệ thống luân lý gồm những điều phải làm và những điều phải tránh. Sống đạo không phải là một cuộc thao luyện của ý chí. Đạo của chúng ta là một con người, đó là Chúa Giêsu Kitô. ("Mỗi ngày một tin vui")
5. Đoạn Tin Mừng này đặc biệt muốn nói với những người hiến thân cho lý tưởng tu trì : sự ham mê và quyến luyến của cải rất không hợp với lý tưởng họ đang theo.
6. Chúa Giêsu trả lời người thanh niên giàu có : “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy theo tôi”. (Mt 19,21)
Hồi còn học cấp III, tôi khao khát nên hoàn thiện, và cố gắng thực hiện biết bao “nguyên tắc” do ba má, thầy cô, bạn bè, sách vở... chỉ dẫn. Sau mấy năm nhọc công, tôi được nhiều người khen ngợi, quý mến và kết thân. Với chính mình, tôi cũng cảm thấy hài lòng hơn. Nhưng tự thâm tâm, tôi đã bắt đầu mệt mỏi trước những đòi hỏi của sự hoàn thiện, nhất là những yêu sách của Phúc Âm : toàn là những cái làm và phải làm. Giữa lúc chán ngán đến mệt nhoài, tôi có dịp đọc lại bài Phúc Âm người thanh niên giàu có. giữa anh thanh niên và tôi, hình như có cái gì rất chung...
Vâng, tôi cũng cần bán tất cả, cần quên đi tất cả những cái tôi làm và phải làm. Điều chính yếu, tôi chỉ cần bước theo Giêsu, Đấng hoàn thiện và để Người chiếm trọn đời tôi. Như thế, con đường nên hoàn thiện ngắn nhất là bám chặt vào Đấng hoàn thiện và để Người chiếm trọn cuộc đời.
Lạy Chúa, chỉ mong Ngài lấy đi. Mong chẳng còn gì gọi là con, nhờ thế, con được gọi Ngài là tất cả của con... (Rabindranath Tagore). (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

19/08/13 THỨ HAI TUẦN 20 TN
Th. Gioan Ơđơ, linh mục
Mt 19,16-22

HOÀN THIỆN LÀ THEO ĐỨC KI-TÔ
“Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mt 19,21)
Suy niệm: Chàng trai giàu có này thật dễ mến. Thay vì nghĩ đến gầy dựng cơ nghiệp, xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình như bao thanh niên khác, anh lại quan tâm đến sự sống đời đời. Anh còn có đời sống thật gương mẫu: “không trộm cắp, không làm chứng gian, thờ cha kính mẹ...” Thật không chê vào đâu được! Tuy nhiên, nghe lời Chúa Giêsu, anh buồn rầu bỏ đi. Thế mới hay, lý tưởng hoàn thiện Kitô giáo không dừng lại ở cấp độ “ăn ngay ở lành,” tuân giữ các giới răn, mà là “đi theo Đức Giêsu,” Đấng đòi hỏi ta đặt Ngài lên trên bản thân và của cải mình.  Điều này trái với mong đợi của anh.
Mời Bạn: Bạn ngưỡng mộ chàng trai giàu có chăm lo giữ luật, nhưng tiếc nuối cho thái độ từ khước của anh. Tựa như chàng trai ấy, lắm lúc lòng bạn đầy thiện chí, nhưng không đủ can đảm dứt khoát với chính bản thân. Mỗi khi coi trọng của cải mình hơn con người, đặt nặng bản thân mà quên lợi ích của người khác, bạn cũng sẽ buồn rầu quay lưng trước lời mời gọi của Đức Giêsu.
Chia sẻ: Trước lập luận “đạo nào cũng tốt,” vậy đâu nhất thiết phải theo “Đạo Kitô,” bạn sẽ trả lời thế nào?
Sống Lời Chúa: Lặp lại cách xác tín: “Lạy Chúa, con theo Chúa, vì chỉ Chúa mới ban cho con sự sống đời đời.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa là Đấng có lời đem lại sự sống đời đời. Tuy nhiên, nhiều lần trong cuộc đời, chúng con cũng “buồn rầu bỏ đi” lánh mặt Chúa. Xin cho con vững tin đi theo Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn cuộc đời. Amen.

SUY NIỆM : Chàng Thanh Niên Nhiều Của (Mt 19,16-22)


Bài Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta xét đến thái độ sống của mình. Chúng ta hiện đang tôn thờ Thiên Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự, hay chúng ta đang tôn thờ một thần tượng trần tục nào đó, như danh vọng, quyền hành, tiền bạc?
Tâm hồn tốt lành, tuân giữ luật Chúa và khát vọng cuộc sống đời đời, đó là những yếu tố đã thôi thúc chàng thanh niên đến gặp Chúa Giêsu. Nhưng cuộc gặp gỡ đã không đưa đến kết quả tích cực, vì chàng thanh niên chưa hoàn toàn tự do khỏi mọi bám víu trần tục. Anh ta buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.
Giữa việc tuân giữ Lề Luật và thật sự yêu mến Chúa và anh chị em bằng những cử chỉ cụ thể, chàng thanh niên bắt đầu cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cách tốt đẹp với những phẩm tính tốt như ước muốn làm điều tốt, cố gắng tìm hiểu xem phải làm gì để trọn hảo hơn và tuân giữ những giới răn Chúa truyền dạy. Nhưng không thể dừng lại mãi nơi điểm khởi đầu này, người đồ đệ của Chúa phải tiến lên, phải thực hiện lý tưởng và đạt cho được cùng đích là Chúa Giêsu Kitô, sống với Người, được trở nên giống như Người mỗi ngày một hơn: "Nếu con muốn nên hoàn thiện, hãy bán đi tất cả những gì con có đem cho kẻ nghèo, rồi đến theo Ta".
Mỗi người chúng ta hãy tự vấn lương tâm mình: tôi có thật sự muốn hay không? Trong những giây phút cầu nguyện sốt sắng, ta có thể hỏi Chúa điều này mà không nhất quyết thực hiện bước thứ hai là làm điều Chúa soi sáng cho.
Ơn Chúa không bao giờ thiếu, nhưng chính chúng ta lại thiếu can đảm, thiếu nhất quyết, thiếu cộng tác với ơn soi sáng của Chúa. Như chàng thanh niên trong Phúc Âm, chúng ta còn bám víu nhiều điều và đã bỏ mất nhiều cơ hội để được trưởng thành trong đời sống thiêng liêng và được theo Chúa trọn vẹn hơn.
Lạy Chúa
Con muốn theo Chúa trọn vẹn cho đến cùng. Xin thương ban ơn trợ giúp cho sự yếu đuối của con người con. Xin hãy kiện toàn nơi con điều Chúa đã khởi sự.
Lạy Chúa
Xin hãy phán dạy, này con đang lắng nghe và sẵn sàng thực hiện điều Chúa muốn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Suy niệm 1


Có lẽ thao thức và khát vọng lớn nhất của con người là sự sống đời đời. Để được sự sống đời đời thì phải làm gì? Lời Chúa hôm nay sẽ giải đáp cho chúng ta hiểu được điều đó. 
Giáo lý công giáo thường được thành 4 phần: Tín lý, luân lý, bí tích và cầu nguyện. Nhưng hình như những người không có tín ngưỡng cũng như đa số những người có tính ngưỡng của các tôn giáo khác chỉ chú trọng đến phần luân lý mà thiếu quan tâm đến vấn đề niềm tin và sống niềm tin, cho nên xảy ra những điều sai lạc trong đời sống.
Ngày hôm nay, nền luân lý Kitô giáo đề cập rất nhiều về Mục Đích và Phương Tiện trong đạo đức sinh học. Một hành vi được xem là tốt khi người ta dùng một phương tiện tốt để đạt đến mục đích tốt. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố này thì kể như hành vi đó chưa tốt. Ví dụ: Con người không thể nhân danh mục đích giúp đỡ những người nghèo khó, mà đi cướp bóc của cải người giàu để chia cho người nghèo. Điều này sai luật luân lý. Hay vì nhằm mục đích giúp cho những người đau đớn vì chứng bệnh nan y được chết êm dịu mà dùng đến thuốc an tử kết thúc sự sống của họ. Đây quả là hành vi sai trái, tội lỗi. Lý do vì chính Chúa là nguồn và là Đấng ban sự sống. Sự sống là do chính Thiên Chúa tác tạo, quyền quyết định sinh tử là bởi Thiên Chúa, con người không có quyền can thiệp vào sự sống-chết của con người.
Anh thanh niên trong bài tin mừng hôm nay mặc dù giàu có và xem ra đạo đức nhưng anh ta vẫn không an lòng. Giữ luật lệ chính chắn cũng như nhiều của cải xem ra không bảo đảm cho hạnh phúc nước trời.
Chính vì mục đích là nước trời đã làm cho anh ta phải thao thức. Để đạt được mục đích tốt thì cần phải xử dụng phương tiện tốt. Anh ta cứ tưởng chăm chú giữ những luật lệ hay giàu có là đạt được nước trời. Nhưng anh ta thật sai lầm bởi lẽ những phương tiện đó không hợp với mục đích hạnh phúc nước trời.
Mục đích mà Chúa Giêsu chỉ cho anh ta biết đó là Tình Yêu, bởi chính Chúa là Tình Yêu. Có được Tình Yêu như Chúa thì giống Chúa, ở trong Chúa, nên một với Chúa. Mà giống Chúa, nên một với Chúa, ở trong Chúa thì là hạnh phúc nước trời.
Phương tiện Chúa Giêsu chỉ cho anh ta đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ chay cứng những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện Tình Yêu Chúa yêu người.
Yêu Chúa thì phải sống cậy trông phó thác vào Chúa chứ không phải là tiền bạc của cải. Nên Chúa bảo: “hãy bán tất cả …mà theo Ta”.
Yêu người là phải biết rộng lượng chia sẻ với anh chị em, đặc biệt những người nghèo khó “hãy bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo…”.
Lạy Chúa cả đời sống đạo là để được hạnh phúc nước trời. Xin cho con biết phụng sự Chúa hết lòng vì tình yêu và lòng tin tưởng phó thác cũng như biết quảng đại chia sẻ với anh chị em chúng con hết lòng với tình quý mến. Nhờ đó mà con có được hạnh hạnh phúc ở đời này và cả đời sau. Amen
Thứ Hai 19-8
Thánh Gioan Eudes
(1601-1680)

Thánh Gioan Eudes sinh ở Normandy, nước Pháp năm 1601. Ngài là con trai trưởng của một gia đình sống về nghề nông. Ngay khi còn nhỏ, ngài đã noi gương Chúa Giêsu trong cách đối xử với gia đình, bạn hữu và láng giềng. Khi lên chín, Gioan bị một đứa hàng xóm tát vào mặt. Thật tức giận, cậu định trả đũa, nhưng Gioan nhớ lời Chúa trong Phúc Âm: "hãy đưa má bên kia," và cậu đã làm như vậy.
Cha mẹ của Gioan muốn ngài kết hôn lập gia đình. Nhưng Gioan từ tốn và cương quyết thuyết phục cha mẹ rằng ngài có ơn gọi đi tu. Ngài gia nhập cộng đoàn Oratory và học làm linh mục. Sau khi là linh mục, một trận dịch hạch lớn càn quét Normandy khiến nhiều người chết và đau khổ. Cha Gioan tình nguyện giúp đỡ người đau yếu, chăm sóc thể xác cũng như linh hồn của họ. Sau này, ngài trở thành nhà thuyết giảng nổi tiếng trong các tuần đại phúc giáo xứ. Thật vậy, suốt cuộc đời, tổng cộng ngài đã thực hiện 110 cuộc giảng phòng. Cha Gioan cũng góp phần quan trọng trong việc thành lập các dòng tu: các nữ tu của Ðức Bà Bác Ái và nữ tu Chúa Chiên Lành. Cha Gioan cũng thành lập Tu Hội của Ðức Giêsu và Ðức Maria dành cho nam giới. Tu hội này chuyên huấn luyện các linh mục tương lai cho giáo xứ.
Khi thi hành công việc giảng tuần đại phúc, Cha Gioan thấy lúng túng về điều kiện đáng buồn của những cô gái điếm đang tìm cách hoàn lương. Các trung tâm tạm trú được thành lập nhưng việc điều hành không được êm xuôi. Bà Madeleine Lamy, người chăm sóc các phụ nữ, có lần nói với Cha Gioan: "Bây giờ cha đi đâu? Con đoán là cha đến nhà thờ để chiêm ngắm các tượng ảnh và nghĩ rằng mình đạo đức. Tất cả những gì cần nơi cha là một căn nhà tươm tất cho những tạo vật đáng thương này." Lời nói này, và tiếng cười của những người hiện diện, đã đánh động Cha Gioan một cách sâu đậm. Kết quả là một tu hội mới được thành lập, mang tên các Nữ Tu Bác Ái của Nơi Ẩn Náu.
Cha Gioan Eudes rất yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Tâm Ðức Maria. Ngài viết sách về sự sùng kính này. Trong một cuộc giảng phòng ngoài trời lạnh, Cha Gioan bị lâm bệnh nặng mà không bao giờ bình phục. Ngài từ trần năm 1680. Ðến năm 1908, ngài được Thánh Giáo Hoàng Piô X phong chân phước, và đến năm 1925, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh.
Lời Bàn
Thánh thiện là mở lòng cho tình yêu của Thiên Chúa. Nó được tỏ lộ dưới nhiều phương cách, nhưng tất cả đều có một đặc tính chung: lưu tâm đến nhu cầu của người khác. Trong trường hợp của Thánh Gioan, những người có nhu cầu là các bệnh nhân dịch hạch, các giáo dân, những chủng sinh, các cô gái điếm và mọi Kitô Hữu được mời gọi để noi gương bác ái của Chúa Giêsu và mẹ Người.
Lời Trích
"Lòng mong ước của chúng ta, mục đích của chúng ta, sự lưu tâm chính yếu của chúng ta phải là trở nên giống Chúa Giêsu, để thần khí của Người, sự tận tụy của Người, lòng yêu mến của Người, sự khao khát của Người và ý định của Người sống và ngự trị ở đó. Mọi luyện tập nhân đức phải hướng về cùng đích này. Ðó là công việc mà Thiên Chúa trao cho chúng ta để thi hành một cách không ngừng" (Thánh Gioan Eudes, Ðời Sống và sự Ngự Trị của Chúa Giêsu trong Linh Hồn Người Tín Hữu)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét