Trang

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

14-08-2013 : THỨ TƯ TUẦN XIX MÙA THƯƠNG NIÊN - THÁNH Maximilian Mary Kolbe, linh mục, tử đạo (lễ nhớ)

Thứ Tư Ngày 14/08/2013
Tuần 19 Mùa Thường Niên Năm Lẻ



BÀI ĐỌC I: Đnl 34, 1-12
"Môsê qua đời tại đó như Chúa đã truyền dạy, và không còn tiên tri nào như ông đứng lên nữa".

Trích sách Đệ Nhị Luật.
Trong những ngày ấy, ông Môsê từ đồng bằng Moab đi lên núi Nêbô, ngọn núi Phasga, ngay trước mặt thành Giêricô. Và Chúa cho ông thấy khắp xứ Galaad cho đến Đan, cả miền Nephtali, đất Ephraim và Manassê, cả xứ Giuđa cho đến Biển Tây, phần đất phía nam vùng đồng bằng rộng lớn Giêricô, là thành cây chà là, cho đến Sêgor. Chúa phán cùng ông rằng: "Đây là Đất Ta đã thề hứa với Abraham, Isaac và Giacóp bằng những lời này: 'Ta sẽ ban nó cho con cháu ngươi'. Ta đã cho ngươi thấy tận mắt xứ ấy, nhưng ngươi sẽ không được qua đến đó".
Môsê, tôi tớ của Chúa, đã qua đời tại đó, trên đất Moab, như Chúa đã truyền dạy. Ông được chôn cất trong thung lũng tại xứ Moab, ngay trước mặt thành Phegor. Mãi đến nay, không ai biết ngôi mộ của ông. Khi Môsê qua đời, ông được một trăm hai mươi tuổi: mắt vẫn chưa mờ và răng vẫn chưa lung lay. Con cái Israel thương khóc ông suốt ba mươi ngày trong đồng bằng Moab. Ngày thọ tang Môsê chấm dứt, thì Giosuê, con ông Nun, được đầy tinh thần khôn ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên ông. Con cái Israel vâng lời ông, thi hành mệnh lệnh Chúa đã truyền cho Môsê.
Về sau, trong Israel không còn tiên tri nào như Môsê đứng lên nữa: ông là người Thiên Chúa từng quen mặt. Biết bao dấu lạ, kỳ công Chúa đã sai ông làm trong đất Ai-cập, chống lại Pharaon cùng tất cả triều thần và xứ sở vua ấy. Môsê đã tác oai và làm những việc kỳ diệu vĩ đại trước mắt toàn thể Israel. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 65, 1-3a. 5 và 8. 16-17
Đáp: Chúc tụng Chúa là Đấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống (c. 20a & 9a).

1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa. - Đáp.
2) Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa. Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta! Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca khen Người. - Đáp.
3) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Người. - Đáp.

ALLELUIA: Gc 1, 21

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20
"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.
"Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Hiệp Thông Huynh Ðệ

Một linh mục quản xứ nọ bất ngờ nhận được một cú điện thoại hỏi xin cho biết nhân vật quan trọng X có đến tham dự Thánh lễ sáng Chúa Nhật tới hay không? Vị linh mục trả lời: "Tôi không biết gì về chương trình của nhân vật đó; ông ta có đến hay không, tôi không biết; nhưng tôi có thể báo cho anh biết chắc chắn rằng trong Thánh lễ đó, có một vị thượng khách sẽ hiện diện với chúng ta, đó là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa".
Câu trả lời trên đây có thể thức tỉnh chúng ta về thái độ trong sinh hoạt phụng vụ của cộng đoàn. Chúng ta thường muốn có và hãnh diện vì sự hiện diện của những nhân vật quan trọng trong những cử hành phụng vụ; trong khi đó, chúng ta lại bỏ quên hoặc lơ là với một nhân vật quan trọng nhất, đó là Chúa Giêsu Kitô.
Chương 18 Tin Mừng Mátthêu gồm những giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của người môn đệ trong cộng đoàn. Ở đây chúng ta đọc thấy điểm căn bản cho giáo lý về Giáo Hội như một sự hiệp thông, một cộng đoàn, một thân thể của Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết: "Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ". Ðây là yếu tố quyết định cho lời cầu xin của chúng ta, vì chính Chúa Giêsu mới là Ðấng làm cho lời cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa nhậm lời.
Một điểm nữa được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đó là thái độ phải có đối với những người tội lỗi trong cộng đoàn. Tội lỗi, nết xấu, đó là một thực tại không thể tránh được, dù đó là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu qui tụ. Cộng đoàn có Chúa hiện diện, nhưng đồng thời là cộng đoàn bao gồm những con người yếu đuối, có thể lỗi phạm. Lời Chúa dạy về việc sửa lỗi huynh đệ cần được chúng ta lưu tâm: Kẻ phạm lỗi kia là người anh em chúng ta, chứ không phải là kẻ thù. Lời khuyên, sự nâng đỡ, sửa lỗi riêng tư phải là bước đầu tiên; kế đến là việc sửa lỗi chung nhờ sự hỗ trợ của cộng đoàn; cuối cùng là phán quyết của vị đại diện đã được Chúa trao cho tác vụ bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông cũng như chữa trị những gì làm hại đến cộng đoàn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ sống của chúng ta: chúng ta đã làm gì để duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn? Chúng ta đã đối xử ra sao trước tội lỗi của chính mình cũng như của người khác?
Xin Chúa tha thứ và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi mà tự sức riêng, chúng ta không thoát được. Xin Chúa luôn hiện diện với chúng ta, để chúng ta sống hiệp nhất với nhau và được ơn cứu độ.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 19 TN1, Năm lẻ.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chiều kích cộng đoàn phải đặt trên chiều kích cá nhân.

Thiên Chúa không sống một mình, Ngài hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, với thiên thần, và với con người. Thiên Chúa có dư uy quyền để làm tất cả mọi sự; nhưng Ngài chọn để cộng tác với tất cả trong chương trình cứu độ của Ngài. Nếu Thiên Chúa chú trọng chiều kích cộng đoàn hơn chiều kích cá nhân, con người cũng phải làm như thế.
Các Bài Đọc hôm nay đều muốn nêu bật tính cộng đoàn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Đệ Nhị Luật nêu bật sự hy sinh và lãnh đạo của ông Moses trong việc đưa dân Chúa ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập và vào Đất Hứa. Moses đã hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao và trước khi qua đời, ông đã chuyển giao sứ vụ cho ông Joshua như ý Thiên Chúa muốn, để đưa dân vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một số điều phải làm để bảo vệ và lãnh đạo cộng đoàn: sửa lỗi huynh đệ, quyền cầm buộc và tháo cởi, và những giờ cầu nguyện chung.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa gởi mỗi nhà lãnh đạo tới để hoàn tất một phần của chương trình cứu độ.

1.1/ Ông Moses hoàn tất trách nhiệm Thiên Chúa trao phó: Theo sự quan phòng của Thiên Chúa: những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thực hiện; khi nào Ngài sẽ thực hiện, không ai biết được thời gian. Lịch sử cứu độ là bằng chứng của điều này. Ông Abraham không sống trên đời để nhìn thấy ngày con cháu của ông "đông như sao trên trời và như cát dưới biển" như ngày nay. Chúa Giêsu không sống trên dương gian đến ngày nhìn thấy Tin Mừng lan ra đến tận cùng bờ cõi trái đất. Và trong trình thuật hôm nay, Moses không sống để đưa con cái Israel vào miền đất mà Thiên Chúa hứa sẽ đem dân vào khi ông đưa dân ra khỏi Ai-cập; mặc dù Thiên Chúa đã đem ông lên núi Nebo để nhìn thấy trước vùng Đất Hứa này. Thiên Chúa dùng mỗi nhà lãnh đạo trong một thời gian, để thực thi một phần Kế Hoạch Cứu Độ của Ngài cho nhân loại.

1.2/ Con cái Israel nhìn lại cuộc đời ông Moses: Nước chảy đá mòn; để hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao, ông Moses đã phải hy sinh đời mình cho con cái Israel đến hơi thở cuối cùng. Con cái Israel than khóc cái chết của ông Moses một phần vì hối hận đã đối xử không tốt với ông khi ông đồng hành với họ suốt 40 năm trong sa mạc, một phần vì thương tiếc cho ông đã không sống để được hưởng kết quả mà ông đã vất vả thực hiện.

Ông Moses phải là mẫu gương cho các nhà lãnh đạo tinh thần: Mục đích của việc lãnh đạo là hoàn tất ý định của Thiên Chúa, chứ không phải để mưu cầu lợi ích cho bản thân mình. Những điều họ làm cho dân chúng không luôn được định giá và mang đến kết quả ngay, nhiều khi phải chờ đến lúc tạm biệt ra đi hay lúc chết, dân chúng mới nhìn thấy và ghi ơn những gì họ đã làm cho dân. Con cái Israel nhận ra tất cả những gì ông Moses đã làm cho họ:

+ Ông Moses đã chuẩn bị cho họ có nhà lãnh đạo mới: "Ông Joshua, con ông Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Moses đã đặt tay trên ông. Con cái Israel nghe ông và làm như Đức Chúa đã truyền cho ông Moses." Sự nối tiếp giữa Moses và Joshua có thể so sánh với sự nối tiếp sứ vụ tiên tri giữa Elijah và Elisha. Việc đặt tay có ý muốn nói lên sự chuyển thông thần khí (spirit); đồng thời với việc chuyển giao sứ vụ.

+ Ông Moses là ngôn sứ cao trọng nhất: "Trong Israel, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Moses, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt." Có nhiều ngôn sứ trong lịch sử Israel; nhưng họ chỉ được nghe tiếng của Thiên Chúa trong giấc mơ hay trong thị kiến, chỉ có ông Moses được đàm đạo với Thiên Chúa mặt đối mặt mà không phải chết.

2/ Phúc Âm: Hiệp nhất trong cộng đoàn

2.1/ Cách sửa lỗi anh/chị/em: Sửa lỗi người khác là một việc rất tế nhị, nhưng phải làm vì lợi ích của cộng đoàn. Để việc sửa lỗi có kết quả, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải theo cẩn thận tiến trình như sau:

(1) Giữa hai người mà thôi: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em." Hai điều Chúa muốn chúng ta lưu ý: Thứ nhất, hầu hết chúng ta thường sửa lỗi đương sự trước mặt người thứ ba. Làm như thế sẽ không có kết quả hay đưa đến kết quả ngược lại điều chúng ta mong muốn, vì theo tâm lý chung, không ai muốn bị sửa lỗi trước mặt người khác, nhất là người đó lại là người thân thiết với đương sự. Thứ hai, mục đích của việc sửa lỗi là chinh phục đương sự, không phải là để thỏa mãn tính nóng giận.

(2) Sự thật được chứng minh bởi hai hay ba nhân chứng: "Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân." Đây là điều rất khôn ngoan vì nó giúp cho cả hai tránh được cái nhìn chủ quan. Hầu hết các tòa án trong mọi quốc gia đều dựa vào lời của hai hoặc ba nhân chứng.

(3) Can thiệp của cộng đoàn: "Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế." Cộng đoàn có thể là gia đình, đoàn thể, dòng tu, hay Giáo Hội. Đây chỉ là giải pháp sau cùng để bảo vệ lợi ích của cộng đoàn và tránh gương mù. Người ngoại hay người thu thuế là người không biết hay coi thường Lề Luật của Thiên Chúa. Tuy vậy, vẫn phải tha thứ khi họ biết ăn năn trở lại.

2.2/ Thiên Chúa hiện diện giữa cộng đoàn: Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận việc Thiên Chúa cũng hiện diện trong cá nhân; nhưng sự hiện diện của Ngài trong cộng đoàn có một thứ tự ưu tiên hơn. Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ để chứng minh sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn:

(1) Quyền cầm buộc và tháo cởi: "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy." Trước tiên, quyền này áp dụng cho sự thật; chứ không cho sự sai lầm vì Thiên Chúa là sự thật. Thứ hai, Chúa muốn nhắc nhở những tội nhân: tuy họ chưa thấy những hậu quả xảy ra đời này, nhưng không có nghĩa họ có thể tránh được ở đời sau. Sau cùng, Giáo Hội dùng quyền này cho Bí-tích Hòa Giải, để tội nhân có thể làm lại cuộc đời.

(2) Hiệp nhất trong lời cầu nguyện: "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ." Lời hứa này không có nghĩa tất cả những gì con người cầu xin đều được Thiên Chúa chấp nhận. Để được Thiên Chúa nhận lời, con người phải tránh những lời cầu xin ích kỷ hay có hại cho người khác, mà là những lời đẹp lòng Thiên Chúa và sinh ích cho tha nhân. Thứ đến, khi Thiên Chúa nhận lời, không có nghĩa người xin sẽ được đúng điều mình mong muốn. Thiên Chúa biết điều tốt lành, Ngài sẽ ban những gì tốt lành cho tương lai con người. Sau cùng, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh việc hiện diện của Ngài ngay cả khi ít người, chứ không phải chỉ những nơi có đông người tụ họp.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Thiên Chúa không bao giờ muốn con người sống riêng lẻ. Ngài muốn con người sống quây quần thành đoàn thể, và chúc lành cho các công việc của cộng đoàn.

- Mỗi khi có xung đột quyền lợi, chúng ta phải luôn luôn đặt quyền lợi của cộng đoàn lên trên lợi ích của cá nhân trong việc lãnh đạo, sửa lỗi, hay cầu nguyện.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 19 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)


Mt 18,15-20

A. Hạt giống...
Chúa Giêsu dạy thêm hai điều nữa về nếp sống cộng đoàn :
1. Khi có người trong cộng đoàn lỗi phạm, hãy sửa dạy cách kiên nhẫn qua nhiều giai đoạn : gặp riêng, nhờ một ít người nữa cùng mình đi thuyết phục, trình kẻ có thẩm quyền. Khi tất cả mọi cố gắng đều vô ích thì mới kể người đó không là thành phần của cộng đoàn nữa.
2. Cộng đoàn cần tụ họp cầu nguyện chung với nhau, “vì đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người ấy”.

B.... nẩy mầm.
1. Để mất một phần tử của cộng đoàn là một nỗi đau rất lớn. Bởi đó Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kiên nhẫn giúp những phần tử lỗi lầm hoán cải. Nhiều khi cách giải quyết của chúng ta không theo đủ những bước Chúa dạy nên mới đánh mất những người anh chị em.
2. Chúa dạy những người trong cộng đoàn phải “hiệp lời cầu xin”. Hiệp lời cầu xin là cầu xin chung với nhau, cầu xin những điều chung của cộng đoàn. Chúa nói khi chúng ta hiệp lời cầu xin thì có Chúa ở giữa. Như thế những lúc cầu nguyện chung là những giây phút rất êm đềm hạnh phúc.
3. Tôi rất vui khi một anh sinh viên đến kể : “Chúa nhựt vừa rồi khi giảng Cha đã bảo thỉnh thoảng nên đọc kinh lần chuỗi chung với nhau. Xưa nay mỗi tối con đọc kinh riêng một mình. Thằng em con thì rất nguội lạnh ít khi đọc. Tối Chúa nhựt ấy con rủ nó cùng con lần chuỗi. Hai anh em chỉ lần có hai chục thôi. Nhưng chúng con thấy rất sốt sắng. Hôm sau chúng con rủ thêm mấy thằng bạn nhà bên cạnh nữa.” Tôi không ngờ một lời khuyên nhỏ như thế mà lại sinh một kết quả to lớn như thế. Nhưng không phải, không phải nhờ lời khuyên của tôi, mà nhờ Thiên Chúa ở giữa những bạn trẻ ấy : “vì đâu có hai ba người tụ họp nhân danh Thầy thì Thầy ở giữa những người ấy”.
4. Ngày kia một vị Giám mục đến thăm mục vụ một làng nọ. Dân chúng bày tỏ sự bất mãn của họ đối với một vị ẩn sĩ trên núi vì ông hiện đang chung sống với một phụ nữ. Sau khi nghe những lời kết án, vị Giám mục quyết định cùng dân làng leo lên núi. Thấy đám đông đến nơi mình ở, vị ẩn sĩ hoảng sợ bảo người phụ nữ trốn vào một chiếc thùng rỗng. Vị Giám mục là người thứ nhất bước vào trong lều. Ngài đưa mắt nhìn quanh và hiểu ngay sự kiện. Ngài bình thản đến ngồi trên chiếc thùng gỗ ấy và bảo dân làng vào lục soát. Nhưng không tìm thấy ai, dân làng đành ra về. Chờ cho mọi người đi hết, vị Giám mục nhìn sâu vào đôi mắt nhà ẩn sĩ và nói “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ linh hồn mình” ("Mỗi ngày một tin vui")
5. Đã có bao nhiêu cuộc họp mặt, bao nhiêu khối óc họp lại nhân danh công lý hòa bình, nhân danh quyền lợi tập thể, thậm chí nhân danh Đấng Tạo Hóa, để làm những điều đồi bại.
Nhân danh – đó là mỹ từ vẫn thường bị lạm dụng để che đậy, biện hộ cho các tôi ích kỷ, những ý đồ xấu xa, những mục đích đen tối.
Tôi cũng từng nhân danh Chúa để chỉ trích, lên án người này người kia. Nhân danh công tác nhà thờ để trốn tránh bổn phận và trách nhiệm bản thân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con  biết nhân danh Chúa để sống trong sự thật, trong yêu thương. Xin cho tất cả những thao tác, nỗ lực và công việc của con chỉ nhằm vinh danh Chúa. (Hosanna)
 6. “Thầy bảo thật anh em : Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.” (Mt 18,19)
Tôi không thể ngờ được, người bạn thân nhất của tôi lại có thể hiểu lầm tôi. Thật khó có thể trở lại làm bạn như cũ ! Và tôi cùng nó đến nhà thờ... Vị chủ tế nói : “Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho hai người luôn gắn bó bên nhau...”
Quay qua nó tôi nói :
- Bạn hãy cùng tôi cầu nguyện cho chúng ta và cho mọi người !
Bây giờ tôi và nó càng thắm thiết hơn xưa.
Lạy Cha, xin cho chúng con biết đồng tâm nhất trí với nhau trong kinh nguyện, để Cha chúc phúc và nâng đỡ chúng con hôm nay và mãi mãi. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

14/08/13 THỨ TƯ TUẦN 19 TN
Th. Mắcximilianô Maria Kônbê, linh mục, tử đạo            
Mt 18,15-20

NẾU ANH EM CON PHẠM TỘI ?
“Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.” (Mt 18,15b)
Suy niệm: Con phải tha đến mấy lần nếu người anh em của con phạm tội? Câu hỏi của Phêrô đặt ra vấn nạn tôi phải chịu đựng lỗi lầm của anh em đến mức nào. Ông bà ta có câu “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Loài vật sống theo bản năng còn có liên đới với nhau như thế, huống chi là con người sao lại không có trách nhiệm liên đới với nhau hơn? Ta không chỉ chịu trách nhiệm về thể lý, tâm lý của người anh em mà còn cả về số phận thiêng liêng của họ nữa. Chúa Giêsu khi sinh xuống làm người đền tội cho nhân loại đã cho chúng ta biết rằng mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm trong tội lỗi của anh em. Vì thế Thầy Giêsu dạy chúng ta phải thật tế nhị và nhẫn nại khi sửa lỗi cho anh em. Lần thứ  nhất thì chỉ hai người biết, nếu không nghe mới “rủ” thêm người khuyên bảo, lần thứ ba thì mới đưa ra cộng đoàn.
Mời Bạn: Thiên Chúa không muốn một ai trong các con cái được Ngài dựng nên phải hư mất vì tội lỗi. Chỉ có yêu thương theo cung cách của Thầy Giê-su để tận tâm đồng hành với người bạn đang chao đảo vì tội lỗi, thì người anh em “đã mất nay mới được tìm thấy”
Chia sẻ: Sửa lỗi cho anh em cần tế nhị, và nhẫn nại. Bạn đã có những phẩm chất ấy chưa?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm không nói điều xấu của anh chị em mình với người khác mà tôi tình cờ biết được.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con phải tế nhị và nhẫn nại khi sửa lỗi cho anh chị em mình. Xin cho chúng con năng nghe bớt nói, và nhất là năng cầu nguyện với Chúa về những bất toàn của chính con và của anh chị em con. Amen.

Sửa lỗi người anh em


Suy niệm:
Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe. 
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe, 
thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy, 
kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23) 
khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).
Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng
Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.
Lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Cuộc đời chúng con
Diễn ra quanh những chiếc bàn,
Làm bằng những chất liệu khác nhau,
Kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.
Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
Trước những chân trời mới,
Và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
Để chúng con có sức phục vụ tha nhân
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
Trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
Và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.
 Lạy Chúa
Giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
Để gặp gỡ, chia sẽ, để bàn bạc, thảo luận,
Để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
Để tất cả trở nên con đường
Đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Suy Niệm:

Trong đời sống cộng đoàn, khi có người sai lỗi cần được sửa lỗi đôi khi phải rất tế nhị. Ðức Giêsu dạy cho chúng ta cách thế khi sửa lỗi cho anh em: khi có người trong cộng đoàn phạm lỗi, hãy sửa dạy cách kiên nhẫn và qua nhiều giai đoạn như  gặp riêng, nhờ một ít người nữa cùng đi thuyết phục với mình, và sau cùng mới nhờ đến cấp có thẩm quyền. Khi tất cả các cố gắng đều vô ích thì mới coi người đó không là thành phần của cộng đoàn. Ngài nhấn mạnh việc sửa lỗi phải dựa trên lòng bác ái, tình yêu thương, kiên nhẫn và  xây dựng. Cách sửa lỗi của chúng ta phải nhằm giúp  đương sự biết hồi tâm hối cải, đồng thời giúp người khác tự cảnh giác, không làm theo gương xấu. Như thế, tất cả những cách chúng ta áp dụng khi sửa lỗi cho người anh em chỉ có ý nghĩa và kết quả theo tinh thần bác ái thực sự.

Quả  thật, để mất một phần tử trong một cộng đoàn là một nỗi đau rất lớn. Bởi đó mà  Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải kiên nhẫn giúp những phần tử lầm lỗi hối cải. Để giúp họ đôi khi chúng ta thành công, nhưng cũng không ít lần chúng ta gặp thất bại, bởi vì nhiều khi cách giải quyết của chúng ta không theo đủ các bước mà Chúa Giêsu dạy, nên ta đã đánh mất luôn những người anh chị em của chúng ta.

Phần cuối của bài Tin Mừng Chúa Giêsu dạy những người trong cộng đoàn phải biết hiệp lời cầu nguyện với nhau, vì khi ta cầu nguyện chung sẽ tạo nên sức mạnh vì có Chúa ở giữa chúng ta để ban ơn cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học nơi Chúa: Bác  ái đối với anh em và xây dựng trong tinh thần tôn trọng, yêu thương. Còn khi chúng con sai lỗi, xin cho chúng con biết khiêm tốn để được sửa lỗi. Nhờ đó con người chúng con mỗi ngày được hoàn thiện hơn. Xin cũng giúp chúng con biết đồng tâm nhất trí với nhau trong cầu nguyện để được Chúa chúc phúc và nâng đỡ hôm nay và mãi mãi. Amen


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám

14 THÁNG TÁM

Mục Đích Phổ Quát Của Con Người Trong Kế Hoạch Của Thiên Chúa

Tuy nhiên, Công Đồng không nhắm mắt trước những vấn đề ngổn ngang mà con người đối mặt khi phát triển trái đất, cả những vấn đề trong chính mình lẫn những vấn đề trong cuộc sống với người khác. Sẽ là thiếu thành thật nếu phớt lờ những vấn đề ấy; cũng vậy, sẽ là một sai lầm nếu trình bày các vấn đề ấy một cách không đúng đắn và không phù hợp qua việc không qui chiếu đến sự quan phòng và ý định của Thiên Chúa.
Công Đồng nói: “Ngày nay, tuy đã tự hào trước những khám phá và quyền lực mình, nhân loại vẫn thấy lo lắng thắc mắc về sự tiến hóa hiện nay của thế giới, về chỗ đứng và phận vụ của con người trong vũ trụ, về ý nghĩa của những cố gắng cá nhân cũng như tập thể, và sau hết về cùng đích của con người và muôn loài” (MV 3).
Rồi Công Đồng tiếp tục giải thích: “Cũng như trong bất cứ cơn khủng hoảng tăng trưởng nào, sự biến đổi này kéo theo những khó khăn không nhỏ. Chẳng hạn như đang khi bành trướng quá rộng quyền lực của mình, không phải lúc nào con người cũng có thể bắt nó phục vụ mình. Cố gắng đi sâu hơn vào thâm tâm mình, con người nhiều khi lại tỏ ra hoang mang hơn về chính mình. Dò dẫm tìm hiểu rõ hơn những luật lệ của đời sống xã hội, con người lại do dự không dám định đoạt hướng đi cho mình” (MV 4).
Một cách rất ấn tượng, Công Đồng nói về “những mâu thuẫn và chênh lệch” là hệ lụy của sự thay đổi “nhanh chóng và lộn xộn” trong các điều kiện kinh tế xã hội, trong tập quán, trong văn hóa, trong suy nghĩ và trong lương tâm con người, trong gia đình, trong các mối quan hệ xã hội, trong quan hệ giữa các nhóm, các cộng đồng và các quốc gia. Điều này gây ra “những ngờ vực và thù nghịch nhau, những xung đột và thống khổ mà chính con người là nguyên nhân và nạn nhân.” (MV 8-10).
Cuối cùng, Công Đồng vạch ra gốc rễ của vấn đề nói trên khi tuyên bố: “Những chênh lệch dày vò thế giới ngày nay gắn kết với một chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người” (MV 10).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II




Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 14-8
Thánh Maximilianô Maria Kolbê, linh mục, tử đạo
Đnl 34, 1-12; Mt 18, 15-20


LỜI SUY NIỆM: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho.” (Mt 18,19).

Chúa Giêsu cho biết mọi sự hiệp thông với nhau, đều được Thiên Chúa yêu thích, bởi khi hiệp thông với nhau, chứng tỏ nơi đó đã có sự yêu thương lẫn nhau một cách chân thành, cùng thấy những nhu cầu cần thiết cho nhau hoặc chung một công tác tông đồ, như cầu nguyện cho một bệnh nhân, hay cho một ơn gọi nào đó. Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta cùng cầu xin chung cho nhau; mặc dù bản thân mình đang bất xứng, thì có cả một cộng đồng Dân Chúa đang cầu nguyện cho mình. Thật là hạnh phúc cho chúng ta.


Mạnh Phương


14 Tháng Tám

Còn Tình Nào Cao Quý Hơn

Vào khoảng cuối tháng 7/1941, một tù nhân đã trốn khỏi trại tập trung Auschwitz. Theo quy định của những người Đức quốc xã đang điều khiển trại, cứ một tù nhân đào thoát, thì 10 người khác phải thế mạng.
Duyệt qua khu biệt giam, viên chỉ huy Fritsch trỏ tay vào hàng rào các tù nhân và ông đếm từ 1 đến 10. Mười người bị tử thần chiếu cố đã lần lượt tiến đến trước mặt người đồ tể. Người thứ mười đứng cạnh cha Maximiliano Kobel chợt la lên thảm thiết: "Vợ tôi, con tôi, trời ơi! Tôi sẽ không bao giờ gặp được vợ con tôi". Cha Maximiliano Kobel đã kéo người tử tội thứ mười đó lại và ngài tiến ra đứng thế chỗ cho anh...

Sau này, Francis Gajownizcek, người đàn ông đã được cha Maximiliano Kobel chết thế đã kể lại: Tinh thần trong trại thay đổi hẳn. Sự kiện này đã tạo ra một ấn tượng cao đẹp vàsâu xa... Vị linh mục dòng Fanxico đó không những chỉ chia sẻ cho các bạn tù một mẩu bánh, vài muỗng xúp, nhưng là chính mạng sống của mình để chuộc mạng cho người khác...
Liên tiếp trong hai tuần, cha Maximiliano Kobel đã phải nhịn đói, nhịn khát để chờ chết. Cơn hấp hối kéo dài quá lâu khiến những người Đức quốc xã không thể chờ đợi được. Sau cùng, viên lý hình đã kết thúc cuộc đời của cha bằng một mũi thuốc độc.
Thân xác của cha đã được hỏa táng và tro tàng đã được rắc trên đồng lúa như phân bón. Nguyện ước lúc thiếu thời của cha đã được thành tựu: "Tôi ước ao được hóa thành tro bụi vì Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm nguyên tội. Ước gì tro đó được reo rắc khắp nơi trên thế giới để không còn một mảnh thi hài nào còn sót lại...".

Nhà tù nào cũng có thể là một hỏa ngục: hỏa ngục của hận thù, của ích kỷ, của phản bội. Có lẽ nhiều người Việt Nam đã và đang trải qua những hành hạ dã man gấp bội phần những gì đã diễn ra trong các trại tập trung thời Đức quốc xã...
Nhà tù có thể là hỏa ngục, nhưng cũng có thể là Thiên Đàng: Thiên Đàng của hy sinh, nhẫn nhục, yêu thương, tha thứ, quảng đại... Biết bao nhiêu hoa thơm đã chớm nở trong cảnh khốn cùng ấy. Khốn khổ càng nhiều, hy sinh càng cao.
"Không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu". Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế và Ngài đã đi đến cùng cam kết của Ngài. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không những là sự thể hiện của sự độc ác dã man của con người, nó còn là dấu chỉ của mối tình của một người đã yêu và yêu cho đến cùng...
Cái chết hy sinh vì người khác, Chúa Giêsu muốn luôn được tiếp tục qua cuộc sống của người Kitô. Đã có rất nhiều người đã lập lại cái chết đó qua suốt lịch sử của Giáo Hội và hiện nay, còn biết bao nhiêu người vẫn còn tái diễn cái chết đó qua những hy sinh hằng ngày của mình...
Hôm nay, chúng ta kính nhớ thánh Maximiliano Kobel, ngươòi đã chết thay cho một người bạn tù. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 10/10/1982 và đặt ngài làm quan thầy của thời đại khó khăn. Kinh nghiệm của ngài chắc chắn đang tái diễn hằng ngày trong xã hội chúng ta, trong đó người Kitô không ngừng được mời gọi để quên mình và sống cho người khác.


(Lẽ Sống)

THẦY HY SINH MẠNG SỐNG CHO ĐOÀN CHIÊN

.. Thứ hai ngày 13-3-1995, cụ Franciszek Gajowniczek êm ái trút hơi thở cuối cùng tại Brezeg, miền Nam nước Ba Lan, hưởng thọ 94 tuổi. Cụ là người đã được Cha thánh Massimiliano Maria Kolbe thế mạng để cứu sống trong thời đệ nhị thế chiến 1939-1945. Câu chuyện diễn tiến như sau.

Một ngày cuối tháng 7 năm 1941, nơi khu 14 của trại tù đức-quốc-xã ở Auschwitz, bên Ba Lan, một tù nhân đã trốn khỏi trại. Theo luật trại:
- Một tù nhân vượt ngục thì 10 tù nhân khác cùng khu phải chết thay.
Những người này sẽ bị đưa vào hầm và bị bỏ đói đến chết.

10 tù nhân trong khu 14 bị gọi tên ”đền mạng”. Trong bầu khí im lặng hãi hùng, một tiếng khóc thất vọng não nề vang lên:
- Chúa ơi, con sẽ không bao giờ còn được trông thấy mặt vợ và các con của con nữa!

Tức khắc, trong đám tù nhân khu 14, một tù nhân rời khỏi hàng ngũ, tiến về phía viên chỉ huy người Đức tên Fritsch. Fritsch giơ cao họng súng vừa đe dọa vừa quát lớn:
- Đứng lại! Ông muốn gì?
Tù nhân đáp:
- Tôi muốn chết thay cho một trong các tù nhân bị kết án tử này.
Viên chỉ huy kinh ngạc hất hàm hỏi:
- Tại sao?
Vị tù nhân vừa giơ tay chỉ vào người đàn ông đã khóc lóc thảm thiết ban nãy vừa trả lời:
- Bởi vì tôi độc thân, còn ông ta đã lập gia đình và có con cái.
Viên chỉ huy hỏi thêm:
- Ông là ai?
Vị tù nhân điềm tĩnh đáp:
- Tôi là Linh Mục Công Giáo!

Mọi người im lặng nín thở. Viên chỉ huy người Đức thật sự sững sờ, lúng túng. Ông tránh vội cái nhìn như bốc cháy ngọn lửa tình yêu của vị Linh Mục Công Giáo. Ông đáp cộc cốc:
- Được!

Vị Linh Mục Công Giáo đó chính là Cha Massimiliano Maria Kolbe (1894-1941), thuộc dòng Phanxicô Viện Tu, người Ba Lan. Cha Kolbe còn là vị tông đồ nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Đức Trinh Nữ MARIA, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Vẹn Tuyền Chí Thánh. Lúc sinh thời, có lần Cha nói tiên tri:
- Sẽ có một ngày quý vị trông thấy bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm đứng giữa trung tâm thủ đô Mạc-tư-khoa trên tường thành cao nhất của điện Cẩm-Linh.

Khi tắt thở ngày 14-8-1941, Cha Kolbe hưởng dương 47 tuổi và là tù nhân với ký số 16.670. Tù nhân được Cha Kolbe hiến mạng chết thay là trung sĩFranciszek Gajowniczek - tù nhân dưới ký số 5.659 - năm ấy đúng 40 tuổi, có vợ và hai con.

Ông Franciszek đã sống sót - mặc dù phải chịu không biết bao nhiêu khốn cực của trại tập trung. Khi chiến tranh chấm dứt, ông trở lại gia đình, nhưng chỉ gặp được vợ hiền. Hai đứa con đã tử thương trong thời chiến.

Năm 1948, khi bắt đầu mở án phong chân phước cho Cha Massimiliano Maria Kolbe - chết vì tình yêu - thì ông Franciszek là một trong những nhân chứng hùng hồn nhất. Ngày 17-10-1971 ông được diễm phúc tham dự lễ tôn phong chân phước cho Cha Kolbe. 11 năm sau, Chúa Nhật 10-10-1982, ông lại được diễm phúc tham dự lễ tôn phong hiển thánh cho Cha Kolbe, vị Linh Mục Công Giáo đã hiến mạng sống chết thay cho một người cha gia đình.

Cụ già Franciszek đã tận hưởng món quà sự sống Cha thánh Massimiliano Maria Kolbe trao tặng trong vòng 54 năm trời. Suốt trong nửa thế kỷ, hằng năm cứ vào hai ngày 14 và 15 tháng 8, cụ đến tham dự Thánh Lễ tại Niepokalanow, thành phố nơi Cha thánh Kolbe đã khởi xướng phong trào ”Vô Nhiễm” từ năm 1927, chuyên cổ động việc sùng kính Đức Mẹ MARIA và loan báo Tin Mừng.

Ngày 15-3-1995, cụ Franciszek Gajowniczek được an táng nơi nghĩa trang tu viện Phanxicô Viện Tu ở thành phố Niepokalanow, theo lời xin của cụ. Nơi nghĩa trang này có mộ của Cha Alfonso Kolbe, bào huynh của Cha thánh Massimiliano Maria Kolbe cũng như có ”ngôi mộ tượng trưng” tưởng nhớ Cha thánh.

... Chứng từ của Ông Zdzislaw Wojtowicz - người sống sót của trại tập trung Auschwitz - và từng là Chủ Tịch Hội Đạo Binh Hồn Nhỏ, phân bộ Ba Lan.

Hội Đạo Binh Linh Hồn Nhỏ được chính thức thành hình và chuẩn nhận ngày 29-9-1971, tại Chèvremont, thuộc giáo phận Liège, Vương quốc Bỉ. Hội được thành hình thể theo ước nguyện của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng GIÊSU và thánh ý THIÊN CHÚA. Mục đích của Hội được chính Đức Chúa GIÊSU giải thích:
- Để chống lại đoàn lũ của Satan, các con hãy họp thành Đạo Binh Hồn Nhỏ. Con cái Trời Cao chống lại con cái tối tăm. Lửa Trời Cao đối lại lửa hỏa ngục. Khí giới của các con là TÌNH YÊU.

Hội Đạo Binh Hồn Nhỏ được phổ biến tại khắp năm châu, trong đó có Việt Nam và Ba Lan. Và cụ Zdzislaw Wojtowicz từng là Chủ Tịch Hội Đạo Binh Hồn Nhỏ phân bộ Ba Lan. Điều đáng nói: cụ là tù nhân sống sót của trại tập trung Auschwitz và là người đã chứng kiến nghĩa cử anh hùng của Cha Massimiliano Maria Kolbe: thí mạng chết thay cho một tù nhân có vợ và hai con.

Cụ bị giam cùng khu tù với Cha Kolbe. Xin nhường lời cho Cụ.

Biến cố này gây ấn tượng mạnh và ghi dấu sâu xa trong linh hồn tôi. Nó như vẫn vang vọng trong tôi mãi cho đến ngày hôm nay. Cha Massimiliano Kolbe sống đến ngày 14-8-1941, trong khi 9 tù nhân khác đã chết vì đói và vì khát. Sau cùng, người ta chích thuốc độc cho Cha chết. Đây là biến cố phi thường:
- Cha Kolbe chết vì tình yêu tha nhân.

Năm 1983, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày phong hiển thánh, tôi được đề cử đi Roma và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tiếp kiến, với tư cách là người chứng kiến cái chết anh hùng của Cha Kolbe. Hồi ấy tôi cũng là thành viên nhiệt thành của Hội Đạo Binh Hồn Nhỏ. Tôi mang theo bản dịch tiếng Ba Lan cuốn Sứ Điệp Tình Yêu Nhân Hậu gởi các Hồn Nhỏ và trao tặng Đức Thánh Cha. Khi nhận cuốn Sứ Điệp, Đức Thánh Cha ưu ái nói với tôi:
- Cha chúc lành cho con vì đã phổ biến Hội này trong tổ quốc Ba Lan yêu dấu của Cha. Xin THIÊN CHÚA chúc lành cho các con, hầu cho Hội được bành trướng luôn mãi, vì đây là điều có giá trị trong thời đại ngày nay.

Sau lần được Đức Thánh Cha chúc phúc, Hội Đạo Binh Hồn Nhỏ lan nhanh trong các nước Đông Âu như Ucraine, Bạch Nga, Lituani và Lettoni. Tháng 8 năm 1992, tôi lại đi Roma gặp Đức Thánh Cha và dâng Đức Thánh Cha cuốn Sứ Điệp khác, bản dịch tiếng Ba Lan. Lần này, Đức Thánh Cha hỏi tôi:
- Có bao nhiêu thành viên Hội Đạo Binh Hồn Nhỏ ở Ba Lan, Ucraine và Bạch Nga?
Tôi trả lời phỏng chừng:
- Tâu Đức Thánh Cha, khoảng 100 ngàn người.
Đức Thánh Cha tỏ dấu ngạc nhiên và nói:
- Không ai trong các con biết được mùa gặt dồi dào các con đã thu hoạch được tại Đông Âu, nhờ việc phổ biến Hội Đạo Binh Hồn Nhỏ. Chính Đạo Binh Hồn Nhỏ đã làm sụp đổ chế độ cộng sản, bởi vì, Hội đã làm thức tỉnh Đức Tin mà đảng cộng sản đã cướp mất khỏi tâm lòng và đời sống của người dân vào năm 1939. Cha chúc lành cho toàn thể Đạo Binh Hồn Nhỏ.

... Khi ấy, Đức Chúa GIÊSU phán: ”Thầy chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là Mục Tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Thầy chính là Mục Tử nhân lành. Thầy biết chiên của Thầy, và chiên của Thầy biết Thầy, như THIÊN CHÚA CHA biết Thầy, và Thầy biết THIÊN CHÚA CHA, và Thầy hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Gioan 10,11-15).

(RG 14-3-1995 + ”La légion des petites âmes”, 1+2+3/1999, trang 31-34)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt (www.vi.radiovaticana.va)

Thứ Tư 14-8
Thánh Maximilian Mary Kolbe
(1894-1941)


Không hiểu tương lai của con sẽ ra sao!" Ðó là câu mà nhiều cha mẹ từng than thở với đứa con hay đau yếu. Nhưng với Thánh Maximilian Mary Kolbe thì khác. Ngay từ nhỏ, khi được cha mẹ hỏi, ngài trả lời, "Con tha thiết cầu xin với Ðức Mẹ để biết tương lai của con. Và Ðức Mẹ đã hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một mầu trắng, một mầu đỏ. Ðức Mẹ hỏi con có muốn nhận các triều thiên ấy không -- mầu trắng là sự thanh khiết, mầu đỏ là sự tử đạo. Con trả lời, 'Con muốn cả hai.' Ðức Mẹ mỉm cười và biến mất." Sau biến cố đó, cuộc đời của Maximilian Kolbe không còn giống như trước.
Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.
Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Ðạo Binh của Ðức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Ðể thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập "Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm" - Niepolalanow -- mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc. Sau này, ngài thành lập một thành phố khác ở Nagasaki, Nhật Bản. Cả tổ chức Ðạo Binh và tờ nguyệt san có đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Tình yêu Thiên Chúa của ngài được thể hiện hằng ngày qua sự sùng kính Ðức Maria.
Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz. 
Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. "Tên này." "Tên kia." Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.
Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng.
"Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con."
Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.
"Mày là ai?"
"Là một linh mục." Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.
Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.
Trong "hầm tử thần" tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.
Cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1982.
Lời Bàn
Cái chết của Cha Kolbe không phải là một hành động anh hùng bất chợt, bốc đồng vào giây phút cuối. Cả cuộc đời ngài đã chuẩn bị cho giây phút đó. Sự thánh thiện của ngài được thể hiện qua niềm khát khao muốn hoán cải cả thế giới mà động lực là tình yêu của ngài dành cho Ðức Mẹ Vô Nhiễm.
Lời Trích
"Hãy can đảm lên các con. Các con không thấy chúng ta đang trên đường thi hành sứ vụ hay sao? Chúng ta phải trả một giá quá rẻ. Thật may mắn biết chừng nào! Ðiều bây giờ chúng ta phải làm là chú tâm cầu nguyện để chiếm đoạt càng nhiều linh hồn càng tốt. Và sau đó, chúng ta sẽ thưa với Ðức Trinh Nữ là chúng ta rất mãn nguyện để ngài muốn làm gì với chúng ta tùy ý" (Lời Thánh Maximilian Mary Kolbe trong lần bị bắt đầu tiên).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét