Trang

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

24-08-2013 : THỨ BẢY TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH BATOLOMEO, TÔNG ĐỒ (Lễ Kính)

Thứ Bảy sau Chúa Nhật 20 Quanh Năm
 
R 4,17
Bài Ðọc I: (Năm I) R 2, 1-3. 8-11; 4, 13-17
"Chúa không nỡ để cho bà thiếu kẻ nối dòng. Ðó là thân phụ của Isai, cha của Ðavít".

Trích sách truyện Bà Ruth.
Bấy giờ ông Êlimêlech, chồng bà Nôêmi có một người họ hàng, là người quyền thế và giàu có, tên là Booz. Bà Ruth, người Môab, thưa với mẹ chồng rằng: "Nếu mẹ cho phép, con xin ra đồng mót lúa mà các thợ gặt bỏ sót, nơi nào mà chủ ruộng nhân từ vui lòng cho con mót". Bà mẹ trả lời rằng: "Hỡi con, con cứ đi". Nàng liền đi mót lúa đàng sau các thợ gặt. Bất ngờ chủ ruộng ấy tên là Booz, người có họ với Êlimêlech.
Ông Booz bảo bà Ruth rằng: "Hỡi con, hãy nghe đây, con đừng đi mót lúa ở ruộng khác, đừng rời khỏi nơi này: nhưng hãy đi theo các tớ gái của ta, chúng nó gặt ở đâu, con cứ đi theo đó; vì ta bảo các đầy tớ ta đừng ai làm phiền con. Cả khi con khát nước, cũng cứ đến các vò nước và uống nước mà các đầy tớ ta uống". Bà sấp mình xuống đất, lạy ông ấy mà nói rằng: "Bởi đâu tôi được ơn trước mặt ông, và ông đoái thương tôi là người nữ ngoại bang?" Ông trả lời rằng: "Ta đã nghe đồn mọi sự con đã làm đối với mẹ chồng, sau khi chồng con qua đời, con đã lìa bỏ cha mẹ quê hương và đến cùng dân tộc mà trước đây con không hề biết".
Vậy ông Booz cưới bà Ruth làm vợ. Ông ăn ở với bà, và Chúa ban cho bà có thai, bà sinh được một con trai. Các phụ nữ nói cùng bà Nôêmi rằng: "Chúc tụng Chúa là Ðấng không nỡ để cho gia đình bà thiếu kẻ nối dòng! Và nguyện danh Chúa được ca tụng khắp Israel! Cầu chúc bà có người an ủi tâm hồn và phụng dưỡng tuổi già; vì người đó sẽ sinh ra do người con dâu yêu mến bà, và người con dâu đó đáng quý hơn bảy người con trai". Bà Nôêmi ẵm con trẻ vào lòng, và nuôi nấng nó như người vú. Các phụ nữ láng giềng đến mừng bà mà rằng: "Bà Nôêmi đã được một cháu trai". Họ đặt tên cho con trẻ là Obed: đó là thân phụ của Isai cha của Ðavít.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
Ðáp: Ðó là ơn phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Chúa (c. 4).

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Ðáp.
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn. - Ðáp.
3) Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống của bạn. - Ðáp.

Alleluia: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời của Con Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 23, 1-12
"Họ nói mà không làm".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: "Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta: còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là "Thầy". Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là "Thầy", vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là "cha", vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là "người chỉ đạo": vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
Ðó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Ðề phòng thái độ giả hình
Theo các văn thư của Ðức Giáo Hoàng Innocentê để lại, thì thời của Ngài, tức thế kỷ 12, là một trong những thời kỳ suy thoái nhất của giáo huấn về đức tin và luân lý: tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các vị lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện, ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài; ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống đạo một cách nghiêm túc; ngài đi cho đến tận cùng trọng cuộc sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ, Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.
Trong giai đoạn hiện nay, mẫu gương của thánh Phanxicô Assisiô thôi thúc chúng ta hơn bao giờ hết.
Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu. Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
Câu hỏi mà chúng ta không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thực sự là một đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị tinh thần không? Giáo Hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức cho nhiều người không?
Xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta để chúng ta không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu từ đó chúng ta quyết tâm vươn lên mỗi ngày trên đường theo Chúa
(Veritas Asia)





Ngày 24 tháng 8
LỄ THÁNH BATÔLÔMÊÔ, TÔNG ĐỒ
(Lễ Kính)



BÀI ĐỌC I: Kh 21, 9b-14
"Trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên".

 Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.   
Thiên Thần nói với tôi rằng: "Ngươi hãy đến, ta sẽ chỉ cho ngươi xem phu nhân, bạn của Con Chiên".
Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường luỹ cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó và đèn của nó chính là Con Chiên.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 144, 10-11. 12-13ab. 17-18
Đáp: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (c. 12a).

1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Đáp
2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Chúa là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Chúa tồn tại qua muôn thế hệ. - Đáp.
3) Chúa công minh trong mọi đường lối của Người, và yêu thương mọi kỳ công Người tác tạo. Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Người, những kẻ kêu cầu Người với lòng thành thật. - Đáp.

ALLELUIA: Ga 1, 49b

Alleluia, alleluia! - Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 1, 45-51
"Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Philipphê gặp Nathanael và nói với ông: "Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét". Nathanael đáp: "Bởi Nadarét nào có cái chi hay?" Philipphê nói: "Hãy đến mà xem".
Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới Mình, thì nói về ông: "Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanael đáp: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng: Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa". Và Người nói với ông: "Thật, Ta nói thật với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Ðến mà xem
“Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được”. Nathanael lặp lại một thành kiến không tốt về Nazareth, về quê hương của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhận định về ông như một người Israel đích thực: “Lòng dạ không có gì gian dối”. Nhân vô thập toàn, không ai là hoàn toàn tốt và cũng không ai là hoàn toàn xấu. Nathanael là con người tốt, nhưng cũng có khuyết điểm sống theo dư luận không có quan niệm tốt về Nazareth: “Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được”.
Chứng tá đầy xác tín của Philipphê đã giúp đưa Nathanael ra khỏi sự mù quáng tinh thần: “Cứ đến mà xem, Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã nói tới, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”. Chỉ kinh nghiệm sống trực tiếp với Chúa Giêsu mới có thể giúp các tông đồ, những kẻ đầu tiên được gọi theo Chúa Giêsu, vượt qua được những giới hạn trần tục, che kín mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể.
Tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan đã mô tả ơn gọi sống như Chúa Giêsu như là một cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa Chúa và người được gọi. Và khi đã được gặp gỡ trực tiếp với Chúa Giêsu rồi, người được gọi mới vượt qua được những thành kiến tự nhiên đối với Chúa, và cảm thấy được thôi thúc chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa cho anh chị em chung quanh. Kinh nghiệm sống của Philipphê được chia sẻ cho Nathanael: “Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã nói đến, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”. Có thể nói đây là kiểu mẫu cho điều chúng ta gọi là việc tông đồ, là thông truyền và chia sẻ kinh nghiệm sống của chính bản thân về Chúa Giêsu cho anh chị em chung quanh, đây cũng là phương thế duy nhất giúp anh chị em vượt qua được những thành kiến không tốt về Thiên Chúa, để cùng chúng ta tôn thờ và yêu mến Ngài. Chỉ nhờ đã gặp được Chúa trước rồi chúng ta mới có thể trở nên phương tiện để giúp anh chị em đến gặp Chúa: “Cứ đến mà xem”.
Ước chi đời sống chúng ta là một lời mời gọi liên lỉ anh chị em đến với Chúa.
Lạy Chúa,
Nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của thánh tông đồ Nathanael Batolomeo, mà chúng con mừng lễ hôm nay, xin Chúa thương giải thoát con khỏi những thành kiến ngăn cách con với Chúa, cũng như ngăn cách con với anh chị em. Xin thương mời gọi con đến với Chúa và củng cố đức tin còn non yếu của con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Kính Thánh Batôlômêô Tông Đồ
Bài đọc: Rev 21:9b-14; Jn 1:45-51.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đến mà xem.

Có những sự vật vì ngôn ngữ không đủ để diễn tả; nên con người cần phải đến mà xem mới biết; ví dụ, các kỳ quan thế giới. Có những danh nhân được nhiều người ca tụng; nhưng để hiểu con người của họ, một người cần đến tiếp xúc trực tiếp với họ; ví dụ, nữ hoàng Phương Nam đến gặp vua Solomon để học hỏi sự khôn ngoan của ông. Đức Kitô là đối tượng của niềm tin mà con người cần học hỏi và có kinh nghiệm trực tiếp. Người khác có thể giới thiệu hay nói về Đức Kitô cho con người; nhưng để có thể tin chắc chắn vào Đức Kitô, con người cần đến với Ngài để học hỏi và có kinh nghiệm cá nhân với Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến kinh nghiệm trực tiếp một người phải có, trước khi tin vào đối tượng mà họ đang muốn tìm hiểu. Trong Bài Đọc I, thiên thần của Thiên Chúa mang tác giả lên một ngọn núi cao, để ông có thể chiêm ngưỡng tận mắt Hiền Thê của Con Chiên là Giáo Hội. Hiền Thê đây chính là Thành Thánh Jerusalem lý tưởng đến từ trời, là tập hợp của 12 chi tộc Israel của Thiên Chúa trong Cựu Ước và 12 Tông-đồ của Đức Kitô trong Tân Ước.
Trong Phúc Âm, Philip sau khi nhận biết Đức Kitô, đến gặp Nathanael để giới thiệu Đức Kitô với ông. Nathanael nghi ngờ khi Philip nói Đức Kitô đến từ Nazareth; nhưng Philip nhấn mạnh ông cứ đến mà xem cho chính ông. Nathanael đã tới và nhận ra Đức Kitô.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: "Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên."
1.1/ Giáo Hội là Tân Nương, Hiền Thê của Đức Kitô: Một thiên thần đến bảo tác giả: "Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên." Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Jerusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê."

+ Giáo Hội được ví như thành thánh Jerusalem, nơi là nguồn gốc và trung tâm điểm của Giáo Hội. Sự kiện Thành Thánh Jerusalem xuất hiện từ trời muốn nói lên đây là mô hình kiểu mẫu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Giáo Hội. Giáo Hội lữ hành trần thế sẽ được chung hưởng vinh quang với Giáo Hội vinh quang trên trời.

+ Vinh quang của Giáo Hội là phản ánh vinh quang của Thiên Chúa: Sự hiện diện của Thiên Chúa làm vinh quang của Ngài bao trùm Giáo Hội. Những chi tiết mô tả ở đây muốn nói lên sự thánh thiện vô tì tích của Giáo Hội sau khi đã được tẩy rửa và thánh hóa bởi Máu của Con Chiên là Đức Kitô.

1.2/ Giáo Hội là sự kết hợp liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước:

+ 12 chi tộc Israel (Eze 48:30-35, Exo 28:17-31): "Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Israel."

+ 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; mỗi phương có 3 cửa để tiếp nhận mọi dân tộc vào Giáo Hội.

+ 12 Tông-đồ của con chiên (Mt 19:28, Lk 22:29): "Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên."

2/ Phúc Âm: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!"

2.1/ Phải trút bỏ thành kiến để học hỏi những điều mới lạ: Thánh Thomas Aquinas nói: "Yêu ai là mong muốn sự tốt lành cho người ấy." Trong quãng đời công khai rao giảng của Đức Kitô, chúng ta thấy kiểu mời gọi này: Khi đã nhận biết Đức Kitô, Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ngài cho hai môn đệ đi theo (Jn 1:35-37). Một trong hai môn đệ là Anrê đã giới thiệu Đức Kitô cho em mình là Phêrô (Jn 1:40-42). Trong trình thuật hôm nay, Philip mời gọi ông Nathanael đến gặp Chúa và nói: "Đấng mà sách Luật Moses và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth." Ông Nathanael liền bảo: "Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?" Ông Philíp trả lời: "Cứ đến mà xem!"

Thành kiến giam hãm và ngăn cản con người không nhìn ra sự thật. Hai điều có thể ngăn cản Nathanael không đến với Chúa: Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các làng mạc: Nathanael quê ở Cana; giữa Cana và Nazareth có thể có sự cạnh tranh vì hai làng rất gần nhau. Thứ hai, theo Kinh Thánh, Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại Bethlehem là quê hương của vua David, chứ đâu xuất hiện tại Nazareth, một làng quê mùa phía Bắc như vậy. Đứng trước nhận định khinh thường như thế, Philip không nản chí, nhưng vẫn khuyến khích bạn: thì cứ thử đến mà xem! Nathanael có lẽ vì nể tình bạn với Philip, nên đi đến gặp Đức Kitô.

2.2/ Cuộc hạnh ngộ giữa Đức Kitô và Nathanael.

(1) Đức Kitô khơi dậy niềm tin nơi Nathanael: Đức Giêsu thấy ông Nathanael tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối." Đây là ý tưởng của Thánh Vịnh 32:2, "Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà."

Phản ứng trước tiên của Nathanael là sửng sốt vì ông chưa gặp Ngài bao giờ, thế mà Ngài lại thấu suốt cuộc đời của ông. Ông Nathanael hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết tôi?" Đức Giêsu trả lời: "Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." Lại một ngạc nhiên nữa, Chúa Giêsu có khả năng nhìn thấy mọi nơi, điển hình là lúc ông đang nói chuyện với Philip dưới gốc cây vả. Biết mình không còn gì có thể giấu Chúa Giêsu, ông khiêm nhường thú nhận: "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!"

(2) Đức Kitô hứa sẽ cho Nathanael thấy những điều kỳ diệu hơn nữa: Đức Giêsu đáp: "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

+ Thị kiến chiếc thang của Jacob: Cụm từ "Thiên thần lên lên xuống xuống" nhắc nhở chúng ta thị kiến chiếc thang trong giấc mơ của tổ-phụ Jacob tại Bethel (Gen 28:12-13). Đức Kitô giải thích Ngài là chiếc thang nối kết giữa Trời và Đất, các sứ thần của Thiên Chúa sẽ không ngừng lên xuống để dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa, và chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa xuống cho con người.

+ Ai là Nathanael mà Tin Mừng Gioan đề cập đến ở đây? Có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau: (1) một hình ảnh lý tưởng tượng trưng cho con cái Israel; (2) có người cho là Phaolô hay người "môn đệ được Chúa yêu;" và (3), là tông-đồ Bartholomew mà Tin Mừng Nhất Lãm đề cập tới. Sự kiện chúng ta mừng lễ thánh Bartholomew chứng tỏ Giáo Hội chấp nhận cách giải thích số (3).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần dành thời giờ để học hỏi và phát triển mối liên hệ mật thiết với Đức Kitô. Chỉ có thế mới giúp chúng ta có được một niềm tin yêu vững mạnh nơi Ngài.

- Bổn phận của chúng ta là giới thiệu cho mọi người đến với Đức Kitô, chứ không phải tập trung vào chúng ta. Chúng ta có thể giới thiệu Đức Kitô cho tha nhân bằng lời giảng hay bằng cuộc sống chứng nhân của mình. Chúng ta đừng bao giờ ngăn cản tha nhân đến với Thiên Chúa vì lời giảng hay hành động của chúng ta.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 20 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 23,1-12

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài về các luật sĩ và biệt phái :
1. Vì họ “ngồi tòa Môsê”, nghĩa là nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ”.
2. “Nhưng dừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm”. Những gương xấu của họ là :
- Ra luật cho người khác giữ, còn bản thân không giữ.
- Làm những việc đạo đức chỉ cốt cho người ta thấy mà khen.
- Ham danh vọng : ngồi chỗ nhất, thích được chào nơi công cộng, thích được gọi là Rabbi.

B.... nẩy mầm.
1. Hầu hết những lời Chúa Giêsu kết án các biệt phái ngày xưa đều đúng cho tôi ngày nay :
- Trong cương vị lãnh đạo, phải chăng tôi cũng thường “chỉ tay năm ngón”, bảo người khác làm còn mình thì không làm ?
- Đạo đức bề ngoài : người ta tưởng tôi đạo đức, nhưng trước mặt Chúa tôi có đạo đức thật không ?
- Tôi cũng ham danh vọng và địa vị ?
2. “Tất cả chúng con đều là anh em với nhau” : người có quyền và người không có quyền, người bề trên và người bề dưới cũng đều ngang nhau trước mặt Chúa. Quyền và chức chỉ là những phương tiện để phục vụ anh em. “Trong chúng con, ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ chúng con”.
3. “Ai tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên” : các động từ ở thể thụ động “bị hạ xuống” và “được nâng lên” ám chỉ kẻ hạ xuống và nâng lên là chính Thiên Chúa. Đã đành ai ai cũng ghét kẻ kiêu căng và mến người khiêm tốn. Nhưng quan trọng hơn nữa là chính Thiên Chúa cũng hạ kẻ kiêu căng và nâng cao người khiêm tốn.
4. Vào thế kỷ thứ 12, tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó Thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện. Ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài. Ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ. Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp. ("Mỗi ngày một tin vui")
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

24/08/13 THỨ BẢY TUẦN 20 TN
Th. Batôlômêô, tông đồ 
Ga 1,45-51
ƯỚC MƠ BAY CAO
Đức Giê-su nói :”Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” 
(Ga 1,50)
Suy niệm: Người Việt Nam dùng hình ảnh cây trúc để làm biểu tượng cho người quân tử, hoa sen để biểu trưng cho sự thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Còn đối với người Do Thái, cây vả tượng trưng cho sự an bình. Cây vả có nhiều cành lá um tùm nên người ta thường ngồi dưới bóng của nó để trầm tư mặc niệm. Hình ảnh Nathanaen hay còn gọi là Batôlômêô ngồi “dưới cây vả” nói lên rằng ông là một con người của suy niệm những mầu nhiệm cao siêu. Đức Giêsu nói cho ông biết rằng chẳng những Ngài nhìn thấu suốt tâm hồn con người, Ngài còn là chiếc thang đưa dẫn con người lên trời. Ông đã giật mình kinh ngạc và thán phục Đấng đọc được những suy nghĩ, những ước mơ đang ngự trị nơi sâu thẳm nhất của trái tim ông. Được Chúa Giêsu thu phục và hứa cho thấy những sự cao cả hơn nữa, ông dành cho Ngài trọn quyền làm chủ vận mạng đời ông.
Mời Bạn: Dâng lên Chúa những ước mơ, những khao khát của bạn, và Chúa thấu suốt những ước mơ, khao khát ấy. Ước mơ lớn nhất, khát khao nóng bỏng nhất phải là đi theo Đức Giêsu để một ngày kia được cùng Ngài lên trời.
Sống Lời Chúa: Quan tâm cầu nguyện cho một người bạn lương dân của bạn, và tìm dịp thuận tiện dẫn đưa người ấy đến với Đức Giêsu là con đường, là chiếc thang dẫn lên trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường chỉ có những ước mơ tốt đẹp cho mình, mà quên cho người khác. Xin Chúa cho tất cả chúng con biết hằng ngày bước theo Chúa trên con đường về quê trời. Amen.

St. Bartholomew the Apostle

Thuộc dòng dõi vua Tolmai (2 Sam 3:3). Vua Geshu con của Maacah, mẹ của Absalong sanh ra vua David. Đàng khác Bartholomew họ hàng với Ptolemy vua nước Ai Cập. Ông có bộ tóc đen quăn dài phủ tai, da trắng, mắt to, mũi thẳng, râu rậm chen lẫn những chùm râu trắng, người cao trung bình. Ảnh hưởng bởi dòng dõi quý tộc và phong cách con nhà quyền quý ông thích mặc áo chùng màu trắng kèm theo những giải màu tím. Áo choàng ngoài cũng màu trắng thêu màu tím bốn góc. Là một người thông thái, thông thạo nhiều ngôn ngữ, tính tình nhân hậu, vui vẻ và chuyên cần cầu nguyện ngày đêm. Tuy dòng dõi hoàng gia nhưng ông hội nhập vui sống với những ngư phủ, thứ dân, ngôn từ bình dị, không hề than thở hay tỏ ra cao ngạo.
Phúc âm Matthew, Marcô và Luca luôn nhắc đến Philip và Barthôlômêo. Phúc âm Gioan nhắc Philip giới thiệu Nathanael cho Chúa Yêsu nên có nhiều học giả cho là Barthôlômêo và Nathanael là một.
Barthôlômêo giảng đạo tại Ấn Độ với tông đồ Phillip và miền Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kì). Hành trang giảng đạo vỏn vẹn có cuốn sách Phúc Âm thánh Matthêu viết bằng tiếng Hy Bá. Vợ quan toàn quyền Astyages được ơn lạ. Thánh nhân cứu sống qua cơn bệnh ngặt nghèo. Bà tin theo đạo và trở thành người giúp việc tận tình cho việc truyền giáo. Số người trở lại tin theo lên đến nhiều ngàn. Làn sóng người tin đạo gây một phản ứng ngược mạnh mẽ trong giới lãnh đạo. Trước áp lực của các quan cận thần và sợ tiếng quở trách của hoàng đế Rôma. Toàn quyền Astyages ra lệnh ngăn cấm dân chúng không được theo đạo. Lệnh cấm không làm giảm niềm tin; trái lại số người tin theo tăng ngày một nhiều. Giải pháp duy nhất Astyages thực hiện là bắt các tông đồ tống ngục. Việc làm gây tiếng vang giữa các tín hữu. Người tin theo càng can đảm hơn. Họ lầm lí luận xử tử các ngài đạo sẽ tan. Họ không biết các ngài chỉ là công cụ của Thiên Chúa. Ngoài xã hội, giết kẻ lãnh đạo đoàn thể đó tan. Lãnh đạo trong Giáo Hội là Chúa. Đức Kitô đi rao giảng bây giờ trở thành kẻ được rao giảng.
Bị bắt chung với Philip, quan tòa ra lệnh tha Bartholomew, còn Philip thì bị án tử. Lính được lệnh treo ngài vào thập tự không phải đóng bằng đinh nhưng dùng giáo đâm lủng hai đùi, xỏ giây qua treo ngược trên thập tự. Bartholomew được tự do có lẽ do sự can thiệp của vợ quan toàn quyền, cũng có thể do chính vị chánh án xử cũng tin theo Chúa và nhận được ơn nên ông ra lệnh tha Bartholomew.
Chứng kiến cảnh Philip tử đạo, Bartholomew sang Armenia (quê hương mẹ Têrêsa). Ngày nay phần đất này nằm giữa biên cương Irăn và Sô Viết. Bartholomew là thánh bổn mạng của quốc gia này. Thực ra Bartholomew không phải là nhà truyền giáo đầu tiên trên phần đất này. Trước đó vào các năm 43-66, thánh Tông Đồ Thađêô đến Armenia giảng đạo. Barthôlômêô có mặt vào khỏang năm 66-68. Như thế hạt giống Tin Mừng đức tin được thánh tông đồ Thađêô gieo rắc một thời gian dài là 23 năm trước đó. Hai năm 66-68, Bartholomew là người tưới cho hạt giống đức tin nảy mầm và mọc xanh tốt.
Bartholomew không trú ngụ hẳn tại Liên Sô hay Armenia nhưng thường xuyên đi lại giữa hai nước. Tại Armenia, Bartholomew đặt tay cầu nguyện cứu sống con gái vua. Việc tốt lành này làm nổi giận các đạo sĩ hầu cận nhà vua vì họ mất sủng ái. Gia đình tiểu vương tin theo Chúa nhưng các đạo sĩ trong cung điện mua chuộc anh vua. Nhóm này âm thầm ngầm bắt Bartholomew lột da sống rồi đóng đinh ngược tại Bashlake năm 68. Nay là thành phố Derbend. Đây là một hải cảng dân chúng sống nghề buôn bán ngựa cho chiến tranh.
Trong quá khứ các nhà địa lí dường như không phân biệt rõ ràng, mạch lạc như chúng ta hiểu ngày nay. Trong thời buổi hỗn mang đó, nhiều vua lắm chúa, bá tước và đại điền chủ đều xưng vương xưng bá, quyền hành như vua con một cõi nên việc phân biệt địa danh quả là có nhiều vấn đề. Thời đó Ấn Độ được hiểu là một trong các miền ở các vùng Ả Rập, Ethiôpia, Libya, Parthia, Persia, Medes và một phần Ấn Độ ngày nay.
Bước chân truyền giáo của các tông đồ rất khó xác định vì các ngài ra đi tự do, không người chỉ định. Sau ngày lễ Ngũ Tuần các ngài hăng hái ra đi về một phương trời vô định. Đến nơi này thấy có người đang truyền giáo các ngài bỏ đi nơi khác, thực hành câu sai đi rao giảng Tin Mừng đến khắp cùng bờ cõi. Vì quan niệm tứ hải đều là nhà nên nơi nào chấp nhận hạt giống đức tin; nơi đó các ngài cư ngụ. Nơi nào xua đuổi các ngài âm thầm ra đi. Sau này tin tức truyền giáo viết phỏng theo lời tường thuật của dân địa phương, truyền khẩu, nhớ đến đâu kể đến đó. Các sử gia cố gắng kiểm chứng, dò theo từng vết chân, bút tích, nhân chứng. Căn cứ vào thánh đường, thánh tích, lời truyền nếu các chi tiết đó ăn khớp với nhau coi như tin đó chính xác, đáng tin.
Dẫu thế mức độ chính xác cũng chỉ tương đối. Thứ nhất là chiến tranh, thứ hai là các tôn giáo bạn, nhóm nào cũng nhận đóng góp ít nhiều trong việc giúp các tông đồ. Chính vì thế mà khi đọc về lịch sử truyền giáo, các sử gia thường phải đối chiếu nhiều tài liệu khác nhau: lịch sử dân tộc, lịch sử công giáo, chính thống, địa phương sử và chiến sử rồi so sánh, gạn lọc truyền thống có nhiều bằng chứng nhất giữ lại. Truyền thống thần bí chờ nghiên cứu thêm.
Vấn đề ngôn ngữ là yếu tố khác. Có bản viết bằng tiếng La Tinh, bản khác tiếng Hy lạp cổ, tiếng thổ dân nên cần rất nhiều công tra cứu để đọc và hiểu rõ tác giả muốn viết gì. Da thuộc hiếm và đắt nên đắn đo từng chữ trước khi viết.
Ngày nay xác thánh Bartholomew được cất giữ ở nhiều nơi khác nhau. 508 vua Anastasius giữ xác thánh tại Duras, Mesopotamia. Thế kỉ thứ 6 thánh Gregory de Tours chuyển xác về Sicily. Năm 809 xác được chuyển sang Benevento. Năm 983, vua Otto đệ tam chuyển sang Roma.
Hiện nay một phần thánh tích chôn cất dưới thánh đường Bartholomew. Một xương cánh tay chuyển về Benevento và giám mục Edward tặng thánh đường Canterbury.
Tóm lược trong tài liệu:
1.The Search for the Twelve Apostles của W. McBirnie
2. The Twelve Apostles của R. Brownrigg
Lm Vũ đình Tường, Vietcatholic News

Suy niệm


      Tin mừng hôm nay tường thuật việc ông Philipphê giới thiệu Đấng Messia cho ông Nathanaen, cũng gọi là Barthôlômêô. Khi nghe nói về Đức Giêsu, ông Nathanaen không tin và cho rằng Ngài chẳng có gì nổi bật, vì xuất thân từ Nadarét, nhưng sau khi gặp Đức Giêsu ông đã thay đổi cách nghĩ. Tại sao niềm tin của ông lại thay đổi như thế?
Thời Đức Giêsu, dân Dothái hiểu cách nói “vua Israel” theo nghĩa: nhà vua sẽ thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng dân Israel khỏi ách nước ngoài, mà cụ thể là đế quốc Rôma. Ở Ga 1,49 ông Nathanaen cũng không hiểu xa. Ông Nathanaen nghĩ vua Israel phải trổi vượt, phải là một nhân vật nổi bật hay ít ra cũng phải sinh ra trong một gia đình giàu có, quí phái trong một thành đô rộng lớn. Nên khi Philipphê báo cho ông biết Đấng muôn dân mong chờ đã xuất hiện là người làng Nadarét, Nathanaen đã không tin. Ông đã phản bác “Từ Nadarét có thể có cái gì hay được”. Nhưng sau đó, ông lại nói “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel”. Tuy ông tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng ông lại hiểu tước hiệu này cách mập mờ, hay nói đúng hơn, tước hiệu ấy ám chỉ đấng được Thiên Chúa xức dầu, nói lên sự liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, người được Thiên Chúa chọn. Có lẽ sau ngày Phục Sinh, ông mới hiểu cách rõ ràng về tước hiệu này.
Như thánh Philipphê đã không ngần ngại giới thiệu Đức Giêsu cho người bạn của mình, thì ngày nay, giữa một thế giới, xã hội đa tôn giáo, chúng ta có sẵn sàng giới thiệu Chúa Giêsu cho những người xung quanh không? Chúng ta đã giới thiệu như thế nào về Đức Giêsu: làm cho Ngài được nổi bật hay là đánh bóng bản thân mình?
Sau khi gặp Chúa Giêsu, thánh Barthôlômêô đã thay đổi cách suy nghĩ và biến đổi cuộc đời: trở nên môn đệ và sẵn sàng làm chứng cho Chúa đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta? Hằng ngày nghe Lời Chúa, chúng ta đã để cho Lời Chúa tác động, và thực hành như ý Ngài muốn không, và ta đã thay đổi đời sống như thế nào? Khi rước lấy Thánh Thể chúng ta đã biến đổi cuộc đời chưa?
Lạy Chúa Giêsu, niềm tin của con còn non yếu và chính bản thân con cũng chưa xác tín niềm tin vào Chúa nên thường dễ xa ngã trước những cám dỗ. Xin thêm niềm tin cho con để mỗi ngày con một hiểu biết Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn. Xin Chúa biến đổi con mỗi khi con gặp được Chúa, xin canh tân đời sống của con khi con lắng nghe Lời Chúa.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám

24 THÁNG TÁM

Ngụp Lặn Trong Tình Yêu Của Đức Kitô

Chúng ta nên cùng nhau suy tư về ý nghĩa của Thượng Hội Đồng bất thường được tổ chức năm 1985. Biến cố này nhắc chúng ta nhớ Giáo Hội phải dấn bước theo tinh thần của Công Đồng Vatican II như thế nào.

Đó là tinh thần gì? Đức Phaolô VI đề cập đến tinh thần này trong Ecclesiam tuam, thông điệp đầu tiên của ngài. Một đàng, “đây là thời gian mà Giáo Hội phải đào sâu ý thức về chính mình, phải suy tư về mầu nhiệm nơi chính mình, phải khám phá … giáo lý … về các căn nguyên của mình, về bản chất và sứ mạng của mình, về định mệnh cuối cùng của mình.” Đàng khác, Đức Phaolô VI nói tiếp: “Giáo Hội phải đi vào trong cuộc đối thoại với thế giới mà mình đang sống với. Giáo Hội phải trở thành một tiếng nói, một sứ điệp. Đây là hai định hướng được đặt ra cho Giáo Hội: Giáo Hội phải đồng thời chu toàn sứ mạng của mình within and without. Giáo Hội phải nhận thức và đào sâu cảm thức về căn tính của mình, trong khi đồng thời làm cho sứ điệp của Đức Kitô thấm nhập và hoạt động nơi anh chị em chung quanh mình.”

Vâng, Công Đồng Vatican II đã đáp ứng những kỳ vọng này. Với một sự đồng tâm nhất trí cao độ, Giáo Hội cảm nhận sâu sắc mối gắn kết với các nguồn căn tông đồ của mình. Giáo Hội cũng hiểu mình phải theo con đường nào để trung thành với Đức Kitô trong thế giới hôm nay. Nói tóm, Giáo Hội cảm thấy ngụp lặn trong tình yêu của Đức Kitô – tình yêu mà Giáo Hội đưa ra để chia sẻ cho những người khác: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” (Ga 15,9.17).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 24-8
Thánh Batôlômêô, Tông đồ
Kh 21, 9b-14; Ga 1, 45-51


LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện ông Philípphê giới thiệu Chúa Giêsu cho ông Nathanaen, ông Nathanaen đã không mấy quan tâm, nhưng ông Philípphê đã mời: “Cứ đến mà xem” (c.46b). Hôm nay tất cả mọi Ki-Tô hữu đều có bổn phận loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, tuổi tác và trình độ văn hóa. Nên chúng ta có khi không đủ ngôn từ, thông minh và khôn ngoan để trình bày cho người anh em. Chúng ta phải học cách giới thiệu của Thánh Philípphê, hãy dẫn họ đến với Chúa, qua các chủ chăn trong Giáo Hội, để họ được thấu suốt những gì mà mình không thể diễn đạt hết ý nghĩa. Giúp người anh em nhận ra Chúa mà sống với giáo huấn của Ngài.

Mạnh Phương


24 Tháng Tám

Tách Nước Tràn Ðầy

Ðể đả phá sự kiêu ngạo, người Nhật Bản thường kể câu chuyện sau: Có một nhà hiền triết nọ nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức. Ai ai cũng tìm đến vấn kế.
Ðể kiểm chứng điều đó, một hôm có một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Ông trang bị cho mình không biết bao lý lẽ và kiến thức.
Khi ông giáo sư đại học an tọa trong phòng khách, nhàhiền triết mới đưa một bình trà thật nóng ra tiếp khách .Ông bắt đầu rót nước vào tách của ông giáo sư . Những giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra tách, nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót tiếp. Nước tràn ra cả khay... Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay rồi nghĩ thầm trong lòng: thì ra con người mà thiên hạ tôn thờ như bậc thánh hiền chỉ là một con người lơ đễnh, bất chấp... Không còn đủ kiên nhẫn nữa, vị giáo sư mới nói lớn: "Thưa ngài tách trà đã đầy tràn, nước đang chảy lai láng ra bên ngoài cả khay kìa".
Lúc bấy giờ nhà hiền triết mới dừng tay lại và nói: "Cũng giống như tách này, đầu óc của ông tràn đầy văn hóa, kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông, thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi, bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở".

Có dốc cạn tâm hồn, có trở nên nghèo nàn, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy. Cái nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là khi con người tìm cách lấp đầy tâm hồn mình bằng những của cải chóng qua ở đời này, thì đó cũng là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất trong tâm hồn. Trái lại, càng dốc cạn chính mình, càng trở nên nghèo nàn, con người càng được Thiên Chúa lấp đầy, con người càng tìm thấy bình an và hạnh phúc đích thực.

(Lẽ Sống)

Thứ Bẩy 24-8
Thánh Batôlômêô

T
rong Tân Ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho rằng ngài là Natanien, người Cana xứ Galilê được Philípphê mời đến gặp Ðức Giêsu. Và Ðức Giêsu đã khen ông: "Ðây đích thực là người Israel. Lòng dạ ngay thẳng" (Gioan 1:47b). Khi Natanien hỏi Ðức Giêsu làm sao Ngài biết ông, Ðức Giêsu trả lời "Tôi thấy anh ở dưới cây vả" (Gioan 1:48b). Ðiều tiết lộ kinh ngạc này đã khiến Natanien phải kêu lên, "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa; chính Thầy là Vua Israel" (Gioan 1:49b). Nhưng Ðức Giêsu đã phản ứng lại, "Có phải anh tin vì tôi nói với anh là tôi thấy anh dưới cây vả? Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!" (Gioan 1:50)
Quả thật Natanien đã được nhìn thấy những điều trọng đại. Ngài là một trong những người được Ðức Giêsu hiện ra trên bờ biển Tiberia sau khi Phục Sinh (x. Gioan 21:1-14). Lúc ấy các ngài chài lưới cả đêm mà không được gì cả. Vào buổi sáng, họ thấy có người đứng trên bờ dù rằng không ai biết đó là Ðức Giêsu. Ngài bảo họ tiếp tục thả lưới, và họ bắt được nhiều cá đến nỗi không thể kéo lưới lên nổi. Sau đó Gioan nói với Phêrô, "Chính Thầy đó."
Khi họ dong thuyền vào bờ, họ thấy có đám lửa, với một ít cá đang nướng và một ít bánh. Ðức Giêsu bảo họ đem cho mấy con cá tươi, và mời họ đến dùng bữa. Thánh Gioan kể rằng mặc dù họ biết đó là Ðức Giêsu, nhưng không một tông đồ nào dám hỏi ngài là ai. Thánh Gioan cho biết, đó là lần thứ ba Ðức Giêsu hiện ra với các tông đồ.
Sổ Tử Ðạo Rôma viết rằng Thánh Batôlômêô đã rao giảng ở Ấn và Armenia, là nơi ngài bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages.
Lời Bàn
Batôlômêô hay Natanien? Một lần nữa chúng ta phải đương đầu với sự kiện là hầu như chúng ta không biết gì về các tông đồ. Tuy vô danh nhưng các vị vẫn là nền tảng, là 12 cột trụ của Israel mới mà 12 chi tộc ấy đã tràn lan trên khắp mặt đất. Cá tính của các ngài chỉ là thứ yếu (nhưng không vì thế mà bị coi thường) so với nhiệm vụ trao truyền lại những gì các ngài được cảm nhận đầu tiên, được lên tiếng nhân danh Ðức Giêsu, được đưa Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể vào ngôn ngữ loài người để khai sáng thế gian. Sự thánh thiện của các ngài không phải là thái độ trầm ngâm về thân phận trước mặt Thiên Chúa. Ðó là một ơn sủng mà họ phải chia sẻ với tha nhân. Ðược gọi là Tin Mừng vì tất cả chúng ta được mời gọi trở nên thánh thiện khi là phần tử của Ðức Kitô, qua ơn sủng từ bi của Thiên Chúa.
Sự thật thì loài người hoàn toàn vô dụng trừ phi được Thiên Chúa lưu tâm. Do đó, vì được trở nên thánh thiện bởi chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhân loại trở thành tạo vật quý báu nhất của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Cũng như chính Ðức Kitô, các tông đồ không ngừng làm chứng cho chân lý của Thiên Chúa. Họ chứng tỏ sự can đảm khác thường khi 'mạnh dạn nói lời của Thiên Chúa' (TÐCV 4:31) trước dân chúng và nhà cầm quyền. Với đức tin mạnh mẽ, các ngài xác tín rằng chính phúc âm là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu chuộc những người có lòng tin... Các ngài đã noi gương hiền lành và khiêm nhường của Ðức Kitô" (Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo, 11).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét