Trang

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Thần học tội lỗi của Đức Phanxicô

Thần học tội lỗi của Đức Phanxicô
Vũ Văn An8/29/2013

Cho tới nay, cuộc họp báo trên chuyến bay từ Rio về Rôma hồi cuối tháng Bẩy của Đức Phanxicô đã được dư luận khắp thế giới bình luận. Tất nhiên truyền thông thế tục rất khoái khi thấy người cầm đầu Giáo Hội Công Giáo không ngại sử dụng các từ ngữ như “gay”. Câu họ khoái nhất là câu “tôi là ai mà dám phê phán họ”. Họ đây được truyền thông thế tục hiểu là người đồng tính nói chung, bất kể là chỉ có khuynh hướng hay thực sự hành động. Trong khi Đức Phanxicô rõ ràng nói tới những người đồng tính thực sự đi tìm Thiên Chúa và có thiện chí. 

Tuy nhiên, điều truyền thông đời phớt lờ hơn cả trong số các phát biểu quan yếu của Đức Phanxicô, ngay trong phần nói về đồng tính, là câu ngài nói về tội lỗi: “Điều quan trọng là nền thần học tội lỗi”. 

Không gì bộc trực hơn khi các lời ấy được nói với một thế giới vốn bác bỏ chính ý niệm tội lỗi. Và đấy là điều luôn được vị giáo hoàng này nhấn mạnh. Kể từ lúc được nâng lên hàng giám mục, và nhất là từ lúc được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô luôn luôn thông truyền “nền thần học tội lỗi” một cách mạnh mẽ và minh bạch. 

Ngài thường tới lui với chủ đề: tất cả chúng ta đều là người có tội, đã xúc phạm tới Thiên Chúa , cần xét lương tâm hàng ngày, và cải thiện đời sống. Ngài cũng nhắc đến ngài như người tội lỗi, công khai xin tha thứ tội lỗi, và yêu cầu mọi người cầu nguyện cho ngài. Chính trong cuộc họp báo nói trên, khi được hỏi tại sao ngài cứ năn nỉ xin người ta cầu nguyện cho ngài, ngài đã trả lời như một mục tử đích thật rằng:

“Tôi luôn luôn xin điều đó. Lúc còn là một linh mục, tôi đã xin như thế rồi... Tôi bắt đầu xin điều ấy nhiều hơn khi làm giám mục, vì tôi cảm thấy nếu Chúa không giúp vào việc giúp Dân Chúa tiến lên này, thì nó không thể thực hiện được. Tôi biết mình có nhiều hạn chế, có rất nhiều vấn đề, và tôi, một kẻ tội lỗi, như qúi vị thấy đấy! Nên tôi phải xin điều ấy... Nó phát xuất từ bên trong. Tôi cũng xin Đức Mẹ cầu cùng Chúa cho tôi nữa. Đây là một thói quen, nhưng là một thói quen phát xuất từ trái tim tôi và cũng là một nhu cầu thực sự nữa do công việc của tôi”

Tháng Tư vừa qua, Đức Phanxicô mô tả nền thần học tội lỗi của ngài như một diễn trình gồm 3 phần. Phần thứ nhất là nhìn nhận bóng tối của cuộc sống hiện đại, một bóng tối dẫn tới không biết bao lầm lạc: 

“Bước đi trong bóng tối là quá hài lòng với chính mình, tin rằng ta không cần ơn cứu rỗi. Đó chính là bóng tối! Khi ta tiếp tục con đường tối tăm này, thật khó có thể quay gót. Bởi thế, Thánh Gioan nói tiếp, vì lối suy nghĩ này khiến ngài suy tư: “nếu nói ta không có tội, là ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong ta”. Anh chị em hãy nhìn vào tội lỗi anh chị em, vào tội lỗi chúng ta, tất cả chúng ta đều là người tội lỗi, tất cả chúng ta... Đây là điểm khởi đầu”.

Phần thứ hai là hiểu ra rằng xưng tội không phải chỉ là cách tẩy vết nhơ khỏi linh hồn ta, như thể tòa giải tội là tiệm giặt ủi thần học, mà đúng hơn là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng luôn sẵn sàng tha thứ tội lỗi và biến đổi đời ta. Nhưng để tiếp nhận ơn chữa lành của Người, ta phải nhìn nhận không những tội lỗi ta, mà cả sự ân hận của ta khi vi phạm ý Người. Ta phải sẵn lòng nói như Đức Phanxicô:

“ ‘Lạy Chúa, Chúa hãy nhìn xem... con là thế này đây’. Ta thường hay mắc cỡ khi phải nói sự thật: ‘tôi làm điều này, tôi nghĩ điều này’. Nhưng mắc cỡ là một nhân đức Kitô Giáo đích thật, và cả nhân bản nữa... Anh chị em phải đứng trước mặt Chúa ‘với sự thật của kẻ có tội’... Ta đừng nên giả trang trước mặt Thiên Chúa... Đây là nhân đức mà Chúa Giêsu yêu cầu ở nơi ta: khiêm nhường và hiền lành”. 

Phần thứ ba của diễn trình này là tuyệt đối tin Thiên Chúa sẽ canh tân ta. “Ta phải tin tưởng, vì khi phạm tội, ta có đấng bào chữa ta với Chúa Cha, là ‘Chúa Giêsu Kitô công chính’. Và Người luôn ‘hỗ trợ ta trước mặt Chúa Cha’ và bênh vực ta trước mọi yếu đuối của ta”. 

Trong bài nói chuyện với các tu sĩ Dòng Tên nhân ngày lễ Thánh Inhaxiô, Đức Phanxicô tóm tắt cái nhìn Công Giáo của ngài về đời sống như sau: “phải đặt Chúa Kitô và Giáo Hội vào trung tâm; phải để Người chinh phục ta để ta phục vụ; phải cảm thấy ân hận về các giới hạn và tội lỗi của ta, ngõ hầu khiêm nhường trước mặt Người”. 

Ta sẽ học hỏi nhiều hơn nếu đem so sánh quan điểm của Đức Phanxicô với quan điểm của thế giới duy tục. Ngài coi việc làm tình bên ngoài hôn nhân đương nhiên là sai lầm; thế gian không nghĩ thế, và càng ngày nó càng không tin cả định nghĩa đúng đắn về hôn nhân. Đức Phanxicô chủ trương việc cấp thiết phải xưng tội; thế gian chủ trương phải cử hành và biện minh cho tội lỗi. Ngài tin rằng điều cốt yếu là phải nhìn nhận và cổ vũ một quan niệm Kitô Giáo lành mạnh về mắc cỡ, ân hận, còn thế gian thì chế nhạo chính quan niệm mắc cỡ ấy. Có lẽ đó là lý do tại sao, trong bài diễn văn tháng Tư, ngài đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất đối với những người không biết mắc cỡ: 

“Tôi không biết tiếng Ý có kiểu nói nào tương tự hay không, nhưng ở xứ tôi (Á Căn Đình), những người không bao giờ mắc cỡ được gọi là ‘sin verguenza’: có nghĩa là trâng tráo, vì họ không có khả năng mắc cỡ; mắc cỡ vốn là nhân đức của người khiêm nhường, của những người nam nữ biết khiêm nhường”. 

Trong một cột báo gần đây, John Allen cho rằng Đức Phanxicô đã trở thành “vị Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót” vì “ý niệm nói lên con người của ngài là lòng thương xót. Ngài nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại tới khả năng tha thứ vô biên của Thiên Chúa, làm nổi bật điều thế giới cần nghe hơn cả từ Giáo Hội ngày nay là sứ điệp xót thương”. 

Điều ấy chắc chắn không sai, tuy nhiên, điều cũng đúng là cái hiểu của Đức Phanxicô về xót thương không phải là cái hiểu của những người bất đồng và duy tục, càng không phải là loại xót thương lầm lẫn mà Đấng Đáng Kính Fulton Sheen đã mạnh mẽ vạch trần và bác bỏ. Lòng xót thương Kitô Giáo thật sự giả thiết phải có một trật tự luân lý vững chắc với một giáo huấn rõ ràng về thiện và ác: nó không phải là ý niệm không đầu đuôi, bất định, thả nổi; nó cũng không phải là khúc nhạc dạo đầu dẫn tới các lý thuyết luân lý đổi thay. 

Giáo huấn về xót thương của Đức Phanxicô rất đẹp và gợi hứng, nhưng nó bắt nguồn từ một nền thần học đầy đủ về tội lỗi, một nền thần học mà giáo huấn kia không bao giờ xa lìa. Nền thần học này bao gồm việc thừa nhận tính đáng xấu hổ về các tội trọng của ta, và việc cần từ bỏ chúng, với sự trợ giúp của Chúa Giêsu. Chỉ khi ấy, ta mới cảm nhận được niềm vui và sự chữa lành đầy đủ từ Con Người đầy lòng xót thương. 


(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét