Chúa Nhật 19 Thường Niên - Năm C
(Phần
I)
BÀI ĐỌC I: Kn 18, 6-9
"Như Chúa đã làm hại
đối thủ thế nào, Chúa cũng đã làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy".
Trích
sách Khôn Ngoan.
Chính đêm ấy, cha ông chúng ta đã biết trước, để biết chắc mình
đã tin tưởng vào lời thề nào mà được can đảm. Dân Chúa đã mong đợi sự giải
thoát những người công chính và sự tiêu diệt kẻ thù. Vì như Chúa đã làm hại đối
thủ thế nào, Chúa cũng kêu gọi để làm cho chúng tôi được vẻ vang như vậy.
Vì những con cái thánh thiện của các tổ phụ tốt lành đã lén lút
tế lễ, và đồng tâm thiết lập luật thánh thiện, ấn định rằng những người công
chính sẽ đồng hưởng vinh nhục, may rủi đều nhau; như vậy là họ đã xướng lên trước
bài ca tụng của các tổ phụ. Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 32, 1 và 12. 18-19. 20 và 22
Đáp: Phúc thay dân tộc mà
Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
1)
Người hiền đức, hãy hân hoan trong Chúa; ca ngợi là việc của những kẻ lòng
ngay. Phúc thay quốc gia mà Chúa là chúa tể, dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp
riêng mình. - Đáp.
2) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài,
nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết,
và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Đáp.
3) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài
là Đấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên
chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài.
- Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 11, 1-2, 8-19
"Ông mong đợi thành
trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và là Đấng sáng lập".
Trích
thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong
đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng
chứng tốt.
Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông
sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức
tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống
trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa.
Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và
là Đấng sáng lập.
Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu
bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một
người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao
trên trời và như cát bãi biển.
Chính trong đức tin mà tất cả những kẻ ấy đã chết trước khi nhận
lãnh điều đã hứa, nhưng được nhìn thấy và đón chào từ đàng xa, đồng thời thú nhận
rằng mình là lữ khách trên mặt đất. Những ai nói những lời như thế, chứng tỏ rằng
mình đang đi tìm quê hương. Giá như họ còn nhớ đến quê hương dưới đất mà họ đã
lìa bỏ, chắc họ có đủ thời giờ trở về. Nhưng hiện giờ họ ước mong một quê hương
hoàn hảo hơn, tức là quê trời. Vì thế, Thiên Chúa không ngại để họ gọi mình là
Thiên Chúa của họ, vì Người đã dọn sẵn cho họ một thành trì.
Nhờ đức tin, khi bị thử lòng, Abraham đã dâng Isaac. Ông hiến
dâng con một mình, ông là người nhận lãnh lời hứa, là người đã được phán bảo lời
này: "Chính nơi Isaac mà có một dòng dõi mang tên ngươi". Vì ông nghĩ
rằng Thiên Chúa có quyền làm cho kẻ chết sống lại, do đó, ông đã đón nhận con
ông như một hình ảnh. Đó là lời Chúa.
Hoặc
bài vắn này: Dt 11, 1-2, 8-12
Anh em thân mến, đức tin là cốt yếu những thực tại người ta mong
đợi, là bằng chứng điều bí ẩn. Vì nhờ đức tin mà các tiền nhân đã nhận được bằng
chứng tốt.
Nhờ đức tin, Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, để ra đi đến xứ ông
sẽ được lãnh làm gia nghiệp, và ông ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức
tin, ông đến cư ngụ trong đất Chúa hứa, như trong đất khách quê người, sống
trong lều trại, cũng như Isaac và Giacóp, những kẻ đồng thừa tự cùng một lời hứa.
Vì chưng, ông mong đợi thành trì có nền móng mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và
là Đấng sáng lập.
Nhờ đức tin mà ngay cả bà Sara son sẻ được sức mang thai, mặc dầu
bà đã già, bởi vì bà tin rằng Đấng đã hứa sẽ trung tín giữ lời. Vì thế, do tự một
người, mặc dầu người đó như chết rồi, mà có một dòng dõi đông đúc vô số như sao
trên trời và như cát bãi biển. Đó là lời
Chúa.
ALLELUIA: Ga 14, 5
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai
đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 12, 32-48
"Các con hãy sẵn
sàng".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hỡi đoàn bé
nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. Các
con hãy bán những của các con có mà bố thí. Hãy sắm cho các con những túi không
hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và
mối mọt không làm hư nát. Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở
đó.
"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và
hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho
chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các
con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh
hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy.
Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh
thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào
các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về
chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản
lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân
phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như
vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình.
Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh
đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó
không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với
những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn
sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý
chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã
ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì
sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn". Đó là lời Chúa.
Hoặc
bài vắn này: Lc 12, 35-40
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy
thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn
cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào
khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt
chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về
mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy. Các con hãy hiểu biết điều này
là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch
nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con
Người sẽ đến". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Tỉnh thức và cảnh
giác
Hẳn
chúng ta còn nhớ giáo huấn của Lời Chúa trong Chúa nhật trước. Các bài Thánh
Kinh hôm đó nhắc nhở chúng ta đang khi sinh sống ở trần gian đừng quên nghĩ đến
tương lai và định mệnh cuối cùng của mình. Như vậy Lời Chúa hôm nay rõ ràng muốn
tiếp tục giáo huấn chúng ta theo phương hướng ấy.
Bài
sách Khôn ngoan cho chúng ta thấy con cái Israel vì đã được báo trước về tương
lai nên đã bình tĩnh xử sự trong hiện tại như thế nào? Và thư Hipri nêu cao
gương sáng của Abraham khi đã tin vào tương lai thì vững vàng tiến bước trên đường
trần gian làm sao? Cuối cùng trong bài Tin Mừng Ðức Giêsu dạy chúng ta phải làm
gì đang khi chờ đợi ngày Chúa trở lại? Nếu chúng ta muốn tìm hiểu lại các bài
Kinh Thánh hôm nay theo diễn tiến thời gian, thì chúng ta hãy bắt đầu với thư
Hipri, rồi đến bài sách Khôn ngoan, và sau hết chúng ta sẽ đọc lại bài Tin Mừng.
1. Bài Thư Hipri
Chúng
ta biết thư Hipri là một bản văn đầy tính cách an ủi. Tác giả muốn khuyến khích
các tín hữu của Chúa đang gặp khủng hoảng về đức tin. Chương 11 mà hôm nay
chúng ta trích đọc một đoạn về Abraham, trình bày gương sáng đức tin của các tổ
phụ, để có "cả đám mây nhân chứng lớn lao dường ấy quanh ta, thì cả ta nữa
ta hãy... nắm lấy kiên nhẫn, chạy vào trận tuyến chờ ta, đăm nhìn lên Ðấng khơi
nguồn và viên thành đức tin là Ðức Giêsu" (12,1-2).
Nhưng
trước hết tác giả đã muốn định nghĩa đức tin là gì và khẳng định đó là nhân đức
chung của mọi tổ phụ. Hơn nữa các người được vinh quang như ngày nay, hoàn toàn
nhờ ở đức tin.
Vậy
"tin là cách chiếm hữu điều còn trong hy vọng, là phương nhận thức các thực
tại người ta không thấy". Các tổ phụ tin khi họ chắc chắn rằng các điều
Chúa đã hứa cho họ về tương lai sẽ xảy đến cho họ và các điều vô hình Người nói
với họ đều có thực.
Abraham
là người đầu tiên có một đức tin như vậy. Chúa nói với ông ở đất Haran:
"Hãy đi khỏi xứ sở ngươi... đến đất Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ cho ngươi thành một
dân lớn". Abraham tin vào lời đó và đã ra đi, chẳng hiểu sẽ đi đến chỗ
nào, nhưng chắc chắn Chúa sẽ hướng dẫn mình đến đất sẽ trở thành quê hương xứ sở
của mình và mình sẽ có con đàn cháu đống ở đó. Chính niềm tin đã đưa ông lên đường;
và cũng chính niềm tin đã khiến ông không dừng lại lấy nơi nào làm quê hương
không phải là nơi Chúa sẽ chỉ cho. Do đó, ở đâu và qua chỗ nào, ông cũng luôn sống
trong lều vải, cũng như Isaac và Giacóp con cháu ông sau này, luôn luôn đợi
ngày được xây đô thị cư ngụ vĩnh viễn theo ý Chúa sắp đặt.
Ðang
khi ấy từ ngày này qua ngày khác, tháng trước qua tháng sau, năm cũ qua năm mới,
Abraham bình tĩnh nhưng không khỏi nóng ruột muốn biết Chúa sẽ thực hiện Lời
Chúa thế nào để ông có con đàn cháu đống làm nên một dân đông nhiều như sao
trên trời như cát ngoài biển. Lời hứa này có lẽ còn khó tin hơn cả lời hứa về đất
đai, vì cả Sara bạn ông và chính ông đều đã già nua tuổi tác. Dù vậy Abraham vẫn
tin. Ông vẫn một mực tin vào Lời Chúa, cả khi Người bảo đem Isaac vừa lớn lên
giết đi để tế lễ Người. Ông giơ tay sẵn sàng đem giết đứa con độc nhất đang khi
vẫn ý thức một cách chắc chắn rằng miêu duệ mình sẽ không sức nào đếm nổi. Lòng
tin thật lạ lùng. Nó là động lực của những hành động phi thường không thể nào
hiểu thấu. Nó là bình an vững bền cho tâm hồn con người đang lữ hành trần gian.
Nó mở cửa đời sau cho người ta bước vào một cách bình thản.
Tác
giả thư Hipri hôm nay viết: "Thể theo lòng tin, các người ấy đã chết hết
thảy mà không lĩnh được các điều đã hứa, nhưng chỉ nhìn xa xa và với
chào". Các người ấy ở đây không những là Abraham và Sara, mà còn là Isaac
và Giacóp, là Môsê và hết thảy các tổ phụ. Sách Ðệ Nhị Luật kể, Chúa đã đưa
Môsê lên núi Nêbô. Người chỉ cho ông thấy tất cả đất hứa ở đằng xa. Con cái
Israel sẽ vào, nhưng chính ông sẽ không được đến đất ấy (34,1-4).
Abraham
và hết thảy các tổ phụ một cách nào đó cũng như Môsê. Họ chỉ được thấy đất hứa
và tương lai dân tộc ở đàng xa, tức là trong niềm tin. Nhưng như vậy cũng đã đủ
là lẽ sống cho họ. Họ tin vào Lời Chúa và lời hứa của Người. Họ từ bỏ mọi sự
khác để sống phù hợp với niềm tin ấy. Nếu họ đã nản chí thì họ đã trở về quê
hương cũ, nơi họ xuất phát và khởi hành. Nhưng vì tin và tiếp tục tin, họ luôn
coi mình là lữ khách và kiều dân ở mọi nơi chưa phải là đất hứa. Và họ coi tất
cả mọi sự không thuộc về Lời Hứa đều không quan trọng.
Thái
độ này là điều mà phụng vụ muốn khuyên chúng ta hôm nay, chúng ta hãy đi trên
đường đời như Abraham và các tổ phụ. Hãy nhìn Lời Hứa ở đàng xa và với chào.
Hãy để cho tương lai và định mệnh ấy đưa chúng ta lên đường và cất bước không
nao núng trong khi vui cũng như lúc âu sầu. Ðức tin đã cho chúng ta một hướng
đi, thì trong những ngày u tối nhất chúng ta vẫn thấy sáng sủa; và khi gặp những
cản trở to lớn, chúng ta vẫn không sờn lòng. Ðang khi ấy chúng ta đừng quên có
"cả một đám mây nhân chứng lớn lao ở quanh ta" và có thể nói đang
cùng ta tiến bước. Ðó không phải chỉ là gương sáng của tiền nhân mà còn là Hội
Thánh. Dân Chúa đang cuốn ta cùng đi. Bài sách Khôn ngoan có thể giúp chúng ta
suy nghĩ thêm về điểm này.
2. Bài Sách Khôn Ngoan
Những
chương cuối cùng của tác phẩm này suy nghĩ về các biến cố trong việc xuất hành
của con cái Israel ra khỏi Ai Cập. Và đoạn chúng ta đọc hôm nay ngẫm suy về
chính đêm lịch sử đã giải thoát người Do Thái. Ðêm này, các tổ phụ đã được biết
trước. Không những Chúa đã báo trước cho Abraham (Khởi nguyên 15,13-14) mà
chính Môsê mới đây cũng bảo cho con cái Israel biết (Xh 12,21-28). Họ chỉ biết,
nếu họ có niềm tin. Họ có tin vào Chúa và lời của Người, họ mới chờ đợi cái đêm
hôm ấy. Niềm tin đây là niềm tin của tất cả cộng đồng, chứ không phải là niềm
tin của từng cá nhân nữa. Tất cả cộng đồng con cái Israel đêm nay sống một niềm
tin chung. Toàn thể dân Chúa chờ đợi đêm nay để thấy các thánh được cứu độ và
thù địch bị diệt vong. Thế nên, họ hội họp nhau, dâng lễ vật vượt qua, thi hành
các thánh chỉ, nhất trí một lòng cùng chung phúc may và hiểm họa, biểu hiện niềm
tin duy nhất bằng cách cất tiếng hát.
Thực
ra tác giả Khôn ngoan đã không hoàn toàn chỉ mô tả chính đêm Vượt qua. Ông đã
nhìn vào lễ nghi Vượt qua ở thời ông để diễn lại đêm lịch sử nguyên thủy. Các
ông đọc lại lịch sử càng cho chúng ta thấy ý nghĩa phong phú cứu độ của biến cố
Xuất hành. Và chúng ta sung sướng ghi nhận những suy nghĩ của ông.
Với
ông chúng ta thấy rằng con cái Israel đã được giải thoát nhờ niềm tin, một niềm
tin vững vàng căn cứ nguyên vào Lời Chúa. Niềm tin này toàn dân phải sống. Hết
thảy phải hội họp nhau trong đêm ấy, phải chắc chắn hành động cứu độ sắp xảy đến.
Phải thi hành mọi chỉ thị của Chúa, phải nhất trí đồng hội đồng thuyền sẵn sàng
chịu chung phúc họa.
Niềm
tin này thật ra trong đêm lịch sử đầu tiên đã không được hoàn toàn như vậy. Hôm
ấy con cái Israel chưa có kinh nghiệm và chưa thấy cánh tay mạnh mẽ của Chúa...
Chính từ ngày thấy Chúa giải thoát dân bằng cánh tay hùng mạnh, người ta mới có
kinh nghiệm và khuyến khích để tin vào những lần giải cứu khác mà Chúa nói là sẽ
còn kỳ diệu hơn nữa. Tác giả sách Khôn ngoan là một trong những người tin mạnh
mẽ vào hành động cứu độ của Chúa trong tương lai. Ông viết lại đêm xuất hành thời
Môsê, tô điểm cho nó bằng niềm tin của ông, để khuyến khích con cái Israel mỗi
khi ăn lễ Vượt qua và mỗi khi trông chờ ơn cứu độ, phải có niềm tin vững vàng,
niềm tin tập thể, niềm tin Chúa sẽ cứu cộng đồng trong đó có mình.
Do
đó nếu bài thư Hípri lấy gương Abraham để khuyến khích mỗi người chúng ta luôn
luôn tiến bước về tương lai với niềm tin vững chắc, thì với bài sách Khôn ngoan
này, phụng vụ muốn nhắc nhở chúng ta đặt niềm tin tương lai vào sự gắn bó với tập
thể là Hội Thánh.
Dân
Chúa hãy cử hành các buổi lễ Vượt qua là mầu nhiệm thánh thể trong một niềm tin
chung. Dân Chúa mỗi khi gặp nhau, hãy một lòng một ý tiến về tương lai. Niềm
tin tập thể đã giải cứu con cái Israel thế nào thì sẽ giúp dân mới vượt qua huy
hoàng hơn nữa. Chúng ta không tiến về tương lai một mình, nhưng cùng với toàn
thể nhân loại được cứu độ. Chúng ta phải cất cao bài hát của các tổ phụ, tức là
nói lên niềm tin vững vàng phấn khởi vào Thiên Chúa và Lời Hứa của Người.
Nhưng
nói như vậy có lẽ vẫn chưa cụ thể. Bài Tin Mừng Luca hôm nay truyền lại cho
chúng ta giáo huấn rõ ràng hơn của Chúa.
3. Bài Tin Mừng Luca
Thoạt
đầu Chúa nói với tất cả các môn đệ, tức là với hết thảy mọi người tin Chúa. Về
sau Chúa nói riêng với các tông đồ tức là với những người có trách nhiệm trong
Hội Thánh.
Với
tất cả mọi người, Ðức Giêsu có một lời khích lệ âu yếm, Người nói: "Ðừng sợ,
hỡi đàn chiên nhỏ bé, vì Cha các ngươi đã khấng ban nước Trời cho các
ngươi". Lời nói vắn tắt nhưng rất thâm thúy. Nó có sức an ủi vì khêu lên
niềm tin vững vàng. Nó cho chúng ta thấy rõ Chúa thấu suốt hoàn cảnh hiện tại của
chúng ta..., nhưng Người cũng khẳng định thân phận của chúng ta rất tốt đẹp.
Hiện
tại chúng ta là những con chiên nhỏ, vừa nhỏ vừa ít ỏi, vừa nhỏ vì yếu thế. Hội
Thánh luôn luôn như vậy vừa ít số vừa không có thế lực. Thường khi chỉ là con
thuyền nhỏ trong cơn bão táp trần gian. Nhưng Chúa bảo đừng sợ vì Chúa Cha đã
khấng ban Nước Trời cho chúng ta.
Hơn
nữa, Hội Thánh đang là chính Nước Trời ấy có sự sống phong phú của Thiên Chúa
và nắm vững mọi phương tiện cứu rỗi. Những ai tin như vậy sẽ thấy bình an và vững
vàng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Tuy
nhiên đức tin không phải chỉ là cái nhìn bình an. Nó là khởi điểm và là động lực.
Nó đã làm cho Abraham lên đường và giúp ông luôn luôn cất bước cho đến hết cuộc
đời. Nó đã khiến con cái Israel tập họp trong đêm xuất hành để vượt qua. Nó
cũng phải đưa chúng ta vào hành động.
Vì
thế Chúa nói với tất cả các môn đệ: Các ngươi hãy xắn áo đai lưng và đèn chong
sáng, tức là cả đêm ngày luôn ở tư thế làm việc và sẵn sàng. Người Do Thái mặc
áo dài lụng thụng, nên khi làm việc vừa phải sắn lên, vừa phải đai lại.
Ðó
cũng còn là thái độ Chúa đòi khi họ ăn lễ Vượt qua (12,11). Nó nói lên ý nghĩa
sẵn sàng. Còn khi nói phải chong đèn sáng, dĩ nhiên có ý tưởng bảo phải tỉnh thức
và cảnh giác; nhưng cũng có ý nói: Tất cả chúng ta đã là con cái sự sáng, con
cái của ban ngày, nên luôn luôn phải làm việc và làm việc trong sáng. Chúng ta
cũng có thể nhớ lại lễ nghi rửa tội trong đó có việc trao nến sáng để nhắc nhở
con cái Chúa phải nên như ánh sáng thế gian và phải giữ đèn sáng đi đón Chúa.
Ở
đây, Chúa cũng gợi lên ý tưởng này. Người tự ví mình như người chủ đi ăn cưới
chẳng biết lúc nào về. Phúc cho đầy tớ nào còn thức để mở cửa ngay cho chủ khi
ông vừa về tới nhà. Nhưng Chúa không phải là người chủ thường...
Chẳng
người chủ nào làm như Người đã làm và sẽ làm. Người sẽ cho đầy tớ Người là
chúng ta ngồi vào bàn ăn và Người sẽ đi dọn bữa cho chúng ta. Với bất cứ người
nào sẵn sàng mở cửa khi Chúa gõ, Người cũng sẽ đi vào nhà linh hồn người ấy,
ban máu thịt, ân sủng và Lời Người cho họ làm lương thực và Người cũng sẽ dùng
bữa ăn tại nhà người ấy.
Và
không những được thêm ơn, những tâm hồn sẵn sàng đón Chúa như vậy còn được đảm
bảo chẳng khi nào mất ơn. Kẻ trộm vào nhà sao được khi người trong nhà tỉnh thức?
Chúa dùng toàn kiểu nói và hình ảnh thông thường để chúng ta dễ hiểu ý Người.
Nhưng chúng ta không được dừng lại ở hình ảnh và kiểu nói. Còn phải đi xa hơn để
thấy thái độ tỉnh thức mà Chúa căn dặn ở đây chính là sự cởi mở, nhậy cảm và là
một thứ linh tính và giác quan và những điều có hệ đến Nước Trời, tức là đến
Chúa và Hội Thánh, đến ơn cứu độ của Người hằng muốn ùa vào trong đời sống của
chúng ta qua các biến cố to nhỏ hằng ngày. Chỉ khi nào người ta giữ tâm hồn cởi
mở và nhạy cảm đối với những gì có thể làm tăng ơn Chúa và mở rộng Nước Người,
lúc đó họ mới là con người sắn áo đai lưng và chong đèn sáng, họ mới có tư thế
con người làm việc và sẵn sàng.
Một
đức tin như vậy mới sống động và tích cực. Nó mới giống đức tin của Abraham và
của cộng đồng dân Chúa nói trong các bài Kinh Thánh nói hôm nay.
Riêng
đối với những người có trách nhiệm trong Hội Thánh Chúa muốn căn dặn qua câu trả
lời cho Phêrô. Họ phải tỏ ra quản lý trung thực và khôn ngoan. Không những phải
tỉnh thức và sẵn sàng đón chủ trở về, mà trong khi chờ đợi còn phải phục vụ gia
nhân cho tươm tất đầy đủ; xả kỷ, yêu thương chứ không trục lợi, gắt gỏng, tàn
ác. Kẻ biết rõ ý chủ mà không thi hành sẽ bị loại bỏ và coi như phường bất tín,
tức là ra khỏi sản nghiệp dành cho những người có niềm tin. Còn ai hiểu biết ý
chủ ít hơn, sẽ không bị phạt nặng bằng.
Thiết
tưởng Chúa nói như vậy cũng đã đủ cho chúng ta suy nghĩ. Người luôn trung tín
giữ mọi điều Người đã hứa. Không lời hứa nào đầy đủ hạnh phúc hơn Lời Người đã
nói với chúng ta trong đức tin. Chính khi gọi chúng ta tin Người, Người đã hứa
ban cho chúng ta mọi sự. Abraham đã nhận thấy như vậy và đã tin. Và vì tin ông
đã có một đời sống tích cực như thế. Con cái Israel cũng đã tin lời Chúa như thế
và đã thi hành chỉ thị của Người. Họ đã được Người đưa vào hứa địa, nơi chảy sữa
và mật.
Ðến
lượt chúng ta có cả một đám mây nhân chứng lớn lao dường ấy quanh ta, thì cả
chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy chạy vào trận tuyến chờ ta...! Và lời thư Hípri
nói tiếp: "Chúng ta hãy đăm đăm nhìn lên Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn và
viên thành đức tin".
Chúng
ta hãy nhìn lên Người trong mầu nhiệm Thánh Thể này, Người chứng tỏ một niềm
tin lớn lao dường nào khi ra đi chịu chết. Người làm lễ vượt qua của Người với
đầy lòng tin, hoàn thành niềm tin của Abraham khi ra đi và của con cái Israel
khi xuất hành... Người khơi đức tin lên nơi chúng ta để dự lễ rồi chúng ta sống
đạo, sống đức tin, nhạy cảm với mọi sự có hệ đến phần rỗi của mọi người và tìm
phục vụ trong yêu thương chứ không tìm ích kỷ trong hại người.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 19 Thường Niên, Năm C
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng và trung thành giữ Lời
Thiên Chúa.
Có
nhiều người tin vào câu nói: “Phải thấy mới tin; tin mà không thấy là tin dị
đoan” mà chẳng cần kiểm chứng gì cả. Có nhiều điều sai trái trong câu này. Thứ
nhất, khi một người nói tin, là anh tin vào điều anh chưa thấy; nếu đã thấy rồi
thì không cần phải tin nữa. Ví dụ, chẳng ai nói: “Tôi tin là tôi đã tìm được số
bạc mà tôi đã đánh mất;” nhưng chỉ nói “Tôi đã tìm được số bạc mà tôi đã đánh mất.”
Thứ hai, khi một người nói: “tin mà không thấy là tin dị đoan” là một điều hàm
hồ, vì có những điều người đó vẫn tin mặc dù không thấy. Ví dụ, chẳng ai thấy
hơi thở, nhưng nếu thấy một người đang sống, anh phải tin là người ấy có hơi thở;
hay chẳng ai thấy dòng điện chạy, nhưng chẳng ai dám đưa tay sờ vào ổ điện.
Các
bài đọc hôm nay dẫn chứng niềm tin vào Thiên Chúa không phải là dị đoan; nhưng
là niềm tin có kiểm chứng bằng những lời Thiên Chúa hứa và các việc Ngài làm.
Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan lặp lại lời hứa ban Đất Hứa của Thiên Chúa
cho các tổ phụ. Ngài bắt đầu thực hiện trong đêm ấy, khi Ngài đưa dân ra khỏi
miền đất nô lệ của Ai-cập, lang thang trong sa mạc 40 năm, và sau cùng cho họ định
cư trong Đất Hứa, “vùng đất chảy sữa và mật.” Trong bài đọc II, sau khi đã cho
một định nghĩa chính xác về niềm tin, tác giả Thư Do-thái dẫn chứng bằng những
ví dụ lịch sử cho thấy những lời Thiên Chúa hứa và những việc Thiên Chúa làm
luôn tương xứng với nhau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ phải tin
tưởng và tỉnh thức chuẩn bị cho Ngày Thiên Chúa đến, Ngày mà họ sẽ được lãnh nhận
tất cả những gì Thiên Chúa hứa ban cho các đầy tớ trung thành và khôn ngoan.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Đêm ấy đã được báo trước cho cha ông chúng con.
Đêm
Vượt Qua là một biến cố vĩ đại mà không người Do-thái nào không biết, vì họ phải
cử hành mỗi năm theo như luật Đức Chúa truyền. Mỗi khi cử hành biến cố này, họ
nhắc nhở cho nhau uy quyền và tình thương của Đức Chúa dành cho họ, để họ biết
sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa. Mỗi khi con cái Israel quên Đức Chúa và
các Lề Luật của Ngài, Đức Chúa truyền cho các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ nhắc
nhở cho dân chúng nhớ lại biến cố này, để biết quay trở lại và tin vào Ngài.
1.1/
Đêm Vượt Qua của dân tộc Do-thái: Đức Chúa đã báo trước cho ông Moses và ông Aaron biết những gì
xảy ra trong đêm ấy. Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vào tất cả các nhà của
người Ai-cập để tàn sát tất cả các con đầu lòng của loài người cũng như loài vật;
nhưng các thiên thần sẽ không vào những nhà nào có máu bôi trên cửa, mà ông
Moses đã bí mật nói cho toàn dân phải làm khi giết con chiên Vượt Qua.
1.2/
Những gì đã xảy ra trong đêm ấy: Sự thật đã xảy ra như thế. Khi thấy các con đầu lòng của người
Ai-cập bị tiêu diệt, vua Pharaoh và toàn dân đã phải xin ông Moses ra lệnh cho dân
Do-thái phải tức khắc rời bỏ đất Ai-cập. Rồi khi vua Pharaoh đổi ý đuổi theo để
bắt dân Do-thái trở lại, toàn bộ chiến xa và quân đội của nhà vua đã bị nhận
chìm trong Biển Đỏ. Khi con cái Israel chứng kiến tất cả những cảnh tượng xảy
ra trong đêm đó, họ nhận ra uy quyền và tình thương của Thiên Chúa dành cho họ,
và họ hát lên những bài ca để ca tụng Thiên Chúa. Từ đó đến nay, họ vẫn giữ
truyền thống cử hành trọng thể Lễ Vượt Qua mỗi năm, bằng việc giết con chiên
tinh tuyền để ăn với bánh không men và rau đắng. Sự kiện này muốn nhắc nhở cho
con cái Israel biết khi Đức Chúa hứa điều gì, Ngài sẽ làm; cho dẫu những điều
Ngài hứa vượt quá khả năng bà sự tiên liệu của con người.
2/
Bài đọc II: Các tổ phụ tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín.
2.1/
Định nghĩa đức tin: Tác giả Thư Do-thái định nghĩa đức tin như sau: “Đức tin là điều
chính yếu (hupostasis) của những gì ta hy vọng, là sự xác tín cho những điều ta
không thấy.” Chúng ta có thể chia định nghĩa này làm hai để phân tích.
(1)
Đức tin là điều chính yếu (hupostasis) của những gì ta hy vọng: Chữ chính yếu đây được
dùng như bản thể khi nói Đức Kitô đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Đức tin và đức
cậy đi đôi với nhau, cái gì là chính yếu của đức tin thì cũng là như vậy của đức
cậy. Đức tin là một sự thuyết phục của lý trí làm cho con người tin tưởng Thiên
Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa. Sự tin tưởng này mạnh đến độ làm cho
con người cảm thấy tâm hồn được vui vẻ và bình an.
(2)
Nó là sự xác tín cho những điều ta không thấy: Đức tin chứng minh cho lý trí những thực tại
mà không thể hiểu bởi trí khôn con người. Đức tin là một sự đồng ý chắc chắn của
linh hồn về những mạc khải thần linh và những gì liên quan đến chúng. Tuy
nhiên, đức tin và lý trí không mâu thuẫn nhau, nếu một người nhận ra lý trí con
người có giới hạn của nó. Điều con người không hiểu không có nghĩa là điều ấy
không có, nhưng vì trí khôn con người yếu kém chưa hiểu được điều đó. Ví dụ, cắt
nghĩa triết học cho học sinh tiểu học.
Hơn
nữa, đức tin là một trong ba nhân đức đối thần; gọi là đối thần vì có đối tượng
là Thiên Chúa hay những sự thuộc về Thiên Chúa. Con người chỉ có thể hiểu những
đối tượng vật chất trong thế giới con người. Con người tự mình không có khả
năng để tin vào Thiên Chúa, nên họ cần được sự trợ giúp của Thiên Chúa qua mạc
khải và ơn thánh, để họ có thể tin vào Ngài.
2.2/
Hai ví dụ về đức tin của tiền nhân: Thiên Chúa không để con người phải vật lộn với đức tin, nhưng
Ngài ban cho con người trí khôn để hiểu biết lịch sử của những người đã đặt niềm
tin vào Ngài. Tác giả Thư Do-thái dẫn chứng cho độc giả rất nhiều niềm tin của
các tổ phụ trong quá khứ; trình thuật hôm nay chỉ đề cập đến hai tổ phụ.
(1)
Đức tin của tổ phụ Abraham: Theo truyền thống của Do-thái cũng như Ả-rập, tổ phụ Abraham là
người rất nghiêng về lý trí. Truyền thống Do-thái kể: Abraham không thể thờ lạy
thần mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao, vì tất cả đều mọc lên rồi lặn xuống
theo qui luật của Đấng Tạo Dựng chúng. Truyền thống Hồi-giáo kể: Cha của
Abraham là Terah, ông không chỉ thờ 12 thần, mỗi thần cho một tháng, mà còn có
cả một xưởng để làm các thần. Ngày kia có một bà mang đồ ăn đến cúng cho các thần.
Abraham lấy một cây gậy đánh bể tất cả các thần, rồi đặt cây gậy vào tay một thần
to lớn. Khi cha ông trở về hỏi lý do tại sao các thần bị đập bể, ông chỉ vào một
thần còn sót lại và nói với cha: chính thần này vì ham ăn nên đã đập vỡ các thần
kia. Khi cha ông bảo là chuyện không thể xảy ra, ông liền nói với cha đừng thờ
và đừng bán các thần đó nữa.
Abraham
có một niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa đến nỗi Ngài bảo gì, ông làm như vậy.
(2)
Đức tin của tổ mẫu Sarah: Việc có con trong lúc cả Abraham và Sarah đã trên 90 tuổi là điều
không thể đối với con người. Bà đã bật cười khi bà nghe người khách hứa với
Abraham: “Độ rày sang năm, Sarah vợ ông sẽ cưu mang cho ông một con trai” (Gen
18:12), vì bà nghĩ bà không còn rung cảm gì khi nghĩ đến chuyện chăn gối nữa,
chứ đừng nói tới việc có con. Đức Chúa sửa dạy bà: “Nào có điều kỳ diệu nào vượt
sức Đức Chúa?”
Thế
mà mọi chuyện đã xảy ra đúng như lời Đức Chúa hứa. Mùa Xuân năm sau, Đức Chúa
trở lại thăm, và ông bà đã có một người con trai. Ông Abraham được 100 tuổi khi
sinh đứa con là Isaac. Hai ông bà đặt tên cho con là Isaac, tiếng Do-thái có
nghĩa là “nụ cười.” Bà Sarah nói: “Thiên Chúa đã làm cho tôi cười; tất cả những
ai nghe biết sẽ cười tôi." Bà còn nói: "Ai dám báo trước cho ông
Abraham rằng Sarah sẽ cho con bú? Thế mà tôi đã sinh cho ông một con trai, khi
ông đã về già!" (Gen 21:6-7).
3/
Phúc Âm: "Đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh
em.”
Lời
hứa ban Nước Trời cho các môn đệ đước Chúa Giêsu nhắc lại nhiều lần; vì thế,
các tín hữu không thể sống như không có Nước Trời. Họ phải sống đời này với cặp
mắt luôn hướng về đời sau. Họ không được tích trữ của cải đời này, nhưng phải
biết dùng nó cho các công cuộc bác ái, để tích trữ cho họ kho tàng không hư nát
trên trời, “một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng,
mối mọt không đục phá.” Chúa Giêsu liệt kê hai điều kiện để được chấp nhận vào
làm công dân Nước Trời.
3.1/
Phải tỉnh thức chờ đợi ngày Chúa đến.
Làm
sao có thể tỉnh thức mà chờ đợi mọi lúc? Chúa Giêsu trả lời: Hãy luôn sống như
thể chủ đến bất cứ lúc nào. Một ví dụ cụ thể giúp chúng ta hiểu điều này là khẩu
hiệu “Sắp Sẵn” và cách huấn luyện của phong trào Hướng Đạo. Các em được huấn
luyện về mọi chuyên môn như: mưu sinh thoát hiểm, cứu thương, nấu ăn, bơi lội...
Mục đích là để các em luôn có những kiến thức và khả năng này trong mình, để
khi phải đương đầu với những nguy hiểm xảy ra, các em biết giải quyết làm sao.
Trên bước đường thiêng liêng cũng thế, các tín hữu phải tập luyện và phát triển
tất cả các nhân đức mà Kinh Thánh dạy như ba nhân đức đối thần tin, cậy, mến; bốn
nhân đức trụ khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ; cùng tất cả các nhân đức
khác; nhất là đừng mang một tội trọng nào trong người cả, khi nỡ phạm phải tìm
dịp xưng ngay.
Trình
thuật hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta ngày Chúa đến không nhất thiết là Ngày Tận
Thế, có thể là ngày cuối cùng của đời mình; vì ngày chúng ta chết có khác gì
ngày tận thế của cuộc đời chúng ta đâu.
3.2/
Phải trung thành phục vụ trong khi chờ đợi Chúa đến.
Ông
Phêrô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi
người?" Chúa Giêsu đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn
ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo
đúng giờ đúng lúc?” Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều ở
trong vai trò lãnh đạo, chỉ khác là là lãnh đạo nhiều người hay ít người thôi.
Các cha mẹ lãnh đạo các con của mình, linh mục lãnh đạo giáo xứ, Đức Giáo Hoàng
lãnh đạo cả hoàn cầu. Lãnh đạo theo cách thức của Thiên Chúa là phải hy sinh và
phục vụ; chứ không phải lạm dụng quyền hành để bắt người khác phục vụ, hay để
áp đảo những người dưới quyền mình. Mọi quyền hành đến từ Thiên Chúa và họ sẽ
phải chịu trách nhiệm với Ngài.
Sau
cùng, Chúa Giêsu nói về sự thưởng phạt và trách nhiệm. Ai chu toàn bổn phận sẽ
được thưởng, ai không chu toàn sẽ bị phạt. Người đã được học biết chịu trách
nhiệm nặng hơn người không biết. Ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và
ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Không một điều gì là không thể đối với Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ giới hạn
Ngài vào sự suy nghĩ và cách thức của con người.
-
Chúng ta cần phải xác tín những gì Thiên Chúa hứa Ngài sẽ thực hiện. Nếu Ngài
đã hứa ban Nước Trời cho những kẻ tin tưởng và làm theo ý Ngài muốn, Ngài sẽ thực
hiện. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn tỉnh thức và trung thành phục vụ
anh/chị/em.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
11/08/13 CHÚA NHẬT TUẦN
19 TN – C
Lc 12,32-48
Lc 12,32-48
NHƯ NGƯỜI TÔI TỚ TRUNG TÍN
“Anh em hãy thắt đai lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm
như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12,35-36)
Suy niệm: Một
triết gia nọ nói rằng “Con người sinh ra để chết”. Chúng ta không nghĩ như ông,
vì con người sinh ra ở đời để sống, cái chết chỉ là một khoảnh khắc chấm dứt sự
sống, chứ không phải là cùng đích của kiếp người. Cái chết chắc chắn sẽ đến với
từng người, nhưng lại đến cách bất ngờ, rất bất ngờ. Trong cuộc sống, để tránh
những điều bất ngờ, chúng ta thường có sự chuẩn bị trước: binh lính tập trận,
lính cứu hỏa thực tập chữa cháy… Trong bài Tin Mừng, để giúp ta chuẩn bị trước
bất ngờ của sự chết, để khi sự chết đến, ta khỏi bất ngờ, Chúa làm như một
người chủ đi vắng. Ta hãy có tư thế sẵn sàng như người đầy tớ ban đêm đợi chủ
trở về, không phải với tâm trạng sợ sệt, nhưng tin tưởng và hy vọng. Chủ về bất
cứ giờ nào cũng hài lòng vì thấy người tôi trung đang chu toàn nhiệm vụ.
Mời Bạn: Đừng
chia cuộc sống thành những giây phút có Chúa hiện diện và Chúa đi xa. Bạn lúc
nào cũng đang sống, đang làm việc dưới cái nhìn yêu thương chăm sóc của Chúa.
Sống Lời Chúa: Dù
học hành tại trường, lao động tại xí nghiệp, buôn bán giữa chợ đời, thư giãn
nơi giải trí, nghỉ ngơi tại gia đình, hãy luôn nhớ rằng mình đang hoạt động
trong Chúa, theo tinh thần của con cái trung tín với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con
trưởng thành như những con người tự do thật sự, vì thế, Chúa ẩn mình mặc dù vẫn
hiện diện bên chúng con. Xin cho chúng con luôn trung tín và sẵn sàng theo tinh
thần của Chúa. Amen.
5. Ngày mai không bao
giờ đến
Tại chùa Tô Châu, có một
nhà sư tên Viên Thủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư,
trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái
nắp mở ra đóng vào được.
Khách đến chơi trông
thấy cười nhạo nói rằng:
- Ngài chế ra cái này
dùng để làm gì?
Nhà sư trả lời:
- Người ta sống tất có
chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ
biết phú quí, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời chẳng biết
đến cái chết là gì… Mỗi khi có việc không vừa ý, tôi cầm lấy quan tài mà ngắm,
tức khắc tôi cảm thấy được yên tâm trong tâm hồn ngay.
Thật là hiếm, những con
người luôn ngẫm suy về cái chết của chính mình, và còn hiếm hơn nữa, những con
người xem cái chết như người bạn đồng hành, giúp họ vượt qua những nỗi chán
chường trong cuộc sống như nhà sư Viên Thủ Trung trong câu chuyện trên đây.
Phần nhiều, người ta bôn ba để kiếm sống, họ lo thu tích cho nhiều của cải, vội
vã thụ hưởng những thú vui trần tục, họ sống như thể sẽ không bao giờ phải
chết.
Tin Mừng hôm nay nhắc họ
hãy “tỉnh thức và sẵn sàng”. Tỉnh thức như người đầy tớ
trung tín đợi chủ về, như người khôn ngoan canh chừng tên đạo tặc; sẵn sàng như
người quản lý khôn ngoan biết làm theo ý chủ.
Tỉnh thức không phải là
không ngủ, mà là ngủ trong thức tỉnh.
Tỉnh thức không phải là
ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm theo ý chủ trong khi đợi chờ.
Tỉnh thức không phải là
nôn nao sốt ruột, mà lắng nghe tiếng gõ cửa với đèn sáng trong tay.
Chính khi nhận ra mình
đang mê muội, tức là lúc bắt đầu tỉnh thức. Các thánh thường nhận mình mỏng dòn
yếu đuối, nên các ngài luôn tỉnh thức và sẵn sàng.
Có một điều làm cho
người ta rất đỗi hoang mang, là Chúa sẽ đến thật bất ngờ: “Vì chính giờ phút
anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,40). Người sẽ đến “bất ngờ như
kẻ trộm”. Kẻ trộm đến không bao giờ gửi thư báo trước, vì vũ khí của anh ta là
sự bất ngờ. Chúa không có ý chơi xấu chúng ta, cũng không lợi dụng lúc chúng ta
lơ là thì Người đến. Thật ra, Chúa chỉ nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh thức.
Đừng miệt mài trong cõi đời tạm mà quên đi cõi phúc trường sinh. Đừng mê mải
thú vui trần gian mà quên đi hạnh phúc Nước Trời.
Nói cho cùng, việc Chúa
đến bất ngờ là một biến cố vui mừng chứ đâu phải là bất hạnh. Chỉ bất hạnh cho
những kẻ không khôn ngoan, không tỉnh thức, không trung thành với bổn phận. Còn
đối với những ai tỉnh thức và trung thành thì việc Chúa đến bất ngờ lại là một
‘bất ngờ thú vị’.
Chẳng ai biết Chúa hẹn
mình ở đâu, trong biến cố nào, nhưng chắc chắn cuộc hẹn phải có. Chẳng ai biết
giờ chết của mình lúc nào, nhưng chắc chắn giờ ấy sẽ đến. Chỉ sợ chúng ta có
một ảo tưởng hết sức nguy hiểm này, đó là nghĩ rằng mình vẫn còn thời gian. Cái
ngày kinh hoàng nhất của một đời người là mình tưởng còn ‘ngày mai’ để chuẩn
bị, nhưng lại phải đối diện với một thực tế rất đỗi phũ phàng là “ngày mai” ấy
không bao giờ đến.
Lạy Chúa, xin dạy chúng
con trở nên những đầy tớ trung tín và khôn ngoan của Chúa.
Xin nhắc chúng con luôn
tỉnh thức và sẵn sàng, để chúng con không phải bàng hoàng khi Chúa bất ngờ đến
gõ cửa. Amen.
Thiên
Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám
11
THÁNG TÁM
Thiên Chúa Đã Yêu Thế Giới Đến Nỗi …
“Thế
giới ở đây là thế giới của con người, thế giới ấy, người Kitôhữu tin là đã được
tình yêu của Đấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì. Thế giới ấy, đã rơi vào ách nô
lệ tội lỗi, nhưng, nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền
của Thần Dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên
Chúa mà tiến tới sự viên mãn” (MV 2).
Định
nghĩa ấy gồm tóm toàn bộ giáo thuyết về sự quan phòng, hiểu như kế hoạch vĩnh
cửu của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, hoặc hiểu như sự hoàn thành chung
cục của vũ trụ. Điều này đặc biệt đúng đối với thế giới con người theo như
“được tiền định trong Đức Kitô”, Đấng là trung tâm và là nguồn gốc của mọi sự.
Bằng
cách này, Vatican II làm cho sắc bén giáo huấn tín lý của Công Đồng Vatican I:
“Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển mọi loài Ngài đã dựng nên với sự quan phòng
của Ngài, từ chân trời này tới chân trời kia (Kn 8,1). ‘Tất cả đều trần trụi và
phơi bày trước mặt Ngài’ (Dt 4,13), ngay cả những gì xảy ra thông qua sáng kiến
tự do của tạo vật” (Dei Filius, DS 3003).
Ngay
từ đầu, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng tập chú đến một vấn đề vừa liên quan với
chủ đề của chúng ta ở đây vừa bức thiết với con người hiện đại: Bằng cách nào
sự phát triển của Nuớc Thiên Chúa và sự phát triển của thế giới có thể hòa điệu
với nhau?
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
Ngày 11-8
Chúa Nhật XIX Thường Niên
Kn 18, 6-9, Dt 11, 1-2.8-19; Lc 12, 32-48
LỜI SUY NIỆM: “Hỡi đoàn chiên bé
nhỏ, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc
12,32)
Chúa
Giêsu kêu mời tất cả mọi tín hữu của Ngài phải tin tưởng vào Thiên Chúa quan
phòng. Tất cả đời sống của chúng ta đã được chính Thiên Chúa quan tâm và Ngài
ban phát những ân huệ cần thiết giúp cho cuộc sống của chúng ta nên tốt. Nên
Chúng ta đừng có sợ, đừng quá bận tâm đến của cải ở đời này. Luôn biết thân
phận, đang là người được nhận lãnh ân sủng của Ngài một cách nhưng không. Nên
bản thân mình cũng cần biết cho đi một cách nhưng không. Cần phải chia sẻ cho
người nghèo những gì mình đang nhận lãnh. Đây là những việc làm đẹp lòng Thiên
Chúa, và sẽ được Ngài ân thưởng Nước của Ngài cho chúng ta.
Mạnh
Phương
Gương
Thánh nhân
Ngày
11/08: Thánh CLARA
Đồng
Trinh (1193 - 1253)
Thánh Clara sinh năm 1193 tại Assisi miền
Umbria. Thuộc dòng họ danh gái Offreducciô. Người ta nói thánh nữ sinh ra với
nụ cười trên môi và không bao giờ thấy Ngài khóc. Ngài dành nước mắt để tưới
chân Chúa Giêsu chịu đóng dinh. Nghe biết một thanh niên giàu có đã trở nên
người nghèo thành Assisi, người thiếu nữ danh giá cảm kích trước mẫu gương của
thánh nhân. Trong khi gia đình nhắm cưới gả cho nàng, thì nàng chỉ nhắm đến
cuộc sống sám hối khiêm hạ. Sau khi nghe bài giảng của thánh nhân, Ngài đã đi
tới quyết định.
Khi ấy thánh Clara 18 tuổi. Vào ngày Lễ Lá, 18
tháng 3 năm 1212, thánh nữ ăn mặc sang trọng tới nhà thờ chính tòa dự lễ. Theo
thói quen, các bà tiến lên nhận lá từ tay Đức giám mục. Hôm ấy Clara quá xúc
động, khiến chính đức giám mục phải rồi ghế đưa lá đến cho Ngài. Chiều về, Ngài
đã cùng với một người bạn lén bỏ nhà theo lối cửa hậu rồi theo ánh đuốc tới gặp
thánh Phanxicô tại Porsiuncola...
Giai thoại thật cảm động, một cô gái 18 sang
trọng đã bỏ tất cả những gì là quen thuộc và an toàn để đi theo Đấng vô hình,
còn Phaxicô 30 tuổi không có lấy một xu dính túi đã nhận lấy trách nhiệm về cả
tinh thần lẫn vật chất đối với cô. Giữa đêm xuân trong rừng cây và dưới ánh
đuốc của đoàn anh em. Clara buông xõa mái tóc huyền trên bàn thờ cho Phanxicô
cắt bỏ. Hành động hoàn toàn ngoại lệ và không với một chút quyền hạn theo giáo
luật. Phanxicô đã lãnh bản ly dị của Clara đối với thế gian, rồi gởi đi vào một
nữ tu viện Benedicto gần đó.
Biến cố nổ lớn làm cả thành phố xúc động. Thế
gian kết án Clara. Ông Monaldo, cậu thánh nữ đến nhà dòng bắt thánh nữ về,
nhưng Ngài ôm cứng chân bàn thờ quyết chọn Chúa mà thôi. Phanxicô dẫn thánh nữ
tới một nữ tu tu viện Bênêdictô khác, cùng với em của mình là Anê. Sau cùng
Phanxicô thiết lập cho Clara và cộng đoàn đã tăng số một tu viện tại San
Damianô, nơi đây bà Ortolanta, mẹ của thánh nữ cũng nhập dòng. Trong một thời gian
cộng đoàn độc lập như những người hành khất đầu tiên. Phanxicô viết cho cộng
đoàn một bản luật sống vắn gọn, đòi kỷ luật gắt gao và chay tịnh khắc khổ.
Dầu vậy, Clara con người đi xa hơn cả ước muốn
của thánh Phanxicô. Năm 1215 Phanxicô đặt Clara làm tu viện trưởng và có lẽ đã
trao cho Ngài một bản luật dòng thánh Bênêdictô. Nhưng một mục chương nói rằng
sự đơn sơ và nhiệt tình của chị em khiến cộng đoàn tăng số rất nhanh.
Vào những năm cuối đời thánh Phanxicô, mọi liên
hệ với San Đômianô bị gián đoạn. Câu chuyện hay về bữa ăn tối với Clara không
được chính xác lắm. Nhưng cơn đau cuối cùng Phanxicô đã được Clara cho trú ngụ
trong một mái chòi bằng lá cây ở cổng tu viện Damianô, nơi Phaxicô trước tác
bài ca mặt trời. Ngài ban phép lành cuối cho Clara rồi về Porziuncola và qua
đời tại đó. Ngài cũng xin anh em đưa xác về Assisi qua ngã San Đamianô. Thánh
Clara và chị em tiếp rước và có dịp chiêm ngưỡng các vết thương ở tay và chân
Ngài.
Clara thực hiện đúng lý tưởng của người nghèo
thành Assisi. Đức Innôcentê III đã đích thân ban phép cho Ngài được giữ đức
nghèo khó tuyệt đối. Nhưng Đức Grêgôriô IX nguyên là hồng y Ugôlinô đã muốn cải
sửa luật cho phép nhà dòng có đất đai nhà cửa. Clara cưỡng lại và năm 1228 đã
được hưởng đặc ân như sở nguyện. Ngài đã thưa với Đức Grêgôriô: - Thưa Đức Cha,
xin tha tội cho chúng con, nhưng đừng tha cho con khỏi theo lời Chúa.
Năm 1247, một lần nữa đức Innocentê IV kiểm soát
lại luật thánh Phanxicô, muốn sống đời khó nghèo truyệt đối. Luật này được Đức
Innocente chấp thuận vội vã, hai ngày trước khi thánh nữ qua đời. Năm 1893
người ta tìm thấy sắc chỉ nguyên thủy trong mộ thánh nữ.
Cuộc sống còn được ghi nhớ bởi cuộc tàn phá năm
1241 của vua Frêdêrico II, nhờ lời cầu nguyện đắc lực của Ngài. Trong cơn bệnh
của Ngài, Đức hồng y Rainalđô, tức là đức giáo hoàng Alexandrô sau này, đã đến
trao mình Chúa và khuyên nhủ thánh nữ, thánh nữ trả lời: - Từ khi nếm thử chén
đắng và cuộc tử nạn của Chúa, con thấy không còn gì làm con đau đớn nữa.
Sau khi chúc lành cho các nữ tu đến thăm, Ngài
nói với mình: - Hãy an tâm, ngươi đã theo đúng đường, cứ tin tưởng vì Chúa tạo
thành đã thánh hiến và không ngừng gìn giữ ngươi, đã yêu ngươi với tình mẹ
thương con, ôi lạy Chúa xin chúc tụng Chúa vì đã dựng nên con.
Thánh nữ qua đời ngày 11 tháng năm 1253 và năm
1255 được tôn phong hiển thánh.
(daminhvn.net)
11
Tháng Tám
Cô
Bạn Của Thánh Phanxicô Assisi
Một trong những cuốn phim có giá
trị diễn tả về cuộc đời của thánh Phanxicô thành Assisi mới được thực hiện cách
đây vài năm đa thi vị hóa vai trò của Clara, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm
nay. Ðạo diễn của cuốn phim đã giới thiệu Clara qua hình ảnh một nữ tài tử trẻ
đẹp với mái tóc vàng óng ả, thích tung tăng chạy nhảy giữa cánh đồng hoa hướng
dương chạy dài mút mắt.
Trong thực tế, quãng đời thanh
xuân của Clara đã cống hiến nhiều chi tiết có thể được sử dụng làm chất liệu để
quay phim. Vào tuổi trăng tròn 15, Clara đã từ chối kết hôn vì tâm hồn của nàng
bị xúc động mãnh liệt qua lời rao giảng có chiều sâu của Phanxicô. Từ đó cho
đến lúc Clara trút hơi thở cuối cùng, Phanxicô là một người bạn tinh thần, một
cha linh hướng của nàng.
Lúc lên 18 tuổi, Clara thoát ly
gia đình và trong một buổi lễ đơn sơ cử hành vào đêm, nàng đã cởi bỏ những xiêm
y đắt tiền để mặc lấy một chiếc áo dòng bằng vải thô, đã thay chiếc dây nịt quý
giá bằng một sợi dây thắt lưng đơn sơ và đã để cho Phanxicô cắt mái tóc óng ả
của mình tượng trưng cho tinh thần từ bỏ.
Khi một số thiếu nữ khác cùng một
chí hướng, kể cả Agnes, em gái của Clara, theo chân nàng vào tu viện, họ đã bắt
đầu một cuộc sống nghèo nàn, khổ hạnh và ẩn dật, cắt đứt mọi giao tiếp với thế
giới bên ngoài. Họ đi chân không, ngủ trên nền nhà, không ăn thịt và giữ thinh
lặng hầu như hoàn toàn. Ðó là những dấu hiệu bên ngoài biểu lộ ý hướng bên
trong của họ muốn sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm như Ðức Giêsu đã dạy.
Ðế sống cuộc đời từ bỏ, các nữ tu
dòng thánh Clara khước từ quyền sở hữu của bất cứ của cải nào, kể cả với tính
cách là của chung.
Nhu cầu lương thực hằng ngày được
giải quyết bằng của bố thí. Khi Ðức Thánh Cha khuyên họ giảm bớt cách thực hành
sống nghèo cách tuyệt đối như vậy, Clara đã khẳng khái trả lời: "Thưa Ðức
Thánh Cha, chúng con cần cha tha tội, chứ chúng con không mong ước cha tha
chúng con khỏi những bổn phận phải giữ để trung tín dõi theo chân Chúa
Giêsu".
Trong bốn bức tường tu viện tại
San Ðamianô gần Assisi, Clara ân cần chăm sóc các bệnh nhân, khiêm nhượng hầu
bàn và rửa chân cho các nữ tu sau khi họ đi cầu thực trở về và dành nhiều thời
giờ để tâm hồn chìm sâu trong kinh nguyện. Các nữ tu đồng thời thuật lại rằng:
Khi Clara cầu nguyện xong, mặt chị chiếu sáng làm chói mắt mọi người.
Trong 27 năm cuối đời, Clara bị
đau ốm luôn, nhưng chị đã thu hút được nhiều Giám Mục, Hồng Y, kể cả các giáo
chủ đến để tham khảo ý kiến của chị.
(Lẽ Sống)
11-8
Thánh Clara
(1194-1253)
T
|
hánh Clara là thiếu nữ
xinh đẹp của một gia đình giầu có ở Assisi. Khi mười tám tuổi, được khích động
bởi một bài giảng của Thánh Phanxicô Assisi, ngài cương quyết noi gương các tu
sĩ Phanxicô, thề sống khó nghèo, tận hiến cho Thiên Chúa. Gia đình ngài hoảng
sợ, dùng võ lực ép buộc ngài phải trở về nhà; nhưng một đêm kia, trong một hành
động vừa có tính cách khôn khéo và vừa có ý nghĩa, ngài lẻn ra khỏi nhà qua
"cánh cửa người chết" (cánh cửa nhỏ để khiêng người chết ra ngoài),
và đến với các tu sĩ Phanxicô.
Trong một nhà nguyện nhỏ
bé ở ngoại ô, Thánh Phanxicô đã cắt mái tóc của Clara và trao cho thánh nữ
chiếc áo nâu thô kệch làm chiếc áo dòng. Sau đó, thánh nữ sống với các nữ tu
dòng Bênêđíctô cho đến khi có thêm sự gia nhập của các phụ nữ khác, trong đó có
cả người mẹ goá bụa của ngài và các phụ nữ thuộc gia đình quý tộc ở Florence.
Cộng đoàn nhỏ bé ấy dần
dà được biết đến dưới tên Các Chị Em Hèn Mọn (các tu sĩ Phanxicô là Anh Em Hèn
Mọn). Khi tu hội được thành lập, Thánh Phanxicô đề nghị Clara làm bề trên,
nhưng ngài từ chối cho đến khi được hai mươi mốt tuổi. Các nữ tu trong dòng tận
tụy trong việc cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân và thi hành việc bác ái cho người
nghèo và người bị ruồng bỏ.
Họ sống theo một quy
luật khắc khổ hơn bất cứ nữ tu hội nào khác trong thời ấy, và tuyệt đối khó
nghèo, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Họ đi chân đất, không có
giường, mà nằm trên các khúc gỗ được kết lại và chăn mền là vỏ cây gai dệt
thành. Gió mưa tha hồ lọt qua các vết nứt ở mái nhà cũng như vách gỗ. Họ ăn rất
ít và không bao giờ ăn thịt. Thực phẩm của họ là tất cả những gì xin được. Bất
kể sự khắc khổ của đời sống, những người theo Thánh Clara lại là những thiếu nữ
xinh đẹp nhất Assisi và lúc nào họ cũng có niềm vui vì được sống gần Thiên
Chúa.
Thật vậy, Thiên Chúa đã
gìn giữ họ khỏi sự nguy hiểm khi bọn lính hung dữ đến tấn công Assisi và dự
định bố ráp tu viện này trước hết. Lúc ấy, dù đang đau nặng, Thánh Clara đã
gắng gượng quỳ xuống trước cổng, tay nâng Mình Thánh trong mặt nhật và ngài cầu
xin, "Lạy Chúa, xin hãy gìn giữ các nữ tu mà con không thể nào bảo vệ nổi."
Sau đó, dường như có tiếng trả lời: "Ta sẽ luôn gìn giữ họ," và đồng
thời ngay lúc ấy, quân lính cảm thấy vô cùng sợ hãi và họ chạy tán loạn.
Thánh Clara làm bề trên
tu viện trong bốn mươi năm mà hai mươi chín năm ngài luôn đau yếu. Nhưng lúc
nào ngài cũng vui vẻ vì cho rằng đó là sự phục vụ Thiên Chúa. Nhiều người cho
rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói, "Họ nói chúng tôi
quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sự
nghèo hay không?"
Thánh Clara từ trần ngày
11 tháng Tám 1253. Chỉ hai năm sau, ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Alexander IV
phong thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét