Trang

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

22-08-2013 : THỨ NĂM TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN - ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG (lễ nhớ)

THỨ NĂM 21/08/2013
TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
Tl 11,34


BÀI ĐỌC 1 : Tl 11,29-39a
“Hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con, con sẽ dâng người đó làm lễ toàn thiêu”

Trích sách Thủ Lãnh.
Trong những ngày ấy, Thần Trí của Chúa ngự trên ông Giéphtê, ông liền đi quanh đất Galaad, Manassê, (rồi) Maspha (của) Galaad, và từ đó tiến sang đánh con cái Ammon. Ông thề hứa với Chúa rằng: "Nếu Chúa trao con cái Ammon vào tay con, thì khi con từ đất con cái Ammon trở về bình an, hễ người nào ra khỏi nhà con và đón tiếp con trước hết, con sẽ dâng nó cho Chúa làm của lễ toàn thiêu".
Ông Giéphtê liền trẩy sang đánh con cái Ammon, Chúa đã trao chúng trong tay ông. Ông đã đánh phá hai mươi thành trong một trận ác liệt, từ Arôê đến cửa thành Mennith, và đến Abel Kêramim. Con cái Ammon bị con cái Israel hạ nhục. Khi ông Giéphtê trở về nhà ở Maspha, người con gái duy nhất ra với hội hát trống phách đón rước ông, vì ông chẳng có người con nào khác. Khi thấy đứa con gái, ông liền xé áo mình ra mà kêu lên rằng: "Con ơi, con làm khổ cha, con cũng khổ nữa, vì cha đã khấn hứa cùng Chúa, và cha không thể làm gì khác được". Người con gái đáp: "Cha ơi, nếu cha đã khấn hứa cùng Chúa, thì cha cứ làm cho con mọi điều cha đã thề hứa, vì Chúa ban cho cha được trả thù và thắng kẻ thù của cha". Cô lại nói với cha rằng: "Con chỉ xin cha điều này: xin cha cho con hai tháng, để con cùng các bạn con đi quanh núi đồi mà than khóc tuổi thanh xuân của con". Người cha đáp: "Con cứ đi". Và ông đã cho cô đi hai tháng. Khi cô ra đi làm một với bạn nghĩa thiết của cô, thì cô than khóc tuổi thanh xuân của cô trên núi đồi. Sau hai tháng, cô trở về nhà cha cô, và ông đã thi hành như ông đã thề hứa. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 39, 5. 7-8a. 8b-9. 10
Đáp: Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa (c. 8a & 9a).

1) Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa, không theo kẻ thờ thần tượng, không hướng về chuyện gian tà. -  Đáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi hy lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". -  Đáp.
3) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.  -  Đáp.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Đại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. -  Đáp.

ALLELUIA:  Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Đấng đã sai Lời Người xuống cõi trần ai. - Alleluia.

PHÚC ÂM:   Mt 22, 1-14
"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: 'Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới'. Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: 'Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới'. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: 'Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?' Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: 'Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!' Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".  Đó là lời Chúa.


22/08/2013 THỨ NĂM TUẦN 20 TN
Đức Maria Trinh Nữ Vương


BÀI ĐỌC I: Is 9, 2-4. 6-7 (Hl 1-6)
"Chúa ban Con của Người cho chúng ta".

Trích sách Tiên tri Isaia.
Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc nên vĩ đại, há chẳng làm vĩ đại niềm vui? Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. [Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm đẫm máu đào, sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa.]
Bởi lẽ một hài nhi đã sinh ra cho chúng tôi, và một người con đã được ban tặng chúng tôi. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là "Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình".
Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận; Người sẽ ngự trên ngai vàng của Đavít và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8
Đáp: Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời (c. 2).

Xướng: 1) Hãy ngợi khen, hỡi những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được chúc tụng, từ bây giờ và cho đến muôn đời. - Đáp.
2) Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen. Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời là vinh quang của Chúa. - Đáp.
3) Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất? - Đáp.
4) Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân Người. - Đáp.

ALLELUIA:

Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38
"Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một Con trai".


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một Trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, Trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà Trinh nữ và chào rằng:
"Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ". Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận". Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế, Đấng Bà sinh ra sẽ là Đấng Thánh, và đưọc gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà. Đó là lời Chúa.

Hoặc: Lc 1, 39-47

"Phúc cho Bà là kẻ đã tin".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vả ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Êlisabeth. Và khi bà Êlisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Êlisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện".
Bà Maria nói rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi". Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM : Đức Maria Nữ Vương

1) Đức Ma-ri-a là Nữ Vương
Trong kinh cầu Đức Mẹ, ta thấy Giáo Hội tôn vinh Đức Ma-ri-a là Nữ Vương với nhiều danh hiệu khác nhau: Nữ Vương Thiên Đàng, Nữ Vương các thiên thần, Nữ Vương các thánh nam cùng các thánh nữ, Nữ Vương ban sự bình yên, v. v… Vương có nghĩa là vua, là chủ tể. Đương nhiên tước hiệu Vương hay Vua của Đức Ma-ri-a không đồng nghĩa hay đồng hàng với tước hiệu Vương hay Vua của Thiên Chúa hay của Đức Giê-su. Nhưng là Vương hay Vua có nghĩa là có sự trổi vượt, có quyền cai trị, có thế lực, thần thế, có bề tôi hay những người dưới quyền…
Trong vũ trụ luôn luôn có phẩm trật rõ rệt. Cao cả nhất là Thiên Chúa Ba Ngôi, trong đó có Đức Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa, và kế đến là Đức Ma-ri-a. Vì là Mẹ sinh ra Đức Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Mẹ thuộc hẳn về «Hoàng Gia» hay Gia Đình của Thiên Chúa. Đây là một vinh dự chung rất lớn lao cho loài người, vì trong «Hoàng Gia» này – bao gồm những thủ lãnh cao cấp nhất của vũ trụ – ta thấy có hai vị là con người: Đức Giê-su và Mẹ Ma-ri-a. Đây cũng là một lợi điểm cho cả loài người. Các thiên thần không có được vinh dự ấy.
Như vậy, Mẹ Ma-ri-a rất có thần thế trước mặt Thiên Chúa, và rất có uy quyền đối với loài thiên thần và loài người. Ngày lễ hôm nay có chủ ý tôn vinh tước hiệu, thần thế và uy quyền ấy của Mẹ Ma-ri-a.
2) Điều quan trọng là: Mẹ Ma-ri-a có phải là Nữ Vương của chính tâm hồn và bản thân ta không?
Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương trên trời dưới đất, Giáo Hội Công giáo tuyên xưng như vậy. Nhưng điều ấy sẽ không ích lợi gì cho chính bản thân ta, nếu nó hoàn toàn xảy ra bên ngoài ta, nghĩa là nếu như Mẹ không phải là Nữ Vương của chính tâm hồn và bản thân ta. Việc Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương trên trời dưới đất phải là một sự việc hiện sinh đang xảy ra «tại đây và lúc này» trong chính bản thân ta, trong ý thức của ta. Nghĩa là bất cứ lúc nào ta cũng ý thức và nhìn nhận Mẹ Ma-ri-a vừa là Mẹ ta, vừa là vị Nữ Hoàng thống trị tâm hồn ta. Nói cách khác, ta luôn ý thức phận làm con, làm thần dân của Mẹ, và lúc nào cũng sẵn sàng tuân hành ý muốn hay mệnh lệnh của Mẹ nói trong chiều sâu tâm khảm ta. Được như thế, Mẹ sẽ uốn nắn tâm hồn ta nên hoàn hảo giống như Đức Giê-su, Con của Mẹ.
Nói một cách cụ thể, trong bất cứ hoàn cảnh hay tình huống nào trong cuộc đời, ta cũng đều nên hỏi Mẹ: «Lạy Mẹ, con phải làm gì đây? Mẹ muốn con làm gì và làm thế nào?» Khi ta quyết tâm làm theo sự hướng dẫn hay chỉ đạo của Mẹ chứ không phải theo ý riêng mình, Mẹ sẽ giúp ta hoàn thành mọi việc một cách tốt đẹp và việc ta làm sẽ có một giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Cứ như thế, ta sẽ nên thánh.
3. Chính Mẹ đã nêu gương cho ta trong việc làm theo thánh ý Chúa
Bài Tin Mừng cho ta thấy Mẹ không muốn mọi sự xảy ra theo ý riêng mình, mà sẵn sàng vâng theo ý muốn của Thiên Chúa, qua lời của thiên sứ. Chính vì thế, Mẹ đã trở nên người phụ nữ cao trọng và diễm phúc hơn tất cả mọi phụ nữ. Mẹ tin tưởng rằng cách mình tính dù có khôn ngoan tới đâu cũng không bằng cách Thiên Chúa tính cho mình. Cứ phó thác toàn bộ chuyện của mình cho Ngài, không theo ý riêng của mình, thì cuối cùng, cách Ngài tính cho ta là cách khôn ngoan và tốt đẹp nhất. Tương tự như vậy, ta hãy để cho Mẹ được toàn quyền xếp đặt mọi sự trong cuộc đời ta, thì cuộc đời ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn trường hợp chính ta tự xếp đặt lấy độc lập với ý muốn của Mẹ. Tại sao? Vì Mẹ vừa yêu thương ta vô cùng, lại khôn ngoan hơn ta rất nhiều. Không bao giờ Mẹ lại để cho những đứa con phó thác cho sự khôn ngoan và tình thương của Mẹ phải thất vọng hay thiệt hại vì sự phó thác ấy.
Tóm lại, trong ngày lễ kính Mẹ Ma-ri-a là Nữ Vương trên trời dưới đất, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy tôn vinh Mẹ là Nữ Vương của chính bản thân mình, của gia đình mình. Đó là cách hết sức khôn ngoan để cuộc đời ta nên thánh thiện, tốt đẹp và hạnh phúc nhất.
(JNK)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 20 TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Judg 11:29-39a; Mt 22:1-14.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung tín giữ những gì đã thề hứa.

Con người ngày nay tìm đủ mọi lý do để không phải giữ những gì mình đã thề hứa: tại không biết những gì sẽ xảy ra, tại hoàn cảnh khó khăn, tại đương sự, tại gia đình ... Nhưng người quân tử là người giữ những lời mình đã thề hứa: "nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy," có nghĩa: một lời nói ra khỏi miệng, bốn con ngựa chạy theo cũng không đuổi kịp. Để giữ những gì mình thề hứa, con người cần có nhân đức anh hùng để vượt qua mọi trở ngại ngăn cản thi hành lời hứa.

Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng hai sự thật trái ngược nhau. Trong Bài Đọc I, Sách Thủ Lãnh tường thuật sự trung tín và lòng can đảm của ông Jephthah, khi ông dám sát tế đứa con gái duy nhất để giữ trọn lời ông đã thề hứa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, nhà vua tức giận vì các khách được mời dự tiệc đã không giữ lời hứa đến dự tiệc, nên đã sai các đầy tớ đi tru diệt các khách được mời, và sai các đầy tớ đi khắp các nẻo đường để mời mọi người vào tham dự tiệc cưới của con mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ông Jephthah giữ lời đã khấn hứa với Đức Chúa.

1.1/ Lời khấn kỳ lạ của ông Jephthah với Đức Chúa: Thủ Lãnh Jephthah khấn hứa với Đức Chúa rằng: "Nếu Ngài trao con cái Ammon vào tay con, thì - khi con đã thắng con cái Ammon mà trở về bình an - hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con, người đó sẽ thuộc về Đức Chúa, và con sẽ dâng nó làm lễ toàn thiêu." Ông Jephthah qua bên con cái Ammon để giao chiến với chúng, và Đức Chúa đã trao chúng vào tay ông. Ông đánh chúng tơi bời từ Aroer cho tới gần Minnith, tất cả là hai mươi thành, và cho tới Abelkeramim. Thật là một cuộc đại bại: con cái Ammon bị hạ nhục trước mặt con cái Israel.

1.2/ Ông Jephthah giết con gái để giữ trọn lời thề.

(1) Ông Jephthah không ngờ hậu quả của lời hứa: Khi ông Jephthah trở về nhà ông tại Mizpah, thì này con gái ông ra đón ông, vừa đánh trống vừa nhảy múa. Cô là con gái độc nhất của ông: ngoài cô ra, ông không có con trai con gái nào khác. Thoạt nhìn thấy cô, ông liền xé áo và nói: "Ôi, con gái của cha, thật con làm khổ cha rồi! Chính con lại ở trong số những kẻ gây bất hạnh cho cha! Cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng Đức Chúa và không thể rút lại được." Thiên Chúa muốn thử đức tin của Thủ Lãnh Jephthah: thật là dễ dàng khi phải hy sinh người dưng nước lã, nhưng thật khó biết bao khi phải hy sinh máu mủ ruột thịt của mình, đưa con độc nhất mà ông có.

(2) Sự anh hùng của cô con gái: Đây là lời thề hứa của cha cô, cô có thể từ chối không cộng tác để cha thi hành lời hứa; nhưng cô là người biết kính sợ Thiên Chúa, nên cô đã anh hùng thưa với cha: "Thưa cha, cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng Đức Chúa, thì cha cứ thi hành cho con như lời cha đã khấn hứa, vì Đức Chúa đã cho cha trả thù được con cái Ammon, kẻ thù của cha."

Cô chỉ xin cha cô một điều: "Xin cha cho con điều này là hoãn cho con hai tháng để con đi lang thang trên các núi đồi, mà khóc cho đời con gái của con cùng với các bạn con." Ông nói: "Con cứ đi," và ông để cho cô đi hai tháng. Cô ra đi cùng với các bạn, khóc cho đời con gái của cô trên các núi đồi. Sau hai tháng, cô trở về với cha, và ông thi hành cho cô lời ông đã khấn hứa. Cô chưa biết đến việc vợ chồng.

Hành động anh hùng của cô đã nên gương sáng cho con cái Israel; mỗi năm, họ đều dành ngày này để kính nhớ cô, và đã thành một tục lệ trong Israel.




2/ Phúc Âm: Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.

2.1/ Dân chúng không đáp trả lời mời của Đức Vua: Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!"

Theo truyền thống Do-thái, người ta có thói quen đi đến tất cả nhà các người quen để mời đến dự tiệc, chủ nhà sẽ báo cho các quan khách biết lý do, nơi chốn, và ngày giờ dự tiệc. Khi đã biết bao nhiêu người đến dự tiệc, chủ nhà sẽ chuẩn bị cho phần ăn cho bấy nhiêu người; rồi sai các đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời đến dự tiệc.

Nhà vua tức giận vì quan khách đã không giữ lời hứa. Họ chẳng những không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn; còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.

2.2/ Quyết định của vua: Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

(1) Người không chịu mặc y phục lễ cưới: "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."

Nhiều người thắc mắc không hiểu lý do tại sao nhà vua bắt khách qua đường tham dự phải mặc y phục lễ cưới. Một người có thể trả lời ngược lại: tại sao bao khách qua đường khác lại có thời gian mặc y phục lễ cưới! Điều Chúa Giêsu có lẽ muốn nhấn mạnh ở đây là phải có những điều kiện tối thiểu để được vào Nước Trời, chứ không phải ai cũng vào được.

(2) Áp dụng của dụ ngôn: Nhiều nhà chú giải áp dụng dụ ngôn này cho người Do-thái: Họ là những quan khách được mời trước; khách gặp các nẻo đường là người Dân Ngoại. Vì người Do-thái từ chối không tham dự tiệc cưới Người Con của Thiên Chúa là Đức Kitô; nên ơn cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng đến mọi người.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi thề hứa bất cứ điều gì với Thiên Chúa: trong đời sống thánh hiến hay trong đời sống gia đình. Chúa muốn chúng ta trung thành với điều chúng ta đã khấn nguyện.

- Chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng chúng ta phải cố gắng vượt qua, và Thiên Chúa ban ơn thánh đủ để chúng ta có thể giữ trọn vẹn lời thề.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 20 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 22,1-14

A. Hạt giống...
Dụ ngôn tiệc cưới :
- Tiệc cưới là Nước Trời
- Những khách được mới đợt đầu nhưng từ chối là dân do thái
- Những khách được mời đợt sau là chư dân
Trong dụ ngôn này có hai chi tiết hơi khó hiểu là :
- Vua ra lệnh phá huỷ thành phố của những người không đáp lời mời : ám chỉ việc thành Giêrusalem bị phá huỷ năm 70.
- Một người vào dự tiệc mà không mặc áo cưới nên bị phạt : áo cưới chỉ nếp sống mới. Được gia nhập Nước Trời mà không có một nếp sống mới thì cũng sẽ bị phạt trong ngày phán xét.

B.... nẩy mầm.
1. So với dân Do thái, chúng ta chính là những người tốt có xấu có vất vơ ở các ngã ba đường nhưng được Chúa mời vào Giáo Hội. Hãy tạ ơn Chúa.
2. Câu chuyện người không mặc áo cưới là một lời cảnh giác chúng ta : để xứng đáng với tấm lòng của Chúa, chúng ta phải cố gắng hoán cải, có một nếp sống mới. Không phải nguyên việc ở trong Giáo Hội là bảo đảm cho ơn cứu độ đâu. Thánh Phaolô đã kêu gọi hãy từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới.
3. Tiệc cưới và áo cưới tượng trưng cho những tâm tình cơ bản mà người kitô hữu phải luôn có, đó là hân hoan, vui mừng và yêu thương.
Có người đã tưởng tượng ra thiên đàng và hoả ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hoả ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được nhưng không thể nào đưa vào miệng. Bàn tiệc trên thiên đàng thì cũng y hệt, nhưng khác một điều là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn đưa vào miệng người đối diện. Thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn no nê. ("Mỗi ngày một tin vui")
4. Ngày nay chúng ta có thể “đọc lại” (relecture) dụ ngôn này và hiểu đợt khách được mời đợt thứ nhất là chính chúng ta
- “Mọi sự đã sẵn, xin mời đến dự tiệc” : Chúa dọn sẵn cho ta hai bàn tiệc là Thánh Thể và Lời Chúa. Đến đó, chúng ta sẽ được bồi dưỡng mọi thứ cần thiết. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta từ chối.
- Cũng như những người trong dụ ngôn, chúng ta coi việc “đi thăm trại” và “buôn bán” (những việc làm ăn, vui chơi) trọng hơn bàn tiệc của Chúa.
5. “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời không xứng đáng. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, mời ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22,89)
... Và tiếng còi của trọng tài đã vang lên, kết thúc trận đấu chung kết của khoa.
Và đó cũng là tiếng còi khai mạc cho những tràng vỗ tay, những niềm vui hân hoan của những cổ động viên (là những thành viên trong lớp tôi)
Trước đây tinh thần này không thấy được  trong lớp tôi, các bạn trong lớp chia băng, kết bè ít quan tâm tới việc lớp, chuyện của bạn... mỗi người theo chủ nghĩa “Mackeno” (“mặc kệ nó”)
Đội bóng lớp tôi đã đạt được chức vô địch khoa. Nhưng cao quý hơn nữa là mỗi người đã phá vỡ cái tôi, bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, con người của sự yêu thương, chăm sóc, con người của tình đoàn kết, hoà đồng.
Lạy Chúa, xin cho con biết đến với anh em, xóa bỏ mặc cảm tự ti, để có thể hoà nhịp với dòng người vào tiệc cưới trong nhà Cha. (Hosanna)
6. Nhà vua sai những đầy tớ khác đi và dặn họ : “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn sàng. Mời quý vị đến dự tiệc cưới. Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới lại bỏ đi...” (Mt 24,4-5)
Kết thúc cuộc chiến, một người lính trẻ đã viết thư về cho cha mẹ báo tin ngày về : “Thưa cha mẹ, con có người bạn từng chiến đấu sống chết với con, nay đã thành kẻ tàn phế. Chiến tranh cướp đi người bạn con đôi tay. Con muốn anh ta sống chung với gia đình mình để con có thêm người bạn.” Người cha đã hồi âm : “Không được con ơi, một người tàn phế như vậy thì có ích gì !” Nhận được thư, người con đã quyết định không bao giờ trở về bởi vì con người tàn phế đó không ai khác, chính là anh !
Khác xa người cha trong câu chuyện, Chúa chẳng bao giờ chối bỏ con. Trái lại, Chúa vẫn tiếp tục gõ cửa nhà từng người chúng con để mời gọi chúng con dự phần vào sự sống  và niềm vui của Chúa, nhưng nhiều khi chúng con đã khước từ. Xin tha thứ và cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tấm lòng của người con thảo. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

22/08/13 THỨ NĂM TUẦN 20 TN
Đức Maria Trinh Nữ Vương
Lc 1,26-38

CÙNG SỐNG, CÙNG CHẾT, CÙNG VINH QUANG
Sứ thần liền nói :” Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và được gọi là Con Đấng Tối Cao.”
(Lc 1,30-32)
Suy niệm: Ta có thể nói như cha Cantalamessa rằng: “Không ai cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu đến mức như Đức Maria, cũng như không ai được tôn vinh bên Chúa Giêsu bằng Đức Maria”. Quả vậy, từ khi nhập thể, Đức Giêsu gắn bó với Mẹ Maria như hình với bóng: từ lúc còn trong lòng Mẹ, Mẹ đi đâu, Con đi theo đấy; khi Con trưởng thành, Con ở đâu, Mẹ cũng có mặt ở đó: Con dự tiệc cưới Cana, cũng có mặt Mẹ, Con đi rao giảng Tin Mừng, có thấp thoáng bóng Mẹ, Con chịu đóng đinh, Mẹ có mặt dưới chân thập giá. Thì nay Con bước vào vinh quang Thiên quốc, thì Mẹ được cất lên làm Nữ Vương vũ hoàn.
Mời Bạn: Nhớ rằng ngoài người mẹ trần gian, bạn còn có một người mẹ trên trời là Đức Maria. Bạn hãy siêng năng đến cầu nguyện với Đức Mẹ, và nhớ lấy ngài làm “gương soi” cho mình.
Chia sẻ: Tôi thích đức tính nào nơi Đức Maria hơn cả? Tôi đã làm gì để tập đức tính đó?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi nhớ ít nhất đọc 3 kinh Kính mừng và cầu nguyện với Đức Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria, khi đọc sách Tin Mừng, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới Cana. Và cuối cùng, Mẹ đã theo Ngài đến tận núi Sọ. Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng mời gọi mới của Chúa. Amen. (Rabbouni)

Tôi là nữ tì của Chúa
Nếu chúng ta chịu cưu mang Đức Giêsu, sinh hạ và làm cho Ngài lớn lên, thì chúng ta được chia sẻ chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa.



Suy nim:
Maria, một thôn nữ của ngôi làng Nadarét nhỏ bé thuộc vùng Galilê.
Cô đã đính hôn, và cứ sự thường, Cô sẽ kết hôn với ông Giuse.
Cuộc sống của Cô bề ngoài chẳng có gì khác thường.
Nhưng bên trong, Cô là một kiệt tác của Thiên Chúa.
Đơn giản vì Cô được tuyển chọn giữa mọi phụ nữ trên địa cầu
để trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ của chính Ngôi Lời nhập thể.
Thiên Chúa đã làm những điều tốt đẹp nhất cho Cô
để Cô xứng đáng với đặc ân mà chẳng ai dám nghĩ tới.
Thiên Chúa muốn Con Một của Ngài làm người trăm phần trăm,
nên Ngài cần một người mẹ trần thế cho Người Con ấy.
Maria được chọn và được chuẩn bị hết sức chu đáo cho trọng trách này.
Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyết định của Cô.
Maria có chấp nhận cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không?
Một Thiên Chúa tôn trọng tự do là một Thiên Chúa biết mời gọi, hỏi ý.
Thiên Chúa cần sự gật đầu ưng thuận của một cô thiếu nữ xứ Paléttin
để Con của Ngài được làm người ở trên trái đất.
Thiên Chúa khiêm tốn không muốn đặt Cô trước sự đã rồi.
Ngài muốn Con của Ngài được Cô đón nhận vào cả hồn lẫn xác.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện sứ thần Gabrien truyền tin cho Maria.
Đúng hơn đây là chuyện Thiên Chúa siêu việt hỏi ý một thụ tạo nhỏ bé.
Lời chào của sứ thần làm Cô rất bối rối, không hiểu và sợ hãi (cc. 29-30).
Maria được chào là Đấng đầy ân sủng,
nghĩa là người được Thiên Chúa đặc biệt mến yêu.
Ngài vẫn luôn ở cùng Cô ngay từ khi Cô còn trong lòng mẹ.
Sứ thần báo tin Cô sẽ thụ thai một con trai.
Người Con này là Con Đấng Tối Cao, là Vị Vua thuộc dòng Đavít (c. 33).
Hẳn Maria biết ngay là mình được mời gọi làm Mẹ Đấng Mêsia,
một danh dự mà bao thiếu nữ Do thái mong đợi.
Nhưng Maria vẫn chưa hiểu làm sao Cô có thể thụ thai
khi Cô chưa làm lễ thành hôn và về chung sống với chồng (c. 34).
Sứ thần cho biết việc Cô thụ thai là chuyện độc nhất vô nhị.
Cô có con là vì “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Cô
và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Cô” (c. 35).
Người chồng tương lai của Cô không dự phần vào việc thụ thai này.
Con của Cô sẽ được gọi là Con Thiên Chúa theo nghĩa viên mãn nhất.
Maria đã nói tiếng Xin Vâng với đề nghị của Thiên Chúa (c. 38).
Cô đã thụ thai từ khi nói tiếng Xin Vâng đầy tín thác ấy.
Ngôi Hai Thiên Chúa đã hiện diện trong lòng Cô, trong đời Cô.
Chúng ta cũng được Thiên Chúa mời gọi và hỏi ý như Maria xưa.
Ngài cũng cần từng người chúng ta để cứu độ cả nhân loại.
Nếu chúng ta chịu cưu mang Đức Giêsu, sinh hạ và làm cho Ngài lớn lên,
thì chúng ta được chia sẻ chức làm mẹ của Mẹ Thiên Chúa.
Cầu nguyn:

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm

            Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương, chúng ta hướng tâm hồn về Mẹ, vì Mẹ là một phần tử ưu việt của Hội thánh, đã sống với Thiên Chúa cách trọn hảo, và đã xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Thánh Bênađô đã khẳng định rằng "nói về Mẹ thì không bao giờ đủ", bởi vì các nhân đức của Mẹ thật tuyệt vời. Một trong những nhân đức ấy, là sự khiêm nhường của Mẹ. Thánh sử Luca cho biết, khi kết thúc biến cố truyền tin, Mẹ đã đáp lại "Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói". Trong bài ca Magnificat, Mẹ cũng nhìn nhận mình là "phận nữ tỳ hèn mọn". Nơi mái ấm gia đình Nadarét, Mẹ đã sống âm thầm lặng lẽ phục vụ thánh Giuse và Hài Nhi Giêsu. Vâng,Nữ tỳ của Chúa là người thuộc nữ giới, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, chỉ biết thực hiện mọi ý của Chúa, chứ không làm theo ý riêng. Vì thế, Mẹ đã để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời của Mẹ, trong mọi hoàn cảnh sống. Mẹ sẵn sàng phó thác tất cả cho sự quan phòng của Chúa.
Sống khiêm nhường là một nhân đức, nhưng thật là khó để tập nhân đức này. Bởi vì, mỗi người trong chúng ta vốn ‘mang gen’ kiêu ngạo, luôn tự cho mình là tài giỏi và trên hết. Càng có chức có quyền thì cái tôi càng lớn, theo đó tính kiêu ngạo cũng càng cao. Được làm ông này bà nọ thì coi mọi người chỉ là hạng thứ dân. Người có chút tài năng thì sinh tính kiêu ngạo, mang cái ‘bệnh của sao’ và coi người khác chẳng ra gì… Thật vậy, ai cũng muốn sống khiêm nhường trước mặt mọi người và Thiên Chúa, vì nó là một khát vọng chính đáng, nhưng nhiều khi ta không biết cách thực hành như thế nào, vậy phải làm sao đây?
Thiết nghĩ, muốn sống khiêm nhường thì cần phải diệt cái tôi của bản thân. Cha Vincente Lebbe cho rằng, chúng ta cần phải chiến đấu với cái tôi hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, nên phải luôn đánh tôi, đánh ngã tôi, và đánh chết tôi. Nói như thế, cái tôi trong mỗi người chúng ta thật là lớn, và rất khó để diệt nó. Chỉ khi nào chúng ta làm chủ được cái tôi thì ta mới có thể sống khiêm nhường được. Một tâm hồn khiêm nhường thì dễ lắng nghe tiếng Chúa và sẵn sàng đáp lại thánh ý Ngài, và rồi ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
Mừng lễ Đức Maria Nữ Vương hôm nay, chúng ta cùng nhau xin Mẹ luôn chở che nâng đỡ mỗi người chúng ta trên hành trình dương thế này. Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết thưa tiếng xin vâng như Mẹ trước thánh ý của Thiên Chúa, và để cho thánh ý của Chúa được hoàn thiện nơi bản thân chúng ta. Mẹ đã sống khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Noi gương Mẹ chúng ta hãy sống khiêm tốn trở nên người tôi tớ trung tín của Chúa, và phục vụ tha nhân cách chân thành. Cùng với Mẹ, ta hãy trở nên thành phần thánh thiện trong Hội thánh.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám

22 THÁNG TÁM

Hãy Nhạy Bén Với Tiếng Nói Lương Tâm

Chúng ta cần sự hướng dẫn và tác động của Thánh Thần trong công cuộc phát triển xã hội. Điều này chỉ có thể xảy ra khi chúng ta thường xuyên lắng nghe tiếng nói của lương tâm và trung thành đáp lại tiếng nói ấy.
Giáo huấn của Công Đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta: “Trung thành với lương tâm, người Kitôhữu liên kết với những người khác để tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý biết bao vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội. Bởi vậy, lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của hành vi luân lý” (MV 16).
Một cách thực tiễn, Công Đồng kêu gọi chúng ta chú ý tới chướng ngại rắc rối nhất ngăn cản sự tiến bộ đích thực của con người – đó là sự dữ luân lý tức tội lỗi. Do tội lỗi, “con người bị phân rẽ nơi chính mình. Vì thế, tất cả cuộc sống của con người, hoặc riêng rẽ, hoặc tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm. Hơn nữa, con người thấy mình không đủ sức khi phải tự mình chiến thắng hữu hiệu những tấn công của sự dữ, đến nỗi mọi người cảm thấy dường như bị xiềng xích trói buộc” (MV 13).

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 22/8 - Đức Maria Nữ Vương
Is 9, 1-6; Lc 1, 26-38


LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện truyền tin cho Đức Mẹ, cho chúng ta thấy Đức Mẹ là Đấng đầy ân sủng, nhờ đầy ân sủng mà Đức Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa. Trong đời sống của người Ki-Tô hữu, chúng ta phải ý thức mình luôn là kẻ yếu hèn, đầy những tham vọng của con người trần thế, từ trong tư tưởng cho đến hành động, làm cho chúng ta xa lìa sự phục vụ tha nhân, dễ sa vào mọi cám dỗ của ma quỷ. Nên chúng ta phải biết trông cậy vào Thiên Chúa, xin Ngài ban ân sủng cho chúng ta. Chỉ khi chúng ta sống với ân sủng của Ngài ban; chúng ta mới trở thành người thực sự tốt và được đẹp lòng Thiên Chúa.


Mạnh Phương


Gương Thánh nhân

Ngày 22/08 - ĐỨC MARIA TRINH NỮ VƯƠNG

Ngày 1 tháng 11 năm 1954, bốn năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác về trời, Đức thánh cha Piô XII đã long trọng đội triều thiên lên tượng Đức trinh Nữ là "sự cứu rỗi của dân Roma". Đây là cử chỉ tượng trưng biểu thị sự công bố về vương quyền phổ quát của Đức Maria.
Đoàn người đông đảo đứng chật quảng đường đền thờ thánh Phêrô, nhân danh cả hoàn cầu, dâng cao niềm hoan hỉ.
Đức Thánh cha cầm những vòng vàng dát đá quí từ khắp thế giới gởi về, để đặt trên đầu tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài nói: - Xin Mẹ cai quản trên Giáo hội, trên mọi trí khôn, mọi cõi lòng, mọi cá nhân, mọi gia đình cũng như mọi xã hội và mọi quốc gia, trên mọi cộng đoàn, những người quyền thế. Xin mẹ hãy cai trị trên mọi nẻo đường và mọi quảng trường, trong thành thị và chốn thôn quê, trên nền trời, trên mặt đất và cả biển khơi.
Ngài còn nói : - "Vương quyền của Đức Maria là một thực tại siêu vượt thế trần, đồng thời lại thấm nhập mọi cõi lòng và chạm tới phần cốt yếu sâu thẳm nhất có tính cách siêu nhiên và bất tử.
Đức Maria là Mẹ thánh, tước hiệu này khiến cho Mẹ được đặc ân không bị thương tổn vì tội lỗi. Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ cũng không bị thương tổn vì sự chết. Khi kết thúc cuộc đời trần gian cũng như từ những lời đầu tiên buổi truyền tin, mẹ là tuyệt đỉnh của nhân tính bất khả xâm phạm luôn hiệp nhất với Ngôi Lời để hoàn tất công cuộc cứu rỗi thế gian. Không một ý tưởng, hành vi nào của Mẹ lại rời khỏi con Mẹ trong việc chinh phục bản tính nhân loại và việc chinh phục vũ trụ.
"Lễ Mông triệu kéo dài một tuần đến lễ Đức Trinh Nữ Vương, lễ này cho thấy Đức Maria sáng chói như Nữ hoàng và như bà Mẹ, Ngài cầu bầu cho chúng ta cạnh vua muôn thuở" (Marialis cultus, 6)

(daminhvn.net)

22 Tháng Tám

Trinh Nữ Vương


Hiện nay, tại một số ít quốc gia trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Ðiển, Thái Lan, chức nữ hoàng và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng, chứ không có thực quyền.
Giữa trào lưu có sự thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và trong đời sống xã hội, những câu kinh: "Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy..." lượt dịch bài bình ca bất hủ bằng tiếng La Tinh: "Salve Regina..." vẫn còn được bao cửa miệng và tâm hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến yêu của đoàn con cái đối với mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi thay.

Trong tông huấn mang tựa đề: "Lòmg sùng kính Ðức Mẹ Maria", Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã định nghĩa về Ðức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng kính hôm nay đại khái như sau: "Lễ này là tiếp diễn lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thực vậy, vào lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Ðức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền".
Lời giải thích của Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu đúng vai trò của Mẹ Maria theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Ðó là liên kết vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi của Ngài.
Theo dòng trào lưu đổi thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của Mẹ Maria vẫn đứng vững trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng, để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa luôn chảy tràn, giải lao cho nhân loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động lực để biến xã hội loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria đứng cạnh ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong Nước Trời.

(Lẽ Sống)

Thứ Năm 22-8
Ðức Maria Nữ Vương

Vào năm 1954, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ này. Nhưng tư cách nữ vương của Ðức Maria có nguồn gốc trong Phúc Âm. Vào lúc Truyền Tin, sứ thần Gabrien thông báo rằng Con của Ðức Maria sẽ nối ngôi Ðavít và cai trị đến muôn đời. Trong cuộc Thăm Viếng, bà Êlizabét gọi Ðức Maria là "mẹ của Chúa tôi." Cũng như trong tất cả mầu nhiệm cuộc đời của Ðức Maria, ngài rất gần gũi với Ðức Giêsu, do đó ngài được chia sẻ vương quyền của Ðức Giêsu. Chúng ta cũng có thể nhớ lại rằng, trong Cựu Ước, người mẹ của vua rất có thế lực trong triều đình
Vào thế kỷ thứ tư, Thánh Ephrem gọi Ðức Maria là Hoàng Hậu và sau đó các Giáo Phụ cũng như các Tiến Sĩ Hội Thánh tiếp tục dùng danh xưng này. Các thánh thi từ thế kỷ 11 cho đến 13 đề cập đến Ðức Maria như một hoàng hậu: "Kính mừng Hoàng Hậu Thánh Thiện," "Kính mừng Hoàng Hậu Thiên Ðàng." Tràng hạt dòng Ðaminh và dòng Phanxicô cũng như biết bao lời cầu khẩn Ðức Maria trong kinh nguyện đều mừng kính tư cách nữ vương của ngài.
Ngày lễ này rất thích hợp để theo sau lễ Ðức Mẹ Thăng Thiên, và bây giờ được cử mừng vào ngày thứ tám sau ngày lễ nói trên. Trong thông điệp Nữ Vương Thiên Ðàng, Ðức Piô XII nói rằng Ðức Maria xứng với danh hiệu này vì ngài là Mẹ Thiên Chúa, vì ngài cộng tác chặt chẽ trong công trình cứu chuộc của Ðức Giêsu như một Evà Mới, vì sự tuyệt hảo trổi vượt của ngài và vì sự can thiệp quyền thế của Ðức Maria.
Lời Bàn
Như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma 8:28-30, tự thuở đời đời Thiên Chúa đã tiền định cho con người được chia sẻ hình ảnh của Con Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Ðức Maria được tiền định làm mẹ của Ðức Giêsu. Như Ðức Giêsu là vua của muôn tạo vật, thì Ðức Maria là hoàng hậu, nhờ vào Ðức Giêsu. Tất cả mọi xưng tụng tư cách nữ vương này đều xuất phát từ ý định đời đời của Thiên Chúa. Như Ðức Giêsu hành sử vương quyền của Người trên mặt đất bằng cách phục vụ Chúa Cha và loài người, thì Ðức Maria cũng hành sử tư cách nữ vương của ngài. Như Ðức Giêsu vinh hiển vẫn ở với chúng ta như một vị vua cho đến tận thế (Mt. 28:20), thì Ðức Maria cũng vậy, ngài là người đã được đưa lên trời và được ban thưởng triều thiên hoàng hậu của thiên đàng và trần thế.
Lời Trích
"Tất cả mọi Kitô Hữu hãy tha thiết khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người. Hãy nài xin ngài là đấng là trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời khẩn nguyện, và được tôn vinh trên trời trên tất cả thần thánh, để ngài có thể cầu bầu cùng Con ngài trong sự hiệp thông với toàn thể các thánh. Cầu mong sao ngài vẫn tiếp tục công việc ấy cho mọi dân tộc của gia đình nhân loại, dù họ được vinh dự mang danh Kitô Hữu hay chưa biết đến Ðấng Cứu Thế, đều được hân hoan cùng nhau quy tụ trong an bình và hòa thuận hợp thành một Dân Chúa, vì vinh hiển của Ba Ngôi Cực Thánh và Không Phân Chia" (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 69).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét