THỨ BẢY 31/08/2013
Thứ Bảy Tuần XXI Thường Niên Năm 1
BÀI ĐỌC I: 1 Tx 4, 9-11 (Hl 9-12)
"Chính anh em đã được
Thiên Chúa dạy cho biết phải thương yêu nhau".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, về tình bác ái huynh đệ, thì chúng tôi không cần
viết cho anh em: vì chính anh em đã được Thiên Chúa dạy cho biết phải thương
yêu nhau. Vì chưng anh em đã thi hành điều đó với mọi anh em trong toàn xứ
Macêđônia. Nhưng, anh em thân mến, chúng tôi xin anh em hãy tiến tới hơn nữa,
hãy cố gắng sống cho hoà thuận, thi hành các việc bổn phận, dùng tay mà làm việc
như chúng tôi đã truyền dạy anh em, ăn ở lương thiện với những người ngoài, và
khỏi cần nhờ đến ai. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 7-8. 9
Đáp: Chúa ngự trị cai quản
chư dân trong đường chính trực (c. 9).
1)
Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay
hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của
Người. - Đáp.
2)
Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên; cả địa cầu và những dân cư
ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy
hân hoan nhảy nhót. - Đáp.
3)
Trước thiên nhan Chúa, vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người
cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chánh trực.
- Đáp.
ALLELUIA: 2 Tx 2, 14
Alleluia,
alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được
chiếm lấy vinh quang của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 25, 14-30
"Vì ngươi đã trung
tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng:
"Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của
ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một
nén, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi. Người lãnh năm nén bạc, ra đi
và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Cũng vậy, người lãnh hai
nén cũng làm lợi ra hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu
tiền của chủ mình. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ trở về và đòi
họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng:
'Thưa ông, ông đã trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác'.
Ông chủ bảo người ấy rằng: 'Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung
tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự
vui mừng của chủ ngươi'. Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: 'Thưa ông,
ông đã trao cho tôi hai nén bạc, đây tôi đã làm lợi được hai nén khác'. Ông chủ
bảo người ấy rằng: 'Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín
trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui
mừng của chủ ngươi'.
"Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: 'Thưa ông, tôi biết
ông là người keo kiệt, gặt chỗ không gieo và thu nơi không phát, nên tôi khiếp
sợ đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Đây của ông, xin trả lại ông".
Ông chủ trả lời người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, ngươi đã
biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra ngươi phải giao bạc của
ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các
ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho
thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy
đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó
sẽ phải khóc lóc, nghiến răng". Đó
là lời Chúa.
SUY NIỆM : Trách Nhiệm Của
Các Bậc Cha Mẹ
Trong
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc một ông chủ trước khi đi xa, đã
trao cho đầy tớ, mỗi người một số nén bạc để làm lợi thêm, và khi trở về, ông
chủ đã gọi các đầy tớ đến tính sổ. Ðã có nhiều lối giải thích suy tư về các nén
bạc; ở đây chúng ta lồng dụ ngôn trong khung cảnh: ông chủ là Thiên Chúa, đầy tớ
là các bậc cha mẹ, nén bạc là con cái.
Ðiều
răn thứ tư dạy con cái phải thảo kính cha mẹ; điều này có nghĩa là nếu con cái
lỗi phạm giới răn này thì sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt. Bổn phận của con cái là
tôn kính, yêu mến và đền đáp công ơn cha mẹ: đó là bài học cơ bản của các kẻ
làm con. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không phải là vị thẩm phán chí công, nếu
không xét xử những bậc cha mẹ không làm tròn bổn phận của mình. Nếu con cái phải
thảo kính cha mẹ, thì cha mẹ cũng phải tôn trọng yêu thương con cái. Mỗi người
con là một nén bạc Chúa trao, cha mẹ là những đầy tớ có nghĩa vụ canh giữ và
làm lợi nén bạc này. Dĩ nhiên, chỉ một mình Thiên Chúa mới là chủ duy nhất và
tuyệt đối trên mỗi người con: bổn phận của cha mẹ là cộng tác dưỡng nuôi thân
xác, hướng dẫn tinh thần và thiêng liêng, để con cái lớn lên trong sự thật và
trong niềm kính sợ yêu mến Thiên Chúa.
Nếu
con cái là hình ảnh của cha mẹ tiếp liền sau hình ảnh của Thiên Chúa, thì điều
này nhắc nhớ cha mẹ phải là những người sinh con hai lần: một lần cho trần
gian, và một lần cho Thiên Chúa. Ðịnh mệnh vĩnh cửu của con người không phải ở
trần gian này, nhưng là trời cao. Do đó, cha mẹ phải luôn hướng dẫn tâm hồn con
cái hướng về trời cao khi chúng còn thơ bé, và cả khi chúng đã lớn khôn nữa.
Trách
nhiệm của các bậc cha mẹ thật nặng nề, nhưng cũng vô cùng cao cả. Nếu cha mẹ
chu toàn bổn phận Chúa trao, chắc chắn trong ngày Chúa đến, họ sẽ được nghe lời
này: "Hỡi tôi tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ
ngươi". Và đó là điều chúng ta phải cầu xin cho các bậc làm cha mẹ.
(Veritas Asia)
Cộng
tác với ơn Chúa (Mt 25,14-30)
Qua
đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thiên Chúa như ông chủ đi công tác xa trao lại
cho mỗi chúng ta một số bạc, tượng trưng cho tất cả những gì Ngài ban cho chúng
ta và bổn phận chúng ta là dùng số bạc đó để sinh lợi. Chúng ta biết rằng Thiên
Chúa là Ðấng dựng nên ta và ban cho chúng ta những khả năng riêng, những nén bạc
nhiều ít tùy ý Ngài. Chúa cũng chỉ đòi hỏi chúng ta sinh lợi theo khả năng của
mình. Thiên Chúa không bắt chúng ta phải làm những gì vượt quá khả năng Ngài đã
ban cho chúng ta, chỉ cần một chút trung thành là chúng ta có thể làm trọn công
việc của Ngài trao cho chúng ta.
Sau
một thời gian lâu dài, ông chủ đến và thanh toán sổ sách. Kẻ sinh lợi được năm
nén cũng được khen như người sinh lợi được hai nén: "Khá lắm, hỡi đầy tớ
tài giỏi và trung thành, được giao ít mà anh đã trung thành thì tôi sẽ giao nhiều
cho anh. Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh", vì cả hai cùng làm tròn nhiệm
vụ của chủ giao với hết khả năng của mình. Nhưng khả năng Chúa ban cho không phải
chỉ để được chôn vùi dưới đất, không phải để được cất giữ nhưng phải để được
sinh lợi, phục vụ anh em.
Vậy
mỗi chúng ta hãy cố gắng sống trung thành và trọn vẹn với những gì mình đã lãnh
nhận, tức là chúng ta tích cực cộng tác với ơn của Chúa, với tinh thần trách
nhiệm để làm cho những ân huệ, những khả năng Chúa ban và ngay cả sự hiện hữu của
ta được sinh hoa kết quả trong cuộc sống hàng ngày, là thời gian dường như Chúa
vắng mặt. Chúng ta không nên có thái độ như người lãnh một nén, xem Chúa như
người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, nên đã lo sợ và đem chôn
giấu nén bạc dưới đất, để rồi đến lúc đem trả lại y nguyên. Chúa sẽ trách chúng
ta như ông chủ trong dụ ngôn trách người đầy tớ biếng nhác: "Hỡi đầy tớ tồi
tệ và biếng nhác, anh đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì
đáng lý anh phải gởi sổ bạc của tôi cho các chủ ngân hàng, để khi tôi đến, tôi
thu hồi của thuộc về tôi cùng với số lời chứ. Vậy, các ngươi hãy lấy nén bạc khỏi
tay nó mà đưa cho người có mười nén". Chúng ta không nên nghĩ xấu cho Chúa
để rồi sống mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ Ngài. Nhưng hãy sống đơn sơ phó thác
như con thảo đối với cha mình và yêu thương anh chị em. Khi sống trong tình
thương và gắn bó với Thiên Chúa, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy sợ hãi nhưng là
luôn sống tích cực trong phận vụ của mình trong sự cậy trông và tin tưởng vào
tình thương quan phòng của Thiên Chúa.
Lạy
Chúa,
Xin
ban cho chúng con một đức tin vững bền để chúng con trung thành với ơn mình đã
lãnh nhận là làm phát sinh những điều thiện hảo, nhờ đó mọi người sẽ được hưởng
niềm vui của ngày Chúa đến trong vinh quang.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 21 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 25,14-30
A. Hạt giống...
Dụ ngôn các nén bạc :
- Thiên Chúa trao cho mỗi người số nén bạc không
đồng đều, kẻ nhiều người ít.
- Nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là
cách mỗi người xử dụng những nén bạc đó. Bởi thế người đã lãnh 5 nén và người đã
lãnh 2 nén mà xử dụng tốt đều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng
của chủ”.
- Cách xử dụng tốt những nén bạc là làm cho chúng
sinh lời. Làm cho chúng sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng,
mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ : người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để
đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.
B.... nẩy mầm.
1. 3 người đầy tớ trong dụ ngôn này không hề so
đo phân bì với nhau vì tại sao kẻ thì được nhiều kẻ thì được ít. Họ chỉ khác
nhau ở tấm lòng đối với chủ.
Tôi cũng đừng so đo với người khác về những khả
năng Chúa ban cho tôi ; kiêu căng đối với kẻ ít khả năng và đố kỵ đối với kẻ
nhiều khả năng hơn mình. Tôi chỉ nên nghĩ tới Chúa thôi : Chúa mong chờ gì nơi
tôi khi trao cho tôi những khả năng đó ?
2. Người đầy tớ thứ ba có nhiều điểm xấu : ít khả
năng, lại không lo phát triển những khả năng ít ỏi đó, mà còn trách chủ keo
kiệt. Hình phạt của hắn là một lời cảnh giác cho tôi.
3. “Người có sẽ được cho thêm và sẽ được dư dật”
: Lời hứa này là một sự khuyến khích rất lớn cho tôi. “Có” gì và “được cho
thêm” gì ? Thưa : cầu nguyện, tinh thần kết hợp với Chúa, sức sống thần linh
của Chúa, ơn Chúa v.v.
4. Chúng ta cũng có thể hiểu nén bạc là đức tin.
Đức tin được ban cho chúng ta một cách nhưng không, nhưng không bởi vì chúng ta
có được đức tin mà không do bất cứ công lao nào của chúng ta. Một niềm tin được
chia sẻ là một niềm tin sống động, trái lại một niềm tin chôn cất sẽ là một
niềm tin bị mai một và chết dần. (Chờ đợi Chúa)
5. Ông chủ nói với người đầy tớ : “Khá lắm ! Hỡi
người đầy tớ tài giỏi và trung thành ! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì
tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt
25,23)
Sau khi đến thăm gia đình của người bạn học vừa
mất, cô bé trở về nhà.
Vẻ mặt giận dữ, cha cô bé hỏi :
“Tại sao con đến nhà người ta vào lúc này ?”
Cô bé trả lời : “Con đến để an ủi mẹ bạn ấy”.
- Nhưng con thì làm được gì ?
- Ba ơi con chẳng làm được gì, vì thế con ngồi
vào lòng mẹ bạn ấy.
Lúc đó, cô bé chỉ biết khóc, nhưng đã an ủi lòng
“người mẹ”.
Và tôi, trong cuộc sống, tôi cũng biết cười
để trao tặng “nụ cười hồng” cho mọi người.
Một miếng trầu tôi tiêm cho ngoại
Tách cá phê tôi pha cho bố mỗi sáng
Một chiếc áo dài tôi thêu cho mẹ
Và chiếc nơ hồng bắt bím cho chị
những bài học hay tôi mang đến với trẻ thơ
Tôi đã làm tất cả với hết khả năng và nhiệt huyết
của mình.
Tôi vui vì đã góp phần tô điểm cho cuộc sống thêm
hương vị.
Lạy Chúa ! Xin giúp con biết sinh lợi những nén
bạc Chúa trao, biết trung thành với bổn phận hằng ngày. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
31/08/2013 THỨ BẢY TUẦN 21 TN
Mt 25,14-30
KHÔNG CHỈ CHO CHÚNG CON...
“Ông cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một
nén, tuỳ khả năng riêng mỗi người.” (Mt 25,14)
Suy niệm: Số vốn được giao cho các
đầy tớ không phải là nhỏ. Một nén tương đương hơn 20 năm tiền lương của một người
làm công suốt cả ngày. Thế nhưng, trong khi hai đầy tớ được năm nén và hai nén
tích cực sinh lời theo ý chủ, người đầy tớ được một nén lại có cái nhìn hẹp hòi
và tiêu cực về chủ mình: ông ấy là người keo kiệt, “gặt chỗ không gieo, thu nơi
không phát”! Đó cũng có thể là cái nhìn của ta về Chúa mỗi khi so sánh với những
kẻ có nhiều ưu điểm hơn mình. Ta bất mãn với Chúa, không bằng lòng với những gì
mình có, dù Chúa đã ban cho ta rất nhiều. Cái nhìn so bì đó khiến ta ganh tị với
người khác; cái nhìn tiêu cực bi quan làm ta không tích cực phát triển vốn liếng
khả năng Chúa ban, và chỉ
Mời Bạn: Vấn đề không phải ở chỗ
Chúa ban cho bạn nhiều hay ít, nhưng nơi cung cách bạn sử dụng: phụng sự Chúa
và mưu ích cho phần rỗi, hay chỉ để hưởng thụ ích kỷ? Nhìn lại đời mình, bạn thấy
đang sử dụng những tặng phẩm Chúa ban (giáo dục, sức khoẻ, trí khôn, của cải...)
cho mục tiêu gì?
Sống Lời Chúa: Tôi tập không so sánh,
phân bì với những người chung quanh, nhưng bằng lòng và cảm tạ Chúa về những gì
mình có, và nỗ lực sinh lợi qua việc sử dụng để phụng sự Chúa và xây dựng Nước
Trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cảm tạ
Chúa đã tin tưởng giao nhiều vốn liếng khả năng cho chúng con. Xin cho chúng
con sử dụng xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa: không chỉ dành cho bản thân và
gia đình, nhưng cho việc xây dựng Nước Trời. Amen.
SUY
NIỆM
Đức Giêsu kể dụ ngôn: một ông chủ sắp đi xa và muốn
giao những khoản tiền cho các đầy tớ: người được năm nén, người được hai và
người được một. Và sau đó, thái độ của các đầy tớ cũng khác nhau dẫn đến những
số phận khác nhau.
Người nhận được năm nén đã làm ăn sinh lợi được năm
nén khác. Người nhận được hai nén cũng làm ăn sinh lợi được hai nén khác. Nhưng
người nhận được một nén thì lại đào lỗ, chôn giấu nén bạc, không dám làm ăn vì
sợ thua thiệt.
Và đến khi ông chủ về thì số phận mỗi đầy tớ đã trở
nên rõ ràng. Hai người đầy tớ biết làm ăn sinh lợi được ông chủ khen ngợi và
thưởng công. Còn anh đầy tớ chôn giấu nén bạc bị ông chủ khiển trách vì biếng
nhác. Ông lấy lại nén bạc đó và trừng phạt anh đầy tớ đó.
Câu chuyện dụ ngôn nay nhắc tôi về những ân huệ mà tôi
nhận được từ Thiên Chúa: hoàn cảnh, sức khỏe, tài năng, khả năng… Những nén bạc
đó cần được làm cho sinh lợi qua tình yêu và thiện chí của tôi.
Mong sao, tôi luôn ý thức rằng, dù nén bạc
Chúa trao cho mỗi người khác nhau, nhưng ai cũng có bổn phận phải sinh lợi.
Mong sao, tôi biết dùng tất cả khả năng và
hoàn cảnh mình đang có, để làm cho những gì Chúa ban được sinh lợi nhiều nhất.
Hãy Nâng
Tâm Hồn Lên Tháng Tám
31 THÁNG TÁM
Đâu Là Vai Trò Riêng Của
Các Hội Đồng Giám Mục Cấp Quốc Gia?
Các hội đồng giám
mục quốc gia đã trở thành một thực tại sống động, cụ thể trên mọi miền thế giới.
Thượng Hội Đồng nhận thấy nhu cầu cần đào sâu sự hiểu biết thần học nhất là nền
tảng tín lý của những tổ chức này. Các tổ chức này đã có nhiều đóng góp rất giá
trị cho công việc của Giáo Hội tại những quốc gia khác nhau. Điề này thật đáng
khích lệ. Nhưng sự phát triển và tầm mức ảnh hưởng ngày càng tăng của các tổ chức
này cũng làm bật lên những vấn đề về tín lý và mục vụ trong Giáo Hội. Chúng ta
tự hỏi: Các hội đồng giám mục nên phát triển như thế nào? Đâu là vai trò của
các tổ chức này trong đời sống Giáo Hội?
Chính Công Đồng
Vatican II – trong Sắc Lệnh về các giám mục và về vai trò quan trọng của các
giám mục trong đời sống Giáo Hội – đã thúc đẩy việc đào sâu nhận hiểu về nền tảng
tín lý của các hội đồng giám mục quốc gia. Trong Bộ Giáo Luật, cũng có đề cập đến
các hội đồng giám mục này. Giáo luật tuyên bố rằng các giám mục “liên kết với
nhau thực hiện một số chức năng để thăng tiến những thiện ích mà Giáo Hội cung ứng
cho con người. (GL 447).
Chúng ta hãy
cầu xin Chúa Thánh Thần tác động mạnh mẽ nơi các hội đồng giám mục quốc gia – để
mọi quốc gia trên trái đất này có thể được chăm sóc mục vụ hữu hiệu và được lớn
lên trong đức tin
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô
II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
31-8
1Tx
4,9-11; Mt 25, 14-30
LỜI SUY NIỆM: Trong dụ ngôn những yến
bạc. Cho chúng ta thấy, mỗi người tùy theo khả năng mà Chúa ban cho số nén bạc.
Những nén bạc Chúa trao, bắt buộc mỗi người phải làm sinh lợi, chứ không được
đem chôn, không dùng đến. Trong đời sống của chúng ta. Tất cả những gì của
chúng ta đang có, đang hưởng dùng đều do Chúa ban phát. Đó là những tài năng, những
hiểu biết, những khôn ngoan, những sự thông minh, và cả của cải. Chúng ta phải
ý thức đó là những nén bạc Chúa trao vào tay chúng ta, để chúng ta phục vụ con
người, chứ không phải cất giữ riêng cho mình, và mình có toàn quyền trên những
sự ấy. Sẽ có ngày tính sổ. Được thưởng hay bị phạt, là tùy cách chúng ta dùng
ân sủng của Ngài ban.
Mạnh Phương
31
Tháng Tám
Ốc Ðảo Hòa
Bình
Cách
Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống
chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người
Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là "Ốc đảo hòa
bình".
Năm
1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm
sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả
Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng Hòa Bình này hiện nay
là 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh chứng rằng người Do
Thái và người Ả Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của
nhau.
Người
sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục công giáo năm nay 78
tuổi. Cha ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ ngài là một người Hungary
cũng gốc Do Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khổ đạo. Năm lên 22 tuổi,
ngài đã trở lại công giáo và xin tu trong viện Ðaminh. Cha Bruno Hussar tuyên bố
với tất cả xác tín như sau: "Trong Kinh Thánh người ta đọc được lời này:
Dân Ta sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố gắng cảm thông là điều có thể làm cho
những người Do Thái và Ả Rập xích lại gần nhau, cũng như chính những người Kitô
có thể đến gần với những người Hồi Giáo và vô thần".
Ước
vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy
chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một
trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó các trẻ em Do Thái và Ả
Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng tác viên của cha Bruno
cho biết như sau: "Ngay từ lúc nhỏ, các trẻ em đã có thể làm quen với hai
nền văn hóa một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là các em sẽ đánh mất nền văn
hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng
người khác".
Ðể
bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây
nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của
họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác
nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi
dân cư trong ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa chung với nhau.
Người
phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: "Ngồi đồng bàn để nói chuyện với
nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều".
Cũng
như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này
đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta
cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái
và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữa...
Thà đốt lên một ngọn nến
hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối... Những người dân cư trong ngôi làng Hòa
Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra. Một
ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ tàn lụi một cách vô ích. Nó sẽ lan ra và
khơi dậy những ngọn lửa mới.
Tình yêu là điều có thể
có giữa con người. Hòa bình là điều mà con người có thể xây dựng nếu con người
biết tin tưởng nhau, biết chấp nhận nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của
nhau...
Trong phạm vi nhỏ bé của
một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể
xây dựng được một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?...
(Lẽ Sống)
Thứ Bẩy 31-8
Tôi Tớ Thiên Chúa
Cha Martin Valencia
Cha Martin Valencia
(1470 - 1534)
K
|
hi Martin chào đời thì
Mỹ Châu chưa được khám phá. Khi ngài từ trần là khi Giáo Hội Công Giáo nỗ lực
rao giảng phúc âm ở lục địa ấy.
Sinh trưởng ở một ngôi
làng nhỏ bé ở Leon, Juan Martin de Boil gia nhập dòng Phanxicô ở Mayorga thuộc
tỉnh Santiago, Tây Ban Nha. Sau khi chịu chức, ngài được bổ nhiệm về quê cũ.
Vào năm 1517, khi Martin Luther nổi tiếng ở Ðức, Cha Martin de Boil làm bề trên
Tỉnh Dòng St. Gabrien.
Trong thời gian đệ tử,
Martin thường bắt chước Thánh Phanxicô, thay đổi đời sống theo gương Ðức Kitô.
Nhưng ngài không nhận ra ước vọng truyền giáo đã nhen nhúm ngay từ thuở ban đầu
mãi cho đến khi ngài 54 tuổi.
Vào năm 1524, theo lời
yêu cầu của Hoàng Ðế Charles V, Cha Martin dẫn 11 tu sĩ sang Mễ Tây Cơ, là nơi
họ được gọi là "12 Tông Ðồ của Mễ Tây Cơ." Tất cả các tu sĩ
tiên khởi ở Mễ Tây Cơ đều rất nghèo và rất hãm mình. Thay mặt cho các người địa
phương, các tu sĩ lên tiếng phản đối sự bất công của người thực dân Tây Ban
Nha.
Bất kể sức khoẻ yếu kém,
Cha Martin cũng đi đây đi đó khắp nơi và rao giảng đức tin cho bất cứ ai ngài
gặp. Ngài từ trần trong một chuyến đi truyền giáo.
Lời Bàn
Qua bao năm, việc loan
truyền Tin Mừng về Ðức Giêsu được coi là một công việc hầu như dành cho linh
mục và tu sĩ. Nếu quả thật công việc truyền giáo là "căn tính sâu xa
nhất của Giáo Hội" như lời Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, thì công
việc này cũng hệ tại phần nào nơi mọi phần tử của Giáo Hội. Nhiệm vụ của Cha
Martin de Valencia đã hoàn tất, còn của chúng ta thì chưa.
Lời Trích
"Mục đích đặc
biệt của hoạt động truyền giáo là rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội nơi
các dân tộc và các tổ chức mà giáo hội chưa bén rễ. Các giáo hội bản xứ trên
toàn thế giới phải lớn mạnh từ hạt giống Lời Chúa, các giáo hội nào được tổ
chức đầy đủ thì sẽ làm chủ sức mạnh và sự trưởng thành của chính giáo hội ấy" (Công Ðồng Vatican II, Hoạt Ðộng Truyền Giáo của
Giáo Hội, #6).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét