Chúa Nhật Ngày 18/08/2013
Tuần 20 Mùa Thường Niên Năm C
(Phần
I)
BÀI ĐỌC I: Gr 38, 4-6. 8-10
"Ngài đã sinh ra
tôi làm người bất thuận sống trên vũ trụ".
Trích
sách Tiên tri Giêrêmia.
Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: "Chúng tôi
xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh
thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không
tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ". Vua Sêđêcia phán rằng: "Đấy
nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì".
Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở
trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước,
chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn.
Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: "Tâu bệ hạ,
những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném
ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn". Vậy vua
truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: "Hãy đem ba mươi người ở đây
theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết". Đó
là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 39, 2. 3. 4. 18
Đáp: Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ
phù con (c. 14b).
1) Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa,
Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu. - Đáp.
2) Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi
chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi.- Đáp.
3) Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới,
bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ
cậy trông vào Chúa. - Đáp.
4) Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa
ân cần chăm nom. Người là Đấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài
đừng chậm trễ. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 12, 1-4
"Chúng ta hãy kiên
quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta".
Trích
thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng
nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm
cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết
xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng
khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ
đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu
ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công
dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi
mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến
nỗi phải đổ máu. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 8, 12
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng
ban sự sống". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 12, 49-53
"Thầy không đến để
đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến
đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải
chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các
con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không
phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà
sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối
con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối
mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng". Đó là lời
Chúa.
SUY NIỆM : Hãy Cương Quyết
Xông Pha
Nhiều lời Tin Mừng chúng ta
vừa nghe, có vẻ khác lạ, nếu chưa muốn bảo là chói tai. Thường chúng ta vẫn có
những quan niệm rất bình an và dịu dàng về Con Người Ðức Giêsu Kitô và nhất là
về giáo lý bác ái của Người. Các Thiên Thần đã không hát khúc ca hòa bình trong
ngày Người giáng sinh sao? Và trọng tâm giáo lý của Người chính là tình thương.
Người đã đến để thi hành sứ vụ hòa giải, giữa Thiên Chúa với loài người, và
giữa Do Thái với dân ngoại. Thế mà hôm nay, trong đoạn văn vắn tắt của Luca,
chúng ta thấy Người nói đến Lửa và Nước, chia rẽ và chống đối, và ngay tại gia
đình thường được gọi là tổ ấm.
Chúng ta sẽ phải hiểu Lời
Chúa thế nào đây? Chú giải cẩn thận một đoạn Kinh Thánh là phận vụ của một khoa
học đặc biệt. Còn trong một buổi phụng vụ, chúng ta chỉ nên tựa vào Lời Chúa
vừa công bố để tìm ra giáo lý của Hội Thánh cho đời sống hiện tại của chúng ta.
Và giáo lý này khởi sự ngay từ bài học Cựu Ước.
1. Vì Lời Chúa, Bị Bắt Bớ
Cuộc đời của Giêrêmia rất đỗi
éo le. Nói đúng hơn, từ ngày Thiên Chúa đặt lời của Người trong miệng ông để
ông làm tiên tri, tuyên bố các phán quyết của Người thay cho chính Người,
Giêrêmia đã trở thành tường đồng cự lại cả xứ, cự lại các vua Giuđa và hàng
khanh tướng. Ngay hàng tư tế cũng tuyên chiến với ông (x. chương 1). Chẳng phải
tại ông bướng bỉnh. Ngược lại, ông luôn cảm thấy mình chỉ là một đứa trẻ. Nhưng
Lời Chúa đã ập xuống trên ông, bắt ông đứng dậy tuyên sấm cho dân phản loạn. Họ
đã chối bỏ mạch nước hằng sống để đào cho mình bể rò không chứa được nước
(2,13).
Ðoạn văn hôm nay nói đến giai
đoạn thật gay cấn. Vua xứ Giuđa bấy giờ đã tuyên thệ phục tùng vua Babylon
trước mặt Thiên Chúa. Nhà tiên tri coi lời thề đó như thánh ước vì đã lấy Danh
Ðức Giavê mà thề. Do đó, khi vua Giuđa và hàng khanh tướng có ý đồ bội ước,
phản lại vua Babylon và cầu cạnh vua Ai Cập, thì nhà tiên tri phải lên tiếng.
Ông tố cáo sự lật lọng của nhà Giuđa đối với Thiên Chúa là Ðấng luôn trung
thành. Và dĩ nhiên ông đã lợi dụng cơ hội này để kể hết các bội phản của dân
thất ước. Ông bực mình nhất vì thái độ giả hình của họ. Họ cứ vỗ ngực xưng mình
là dân của Chúa đang khi không ngớt vứt bỏ lệnh truyền của Người. Họ căn cứ vào
việc Chúa đã chọn họ làm dân ưu tuyển, để luôn cư xử bất công với mọi dân khác,
coi dân ngoại chỉ như bàn đạp cho họ tiến lên. Giêrêmia chống đối thái độ giả
đạo đức và tự phụ khinh người ấy. Ông luôn nhắc nhở phải trở về với Thiên Chúa
và biết rằng Người coi trọng các dân tộc. Nhưng những lời ông nói đều bị bỏ
ngoài tai. Vua Giuđa tiến hành ý đồ phản lại Babylon. Nước này đem quân xuống
đánh, vây chặt thủ đô Giêrusalem. Giêrêmia cũng bị nằm trong vòng vây.
Nhưng vì Ai Cập khiêu khích
để yểm trợ cho Giuđa. Vua Babylon tạm thời nới lỏng vòng vây Giêrusalem để đánh
phá Ai Cập trước. Lợi dụng lúc một phần quân Babylon rút đi, Giêrêmia muốn lẻn
về thăm quê ở Anatốt, chỉ xa Giêrusalem chừng một giờ đường bộ thôi. Nhưng ông
bị lính Giuđa bắt giữ, cho rằng ông muốn đi theo quân Babylon. Thế là kẻ thù
của ông ra mắt vua xứ Giuđa, xin nhà vua xử lý một tên phản quốc, với những lời
lẽ mà chúng ta đã nghe đọc bài sách hôm nay. Cuối cùng họ đã quăng ông xuống
một giếng bùn, để ông lún xuống dần dần mà chết đi.
May có một người dân ngoại
làm hoạn quan trong hoàng cung nghe biết. Ông đến xin nhà vua cho kéo Giêrêmia
lên khỏi giếng. Nhà tiên tri thoát chết trong lần này. Nhưng rồi chẳng bao lâu,
quân Babylon trở lại. Giêrusalem thất thủ. Nhà tiên tri bị người Do Thái kéo
sang Ai Cập và dường như ông đã chết ở đây, giữa những kẻ suốt đời vẫn thù ghét
ông, vì ông luôn luôn nói Lời Chúa cho dân ngỗ nghịch.
Do đó Giêrêmia đã trở thành
nhà tiên tri đặc biệt của Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Cuộc đời của ông báo
trước cuộc Tử nạn của Người. Ông là một trong đoàn thể chứng nhân đông đảo bao
quanh chúng ta, trong cuộc đời đầy phấn đấu hiện nay. Chính tư tưởng phấn đấu
này là chủ đề của tất cả Lời Chúa hôm nay và là trọng tâm của bài Tin Mừng mà
bây giờ chúng ta muốn tìm hiểu.
Jeremiah |
2. Vì Tin Mừng, Bị Chống
Ðối
Như lúc đầu đã nói, nhiều lời
trong bài Tin Mừng hôm nay không ngọt tai tí nào. Chúng ta thích hơn nếu Ðức
Giêsu Kitô nói Người đem hòa bình đến. Vì chúng ta quen quan niệm Người có lòng
nhân từ và công cuộc của Người là cứu thế. Tôi sẽ không làm dịu bớt tính cách
"chát chúa" của những lời Người tuyên bố hôm nay để phục vụ khuynh
hướng tự nhiên của chúng ta quen quan niệm đạo là bác ái và vì thế đạo nên
tránh nói những lời thẳng nhặt. Tuy nhiên trước hết chúng ta cần hiểu đúng ý
Chúa trong các lời tuyên bố này.
Người ta có thể nghĩ ngay đến
chung thẩm, tức là phán xét chung trong ngày sau hết, khi nghe Chúa Giêsu khẳng
định: Người đến đem lửa xuống thế gian và Người mong biết bao cho lửa ấy cháy
lên. Quả thật trong Kinh Thánh có rất nhiều đoạn nói đến lửa để ám chỉ việc
phán xét. Và thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Ðức Giêsu như "Ðấng sẽ đến
để thanh tẩy trong Thánh Thần và trong lửa". Hơn nữa, Người còn nói:
"Lưỡi rìu đã sẵn gốc cây: cây nào không sinh quả lành sẽ bị chặt và quăng
vào lửa" (Mt 3,10).
Tuy nhiên mặc dầu có những ý
kiến như thế, chúng ta vẫn có quyền tự hỏi: Không biết đoạn văn này có nhất
thiết phải được hiểu như vậy không? Có điều chắc chắn, Ðức Giêsu không khi nào
khẳng định việc chung thẩm, như chúng ta hiểu, sẽ xảy đến trong lúc Người đang
ở giữa xã hội loài người. Thời gian phán xét là bí mật của Chúa Cha. Ngài sẽ
trao quyền xét xử ấy cho Ðức Kitô sau này. Thế nên khi Ðức Giêsu đến theo lời
giới thiệu của Gioan, thật ra chưa có việc phán xét; nhưng mới chỉ có sự phân
biệt "để ý nghĩ của nhiều tâm hồn phải bày ra", như lời Luca nói; nghĩa
là để các tâm hồn phải lựa chọn thái độ: hoặc đón nhận hoặc khước từ ơn cứu độ
của Thiên Chúa đến trong thế gian nơi Ðức Giêsu Kitô.
Thế nên "lửa" mà
Người nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay đúng hơn nên hiểu về "Thánh
Thần". Người đến để cho những kẻ tin Người được Thần Khí của Thiên Chúa.
Người mong muốn, đến nỗi nôn nóng thấy việc đó chóng xảy đến để loài người
chóng nhận được Thánh Thần khiến họ có thể kêu lên "Abba ! Lạy Cha".
Một cách cụ thể, có thể nói, trong suốt cuộc đời trần gian, Ðức Giêsu hằng mong
mỏi ngày lửa Thánh Thần sẽ xuống trên các môn đệ, vì đó là mục đích cuộc giáng
sinh cứu thế của Người, để tất cả loài người trở thành con cái Thiên Chúa.
Thế mà, như chúng ta biết,
Thánh Thần không thể được ban xuống cho các môn đệ, bao lâu Ðức Kitô chưa bị treo
lên cây Thập giá. Do đó tiếp theo câu nói Người mong muốn biết bao cho lửa cháy
lên, Chúa Giêsu đã khẳng định luôn: "Người phải chịu một phép rửa và lòng
Người khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất". Câu nói này, ai cũng hiểu
là để ám chỉ cuộc Tử nạn của Người.
Như vậy chúng ta có thể tóm
tắt như sau: trong bài Tin Mừng hôm nay trước hết Chúa Giêsu bộc lộ ý chí cứu
thế của Người. Người mong mỏi cho loài người được lãnh nhận Thánh Thần yêu mến
và vì thế Người muốn đến ngày chịu tử nạn, lấy máu rửa sạch tội lỗi loài người
để họ nhận được Nước sinh sống của Thánh Thần.
Nhưng mầu nhiệm Thánh giá là
điên rồ đối với lương dân và là ô nhục đối với người Do Thái. Tính tự nhiên của
xác thịt con người lập tức muốn phản kháng. Thái độ của Phêrô khi nghe nói lần đầu
tiên, ai cũng biết. Ông kéo Ðức Giêsu ra nơi kín và xin Người đừng nghĩ như
thế. Nhưng chính Ðức Giêsu không những lại khẳng định: Người sẽ đi vào con
đường thập giá; Người còn nói thêm: ai muốn theo Người cũng phải làm như vậy.
Và mầu nhiệm thánh giá là trọng tâm, nếu không phải là toàn bộ sứ điệp của Chúa
Giêsu mang đến cho loài người. Do đó phải coi là phản Tin Mừng khi trong Ðạo
Chúa không muốn nói đến phấn đấu và hy sinh. Lòng từ nhân, sự hòa giải và bình
an của Thiên Chúa đem đến cho loài người, phải đi qua đường hẹp. Người có sức
mạnh và kiên cường mới đón nhận được. Không những họ phải phấn đấu chống lại
các khuynh hướng xác thịt và tội lỗi; nhưng vì sức mạnh của Satan còn nằm trong
cả thế gian nữa, nên thường khi họ còn phải đương đầu với sức ép của các xã hội
xấu. Dĩ chí, ngay nơi tổ ấm gia đình cũng có thể gặp những trở ngại cho đời
sống đức tin và đạo đức. Hôm nay trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã báo trước như
thế và lịch sử cùng kinh nghiệm đều hùng hồn làm chứng đó là những điều rất
thật.
Như vậy chẳng còn gì khác lạ,
chói tai như lúc đầu chúng ta có thể nghĩ nữa. Chúa Giêsu chỉ nói những sự thật
hiển nhiên đầy ơn cứu độ. Ðó là những lời Tin Mừng: Chúa Giêsu muốn chúng ta
được tràn đầy Thánh Thần để chúng ta được thần linh hóa. Và cho được như vậy,
chính Người phải đi vào con đường thánh giá. Và hết thảy chúng ta cũng phải vác
lấy thập giá hằng ngày của mình. Hiểu như vậy, tác giả thư Hípri có lời khuyên
chúng ta như sau.
3. Chúng Ta Hãy Cương Quyết
Xông Pha
Thật ra, sau những lời tin
mừng chúng ta vừa trình bày và thấy gương sáng của Giêrêmia, chúng ta đã có thể
tự mình đem ra những quyết tâm cho cuộc sống hằng ngày. Lời thư Hípri chỉ muốn
hỗ trợ ý chí của chúng ta thôi. Có ba ý tưởng đáng ghi nhớ. Trước hết tác giả
cho chúng ta thấy mình đang ở giữa một đoàn thể chứng nhân đông đảo. Ðó là các
thánh trong Cựu Ước. Và ngày nay chúng ta phải kể thêm sự hiện diện đông đảo
của các thánh thời Tân Ước. Những thế hệ anh hùng ấy đã gian truân khổ sở hơn
chúng ta. Nhớ mình đang được nâng đỡ như vậy, chúng ta phải thêm tinh thần xông
pha chiến trận đang chờ đợi chúng ta để đi tới vinh quang hạnh phúc mà các
người đang được dự.
Hơn nữa không phải chúng ta
chỉ có những chứng nhân bao quanh để khích lệ và cổ vũ; trước mắt chúng ta còn
có một lãnh tụ dẫn đầu và lôi cuốn. Ðó là Ðức Giêsu Kitô. Chính Người không
những khơi nguồn mà còn viên thành niềm tin. Người đưa dẫn chúng ta từ đầu chí
cuối. Người là đường đi, là sự sống, là sự thật của chúng ta. Nhờ vậy sự kiên
quyết, kiên cường phấn đấu của người tín hữu không bao giờ là một sự bướng
bỉnh, cố chấp, đi ngược lại quyền lợi và hạnh phúc của người khác; nhưng là sự
bền chí, kiên tâm, trong con đường cứu độ.
Hơn nữa chính hình thức của
sự phấn đấu kiên quyết này còn lấy cuộc đời của Ðức Kitô làm mẫu mực. Người đã
khước từ vui sướng cho mình, kiên chịu thẹn thuồng xấu hổ và khổ hình thập giá
vì loài người tội lỗi. Người không dạy chúng ta chịu đau khổ vì đau khổ, nhưng
vì phần rỗi và hạnh phúc của mọi người. Người lấy phục vụ làm cứu cánh và chấp
nhận phấn đấu như điều kiện. Chúng ta có đăm nhìn lên Người như vậy, cuộc đời
phấn đấu của chúng ta mới có ý nghĩa cao quý, vì nói muốn góp phần xây dựng
hạnh phúc chung cho nhân loại.
Ðối với một lý tưởng như thế,
những thử thách của chúng ta đã là gì? Ðó là ý tưởng thứ ba của bài thư Hípri.
Cuộc đời của chúng ta có gian khổ vẫn chưa là gì sánh với đời sống đầy thử
thách của Giêrêmia và biết bao chứng nhân khác. Nó không nghĩa lý gì sánh với
các đau khổ tình nguyện của Ðức Giêsu Kitô. Nhất là nó chẳng đáng sánh với mục
đích xây dựng hạnh phúc của toàn thể xã hội.
Chúng ta sẽ cương quyết xông
pha hơn. Nhưng như lời thư Hípri nói: chúng ta hãy đắm nhìn lên Ðấng khơi nguồn
và viên thành đức tin. Người có lôi cuốn, hướng dẫn, chúng ta mới biết đi vào
và hoàn tất cuộc hành trình trần gian. Người luôn hiện diện trước mặt chúng ta
trong kho tàng Lời Chúa và đặc biệt trong các mầu nhiệm bàn thờ. Ðến với Người
ở đây chúng ta còn được chính Người đi vào con người và đời sống chúng ta để
giúp chúng ta biết sống như Người và với Người, nghĩa là hiện diện trước mặt
chúng ta trong kho tàng Lời Chúa và đặc biệt trong các mầu nhiệm bàn thờ.
Ðến với Người ở đây chúng ta
còn được chính Người đi vào con người và đời sống chúng ta để giúp chúng ta
biết sống như Người và với Người, nghĩa là sống phấn đấu không ngừng cho phần
rỗi và hạnh phúc của mọi người. Ðó là điều chúng ta tin tưởng và cử hành giờ
đây nơi bàn thờ. Xin mọi người hãy hết mình tham gia.
(Trích dẫn từ tập sách
Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm C
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người làm
chứng cho sự thật phải trả giá.
Thế
gian đầy dẫy sự gian trá. Để diệt trừ sự gian trá cần có những con người biết sự
thật, nói sự thật, sống sự thật, và làm chứng cho sự thật. Những con người như
thế sẽ bị thế gian truy tố, vì họ phơi bày sự gian trá của thế gian; nhưng cũng
chính vì sự can đảm của họ, nhiều người lầm đường lạc lối đã quay trở về với
chính lộ để được giải thoát.
Các
bài đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng của sự thật và giá phải trả của những
con người dám hiên ngang làm chứng cho sự thật. Trong bài đọc I, ngôn sứ
Jeremiah bị những nhà lãnh đạo của Judah ném xuống giếng bùn cho chết, vì họ
không thể nghe những lời tiên đoán của ông về sự sụp đổ của thành Jerusalem, của
Đền Thờ, và toàn nước sẽ phải lưu đày; nhưng họ đã không giết chết được ông vì
vẫn có người muốn nghe sự thật và giải thoát cho ông. Xấu hổ thay, người đó lại
là một viên quan thái giám người Ethiopia, một người Dân Ngoại. Trong bài đọc II,
tác giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu hãy kiên trì chạy đua trong trận chiến đức
tin để làm chứng cho sự thật. Ông khuyên họ hãy noi gương của các chứng nhân đi
trước, và nhất là noi gương của Đức Kitô, tuy Người đã bị chết treo trên Thập
Giá, nhưng giờ đây đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong vinh quang để cầu bầu cho
họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tâm sự với các môn đệ, Ngài đã ném lửa của sự thật
vào thế gian, và Ngài ước mong cho lửa này bùng lên trong lòng mọi người. Để được
như thế, Ngài phải chịu một phép rửa bằng máu; đó chính là cái chết của Người
trên Thập Giá.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Ngôn sứ Jeremiah bị giam trong giếng bùn vì nói lời của Thiên Chúa.
1.1/
Các thủ lãnh làm hại Jeremiah vì họ không muốn nghe sự thật.
Con
người sống bằng hy vọng và lạc quan, họ mong muốn bình an và phát triển, thế mà
ngôn sứ Jeremiah lại cứ tiên đoán chiến tranh, tù đày và chết chóc. Đó là lý do
các thủ lãnh của Judah đến thưa với vua Zedekiah: "Xin ngài cho giết con
người ấy đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại
trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình
cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ."
Nhưng
con người không thể “lạc quan miền thượng,” nghĩa là lạc quan trong khi chẳng
có lý do gì để lạc quan. Các nhà lãnh đạo Do-thái không thể mưu cầu một nền hòa
bình tạm bợ, hay một nền hòa bình đặt trên sự giả dối; vì sớm muộn rồi sự giả dối
đó cũng bị lộ tẩy, và chiến tranh bắt đầu tàn phá. Sự thật mà ngôn sứ Jeremiah
muốn nói với họ ở đây là họ phải diệt trừ tội lỗi và quay trở về với Thiên
Chúa, thì họ mới có bình an nhờ sự bảo vệ của Ngài.
Vua
Zedekiah là một ông vua nhu nhược. Vua có thể chưa nhận ra sự thật, hay không
dám bênh vực cho sự thật vì sợ sẽ bị họ chống đối, nên vua Zedekiah nói với họ:
"Đây ông ta đang ở trong tay các ngươi; nhà vua cũng chẳng có thể làm gì
trái ý các ngươi được."
Những
nhà lãnh đạo không muốn tay họ vấy máu ngôn sứ Jeremiah, nên họ nghĩ ra một
cách là quăng ông xuống giếng bùn cho chết vì đói khát và bệnh tật. “Họ liền điệu
ông Jeremiah đi, và bỏ xuống một cái hầm nước của hoàng tử Malchiah, trong sân
vệ binh. Họ lấy dây thừng thả ông Jeremiah xuống. Vì trong hầm không có nước,
mà chỉ có bùn, nên ông bị lún sâu."
1.2/
Ông Ebedmelech bênh vực và giải thoát ngôn sứ Jeremiah: Ông Ebedmelech người
Ethiopia là quan thái giám của Zedekiah, ông có lẽ đã nghe những lời than ai
oán và những lời cầu xin của ngôn sứ Jeremiah vọng lên từ đáy giếng, nên ông đã
động lòng trắc ẩn, lòng thương xót giữa con người với con người. Đây chính là
lý do ông Ebedmelech đi ra khỏi đền vua và thưa với vua rằng: "Thưa đức
vua, chúa thượng tôi, những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ
Jeremiah. Họ đã thả ông xuống hầm, và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong
thành không còn bánh nữa.”
Ngôn
sứ Jeremiah bị bao vây bởi đau khổ dưới giếng bùn: đói khát, lạnh lẽo, bệnh tật,
sợ hãi bị bỏ rơi, bị đe dọa bởi tử thần. Đây là lúc niềm tin của ông nơi Thiên
Chúa bị thử thách. Đây là lúc mà Lời Chúa lúc đầu ngọt ngào bao nhiêu giờ trở
nên cay đắng cho lòng ông bấy nhiêu, đến nỗi ông đã than thở những lời u oán
trong bài Ai-Ca thứ ba. Dẫu vậy, ông vẫn tin Thiên Chúa sẽ giải thoát ông khỏi
tay thù địch và khỏi chết.
Tại
sao vua Zedekiah bây giờ lại truyền cho Ebedmelech đi cứu ngôn sứ Jeremiah? Vua
là người nhu nhược, nhưng khi thấy niềm tin và sự can đảm của viên quan thái
giám, nhà vua thức tỉnh và nhận ra tội lỗi của mình. Vua liền truyền cho ông
Ebedmelech: "Ngươi hãy đem theo ba mươi người ở đây, đi kéo ngôn sứ
Jeremiah lên khỏi hầm, kẻo ông chết mất."
2/
Bài đọc II: Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập
giá.
2.1/
Chúng ta được bao vây bởi các nhân chứng đức tin trong lịch sử.
Tác
giả hình dung cuộc đời của các tín hữu giống như một cuộc chạy đua trong vận động
trường. Trong cuộc thi chạy đua, người tín hữu có những khán giả cổ vũ cho mình
là các nhân chứng đức tin của lịch sử trên đám mây nhìn xuống. Để có thể chạy
cách hiệu quả, con người cần:
(1)
Trút bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình: Để có sức chạy dài, lực
sĩ cần trút bỏ mọi gánh nặng không cần thiết; vì một trọng lượng mang theo
mình, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ trở nên nặng nhọc vì đường dài.
Tương tự trong cuộc chạy đua đức tin, các tín hữu cần dứt bỏ những thói quen xấu;
vì một tội lỗi, cho dù nhỏ đến đâu chăng nữa, cũng sẽ ngăn cản các tín hữu
không hoàn tất cuộc đua.
(2)
Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta ở đàng trước: Khác với cuộc đua trong
thao trường, mọi người hoàn tất trong cuộc đua đức tin, đều được lãnh nhận phần
thưởng. Vì thế, điều quan trọng trong cuộc chạy đua đức tin, không lệ thuộc vào
việc chạy nhanh, nhưng lệ thuộc vào sự kiên trì hoàn tất cuộc đua.
2.2/
Chúng ta hãy luôn hướng tới Đức Giêsu, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.
Con
người chiến đấu là cho một mục đích. Vì mục đích này, con người có thể vượt qua
mọi gian nan khổ cực trong cuộc đời. Noi gương Chúa Giêsu, người nhập thể và chịu
khổ hình là để ý của Thiên Chúa được vẹn toàn. Nói cách khác, vì niềm vui là
mang lại ơn cứu độ cho con người, mà Ngài “đã cam chịu khổ hình thập giá, khinh
thường ô nhục, và nay đang được ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” Chúng ta cũng vậy,
vì hy vọng sẽ đạt được ơn Cứu Độ mà Chúa Giêsu đã chịu khổ hình để mang lại,
chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ của cuộc đời như Chúa.
Trong
cuộc đời, nhiều khi chúng ta cảm thấy những người được chúng ta giúp, đã không
biết ơn thì chớ, lại còn phê bình hay đối xử tàn nhẫn với chúng ta, mặc dù
chúng ta đã cố gắng hết mực. Những lúc mang tâm trạng như thế, chúng ta hãy
nhìn lên cây Thánh Giá để được an ủi; vì có một người cũng đã mang tâm trạng
như thế cho tội lỗi của chúng ta. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời giảng
dạy và ban phát ơn lành; thế mà con người đáp trả lại bằng những khinh thường,
nhục mạ, mão gai, roi đòn, và đóng đinh trên Thập Giá. So sánh với những gì
Chúa Giêsu phải trải qua, đau khổ của chúng ta không thể nào so sánh được với
những đau khổ của Ngài. Vì thế, tác-giả Thư Do-thái khuyên các tín hữu: “Anh em
hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế,
để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi,
anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.”
3/
Phúc Âm: Lời sự thật sẽ gây chia rẽ
3.1/
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã
bùng lên!” Lửa có ít nhất 3 công dụng:
soi sáng, thanh tẩy (luyện kim), và sưởi ấm.
(1)
Chúa Giêsu soi sáng con người bằng Lời Chúa;
(2)
Sống Lời Chúa sẽ giúp con người thanh tẩy tất cả sai trái và tật xấu trong tâm
hồn;
(3)
Cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa sẽ giúp con người có sức mạnh xóa tan đi
những hố sâu chia rẽ vàsưởi ấm lại tình người.
Lửa
mà Chúa Giêsu đã ném vào mặt đất mà muốn cho bùng lên là Sự Thật và Tình Yêu của
Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói tiếp: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy
khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” Phép Rửa Chúa Giêsu đề cập
đến ở đây chính là Phép Rửa bằng Máu, là Cuộc Thương Khó của Ngài. Phép Rửa này
chỉ hoàn tất khi Ngài giang tay chết trên Thập Giá để chứng tỏ tình yêu của
Thiên Chúa dành cho con người.
3.2/
Thầy đến để đem sự chia rẽ?
Lời
tuyên bố của Chúa Giêsu sẽ làm không ít người ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy
đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế
đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Nhiều người sẽ hỏi: “Tại sao Thiên Chúa của bình
an lại đem chia rẽ?”
Bình
an của Thiên Chúa khác với bình an của con người và cách để có bình an của
Thiên Chúa cũng khác với cách của con người. Bình an của trái đất là bình an giả
tạo vì đặt trên những hiểu biết của con người; và chiến tranh có thể tái phát bất
cứ lúc nào nếu có sự xung đột giữa những hiểu biết của con người. Thiên Chúa
ban bình an cho con người không theo kiểu của thế gian: “Thầy để lại bình an
cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không
theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27). Bình
an của Thiên Chúa chỉ thực sự có được khi mọi người nhận ra sự thật trong Mầu
Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Vì
sự thật của Thiên Chúa khác với sự thật của con người nên những lời dạy của
Chúa Giêsu sẽ tạo nên sự chia rẽ: có những người tin vào Lời Chúa giảng dạy như
các Tông Đồ và môn đệ; có những người sẽ phản đối và không tin như một số
Kinh-sư, Biệt-phái, và Luật-sĩ. Hậu quả là họ tìm cách để tiêu diệt Chúa và các
Tông Đồ. Cũng vậy, khi Lời Chúa được gieo trong cùng một mái nhà: sẽ có những
người trong gia đình tin; sẽ có những người không tin. Hậu quả là gia đình bị
chia rẽ. Nhưng nếu mọi người trong gia đình đều nhận ra sự thật và tin vào Lời
Chúa, lúc ấy gia đình mới thực sự có bình an, và không một quyền lực nào có thể
phá tan sự bình an đích thực này.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Sự thật mất lòng nhưng chỉ có sự thật mới giải thoát. Chúng ta hãy để cho Lời
Chúa thấm nhập vào tận tâm hồn để thanh tẩy tất cả những tính hư tật xấu trong
con người.
-
Chúng ta là những ngôn sứ của sự thật. Chúng ta phải can đảm nói và làm chứng
cho sự thật, cho dù có phải trả giá bằng những giận ghét, oán hờn, và ngay cả
cái chết.
-
Có thông phần đau khổ chúng ta mới được thông phần vinh quang với Đức Kitô
trong Nước của Thiên Chúa. Chúng ta tin chắc sự thật sẽ toàn thắng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
Lửa
trên mặt đất
Suy Niệm
Tin Mừng hôm nay là lời tâm sự của Ðức Giêsu,
Ngài khẳng định mục đích của đời mình
là ném lửa trên mặt đất
và Ngài mong muốn phải chi lửa ấy đã bùng lên.
Lửa Ðức Giêsu mang lại là lửa nào?
Phải chăng là thứ lửa trời đã thiêu hủy Sôđôma,
hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan định sai xuống
để thiêu hủy một ngôi làng Samari? (Lc 9,55)
Phải chăng là thứ lửa mà cây không trái (Mt 3,10),
hay những cành nho khô héo bị quăng vào (Ga 15,6)?
Lửa này có phải là lửa kinh khủng của ngày phán xét?
Ngài khẳng định mục đích của đời mình
là ném lửa trên mặt đất
và Ngài mong muốn phải chi lửa ấy đã bùng lên.
Lửa Ðức Giêsu mang lại là lửa nào?
Phải chăng là thứ lửa trời đã thiêu hủy Sôđôma,
hay thứ lửa mà Giacôbê và Gioan định sai xuống
để thiêu hủy một ngôi làng Samari? (Lc 9,55)
Phải chăng là thứ lửa mà cây không trái (Mt 3,10),
hay những cành nho khô héo bị quăng vào (Ga 15,6)?
Lửa này có phải là lửa kinh khủng của ngày phán xét?
Trong cái nhìn của thánh Luca,
lửa mà Ðức Giêsu muốn làm bùng lên trên toàn cầu,
chắc là thứ lửa của Phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5).
Lửa này đã ngự xuống từng người vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3).
Lễ Ngũ Tuần quả là Phép Rửa trong lửa,
nhưng đó mới chỉ là một khai mở ban đầu.
Còn cần vô số những lễ Ngũ Tuần khác trên thế giới.
Trái đất này càng lúc càng nóng lên.
Nhưng lòng con người lại nguội lạnh như hai môn đệ Emmau.
Chúng ta cần cảm thấy chút lửa ấm (Lc 24,32)
của người đồng hành xa lạ, nói cho ta về Lời Chúa.
Chúng ta cần cảm thấy ngọn lửa trong tim như Giêrêmia,
thúc bách ông phải nói Lời Chúa dạy (x. Gr 20,9).
Ðức Giêsu đã bắt đầu nhóm lửa trên địa cầu.
Ðừng làm tắt đi ngọn lửa ấy, nhưng hãy để nó lan ra.
Lửa thiêu hủy những cằn cỗi.
Lửa thanh lọc những ô nhơ.
Lửa làm ấm lại cõi lòng băng giá.
Lửa sáng soi trên bước đường kiếm tìm sự thật.
Chúng ta cần làm cho mong muốn của Ðức Giêsu thành tựu.
Nhưng trước hết chúng ta phải là người mang trong tim
ngọn lửa của Thánh Thần tình yêu.
lửa mà Ðức Giêsu muốn làm bùng lên trên toàn cầu,
chắc là thứ lửa của Phép Rửa trong Thánh Thần (Cv 1,5).
Lửa này đã ngự xuống từng người vào lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3).
Lễ Ngũ Tuần quả là Phép Rửa trong lửa,
nhưng đó mới chỉ là một khai mở ban đầu.
Còn cần vô số những lễ Ngũ Tuần khác trên thế giới.
Trái đất này càng lúc càng nóng lên.
Nhưng lòng con người lại nguội lạnh như hai môn đệ Emmau.
Chúng ta cần cảm thấy chút lửa ấm (Lc 24,32)
của người đồng hành xa lạ, nói cho ta về Lời Chúa.
Chúng ta cần cảm thấy ngọn lửa trong tim như Giêrêmia,
thúc bách ông phải nói Lời Chúa dạy (x. Gr 20,9).
Ðức Giêsu đã bắt đầu nhóm lửa trên địa cầu.
Ðừng làm tắt đi ngọn lửa ấy, nhưng hãy để nó lan ra.
Lửa thiêu hủy những cằn cỗi.
Lửa thanh lọc những ô nhơ.
Lửa làm ấm lại cõi lòng băng giá.
Lửa sáng soi trên bước đường kiếm tìm sự thật.
Chúng ta cần làm cho mong muốn của Ðức Giêsu thành tựu.
Nhưng trước hết chúng ta phải là người mang trong tim
ngọn lửa của Thánh Thần tình yêu.
Ðức Giêsu chia sẻ cho ta điều đang đè nặng trên Ngài.
Ngài linh cảm về thử thách lớn lao Ngài sắp chịu.
Ðúng là Ngài đang lên đường đi gặp nó.
Ngài gọi đó là Phép Rửa mà Ngài phải chịu.
Ðức Giêsu can đảm đón nhận Phép Rửa đáng sợ này.
Ngài thấy mình sẽ bị nhận chìm thật sâu trong đó.
Ðức Giêsu tiếp tục nói điều phải nói, làm điều phải làm.
Ngài dám trả giá cho sự trung tín của mình.
Nỗi khổ đau và cả cái chết là điều không thể tránh khỏi,
nhưng điều đó chẳng làm Ngài chùn bước.
Ngài linh cảm về thử thách lớn lao Ngài sắp chịu.
Ðúng là Ngài đang lên đường đi gặp nó.
Ngài gọi đó là Phép Rửa mà Ngài phải chịu.
Ðức Giêsu can đảm đón nhận Phép Rửa đáng sợ này.
Ngài thấy mình sẽ bị nhận chìm thật sâu trong đó.
Ðức Giêsu tiếp tục nói điều phải nói, làm điều phải làm.
Ngài dám trả giá cho sự trung tín của mình.
Nỗi khổ đau và cả cái chết là điều không thể tránh khỏi,
nhưng điều đó chẳng làm Ngài chùn bước.
“Các anh có thể chịu Phép Rửa mà Thầy sẽ phải chịu không ?”
Ngài đã hỏi các con ông Dêbêđê như thế (Mc 10,38),
và Ngài cũng hỏi từng người chúng ta như thế.
Chẳng có Phép Rửa nào khác ngoài Phép Rửa Ngài đã chịu.
Chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã đi.
Tin Mừng Ðức Kitô dành cho người hiền hòa, chứ không nhu nhược.
Chúng ta phải có cùng một mong muốn và khắc khoải như Giêsu.
Ngài đã hỏi các con ông Dêbêđê như thế (Mc 10,38),
và Ngài cũng hỏi từng người chúng ta như thế.
Chẳng có Phép Rửa nào khác ngoài Phép Rửa Ngài đã chịu.
Chẳng có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã đi.
Tin Mừng Ðức Kitô dành cho người hiền hòa, chứ không nhu nhược.
Chúng ta phải có cùng một mong muốn và khắc khoải như Giêsu.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái Tim Chúa,
ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày,
nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau,
và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ
mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng
của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành
để hết lòng phụng sự Nước Chúa,
lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
xin cho chúng con ngọn lửa trong Trái Tim Chúa,
ngọn lửa của tình yêu Cha và nhân loại.
Xin làm tim con ấm lại mỗi ngày,
nhờ được nghe Chúa nói như hai môn đệ về Emmau,
và được Chúa nuôi bằng bánh ban sự sống.
Xin soi sáng chúng con bằng ngọn lửa rực rỡ
mỗi khi chúng con cầu nguyện hay quyết định.
Xin thanh luyện chúng con bằng ngọn lửa hồng
của những thất bại đắng cay trên đường đời.
Ước gì chúng con luôn có lửa nhiệt thành
để hết lòng phụng sự Nước Chúa,
lửa tình yêu để vượt qua những hận thù đố kỵ.
Lạy Chúa Giêsu,
thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa
để chúng con đi khắp địa cầu
loan báo về Tình Yêu và gieo rắc Tình Yêu khắp nơi. Amen.
thế giới hôm nay vẫn bị tối tăm, lạnh lẽo đe dọa.
Xin ban cho chúng con những lưỡi lửa
để chúng con đi khắp địa cầu
loan báo về Tình Yêu và gieo rắc Tình Yêu khắp nơi. Amen.
Lm. Antôn
Nguyễn Cao Siêu, S.J
18/08/13 CHÚA NHẬT TUẦN
20 TN – C
Lc 12,49-53
Lc 12,49-53
VUI HƯỞNG BÌNH AN CỦA CHÚA
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao
? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12,51)
Suy niệm: Ta
cảm thấy hơi sốc khi nghe Thầy Giêsu, vị Hoàng Tử Bình An, nói rằng Ngài đem
chia rẽ cho
trái đất! Thật ra, trong bài Tin Mừng, Ngài tiên báo ba thách đố mà môn đệ Ngài
phải vượt qua như Thầy mình: (1) để cho ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa thiêu
đốt quả tim; (2) chịu dìm vào trong đau khổ của cuộc Khổ Nạn; và (3) cảm nếm
bình an thật sự đạt được qua thập giá. Quả thật, Ngài đến để đem bình an và
hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, khi chọn lựa đi theo Ngài, sống theo những
giá trị của Tin Mừng qua Tám Mối Phúc Thật, các môn đệ Ngài sẽ bị chống đối do
chính những người thân trong gia đình, gia tộc mình.
Mời Bạn: Khi con tim bạn được thiêu đốt do lửa tình yêu
của Thiên Chúa, bạn làm cho thế giới quanh bạn được ấm áp hơn, bớt đi sự dửng
dưng, lãnh đạm với Chúa và với nhau. Muốn vậy, bạn cũng phải dìm sâu mình vào
những hy sinh, đau khổ như Thầy mình trong cuộc Khổ Nạn. Bạn cảm nhận được sự
chia rẽ không chỉ bên ngoài mà ngay trong chính tâm hồn bạn: Bạn phải chọn lựa
bước theo Thầy Giêsu và thực thi những giá trị Tin Mừng hay để cho những cảm
tính tự nhiên điều khiển bạn.
Sống Lời Chúa: Tôi không chán nản mỗi khi gặp những chống
đối, gièm pha do việc đi theo Đức Giêsu và cố gắng sống theo những giá trị của
Tin Mừng (khó nghèo, khiêm tốn, hiền lành...).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho lửa tình yêu của Chúa bùng lên trong trái
tim chúng con, để chúng con hăng hái thực hiện ước mơ của Chúa: làm cho thế
giới được ấm áp tình thương Chúa.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám
18 THÁNG TÁM
Thiên
Chúa Sử Dụng Chúng Ta Để Xây Dựng Công Cuộc Sáng Tạo Mới
Con người hiện đại chắc chắn ý thức về vai trò của mình. Nhưng
“nếu … sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật không lệ
thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần qui hướng về Đấng
Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó
hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, tạo vật đều tiêu tan… Quên mất
Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối” (MV 36).
Chúng ta nhớ lại một bản văn cho phép chúng ta nắm bắt khía cạnh
khác của sự phát triển thế giới bởi con người. Công Đồng nói: “Thánh Thần Chúa,
Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự
quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (MV 26). Thánh Thần
sử dụng chúng ta để xây dựng cuộc sáng tạo mới bằng cách giúp chúng ta vượt qua
tội lỗi và những sự dữ khác trong cuộc sống chúng ta. Rồi chúng ta có thể tái tạo
bộ mặt trái đất và hoàn thành định mệnh của chúng ta. Nhờ Thánh Thần Chúa để vượt
qua sự dữ, điều đó có nghĩa là chọn lựa sự tiến bộ luân lý của con người, chứ
không chỉ là những tiến bộ vật chất và thể lý. Khi ấy phẩm giá của con người có
thể được bảo vệ. Con người có thể đưa ra một câu trả lời cho những đòi hỏi thiết
yếu nhất của một thế giới đích thực có nhân tính. Bằng cách này, Nước Thiên
Chúa sẽ dần dần lớn lên trong lịch sử của con người, tìm thấy bản sắc tâm linh
của mình và cho con người thấy những dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 18-8
Chúa Nhật XX Thường Niên
Gr 38, 4-6.8-10; Dt 12, 1-4; Lc 12, 49-53
LỜI SUY NIỆM: “Thầy còn một phép Rửa phải chịu, và lòng Thầy
khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12,50)
Con người sống trên trần
gian này, mục đích cuối cùng là gặp lại Thiên Chúa. Đối với tất cả mọi con người
đều: yếu đuối và mỏng dòn, mà lại có nhiều ước muốn và tham vọng quyền lực và
quyền lợi riêng cho mình. Nên khi sống với nhau, đã xúc phạm đến nhau, và gây
thiệt hại cho nhau từ trong tư tưởng, lời nói cho đến các việc làm, không những
chỉ gây nên tội trong hiện tại, mà hậu quả của tội lỗi của mình còn gây ra cả một
dây chuyền nối dài những tội ác khác cả trong tương lai. Nên con người ai cũng
sợ cái chết. Đối với người Ki-Tô hữu, chúng ta cần phải tỉnh thức, sám hối và cầu
nguyện luôn, để ân sủng của Chúa biến đổi chúng ta mỗi ngày thêm tốt hơn ngày
hôm qua. Đồng thời cùng xác tin: Thiên Chúa là Cha thật của chúng ta. Đấng phán
xét chúng ta là Đấng Cứu Độ chúng ta. Để có thể thưa lên rằng: “Con hân hoan đi
về Nhà Cha”.
Mạnh Phương
18 Tháng Tám
Ngài
Là Sự Bình An Của Chúng Ta
Năm 1899, cuộc xung
đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến
tranh khốc liệt... Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng
giao tranh với nhau.
Trong suốt tuần
thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu
gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang
Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội
của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua
trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.
Không mấy chốc, một
hòa ước đã được hai nước ký kết. Để nói lên thiện chí xây dựng hòa bình, quân đội
Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành một tượng
Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là "Đức Kitô của dãy núi
Andes". Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Cánh
tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay trái cầm
thánh giá.
Chính phủ Argentina
đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước. Xe lửa di
chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến xa do lừa
kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi, chính các
quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.
Sau khi đã dựng bức
tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: "Những ngọn núi này sẽ
sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời
giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân Đức Kitô". Trên mặt khác của
chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau:
"Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị chia rẽ
nên một".
Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng
cho tổng thống Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông
trong việc đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Đông Âu,
cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.
Hòa bình mà tổng thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng
không là kết quả của một sự "đạp đổ": chỉ khi nào những bức tường của
kỳ thị, của bách hại, của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực
sự chớm nở...
Người La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị
chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ
những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan dung trong tâm hồn của
mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự có bình an trong tâm hồn và người người
mới thực sự có Hòa Bình khi những bức tường ấy được đạp đổ trong chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét