Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

11-08-2013 : (2) CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

Chúa Nhật 19 Thường Niên - Năm C
(Phần II)


Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XIX Quanh Năm C ngày 11.8.2013
CHÚA NHẬT XIX QUANH NĂM C
Sách Khôn Ngoan 18. 6-9; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái 11.1-2.8-19
và Phúc Âm Thánh Luca 12. 32-48

I.               Giáo Huấn P.Â.:   
Muốn đạt hạnh phúc nước trời, chúng ta phải luôn trong tư thế sẳn sàng, bằng cách:
Bán gia sản và đem làm phúc bố thí để mua sắm kho tàng không hư nát trên thiên đàng.
Trung thành với đức tin vào Thiên Chúa duy nhất như người tôi tớ trung thành chong đèn sáng thức đêm chờ đợi mở cửa cho chủ đi ăn cưới về.

Ai cũng muốn có nước thiên đàng làm sản nghiệp.
Lời nhắn nhủ phải sẳn sàng luôn dành cho tất cả mọi người.
Đặc biệt cho tông đồ Chúa và những người lãnh đạo: Bản thân họ phải sẳn sàng và còn giúp cho người khác sẵn sàng để chở đón Chúa.
II.      Vấn nạn P.Â.    
Ngày giờ Chúa đến là gì? Tại sao Chúa không cho biết đích xác ngày giờ Chúa đến để chúng ta chuẩn bị đón Ngài cho chu đáo?
Ngày giờ Chúa đến là ngày giờ chết của mỗi người chúng ta.
Phúc Âm hôm nay nhắn nhủ rằng: Ngày giờ chết của chúng ta đến bất ngờ như người chủ trở về nhà sau tiệc cưới hay như tên trộm đến đào ngạch khoét vách ban đêm.
Tự bản chất của dụ ngôn: chủ nhà về sau khi đi ăn cưới hay kẻ trộm đến ban đêm đều là những sự việc bất ngờ. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta biết hay dự đoán được khoảng thời gian nào chúng ta có thể chết, cũng giống như đầy tờ biết đêm nào người chủ đi ăn cưới về. Hay cũng giống như người nhà đoán biết được đêm nào kẻ trộm rình nhà. Bình thường, dù không biết chính xác ngày giờ, nhưng con người biết được khoảng thời gian nào mình có thề chết. Trừ những trường hợp tai nạn tử vong xảy ra đột xuất.
Như vậy chúng ta không hoàn toàn mù tịt về thời gian chúng ta chết. Tuy nhiên lời kêu gọi “phải sẵn sàng luôn” nhằm nhắc nhở cho chúng ta về hai chuyện:
Quyền sinh tử nằm trong tay Chúa vi “ngay đêm nay Ta sẽ đòi lại mạng sống ngươi” như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XVIII quanh năm vừa qua khi Chúa nói về Ông Phú hộ dự trù xây thêm kho lẫm để tận hưởng đến suốt đời sản nghiệp mình có mà quên rằng quyền sinh tử nằm trong tay Chúa.
Lời nhắn nhủ “phải sẵn sàng luôn” còn là lời kêu gọi sống trung thành với Đức tin vào Thiên Chúa duy nhất. Tông đồ Chúa phải như tôi tớ trung thành chong đèn cháy sáng thức đêm đợi chủ mình, tức đợi một mình Chúa mà thôi. Có nhiều đầy tớ đèn đức tin đã tắt lịm hay đã lu mờ vì không còn tin tưởng và đợi trông vào Chúa nhưng vào nhiều Ông chủ khác như tiền bạc, địa vị, danh vọng hay sắc dục.
Ngày giờ Chúa đến còn hiểu là ngày tận thế, ngày Chúa đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Đây thật sự là ngày bất ngờ vì “ngay chính Con Người và các thiên thần cũng không biết, chỉ trừ Thiên Chúa Cha” như được đề cập trong Phúc Âm Matthêô 24. 36. Chúng ta hiểu rằng:  Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa thì thông biết mọi sự, nhưng trong bản tính con người, trong thân phận thanh niên tên Giêsu thành Nadarét con bác thợ mộc Giuse và bà Maria thì Ngài không biết.
Ngày thế mạt không cho ai biết vì đó là việc của Thiên Chúa vượt ngoài những ức đoán và trí hiểu của phàm nhân, “Trời cao hơn đất bao nhiều thì đường lối Thiên Chúa xa với phàm nhân bấy nhiêu” như được diễn đạt trong Sách Tiên Tri Isaia 55. 8-9
Ngày thế mạt không nằm trong khoảng thời gian sinh sống quá ngắn ngũi của thế hệ nhân loại. Thí dụ người ta đoán rằng trái đất, hành tinh nơi chúng ta sinh sống, là một hành tinh nhỏ, và đã hiện hữu hàng năm ngàn tỷ năm. Tuổi thọ 100 năm, tức chỉ có hai con số không của chúng ta có đáng gì với một chuỗi những số không nối tiếp dài nhằng của thế giới. Nên con người không hiểu được và không thể biết được ngày giờ tận thế. Chúng ta thực sự chỉ cần mạc khải: Thế giới vũ trụ có chấm tận. Còn khi nào? Thật sự không cần thiết với cuộc sống quá ngắn của phàm nhân.
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng: Sao Chúa không đến đường đường chính chính mà lại âm thầm lén lút như kẻ trộm? Hay Chúa dùng cái chết đến bất ngờ hay giờ Chúa đến bất ngờ để gài bẫy chúng ta nhằm “bắt gặp chúng ta đang lúc chè chén say sưa hay đánh đập tớ trai tớ gái” mà phạt chúng ta chăng?
“Ta đến như kẻ trộm” chỉ có ý nói về cái chết của mỗi người, hay ngày tận thế ập đến đột ngột, chứ không hàm ý một âm mưu gian manh lừa đảo chúng ta. Vì Chúa là Đấng Tạo Hóa sinh dựng nên chúng ta. Ngài sinh dựng nên chúng ta để chúng ta thông phần hạnh phúc với Ngài. Thiên chúa là Cha chúng ta, và “không Cha nào con mình xin bánh lại cho đá hay con cái xin trứng lại cho chúng bò cạp” Không! Chúa không gài bẫy để hại ai cả, nhưng bản chất cái chết là bất ngờ, là đột ngột vì chúng ta thường không muốn chết và không ngờ mình chết dù biết là mình phải chết. Thứ đến, cái chết đến bất ngời để con người cần giữ vững lòng trung thành với Chúa luôn. Nếu chúng ta biết ngày giờ mình chết, không ai vui và chúng ta có thể hoạch định chương trình sống bất trung ‘xả láng’ một thời gian trước khi chết và sẽ quay về cải tà quy chánh khi gần ngày giờ chết.
Truyền thống Do Thái tổ chức đám cưới ban đêm?

Một lễ cưới theo truyền thống Do Thái phải theo những diễn tiến như sau:

Lễ hỏi: Sau thời gian mai mối. Nhà gái đồng ý để bên đàng trai đến tiếp xúc. Chú rễ tương lai và Cha mình hay bậc trưởng thượng trong dòng họ mình chính thức đến chào thăm nhà cô dâu tương lai và hỏi xem sính lễ cưới bên đàng gái đòi là bao nhiêu. Thỏa thuận giá cả xong, chú rễ tương lai trả tiền xính lễ, hai bên thiết lập giao ước hôn nhân và định ngày rước dâu và đám cưới. Chú rễ tương lai chính thức uống ly rượu được trao từ tay nhạc phụ để nói lên lời giao ước: Anh ta coi như đã có vợ và cô dâu coi như đã có chồng. Họ sẽ thỏa thuận ngày rước dâu và đám cưới từ bảy tới mười hai tháng sau ngày ký lập giao ước hôn nhân nầy. Chú rễ rời nhà nhạc phụ và bắt đầu chuẩn bị chỗ nơi riêng cho cuộc sống vợ chồng.

  Đêm rước dâu: Thường xảy ra sau khi kết thúc ngày Sabat, tức sau khi mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy. Chú rễ và bạn chú rễ với đuốc sáng đi sang đàng gái và đón cô dâu. Cô dâu biết đêm về nhà chồng nhưng không biết giờ nào chàng rễ và đoàn người đón dâu đến. Nên cô và các bạn cô phải chong đèn thức đêm để chờ chàng rễ đến. Điều nầy cho chúng ta hiểu dụ ngôn mười cô phù dâu, năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan được tường thuật trong Phúc Âm Matthêô 25, 1-13.

Sau khi đã đón cô dâu và khách nhà gái đưa dâu sang đàn trai. Tiệc cưới đã dọn sẵn. Tuy nhiên chàng rễ sẽ đưa cô dâu vẫn còn che mặt vào phòng tân hôn và họ động phòng lần đầu tiên. Phù dâu, phù rễ đứng ngoài chờ. Sau thời gian động phòng, chú rễ xuất hiện trước mặt mọi người, cho biết rằng hôn nhân đã hoàn hợp và tiệc cưới bắt đầu.Tiệc cưới thường kéo dài bảy ngày, từ tối hôm đón dâu tức từ chiều tối Thứ Bảy sau ngày Sabat cho đến chiều ngày Thứ Sáu bắt đầu ngày Sabat khác. Trong suốt bảy ngày đám cưới cô dâu ẩn mình trong phòng tân hôn và chăn gối với chồng mình. Sáng ngày kết thúc đám cưới, cô xuất hiện trước đám đông, không còn che mặt  nữa và chính thức thành người đàn bà trong dòng họ nhà trai.

Sau nầy, phòng tân hôn được tổ chức trong một lều kín nhằm nói lên nơi dành riêng đặc biệt dành cho đôi vợ chồng mới. Cũng có một vài cắt nghĩa về việc tổ chức rước dâu ban đêm theo truyền thống Do Thái như thế nầy.

Rước dâu ban đêm để nói rằng: người đàn bà nầy được dành riêng cho người chú rễ mà thôi, không có nhiều người thấy cô dâu, nhờ cô che mặt và đêm tối. Hơn nữa việc hoàn hợp chăn gối xảy ra  ngay sau khi rước dâu. Nên đêm tân hôn không thể là ban ngày.

Người Do Thái rời ách nô lệ Ai Cập ban đêm sau khi thiên thần Chúa đã vượt qua những nhà có máu chiên bôi trên cửa nhà người Do Thái. Vận mạng một dân tộc biến đổi trong ban đêm. Cuộc sống một người đàn bà thay đổi trong ban đêm, đêm tân hôn, đêm cô trinh nữ thành vợ, thành người đàn bà. Từ nay cô chọn nhà chồng làm cơ nghiệp cho mình.

Tại sao có việc chủ trừng phạt đầy tớ bằng cách đánh đòn nhiều hay đánh đòn ít?

Chế độ chủ nô đã có từ lâu đời, khoảng năm 1800 trước Chúa Giêsu và chỉ mới kết thúc toàn bộ trên toàn thế giới vào thế kỷ 20, với bản tuyên bố nhân quyền, xóa bỏ nô lệ của Liên Hiệp Quốc năm 1948. Nên đầy tớ hay nô lệ là vấn đề thông thường và rất thịnh hành trong xã hội Do Thái hay Cận Đông thời Chúa Giêsu và trên toàn thế giới.

 Cách chung nô lệ hay đầy tớ là sở hữu chủ của Ông chủ. Chủ có quyền sinh sát trên nô lệ mua bán hay trao đổi nô lệ như những món đồ trong nhà. Sự giàu nghèo của một chủ gia dựa trên số nô lệ mà ông ta có. Cách chung, nô lệ cung cấp lao động như con bò con trâu kéo cày làm ruộng canh tác cho chủ nhân thôi. Nhiều nô lệ tức nhiều người làm giàu cho chủ ông. Càng giàu, chủ ông càng có khả năng mua nhiều nô lệ.

Dụ ngôn trong Phúc Âm nói về những đầy tớ dù biết ý chủ mà còn tự tung tự tác hay lạm dụng quyền hành được trao thì sẽ bị đòn nhiều. Ngược lại, đầy tớ không biết ý chủ thì sẽ bị đón ít hơn. Thật sự không có thí dụ nào chính xác trăm phần trăm với thực tế. Thí dụ hay dụ ngôn là việc Chúa dung một câu chuyện để truyền đạt ý Chúa. Nó giống như cây chuyện cô Tấm cô Cám trong cỗ tích Việt Nam mình. Múc đích câu chuyện là truyền đạt bài học luân lý: Ở hiền gặp lành mà ở ác gặp dữ. Trong thực tế không thể có mọi tình tiết như trong chuyện Tấm Cám.

Cũng vậy, dụ ngôn hay thí dụ đầy tớ bị đòn ít hay bị đòn nhiều là những tình tiết kể chuyện theo lối hiểu của người thời bấy giờ. Đại khái như thế nầy: Trong số nô lệ hay đầy tớ trong nhà. Một ít người được cử lên thay chủ điều hành chuyện trong nhà. Nhiều quản gia khi được cất nhấc lên cao thì quên mình là nô lệ mà tự tung tự tác, đánh đập hành hạ những đầy tớ khác. Anh ta không vận dụng sự tín nhiệm của chủ mà làm lợi cho chủ. Anh tạ phụ lòng tin của chủ.

Những quản gia bất trung nầy sẽ bị phạt tức bị đòn theo kiểu thời bấy giờ, tức bị trừng trị đích đáng với sự tín nhiệm của chủ mà anh bội ước. Dụ ngôn cũng có ý diễn tả vai trò quản lý mà Chúa trao ban cho chúng ta. Chúng ta không là chủ mà chỉ là quản lý. Chúng ta là người nhận tất cả từ chủ, tức từ Chúa và có bổn phận trao ban lại cho những người khác. Tất cả đều được yêu thương và quan tâm qua những nén bạc hay qua trách nhiệm mà chúng ta được trao phó.

III.         Thực hành P.Â.:
1)    Tỉnh thức và sằn sàng luôn theo Phúc Âm và Giáo Lý Công Giáo dạy:

Cuộc sống nầy hoàn toàn tạm bợ và mau qua. Tất cả chỉ là phù vân như bài đọc thứ nhất trong sách khôn ngoan của Chúa Nhật XVIII quanh năm .

Chúng ta đang trên đường về quê hương vĩnh cửu trên thiên đàng. Chúa kêu gọi chúng ta làm việc lành phúc đức để mua sắm kho tàng không hư mất trên trời.

Giữ vững đức tin, chong đèn cháy sáng để đợi Chúa gọi về chung hưởng hạnh phúc thiên đàng. Sống trong ân sủng Chúa và siêng năng lãnh nhận bí tích.

Giờ Chúa đến hay ngày giờ chết của mỗi người úp chụp xuống như chiếc bẫy bắt chim. Đây không phải là mưu mô làm hại chúng ta, nhưng là sự khôn ngoan của người Cha để giúp con cái trong tư thế sẵn sàng.

Những việc không thể bỏ qua:
Kinh nguyện tối sáng.
Xưng tội rước lễ.
Tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các lễ buộc.
Khi có đối diện nguy hiểm như bệnh hoạn hay giải phẩu, nên lãnh nhận bí tích xưng tội, xức dầu Thánh và rước Chúa như của ăn đàng.

Có người lý luận rằng: Chúa ở khắp mọi nơi. Ở đâu cầu nguyện cũng được chứ cần chi phải đến nhà hờ. Đó là lý luận của người làm biếng và không thực tế. Không đứa con nào gọi là hiếu thảo với Cha Mẹ mình nếu không bao giờ gọi hỏi thăm hay thăm viếng hay qui tụ anh chị em trong nhà để vấn an sức khỏe Mẹ Cha.

2)    Tiền bạc là phương tiện để sinh sống, làm việc bác ái và mua sắm nước thiên đàng mai sau

Khi có con người là đã có trao đổi và mua bán. Nhưng lúc đầu người ta thường đem con bò của nhà mình để đổi lấy thức ăn hay sản phẩm của người khác. Thật là phiền phức khi phải dẫn một con bò hay hai con bò đi bộ hàng 10 hay 20 cây số để đổi lấy một thúng ngũ cốc.

Người Hy Lạp đúc ra tiền vàng đầu tiên lớn to bằng chiếc mâm và qui định giá trị bằng một con bò và có chạm hình con bò trên đó. Nên trong tiếng Latinh, tiền được gọi là Pecunia, nguyên nghĩa là con bò cái. Theo thời gian đồng tiền vàng được đúc nhỏ hơn để tiện di chuyển và trao đổi. Tuy nhiên nó vẫn gọi là Pecunia và có hình con bò cái.

Bò cái bên Ấn Độ và nhiều nước là thần. Từ chỗ tôn thờ thần bò cái người ta tôn thờ tiền bạc như mục đích của đời sống. Càng có nhiều tiền, người ta càng có quyền hành và thế lực. Từ đó tiền bạc lên ngôi thần thành, được tôn thờ như thần nên người Trung Hoa gọi là thần tài.

Tiền bạc, nguyên bản chất là vật vô tri với hình con vật, con bò cái được tôn làm thần thánh. Nên con người đảo lộn trật tự: Đưa vật chất lên bàn thờ và mang thần thánh xuống đất đen. Người ta coi trọng tiền bạc, thế lực và sự giàu có hơn cà Chúa, cả tôn giáo, hơn tình nghĩa ruột thịt, chồng vợ và hơn cà sự sống mình. Người ta giết nhau vì tiền. Người ta thanh toán nhau vì tiền. Người ta hại nhau để làm giàu. Anh chị em thành hận thù cũng vì chia gia sản tiền bạc.

Tỉnh thức và sẵn sàng luôn còn có nghĩa là thông suốt và nhận định đúng giá trị của vật chất và tiền bạc. Đó là con vật, con bò cái chứ không là thần. Đó là phù vân chứ không là vĩnh cửu như Thượng Đế. Tiền không bao giờ mang hạnh phúc cho con người. Đừng bao giờ tin rằng: có tiền mua tiên cũng được.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên 

Chủ về

Suy Niệm
Ðức Giêsu tự ví mình như một ông chủ.
Ông chủ vắng nhà vì đi ăn cưới tới khuya.
Chắc chắn ông sẽ về, nhưng chẳng rõ vào giỡ nào.
Vì thế người đầy tớ giữ cửa phải chờ đợi.
Phúc cho đầy tớ nào còn tỉnh thức khi chủ về.
Chẳng những hạnh phúc cho anh ta, mà cho cả ông chủ.
Ông vui sướng khi thấy đầy tớ còn chờ mình,
nhạy cảm với tiếng gõ cửa đầu tiên,
mau mắn ra mở cửa, trong tay cầm đèn sáng.
Sau đó ông chủ đã làm một hành vi quá đỗi bất ngờ.
Từ địa vị ông chủ, ông đã hạ mình làm người tôi tớ.
Ông thắt lưng, mời các đầy tớ vào bàn ăn và phục vụ.
Ông chủ không cố ý về vào lúc đầy tớ đang ngủ.
Ðức Giêsu cũng không đến bất ngờ để bắt quả tang ai.
Ngài mời gọi con người kiên trì chờ đợi.
Chờ đợi là một thách đố của tình yêu.
Người biết chờ cũng là người biết yêu.
Thật ra, Chúa không đến bất ngờ.
Chúa chỉ đến bất ngờ với ai không sẵn sàng tỉnh thức.
Chúa chỉ bất ngờ khi chúng ta nghĩ rằng
Ngài không thể đến vào lúc này, trong hoàn cảnh này.
Nếu chúng ta tin Chúa vẫn đến trong mọi tình huống
thì ta sẽ gặp được những bất ngờ thú vị.
Dù Ðức Giêsu ví mình đến bất ngờ như kẻ trộm,
nhưng Ngài không phải là Ðấng thích gieo tai ương.
Trái lại, Ngài thích đem đến những niềm vui bất ngờ.
Bất ngờ hơn cả là ta thấy Chúa phục vụ mình,
sống như người hầu bàn, cúi xuống rửa chân cho môn đệ.
Chúa là ông chủ thích phục vụ hơn là được cung phụng.
Thiên Ðàng là nơi Thiên Chúa tiếp tục phục vụ nhân gian,
Ngài thết tiệc cho nhiều người từ đông sang tây tham dự.
Ðức Giêsu tự ví mình như một ông chủ vắng nhà.
Ông chủ này không độc đoán, nắm hết mọi quyền hành.
Ông tin vào con người và giao trách nhiệm cho họ.
Người quản gia được cử làm đại diện cho ông
để cắt đặt công việc và phân phát lương thực cho đầy tớ.
Mọi quyền bính trong Hội Thánh bắt nguồn từ Ðức Kitô.
Quyền bính là phương tiện để phục vụ Dân Chúa,
nhưng nó có thể bị lạm dụng để phục vụ cho bản thân.
Ðánh đập tôi trai tớ gái, chè chén say sưa
vì nghĩ rằng còn lâu chủ mới về:
đó vẫn là những nguy cơ rình rập các vị lãnh đạo.
“Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho mọi người?”
Một tông đồ như Phêrô cũng có thể bị phạt.
Tông đồ là người đã biết ý chủ
nên sẽ bị đòn nhiều hơn nếu không làm theo ý đó.
Vừa hiền lành bao dung, vừa đòi hỏi nghiêm túc.
Vừa đòi đầy tớ phải phục vụ, vừa phục vụ như đầy tớ.
Có bao nét tương phản nơi khuôn mặt ông chủ Giêsu!
Chúng ta có phải là đầy tớ trung tín và khôn ngoan không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.
Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho.
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Lectio: Chúa Nhật XIX Thường Niên (C)

Chúa Nhật, 11 Tháng 8, 2013

Lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sự tỉnh thức 
Lc 12:32–48 

Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, xin đổ đầy các tâm hồn trung nghĩa của Chúa.
Chúa là Đấng đã đến để làm cho chúng con trở nên trung kiên,
giờ đây xin hãy đến để cho chúng con được ơn phúc.
Chúa là Đấng đã đến, để với sự trợ giúp của Chúa,
chúng con có thể tự hào với niềm hy vọng chia xẻ
trong vinh quang của con cái Thiên Chúa,
Xin Chúa hãy ngự đến lần nữa để chúng con có thể cũng hãnh diện trong sự sở hữu ấy.
Vì chính Chúa là Đấng xác nhận, củng cố, kiện toàn và mang đến sự viên mãn.
Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên chúng con, Đức Chúa con đã cứu chuộc chúng con:
sau đó chính Chúa là Đấng hoàn thành.
Xin hãy mở tâm trí chúng con với toàn bộ chân lý, để chúng con được tận hưởng điều tốt lành nhất,
đến trong tầm mắt của Chúa Cha, tràn đầy niềm hân hoan,
niềm vui mừng trong mọi tất cả niềm vui mừng.  Amen.
(Gualtiero di S. Vittore)

1.  Bài Đọc 
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc: 

Ở đây chúng ta có hai bối cảnh:  việc hình thành tổ chức các môn đệ trong cuộc hành trình của Chúa Giêsu đi về Giêrusalem (9:51 – 19:28) và phản ứng của các dân ngoại cải đạo trong các cộng đoàn của Luca sau sự nhiệt tình ban đầu của họ và trông ngóng sự trở lại của Chúa.  Các môn đệ đã lo sợ (9:45) với ý tưởng mới về sứ vụ của Chúa Giêsu phải chịu nhiều đau khổ (9:22, 43-44); và trong lòng các ông ý tưởng an ủi về một Đấng Cứu Thế vinh quang hơn vẫn tiếp tục chi phối các ông.  Một cách tương tự, trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi (của thập niên 80), sự hồi sinh tinh thần tà giáo đã bắt đầu phát triển.  Người ta nấn ná cho tới khi biết chắc chắn gia nhập đạo và theo đạo một cách sâu xa thì mới thay đổi cách sống và lối suy nghĩ này.  Chúa Giêsu cam đoan với các môn đệ mình với ba dụ ngôn và làm cho các ông suy nghĩ về ý nghĩa gặp gỡ Thiên Chúa, về ý nghĩa của sự tỉnh thức và về trách nhiệm của mỗi người trong tình trạng hiện tại.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

12:32-35  Lời giới thiệu
12:36-38  Dụ ngôn người chủ đi ăn cưới trở về
12:39       Dụ ngôn về kẻ trộm đào ngạch vào nhà
12:40-41  Các môn đệ bị làm liên can vào
12:42-46  Dụ ngôn về người quản lý
12:47-48  Kết luận

c)  Phúc Âm:
 32 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con. 33 Các con hãy bán những của cải các con có mà bố thí.  Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát. 34 Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.


35 “Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, 36 và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. 37 Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy! 39 Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. 40 Cho nên các con hãy sẵn sàng:  vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. 41 Phêrô thưa Người rằng:  “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?” 42 Chúa phán:  “Vậy các con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, đã đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ?” 43 Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. 44 Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. 45 Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng:  “Chủ tôi về muộn,” nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa, 46 chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. 47 Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn đày tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn.  Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn.  


2.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện  

Để cho Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống của chúng ta.

a)  Một vài câu hỏi gợi ý 

·         Tôi có cảm nghĩ gì khi đọc đoạn Phúc Âm này?  Lo sợ, tín thác, ngạc nhiên, hân hoan, hy vọng, hay bối rối.....?
·         Đời sống Kitô hữu mang ý nghĩa của sự hân hoan nhiều hay ít đối với tôi ra sao?  Và đó là một gánh nặng đến mức độ nào?  Đời sống đó là vì bổn phận đến mức độ nào, và vì tình yêu đến mức độ nào?
·         Tôi có cảm tưởng gì khi nghĩ đến một cái chết đến bất ngờ cho tôi?
·         Đối với tôi, việc hiệp thông với Thiên Chúa đến nay vẫn là một kỳ vọng ở mức độ nào và tôi đã có những gì?
·         Suy nghĩ tà đạo của “lối sống hưởng thụ qua ngày” (carpe diem), trái ngược với các giá trị của Tin Mừng, nó đang biểu hiện như thế nào ngày nay?
·         Trong đời sống của tôi, sự tỉnh thức, trung tín, làm việc cho Nước Trời và chuẩn bị sẵn sàng mang ý nghĩa gì?

b)  Lời chú giải: 

Đây là một tín lý về sự tái quang lâm của Chúa. 

12:32  Không có lý do gì phải lo sợ.
Hỡi đoàn bé nhỏ, các con đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban nước trời cho các con.  Khi các môn đệ đang lo sợ, Chúa Giêsu an ủi các ông với các chữ ẩn dụ đoàn chiên (Ga 10; 21:15-17) và người mục tử nhân lành.  Người ta phải coi chừng các ngôn sứ giả (Mt 7:15). Ý của Chúa Cha là không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (Mt 18:12-16), Người sẽ ban cho chúng ta tất cả (Rm 8:28-32).  Một vương quốc đã được dọn sẵn cho chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa (Mt 25:34), chúng ta là những người đồng thừa tự cùng với Con Người (1Pr 1:3-5).

12:33-34  Hôm nay chúng ta chào đón sự phong phú của việc được sở hữu Thiên Chúa, điều tốt lành duy nhất. Chỉ có Chúa thôi là quá đủ! 
Các con hãy bán những của cải các con có mà bố thí.  Hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát.  Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.
Chúa Giêsu đã nói chúng ta đừng dự trữ kho tàng (Mt 6:20;21).  Cộng đoàn Kitô hữu đã hiểu ý nghĩa của sự tự do thanh thản khi không phải lệ thuộc vào của cải và sự chia sẻ những của cải đó (Cv 4:34) bởi vì thời giờ chẳng còn bao lâu (1Cor 7:29-31).  Đời sống mới trong Chúa Kitô trở nên tiêu chuẩn cho sự sở hữu của bất kỳ của cải nào.

12:35  Cam kết hằng ngày
Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay;
Bởi vì Đức Chúa Cha đã sẵn lòng dọn sẵn cho chúng ta một vương quốc, chúng ta phải sẵn sàng để đón nhận lấy, sau khi chúng ta đã bỏ lại đằng sau mọi trở ngại.  Người Do-thái thắt áo choàng của họ ở thắt lưng để có thể làm việc một cách hữu hiệu hơn.  Tiên tri Êlia đã thắt lưng mình để chạy (1V 18:46).  Thái độ mà Chúa Giêsu khuyên nhủ cho những ai đang mong đợi ngày Chúa quang lâm là hãy bắt tay vào làm việc và đừng biếng nhác (1Ts 5:6-8; 1Pr 5:8; 1:13).  Tỉnh thức là nền tảng cho người Kitô hữu.  Cách sống của người Kitô hữu thì không chỉ là một thái độ bởi vì người ấy giờ đây đã mặc lấy Đức Kitô và dành trọn cho vương quốc của Người.

12:37-38  Việc gặp gỡ Thiên Chúa sẽ tuyệt vời.
Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức: Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, đặt chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng.  Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy!
Hành động mà người chủ đi hầu hạ các tôi tớ mình thì thật là đáng ngạc nhiên!  Đây là những gì Chúa Giêsu đã làm khi Người rửa chân cho các môn đệ (Ga 13:4-5).  Việc chia ban đêm ra làm nhiều phần (Mc 13:35) theo phong tục người La-mã, làm cho những người muốn tỉnh thức phải khó khăn hơn.  Đối với những người hết lòng trung tín với Chúa, tương lai của họ đã được bảo đảm.

12:39  Chúng ta đừng lãng phí thời gian (và tiền bạc!) trong cố gắng tìm kiếm cho tương lai.
Các con hãy hiểu biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. 
Một điều lợi trong việc tỉnh thức là chúng ta không biết khi nào Chúa sẽ đến (Mt 24:42-51).  Ngày phán xét chung và cả ngày chết của từng cá nhân cũng không ai biết.  Ngày trở lại quang lâm của Chúa không thể đoán được (Kh 3:3).  Điều này đã gây ra một ấn tượng sâu xa với các môn đệ (1Tx 2:1-2; 2Pr 3:10).

12:40-41  Tình yêu không phải là một thẻ hội viện chính thức nhưng chính là sức mạnh của chúng ta.
Cho nên các con hãy sẵn sàng:  vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.  Phêrô thưa Người rằng:  “Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?”
Chính bản thân Phêrô vẫn còn mơ ước được hưởng một số đặc quyền bởi vì ông đã bỏ lại đằng sau tất cả mọi thứ để đi theo Chúa Giêsu (Mt 19:27).  Đức Giêsu đã giúp ông Phêrô trưởng thành trong tâm thức bằng cách trả lời cách gián tiếp qua dụ ngôn về người quản lý trung tín.
Sự cải hoán là một quá trình lâu dài, cũng như vậy đối với những người cảm thấy gần gũi với Chúa.

12:42-44  Kết hợp sự tỉnh thức và trung tín trở thành nhiệm vụ được ủy thác cho chúng ta.
Chúa phán:  “Vậy các con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, đã đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ?”  Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy.  Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình.  
Luca đã dùng chữ “quản lý” thay vì “đày tớ” (Mt 24:25) gần như đề nghị cho câu hỏi của Phêrô.  Những người có tinh thần trách nhiệm, nói riêng, phải trung tín trong công việc của họ.
                                                                                                                                                         
12:45-46  Đừng làm chậm trễ việc hoán cải của chúng ta đến một ngày mai không bao giờ tới.
Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng:  “Chủ tôi về muộn,” nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa, chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung.
Có những người chào đón nhiệt tình Tin Mừng, nhưng bây giờ, khi phải đối diện với những khó khăn hiện tại và hệ quả của việc dấn thân, bắt đầu ngoái nhìn lại những thói tật cũ:  bạo hành, quá độ, và không nghe theo lương tâm.  Tất cả những giá trị trái với Tin Mừng.

12:47  Cho đi theo như mức độ mà chúng ta đã nhận.
Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. 
Chúa sẽ thưởng cho mỗi người theo như việc làm của người ấy (Mt 16:27) và theo như ân sủng nhận được (Rm 11:11-24).  Người Do-Thái, dân ngoại, những người cải đạo hoặc những ai trung thành với đức tin tôn giáo của họ thì sẽ được phán xét theo như lương tâm công chính của họ.

12:48  Bởi vì điều cao quý nhất là được thông hiệp với Thiên Chúa đến muôn đời.
Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn. 
Thánh Gioan Thập Giá nói rằng vào cuối cuộc đời chúng ta sẽ được phán xét dựa trên tình yêu.  Xem Tin Mừng Matthêu 25:15-16               
                                           
3.  Thánh Vịnh 33:1-5; 13-15; 18-22  


Người công chính, hãy reo hò mừng CHÚA!
Kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen.
Tạ ơn CHÚA, gieo vạn tiếng đàn cầm, 
Kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt!
Nào dâng Chúa một khúc tân ca,
rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng.
Vì lời CHÚA phán quả là ngay thẳng,
mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin.
Chúa yêu thích điều công minh chính trực,
tình thương CHÚA chan hoà mặt đất.

Từ trời cao nhìn xuống, CHÚA thấy hết mọi người.
Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế.
Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên,
việc họ làm, Chúa thông suốt cả.

CHÚA để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
hầu cứu họ khỏi tay thần chết
và nuôi sống trong buổi cơ hàn.
Tâm hồn chúng tôi đợi trông CHÚA,
bởi Người luôn che chở phù trì.
Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ,
vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.
Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy CHÚA,
như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

4.  Lời nguyện kết

Lạy Cha, nguyện xin cho ngọn lửa đức tin đốt cháy trong lòng chúng con cũng giống như là ngọn lửa đã thúc giục ông Abraham sống trên đời này như một khách hành hương.  Nguyện xin cho ngọn đèn của chúng con không bao giờ mờ, với lòng cảnh giác trong sự trông đợi giờ Chúa đến, để chúng con có thể được Chúa đưa về quê hương vĩnh cửu của chúng con. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét