THỨ NĂM 29/08/2013
Thứ Năm Tuần XXI Thường Niên
BÀI ĐỌC I: 1 Tx 3, 7-13
"Xin Chúa ban cho
anh em lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, vì đức tin anh em, chúng tôi được an ủi nơi anh
em trong mọi nỗi quẫn bách và gian truân, hiện giờ chúng tôi cảm thấy được sống,
vì thấy anh em đứng vững trong Chúa. Vậy chúng tôi phải cảm tạ ơn Chúa thế nào
thay cho anh em, vì nỗi vui mừng chúng tôi được hưởng trước mặt Thiên Chúa
chúng ta nhờ anh em. Đêm ngày chúng tôi gia tăng lời cầu nguyện, để được gặp mặt
anh em lại và bổ túc những gì thiếu sót trong đức tin của anh em. Xin chính
Thiên Chúa là Cha chúng ta, và Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, dẫn đàng đưa
chúng tôi tới anh em. Về phần anh em, xin Chúa ban cho anh em được gia tăng và
dồi dào lòng yêu thương nhau và yêu thương mọi người, như chính chúng tôi yêu
thương anh em: để làm cho lòng anh em nên vững vàng trong sự thánh thiện, không
còn điều gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đến làm một cùng tất cả các thánh của Người. Amen. Đó
là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 89, 3-4. 12-13. 14 và 17
Đáp: Xin cho chúng con sớm
đươc no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).
1)
Thực ngàn năm ở trước thiên nhan, tựa hồ như ngày hôm qua đã khuất, như một đêm
thức giấc cầm canh. Chúa khiến con người trở về bụi đất, Người phán: "Hãy
trở về gốc, hỡi con người". - Đáp.
2)
Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn
ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chớ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương
tôi tớ của Ngài. - Đáp.
3)
Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân
hoan trọn đời sống chúng con. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là
Thiên Chúa chúng con. Sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin
Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. - Đáp.
ALLELUIA: Cl 3, 16a và 17c
Alleluia,
alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ
Đức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 24, 42-51
"Các con hãy sẵn
sàng".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy
tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết
điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng,
không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì
lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến.
"Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà
chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cứ giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc
cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con,
chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản ông. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu,
nghĩ trong lòng rằng: 'Chủ tôi về muộn', rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại
còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ
nó không biết, ông sẽ xé xác nó ra, và cho nó chung số phận với những kẻ giả
hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Tỉnh Thức Chờ
Chúa
Các
nhà chú giải thường đề nghị đọc và suy niệm những dụ ngôn của Chúa Giêsu về việc
Chúa trở lại trong vinh quang trên hai bình diện: Kitô học và Giáo Hội học.
Trên bình diện Kitô học nhấn mạnh đến việc Chúa trở lại vào cuối lịch sử như một
quan tòa xét xử mọi người. Trên bình diện Giáo Hội học nhắc đến thời giờ của
Giáo Hội trong thời gian, từ khi Chúa lên trời cho đến lúc Ngài trở lại; trong
thời gian này, mỗi Kitô hữu phải tích cực chờ đợi và chu toàn bổn phận của mình
một cách tốt đẹp.
Hai
dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất
nói về kẻ trộm đến bất ngờ trong đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn
sàng này được giải thích trong dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và
khôn ngoan thi hành mệnh lệnh của chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho
người nhà.
Thật
không dễ dàng mà có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ,
có những tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của
mình. Ðó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải
khuyến cáo: "Thưa anh em, về ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm
và tập hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng
chúng tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội
để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Ðừng để ai lừa dối anh em bất cứ
cách nào".
Sống
chờ đợi Chúa lại đến không phải bằng thái độ thụ động, nhưng bằng thái độ tích
cực. Thánh Phaolô mô tả thái độ đó như sau: "Anh em không ở trong bóng tối,
để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng,
là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng
tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống
tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng
ơn cứu độ".
Sống
đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng
ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với
thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp
hơn.
(Veritas Asia)
Ngày 29 tháng 8
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết
Lễ Nhớ
Bài Ðọc I: Gr 1, 17-19
"Ngươi hãy nói cho họ biết
tất cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi: Ðừng run sợ trước mặt họ".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Trong những ngày ấy, lời Chúa phán
cùng tôi rằng: "Ngươi hãy thắt lưng, hãy chỗi dậy, và nói cho họ biết tất
cả những điều Ta truyền dạy cho ngươi. Ðừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không
làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì
vững chắc, một cây cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua
Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống
ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát
ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 70, 1-2. 3-4a. 5-6ab.
15ab và 17
Ðáp: Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh (c. 15a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con tìm đến
nương nhờ Ngài, xin đừng để con tủi hổ muôn đời; theo đức công minh Chúa, xin
cứu nguy và giải thoát con, xin ghé tai về bên con và giải cứu. - Ðáp.
2) Xin trở nên thạch động để con
dung thân, và chiến luỹ vững bền hầu cứu độ con: vì Chúa là Ðá Tảng, là chiến
luỹ của con. Lạy Chúa con, xin cứu con khỏi tay đứa ác. - Ðáp.
3) Bởi Ngài là Ðấng con mong đợi,
thân lạy Chúa! Lạy Chúa, Ngài là hy vọng của con từ hồi thanh xuân. Ngay từ
trong bụng mẹ, con đã nép mình vào Chúa; từ trong thai mẫu, Chúa là Ðấng bảo vệ
con; con đã luôn luôn cậy trông vào Chúa. - Ðáp.
4) Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa
công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi
niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Mt 5, 10
Alleluia, alleluia! - Phúc cho
những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 6, 17-29
"Con muốn đức vua ban ngay
cho con cái đầu của Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Marcô.
Khi ấy, Hêrôđê đã sai đi bắt Gioan
và giam ông trong ngục: nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua mà vua
đã cưới lấy. Vì Gioan bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm lấy vợ
anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng không thể
làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và thánh
thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng nghe.
Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày
sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các quan đại thần trong triều, các sĩ quan
và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa,
làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách, thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng:
"Con muốn gì, cứ xin, trẫm sẽ cho", và vua thề rằng: "Con xin
bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con
nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin đầu Gio-an Tẩy Giả". Cô liền vội
vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy
Giả đặt trên đĩa". Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề và vì có các quan khách,
nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn. Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy
đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt
trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem cho mẹ.
Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến
lấy xác ông và mai táng trong mồ.
Ðó là lời Chúa.
Cái Chết Của Một Tiên Tri
Qua lệnh truyền của một bạo
chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn
tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời
gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.
Chúng ta đã thấy một lời thề
thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như
lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết.
Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của
các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời
mình rao giảng.
Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.
Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để
nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội,
sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố
rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để
đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.
Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu
mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh
Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi
hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.
(Veritas
Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 21 TN1
Bài đọc: I Thes 3:7-13;
Mt 24:42-51.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải luôn biết kiên trì
tập luyện.
Nhiều
người hay có khuynh hướng "để ngày mai," vì nghĩ họ còn nhiều thời
gian để làm. Tục ngữ Việt-nam có rất nhiều câu để diệt trừ thái độ này:
"Việc gì có thể làm hôm nay, đừng để lại ngày mai;" "đừng đợi nước
đến chân mới nhảy;" "không biết lo xa, sẽ có buồn gần." Khuynh
hướng này còn nguy hiểm hơn nữa, và được ma quỉ áp dụng để tước đoạt linh hồn
con người: Các tín hữu, nhất là người trẻ, thường nghĩ mình còn cả cuộc đời để
chuẩn bị cho Ngày Phán Xét, nên cứ việc ăn chơi thả giàn; đợi khi nào về già rồi
sẽ tính chuyện ăn năn trở lại cũng không muộn. Hơn nữa, Thiên Chúa là Cha rất
nhân lành, chỉ cần ít phút trở lại trên giường bệnh cũng đủ để vào Thiên Đàng,
như trường hợp người trộm lành trên thập giá. Biết bao nhiêu người có thái độ
này đã phải hư đi, vì: Thứ nhất, họ không biết ngày giờ nào là ngày tận thế của
họ, thực tế dẫn chứng nhiều người đã chết khi tuổi vẫn còn trẻ. Thứ hai, một
khi đã ở quá lâu trong vũng lầy của tội lỗi, họ không còn muốn thoát ra, và
cũng không còn sức để vượt thoát được nữa.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta hai câu truyện để dạy chúng ta luôn phải biết kiên
trì tập luyện trong khi chờ đợi Ngày Chúa đến. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô dẫn
chứng bằng chính cuộc đời của mình. Ngài tìm đủ mọi cách để khuyên nhủ, dạy dỗ,
và cầu nguyện cho các tín hữu Thessalonica để họ có thể bền vững trong đức tin,
và trở nên tinh tuyền thánh thiện, để xứng đáng ra đón Đức Kitô trong Ngày
Quang Lâm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dẫn chứng bằng một câu truyện của một người
chủ trao bổn phận cho người đầy tớ trước khi đi xa. Ông sẽ trở lại vào ngày giờ
mà người đầy tớ không ngờ, và ông sẽ thưởng hay phạt tùy theo những gì ông tìm
thấy nơi người đầy tớ. Mẹ Monica cũng hết sức lo lắng đến lo phần hồn cho hết mọi
người trong gia đình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Phải chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Quang Lâm.
1.1/
Người tín hữu luôn hướng về Ngày Quang Lâm: vì đây là mục đích của cuộc đời. Thánh
Phaolô nói rõ: "Xin Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên
thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta,
trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người."
Hai mục tiêu mà thánh Phaolô muốn các tín hữu ra sức tập luyện để có được:
(1)
Bền tâm vững chí trong đức tin: Đức tin người tín hữu có được trong ngày lãnh nhận Bí-tích Rửa Tội
chỉ là một hạt giống. Các tín hữu cần luyện tập để làm cho hạt giống đức tin lớn
lên thành cây và sinh hoa kết trái. Đức tin không bao giờ được coi là một hành
động thuần tri thức hay trong một lúc; nhưng phải biểu tỏ bằng hành động trong
suốt cuộc đời, để vượt qua hết mọi cám dỗ và thử thách trong cuộc đời.
(2)
Trở nên tinh tuyền thánh thiện: Người tín hữu chuẩn bị tâm hồn bằng cách khử trừ hết mọi tính hư
nết xấu trong con người, và luyện tập để có được mọi đức tính cần thiết như
Thiên Chúa, Đấng tốt lành và thánh thiện.
1.2/
Người tín hữu luôn biết trau dồi tập luyện trong thời gian hiện tại: Người tín hữu không phải
là người mà đầu óc chỉ mơ mộng lên Thiên Đàng, nhưng thân thể dính chặt trên
giường. Trái lại, họ phải biết lo toan tập luyện làm sao để đạt được hai mục
tiêu trên. Nhìn những gì thánh Phaolô lo lắng cho các tín hữu, chúng ta nhận ra
những bài học quan trọng sau đây:
(1)
Lo lắng tận tình cho những người mình có trách nhiệm, để họ có được một đức tin
vững mạnh.
Ngài viết: "Thưa anh em, vì anh em có lòng tin, nên khi nghĩ đến anh em,
chúng tôi được an ủi giữa mọi thống khổ gian truân chúng tôi phải chịu. Phải,
chúng tôi sống được đến giờ này là nhờ anh em đứng vững trong Chúa." Niềm
vui ngài có được là nhìn thấy họ lớn lên trong Chúa: ''Chúng tôi biết nói gì để
tạ ơn Thiên Chúa về anh em, vì tất cả niềm vui mà nhờ anh em, tôi có được trước
nhan Thiên Chúa chúng ta."
(2)
Cầu nguyện để xin Chúa bổ túc những gì còn thiếu sót: Đã là người, ai cũng có
khuyết điểm và thiếu sót. Thánh Phaolô biết có cố gắng bao nhiêu cũng không đủ
cho các tín hữu trở nên trọn lành; vì thế, ngài trông vào lời cầu nguyện:
"Đêm ngày chúng tôi tha thiết nài xin Chúa cho được thấy mặt anh em và bổ
túc những gì còn thiếu trong đức tin của anh em."
(3)
Năng liên lạc và thăm viếng để khích lệ tinh thần: Người lãnh đạo tinh thần:
cha mẹ, người đỡ đầu, cha xứ ... có bổn phận phải chăm nom đức tin cho những
người mình có bổn phận trong suốt cuộc đời, chứ không phải chỉ trong ngày Rửa Tội,
hay trong những năm tháng mà họ thuộc quyền mình mà thôi. Thánh Phaolô luôn tìm
cơ hội trở lại để thăm viếng và khích lệ tinh thần các cộng đòan ngài thành lập;
khi không thể đến được, ngài dùng thư từ để hỏi han và khích lệ.
(4)
Làm cho đức ái phát triển và ngự trị trong cộng đoàn: Bác ái là một đặc tính
tối quan trọng của các Kitô hữu; vì thế, thánh Phaolô khuyên: ''Xin Chúa cho
tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà
thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy."
2/
Phúc Âm: Phúc cho đầy tớ khôn ngoan và trung tín.
2.1/
Người chủ của đầy tớ sẽ trở về: Khi người chủ ra đi là sẽ có ngày trở về; khi Thiên Chúa cho
chúng ta vào thế gian sinh sống là sẽ có ngày chúng ta sẽ về với Ngài. Ai cũng
biết chắc chắn sẽ có ngày đó, nhưng không ai biết khi nào ngày đó sẽ xảy ra.
(1)
Phần thưởng cho đầy tớ khôn ngoan và trung tín: Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: "Vậy thì ai
là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân,
để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về
mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên
coi sóc tất cả tài sản của mình." Theo truyền thống Do-thái, quản gia hay
đầy tớ trưởng là người trông coi mọi việc trong nhà, anh thay chủ khi chủ vắng
nhà, và có toàn quyền trên mọi gia nhân trong nhà. Người quản gia khôn ngoan và
trung tín là người làm mọi việc xuôi chảy dù có hay vắng mặt chủ nhà, anh được
chủ tin cậy và trao hết mọi tài sản của chủ.
(2)
Hình phạt cho đầy tớ dại dột và bất trung: "Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày
hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận
với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng."
2.2/
Thái độ của tên đầy tớ bất trung.
(1)
Ngày về của chủ còn dài: Tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: "Còn lâu chủ ta mới về,"
thế
rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa. Chủ hắn
trở về vào lúc hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và hắn sẽ phải lãnh nhật
mọi hình phạt cho kẻ bất trung.
(2)
Không dễ dàng để ăn năn trở lại: Một người học sinh biết khó khăn thế nào khi tới kỳ thi cuối
khóa mới bắt đầu học; một người lực sĩ biết khó khăn thế nào để thi đấu khi
thân thể đã phì nộm ra. Cũng thế, một tín hữu đã dấn sâu quá vào tội lỗi, vào tứ
đổ tường sẽ biết khó khăn thế nào để khử trừ việc nghiện ngập. Thói quen xấu sẽ
càng ngày càng nhiều ra đến độ khi biết tỉnh thức muốn thoát ra thì đã quá muộn
màng. Lúc đó, chỉ còn biết bằng lòng với số phận.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải luôn biết chuẩn bị cho Ngày Phán Xét bằng cách làm cho đức tin
luôn tăng trưởng, khử trừ mọi tính hư nết xấu, và luyện tập nhân đức để ngày
càng thánh thiện hơn.
-
Chúng ta phải cố gắng hết sức để hòan tất sứ vụ Chúa trao: phải ra sức lo lắng
cho những người chúng ta có trách nhiệm có một đức tin vững chắc và một cuộc sống
thánh thiện.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 21 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 24,42-51
* Đặt trong sơ đồ chung của Mt :
Hai chương 24-25 (Từ hôm nay đến Thứ Bảy) là
bài giảng về thời cánh chung. Ý chính của bài giảng này là ngày tận thế và việc
Đức Kitô quang lâm. Ý tưởng đi liền với ý tưởng trên là những biến cố vô cùng
hệ trọng này buộc người ta phải chọn lựa dứt khoát hoặc đón nhận hoặc từ chối
Đức Kitô. Nhưng không phải chờ tới lúc đó mới chọn, mà phải chọn ngay từ bây
giờ. Do đó những biến cố ấy và sự chọn lựa ấy có ảnh hưởng tới cách sống hằng
ngày trong hiện tại.
A. Hạt giống...
Hai dụ ngôn về tên trộm và người quản gia :
- Dụ ngôn tên trộm : vì không ai biết giờ nào
trộm sẽ đến, do đó lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác.
- Dụ ngôn quản gia : người quản gia trung tín làm
việc theo tinh thần trách nhiệm, lúc nào cũng chu toàn những việc được giao,
chứ không phải lúc có mặt chủ thì làm tốt còn khi vắng mặt chủ thì bê tha.
B.... nẩy mầm.
1. Áp dụng bài học của dụ ngôn tên trộm : ta biết
luôn đề cao cảnh giác để bảo vệ tài sản vật chất, sao không làm như thế đối với
tài sản thiêng liêng vốn quý giá hơn nhiều.
2. Ta cũng có thể áp dụng bài học của dụ ngôn
người quản gia trong hai bình diện :
- Đối với bề trên : cách tôi làm bổn phận khi có
mặt và khi không có mặt bề trên có khác nhau không ?
- Đối với Chúa : phải chăng khi gặp nguy hiểm,
khi đau yếu, khi đụng chuyện khó khăn… tôi mới cư xử đàng hoàng với Chúa ?
3. Trách nhiệm : “Con người là tạo vật duy nhất
gánh lấy trách nhiệm đối với chính bản thân, đối với tha nhân, đối với thiên
nhiên và trước mặt Thiên Chúa” (Chờ đợi Chúa)
4. Một ngôi trường bị nổ. Cả trăm học sinh và
giáo viên thiệt mạng. Nhiều gia đình chết 2 hay 3 em. Chính quyền địa phương bí
mật sai người đến điều tra nguyên nhân vụ nổ. Trong một cuộc dò hỏi, vợ một
công nhân xây dựng ngôi trường đó nói : trước khi thảm kịch xảy ra, chồng bà đã
biết là việc xây đường ống dẫn khí đốt ở đó có vấn đề.
- Cái gì ? Chồng bà biết rõ việc đặt đường ống
dẫn khí có vấn đề ?
- Đúng vậy.
- Thế chồng bà có báo cho ai biết việc đó không ?
- Không.
- Vậy chồng bà phải chịu trách nhiệm về sự cố đó,
chồng bà cũng là một tội phạm. (Góp nhặt)
5. Một người dân thuộc một bộ lạc miền núi được
đưa đi thăm một đô thị. Ngay đêm đầu tiên ông đã giật mình thức giấc vì tiếng
trống vang cùng khắp đô thị. Người ta cho anh biết đó là tiếng trống báo động
về một cuộc hoả hoạn vừa xảy ra tại một khu phố. Chẳng bao lâu cuộc hoả hoạn
được dập tắt. Trở về làng, ông đã báo cáo với các chức sắc trong làng như sau :
người thành thị có một hệ thống chữa cháy rất kỳ diệu : khi có hoả hoạn, người
ta chỉ cần đánh trống là ngọn lửa được dập tắt ngay tức khắc. Nghe thế, các
chức sắc liền sai người đi mua đủ loại trống phát cho dân làng. Không bao lâu
sau đó, hoả hoạn xảy đến trong làng, mọi người đều đem trống ra khua inh ỏi vì
tin chắc tiếng trống sẽ xua đuổi được thần lửa. Thế nhưng ngọn lửa vô tình cứ
thiêu rụi từ căn nhà này đến căn nhà khác trước cái nhìn ngỡ ngàng thất vọng
của mọi người.
Tình cờ ghé thăm bộ lạc và được nghe kể lại, một
người dân thành thị giải thích : Các người tưởng tiếng trống có thể dập tắt
ngọn lửa ư ? Không phải thế. Người ta đánh trống để đánh thức dân chúng và kêu
gọi họ tích cực tham gia chữa cháy chứ không phải ngồi đó mà chờ ngọn lửa tắt
đâu.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến sự tỉnh
thức. Nhưng tỉnh thức không có nghĩa là ngồi đó khoanh tay mà chờ đợi.
("Mỗi ngày một tin vui")
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
29/08/13 THỨ NĂM TUẦN 21 TN
Th. Gioan Tẩy giả bị trảm quyết
Mc 6,17-29
Th. Gioan Tẩy giả bị trảm quyết
Mc 6,17-29
MỘT TIẾN TRÌNH PHẠM TỘI
“Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách
dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. . .” (Mc 6,26)
Suy niệm: Vua Hêrôđê là điển hình của kẻ phóng túng (lấy
vợ anh mình), lạm quyền (tống ngục Gioan để dập tắt tiếng nói của sự thật). Một
chút lương tâm còn leo lắt đã giúp ông biết dừng lại ở việc bỏ tù Gioan chứ
không đi xa đến mức giết vị ngôn sứ. Nhưng cuối cùng ông đã xuống tay làm điều
tệ hại ấy, chỉ vì một lời hứa điên rồ khi ham vui quá độ, vì sĩ diện hão phải
giữ lời hứa, và còn vì có sự giật dây tinh quái của bà Hêrôđia. Giữa tiếng nói
của một lương tâm yếu ớt với sự tắt lịm hoàn toàn của nó là một khoảng cách rất
mong manh. Tà lực đến từ bên trong lẫn bên ngoài; chúng phối hợp tấn công nhuần
nhuyễn và ta bị ‘nốc ao’ nhiều khi rất nhanh chóng và dễ dàng!
Mời Bạn: Nhìn
lại tội của Hêrôđê và nhận ra nó trong các tiến trình phạm tội của chính mình.
Người ta có thể phạm tội vì phóng túng, vì lạm quyền, vì bốc đồng điên rồ, vì
sĩ diện hão, vv… Người ta càng dễ phạm tội vì “đòn phối hợp” chặt chẽ giữa các
thế lực ấy. Một khi tiến trình đã bắt đầu, ta rất khó chặn đứng nó (người ta
cần sự dối trá thứ hai để che đậy sự dối trá thứ nhất, chẳng hạn!). Vì thế,
phương cách an toàn là ngăn chặn tiến trình ấy trước khi nó bắt đầu. Và đã lỡ
để nó bắt đầu, ta hãy vận dụng tất cả lòng chân thành và khiêm tốn nhìn nhận
mình sai lạc và quay về với Chúa. Muốn thế, ta cần một lương tâm thực sự nhạy
bén và lành mạnh (đừng xem thường các “tội nhẹ”, chẳng hạn).
Sống Lời Chúa: Tôi
luôn nghe tiếng nói của lương tâm, quyết không nhượng bộ mọi sự dụ dỗ của tà
thần.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.
Đầu
Gioan Tẩy giả
Quyền lực được sử dụng như bạo lực, khiến người
lành phải chết oan. Chúng ta xin cho mình luôn có tự do, để mọi quyết định phù
hợp với ý Chúa.
Suy niệm:
Ngày sinh nhật của một
người lại dẫn đến cái chết của một người khác.
Nếu sự kiện xảy ra đúng
như truyền thống mà Máccô nhận được và ghi lại
thì thật là khủng khiếp.
Ai có thể tưởng tượng nổi
chuyện trong bữa tiệc sinh nhật của Hêrôđê,
một cô bé dám bưng mâm,
trên có cái đầu vừa bị chặt của một người,
máu còn chảy ròng ròng,
mắt đang nhắm hay mở?
Cô bưng và vui vẻ trao
cho mẹ cô.
Mẹ cô sẽ bưng và trao cho
ai cái đầu của Gioan, người mà bà căm ghét?
Bài Tin Mừng hôm nay cũng
cho ta một số kinh nghiệm của Hêrôđê.
Trước hết là kinh nghiệm
bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu.
Hêrôđê Antipas đã bắt ông
Gioan tẩy giả và xiềng ông trong ngục.
Lý do vì Gioan đã cản trở
cuộc hôn nhân sai trái của ông với Hêrôđia.
Dầu vậy Hêrôđê vẫn biết
Gioan là người công chính thánh thiện,
vẫn sợ ông và che chở ông
khỏi sự trả thù của Hêrôđia (cc. 19-20).
Hêrôđê còn lương tâm khi
ông thích nghe Gioan nói, dù rất bối rối khi nghe.
Kế đến là kinh nghiệm về
sự thiếu chín chắn của Hêrôđê khi thề hứa.
Cái gì đã xui khiến ông
nói câu dại dột này với cô bé Salômê:
“Con xin gì ta cũng cho,
dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23)?
Bầu khí cuồng nhiệt của
bữa tiệc sinh nhật, hay điệu vũ đẹp mê hồn,
hay rượu đã ngà ngà say,
hay muốn chứng tỏ mình đầy quyền lực?
Hay sự cộng hưởng của mọi
yếu tố trên?
Có những lời nói vội vã
mà sau đó ta phải hối tiếc và trả giá.
Cuối cùng là kinh nghiệm
về sự mất tự do trước khi quyết định.
Khi cô bé xin cái đầu của
Gioan, Hêrôđê hẳn đã sửng sốt ngỡ ngàng.
Ông buồn hết sức vì mình
đã lỡ thề hứa như vậy (c. 26).
Ông có thể rút lại lời đã
nói không? Dĩ nhiên là có.
Nhưng nỗi sợ đã khiến ông
không dám làm.
Sợ từ chối cô bé, làm cho
cô buồn và mẹ cô nổi giận,
sợ bị mang tiếng là nuốt
lời trước mặt bá quan văn võ.
Nói chung ông sợ mất danh
dự của mình, mất thiện cảm của người khác.
Bởi vậy, dù Hêrôđê thấy
việc giết Gioan là điều sai trái,
ông vẫn không dám xin rút
lại lời thề thiếu suy xét của mình.
Cần can đảm để giữ lời
hứa, nhưng có khi cần can đảm hơn để không giữ.
Danh dự hão của Hêrôđê
được mua bằng máu của một vị ngôn sứ lớn.
Hêrôđê đã can dự vào cái
chết của Gioan.
Ông chịu áp lực từ khách
dự tiệc và mẹ con Hêrôđia.
Philatô đã can dự vào cái
chết của Đức Giêsu.
Ông này chịu áp lực từ
dân chúng và các thượng tế.
Cả hai ông đều không có
tự do, không có can đảm để tha cho người vô tội.
Cả hai ông đều nghĩ đến
mình, cái ghế của mình, danh dự của mình.
Quyền lực được sử dụng
như bạo lực, khiến người lành phải chết oan.
Chúng ta xin cho mình
luôn có tự do, để mọi quyết định phù hợp với ý Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là
điều dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ
khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Đấng vô
tội
mà lại đứng chung với các
tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành
với phận người mỏng dòn
yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của
mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào
ảo tưởng,
thành thật để khỏi tự dối
mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành
động cụ thể,
và chấp nhận những cắt
tỉa đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban
cho chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do
và được yêu mến.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
SUY
NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cái chết của Gioan Tẩy
Giả - cái chết của người dám nói sự thật và dám đứng về phía sự thật. Dịp sinh
nhật của Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia nhảy múa làm vui mắt và vui lòng Hêrôđê và
quan khách. Trong tâm trạng phấn chấn và rượu ngà ngà say, Hêrôđê đã hứa với cô
gái rằng sẽ cho bất cứ điều gì cô xin. Được sự tư vấn của mẹ, cô đã xin đầu
Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm. Vì đã trót thể hứa trước mặt nhiều người, Hêrôđê
phải thực hiện điều đã tuyên bố.
Thật ra, Hêrôđê cũng bị giằng co giữa cái tốt và cái xấu.
Mặc dù điều Gioan nói gây khó xử cho ông, nhưng ông vẫn thích nghe Gioan nói.
Ông biết việc giết Gioan là điều sai trái, nhưng ông không can đảm rút lại lời
thề hứa trong lúc cao hứng. Ông sợ mang tiếng là người không giữ lời.
Nhưng cuối cùng, Hêrôđê vẫn can dự vào cái chết của Gioan
vì sự nông nổi cuồng nhiệt và vì sĩ diện của mình.
Sai lầm của Hêrôđê là một lời cảnh tỉnh, khi tôi suy niệm
bài Tin mừng hôm nay. Lắm lúc, tôi thấy mình có những lời nói vội vã thiếu cân
nhắc, để rồi phải hối hận và trả giá. Lắm lúc, tôi không dám chuyển hướng hành
động của mình, dù biết đó là những việc làm không hợp với giáo huấn của Đức
Giêsu.
Mong sao, mọi chọn lựa của tôi đều thấm nhuần tinh thần
Kitô giáo.
Mong sao, mọi hành động trong đời tôi đều phù hợp với
thánh ý Chúa.
Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Có những cái chết để lại cho đời niềm thương nhớ khôn nguôi.
Có những sự ra đi làm cho con người thương nhớ, nhắc nhớ tên người chết mãi mãi
không ngơi. Có những cái chết khiến người khác trề môi, phỉ nhổ. Chết là trở về
nơi cũ. Chết là ra đi. Chết là trở về với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và tác
sinh. Cái chết của thánh Gioan tẩy Giả, Giáo Hội mừng kính hôm nay khiến nhân
loại phải ghi nhớ, khiến nhiều người thương tiếc, nhưng cũng không khỏi nguồn
rủa sự điên rồ, ngạo nghễ và dại gái, khôn nhà dại chợ của Hêrôđê, một vị vua
tàn ác và thiếu tư cách làm người.
Một cái đầu, một sự trả giá vô biên
- Hêrôđê đã đi vào con đường tội lỗi. Sự dại gái, khôn nhà,
dại chợ của Hêrôđê đã khiến vị vua này trở nên ngông cuồng điên dại. Sống trong
tội lỗi,tâm hồn của Hêrôđê đã trở nên mù quáng, tối tăm. Ở trong bóng tối,
Hêrôđê đã không còn biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái. Ông đã hành động
tùy tiện việc nước, đã ăn chơi, chè chén trác táng. Ông không còn biết nhận ra
sự thật. Số là Hêrôđê đã cướp vợ của ngay người em mình. Sự loạn luân không thể
tha thứ, đã làm cho Gioan Tẩy Giả phải lên tiếng quở trách nặng lời hành động
vô luân của Hêrôđê và Hêrodias, vợ loạn luân của Hêrôđê. Đúng như lời Kinh
Thánh nói: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm
chứng, và làm chứng về ánh sáng…” (Ga 1,6-7).
- Gioan không phải là ánh sáng, nhưng Gioan tới để minh chứng
về ánh sáng. Vì chứng minh cho Chúa Giêsu là sự thật, là ánh sáng. Gioan đã
không bao giờ chịu khuất phục trước những việc chướng tai gai mắt của con
người, của xã hội đương thời và của nhân loại. Gioan đã có lần nói: “Có Đấng
đến sau ông và ông không xứng đáng cởi giây dép của Ngài”. Gioan quả thực đã
tới trần gian để dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Làm công tác dọn đường, Gioan đã
sống đích thực sứ mạng của vị tiên tri. Ngôn sứ phải nói lên sự thật và không
bao giờ sợ nguy hiểm cho dù công tác của vị ngôn sứ luôn gặp sự hiểm nguy. Để
làm chứng cho Đấng cứu thế, Ngài đã nói công khai với mọi người khi họ lầm
tưởng Gioan là Đức Kitô: “Người phải lớn lên,còn tôi phải nhỏ lại”. Gioan đã
lớn lên trong sự minh chứng cho sự thật. Chống lại hành động loạn luân và dâm
dật của đôi dâm phụ Hêrôđê và Hêrodias. Gioan Tẩy Giả đã phải chấp nhận cái bi
đát nhất của cuộc đời ngôn sứ của mình: cái chết. Hêrôdias vì không chấp nhận
sự thật, không chịu nổi lời quở trách của vị tiên tri. Nên đã căm thù tìm cơ
hội khử trừ vị ngôn sứ đầy uy tín. Với sự nhảy múa cuồng nhiệt nhân ngày sinh
nhật, Hêrodiađê đã làm ngây ngất vua Cha. Cái đầu,vẫn là sự căm tức ngông cuồng
của Hêrôdias. Đầu của vị ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã nằm gọn trong chiếc dĩa trước
mặt Hêrôđê.
Lời chứng đáng giá nhất của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả
- Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của
cuộc đời, Gioan Tẩy Giả vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị ngôn sứ. Mọi
tiên tri đều phải trả giá cho lời chứng của mình. Gioan Tẩy Giả đã sống anh
dũng, can trường với lời nói của mình.Cái đầu phải trả là giá nặng nề và đáng
nguyền rủa nhất của vị ngôn sứ sau cái chết chịu đóng đinh nơi thập giá đối với
người Do Thái lúc đó. Gioan Tẩy Giả đã tự xóa nhòa mình để cho Đấng cứu độ lớn
lên trong lịch sử nhân loại.Lời chứng và cái chết của Ngài, đã nói lên sự thật
muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả hoàn toàn lời mời gọi của Thiên Chúa:
“Ngài không sợ hãi,lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho
công bình và chân lý”.
(Lm Nguyễn Hưng Lợi)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám
29
THÁNG TÁM
Một
Số Công Tác Đặc Biệt Được Phác Họa Bởi Thượng Hội Đồng Giám Mục
Cuối
kỳ Thượng Hội Đồng Giám Mục này, một số công tác chuyên biệt được đề ra một
cách ưu tiên là:
-
Công bố bản giáo luật cho các Giáo Hội thuộc nghi thức Đông Phương.
-
Soạn thủ bản giáo lý để được sử dụng cho Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.
-
Nghiên cứu sâu xa về bản chất của các hội đồng giám mục được tổ chức theo cấp
quốc gia.
Ủy
Ban thư ký của Thượng Hội Đồng đã được mời gọi hợp tác trong việc triển khai một
kế hoạch thực hiện các đề nghị của Thượng Hội Đồng. Về giáo luật cho các Giáo Hội
Đông Phương, một ủy ban đặc biệt đang làm việc để đảm bảo rằng các Giáo Hội
Đông Phương đáng kính sẽ nhận được một bản giáo luật không chỉ tôn trọng các
truyền thống của các Giáo Hội này mà nhất là nhìn nhận vai trò và sứ mạng của
các Giáo Hội này trong tương lai của Giáo Hội phổ quát.
Chúng
ta hãy cầu nguyện cho tất cả các công việc này được hoàn thành nhờ sức mạnh và
sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức
dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 29/8 - Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Gr 1, 17-19; Mc 6, 17-29
LỜI SUY NIỆM: Trong
câu chuyện Thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết cho chúng ta thấy. Vua Hêrôđê đã
có tình bưng bít một cái tội, mà Thánh Gioan đã can ngăn, nên vua đã bắt giam
Gioan. Bà Hêrôđia đồng phạm với vua Hêrôđê, nên cũng căm ghét Gioan, tìm cách
giết Gioan. Thời cơ đã đến sau màn vũ của con gái, với lời hứa không suy tính của
nhà vua, đã đem lại sự trảm quyết Gioan, theo ý của Hêrôđia. Điều này cho chúng
ta thấy được sự nguy hại của tội, khởi đầu không là chi, nhưng những cái mà
mình không biết, nó chính là cái tệ hại và nguy hiểm cho chính mình và người
khác. Nên chúng ta cần phải biết lắng nghe để sửa đổi mình lại.
Mạnh Phương
Gương Thánh nhân
Ngày 29/08 - KÍNH NHỚ CUỘC KHỔ NẠN THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
Ngày 29 tháng 8,
Giáo hội kính nhớ việc thánh Gioan tẩy giả bị chặt đầu, nghĩa là cuộc tử nạn của
Ngài. Vị tiền hô lừng danh này từ thiếu thời, đã lui vào sa mạc để sống khoảng
25 năm khổ hạnh. Vào tuổi 29, Ngài được lệnh từ trời cao sai đến bên bờ sông Jordanô
giảng phép thống hối và loan báo việc Đấng Thiên sai sắp tới. Khắp nơi, người
ta đến với Ngài.
Khi ấy, Chúa Giêsu từ
Galilê tới xin Ngài rửa cho. Danh tiếng Ngài lẫy lừng khiến người Do thái sai sứ
giả đến chất vấn Ngài, Ngài khiêm tốn trả lời: - Tôi không phải là đức Kitô.
Họ hỏi lại : - Vậy
thì là ai ?
Ông đáp : - Tôi là
tiếng kêu trong sa mạc: hãy bạt lối Chúa đi.
Họ lại hỏi thêm: vậy
tại sao ông dám thanh tẩy ?
Ông trả lời: phần
tôi, tôi thanh tẩy bằng nước. Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai
dép Ngài (Ga 1,19-27).
Rất mực khiêm tốn,
nhưng tiếng tăm Ngài đã thấu tai Hêrôdê. Ong vua này biết Gioan "là người
công chính và lành thánh nên vẫn che chở. Nghe ông thì Hêrôđê đâm phân vân nhiều
nỗi nhưng lại cứ thích nghe" (Mc 6,20). Hêrôdê bị Gioan bắt lỗi về việc
ông ta cưới Hêrôdia vợ của anh ông làm vợ mình. - Ông không được phép lấy vợ của
anh (Mc 1,8).
Lời nói ấy phải trả
giá bằng sự tự do. Gioan bị bắt tù. Nhưng việc tù tội của Gioan không làm giảm
cơn giận của người đàn bà tội lỗi. Bà ta quyết tìm cách giết Gioan. Nhân một bữa
tiệc Hêrôdê thết đãi tại hoàng cung, con gái mụ Hêrôdiađê vào nhảy múa giúp
vui, nhà vua vui thích lắm, và hứa cho bất cứ gì nó muốn, ra hỏi người mẹ, nó
trở lại hoàng cung và thưa: - Thần muốn Ngài ngự ban cho ngay trên chiếc đĩa
cái đầu của Gioan Tẩy giả ( Mc 6,25)
Buồn phiền, nhưng vì
đã lỡ thề hứa trước mặt quan khách, Hêrôđê đã sai thị vệ đi chặt đầu thánh
nhân. Cái chết của thánh Gioan tẩy giả xảy ra khoảng một năm trước cuộc tử nạn
của Chúa Giêsu.
(daminhvn.net)
Thứ Năm 29-8
Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Chém Ðầu
L
|
ời thề khi say sưa của
một vị vua coi thường danh dự, một điệu vũ mê hoặc và một con tim hận thù của
hoàng hậu đã đưa đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Vị ngôn sứ vĩ đại nhất đã chịu
chung số phận như nhiều ngôn sứ khác trong Cựu Ước: bị tẩy chay và tử đạo. "Tiếng
kêu trong sa mạc" không ngần ngại lên án kẻ có tội, và dám nói lên sự
thật. Tại sao ngài làm như vậy? Ngài được gì khi hy sinh mạng sống mình?
Nhà cải cách tôn giáo
này đã được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị dân chúng đón nhận Ðấng Thiên Sai.
Ơn gọi của ngài là một hy sinh cách vị tha. Chỉ có một quyền năng mà ngài công
bố là Thần Khí Thiên Chúa. "Tôi làm phép rửa cho các người với nước để
giục lòng sám hối, nhưng Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi. Tôi không đáng
xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các ngươi trong Thánh Thần và lửa"
(Mátthêu 3:11). Phúc Âm kể cho chúng ta biết có nhiều người theo Gioan để tìm
kiếm hy vọng, có lẽ vì nóng lòng chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Gioan không bao giờ tự
nhận cho mình cái vinh dự giả dối khi dân chúng tuốn đến với ngài. Ngài biết ơn
gọi của mình là sự chuẩn bị. Khi đã đến lúc, ngài dẫn các môn đệ đến với Chúa
Giêsu: "Hôm sau, ông Gioan lại có mặt ở đó với hai môn đệ của ông và
khi thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, ông nói: 'Ðây là Chiên Thiên Chúa.' Hai môn đệ
nghe nói, liền đi theo Ðức Giêsu" (Gioan 1:35-37)
Chính Gioan Tẩy Giả là
người đã chỉ đường đến Ðức Kitô. Ðời sống và cái chết của Gioan là để hy sinh
cho Thiên Chúa và loài người. Lối sống đơn giản của ngài thực sự là lối sống
tách biệt khỏi vật chất thế gian. Tâm hồn của ngài đặt trọng tâm ở Thiên Chúa
và lời mời gọi ngài nghe được từ Thần Khí Thiên Chúa đã đánh động tâm hồn ngài.
Tin tưởng ở ơn Chúa, ngài đã can đảm nói những lời kết tội hoặc kêu gọi sám
hối, vì sự cứu độ.
Lời Bàn
Mỗi người đều có một ơn
gọi mà họ phải lắng nghe. Không ai có thể lập lại sứ vụ của Thánh Gioan, và tất
cả chúng ta đều được kêu gọi đến một sứ vụ riêng biệt. Ðó là vai trò làm chứng
nhân cho Ðức Giêsu của mỗi một Kitô Hữu. Bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống,
chúng ta được mời gọi để trở nên môn đệ của Ðức Kitô. Qua hành động và lời nói,
người khác sẽ nhận thấy chúng ta đang sống trong niềm vui khi tin nhận Ðức
Giêsu là Chúa chúng ta. Chúng ta không bị gò bó bởi sức mạnh hạn hẹp của chính
chúng ta, nhưng chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh từ ơn cứu độ bao la của Ðức
Kitô.
Lời Trích
"Họ đến gặp
Gioan và nói: 'Thưa thầy, người đã ở với thầy bên kia sông Giođan, và được thầy
chứng thực, bây giờ ông ấy đang làm phép rửa, và mọi người đều đến với ông
ấy." Gioan trả lời: 'Không ai có thể nhận được gì mà không do trời ban.
Chính anh em làm chứng là tôi đã nói: tôi không phải là Ðấng Thiên Sai, mà chỉ
là kẻ được sai đến trước Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể; người phù
rể đứng ở đó thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng rể. Như vậy
niềm vui của tôi đã được trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ
đi" (Gioan 3:26-30).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét