Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

12-08-2013 : THỨ HAI TUẦN XIX MÙA THƯỜNG NIÊN

Thứ Hai Ngày 12/08/2013
Tuần 19 Mùa Thường Niên Năm Lẻ


BÀI ĐỌC I: Đnl 10, 12-22
"Các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi. Hãy yêu thương khách trọ, vì chính các ngươi cũng đã là khách trọ".

Trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân chúng rằng: "Giờ đây, hỡi Israel, Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đòi hỏi các ngươi điều gì, nếu không phải là kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến Người, làm tôi Chúa là Thiên Chúa các ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi, tuân giữ các giới răn và nghi lễ của Thiên Chúa mà hôm nay tôi truyền cho các ngươi để các ngươi được hạnh phúc.
"Hãy xem trời và các tầng trời, trái đất và mọi sự trên mặt đất đều thuộc về Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Nhưng Chúa chỉ quyến luyến cha ông các ngươi, đã yêu thương các ông ấy, và sau đó, trong mọi dân tộc, Người đã chọn dòng dõi kế tiếp các ông ấy là chính các ngươi như ngày hôm nay.
"Vậy các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi, và đừng cứng cổ nữa, vì Chúa là Thiên Chúa các ngươi, là Thiên Chúa trên hết các chúa, là Chủ Tể trên hết các chủ tể, là Chúa cao cả, quyền năng và đáng khiếp sợ, là Đấng không vị nể ai, và không để cho lễ vật hối lộ; Người giải oan cho cô nhi quả phụ, Người yêu mến người khách trọ và cho họ cơm ăn áo mặc. Vậy các ngươi hãy yêu thương khách trọ, vì các ngươi cũng đã là khách trọ trong đất Ai-cập.
"Các ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, và phụng sự một mình Người, phải trìu mến Người và lấy danh Người mà thề. Chính Người là Đấng các ngươi phải ca tụng và là Chúa các ngươi. Người đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại và khủng khiếp, mà mắt các ngươi đã xem thấy. Cha ông các ngươi chỉ có bảy mươi khi xuống ở Ai-cập, và nay Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, đã làm cho các ngươi đông như sao trên trời".  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20
Đáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa! (c. 12a)

1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion, vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. -  Đáp.
2) Người giữ cho bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. -  Đáp.
3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. -  Đáp.

ALLELUIA:  Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

PHÚC ÂM:   Mt 17, 21-26   (Hl 22-27)
"Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.
Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế 'đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".
Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Đòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".  Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Nộp Thuế Cho Ðền Thờ

Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Ðền thờ nữa: ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Ðền thờ Giêrusalem.
Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay xẩy ra vào khoảng tháng 10, năm thứ hai cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, tức là ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor. Chúa Giêsu và các môn đệ trở lại Capharnaum, và ở đó, những người thu thuế đến yêu cầu Phêrô nộp thuế. Dĩ nhiên là Phêrô sẵn sàng nộp thuế.
Khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài. Chúa Giêsu liền bảo thế thì con cái được miễn". Ðây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế;bởi vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế; nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Ðền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài.
Nếu ngày xưa, người Do thái có bổn phận nộp thuế cho Ðền thờ để lo việc phụng sự Nhà Chúa, thì ngày nay trong Giáo Hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó cũng là một việc thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó. Chúng ta hãy nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập vào nếp sống cụ thể của những người đồng thời với Ngài. Mầu nhiệm nhập thể đòi buộc Chúa phải chia sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ước gì chúng ta cũng biết noi gương Chúa, chấp nhận như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 19 TN1


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận của con người đối với Thiên Chúa

Thiên Chúa không ngừng thi ân và giáng phúc xuống trên con người. Ngài làm tất cả mọi sự vì lòng yêu thương, chứ không nợ nần chi con người cả. Để có thể đáp trả tình thương Thiên Chúa, con người cần học để hiểu biết về Thiên Chúa và mối liên hệ của họ với Ngài. Thực ra, con người có đáp trả, họ cũng chẳng thêm điều gì cho Thiên Chúa; nhưng nếu họ biết đáp trả, họ sẽ nhận thêm nhiều hồng ân và nhất là được sống với Ngài muôn đời.

Các bài đọc hôm nay cho chúng ta hiểu phần nào những gì Thiên Chúa đã làm cho con người, và bổn phận con người cần phải đáp trả cho xứng đáng. Trong bài đọc I, ông Moses chuẩn bị tâm hồn cho dân chúng trước khi vào Đất Hứa để sống cuộc đời hạnh phúc: Họ chỉ được thờ kính một Thiên Chúa là Chúa độc nhất. Họ phải tuân theo các điều Ngài dạy và bước đi trong đường lối của Ngài. Tất cả những điều này đã được tóm gọn trong Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban tặng cho họ qua Moses trên núi Sinai. Trong Phúc Âm, điều nực cười là con người đến đòi thuế Đấng đã ban tặng cho họ mọi thứ trên đời này và sắp sửa chết để chuộc tội cho họ. Tuy nhiên, vì thấu hiểu sự vô tri của họ, Chúa Giêsu truyền cho Phêrô đi ra biển thả câu để lấy tiền nộp thuế cho cả Ngài và ông.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những bổn phận của con người đối với Thiên Chúa

1.1/ Anh em hãy cắt bì tâm hồn anh em và đừng cứng cổ nữa: Sau 40 năm lang thang trong sa mạc để được thanh tẩy, rất nhiều lần con cái Israel đã sa chước cám dỗ khi phải đương đầu với thử thách. Giờ đây, trước khi vào Đất Hứa, Moses có lẽ nhìn thấy trước những nguy hiểm mà con cái Israel sẽ phải đương đầu với trong nơi sung túc, ông tập họp họ lại và dăn dò những điều tối quan trọng:

(1) Phải biết kính sợ Thiên Chúa: “Hỡi Israel, nào Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, có đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em.”

(2) Phải giữ các giới răn và lệnh truyền: “Anh em phải đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được hạnh phúc.” Giới răn Thiên Chúa ban với mục đích là cho dân được hạnh phúc, chứ không lấy đi sự tự do hay đè nén họ.

Kính sợ Thiên Chúa và giữ các lệnh truyền của Ngài là điều hợp lý cho tất cả những ai khôn ngoan, vì “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, làm chủ cõi trời và các tầng trời cao nhất, cõi đất và muôn loài trong đó.” Hơn nữa, Ngài đã tỏ lòng yêu thương với các tổ phụ và với họ khi Ngài chọn họ là Dân Riêng để chăm sóc, bảo vệ, và đem vào Đất Hứa. Vì thế, họ phải tỏ ra ngoan ngoãn, vâng lời, cắt bì tâm hồn, và đừng cứng cổ nữa.

1.2/ Phải tránh thói tự mãn và yêu thương khách ngoại kiều: Ông Moses tiếp tục truyền cho dân chúng hai mệnh lệnh mới:

(1) Tránh thói tự mãn: “Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả uý, là Đấng không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ.” Đây là tội mà người Do-thái mắc phải rất nhiều lần trong lịch sử. Họ nghĩ một khi đã được Thiên Chúa yêu thương và nhận là Dân Riêng, Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ bằng mọi giá cho dù họ có phản bội Ngài. Điều này không đúng vì Thiên Chúa “có thể làm cho những cục đá biến thành con cái Abraham” (Mt 3:9). Điều duy nhất họ có thể được Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và che chở là kính sợ Thiên Chúa và giữ các huấn lệnh của Ngài.

(2) Đối xử công bằng và bác ái với những người yếu thế: Thiên Chúa “là Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc. Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập.” Không phải cứ là Dân Riêng của Thiên Chúa rồi tha hồ đàn áp và đối xử bất công với người khác; nhất là với cô nhi, quả phụ, và khách ngoại kiều. Đây là ba thành phần yếu thế nhất trong xã hội, và cần được giúp đỡ cách đặc biệt. Các Sách Cựu Ước rất nhiều lần tuyên bố: Ai đụng tới ba thành phần này là đụng tới chính Thiên Chúa, và Ngài sẽ không dung tha (Exo 22:24; Job 22:9; Psa 68:5; Isa 10:2).

2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có phải trả thuế Đền Thờ không?

2.1/ Thuế Đền Thờ: Đền Thờ mà Chúa Giêsu và Phêrô phải đóng thuế hôm nay là Đền Thờ Jerusalem. Có rất nhiều chi phí cho Đền Thờ: lễ hy sinh sáng chiều qua việc sát tế con chiên một tuổi, rượu, bột, và dầu ôliu. Những thứ này sau khi dâng sẽ là thức ăn nuôi hàng tư tế, ngòai ra còn phải mua dụng cụ, hương lửa, và quần áo cần cho việc tế lễ. Sách Xuất Hành 30:13 ấn định: Tất cả các đàn ông Do Thái, 20 tuổi trở nên, phải đóng góp vào thuế Đền Thờ mỗi năm ½ shekel (khỏang lương của 2 ngày làm việc). Phương pháp trả tiền được ấn định như sau: Mỗi năm vào tháng Ba (Adar), người có trách nhiệm trong các làng mạc sẽ ra thông cáo cho biết thời gian phải trả thuế Đền Thờ đã đến và các quầy đóng thuế sẽ được đặt các nơi để thâu nhận thuế. Nếu ai không trả thuế trước ngày 25 của tháng này, họ sẽ phải lên Jerusalem để trả.

Nhà của Phêrô rất gần hội đường Capernaum, nên không lạ khi những người thu thuế cho Đền Thờ đến hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không nộp thuế sao?" Ông đáp: "Có chứ!" Những người thu thuế có thể hỏi vì thói quen, nhưng cũng có thể hỏi để lấy cớ tố cáo Chúa Giêsu nếu Ngài không chịu đóng thuế.


2.2/ Chúa Giêsu có bổn phận đóng thuế Đền Thờ không? Những người thu thuế chắc chắn nói to đủ để Chúa Giêsu có thể nghe thấy, vì vậy, khi vừa về tới nhà, Đức Giêsu hỏi ông trước: "Anh Simon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?" Ông Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài."

Có hai lý do thật rõ ràng Chúa Giêsu có thể dựa vào để miễn trừ đóng thuế: Thứ nhất, Thiên Chúa là Cha Ngài; và thứ hai, Đền Thờ là nơi ngự của Thiên Chúa, là nhà Cha của Ngài (Lk 2:49).

Tuy thế, Chúa Giêsu vẫn bảo: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh." Nhiều nhà chú giải đặt câu hỏi cho phép lạ này vì lý do nó quá nhỏ đế cần làm phép lạ. Phần đông cho rằng nó chỉ là một kiểu nói của người Do Thái. Chúa có ý muốn bảo thánh Phêrô: Hãy mang lưới ra biển và thả lưới bắt cá để lấy tiền trả thuế Đền Thờ cho Thầy và anh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Con người mắc nợ tất cả với Thiên Chúa. Nếu họ biết điều đó và trả ơn Thiên Chúa xứng đáng, họ sẽ được Thiên Chúa tiếp tục ban ơn và bảo vệ.

- Đền Thờ là nơi Chúa ở với con người, và vì thế cần bảo trì xứng đáng. Để bảo trì cần giáo dân phải đóng góp. Rất nhiều giáo dân đã quên bổn phận này hay đóng góp chưa đủ.

- Là người lãnh đạo, Chúa được hưởng đặc quyền miễn trừ; nhưng vì không muốn làm gương mù cho người khác, Ngài bảo Phêrô hãy chu tòan việc đóng thuế Đền Thờ.



Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 19 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)

Mt 17,22-27

A. Hạt giống...
Đoạn Tin Mừng này gồm 2 chuyện :
1. Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn : Nội dung hầu như giống y lần thứ nhất (x. 16,21), chỉ khác một chi tiết nhỏ là Ngài sắp bị nộp vào tay “người đời”) (lần thứ nhất : “chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, thượng tế và kinh sư”).
2. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ :
- Mọi đàn ông do thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp cho Đền thờ hằng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế này vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này không.
Chúa Giêsu trước hết đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.
- Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn : các bậc vua chúa thường không thu thế con cái họ mà chỉ thu thuế các thần dân khác. “Vậy, con cái thì được miễn” : được miễn bởi vì chúng không phải nộp thù lao hay phải làm tạp dịch để được bố chúng xem chúng là con. Tương quan phụ tử phát sinh từ một sự nhưng không mà tương quan chủ tớ không hề có. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn dạy cho các môn đệ mình cư xử với Thiên Chúa như với người cha của họ là Đấng ngự trên trời và là Đấng luôn trung tín với con cái mình mà chẳng hề đòi buộc chúng phải nộp thuế (Claude Tassin).
- Một giải pháp thực tế : “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ… anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. Các kitô hữu gốc do thái luôn tự do trong việc nộp thuế Đền thờ. Họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì nếu không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho đám người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel.

B.... nẩy mầm.
1. “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” : Động từ “bị nộp” ở thể thụ động hiểu ngầm người nộp là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa nộp ai và nộp cho ai ? Thưa nộp Chúa Con cho người thế gian.
- Ta hãy suy gẫm về tình thương của Thiên Chúa : Ngài ban cho loài người Người Con độc nhất mà Ngài rất yêu quý.
- Ta cũng hãy suy gẫm về sự hy sinh tự hạ của Chúa Giêsu : Là Con Thiên Chúa, Ngài sẵn lòng bị nộp vào tay người đời để cho người đời hành hạ và giết chết.
2. “… nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền” : các môn đệ buồn phiền vì chỉ nhớ phần thứ nhất của lời loan báo (Chúa Giêsu bị giết) chứ không để ý tới phần thứ hai (Ngài sẽ sống lại).
Xin cho con luôn nhớ rằng Thập giá là đường dẫn tới vinh quang, vì có nhớ như thế con mới có thể lạc quan vác thập giá theo Chúa.
3. Câu chuyện này nhắc mọi tín hữu góp phần mình vào Đền thờ, vào việc chung của Giáo Hội. Đây là một bổn phận công bằng, vì ta đã hưởng những ơn ích của Giáo Hội thì ta cũng phải góp phần mình vào đấy, góp phần bằng vật chất và bằng tình thần.
4. Thánh Mat-thêu viết Tin Mừng trong giai đoạn Do thái giáo đã khai trừ các kitô hữu. Cho nên lẽ ra họ không còn bổn phận đóng góp cho Đền thờ Giêrusalem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người do thái kết án là tại kitô hữu bỏ bổn phận trước), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho Đền thờ.
Có nhiều việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.
5. Chúa Giêsu nói với Phêrô : “Anh ra biển thả câu ; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra : anh sẽ thấy một đồng tiền 4 quan. Hãy lấy số tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và của anh” (Mt 17,27)
Là một ngư phủ, việc câu cá với Phêrô quả là dễ dàng. Chúa Giêsu đã sai Phêrô làm một việc trong tầm tay của ông để tuân hành luật lệ xã hội. Nhưng đồng thời, trong cuộc sống, Ngài luôn lưu ý Phêrô và các môn đệ về thế đứng của họ : sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Qua đó, tôi đọc ra nơi Chúa Giêsu một khả năng hội nhập tinh tế : hoà mình vào thế giới nhưng không đánh mất bản sắc riêng của mình.
Trong thực tế, nhiều lần tôi đã lạm dụng hai chữ “hội nhập” để ngụy biện cho những ích kỷ, lười biếng, và những hành động thiếu yêu thương, công bằng trong bổn phận của một Kitô hữu.
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời trong những bổn phận trần thế và những hành động yêu thương nhỏ bé của con. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

12/08/13 THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Gioana Phanxica Săngtan, nữ tu
Mt 17,22-27

VỊ CỨU CHÚA DỊU HIỀN
Chúa Giê-su nói với ông Phê-rô :” Để khỏi làm gai mắt họ, con ra biển thả câu . . . lấy đồng tiền bốn quan để nộp thuế cho họ.” (Mt 17,27)
Suy niệm: Đây là phép lạ “lạ” nhất trong các sách Tin Mừng, vì lần đầu tiên Đức Giêsu làm một phép lạ đem lại ích lợi riêng cho bản thân Ngài và các môn đệ. Đọc Tin Mừng, ta có cảm tưởng ông Phêrô đi ra biển, thả câu và liền câu con cá đặc biệt có ngậm đồng tiền bốn quan để nộp thuế. Thật khoẻ re! Không phải lao nhọc vất vả gì mà vẫn có đủ tiền nộp thuế. Theo ông thầy Giêsu này sướng thật! Chúng ta có nên nghĩ vậy không?
Ta nên nhớ rằng người Do Thái quen dùng những kiểu nói bóng bẩy sống động (giống như ta nói nhà văn kiếm đủ  tiền ở đầu cây viết…). Qua kiểu nói ấy, Đức Giêsu bảo ông Phêrô ra biển câu cá (câu cá là nghề của ông mà!), và sau môt ngày lao nhọc, ông sẽ  kiếm đủ tiền nộp thuế cho Đền thờ.
Mời Bạn: Nhớ rằng Chúa đã ban cho bạn khối óc, đôi tay để suy nghĩ, để lao động. Chúa không làm thay cho bạn những gì bạn có thể làm.
Chia sẻ: Bạn có nhận ra phép lạ của Chúa qua công việc hằng ngày không?
Sống Lời Chúa: Cảm tạ Chúa đã ban cho bạn có được những khả năng tinh thần cũng như thể lý. Bạn hứa với Chúa sẽ cố gắng tối đa trong công việc học hành, lao động để nuôi sống, phát triển bản thân và gia đình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, 33 năm trần thế, Chúa chưa bao giờ làm một phép lạ nào cho bản thân mình. Chúa muốn dùng đôi tay, khối óc để sinh sống như chúng con. Xin cho chúng con biết nhận ra giá trị của lao động và nỗ lực làm việc như một món quà cho những người thân chúng con. Amen.


Suy Niệm:

Trong phần  đầu của bài Tin Mừng, Chúa Giêsu tuyên báo ngài sẽ  bị nộp: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Thiên Chúa biết rất rõ thế gian là ai, vậy mà ngài vẫn nộp con của Ngài cho họ. Điều nay chứng tỏ Chúa rất yêu loài người đến nỗi trao ban chính người con độc nhất mà ngài rất yêu quí để cứu thế gian.

Phần thứ hai của bài Tin Mừng nói về việc nộp thuế  cho đền thờ. Trong thời của Chúa Giêsu, mọi người đàn ông Do thái hàng năm đều phải nộp thuế cho đền thờ với số tiền tương đương hai ngày công, để trang trải các chi phí của đền thờ. Vấn đề là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này hay không? Ðức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Ngài là chủ đền thờ. Lẽ ra Ðức Giêsu không phải nộp thuế cho đền thờ. Nhưng việc Ðức Giêsu nộp thuế chứng tỏ Ðức Giêsu chu toàn lề luật, sống khiêm nhường như mọi người Do Thái bình thường. Thật ra đóng góp vào việc chung của Giáo Hội là một bổn phận công bằng, vì ta được hưởng những ơn ích của Giáo Hội thì mình cũng phải góp phần vào đấy. Nhưng qua việc nộp thuế Chúa Giêsu đưa ra một định hướng nền tảng bằng dụ ngôn: các bậc vua chúa thường không thu thuế các con cái của họ mà chỉ thu thuế các thần dân khác. "Vậy thì con cái được miễn". Tình cha con là mối tương quan 'nhưng không' so với mối tương quan 'chủ tớ'. Qua đó Chúa Giêsu đã kiên nhẫn dạy các môn đệ cách cư xử với Thiên Chúa như một người cha, Đấng luôn trung tín với con cái mình mà chẳng hề bắt con mình nộp thuế.

Lạy Chúa Giê su, Chúa đã nhập thế để chia sẻ trọn vẹn kiếp người với chúng con. Ngài  đã sống và làm gương cho chúng con: "sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian", hòa mình vào thế giới nhưng không đánh mất bản sắc riêng của một người Kitô hữu. Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm những giá trị nước trời trong những bổn phận trần thế và những hành động yêu thương nhỏ bé của chúng con. Ðó chính là  lời chứng sống động để mọi người nhận biết Chúa. Amen


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám

12 THÁNG TÁM

Đưa Vũ Trụ Về Với Thiên Chúa

Trong thế giới hữu hình, nguyên động lực chính của lịch sử và văn hóa là con người. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài và được Ngài bảo vệ để hiện hữu. Con người được Thiên Chúa hướng dẫn trong tình từ phụ để thực hiện vai trò làm chủ trên các tạo vật khác. Như chúng ta nhớ lại, một cách nào đó, con người là một “sự quan phòng của Thiên Chúa”.
Công Đồng Vatican II diễn tả điều này một cách chính xác như sau: “Đối với các tín hữu, chắc chắn hoạt động cá nhân cũng như tập thể của nhân loại, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phuc trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện – và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài, họ qui hướng về Ngài chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp cả địa cầu” (MV 34).
Cũng trong Hiến Chế trên, Công Đồng tuyên bố: “Thật vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật. Khi con người quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu này, ở đó, Thiên Chúa Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ, và cũng nơi đó chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa” (MV 14).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 12-8
Thánh Joanna Phanxica Chantal, nữ tu
Đnl 10, 12-22; Mt 17, 22-27


LỜI SUY NIỆM: Trong Câu chuyện Chúa Giêsu và ông Phêrô nộp thuế cho Đền Thờ. Qua việc những người thu thuế cho Đền Thờ, đến gặp Phêrô. Nhân dịp này, Chúa Giêsu cho biết chính Ngài là con của Thiên Chúa thì chẳng phải nộp thuế. Bởi tất cả của Cha là của Con. Nhưng vì Ngài đang hiện diện giữa những người Do-Thái và Ngài cũng là người Do-Thái. Trong lúc đó dân chúng, chưa ai nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa, nên Ngài giữ đúng Luật. Điều này giúp cho chúng ta xét mình lại, chúng ta đang là con cái của Chúa của Giáo Hội, hay là người ngoài để mà sống đúng với vị trí của mình hơn.


Mạnh Phương

12 Tháng Tám

Món Quà Vô Giá

Một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh. Trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên của tất cả mọi người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà. Tuyệt nhiên, bà không hề đá động đến cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà từng giây từng phút. Quà tặng duy nhất mà bà tặng cho cô đó là một thánh giá được bọc thạch cao. Cô gái nhận lấy món quà nhưng lòng cô đầy cay đắng buồn phiền. Cô tự nghĩ: mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được món quà không ra gì. Không còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy từng giọt cay đắng, cô đã kéo thập giá xuống khỏi tường và ném tung trên nền nhà. Cây thập giá vỡ tung và kìa, trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh...

Cô gái chỉ có thể hiểu được lòng tốt của người chủ khi cô nhận ra giá trị của món quà... Lắm khi Thiên Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những món quà được bao bọc bằng hình thù của thập giá. Sự sần sù và dáng vẻ thê thảm của thập giá làm ta không thể hiểu được lòng tốt của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, Thiên Chúa không bao giờ muốn điều dữ cho chúng ta. Tất cả mọi sự xảy đến cho chúng ta đều nhằm dẫn đưa chúng ta đến nguồn hạnh phúc cao cả hơn.

(Lẽ Sống)

Thứ Hai 12-8
Thánh Louis ở Toulouse 
(1274-1297)


K
hi từ trần vào năm 23 tuổi, Thánh Louis là một tu sĩ dòng Phanxicô, một vị giám mục và là một vị thánh!
Cha của thánh nhân là Charles II của xứ Naples và Sicily, mẹ của ngài là công chúa Mary, con của vua Hung Gia Lợi. Về họ nội, thánh nhân có liên hệ với Thánh Louis IX, và về họ ngoại, ngài có liên hệ với Thánh Elizabeth của Hung Gia Lợi.
Ngay từ nhỏ, Louis đã có những dấu hiệu cho thấy sự yêu quý việc cầu nguyện và lòng bác ái thương người. Cậu Louis thường lấy thực phẩm trong dinh để phân phát cho người nghèo. Khi 14 tuổi, Louis và hai người anh em phải làm con tin sống trong triều đình của vua Aragon theo như cuộc thương lượng chính trị có dính líu đến cha của Louis. Khi trong triều, Louis được các tu sĩ dòng Phanxicô chỉ dạy và nhờ đó Louis tiến bộ cả về việc học cũng như về đàng tinh thần. Noi gương Thánh Phanxicô, ngài đặc biệt yêu quý những người bị bệnh cùi.
Trong thời gian bị bắt làm con tin, Louis đã quyết định từ bỏ tước hiệu hoàng gia và trở thành một linh mục. Khi 20 tuổi, ngài được phép rời bỏ cung điện của vua Aragon. Không lâu sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giám mục của Toulouse, nhưng theo lời yêu cầu, đức giáo hoàng đồng ý để ngài trở nên một tu sĩ Phanxicô trước đã.
Linh đạo Phanxicô thấm nhập Louis. Ngài luôn luôn lập lại rằng: "Ðức Kitô là mọi sự giầu sang của tôi; chỉ một mình Người đã đủ cho tôi." Ngay cả khi làm giám mục, ngài vẫn mặc tu phục dòng và đôi khi cũng đi ăn xin. Ngài chỉ định một tu sĩ làm công việc sửa sai ngài--ngay cả nơi công cộng nếu cầu.
Thời gian Ðức Louis phục vụ cho Giáo Phận Toulouse là thời gian đầy phúc lành. Lúc ấy mọi người đã coi ngài là vị thánh sống. Ðức Louis dành 75 phần trăm lợi tức của mình để nuôi ăn người nghèo và tu sửa các nhà thờ. Hàng ngày, ngài phục vụ 25 người nghèo nơi bàn ăn.
Ðức Louis được phong thánh năm 1317 bởi Ðức Giáo Hoàng Gioan XXII, là một trong những thầy dạy cũ của Ðức Louis.
Lời Bàn
Khi Ðức Hồng Y Hugolino, tương lai là Ðức Giáo Hoàng Gregory IX, đề nghị với Thánh Phanxicô rằng một số tu sĩ dòng sẽ là các giám mục tốt lành, Thánh Phanxicô đã phản đối điều ấy vì sợ rằng họ sẽ mất đi sự khiêm tốn và thanh bạch một khi được bổ nhiệm. Hai đức tính này đều cần thiết cho Giáo Hội ở bất cứ thời gian nào, và Thánh Louis đã cho chúng ta thấy, các giám mục có thể sống những đức tính ấy.


www.mguoitinhuu.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét