Chúa Nhật 18 Quanh Năm Năm C
(Phần
I)
Bài Ðọc I: Gv 1, 2; 2, 21-23
"Ích gì cho người bởi
mọi việc mình làm".
Trích
sách Giảng Viên.
Giảng
Viên đã dạy rằng: Hư không trên các sự hư không, hư không trên các sự hư không,
và mọi sự đều hư không. Vì kẻ này làm việc vất vả trong sự khôn ngoan, hiểu biết
và lo lắng, rồi phải để sự nghiệp lại cho người ở nhưng không, thì thật là hư
không và tai hại lớn lao. Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu
đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và
ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn
nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ
của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan
hô Người. - Ðáp.
2)
Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo
thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là
đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.
3)
Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba,
như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ
đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". - Ðáp.
Bài Ðọc II: Cl 3, 1-5, 9-11
"Anh em hãy tìm những
sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh
em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên
trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời,
chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn
giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy
giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Vậy còn sống trên địa cầu,
anh em hãy kiềm chế các chi thể anh em, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê
xấu xa và hà tiện, tức là sự thờ phượng thần tượng.
Anh
em chớ nói dối với nhau; anh em hãy lột bỏ người cũ cùng các việc làm của nó,
và mặc lấy người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Ðấng đã tạo
thành nó: ở đấy không còn là dân ngoại và Do-thái, chịu phép cắt bì hay không
chịu phép cắt bì, người man rợ hay người Scytha, nô lệ hay tự do nữa, nhưng mọi
sự và trong mọi sự có Ðức Kitô.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia: Mt 4, 4b
Alleluia,
alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng
Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 13-21
"Những của ngươi
tích trữ sẽ để lại cho ai?"
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy
bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người
kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các
ngươi?" Rồi Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình
tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm
cho đâu".
Người
lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh
nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ
đâu mà tích trữ hoa lợi?' Ðoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các
kho lẫm của tôi mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải
tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều
của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi".
Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn
ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải
cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy".
Ðó
là lời Chúa.
Lc 12,13-21 |
SUY NIỆM : Ðổi Mới Cuộc Ðời
Bài
đọc Kinh Thánh hôm nay đụng chạm đến đời sống thực tế của con người. Thoạt tiên
chúng ta có thể đã cảm thấy nhiều điều chói tai. Bài sách Giảng viên không để lộ
ra một quan điểm bi quan, yếm thế sao? Bài thư Phaolô dường như cũng có những lời
khuyên xuất thế. Và bài Tin Mừng có vẻ không thích những con người tính toán
làm ăn. Nhưng chính vì Lời Chúa hôm nay đề cập đến những vấn đề thực tế như vậy
mà chúng ta phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Chúng ta sẽ thấy chẳng có gì là bi quan xuất
thế và mạt sát công ăn việc làm của con người. Ngược lại, chúng ta sẽ được khuyến
khích nhìn xa hơn các công việc của ngày hôm nay, làm sao để lao công vất vả của
con người ở đời được thành tựu lâu dài; và như vậy Lời Chúa chỉ muốn mạc khải
cho chúng ta một lẽ sống để hoàn thành các nhiệm vụ ở trần gian.
1. Trước Hết Bài Sách Giảng
Viên Khuyến Khích Chúng Ta Tìm Hiểu Về Lẽ Sống Ở Ðời
Ðây
là những lời của một con người có thao thức tìm hiểu. Người ấy tự xưng là
Qohelet, con của Ðavít, vua ở Giêrusalem. Thế thì ông là Salomon mất rồi. Nhưng
tại sao ông lại bảo mình là Qohelet? Thật ra danh từ này chỉ có nghĩa là
"cộng đoàn". Tác giả muốn nhân danh cộng đoàn dân Chúa mà giảng dạy.
Thành ra chúng ta gọi là Giảng viên cho tiện. Và vì lời giảng của ông là những
suy tư về sự khôn ngoan và lẽ sống ở đời, nên sách Giảng viên được liệt vào sổ
các sách Khôn ngoan ở trong bộ Cựu Ước. Và hết mọi sách Khôn ngoan đều lấy
Salomon làm tổ phụ. Do đó ở đây tác giả Giảng viên xưng mình là Qohelet, con của
Ðavít, vua ở Giêrusalem. Tất cả những điều đó chỉ có nghĩa là bài sách và quyển
sách Giảng viên này nói lên giáo huấn đã suy tư một cách khôn ngoan, khởi hứng
từ thời Salomon, vị hoàng đế nổi danh là khôn ngoan tuyệt trần.
Vậy,
các suy nghĩ khôn ngoan đã dẫn tác giả đến những kết luận nào? Câu đầu của đoạn
sách đọc hôm nay cũng là câu đầu tiên của tác phẩm, tóm tắt thành quả suy nghĩ
của tác giả. Ông nhận thấy: phù vân, rất mực phù vân, thảy là phù vân.
Chúng
ta muốn lắc đầu chép miệng, vì sao mà yếm thế bi quan vậy? Nhưng đó là luận điệu
của hầu hết các bậc khôn ngoan thánh hiền ngày xưa, nơi bất cứ dân tộc nào. Lão
Tử, Thích Ca đều có những lời lẽ tương tự. Nếu chúng ta kính trọng các ngài thì
đừng vội lắc đầu, chép miệng. Hãy tự coi như chúng ta chưa nhận ra sự khôn
ngoan nơi những câu nói như vậy. Nhất nữa là ở đây: sách Khôn ngoan đã mặc hình
thức lời linh ứng! Chúng ta hãy thử tìm hiểu lời Giảng viên muốn nói gì.
Ðể
dễ xét đoán chúng ta hãy đọc thêm mấy câu nữa. Tác giả nói đến mình, nói đến
Salomon đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan dưới ánh dương. Ông đã đem lao động
tay chân và trí óc ra xây dựng sự nghiệp. Nhưng bây giờ ông tự hỏi: Công trình ấy
sẽ để lại cho ai, sẽ rơi vào tay người nào? Phần ông chắc chắn sẽ chẳng mang
theo được gì và không hiểu sẽ đi về đâu? Nghĩ như vậy mà không thấy hết thảy là
phù vân sao?
Nhận
xét này không bi quan, không yếm thế mà chỉ khắc khoải. Tác giả không hề tiếc
vì đã lao nhọc. Ông không mảy may buồn vì đã trổ tài khôn ngoan ra ở dưới ánh
dương. Ông chỉ ưu tư thắc mắc: Sự nghiệp ấy rồi sẽ rơi vào tay ai? Chắc chắn nó
sẽ thành sở đắc của con người đã không lao nhọc gầy dựng nên. Nó có được đánh
giá đúng mức để được tiếp tục xứng đáng không, hay sẽ lọt vào tay kẻ không xứng
đáng mà tiêu tan ra mây khói? Sự nghiệp của con người như vậy không có tương
lai bảo đảm. Nó chẳng phải là phù vân, tức là mau qua như gió thổi và không có
rễ sâu chắc chắn sao? Rồi đến con người làm ra nó, tác giả đã vận dụng tay chân
và trí óc để xây dựng, con người sẽ đi về đâu sau khi từ giã cuộc đời? Chẳng có
gì bảo đảm tương lai cả. Ðời sống con người cũng thật là phù vân vậy.
Những
suy tư này chân thật và thực tế. Chúng có thể dẫn sang những kết luận bi quan yếm
thế. Người ta có thể dựa vào đó để suy nghĩ rằng cuộc đời chẳng có gì đáng sống;
rồi lao nhọc làm gì để rồi ra đi với hai bàn tay không? Nhưng đó không phải là
ý nghĩa của tác giả sách Giảng viên.
Lập
trường của ông rất tích cực. Ông nêu lên những nhận định trên và đặt ra những
câu hỏi về tương lai, không phải để khuyên yếm thế và vô vi. Nhưng ngược lại,
ông thôi thúc độc giả và chúng ta tìm ra lẽ sống trường tồn cho cuộc đời. Ông
nói lên khát vọng muốn được trường sinh và không mất mát chút gì về các sự nghiệp
ở đời. Ông khắc khoải về tương lai và muốn nắm chắc định mệnh đời người. Trong
cả tác phẩm của ông, không hề có thái độ nào muốn buông xuôi, chán nản chẳng muốn
làm việc và xây dựng nữa. Ông tự hào vì đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới
ánh dương. Ðiều duy nhất làm cho tác phẩm của ông có vẻ ưu buồn là ông trách
Chúa không cho con người biết rõ về tương lai và định mệnh của mình. Tức là ông
vươn tới đời sau và bình diện cao hơn ở đời, đang khi vẫn ý thức rõ ràng cuộc sống
của con người ở đời phải lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương.
Nói
cách khác, bài đọc sách Giảng viên hôm nay khuyên chúng ta không nên thiển cận
chỉ biết ngày hôm nay, nhưng phải nhìn xa về tương lai, phải nhìn cao hơn bình
diện đời này để xây dựng không uổng phí và sự nghiệp khỏi trở thành phù vân. Ðó
dường như cũng là ý tưởng của bài Tin Mừng Luca mà chúng ta tìm hiểu bây giờ.
2. Ðức Giêsu Khuyên Chúng
Ta Phải Biết Làm Giàu Nơi Thiên Chúa
Hôm
ấy có người trong đám đông nói với Người: "Thưa Thầy xin Thầy bảo anh tôi
chia gia tài cho tôi". Không hiểu thói quen thời bấy giờ có thể chúng ta
thấy hành động của người ấy lố bịch. Ai lại đưa vấn đề chia gia tài ra nói với
Ðức Giêsu! Và lại đưa ra khi Người đang ở giữa quần chúng như thế! Ở đây Người
không phải là vị tiên tri đang rao giảng Lời Chúa sao? Người đâu có đến để làm
thẩm phán hay trọng tài trên của cải vật chất?
Nhưng
người kia đã theo thói quen thời bấy giờ, thời mà pháp luật và việc thi hành
pháp luật khá uyển chuyển. Pháp luật dạy gia tài cha mẹ để lại thì phải chia
cho con cái và người con cả có quyền được nhiều hơn. Nhưng lòng tham của người
này có thể khiến việc phân chia không được công bằng và kịp thời. Người con cả
có thể trì hoãn việc phân chia để có thì giờ ăn huê lợi, hoặc có thể không chia
đủ phần cho các em. Những người này có thể đem nội vụ ra kiện cáo trước pháp luật.
Nhưng thường khi sự thủ tục phức tạp và tốn phí, người ta có thể xin những người
có uy tín trong xã hội giúp đỡ. Các tiên tri ở trong số những người này. Và uy
tín của Chúa Giêsu bấy giờ có khả năng sắp đặt những câu chuyện như thế.
Tuy
nhiên, Người lại không phải là hạng người như vậy. Ðang lúc ở giữa đám đông rao
giảng Tin Mừng cứu độ. Người càng muốn tránh những thái độ thông thường khiến
người ta có thể lầm về sứ mạng của mình.
Hơn
nữa, ở đây, căn cứ vào những lời Người nói tiếp theo, kẻ đứng ra kiện cáo có vẻ
là con người tham lam, ít ra thánh Luca đã hiểu như vậy. Người dùng câu chuyện
này làm tiền đề đi vào giáo huấn của Chúa. Chính giáo huấn này mới là cốt yếu.
Chúng ta phải để ý đến giáo huấn này, chứ đừng đứng lại trong câu chuyện chia
gia tài kia và thắc mắc vô ích.
Ðó
chỉ là cớ và khởi điểm cho một huấn thị về đời sống đạo đức. Thấy có kẻ để hở
ra lòng tham lam của cải, Ðức Giêsu quay ra nói với quần chúng: "Hãy coi
chừng, hãy lo giữ mình khỏi mọi thứ tham lam vì không phải ai được sung túc là
đời sống kẻ ấy được bảo đảm đâu".
Rồi
Ðức Giêsu kể ví dụ về người phú hộ tưởng có nhiều của là được hạnh phúc vững bền,
bởi vì nhỡ đêm nay chết, mọi điều người ấy đã sửa soạn sẽ về tay ai? Không nghĩ
xa như vậy, thì thật là ngốc, không khôn ngoan như tác giả các sách khôn ngoan
nói chung và như tác giả sách Giảng viên nói riêng, và vì ngốc như vậy, kẻ phú
hộ ở đây được mô tả với những lời lẽ không được gây thiện cảm.
Quả
vậy trong bài sách Giảng viên, chúng ta đã thấy con người khôn suy nghĩ được đồng
hóa với Salomon, với con người đã lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh
dương. Còn ở đây kẻ phú hộ được mô tả suy tính trong lòng mình: "Ta phải
làm gì? Ta phải phá các lẫm cũ đi, xây những lẫm to hơn, chất lúa má vào đó, rồi
sẽ nhủ hồn ta rằng: hồn ơi mày có chán của cải, nghỉ đi, ăn đi, hưởng đi".
Tất cả nói lên một lòng dạ bẩn thỉu, ích kỷ, không biết nghĩ gì tới người khác
và xã hội. Tác giả Luca theo Chúa Giêsu, ghét những tâm lý như vậy; và không thể
chấp nhận được những kẻ làm giàu để hưởng thụ. Chúa tể của hạng người này là
cái bụng! Khốn cho kẻ giàu có! Họ cậy có chắc của cải, tưởng là bảo đảm được đời
sống. Nhưng đồ ngốc, ngay đêm nay, người ta (tức là Thiên Chúa) đòi ngươi trả lại
hồn ngươi, mọi điều ngươi đã sửa soạn kia sẽ về tay ai?". Dĩ nhiên người
này sẽ được dùng, nhưng còn ngươi sẽ thế nào?
Kết
luận Chúa Giêsu bảo người ta: "Như thế đó, kẻ lo cất cho mình mà không biết
làm giàu nơi Thiên Chúa". Người muốn nói không nên chỉ lo cất cho mình; mà
nhất là phải biết làm giàu nơi Thiên Chúa nữa. Người cũng không lên án việc làm
ăn ở đời. Người đòi chúng ta phải biết nghĩ đến tha nhân và xã hội nữa khi làm
ăn. Và nhất là Người dạy chúng ta phải chất chứa công phúc trước mặt Chúa.
Phải
chăng Ðức Giêsu đã chẳng trả lời cho thắc mắc xao xuyến của tác giả sách Giảng
viên. Ông lo lắng về tương lai sau khi lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới
ánh dương; thì Ðức Giêsu bảo đang khi sống ở đời này chúng ta phải biết làm
giàu nơi Thiên Chúa. Những tích trữ này, mối mọt không làm gì được, như lời
sách Tin Mừng Mátthêu đã viết. Còn những gì có thể tích trữ được như thế, thì
bài thư Phaolô hôm nay có thể trả lời cho chúng ta được một phần nào.
3. Thánh Tông Ðồ Khuyên
Chúng Ta Ðổi Mới Cuộc Ðời
Thoạt
nghe, chúng ta thấy bài thư hôm nay nói đến những sự trên trời và những sự dưới
đất. Chúng ta dễ tưởng tượng có những của chúng ta đem chất được vào kho tàng
trên trời và có những việc chúng ta làm sẽ hư đi ở dưới đất...
Nghĩ
như vậy là vong thân, là biến mình nên của cải, là đồng hóa mình thành công việc,
là coi mình đã trở nên hàng hóa khi làm việc. Quan niệm lao động như vậy là
quan niệm theo tư bản và bóc lột sức lao động. Chúng ta phải quan niệm ngược lại.
Lao động phát triển khả năng của con người, làm giàu cho nhân cách, đưa con người
vươn lên, khiến họ được vinh quang... Thành tích lao động nằm trong sự vật rất
đáng kể, nhưng ghi lại trên con người và biến đổi họ thành đáng kể hơn.
Nói
cách khác, con người đang thành thân bằng lao động, đang xây dựng mình bằng lao
nhọc và trổ tài khôn ngoan ở dưới ánh dương. Theo Kitô giáo và như lời thư
Phaolô hôm nay bản thân con người đang thành hình nơi chúng ta nhờ sinh hoạt ở
đời, sẽ chỉ tỏ hiện khi Ðức Kitô hiện đến. Ánh sáng của Người sẽ chiếu vào chúng
ta và con người thật của chúng ta bấy giờ sẽ biểu lộ nguyên hình.
Chúng
ta muốn mình khi ấy tốt hay xấu? Nếu muốn đẹp thì ngay bây giờ chúng ta phải bỏ
con người cũ và mặc lấy con người mới, con người cũ luôn luôn tìm kiếm dâm bôn,
ô uế... tham lam, hà tiện... và nói dối người khác. Nó hướng về những sự dưới đất.
Còn con người mới cư xử chiếu theo hình ảnh của Ðấng đã dựng nên nó trong sự
thánh thiện và duy nhất, nên không ngừng tìm kiếm những điều trong sạch và hòa
thuận, là những điều mà Phaolô gọi là những điều ở trên cao, hay ở trên trời.
Dĩ
nhiên chúng ta có thể trao đổi thêm với tác giả bức thư này về những điều vừa
nói. Nhưng thiết tưởng vừa nhìn qua, chúng ta cũng đã hiểu được ý của tác giả.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta khi sinh sống ở đời phải nhìn đến tương lai và định
mệnh, tức là phải vươn tới sự thành thân trong vinh quang. Và cho được như vậy
phải sát phạt chi thể của con người cũ là từ bỏ những công việc xấu xa tội lỗi
gồm tóm trong các hành vi tham lam và thiếu hòa thuận.
Ngược
lại, phải mặc lấy con người đã được canh tân khỏi những khuynh hướng xấu xa
trên, để thi hành những công việc trong sạch và hòa hợp theo hình ảnh con người
Thiên Chúa đã dựng nên. Lời giáo huấn của Phaolô cũng nằm trong chiều hướng của
bài Tin Mừng và bài sách Giảng viên. Chúng ta thấy tất cả đều tích cực và lạc
quan... hơn nữa đó là quan điểm khôn ngoan và thánh thiện.
Chúng
ta có thể đem ra thi hành kể từ giờ phút này. Thánh lễ có sức giúp chúng ta lột
bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. Tình bác ái của Ðức Giêsu thôi thúc
chúng ta đã thấy hạnh phúc ở nhà thờ, nơi chúng ta được hiệp nhất và hòa đồng
trong sự thánh thiện, thì khi ra về, phải lao nhọc và trổ tài khôn ngoan ra ở
dưới ánh dương, tức là trong đời sống, để xây dựng cuộc đời trong sự trong sạch
và hòa thuận. Cuộc đời như vậy chắc chắn sẽ không phù vân. Sự nghiệp chúng ta
xây dựng sẽ tồn tại và vinh quang.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời
Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn
Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 18 Thường Niên, Năm C
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống cuộc
đời này cho mục đích mai sau.
Câu
hỏi “Con người sống trên đời này để làm gì?” là câu hỏi rất quan trọng, nhưng
không dễ tìm được câu trả lời xác thực. Có người cho là làm lụng để có thật nhiều
tiền; khi có tiền rồi tha hồ hưởng thụ, muốn gì có nấy; nên họ tìm mọi cách để
vơ vét và tích trữ của cải. Có người cho giầu có mấy chăng nữa rồi cũng chết để
lại của cải cho người khác, nên họ chỉ làm vừa đủ ăn, và tìm chỗ vắng vẻ để xa
lánh bụi trần. Có người cho phải lưu danh cho hậu thế, nên ra sức tìm tòi học hỏi
để lấy hết bằng này đến khám phá kia.
Các
bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta rất nhiều suy tư về cuộc đời, và cho
chúng ta câu trả lời xác thực nhất. Trong bài đọc I, tác giả Sách Giảng Viên
dùng kiến thức và kinh nghiệm cá nhân để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên;
nhưng không tìm được câu trả lời thỏa đáng vì sự bấp bênh của cuộc đời và sự hiện
diện của cái chết. Sau cùng, ông đã phải kết luận: "Phù vân, quả là phù
vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” Trong bài đọc II, thánh
Phaolô trong Thư Colossê cho chúng ta câu trả lời xác đáng nhất: Vì Đức Kitô đã
đánh bại thần chết và đem lại cho con người sự sống đời đời; nên cái chết không
còn là một bế tắc nữa. Các tín hữu tuy sống cuộc đời này, nhưng mắt luôn dõi
theo cuộc sống mai sau. Họ phải tìm những sự trên trời bằng cách mặc lấy Đức
Kitô, và cởi bỏ con người cũ với tất cả những ham muốn nhục dục và tiền của.
Trong Phúc Âm, khi một người đến xin Chúa Giêsu khuyên bảo anh của anh ta chia
gia tài cho anh, Chúa Giêsu nói với anh: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con
người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Và Ngài kể câu truyện của anh điền chủ, tối
ngày lo tích trữ của cải để hưởng thụ. Đến lúc anh ta cảm thấy đã có đủ của cải
để hưởng thụ, Thiên Chúa nói với anh ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi
lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.”
Phù
vân có thể nói là chủ đề của Sách Giáo Sĩ. Danh từ này được dùng khoảng 35 lần
trong Sách. Phù hoa trong tiếng Do-thái là hebel, có nghĩa là “hơi thở” hay
“hơi nước.” Nó cũng được dùng trong Thánh Vịnh 39:6-7 và 94:11 để chỉ một điều
chóng qua, vô dụng hay trống rỗng.
1.1/
Cái nhìn của một người có kinh nghiệm về cuộc đời
Ông
Qohelet là một giáo sĩ hay một nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đoàn. Ông suy niệm
về cuộc sống để tìm ra đâu là ý nghĩa của cuộc đời. Ông nhận ra sự sống là điều
quan trọng nhất, vì nếu sự sống không còn nữa, mọi sự khác đều trở thành vô nghĩa
với con người. Ông cũng nhận ra sự sống không tùy thuộc nơi con người, và mọi
người đều phải chết. Cái quan trọng là điều gì còn lại sau khi con người chết
đi. Nếu không có gì còn lại, cuộc sống này quả là vô nghĩa. Con người cứ việc
ăn uống, chơi đùa thả dàn, vì chết là hết. Sách Giảng Viên được viết khoảng năm
150 BC. Lúc đó, người Do-thái chưa có niềm tin rõ ràng về sự bất tử của linh hồn
và cuộc sống đời sau. Đối với họ, mọi sự xảy ra là ở đời này. Người lành giữ đạo
được Thiên Chúa thưởng công cho giầu có, cho con đàn cháu đống, và cho sống
lâu; nhưng rồi ai cũng phải chết. Phải đợi đến mặc khải của Chúa Giêsu 150 năm
sau, chúng ta mới hiểu rõ về mục đích của cuộc đời.
1.2/
Cái gì làm cho con người có hạnh phúc?
Tác
giả kết luận “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” sau khi đã làm một
sự suy xét cẩn thận về những gì mà phần đông con người cho là hạnh phúc. Một số
những đề tài được đề cập đến trong Sách và một số trong trình thuật hôm nay là:
(1)
Khôn ngoan: Có
người cho kiến thức khôn ngoan là quan trọng, vì nó giúp cho con người biết
cách sống; nhưng tác giả nhận thấy người khôn ngoan hay kẻ ngu đần đều chịu
chung số phận là phải chết. Khôn ngoan không theo chủ xuống mộ phần. Vì thế,
khôn ngoan là phù vân.
(2)
Hưởng thụ: Đa
số con người cho mục đích cuộc đời là để hưởng thụ, nhưng điều này cũng không
mang lại hạnh phúc cho con người. Khi phải đối diện với bệnh tật và cái chết,
con người chẳng được hưởng thụ nữa. Vì thế, hưởng thụ là phù vân.
(3)
Vất vả làm ăn là phù hoa: Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết làm việc vất vả mới
thành công. Khi phải đối diện với cái chết, người đó phải trao sự nghiệp của
mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại
là đại hoạ.
Tác
giả Sách Giảng Viên đặt câu hỏi: “Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận
tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?” Chuyện đó đây là
cái chết, cái chết lấy đi tất cả những gì con người phải vất vả tạo cho mình.
Tác giả cũng nhận thấy giầu có cũng chỉ là phù vân, vì “đối với con người ấy,
trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban
đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí.” Ban đêm là thời gian ngủ nghỉ để lấy
sức, thế mà những con người tham lợi nhuận vẫn không được an nghỉ. Nằm trên giường
nhưng đầu óc không nghỉ ngơi, họ bày ra trong đầu hết kế hoạch này đến kế hoạch
kia để làm giàu và canh giữ của cải. Người giàu có không hạnh phúc!
Thế
thì phải sống làm sao để có hạnh phúc, tác giả khuyên hãy chấp nhận bất kỳ những
niềm vui nhỏ nào mà Thiên Chúa “ban cho” con người.
2/
Bài đọc II: Đức Kitô cho đời sống con người một giá trị mới.
Điều
mà tác giả Sách Giảng Viên không giải quyết được là cái chết, thì đã được giải
quyết bởi thánh Phaolô, trong Thư Colossê. Vì Đức Kitô đến gánh tội và chịu chết
thay cho con người, nên từ nay con người không phải chết đời đời nữa, nhưng sẽ
được sống muôn đời. Tất cả ý nghĩa của cuộc đời được tìm thấy nơi Đức Kitô,
Ngài cho đời sống con người một giá trị mới. Để hiểu trình thuật hôm nay, chúng
ta cần hiểu thần học về bí tích Rửa tội theo Phaolô. Khi một người tân tòng bị
dìm xuống nước, anh cởi bỏ con người cũ với mọi thứ đam mê tội lỗi; để rồi khi
ngoi lên khỏi mặt nước, anh mặc lấy con người Đức Kitô, con người trường sinh bất
tử và mọi ơn thánh của Ngài. Trong trình thuật hôm nay, Ngài mô tả hai hiệu quả
của hai hành động đó.
2.1/
Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới: Ngài nói với tín hữu Colossê: “Vì anh em đã được trỗi dậy cùng với
Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự
bên hữu Thiên Chúa.” Thánh Phaolô gọi việc lãnh nhận bí tích Rửa Tội là mặc lấy
Đức Kitô. Khi mặc lấy Đức Kitô, các tín hữu phải sống cuộc sống mới như Đức
Kitô sống: theo tiêu chuẩn của Nước Trời và làm theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh
Phaolô đã từng khẳng định về lối sống của chính Ngài: “Tôi sống, nhưng không
còn là tôi; nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi.”
Có
phải Phaolô muốn khuyên các tín hữu phải sống cách biệt khỏi thế giới để chỉ
suy tư và chiêm ngắm những sự trên trời hay sống như thiên thần không lệ thuộc
vào vật chất? Không phải như thế, nhưng ngay sau trình thuật hôm nay, ngài đưa
ra một chuỗi những nguyên tắc đạo đức. Những nguyên tắc này xác định rõ những
gì ngài chờ đợi nơi các tín hữu. Ngài mong họ tiếp tục với công việc của thế giới
này và giữ lại tất cả các mối liên hệ bình thường; nhưng có một sự khác biệt
là: từ nay, người tín hữu nhìn tất cả mọi sự trong tương quan với cuộc sống
vĩnh cửu, và anh không sống như thế giới này là tất cả mọi sự.
Thái
độ này thúc đẩy người tín hữu phải sống theo những tiêu chuẩn mới: những gì thế
gian cho là quan trọng, anh không được cho là quan trọng, những tham vọng mà nó
thống trị thế gian sẽ không còn sức mạnh lôi cuốn anh. Anh vẫn tiếp tục xử dụng
của cải thế gian, nhưng trong một cách thức mới. Chẳng hạn, anh sẽ vui vẻ cho
đi thay vì nhận lại, phục vụ thay vì cai trị, tha thứ thay vì hận thù. Những
tiêu chuẩn giá trị này đến từ Thiên Chúa, chứ không đến từ con người.
Đức
Kitô là Đấng cho đời sống vô nghĩa của con người niềm hy vọng là được sống,
không phải chết muôn đời. Không những thế, Đức Kitô còn chính là sự sống. Sự sống
trường sinh đang tiềm ẩn nơi con người: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới
của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn
sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người
hưởng phúc vinh quang.”
2.2/
Giết chết những gì thuộc hạ giới: Vì được dìm mình trong nước Rửa Tội, các tín hữu phải rửa sạch
các tội của mình. Ngài liệt kê những tội người tín hữu phải khai trừ: gian dâm,
ô uế, đam mê, ước muốn xấu, và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Phải
từ bỏ những giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, và ăn nói thô tục. Người tín hữu
không còn được sống theo ý mình, nhưng phải tìm ra và làm theo thánh ý Thiên
Chúa. Họ phải sống theo sự thật, không được sống theo sự giả trá. Họ phải sống
hiệp nhất và bác ái với mọi người; không được phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt
bì hay không cắt bì, man di hay mọi rợ, nô lệ hay tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô
là tất cả và ở trong mọi người.
3/
Phúc Âm: Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải
đâu.
3.1/
Lo lắng về của cải sinh ra bao tội lỗi cho con người.
(1)
Lòng tham lam của cải làm con người tranh dành, kiện cáo, và chia rẽ nhau: Lẽ ra khán giả đến với
Chúa Giêsu để được nghe những Lời mang lại sự sống, nhưng một người trong trình
thuật hôm nay muốn nhờ thế giá của Chúa Giêsu để được chia gia tài từ anh mình.
Chúa Giêsu từ chối lời yêu cầu của anh, và Ngài cảnh cáo anh về tội quá lệ thuộc
vào của cải: “Không phải vì của cải mà con người tìm được hạnh phúc.”
(2)
Lòng tham của cải làm con người tích trữ những điều không cần thiết: Rồi người mời gọi họ suy
nghĩ về cuộc đời bằng một câu truyện thực tế: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng
nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì
còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này:
phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa
và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của
cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”
3.2/
Con người không tránh được cái chết: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người
ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Cái chết
có thể đến với con người bất cứ lúc nào, vì mạng sống của con người nằm trong
tay Thiên Chúa. Nếu một người dành cả cuộc đời để vất vả lao nhọc hầu tìm cho
mình những lợi nhuận vật chất, mà không lo tích trữ cho mình những của cải trên
trời, để rồi khi Thiên Chúa gọi anh về, anh được lợi gì đâu? Anh sẽ mất hết của
cải đã tạo dựng được và mất luôn sự sống vĩnh cửu, vì đã không lo làm giầu trước
mặt Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Mọi sự trên đời này chỉ là phù vân. Khi thần chết tới, nó lấy đi tất cả những
gì của con người. Chúng ta đừng cậy vào bất cứ điều gì của thế gian này.
-
Đức Kitô là niềm hy vọng của cuộc đời, vì Ngài mang lại sự sống đời đời cho
chúng ta. Chúng ta hãy sống và hành động theo gương của Ngài.
-
Chúng ta phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải dư giả mà mạng sống
con người được bảo đảm. Chúng ta phải biết tích trữ cho mình những của không hư
nát trên trời.
Lm.An-tôn ĐINH MINH
TIÊN,OP.
04/08/13 CHÚA NHẬT TUẦN 18 TN – C
Lc 12,13-21
Lc 12,13-21
CỦA CẢI KHÔNG LÀ TẤT CẢ
“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam,
không phải vì dư dã mà mạng sống con người được đảm bảo nhờ của cải đâu ?” (Lc 12,15)
Suy niệm: Không
biết từ đâu mà giới trẻ hôm nay có được một bản tóm lược những tiêu chuẩn thành
công trên đường đời: “tiền bao la, tình bát ngát.” Sự ham mê vật chất thì không
có điểm dừng, lối sống phóng túng chẳng khác gì xe lao dốc không thắng. Cơn
bệnh thèm tiền, thèm tình khiến nhiều người không cưỡng nổi, làm băng hoại nhân
phẩm và thui chột lương tâm vốn “tính bản thiện” mà Thiên Chúa đặt để trong con người. Điều
đáng tiếc là tiền và tình bị nhầm lẫn với hạnh phúc! Hậu quả tất yếu cho sự
nhầm lẫn này là đang có nhiều tiếng thở dài lo âu về một xã hội ‘kinh tế đi lên
tình người đi xuống’, về sự bất an hằn sâu trong lòng người. Thảm trạng này
đang minh họa lời Chúa nói, “không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm.”
Vì thế, cần một cuộc tự vấn nghiêm túc nơi mỗi người để thoát khỏi sự tha hóa
do của cải, thói tục và trở thành người “lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.”
Mời Bạn: Đâu
là mục tiêu mà bạn đang nỗ lực đạt đến? Mục tiêu ấy có phù hợp với lời Chúa căn
dặn bạn hôm nay không? Rất cần có một cuộc tự vấn trước mặt Chúa để bạn có được
một mục tiêu như lòng Chúa mong muốn.
Chia sẻ: với
nhau về câu hỏi: sống để làm gì?
Sống Lời Chúa: Ý
thức của cải là phương tiện để giúp ta thực hành những lời Chúa dạy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con đang sống trong một xã hội nặng tính duy vật,
khiến con mất khả năng vươn lên sống thánh. Xin giúp con sống thánh.
NHỮNG
KHO LỚN HƠN
Suy niệm:
Cái kho là quan trọng.
Kho
bạc quan trọng đối với một đất nước.
Kho
lẫm cần cho người làm nghề nông.
Mỗi
gia đình, mỗi công ty thường có kho riêng.
Có
thể là một tủ sắt để trong nhà hay ở ngân hàng.
Mọi lợi nhuận đều thu vào
kho.
Ai cũng muốn cho kho của
mình bành trướng.
Sau một vụ mùa bội thu,
mối bận tâm lớn nhất của
ông phú hộ trong dụ ngôn
là tìm cho ra chỗ để tích
trữ hoa màu của mình,
vì những kho cũ không đủ
sức chứa nữa.
Cuối cùng ông đã tìm ra
giải pháp này:
phá những kho cũ, làm
những kho mới lớn hơn,
rồi bỏ tất cả hoa màu,
của cải vào đó,
khóa lại cho thật kỹ, đề
phòng kẻ trộm.
Khi nhà kho đã an toàn
thì tương lai của ông
vững vàng ổn định.
Nhiều của cải cho phép
ông sống thoải mái trong nhiều năm.
Những cái kho lớn cho ông
tha hồ vui chơi, ăn uống.
Ông thấy mình chẳng cần
đến Chúa, chẳng cần đến ai.
Của cải trong kho bảo đảm
cho ông sống hạnh phúc.
Những cái kho là nơi ông
đặt lòng mình (x. Lc 12,34).
Xin đừng ai xâm phạm vào
chỗ thiêng liêng ấy.
Kho là nơi của cải đổ
vào, sinh sôi nẩy nở.
Kho không phải là chỗ
chia sẻ cho người khác.
Ông phú hộ sống cô độc,
khép kín như cánh cửa kho.
Ông sống với cái kho,
sống nhờ cái kho.
Ông tưởng mình đã tính
toán khôn ngoan,
nhưng ông không ngờ cái
chết đến lúc đêm khuya,
hay có thể có biết bao
rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình
phải bỏ lại tất cả.
Cái kho không níu được
ông, cũng không vững như ông nghĩ.
Những gì ông thu tích như
giọt nước lọt qua kẽ tay.
Ai trong chúng ta cũng có
một hay nhiều kho.
Có thể chúng ta ôm mộng
làm giàu hay đang giàu lên,
chúng ta định nới kho cũ
hay xây kho mới.
Chúng ta chăm chút cái
kho cho con cháu mai này.
Thật ra của cải không
xấu, xây kho cũng không xấu.
“Nhưng phải giữ mình khỏi
mọi thứ tham lam” (12,15).
Phải mở rộng những cánh
cửa kho của mình,
để kho không phải chỉ là
nơi tích trữ cho tôi,
nhưng là phương tiện để
tôi giúp đỡ tha nhân.
Ðừng để nhà kho, két sắt,
ví tiền thành mục đích.
Người giàu đáng yêu trước
mặt Thiên Chúa
là người biết mở kho để
trao đi
và thấy Thiên Chúa liên
tục làm cho kho mình đầy lại.
Làm thế nào để khi ra
trước toà Chúa,
chúng ta thấy kho của
mình trống trơn
vì vừa mới cho đi tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý
thức rằng
tấm bánh để dành của con
thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ
thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu
thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con
giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô túng
quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của
người khác,
có bao điều con định mua
sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc
sự bất công chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép
kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh người nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất
cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi
người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh
lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san
sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người
đói nghèo
là vì chúng con giữ quá
điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết
cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu
thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
“Chủ chiên phải có mùi của chiên” -
Lễ Thánh Gioan Maria Vianney
Hình
ảnh và video cuả một bé trai 9 tuổi làm Đức Thánh Cha Phanxicô rơi lệ đã lan
tràn 'như lửa cháy' trên cộng đồng mạng trong những ngày qua.
Lúc xe của Đức Thánh Cha
đi qua, một cậu bé trai tên là Nathan de Brito, mặc áo thun cuả đội banh
Brazil, đã len lỏi chạy theo Đức Thánh Cha một hồi rất lâu, rồi khi chiếc xe tạm
ngừng thì đã vượt qua hàng rào an ninh, leo lên ôm lấy ngài và noí trong nước mắt:
"Đức Thánh Cha ơi, con muốn trở thành một linh mục cuả Chuá Kitô, làm đại
diện cho Chuá Kitô"
Đức Thánh Cha đã tỏ ra rất
xúc động, Ngài nói với em rằng:"Cha sẽ cầu nguyện cho con, nhưng Cha xin
con cũng cầu nguyện cho Cha", sau đó Ngài lau nước mắt cho em, ôm lấy em
và nói, "Kể từ hôm nay thì ơn Kêu Gọi cuả con là chắc chắn nhé".
Phải khó khăn lắm người
ta mới gỡ em ra khỏi Đức Thánh Cha và kéo cậu xuống.
Cậu bé Nathan còn tiếp tục
tung nụ hôn tới cho Đức Thánh Cha, cho đến khi một nhân viên an ninh giỗ dành cậu
và đưa cậu về với gia đình.
Theo tin từ Brazil cho
biết thì em Nathan là một cư dân cuả khu phố Cabo Rio, và sau khi sự việc xảy
ra thì em đã được chào đón như một vị anh hùng.
Hãng truyền hình O Globo
TV mô tả rằng: "Mọi người đều đã biết về ước muốn làm linh mục cuả em và
muốn biết thêm về cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng và làm thế nào mà em đã có đủ
can đảm để vượt qua hàng rào các nhân viên bảo vệ."
Bạn bè của em thì hãnh
diện vì 'một trong những người cuả chúng' đã được gặp Đức Giáo Hoàng, còn gia
đình de Brito thì cho biết họ cảm thấy "rất may mắn."
Còn cảm tưởng cuả em?
"Em cần phải học
thêm thần học", cậu bé nói với một nụ cười, thêm rằng em sẵn sàng làm
"tất cả mọi thứ" để theo đuổi ơn gọi làm linh mục cuả em.Keyla
Fernandes, cô giáo của em, cho biết de Brito có điểm học xuất sắc và hạnh kiểm
tốt."Hạnh kiểm tốt chứng tỏ em đã thấm nhuần các đức tính Kitô giáo, chẳng
hạn như đức vâng lời," cô nói.
Còn Cha Xứ Valdir
Mesquita dự đoán rằng cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng cuả em "sẽ truyền cảm
hứng cho nhiều người khác muốn làm linh mục."
Kể từ khi em lên năm hay
sáu tuổi, "em đã nói rằng em muốn trở thành một linh mục,". Cha
Mesquita nói. "Cuộc gặp gỡ này chắc chắn sẽ lưu lại trong trái tim cuả em
và mãi mãi thay đổi cuộc sống của em". (x.vietcatholic.org).
Hôm
nay Giáo hội mừng kính Thánh Gioan Vianney, bổn mạng các Linh mục.
Từ
thửa nhỏ, Gioan Vianney khao khát làm linh mục. Sau này ngài kể: “Khi tôi còn nhỏ,
tôi không biết điều xấu”. Không đủ điều kiện vào chủng viện vì sức học yếu nên
ngài đã phải cố gắng hết sức để có thể vượt qua. Ước mơ làm Linh mục trong ngài
luôn cháy bỏng.
Tài
mọn, trí hèn, học kém, nhưng ngài vẫn được “đặc cách” thụ phong linh mục vào
năm 1815, lúc 29 tuổi. Sau 3 năm ở xứ Ecully, ngài được bổ nhiệm về xứ Ars, một
giáo xứ nhỏ và xa xôi Khi vừa đặt chân đến xứ Ars, ngài đã quỳ xuống hôn mảnh đất
này.
Trong
thời gian quản nhiệm xứ Ars, một xứ nhỏ nhưng “rắc rối” đủ chuyện, ngài gặp nhiều
giáo dân sống lạnh nhạt và sống buông thả trong tội lỗi.
Cha
sở Vianney đã kiên nhẫn để thay đổi lòng người từng chút và từng ngày.Trong các
bài giảng đầu tiên, cha sở Vianney đã phản đối các thói hư tật xấu của dân xứ
Ars như: báng bổ, nguyền rủa, không coi trọng ngày Chúa nhật, chỉ ưa tụ tập ăn
nhậu và múa hát ở các quán xá, hát những bài ca trơ trẽn và ăn nói tục tĩu.
Ngài nói: “Quán xá là cửa hàng của ma quỷ, là trường học của hỏa ngục, là thị
trường buôn bán các linh hồn, là nơi làm tan vỡ các gia đình, là nơi làm cho sức
khỏe bị hao mòn, là nơi xảy ra các cuộc cãi vã và giết người”.
Cha
sở Vianney phải mất 10 năm mới có thể thay đổi dân xứ Ars. Không còn làm việc
ngày Chúa nhật, nhà thờ càng ngày càng đông người, không còn say xỉn. Cuối
cùng, các quán rượu đóng cửa vì không có khách, và các cuộc cãi vã trong gia
đình cũng hết. Lòng chân thật trở nên tính cách chung. Cha sở Vianney viết: “Xứ
Ars không còn là xứ Ars xưa nữa”, vì cả xứ đã thay đổi tận gốc rễ. Cả xứ Ars trở
nên một cộng đoàn đạo hạnh.
Năm
2010, tôi có đi hành hương đến thăm Xứ Ars.
Thăm
nhà xứ, tôi thấy tất cả các căn phòng vẫn còn giữ nguyên trạng như những ngày
thánh nhân còn sống, quá đơn sơ và nghèo nàn…Nhà bếp lụp xụp, khói đen phủ kín
tường gạch trét vôi, mấy cái nồi niêu soong chảo cũ kỷ treo trên tường. Cái nồi
luộc khoai lang treo lơ lững, bên dưới có bóng điện nhỏ như ngọn lửa cháy, chiếu
rõ màu đen bụi khói qua năm tháng. Khoai lang luộc là thức ăn hàng ngày của cha
xứ.
Cái
bàn ăn bằng gỗ cùng với hai cái ghế gỗ nhỏ toát lên cuộc sống đạm bạc của chủ
nhân. Cầu thang gỗ dẫn lên gác. Căn phòng nhỏ thấp, nơi thánh nhân sống hơn 30
năm, có chiếc giường bị cháy xém do ma quỷ đốt, một cây súng dài rất cổ treo
trên tường, nghe kể là các vị Hội đồng giáo xứ trực nhà xứ đem vào để bảo vệ
cha xứ, một cái đồng hồ như là sáng kiến đặc biệt của cha Vianey chia đều công
việc 24 giờ trong ngày của ngài. Trong phòng còn có quan tài bằng gỗ sồi, sau
40 năm chôn trong lòng đất, khi khai quật ngôi mộ, xác cha thánh vẫn còn tươi
nguyên, một phép lạ Chúa ban. Bị ma quỹ quấy phá nhiều năm, cha thánh chuyển
qua phòng khác là nơi dành cho Đức Giám Mục khi đến đây ban phép Thêm Sức. Căn
phòng thứ hai này cũng rất nhỏ và thấp, các đồ dùng trong phòng rất giản dị,
nghèo nàn. Cái bàn nhỏ bên trên còn để cuốn sách nguyện, từ đó nhìn lên có tượng
thánh giá, có mấy tượng ảnh Đức Trinh Nữ Maria, cái giường ngũ nhỏ kê sát tường,
nơi thánh nhân ngũ cho đến khi qua đời, đôi giày bạc màu thời gian với khổ chân
người nông dân vẫn còn đó, bên cạnh có tủ sách khá nhiều cuốn sách dày, được biết
ngài đã đọc và và đánh dấu nhiều trang sách. Thật quá đơn sơ khi nhìn ngắm các
vật dụng. Căn phòng ọp ẹp này lại là nơi sinh sống của một con người vĩ đại
trong sự giản dị thanh thoát.
Nối
giữa hai căn phòng ấy hiện nay là phòng trưng bày những đồ dùng hàng ngày như
áo lễ, áo dòng, dù, sắc…tôi cảm động nhất khi nhìn và đọc lịch sử về cái áo lễ,
mẹ của ngài đã dành nhiều thời gian để may cho con trai cái áo lễ vì nhà quá
nghèo, ngày lễ mở tay, cha Gioan Maria Vianey đã mặc áo lễ do bàn tay mẹ làm
nên vào năm 1810. Trên gác là kho lúa mì, cha xứ dùng để nuôi các em cô nhi.
Chúa hay làm phép lạ cho kho lúa có đầy để nuôi trẻ mồ côi.
Sau
đó,thăm nhà thờ và cử hành Thánh lễ tại chính bàn thờ mà ngày xưa Thánh nhân hằng
ngày vẫn dâng lễ, đặt dưới tầng hầm.
Giáo
hội Pháp xây dựng nơi hành hương nổi tiếng này với dáng vẻ hiền lành, đơn giản,
khiêm tốn, đúng với cuộc đời của vị thánh đã sống ẩn khuất suốt 41 năm trong âm
thầm, lặng lẽ hy sinh vì đàn chiên. Ngay đến Vương cung Thánh đường bằng đá cẩm
thạch được dân chúng đóng góp xây dựng sau khi ngài được tuyên Thánh, cũng được
xây nối liền sau ngôi nhà thờ năm xưa với gác chuông cũ rêu phong, những khung
cửa sổ bạc màu. Bước vào nhà thờ, tôi nhìn thấy tòa giải tội nơi Thánh Gioan
Vianney đã từng ngồi miệt mài mỗi ngày hàng chục tiếng đồng hồ, bất kể mùa hè
hay mùa đông. Tôi ngồi nơi tòa giải tội vài phút và thầm cầu nguyện với cha
thánh. Bên phải Nhà thờ có bàn thờ dâng lễ, phía trên có thi hài cha thánh. Nhiều
người đang quỳ gối cầu nguyện sốt mến. Thánh lễ được cử hành hầu như liên tục
trong ngày. Hai ngày tĩnh tâm tại đây, tôi chứng kiến nhiều đoàn hành hương đến
cầu nguyện và dâng lễ.
Bí
quyết nên thánh của Cha sở Vianney là nguồn trợ lực vô biên từ Bí tích Thánh Thể,
và con đường mục vụ khởi đầu bằng tòa giải tội. Ngài không thông hiểu tiếng La
tinh, nhưng lại thấu hiểu được tâm hồn con người. Ngài có những lời khuyên đơn
sơ, nhưng lại dễ lay động lòng người. Ngài khuyên hối nhân bằng lời yêu thương
nhẹ nhàng đầy Thần Khí nhưng lại hiệu quả lớn lao cho người ta trút bao gánh nặng
tội lỗi, đắng cay khổ đau. Ngài miệt mài nơi tòa giải tội để đánh thức niềm tin
và đưa người ta trở về với Chúa. Biết bao con người đã tìm lại bình an và niềm
vui từ tòa giải tội này. Biết bao tâm hồn đón nhận ơn Chúa từ bí tích hòa giải.
Ngồi nơi tòa giải tội của cha Vianney mà tâm hồn lâng lâng niềm hạnh phúc trong
sứ vụ linh mục. Qua trung gian Linh mục, hối nhân gặp được trái tim đầy thương
xót của Thiên Chúa. Và đó là hạnh phúc. Người ta bảo trên đời có ba bóng dáng hạnh
phúc tinh ròng: mẹ đem con đi rửa tội về, người lành tạ thế và hối nhân từ toà
giải tội bước ra. Nếu như hạnh phúc của người truyền giáo là có một người được
rửa tội thì hạnh phúc của Linh mục giải tội là có một tội nhân được giao hoà với
Chúa, được tìm lại ơn thứ tha và nguồn bình an niềm vui tâm hồn. Hối nhân càng
nhiều tội lỗi, càng lâu năm xa cách nguội lạnh mà được ơn trở lại thì Linh mục
càng dâng đầy hạnh phúc. Như thế Cha Vianney là người rất hạnh phúc. Chúa phán
với tiên tri Edêkiel: "Edêkiel, Ta đã đặt ngươi làm kẻ canh thức Israel. Nếu
ngươi không khuyến cáo các người ác bỏ đàng tội, thì nó sẽ phải chết. Nhưng Ta
sẽ hỏi tội ngươi về máu nó đã đổ ra" (Ed 3,17-18). Món nợ của Linh mục đối
với Chúa là phải làm hết sức mình để cứu đoàn chiên khỏi tội. Vinh quang của
Linh mục là được chia sẻ vinh quang của Đức Mẹ và các thánh là những người đã cộng
tác với Đức Kitô trong việc cứu con người khỏi tội lỗi.
Thánh
Gioan Maria Vianney đã sống một cuộc đời thánh thiện, toàn tâm toàn lực
phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em. Ngài ăn uống kham khổ, sống đơn sơ
nhiệm nhặt. Ngài hy sinh hãm mình hằng ngày để xin Chúa biến đổi
lòng của từng anh chị em giáo dân, giúp họ biết sống thân tình với
Chúa, biết thờ phượng Chúa trên hết mọi sự.
Để
có được năng lực tốt nhất mà phụng sự Chúa, phục vụ anh chị em của
mình, thánh nhân hoàn toàn phó thác đời mình trong tay Chúa. Ngài
chìm lắng suốt đời trong cầu nguyện. Cả một ngày sống của cha sở
Venney là một ngày sống để cầu nguyện. Thánh nhân bắt đầu ngày cầu
nguyện của mình từ nửa đêm về sáng, khi mới một giờ đêm. Khi mọi
người còn đang yên giấc, ngài đã vào nhà thờ, quỳ trước nhà tạm,
thầm thỉ với Chúa, chiêm ngắm Chúa.
Cha
sở Vianney miệt mài ngồi tòa giải tội. Ngài hầu như đọc được tất cả
những điều sâu kín trong lòng người, khiến người ta tìm lại được
niềm tin, sự bình an của tâm hồn.
Linh
đạo Linh mục chính là nên thánh trong công việc mục vụ hàng ngày.Trong ngày Tiếp
Kiến chung vào ngày Thứ Tư, 16.5.2013, ĐTC Phanxicô nói: “Giám Mục không
phải là Giám Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân. Cũng vậy, Linh
Mục không phải là Linh Mục cho bản thân ngài, mà là cho dân: để phục
vụ, nuôi dưỡng, chăm sóc dân là đoàn chiên của ngài để bảo vệ họ
khỏi chó sói.”.
Trong
bài giảng Thánh Lễ Làm Phép Dầu vào lúc 9giờ30, ngày Thứ Năm Tuần Thánh,
28.3.2013, tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, ĐTC Phanxicô đã đòi hỏi các Linh mục
phải luôn ý thức rõ ràng trách nhiệm chủ chiên của mình là phải mang vào mình
mùi của chiên, ngài nói: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi
con chiên của mình.”.
Qua
đó, ĐTC muốn căn dặn các Linh mục rằng, cũng như người chăn chiên là phải sống
gần gũi, sống lăn lộn với đàn chiên, phải sống chết với đàn chiên để lo lắng
chăm sóc, bảo vệ và thăng tiến đàn chiên của mình, đến nỗi mùi của chiên đã ngấm
vào không những áo quần mà cả da thịt người ấy nữa, thì người Linh mục, người
chăn chiên về đàng thiêng liêng cũng phải vậy. Linh mục phải biết sống dấn thân
trọn vẹn cho cộng đoàn giáo xứ, cho các linh hồn, không những một cách công bằng,
vô vị lợi và bất thiên tư, nhưng còn biết xả thân hy sinh cho quyền lợi chính
đáng của giáo dân, biết lấy mọi nỗi thống khổ, mọi khó khăn vất vả và mọi gian
lao khổ cực của giáo dân làm của riêng mình, và hết lòng tìm cách an ủi, giúp đỡ
họ theo khả năng có thể của mình.
Cha
sở Vianney “là mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”, ngài là bổn mạng các
Linh mục. Hôm nay Giáo hội mừng kính thánh nhân, xin ngài giúp anh em linh mục
chúng con luôn biết sống theo gương sáng của ngài. Amen.
Lm
Giuse Nguyễn Hữu An
4-8
Thánh Gioan Baotixita Vianney
(1786-1859)
T
|
hật ít người có được sự
quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua các trở ngại và đạt được các kỳ công. Thánh Gioan
Baotixita Vianney (còn được gọi là Cha Sở họ Ars) là một người có quyết tâm:
Ngài muốn trở nên một linh mục. Nhưng trở ngại lớn nhất là ngài không có căn
bản học vấn cần thiết.
Sau thời gian nhập ngũ
và trở lại chủng viện, ngài không hiểu nổi các bài học bằng tiếng Latinh nên bị
đuổi ra khỏi trường. Nhờ sự giúp đỡ kiên nhẫn của Cha Balley để dạy riêng ở
nhà, sau cùng Gioan được nhận trở lại và được thụ phong linh mục với nhiều cay
đắng.
Hầu như chẳng giám mục
nào muốn có một linh mục như Gioan, do đó, họ đưa ngài về một giáo xứ hẻo lánh,
chỉ có 40 gia đình nhưng có đến 4 quán rượu. Khi ngài đến tỉnh Ars nước Pháp,
lúc ấy đã 31 tuổi, hầu như chẳng ai thèm lưu ý. Tỉnh này nổi tiếng là nơi đầy
ải các linh mục. Giáo dân thì thờ ơ với việc đạo đức và thoải mái với nếp sống
cố hữu của họ.
Không bao lâu họ thấy có
những thay đổi. Khi nhìn trộm qua cửa sổ họ thấy cha sở gầy gò ốm yếu cầu
nguyện suốt đêm. Có người thấy ngài vất bỏ các bàn ghế đắt tiền và thay chiếc
giường nệm êm ấm bằng các khúc gỗ sần sùi. Cũng có người thấy ngài chia sẻ quần
áo cho người ăn xin, và chính ngài chỉ ăn có hai củ khoai mỗi ngày. Một vài
người tò mò đến nhà thờ nghe giảng, và họ thấy tiếng nói của ngài như xé vào tai
nhưng có sức đánh động tâm hồn. Từ tò mò dẫn đến nghi vấn. Có thể nào đây là
một linh mục đích thực? Và nhà thờ bắt đầu đông người trở lại.
Cha Gioan đã trở nên một
phần tử của cộng đồng nhỏ bé ấy. Mỗi ngày ngài đi thăm các giáo dân và lắng
nghe những ưu tư của họ. Ngài không hiểu tiếng Latinh nhưng ngài rất hiểu các
nỗi khó khăn của đời sống người dân. Do đó, sau mười hai năm, hầu như mọi người
trong tỉnh đều tham dự Thánh Lễ hàng ngày và các nông dân vừa lần chuỗi vừa cầy
cấy nơi đồng áng.
Sự thay đổi không phải
dễ dàng. Những dèm pha, đàm tiếu, chụp mũ Cha Gioan cũng không thiếu. Ðối phó
với những người ấy, ngài chỉ im lặng và nhẫn nhục chịu đựng.
Công việc giải tội là
thành quả đáng kể nhất của Cha Gioan. Khi mới chịu chức linh mục, ngài không
được phép giải tội vì học lực quá kém. Nhưng ở họ đạo Ars, điều giáo dân lưu
tâm là ngài có khả năng thấu suốt linh hồn họ, khuyên bảo họ một cách chân
thành với tấm lòng quý mến.
Dân chúng từ khắp Âu
Châu đổ về tỉnh nhỏ xíu ấy chỉ để xưng tội. Trong những tháng mùa đông, ngài
phải mất từ 11 đến 12 tiếng đồng hồ để đưa người ta về với Thiên Chúa. Trong
mùa hè, thời gian giải tội lên đến 16 tiếng. Ðó là chưa kể cảnh giáo dân, vì
quá ái mộ ngài nên họ luôn rình rập để cắt áo, cắt tóc và lấy trộm mũ của ngài
làm kỷ niệm. Nhưng các điều ấy không tệ hại cho bằng cứ phải nghe những câu
chuyện đau lòng trong toà giải tội. Nếu một người không quyết tâm sống ơn gọi
linh mục thì không thể nào chịu đựng nổi sự hy sinh bền bỉ như vậy.
Với thân hình mảnh khảnh
nhưng gánh nặng quá lớn vì yêu quý các linh hồn, sức khoẻ của ngài ngày càng sa
sút. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài tìm cách trốn khỏi giáo xứ để có chút
thời giờ tĩnh dưỡng, nhưng cả xứ biết tin đã tìm cách chặn đường ngài. Bất chấp
điều ấy, ngài lên đường trở về quê nhà nhưng cả đoàn người hành hương lại theo
ngài đến đó. Biết rằng không thể nào được yên thân, ngài trở về họ đạo.
Ngài từ trần ngày 4
tháng Tám 1859 sau cơn bệnh nặng, hưởng thọ 73 tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng
Piô XI phong thánh năm 1925 và năm 1929, ngài được đặt làm quan thầy chính thức
của các cha xứ.
Lời Trích
Nhận xét về sự cầu
nguyện chung trong phụng vụ, Thánh Gioan Vianney cho biết: "Cầu nguyện
riêng giống như cọng rơm rải rác đó đây: Nếu bạn đốt lên nó chỉ tạo thành ngọn
lửa nhỏ. Nhưng gom các cọng rơm ấy lại và đốt lên, bạn có được ngọn lửa lớn,
vươn lên cao như một cột lửa đến tận trời xanh; cầu nguyện chung thì cũng giống
như vậy."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét