Thứ Sáu sau Chúa Nhật 18 Quanh Năm
Đnl 4,32 |
Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 4, 32-40
"Người đã yêu
thương cha ông các ngươi và sau đó đã tuyển chọn con cháu các ông ấy".
Trích
sách Ðệ Nhị Luật.
Ông
Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa
trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này
đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao
giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân
tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống
chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh,
cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình
một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất
cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Tất cả những điều
đó, Người chỉ cho các ngươi xem thấy, để các ngươi biết rằng Chúa là Thiên Chúa
thật, và ngoài Người, không có chúa nào khác. Từ trên trời, Người cho các ngươi
nghe tiếng Người; ở dưới đất, Người cho các ngươi thấy đám lửa to lớn của Người;
và từ giữa đám lửa ấy, các ngươi đã nghe lời Người, vì Người đã yêu thương cha
ông các ngươi và sau đó đã tuyển chọn con cháu các ông ấy. Người đã dẫn các
ngươi ra khỏi Ai-cập khi Người dùng quyền năng cao cả mà đi trước mặt các
ngươi, để tiêu diệt trước mặt các ngươi những dân tộc lớn mạnh hơn các ngươi,
và đem các ngươi vào trong xứ của họ và ban đất của họ cho các ngươi làm gia
nghiệp, như các ngươi vẫn thấy hiện nay. Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và
suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ
không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính
ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh
phúc, và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các
ngươi".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 76, 12-13. 14-15. 16 và
21
Ðáp: Tôi hồi tưởng lại những
việc làm của Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Tôi hồi tưởng lại những
việc làm của Chúa; tôi cũng nhớ những điều kỳ diệu thuở trước của Ngài. Tôi
nghiền ngẫm về mọi việc làm của Chúa, và tôi suy tư về những đại sự của Ngài. - Ðáp.
2)
Ôi Thiên Chúa, đường lối của Ngài thánh thiện; có thần minh nào vĩ đại như
Thiên Chúa chúng tôi? Ngài là Thiên Chúa làm nên những điều kỳ diệu, làm sáng tỏ
quyền năng ở giữa chư dân. - Ðáp.
3)
Ngài đã ra tay thục mạng dân Ngài, thục mạng con cháu của Giacóp và Giuse. Nhờ
tay Môi-sen và Aaron, Chúa chăn dắt dân Ngài như thể đoàn chiên. - Ðáp.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia,
alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mt 16, 24-28
"Người ta sẽ lấy gì
mà đổi được sự sống mình".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy
từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống
mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu
ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người
ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?
"Bởi
vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của
Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật,
Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết
trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người".
Ðó
là lời Chúa.
Suy Niệm: Giá Trị Của Khổ
Ðau
Trong
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm
môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều
đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là
đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành
cho Ngài.
Chúa
Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử
nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái
giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những
ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau
khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy
cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà
thôi.
Chúa
Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về
nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của
yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa
Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá,
không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy,
chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm
Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Bức
tượng Mẹ Maria bồng xác Chúa Giêsu trên tay, do danh họa Michel-Angelo thực hiện
và hiện được đặt tại Ðền thờ thánh Phêrô ở Rôma, là một trong những kiệt tác về
sự đau khổ. Mẹ Maria ôm xác Chúa Giêsu trong vòng tay Mẹ, không gì buồn thảm bằng;
thế nhưng đó cũng là một trong những kiệt tác về yêu thương. Tất cả đều tùy thuộc
thái độ của con người trước khổ đau. Con người có thể trốn chạy khổ đau, con
người có thể suốt một đời phàn nàn về khổ đau. Nhưng con người cũng có thể biến
khổ đau thành một hành động yêu thương; đó là thái độ của Chúa Giêsu và cũng phải
là thái độ của tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Nơi
nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh
thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những
giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI
NGÀY
Thứ Sáu Tuần
18 TN1, Năm Lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy dùng trí nhớ để học
biết Thiên Chúa và những gì Ngài dạy.
Trí
nhớ rất quan trọng trong việc hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm ở đời. Con người
không thể tiến bộ nếu không biết dùng trí nhớ, vì những kiến thức và các phát
minh hiện đại đều tùy thuộc vào các kiến thức căn bản của quá khứ. Con người có
khôn ngoan chín chắn cũng tùy thuộc vào họ có biết học hỏi kinh nghiệm của người
xưa, hay những lần thất bại của mình trong quá khứ hay không.
Các
Bài Đọc hôm nay nhắc nhở cho con người phải năng nhớ lại những gì Thiên Chúa đã
làm cho hay đã dạy dỗ mình. Trong Bài Đọc I, ông Moses trong Sách Đệ Nhị Luật,
nhắc nhở cho con người nhớ lại toàn thể biến cố Xuất Hành: Thiên Chúa đã yêu
thương chọn lựa con cái Israel như dân riêng, và dùng cánh tay uy quyền để đưa
họ ra khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập và đưa vào Đất Hứa; để họ luôn biết tin yêu
Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ lối sống khôn ngoan theo định
luật của Thiên Chúa: đừng sống theo kiểu người đời để chỉ ích kỷ tìm bảo vệ mạng
sống mình; nhưng phải sẵn sàng chết cho ý riêng mình và sống theo đường lối
Chúa dạy.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người.
1.1/
Hãy nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho anh em: Để hiểu biết lý do tại
sao phải vâng lời Thiên Chúa, ông Moses muốn con cái Israel nhìn lại toàn thể
biến cố Xuất Hành, hay ít nhất 4 biến cố chính:
(1)
Biến cố vượt qua Biển Đỏ: "Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ
ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất, cứ hỏi từ chân trời này đến
chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều
giống như vậy chăng?" Chưa có một biến cố lịch sử nào trong trời đất thuật
lại một việc tương tự như "biển rẽ làm hai như hai bước tường thành để con
cái Israel vượt qua Biển Đỏ ráo chân."
(2)
Cuộc thần hiện và ban Thập Giới trên núi Sinai: Ông Moses hỏi con cái Israel: "Có dân
nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà
vẫn còn sống không?" Truyền thống Do-thái tin không một ai nhìn hay nghe
tiếng của Thiên Chúa mà còn sống; ngoại trừ trường hợp của ông Moses và con cái
Israel trong cuộc xuất hành khỏi Ai-cập.
(3)
Bảy thiên tai Chúa giáng xuống Ai-cập: "Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc
từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh
chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa,
Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em
không?"
(4)
Cho dân sở hữu Đất Hứa: "Người đã đuổi những dân lớn và mạnh hơn anh em cho khuất mắt
anh em, để đưa anh em vào đất của chúng và ban cho anh em đất ấy làm gia nghiệp,
như anh em thấy hôm nay."
1.2/
Hãy biết ăn ở làm sao cho thích đáng: Khi nhớ lại biến cố Xuất Hành, con cái Israel phải nhận ra tình
thương Thiên Chúa đã dành cho họ: chọn họ như Dân Riêng, đích thân dùng sức mạnh
lớn lao của Người đưa họ ra khỏi Ai-cập, cho họ nghe tiếng Người, dạy dỗ họ, và
bảo vệ họ khỏi biết bao nguy hiểm trên đường đi. Sau khi đã nhận ra tình thương
Thiên Chúa, ông Moses muốn con cái Israel phải làm hai điều sau để tạ ơn Thiên
Chúa và làm ích cho chính mình:
(1)
Không được thờ thần nào khác ngoài Thiên Chúa: "Vậy hôm nay, anh em phải biết và để
tâm suy niệm điều này: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là
Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa."
(2)
Tuân giữ tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy: "Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh
lệnh của Người, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu
anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức
Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em."
2/
Phúc Âm: Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.
2.1/
Cách sống theo đường lối của Thiên Chúa: Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì
sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy."
Thoạt
nghe những lời này, chúng ta nhận ra lối sống Chúa dạy đi ngược với lối sống của
thế gian, nhất là lối sống của nhiều người hiện nay. Nhiều chủ thuyết đặt quyền
lợi cá nhân và vật trên hết (individualism, materialism), nên họ chỉ biết ích kỷ
tìm sự sống và lo vun quén cho mình.
Nhưng
kinh nghiệm dạy những người theo chủ thuyết này sẽ không tiến bộ được; nhưng
người khôn ngoan, thành công, và được mọi người quí mến trong cuộc đời, là người
biết sống theo đường lối của Thiên Chúa. Chỉ cần suy gẫm những lời Chúa Giêsu
nói: Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình,
nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác; chúng ta có thể
nhận ra lý do phải hy sinh chết đi để được sống.
Hơn
nữa, người tín hữu không chỉ tìm những ích lợi đời này, nhưng mắt họ vẫn không
ngừng tìm kiếm kho tàng vĩnh cửu là cuộc sống đời sau. Đó là lý do Chúa dạy:
"Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có
lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" Những sự thật về của
cải vật chất mà con người phải suy xét:
-
Con người không thể tự mang theo mình bất cứ vật gì khi nằm xuống.
-
Của cải vật chất không thể chuộc lại mạng sống con người, dù chỉ một thời gian
ngắn.
-
Con người sẽ phải trả lời cho Thiên Chúa về những của cải được sở hữu cách bất
chính. Lúc đó, con người có hối hận chẳng thà đừng có cũng muộn rồi.
2.2/
Thiên Chúa nhớ mọi việc con người làm: "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người,
cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng
việc họ làm." Con người phát xuất từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Ngài để
chịu phán xét; vì thế, cuộc đời mỗi người không phải là một đường thẳng, để rồi
mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời sẽ hòan tòan qua đi; nhưng con người sẽ phải
quay về để chịu trách nhiệm với Thiên Chúa về những biến cố này.
Lời
hứa khó hiểu của Chúa Giêsu: "Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở
đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị."
Điều này nếu hiểu theo nghĩa đen thì không đúng, vì mọi người cùng thời với
Chúa đều đã chết. Trình thuật theo Marcô hợp lý hơn: "Tôi bảo thật các người:
trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước
khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực" (Mk 9:1). Sau khi Chúa
Giêsu về trời, các môn đệ ra đi rao giảng và nhìn thấy dân chúng nô nức tin vào
Đức Kitô cả hàng ngàn vạn người. Điều này chứng minh uy quyền của Thiên Chúa hoạt
động ngay từ đời này, và Nước Chúa ngày càng trị đến.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Trí nhớ rất cần thiết cho chúng ta để có niềm tin yêu vững mạnh nơi Thiên Chúa.
Chúng ta hãy tập có thói quen ngồi nhớ lại những gì Thiên Chúa đã làm cho bản
thân và cho gia đình, ít là mỗi tháng một lần.
-
Hãy luôn tìm thánh ý Thiên Chúa và quảng đại cho đi. Thiên Chúa và tha nhân
không bao giờ để chúng ta phải thiệt thòi, họ luôn cho lại quá lòng mong đợi của
chúng ta.
-
Chúng ta đừng bao giờ vơ vét của cải cách bất xứng, vì chúng ta sẽ phải chịu
trách nhiệm nặng nề trước mặt Thiên Chúa. Hãy nhớ phần hồn của chúng ta quan trọng
hơn nhiều.
LM.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 18 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 16,24-28
A. Hạt giống...
Sau khi quở trách Phêrô vì đã ngăn cản Ngài đi
con đường thập giá, Chúa Giêsu nói thêm rằng con đường ấy là con đường mà bất
cứ ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải đi theo : “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ
bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”
Khi giải thích ý nghĩa con đường thập giá ấy,
Chúa Giêsu đưa ra một nghịch lý : “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn
ai đành mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ được sống”.
B.... nẩy mầm.
1. “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi
và vác thập giá mình mà theo” : Chúa không ép tôi theo Ngài, Chúa không buộc
tôi bỏ mình và vác thập giá. Ngài chỉ mời tôi thôi và cho tôi tự do. Nếu tôi
muốn theo thì hãy bỏ mình và vác thập giá, nếu không thì thôi.
Nhưng vì thương tôi, nên Ngài cho biết những sự
lợi hại : “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống
mình vì Ta thì sẽ được sống”, và “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt hại sự sống
mình thì được ích gì ?”
2. Chúa không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nhưng
là hãy vác lấy thập giá mình. Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi thập
giá trong cuộc sống (…) Đau khổ không là một đày đoạ mà con người phải gánh
chịu, mà là một phương thế nên thánh. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập
giá. Ai trong chúng ta cũng đang chịu một đau khổ nào đó. Ước gì khổ đau thanh
luyện chúng ta để mỗi lúc được kết hiệp với Chúa mật thiết hơn ("Mỗi ngày
một tin vui")
3. Nơi nào có thập giá, nơi đó có Thiên Chúa.
4. Hai cách đi theo Chúa :
Chính Thánh Don Bosco đã tưởng tượng chuyện sau
đây : Một hôm Chúa Giêsu bảo Phêrô và Gioan theo Ngài lên núi. Ngài dặn mỗi ông
mang theo một hòn đá. Phêrô suy nghĩ một lúc rồi nhặt một hòn đá nhỏ bỏ vào túi
; còn Gioan, do lòng quảng đại, vác cả một tảng đá to. Dĩ nhiên, đường dài, vác
nặng, Gioan thở hổn hển và lên đến nơi sau cùng. Phêrô bước thảnh thơi và còn
nói với Gioan : “Sao anh nhọc công vác tảng đá to như thế !”. Tới nơi, Chúa
Giêsu bảo hai môn đệ ngồi xuống. Ngài đọc lời chúc tụng và biến hai viên đá thành
bánh. Dĩ nhiên, Phêrô chỉ được một chiếc bánh nhỏ xíu không đủ cho cơn đói cồn
cào của ông.
Lần khác, Chúa lại bảo hai ông theo Ngài lên núi
và cũng mang theo đá. Rút kinh nghiệm lần trước, Phêrô mang một tảng đá thật
to. Đến nơi, ông ngồi chờ phép lạ. Nhưng Chúa Giêsu chỉ nói “Nào, mỗi người hãy
ngồi lên tảng đá mà mình mang theo. Không phải lúc nào Thầy cũng biến đá thành
bánh đâu”. Rồi Ngài nói riêng với Phêrô : “Lòng quảng đại thật không phải là
lòng quảng đại tính toán”.
Lạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết
cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, và không chờ
một phần thưởng nào khác hơn là biết mình đã làm theo ý Chúa. (Chờ đợi Chúa)
5. “Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ
mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được mạng sống ấy.” (Mt
16,25)
Thượng úy Tô Đức Thắng, người mới được đài truyền
hình Vtv1 ca ngợi về lòng can đảm, hy sinh quên mình vì những người hàng xóm.
Vừa thấy tên cướp có súng vượt rào vào nhà bà hàng xóm, anh đuổi theo không
chút sợ hãi, đồng thời báo cho những công an khác. Anh đã bị thương vì trúng
đạn. Anh đã quên đi sự an bình của mình để lo an bình cho người khác. Ngay lúc
ấy, anh đã thể hiện trọn vẹn con người và phẩm chất của mình. Phẩm chất ấy, ai
cũng phải trân trọng.
Chính lúc hủy mình ra không, Chúa Giêsu cho thấy
Ngài là thế đó, là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã huỷ mình vì Tình yêu, tình yêu
với Cha và tình yêu với con người.
Lạy Chúa, xin dạy con hiểu được : Chính lúc quên
mình là lúc con gặp lại được bản thân, vì khi cho đi là lúc con nhận lãnh.
(Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
09/08/13 THỨ SÁU TUẦN 18 TN
Mt 16,24-28
Mt 16,24-28
MẠNG SỐNG LÀ VÔ GIÁ
“Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống,
thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống ?” (Mt 16,26)
Suy niệm: Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh năm 2012, Hugo
Chavéz, tổng thống Venezuela, một Kitô hữu từ lâu đã lơ là trong việc đạo đức,
bất ngờ xuất hiện trước truyền hình quốc gia. Trong Thánh lễ đồng tế, ông đứng
trước công chúng, vừa khóc, vừa nói: “Lạy Chúa xin cho con cuộc
sống, thậm chí là một cuộc sống bị thiêu đốt, hoặc đau đớn đi nữa cũng không
quan trọng... Lạy Chúa Kitô, xin cho con thánh giá của Chúa, một trăm thánh giá
đi nữa con cũng chịu vác, nhưng xin cho con cuộc sống bởi vì còn có nhiều thứ
con chưa làm xong... đừng bắt con đi bây giờ.” Hugo Chavéz nói những lời trên khi ông đang
chống chọi với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ông muốn đổi tất cả để lấy mạng
sống, nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Căn bệnh đã cướp đi mạng sống của ông vào
ngày 05/3/2013, sau 4 lần giải phẫu. Quả thực “Nếu người ta được cả thế giới
mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” Nếu sự sống đời này mà không gì có thể đổi
được, thì sự sống đời đời càng phải khó hơn!
Mời Bạn: Không
gì có thể đổi được mạng sống –cho dù là cả thế giới; chỉ có một cách để giữ
được nó, là hãy liều mất mạng sống vì Chúa Kitô (c. 25).
Chia sẻ: Với
điều kiện của bạn hiện nay, bạn có thể làm được gì để ‘giữ mạng sống’ của mình?
Sống Lời Chúa: Làm
một việc bác ái vì lòng yêu mến Chúa Kitô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, biết rằng không thể giữ mạng sống của mình, nhưng con
lại chưa dám hy sinh. Xin ban thêm cho con can đảm, để dám vác thập giá theo
Chúa mỗi ngày. Amen.
Từ
bỏ chính mình
Vác thập giá của mình là vác gánh nặng của bổn phận
mỗi ngày, vác yếu đuối của người anh em mỗi ngày, vác cuộc đời mình mỗi ngày.
Suy niệm:
Con đường của người môn
đệ Thầy Giêsu là con đường không êm ả.
Ngay sau khi Thầy Giêsu
loan báo lần đầu về số phận sắp đến của mình,
Ngài đã nói đến số phận
của các môn đệ (cc. 24-28).
Họ được mời chia sẻ cùng
một thân phận với Thầy và như Thầy.
Thầy trò sẽ phải đi qua
con đường hẹp, con đường của khổ đau và cái chết.
Nhưng cuối cùng con đường
ấy dẫn đến phục sinh (Mt 16, 21).
Phục sinh, sự sống, niềm
vui, sẽ chiến thắng.
Chiến thắng ấy chỉ mua
được bằng khổ đau và cái chết tự nguyện.
Như thế điều kiện để giữ
được sự sống đời sau là dám mất sự sống đời này.
Đây thật là một liều lĩnh
của đức tin,
vì nếu không thực sự tin
vào đời sau, thì chẳng ai muốn thả mồi bắt bóng.
Cuộc đời này có nhiều
điều chân thiện mỹ, có nhiều giá trị đáng trân trọng.
Nhưng lắm khi cũng phải
hy sinh chúng cho những giá trị lớn hơn,
cho Đấng là Chân Thiện Mỹ
viết hoa, là Giá Trị của mọi giá trị.
Cái tôi của tôi là một
giá trị lớn, là quà tặng độc đáo Chúa ban cho tôi.
Chẳng có hai cái tôi
giống nhau dưới mắt Chúa.
Cùng với cái tôi, Chúa
ban cho tôi tự do, lý trí, trái tim, thân xác…
Chúa còn ban cho tôi vũ
trụ vật chất với bao tài nguyên để tôi sống nhờ,
và cả một thế giới với
bao cái tôi khác, để tôi sống với như anh em.
Cái tôi là món quà quý
nhất Chúa ban cho tôi.
Cái tôi cũng là món quà
quý nhất tôi có thể dâng lại cho Chúa.
Nhiều tôn giáo nói đến từ
bỏ cái tôi, phá chấp ngã.
Đức Giêsu cũng mời bất cứ
ai muốn bước theo Ngài phải từ bỏ chính mình,
không phải vì cái tôi của
mình là xấu xa, đáng ghét,
nhưng chỉ vì nó chỉ là
thụ tạo trước mặt Đấng Tạo Hóa đã dựng nên nó.
Từ bỏ chính mình là đặt
mình ở dưới Thiên Chúa, không coi mình là trung tâm,
và để cái tôi của mình
trọn vẹn tùy thuộc vào ý muốn của Ngài.
Thầy Giêsu đã sống từ bỏ
mình như vậy trong suốt cuộc đời trần thế.
Ngài luôn sống như một
người con thảo, một người được Cha sai.
Lạ thay, chính lúc từ bỏ
mình, múc cạn chính mình, hủy mình ra không,
thì Ngài lại được phục
hồi chính mình và được siêu tôn trên mọi sự (Pl 2, 9).
Trong Kitô giáo, cái tôi
được thanh luyện, nhưng không bị loại bỏ.
Cái tôi ấy cũng không bị
Thiên Chúa nuốt chửng hay hòa tan.
“Ai mất mạng sống mình vì
Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (c. 25).
Như thế từ bỏ mình
là cách duy nhất để giữ mình cho toàn vẹn.
Chẳng thể nào yêu mến và
phục vụ lại không gắn liền với việc từ bỏ mình.
Có khi từ bỏ một định
kiến hay tự ái, một quyền lợi hay ảnh hưởng riêng,
cũng khó như một hy sinh
mạng sống.
Vác thập giá của mình là
vác gánh nặng của bổn phận mỗi ngày,
vác yếu đuối của người
anh em mỗi ngày, vác cuộc đời mình mỗi ngày.
Thầy Giêsu đòi chúng ta
vác thập giá của mình mà theo Thầy cho đến chết.
Vì Thầy là Con Thiên
Chúa, vì Thầy đã lấy lại được sự sống,
nên chúng ta tin tưởng
vác thập giá bước đi sau Thầy.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
trước khi con tìm Chúa,
Chúa đã đi tìm con.
Trước khi con thấy Chúa,
Chúa đã nhìn thấy con.
Trước khi con theo Chúa,
Chúa đã đi theo con.
Trước khi con yêu Chúa,
Chúa đã mến yêu con.
Trước khi con thuộc về
Chúa, Chúa đã thuộc về con.
Trước khi con phụng sự
Chúa, Chúa đã phục vụ con.
Trước khi con từ bỏ mình
vì Chúa, Chúa đã nộp mình vì con.
Trước khi con sống và
chết cho Chúa, Chúa đã sống và chết cho con.
Trước khi con đặt Chúa
lên trên hết,
Chúa đã coi con là hạnh
phúc tuyệt vời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Thầy
của con,
Chúa luôn đi trước con.
Chúa làm trước khi Chúa
dạy.
Con hiểu rằng mọi điều
Chúa đòi hỏi nơi con
đều chỉ vì lợi ích vĩnh
cửu của con mà thôi.
Xin cho con đón nhận
những cắt tỉa của Chúa
với lòng biết ơn và rất
nhiều tình yêu. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Sau khi đã quở trách Phêrô ngăn cản không cho
Chúa đi trên con đường thập giá, Chúa đã nói với các môn đệ: “Ai
muốn theo Thầy, phải từ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt
16, 24). Qua đó cho thấy Chúa đã quyết liệt từ chối con đường Phêrô
vạch ra cho Chúa, và khẳng định con đường mà Chúa và những ai muốn
làm môn đệ Ngài phải theo, đó là con đường thập giá.
Tiếp sau đó Chúa đưa ra sự lựa chọn giữa
hai mạng sống mà mới đọc qua con không hiểu gì cả. Nào là “Ai muốn
cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì
Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 25). Sao kỳ vậy? Muốn
cứu thì lại mất, ngược lại, thà để mất thì được cứu. Mạng sống
Chúa muốn nói đến ở đây có hai nghĩa: mạng sống thứ nhất là mạng
sống tự nhiên, tạm thời. Mạng sống thứ hai là mạng sống siêu nhiên,
vĩnh cửu. Những ai đi tìm mạng sống tự nhiên thì sẽ mất mạng sống
siêu nhiên. Ngược lại, những ai liều mất mạng sống tự nhiên vì Chúa
thì sẽ được mạng sống siêu nhiên.
Những điều Chúa nói: “Nếu được cả thế
gian mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì” (Mt 16, 26) là
để mời gọi con đi trên con đường thập giá mà Chúa đã vạch ra. Tại
sao Chúa lại mời gọi con đi trên con đường thập giá? Thưa vì đó là
sự chọn lựa tìm kiếm mạng sống tự nhiên hay mạng sống siêu nhiên.
Nếu tìm kiếm mạng sống tự nhiên thì sẽ đi trên con đường thoải mái,
dễ chịu, khỏi vác thập giá. Còn nếu tìm mạng sống siêu nhiên thì
phải chấp nhận đi trên con đường thập giá. Tuy nhiên Chúa đã nói
thẳng: “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, Người
sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 116,27): những ai chọn
con đường thập giá thì sẽ được thưởng, còn những ai chọn con đường
thoải mái dễ chịu thì sẽ bị phạt.
Lạy Chúa, lời Chúa hôm nay cho con một sứ
điệp rõ ràng: Con đường Chúa đi là con đường thập giá. Chúa là Thầy
của con đã đi trên con đường thập giá, thì đương nhiên con là môn đệ
của Ngài, con cũng phải đi trên con đường thập giá. Đây không phải là
một lời mời gọi, nhưng đây là một mệnh lệnh, là con đường duy nhất
để theo Chúa. Vì vậy con phải chọn lựa, sự chọn lựa này là duy
nhất.
Thập giá ở đây Chúa nói rõ ràng: “thập
giá mình mỗi ngày” chứ không phải thập giá người khác và một lần
cho cả đời. Vì vậy, từng ngày sống của con phải là từng giây phút
vác thập giá liên lỉ theo Chúa.
Với con thập giá chính là sự chọn lựa.
Mỗi sự kiện, mỗi biến cố đều đòi hỏi con phải chọn lựa theo Chúa.
Nếu không có sự chọn lựa, thì chắc chắn con sẽ làm theo sở thích
của riêng con. Mà sở thích của con đâu khi nào là những đau khổ,
những hy sinh, những vất vả…
Lạy Chúa, con xin hát lên bài ca “Từng Ngày
Theo Chúa” của Linh mục nhạc sĩ Thái Nguyên như một lời cầu nguyện:
“Từng ngày qua đời con vui dấn thân, trong tình yêu vươn lên để hiến
dâng. Ngày tháng qua Chúa đã biết rồi, sống cho Ngài vẫn là một
điều khó, thuộc về Ngài là thách đố cho con. Có nhiều phen sức con
đã mỏi mòn, nhưng Chúa đòi con dâng cho Ngài tất cả, để chẳng có gì
còn lại ở trong con”. Amen.
Thứ Sáu 9-8
Thánh Edith Stein
(1891-1942)
Edith Stein, một nữ tu
Camêlô thánh thiện, một triết gia uyên thâm và một văn sĩ sáng giá, không những
ngài có ảnh hưởng lớn ở thời ấy mà ngày nay, ảnh hưởng ấy đang lan tràn trong
giới triết gia và trí thức ở Ðức cũng như trên toàn thế giới. Ngài là nguồn cảm
hứng cho tất cả những ai coi Thánh Giá là di sản, và cuộc đời ngài được dâng
hiến cho sự đau khổ và bách hại của dân tộc Do Thái.
Sinh ngày 12 tháng Mười
1891 trong một gia đình Do Thái ở Breslau, nước Ðức, ngay từ nhỏ Edith Stein đã
chứng tỏ năng lực học hỏi lạ thường, và vào lúc bắt đầu Thế Chiến I, ngài đã
học xong triết và ngữ văn tại đại học Breslau và Goettingen.
Sau cuộc chiến, ngài
tiếp tục cao học tại Ðại Học Freiburg và lấy bằng tiến sĩ ưu hạng về triết. Sau
đó ngài là giáo sư phụ tá và là cộng tác viên của Giáo Sư Husserl, cha đẻ của
hiện tượng học và cũng là người có ảnh hưởng lớn đến tư duy của thánh nữ.
Trong tất cả các ngành
học hỏi, Edith Stein không chỉ tìm kiếm chân lý mà còn đi tìm chính Chân Lý và
ngài đã tìm thấy ở Giáo Hội Công Giáo sau khi đọc tự truyện của Thánh Têrêsa
Avila. Edith Stein được rửa tội vào ngày đầu năm 1922.
Sau khi trở lại đạo,
Edith dùng toàn thời giờ để dạy học, diễn thuyết, viết lách và dịch sách, và
không bao lâu ngài trở nên một triết gia và tác giả nổi tiếng, nhưng điều ngài
khao khát là cuộc sống cô độc và tịnh niệm của dòng Camêlô, là nơi ngài tận
hiến cho Thiên Chúa và người dân của ngài. Trước khi Ðức Quốc Xã bách hại người
Do Thái khiến ngài phải ngưng mọi hoạt động thì cha linh hướng đã đồng ý để ngài
gia nhập dòng Camêlô Hèn Mọn ở Cologne-Lindenthal vào tháng Mười năm 1933. Vào
tháng Tư năm kế tiếp, ngài được mặc áo dòng và lấy tên là "Têrêsa
Bênêđícta của Thánh Giá." Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1935, ngài khấn
trọn.
Khi sự bách hại người Do
Thái gia tăng mãnh liệt và điên cuồng, Sơ Têrêsa Bênêđícta nhận thấy sự nguy
hiểm khi có mặt tại nhà dòng Camêlô ở Cologne, và ngài đã xin phép bề trên để
di chuyển đến một tu viện ở ngoại quốc. Vào đêm 31 tháng Mười Hai 1938, ngài bí
mật vượt biên giới đến Hòa Lan là nơi ngài được tiếp đón một cách nồng nhiệt
vào dòng Camêlô ở Echt. Ở đây ngài sáng tác văn bản sau cùng là Thánh Giá Học.
Chính Thánh Giá của ngài
thì ngay ở trước mặt, vì lúc ấy Ðức Quốc Xã đã xâm lăng Hòa Lan, và khi các
giám mục Hòa Lan công bố lá thư mục vụ phản đối việc trục xuất người Do Thái và
đuổi các học sinh Do Thái ra khỏi trường Công Giáo, thì Ðức Quốc Xã ra lệnh bắt
giữ mọi người Công Giáo thuộc gốc Do Thái ở Hòa Lan. Sơ Têrêsa Bênêđícta bị bắt
vào ngày 2 tháng Tám 1942, và được chở đến trại tử thần Auschwitz. Ngài chết
trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz ngày 9 tháng Tám 1942.
Vào ngày 1 tháng Năm
1987, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Sơ Têrêsa Bênêđícta,
và sau cùng sơ được phong thánh ngày 11 tháng Mười 1998.
Lời Bàn
Các sáng tác của Sơ
Têrêsa Bênêđícta có đến 17 tập, phần lớn đã được dịch sang Anh ngữ. Là một phụ
nữ chính trực, ngài theo đuổi chân lý mà bất cứ đâu chân lý đưa đẩy đến. Sơ
Josephine Koeppel, O.C.D., người đã dịch vài cuốn sách của Sơ Têrêsa Bênêđícta,
nhận xét tổng quát về vị thánh này như sau, ngài "học biết cách sống
trong bàn tay Thiên Chúa."
Lời trích
Trong bài giảng lễ phong
thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Vì Edith Stein là người Do
Thái nên cùng với người chị là Rosa và những người Công Giáo cũng như Do Thái
khác bị đưa từ Hòa Lan đến trại tập trung Auschwitz, là nơi ngài chết vì hơi
ngạt. Ngày nay, chúng ta tưởng nhớ ngài với lòng tôn trọng sâu xa. Một vài ngày
trước khi bị trục xuất, người phụ nữ đạo đức này đã gạt bỏ vấn đề được cứu
nguy: 'Ðừng làm như vậy! Tại sao tôi phải được miễn trừ? Không đúng sao khi tôi
chẳng được ích gì từ bí tích Rửa Tội? Nếu tôi không thể chia sẻ số phận với anh
chị em của tôi, đời sống của tôi chắc chắn bị tiêu diệt'."
Với những người trẻ có
mặt trong buổi lễ, đức giáo hoàng nói: "Cuộc đời các con không phải là
một chuỗi không cùng của những cánh cửa mở! Hãy lắng nghe tâm hồn mình! Ðừng
dừng ở ngoài mặt nhưng đi sâu vào tâm điểm của mọi sự! Và khi đến giờ, hãy có
can đảm quyết định! Thiên Chúa chờ đợi các con phó thác sự tự do của mình trong
bàn tay nhân ái của Người."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét