Thứ Ba Tuần XX Thường Niên
BÀI ĐỌC I: Tl 6: 11-24
"Hỡi Giêđêon, hãy
đi giải thoát Israel: ngươi biết Ta thương xót ngươi".
Trích sách Thủ
Lãnh.
Trong
những ngày ấy, Thiên thần Chúa đến ngồi dưới gốc cây sồi ở đất Êphra, thuộc sở
hữu của ông Gioas, tổ gia tộc Abiêzer. Khi ấy, Giêđêon, con trai của ông, đang
đập và rê lúa trong nhà ép nho để tránh mắt quân Mađian, thì Thiên thần Chúa hiện
ra với ông và nói rằng: "Hỡi người dũng sĩ, Chúa ở cùng ngươi".
Giêđêon thưa lại rằng: "Thôi, xin Ngài, nếu Chúa ở cùng chúng tôi, tại sao
chúng tôi phải chịu tất cả những sự này? Nào đâu những việc kỳ diệu của Chúa mà
cha ông chúng tôi đã kể lại cho chúng tôi mà rằng: 'Chúa đã dẫn chúng ta ra khỏi
Ai-cập'? Nhưng nay Chúa lại bỏ rơi chúng tôi và trao chúng tôi vào tay quân
Mađian". Chúa nhìn ông mà phán rằng: "Ngươi hãy mạnh mẽ tiến đi mà giải
thoát Israel khỏi tay quân Mađian: chính Ta sai ngươi đó". Ông thưa lại rằng:
"Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel? Đây gia đình con là
gia đình rốt hết trong chi tộc Manassê, và con là con út trong nhà cha
con". Chúa phán cùng ông rằng: "Ta sẽ ở cùng ngươi: ngươi sẽ đánh ngã
quân Mađian như đánh một người vậy". Ông thưa rằng: "Nếu con đẹp lòng
Chúa, thì xin Chúa ban cho con một dấu chứng rằng chính Chúa phán dạy con. Xin
Chúa chớ lìa khỏi nơi đây cho đến khi con trở lại cùng Chúa, mang theo của lễ
dâng lên Chúa". Chúa đáp lại rằng: "Ta sẽ đợi ngươi trở lại".
Vậy
Giêđêon vào nhà làm thịt một con dê đực, lấy một đấu bột làm bánh không men: để
thịt vào giỏ, đổ nước thịt vào nồi, mang các món đó đến dưới cây sồi mà dâng
cho Chúa. Thiên thần Chúa bảo ông rằng: "Ngươi hãy đem thịt và bánh không
men đặt trên tảng đá kia, rồi đổ nước thịt lên trên". Khi ông làm như vậy,
thì Thiên thần Chúa giơ cây gậy Người cầm trong tay lên và chạm đến thịt và
bánh không men, tức thì có lửa từ tảng đá bốc lên thiêu đốt thịt và bánh không
men. Thiên thần Chúa liền biến đi khuất mắt ông. Giêđêon nhận biết đó là Thiên
thần Chúa, liền thưa rằng: "Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con đã
nhìn thấy Thiên thần Chúa nhãn tiền". Chúa phán cùng ông rằng: "Bình
an cho ngươi. Đừng sợ, ngươi không chết đâu". Giêđêon liền dựng một bàn thờ
dâng kính Chúa, và gọi bàn thờ đó là "Bình an của Chúa". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9. 11-12. 13-14
Đáp: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc
Người (x. c. 9).
1) Tôi sẽ
nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về
sự bình an, bình an cho dân tộc và các tín đồ của Chúa, và cho những ai thành
tâm trở lại với Người. - Đáp.
2) Lòng nhân
hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ
mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Đáp.
3) Vâng Chúa
sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất Nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Đức
công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài.
- Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 36a và 29b
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng
tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 19, 23-30
"Con lạc đà chui
qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời".
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo thật các con: Người
giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui
qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời". Các môn đệ nghe vậy
thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: "Vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa
Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: "Đối với loài người thì không thể được,
nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được". Bấy giờ Phêrô thưa
Người rằng: "Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ
được gì?" Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Thầy bảo thật các con: Các
con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển,
các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất
cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy,
thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ
nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Giáo Hội Của Người
Nghèo
"Giáo Hội
của người nghèo", "Ưu tiên phục vụ người nghèo", đó là những khẩu
hiệu đã trở thành thời trang trong Giáo Hội kể từ vài thập niên qua. Bất cứ ai
có ý thức về công bằng xã hội hoặc đôi chút trăn trở về Giáo Hội trong thế giới
ngày nay, cũng đều thốt lên những khẩu hiệu ấy. Nhưng Giáo Hội có thực sự là
Giáo Hội của đại đa số dân nghèo khổ chưa?
Sự hiện diện
của người nghèo quả là một thách đố lớn cho Giáo Hội. Ngày nay, tiếng kêu than
của họ luôn là một nhắc nhớ cho Giáo Hội về bản chất và sứ mệnh của mình trong
thế giới. Cuộc trở lại của Hoàng đế Constantinople vào thế kỷ thứ 4 đã chấm dứt
những cuộc bách hại đẫm máu và đã biến Tây Phương thành thế giới Kitô giáo,
nhưng không chừng đã làm Giáo Hội quên đi bản chất đích thực của mình. Sự tương
nhập giữa thế quyền và giáo quyền đã biến Giáo Hội thành một thế lực chính trị,
và các vị lãnh đạo Giáo Hội thành những vua chúa trần gian. Nhiều người đã có
lý để nói rằng nhờ những lay động của Karl Marx mà Giáo Hội đã lắng nghe được
tiếng kêu than của người nghèo, đồng thời ý thức được vai trò và sứ mệnh của
mình trong thế giới ngày nay.
Ngay từ khi mới
khai sinh, cộng đoàn Kitô tiên khởi đã ý thức được vấn đề ấy. Tin Mừng hôm nay
là một phản ánh về những trăn trở của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cách riêng
cộng đoàn Giêrusalem là cộng đoàn gồm toàn những người nghèo trong xã hội thời
bấy giờ. Ðọc lại giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của Kitô hữu đối với tiền
bạc của cải, cộng đoàn tiên khởi đặt lại vấn đề về sự hiện diện của người giầu
trong Giáo Hội. Theo quan niệm quen thuộc của người Do thái, thì sự giầu sang phú
quí là một chúc lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đánh đổ quan niệm sai lầm ấy,
khi nói rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó", và rằng sự
nghèo khó là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời.
Giáo Hội của
người nghèo, điều đó có nghĩa là trước tiên tất cả những ai thuộc về Giáo Hội đều
phải có tinh thần nghèo khó đích thực, họ phải sống phó thác và quảng đại chia
sẻ cho nhau. Các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu được điều ấy: họ để chung của cải lại,
chia sẻ với nhau và yêu thương đùm bọc nhau như trong cùng một gia đình. Giáo Hội
của người nghèo, điều đó cũng có nghĩa là các tín hữu phải lấy sự phục vụ người
nghèo làm ưu tiên hàng đầu. Bản sắc của người Kitô hữu do đó được xác nhận bằng
chính tương quan với người nghèo.
Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách sống đạo của chúng ta. Thách đố của
Giáo Hội hiện nay cũng chính là thách đố của mỗi người chúng ta. Nếu những người
cùng khổ chưa phải là thao thức trăn trở của chúng ta, thì có lẽ chúng ta còn
quá xa với Giáo Hội Chúa Kitô. Nếu cuộc sống chúng ta chưa phải là cuộc sống
liên đới chia sẻ với người khốn khổ, thì có lẽ chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu
danh vô thực.
(Trích trong
‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 20 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Judg 6:11-24a;
Mt 19:23-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa chọn những kẻ
khiêm cung, khó nghèo.
Tiêu
chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa khác hẳn tiêu chuẩn chọn lựa của thế gian. Trong
khi thế gian chọn những kẻ tài giỏi, khỏe mạnh, giầu có; Thiên Chúa lại chọn kẻ
ít tài, yếu đuối và nghèo khó. Hơn nữa, Đức Kitô còn mặc khải tiêu chuẩn chọn lựa
của Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét: "Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng
chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."
Các
Bài Đọc hôm nay dẫn chứng cách chọn lựa của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Thiên
Chúa chọn Gideon làm Thủ Lãnh, một người trẻ nhất trong gia đình, thuộc một chi
tộc nhỏ nhất của Israel, chi tộc Manasseh, để giải phóng dân chúng khỏi tay những
người Midian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chọn 12 tông-đồ: đa số là nghèo khó, yếu
đuối và thất học; để huấn luyện các ông trở nên những người rao giảng Tin Mừng.
Tiêu chuẩn chọn lựa này chứng tỏ: tất cả thành công hay vinh quang con người có
được là do sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa, chứ không đến từ con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Thiên Chúa chọn Gideon là Thủ Lãnh cứu dân khỏi tay quân thù Midian.
1.1/
Thiên Chúa chọn ông Gideon: Khi con cái Israel quay lưng lại với Thiên Chúa và chạy theo thờ
phượng các thần ngoại bang; nên Thiên Chúa không bảo vệ họ nữa, và để cho quân
thù Midian bắt họ làm nô lệ cực khổ. Nhưng vì tình yêu trung thành, Thiên Chúa muốn
chọn một vị Thủ Lãnh, để lãnh đạo và giải phóng con cái Israel khỏi ách nô lệ của
quân thù.
Sách
Thủ Lãnh kể: Sứ Thần của Đức Chúa đến và ngồi dưới cây tùng ở Ophrah. Cây này
là của ông Joash, thuộc gia đình Abiezrite. Con ông là Gideon bấy giờ đang đập
lúa trong bồn đạp nho để tránh mặt người Midian. Sứ Thần Đức Chúa nói với
Gidion: "Chào chiến sĩ can trường! Đức Chúa ở với ông." Ông Gideon
thưa với Sứ Thần: "Ôi, thưa Ngài, nếu Đức Chúa ở với chúng tôi, thì sao
chúng tôi đến nông nỗi này? Đâu cả rồi những kỳ công mà cha ông đã kể lại cho
chúng tôi nghe, rằng: chẳng phải Đức Chúa đã đưa chúng ta lên khỏi Ai-cập sao?
Thế mà bây giờ Đức Chúa đã bỏ rơi chúng tôi, trao chúng tôi vào tay người
Midian." Ông Gideon có lý do để nghi ngờ vì ông chỉ nghe thế hệ cha ông
nói về những gì Thiên Chúa đã làm cho con cái Israel; nhưng chưa bao giờ ông chứng
kiến Thiên Chúa tỏ uy quyền, mà chỉ thấy trước mắt cảnh dân Israel phải làm nô
lệ cho người Midian.
Sứ
thần Đức Chúa quay lại nhìn ông và nói: "Hãy mạnh bạo lên đường cứu Israel
khỏi tay quân Midian. Không phải chính Ta sai ngươi sao?" Ông Gideon tỏ vẻ
nghi ngờ: "Ôi, thưa Ngài, con lấy gì mà cứu Israel? Này giòng họ con thấp
kém nhất trong chi tộc Manasseh, mà con lại nhỏ nhất trong nhà cha con." Đức
Chúa phán với ông: "Ta sẽ ở với ngươi, và ngươi sẽ đánh quân Midian như
đánh có một người."
1.2/
Ông Gideon xin sứ thần một dấu chỉ để biết chắc chắn sự chọn lựa của Thiên
Chúa.
Ông
Gideon thưa với Sứ Thần: "Nếu Ngài thương con thì xin cho con một dấu chứng
tỏ Ngài đang nói với con. Xin Ngài đừng rời khỏi đây cho tới khi con trở lại,
mang theo của lễ đặt trước nhan Ngài." Người phán: "Ta sẽ ở lại cho tới
khi ngươi trở về."
Ông
Gideon đi bắt một con dê non làm thịt, và lấy hai thùng bột làm mấy chiếc bánh
không men. Thịt thì ông để trong một cái rổ, còn nước cốt thì đựng trong một
cái thố. Rồi ông mang đến cho Người ở dưới cây tùng. Khi ông đến gần, thì Sứ Thần
Thiên Chúa nói với ông: "Hãy lấy thịt và bánh không men đặt trên tảng đá
này và rưới nước cốt lên." Ông đã làm như thế.
Sứ
thần của Đức Chúa giơ đầu gậy đang cầm trong tay đụng vào thịt và bánh không
men, lửa liền từ tảng đá bốc lên, đốt cháy hết thịt cùng bánh không men. Sứ Thần
Đức Chúa biến khỏi mắt ông. Khi ông Gideon nhận ra đó chính là Thần sứ Đức
Chúa, ông kêu lên: "Chết tôi rồi, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng của tôi, vì
tôi đã thấy Thần sứ Đức Chúa nhãn tiền!" Nhưng Đức Chúa phán với ông:
"Bình an cho ngươi! Đừng sợ: ngươi không chết đâu."
2/
Phúc Âm: Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được.
2.1/
Người giầu có khó vào nước Thiên Chúa: Trình thuật của Matthew hôm nay tiếp nối cuộc đàm đạo của Chúa
Giêsu với chàng thanh niên giầu có. Khi chàng thanh niên buồn bã bỏ đi rồi, bấy
giờ Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người: "Thầy bảo thật anh em, người
giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ
kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." Nghe nói vậy, các môn đệ
vô cùng sửng sốt và nói: "Thế thì ai có thể được cứu?"
Các
môn đệ ngạc nhiên vì các ông đã quá quen tiêu chuẩn chọn lựa của thế gian. Có lẽ
vì các môn đệ nghĩ rằng: giầu có được Thiên Chúa chúc phúc, nên mới sửng sốt
khi Chúa Giêsu tuyên bố như vậy. Chúng ta cần hiểu quan niệm về sự sống đời sau
của người Do-thái thời đó chưa rõ nét cho lắm. Nhiều người Do-thái quan niệm hạnh
phúc cho những người tuân giữ luật pháp của Thiên Chúa được sống lâu, con đàn
cháu đống, và được sung túc về của cải chỉ ở đời này. Phải đợi tới khoảng thế kỷ
thứ hai trước Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy nói về sự sống đời sau qua Sách
Daniel và Maccabees. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài mặc khải cho các môn đệ cách rõ
ràng về sự sống đời sau và điều kiện để được vào Nước Trời.
Tại
sao Chúa Giêsu dạy "người giàu có khó vào Nước Trời." Chúng ta có thể
dẫn chứng những lý do sau đây:
(1)
Người giầu có tin ở mình: thay vì họ phải tin ở tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa.
(2)
Người giầu có không khôn ngoan: họ yêu của cải hơn Đấng dựng nên của cải.
(3)
Người giầu có không biết tiêu chuẩn để được vào Nước Trời: hoàn toàn là do tình
thương và ơn thánh của Thiên Chúa, chứ không do cố gắng của con người, như Đức
Giêsu tuyên bố với các môn đệ: "Đối với loài người thì điều đó không thể
được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được."
2.2/
Phần thưởng Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ: Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người:
"Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng
con sẽ được gì?" Đức Giêsu đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những
người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh
em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và
phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy,
thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp."
Mục
đích của Thiên Chúa khi cho chúng ta vào cuộc đời này không phải để nỗ lực làm
giầu; nhưng biết sống làm sao để đạt tới Nước Trời và giúp cho tha nhân cũng đạt
được mục đích đó.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta cần tập làm quen và sống theo những tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên
Chúa, thay vì sống theo các tiêu chuẩn chọn lựa của thế gian.
-
Vào Nước Trời không do nỗ lực và công lao của con người; nhưng do tình yêu và
ơn thánh Chúa ban. Chúng ta cần biết khiêm nhường đón nhận và sống theo sự chỉ
dạy của Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 20 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 19,23-30
A. Hạt giống...
Cuộc nói chuyện của Chúa Giêsu với các môn đệ sau
câu chuyện người thanh niên nhà giàu :
- Chúa Giêsu tuyên bố : “Người giàu thật khó mà
vào Nước Trời”
- Các môn đệ quá bỡ ngỡ nên than : “Vậy thì ai mà
có thể được cứu độ !”
- Chúa Giêsu an ủi : “Đối với loài người thì
không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”
Sau đó Chúa hứa phần thưởng cho các môn đệ đã từ
bỏ mọi sự mà đi theo Ngài : họ sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nên
chú ý : người thanh niên nhà giàu cũng muốn được sự sống đời đời, nhưng vì anh
không chịu từ bỏ nên Chúa không hứa gì với anh. Bây giờ các môn đệ đã từ bỏ mọi
sự nên Chúa hứa ban cho họ sự sống đời đời ấy.
B.... nẩy mầm.
1. “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người
giàu vào Nước Trời” : của cải vật chất tuy rất hữu ích cho sự sống đời này,
nhưng hoàn toàn vô ích cho sự sống đời đời, có thể còn là một cản trở rất lớn.
2. “Đối với loài người thì không thể được, nhưng
đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được” : hãy trình bày với Chúa điều gì
hiện tôi không thể làm được, và xin Chúa giúp ta làm điều đó.
3. Người kia mua của người láng giềng một mảnh
đất. Khi đào đất để đổ nền nhà, người đó tìm được một hũ vàng. Vốn là người
lương thiện và thành thật, anh mang ngay hũ vàng qua nhà người láng giếng và
nói : “Đây là hũ vàng tôi tìm thấy trong mãnh đất ông đã bán cho tôi. Tôi mua
đất chứ không mua hũ vàng. Vậy tôi xin trả lại hũ vàng cho ông”. Người láng
giềng cũng lương thiện không kém. Ông không nhận hũ vàng và giải thích như sau
: “Khi bán miếng đất cho anh, tôi đã có ý định bán tất cả những gì chứa đựng
trong đó. Vậy hũ vàng là của anh”. Hai bên cứ nhường nhau mãi cho đến tối mà
chưa ai chịu nhận hũ vàng. Rốt cuộc cả hai đồng ý tạm ngưng tranh luận, hẹn hôm
sau bàn tiếp.
Nhưng qua một đêm trằn trọc suy nghĩ, họ đã bị
con quỷ tham lam nhập vào lúc nào không hay. Sáng hôm sau hai người gặp lại.
Người mua đất liền nói : “Tôi đã suy nghĩ kỹ lại thì thấy lời ông nói hôm qua
quả là chí lý : tôi đã mua đất của ông, tất nhiên mọi sự có trong mảnh đất ấy
đều thuộc về tôi”. Người láng giếng cãi : “Không phải thế. Hôm nay tôi đã xét
kỹ thì thấy lời anh nói hôm qua rất xác đáng : anh không thể nào mua một món đồ
mà chính anh không có ý mua. Anh chỉ mua đất chứ không mua vàng. Anh hãy trả
lại hũ vàng cho tôi.”
Hai người cãi nhau dữ dội. Từ đó họ không còn là
láng giềng tốt của nhau mà trở thành thù địch.
4. “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, cha mẹ, con cái
hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời
làm gia nghiệp.” (Mt 19,29)
Abraham, tổ phụ chúng ta, đã vâng lời Thiên Chúa.
Ông đã đem Isaac - con trai độc nhất của mình - mà tế lễ cho Ngài. Còn gì đau
khổ bằng chính người cha phải đem giết con trai mình vì bất cứ lý do gì. Thế
nhưng, Abraham đã làm được điều đó. Ông đã hy sinh cái quý giá nhất của mình
cho Chúa. Thiên Chúa đã thấu hiểu lòng trung thành của ông và Ngài đã ban cho
ông không những một người con mà có cả một dòng dõi đông đúc.
Để tỏ lòng trung thành với Chúa, Abraham tổ
phụ đã dâng Isaac ; còn chúng con, chúng con đã hy sinh được gì ? Xin Chúa giúp
sức cho chúng con để chúng con biết trung thành với Chúa, và sống hy sinh vì
Chúa. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ
20/08/13 THỨ BA TUẦN 20 TN
Th. Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 19,23-30
Th. Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 19,23-30
BỎ ÍT ĐƯỢC NHIỀU
“Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng
đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia
nghiệp.”
(Mt 19,29)
Suy niệm: Ở tuổi 22, hiệp sĩ Bênađô đã có một sự nghiệp
“hái ra vàng” trong triều đình, nơi quân ngũ và trong tòa án. Nhưng nghe tiếng
Chúa gọi, anh quyết định từ bỏ tất cả, gia nhập dòng Xitô, trở thành một tu sĩ
nghèo để phục vụ Tin Mừng Nước Trời. Viện phụ Bênađô cũng như những người tận
hiến cho Chúa biết rằng những điều mình từ bỏ thì ít, còn những gì mình nhận
được thì gấp bội: từ bỏ tương quan gia đình hạn hẹp để đón nhận tương quan gia
đình rộng lớn của Hội Thánh, từ bỏ của cải vật chất để nhận lãnh của cải tinh
thần, từ bỏ cuộc sống chóng qua để nhận lãnh sự sống đời đời.
Mời Bạn: Trong
cuộc sống hôm nay, quyền hành, tiền bạc, danh vọng, dục vọng… dễ trở thành
những thứ trói buộc bạn, làm bạn không còn tự do để sống Lời Chúa và đi theo
Ngài. Bạn hãy nhớ rằng bạn đang ở trong thế gian, song không thuộc về thế gian,
nhưng thuộc Thiên Chúa. Vậy, càng từ bỏ lối sống theo kiểu thế gian, bạn càng
thuộc về Chúa trọn vẹn hơn. Khi từ bỏ, bạn không bị mất đi, nhưng được lại
nhiều gấp bội, vì“chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là
khi vui sống muôn đời.”
Sống Lời Chúa: Tôi
tập tinh thần từ bỏ bằng cách hãm dẹp một thói hư tật xấu hay nhịn một chút chi
tiêu, bỏ thùng tiết kiệm dành cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con can đảm bước theo con đường Chúa
đi: là từ bỏ để mặc lấy tâm tình của Chúa mà phục vụ Chúa và tha nhân. Amen.
Lạc
đà qua lỗ kim
Quả thực của cải dễ làm ta khép lòng lại trước
Thiên Chúa và tha nhân, và làm cái tôi của ta trở nên cứng cỏi, tự mãn.
Suy niệm:
Người thanh niên giàu có
đã bỏ đi
khi Thầy Giêsu mời anh
bán tài sản và cho người nghèo.
Của cải đã trói buộc anh,
dù anh là người có thiện chí.
Anh tìm sự sống đời sau,
nhưng lại bị vướng bởi vật chất đời này.
“Người giàu có thật
khó vào Nước Trời” (c. 23).
Câu nói này của Thầy
Giêsu khiến các môn đệ rất đỗi ngạc nhiên (c. 25),
vì vào thời đó, giàu sang
thường được coi là dấu hiệu Chúa chúc lành.
Thầy Giêsu dùng một hình
ảnh ngoa dụ, cường điệu,
để diễn tả việc người
giàu khó vào Nước Trời,
khó hơn con lạc đà rất to
chui qua lỗ kim rất nhỏ.
Dĩ nhiên lạc đà thì chẳng
thể nào chui qua lỗ kim được,
nhưng người giàu thì vẫn
có thể được vào Nước Trời, dù rất khó khăn,
“vì đối với Thiên Chúa,
thì mọi sự đều có thể được” (c. 26).
Đã có những người giàu
tốt bụng đi theo Thầy Giêsu.
Họ là Giuse Arimathia,
Nicôđêmô, Dakêu, là các phụ nữ.
Giuse và Nicôđêmô đã lo
mộ phần và việc tẩm liệm Thầy Giêsu.
Dakêu đã tự nguyện chia
nửa phần tài sản mình cho người nghèo khó.
Các phụ nữ theo Thầy từ
Galilê đã giúp đỡ vật chất cho Thầy (Lc 8, 3).
Có vẻ họ được tự do với
của cải trần thế.
Của cải không ngăn cản họ
trở thành người môn đệ Thầy Giêsu.
Nhưng cũng phải nhìn nhận
của cải vật chất có sức mạnh của nó.
Như người ta hay nói: có
tiền mua tiên cũng được.
Tiền bạc của cải có vẻ
đem lại chỗ dựa vững chắc cho chủ nhân,
chính vì thế người ta
thích thu tích của cải một cách vô độ (Lc 12, 21).
Của cải làm chúng ta phải
bận tâm:
“Kho tàng anh em ở đâu,
trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21),
kho tàng dưới đất sẽ giữ
tim ta dưới đất.
Ham mê của cải có thể bóp
nghẹt hạt giống lời Chúa trong tim ta (Mt 13, 22).
Nó làm chúng ta dễ trở
nên nô lệ:
“Anh em không thể làm tôi
hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia…
Anh em không thể làm tôi
Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24).
Như thế nó có khả năng
đẩy Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu.
Quả thực của cải dễ làm
ta khép lòng lại trước Thiên Chúa và tha nhân,
và làm cái tôi của ta trở
nên cứng cỏi, tự mãn.
Khác với anh thanh niên
giàu có, nhóm Mười Hai đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.
“Vậy chúng con sẽ được gì
?”, họ đã hỏi Thầy Giêsu như vậy.
Thầy hứa sẽ cho họ được
cùng Thầy xét xử Israel trong ngày tận thế.
Hơn nữa, Thầy còn hứa bất
cứ ai chịu mất mát về gia đình, cơ nghiệp,
đều được đền bù gấp trăm,
và nhất là được sự sống đời đời (c. 29).
Hôm nay chúng ta cũng hỏi
Ngài như vậy, về cái được, cái mất.
Chúng ta có thể bỏ mất
nhiều điều mà thiên hạ coi là giá trị,
như một đời sống tiện
nghi, một chỗ làm ổn định, hay một chút tiếng tăm.
Chỉ mong được tấm lòng
luôn an vui, hạnh phúc,
vì biết mình được
Đức Kitô và ở lại trong Ngài (Pl 3, 8-9).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống
cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc
về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa
đòi con cho Chúa tất cả
để
chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa
thích lấy đi những gì con cậy dựa
để
con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa
thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để
cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa
cương quyết chinh phục con
cho
đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin
cho con dám ra khỏi mình,
ra
khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để
sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù
phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước
gì con cảm nghiệm được rằng
trước
khi con tập sống cho Chúa
và
thuộc về Chúa
thì
Chúa đã sống cho con
và
thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Bài tin mừng hôm nay tiếp
nối bài tin mừng hôm qua. Sau khi người thanh niên giàu có từ chối bán tài sản
của mình để có được sự hoàn thiện, Chúa Giêsu kết luận rằng người giàu có khó
vào được Nước Trời. Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cho biết phần thưởng của việc từ bỏ
mọi sự vì danh Ngài, là được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Khi nói tới hai chữ “từ
bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay
đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự
cân xứng, hoặc là "có qua có lại mới toại lòng nhau". Thánh
Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta: Từ bỏ mọi sự, theo Ngài chúng con sẽ
được gì? Chúa Giêsu không để cho những kẻ theo Ngài phải chịu thiệt
thòi, mà trái lại, Ngài còn trả lại cho họ hơn thế nữa “được gấp bội và được
sống đời đời”. Đây là một phần thưởng cao quý.
Ngày hôm nay, nếu bỏ cha
mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa, thì xem ra
không bình thường, thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền
giáo dục gia đình nữa. Nếu hiểu như thế là hiểu theo nghĩa đen. Thực ra, theo
Chúa không phải như thế. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta luôn biết chọn Chúa làm ưu
tiên số một, những điều khác là thứ yếu. Những gì ở đời này chỉ là tạm bợ,
chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giêsu không muốn chúng ta quá bám
víu vào vật chất, tiền bạc như người thanh niên để rồi khước từ Nước Thiên
Chúa.
Thánh Bênađô, mà hôm nay
chúng ta mừng kính là mẫu gương cho chúng ta khi bước theo Chúa Giêsu. Thánh
nhân đã rời xa gia đình, xa người thân, bạn bè, xa những tiện nghi của cuộc
sống…, từ bỏ của cải vật chất, sống khắc khổ, đi vào nơi cô tịch để tìm gặp và
kết hiệp với Chúa. Vâng, Thánh nhân đã khước từ những của cải, những giá trị
của trần gian để có được Chúa làm gia nghiệp. Ước gì mỗi người chúng ta cũng
biết học hỏi nơi Thánh Bênađô, biết hy sinh tất cả để đạt tới hạnh phúc vĩnh
cửu mai sau.
Lạy Chúa, xã hội càng
ngày càng văn minh, đầy đủ tiện nghi vật chất, vì thế mà, đời sống con người
cũng được cải thiện và xung túc hơn. Thế nhưng, khi càng chạy theo vật chất thì
con người lại càng dễ quên và xa Chúa, đời sống đức tin lại trở nên yếu đuối
hơn, vì ma lực của đồng tiền, của vật chất thật khủng khiếp. Xin đừng để con
làm tôi hai chủ, nhưng luôn biết chọn Chúa là ưu tiên hàng đầu và trên hết. Xin
cho con biết sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ vì Nước Trời, biết chấp nhận mất đi cái
gì đó khi theo Chúa.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám
20
THÁNG TÁM
Hiệp Nhất:
Sứ Mạng Cốt Thiết Của Giáo Hội
Công
Đồng xác nhận những xác tín của các tín hữu khi tuyên bố rằng Giáo Hội nhìn nhận
tất cả những điều thiện hảo có thể được tìm thấy trong trật tự xã hội ngày nay:
nhất là, khát vọng hiệp nhất, sự phát triển của công cuộc “xã hội hóa y tế“ giữa
các dân tộc, và một sự nhấn mạnh về “sự liên đới kinh tế và dân sự”. Thật vậy,
“sự thăng tiến hiệp nhất tương ứng với sứ mạng cốt thiết của Giáo Hội, bởi
trong Đức Kitô, Giáo Hội có sứ mạng trở thành một bí tích và một dấu chỉ của sự
hiệp nhất với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại… Năng lực mà
Giáo Hội đóng góp cho xã hội con người hiện đại là năng lực đức tin và tình yêu
được sống cụ thể, chứ không phải năng lực của một thế lực bên ngoài xuyên qua
duy chỉ những phương tiện của con người” (MV 42).
Vì
những lý do này, một mối gắn kết sâu sắc và thậm chí một sự đồng nhất nào đó được
ghi nhận giữa -một đàng – sự phát triển và tiến bộ của con người trong xã hội
và – đàng khác – lịch sử cứu độ. Kế hoạch cứu độ có gốc rễ của nó trong những ước
vọng thực và trong những mối quan tâm sâu thẳm nhất của con người. Tiếng gọi
đón nhận ơn cứu chuộc không ngừng được loan báo cho con người trong thế giới.
Vì Giáo Hội luôn luôn đứng trước thế giới khi Giáo Hội đặt mình trước những ước
vọng và những ưu tư của con người.
Vâng,
lịch sử cứu độ diễn ra giữa lòng lịch sử thế giới, nhận lấy lịch sử thế giới
làm lịch sử của chính mình theo một nghĩa nào đó. Nếu nói ngược lại cũng đúng.
Những thành tựu vĩ đại của con người và những chiến thắng thật sự của lịch sử
cũng chính là nền móng của triều đại Thiên Chúa trên trái đất này. Hiệp nhất
chính là mục đích của kế hoạch Thiên Chúa, Đấng vừa vượt trên mọi sự vừa ở
trong mọi sự.
- suy tư 366 ngày của Đức
Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
20/8: Thánh Bernarđô, viện phụ, tiến sĩ, Hội Thánh
Tl
6, 11-24a; Mt 19, 23-30
LỜI SUY NIỆM: Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần
chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì” (Mt 19,27)
Đây cũng là tâm trạng của
nhiều người trong chúng ta, bởi vì đức tin của chúng ta yếu và thiếu sự tin tưởng
vào Thiên Chúa quan phòng. Nên đứng trước những ơn gọi chúng ta thường có những
so tính thiệt hơn cho bản thân cũng như gia đình. Nhưng khi nhìn vào những người
chung quanh chúng ta, những người đã tích cực tham gia mọi công tác tồng đồ với
sự nhiệt thành vì Giáo Hội, vì phần rỗi của các linh hồn, chứ không phải vì
vinh danh mình. Họ đều là những người đang hưởng hạnh phúc và cả gia đình con
cái của họ cũng đang tràn đầy hạnh phúc và con cái của họ cũng được sống trong
sự đùm bọc của Thiên Chúa và với nhau. Ước gì chúng ta theo tiếng gọi của Chúa
Giêsu, để được hạnh phúc.
Mạnh Phương
20 Tháng Tám
Hai Vì Sao
Mỉm Cười
Một vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm
và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống.Từ trên đỉnh núi
cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó là dấu hiệu trời
cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.
Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết
định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông
đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối
được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng
không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé gái đều
cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông
lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ
không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình.
Họ càng đi, cơn khát
càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn
quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên
miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã uống
nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện
ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất.
Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh
núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.
Ðể
mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa,
Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những
kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy
Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do
Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy
thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau:
"Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người
đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ".
Qua
thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt
lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc
ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên
Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ
chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật
ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người
phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành
động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.
Nói
như mẹ Têrêxa Calcutta: "Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một
điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị.
Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.
Khi
tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một
hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của
người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những
người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi
một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ
hy sinh đích thực".
(Lẽ Sống)
Thứ Ba 20-8
Thánh Bernard ở
Clairvaux
(1091-1153)
N
|
hân vật của thế kỷ! Phụ
nữ của thế kỷ! Chúng ta nghe những câu xưng tụng này quá nhiều đến độ ngày nay
câu ấy không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng "người của thế kỷ 12"
thì chắc chắn phải là Thánh Bernard ở Clairvaux. Vị cố vấn cho các giáo hoàng,
tuyên uý đạo quân Thập Tự Chinh (lần II), người bảo vệ đức tin, người hàn gắn
sự li giáo, người canh tân đời sống đan viện, học giả Kinh Thánh, thần học gia
và hùng biện gia: bất cứ danh hiệu nào kể trên đều làm nổi nang một người bình
thường. Tuy nhiên, Thánh Bernard có tất cả những danh hiệu ấy - nhưng ngài vẫn
mong muốn trở về đời sống âm thầm của đan viện.
Vào năm 1111, khi 20
tuổi, Bernard từ giã quê nhà ở Burgundy, nước Pháp, để gia nhập cộng đồng đan
sĩ ở Citeaux (Xitô). Năm người anh em, hai người chú của ngài và khoảng 30
người bạn theo ngài vào đan viện. Trong vòng bốn năm, một cộng đoàn đang tàn
lụi đã phục hồi sinh lực đủ để khai sinh một đan viện mới trong thung lũng
Wormwoods gần đó, với Bernard làm đan viện trưởng. Nhiệt huyết của người thanh
niên trẻ tuổi này là một đòi hỏi thật khắt khe, nhưng đối với chính ngài hơn là
với người khác. Một cơn bệnh nặng đã khiến ngài kiên nhẫn hơn và thông cảm hơn.
Không bao lâu, thung lũng này được gọi là Clairvaux, thung lũng ánh sáng.
Ngài có tài phân xử và
cố vấn. Do đó, càng ngày ngài càng phải xa đan viện để giải quyết các tranh
chấp đã có từ lâu trong Giáo Hội. Trong một vài trường hợp, hiển nhiên ngài đã
dẫm chân lên một vài chức sắc khó tính ở Rôma. Thánh Bernard hoàn toàn vâng
phục tính cách ưu việt của Tòa Thánh. Tuy nhiên, để trả lời một lá thư cảnh cáo
từ Rôma, ngài viết, các giáo phụ tốt lành ở Rôma có quá nhiều việc phải làm để
duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Nếu có bất cứ vấn đề gì ảnh hưởng đến
quyền lợi của họ thì ngài sẽ là người đầu tiên cho họ biết.
Sau đó không lâu, chính
Thánh Bernard là người đã can thiệp vào một vụ li giáo đang bùng nổ mạnh và đã
đứng về phía đức giáo hoàng ở Rôma để chống với phe ngụy giáo hoàng.
Trong cuộc Thập Tự Chinh
II, Tòa Thánh thuyết phục được Thánh Bernard nhận làm tuyên uý cho cuộc viễn
chinh này. Tài hùng biện của ngài đã giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh và
dường như đảm bảo cho sự chiến thắng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của các nhà lãnh
đạo quân sự thì không giống như chủ trương của Thánh Bernard, và cuộc thập tự
chinh đã kết thúc như một thảm họa về luân lý và quân sự.
Thánh Bernard cảm thấy
phần nào có trách nhiệm trong sự suy sụp của thập tự chinh. Gánh nặng ấy có thể
đã dẫn đến cái chết của ngài vào ngày 20 tháng Tám 1153.
Lời Bàn
Cuộc đời Thánh Bernard
trong Giáo Hội thì tốt đẹp hơn chúng ta tưởng. Các nỗ lực của ngài tạo nên
nhiều kết quả sâu rộng. Nhưng ngài biết, các kết quả ấy chỉ sinh nhiều ích lợi
qua các giờ cầu nguyện và chiêm niệm để đem đến cho ngài sức mạnh và đường
hướng khôn ngoan. Ðặc điểm cuộc đời ngài là sự sùng kính Ðức Maria. Các bài
giảng và văn bản của ngài về Ðức Maria vẫn còn được coi là tiêu chuẩn của Thánh
Mẫu học ngày nay.
Lời Trích
"Khi hiểm nguy,
khi do dự, khi khó khăn, hãy nghĩ đến Ðức Maria, hãy kêu cầu Ðức Maria. Ðừng để
danh ngài tắt ở trên môi bạn, đừng bị đau khổ vì danh ngài không còn trong tâm
hồn bạn. Có như thế, bạn mới chắc chắn được sự trợ giúp của lời ngài cầu bầu,
đừng sao nhãng theo bước chân ngài. Với sự dẫn dắt của ngài, bạn sẽ không bao
giờ lạc lối; khi cầu khẩn ngài, bạn sẽ không bao giờ nhát đảm; một khi có ngài
trong tâm trí, bạn sẽ không bị lừa dối; khi được ngài nắm tay, bạn sẽ không thể
vấp ngã; với sự phù trì của ngài, bạn không còn gì để sợ hãi; nếu theo ngài,
bạn sẽ không mệt mỏi; nếu được ngài ưu đãi, bạn sẽ đạt được mục đích"
(Thánh Bernard).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét