Thứ Bảy Ngày 17/08/2013
Tuần 19 Mùa Thường Niên Năm Lẻ
BÀI ĐỌC I: Gs 24, 14-29
"Hôm nay các ngươi
hãy tuỳ ý chọn phải tôn thờ ai hơn".
Trích
sách ông Giosuê.
Trong những ngày ấy, Giosuê nói với dân chúng rằng: "Giờ
đây, các ngươi hãy kính sợ Chúa và tôn thờ Người với tâm hồn thiện hảo và chân
thành. Hãy loại bỏ những thần cha ông các ngươi đã tôn thờ trong xứ Mêsôpôtamia
và ở Ai-cập, mà tôn thờ Chúa. Còn nếu các ngươi không muốn tôn thờ Thiên Chúa,
thì cho các ngươi lựa chọn: hôm nay, các ngươi hãy tùy ý chọn phải tôn thờ ai
hơn: hoặc là các thần cha ông các ngươi đã tôn thờ ở Mêsôpôtamia, hoặc các thần
của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở. Phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ
tôn thờ Chúa".
Dân trả lời rằng: "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà
tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã dẫn
chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Người đã làm những
việc kỳ diệu cả thể trước mắt chúng tôi và đã gìn giữ chúng tôi suốt con đường
chúng tôi đã đi, giữa tất cả mọi dân chúng tôi đã đi qua. Chúa đã trục xuất tất
cả những dân đó cũng như người Amôrê trên phần đất chúng tôi đã tiến vào. Vậy
chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa, vì chính Người là Thiên Chúa chúng tôi".
Bấy giờ Giosuê nói với dân chúng rằng: "Các ngươi không thể
tôn thờ Chúa được, vì Người là Thiên Chúa chí thánh, Thiên Chúa ghen tương, sẽ
không tha thứ những tội ác và lỗi lầm của các ngươi. Nếu các ngươi bỏ Chúa mà
tôn thờ các thần ngoại, Người sẽ trở lại giáng hoạ trên các ngươi và tiêu diệt
các ngươi, sau khi đã thi ân cho các ngươi".
Dân chúng thưa với Giosuê rằng: "Không phải như ông nói
đâu, nhưng chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". Giosuê liền bảo dân chúng rằng:
"Vậy các ngươi hãy tự làm chứng rằng: chính các ngươi đã chọn Chúa để tôn
thờ Người". Họ đáp: "Chúng tôi xin làm chứng". Ông nói: "Vậy
thì hãy loại bỏ những thần ngoại ra khỏi các ngươi và hướng lòng về Chúa là
Thiên Chúa Israel". Dân chúng thưa với Giosuê rằng: "Chúng tôi sẽ tôn
thờ Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, và sẽ tuân phục các mệnh lệnh của Người".
Hôm ấy, Giosuê lập giao ước, ấn định quy chế và luật lệ cho dân ở
Sikem. Giosuê ghi chép các lời đó vào sách Luật của Chúa, rồi lấy một tảng đá thật
lớn và dựng lên dưới cây sồi ở trong nơi thánh của Chúa, và nói với toàn dân rằng:
"Đây, tảng đá này sẽ làm chứng cho các ngươi, vì nó đã nghe mọi lời Chúa
phán với các ngươi, kẻo sau này các ngươi chối bỏ và lừa dối Chúa là Thiên Chúa
các ngươi". Sau đó, Giosuê giải tán dân chúng và ai nấy trở về với phần đất
của mình. Sau những sự việc đó, Giosuê, con ông Nun, tôi tớ Chúa, qua đời, hưởng
thọ một trăm mười tuổi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 11
Đáp: Lạy Chúa, Chúa là phần
gia nghiệp của con (x. c. 5a).
1)
Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài
là Chúa tể con! Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con; chính Ngài nắm giữ
vận mạng của con. - Đáp.
2)
Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo. Đó là điều lòng con tự nhủ,
cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên
hữu con, con sẽ không nao núng. - Đáp.
3)
Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên
nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời. - Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 18
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt con, để con tuân cứ luật pháp của
Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 19, 13-15
"Đừng ngăn cấm các
trẻ nhỏ đến với Ta, vì Nước Trời là của những người giống như chúng".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt
tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ
liền quở trách chúng, nhưng chúa Giêsu bảo:
"Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời
là của những người giống như chúng". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Cầu Nguyện Cùng Mẹ
Maria
Tin
Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta tinh thần của những kẻ bé mọn và trẻ thơ. Trên
đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu rất quan tâm đến những cuộc gặp gỡ của Ngài với
những kẻ bé mọn, hạng người bị bỏ rơi, mà đại biểu là trẻ em. Hình như các môn
đệ luôn có thái độ vệ binh đối với Chúa Giêsu. Họ thường nghĩ có nghĩa vụ phải
bảo vệ Ngài, bởi vì theo họ một bậc thiên sai và quân vương không thể để cho trẻ
em và những kẻ hèn hạ đến gần. Nhưng Chúa Giêsu không phải là Ðấng Thiên Sai
theo ý nghĩ và sự chờ đợi của các môn đệ, Ngài có cái nhìn về sứ mạng của Ngài
và về con người khác với các ông.
Chúa
Giêsu chỉ thực hiện sứ mạng thiên sai của mình qua con đường thập giá và Ngài
chỉ thực sự gần gũi với những ai mang lấy gương mặt khổ đau như Ngài, tức là những
kẻ bé mọn, những người bị bỏ rơi, những kẻ bị gạt ra bên lề xã hội. Cũng như
Chúa Giêsu, Ðấng hoàn toàn vâng phục và phó thác cho Thiên Chúa, những kẻ bé mọn
ấy không còn biết bám víu vào sức mạnh và quyền lực nào khác hơn là chính Thiên
Chúa. Họ là những người nghèo của Giavê như Cựu Ước đã từng loan báo. Vũ khí của
họ, sức mạnh của họ, nơi nương tựa duy nhất của họ, lẽ sống của họ là chính
Chúa. Chúa Giêsu đề cao những con người ấy và Ngài mời gọi những ai muốn làm đồ
đệ Ngài cũng hãy mặc lấy tâm tình phó thác và tin yêu những con người ấy.
Kỳ
thực, lịch sử vẫn tiếp tục chứng minh rằng chìa khóa của nhiều vấn đề lớn của
nhân loại không nằm trong khoa học kỹ thuật và sức mạnh của vũ khí. Sứ điệp và
bí mật Fatima đã được ứng nghiệm. Ba trẻ em vô học và nghèo nàn tại một ngôi
làng nhỏ bên Bồ Ðào Nha đã chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh vô song của lời
cầu nguyện, tức của lòng tin và lòng phó thác của con người. Lời tiên tri của Mẹ
Maria vẫn tiếp tục được ứng nghiệm: Người cất khỏi tòa cao những người quyền thế
và nâng dậy những ai ở khiêm nhường.
Kính
nhớ Mẹ trong ngày thứ bảy này, chúng ta cùng cầu nguyện với chính tâm tình của
Mẹ.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 19 TN1
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần đặt niềm tin tưởng
tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Giới
răn đầu tiên của Thập Giới là giới răn nền tảng và quan trọng nhất. Nền tảng vì
nó đặt nền cho tất cả các giới răn khác, nếu một người không biết kính sợ Thiên
Chúa, họ cũng chẳng thực thi các giới răn của Ngài. Quan trọng vì nó xác định
tương lai của con người có được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa hay không.
Các
bài đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng của việc con người phải đặt niềm
tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Trong bài đọc I, thủ lãnh Joshua cũng giống
như ông Moses, trước khi lìa đời, ông tập họp dân chúng lại để cắt nghĩa tầm
quan trọng của việc tin yêu Thiên Chúa; sau đó ông truyền cho họ cam kết lời thề
và ký kết lại giao ước giữa họ với Thiên Chúa là họ sẽ thành tâm tin tưởng
Thiên Chúa và bước đi trong đường lối của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu la rầy
các môn đệ vì họ ngăn cản các trẻ nhỏ không cho chúng đến với Ngài. Chúa Giêsu
tuyên bố: “Nước Trời là của những ai giống như chúng.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Trách nhiệm của mỗi người về hành động mình làm.
1.1/
Đối thoại giữa thủ lãnh Joshua và con cái Israel: Những nhà lãnh đạo khôn ngoan biết đâu là
cốt tủy và nền tảng của cuộc sống của dân chúng. Giống như ông Moses trong bài
đọc hôm qua, thủ lãnh Joshua biết việc tin yêu và giữ các giới răn là điều sống
còn cho cuộc sống của con cái Israel, nên trước khi chết, ông tập họp tất cả
dân chúng lại trước tôn nhan Thiên Chúa để lặp lại lời thề. Thủ lãnh Joshua
nói: “Bây giờ anh em hãy kính sợ Đức Chúa, hãy chân thành và trung tín phụng thờ
Người. Anh em hãy vất bỏ các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả
và ở Ai-cập, và hãy phụng thờ Đức Chúa. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi
sẽ phụng thờ Đức Chúa.”
Dân
chúng có tự do để làm quyết định: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức
Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh
em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người Emorites mà anh em
đã chiếm đất để ở. "
Con
cái Israel đáp lại: "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ
các thần khác!” Họ nêu ra những lý do đàng sau quyết định của họ: (1) Vì chính
Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi
lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn
lao; (2) Ngài đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi
dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua; và (3) Đức Chúa đã đuổi cho khuất mắt chúng
tôi mọi dân tộc cũng như người Emorites ở trong xứ. Họ kết luận: “Về phần chúng
tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng
tôi."
1.2/
Hậu quả phải chịu nếu họ phản bội Thiên Chúa: Tiếp đến, ông Joshua làm 3 việc:
(1)
Liệt kê hậu quả phải chịu: "Anh em sẽ không thể phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên
Chúa thánh thiện, Thiên Chúa ghen tương; Người sẽ không dung thứ tội phản nghịch
cũng như tội lỗi của anh em đâu. Nếu anh em lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần
ngoại, Người sẽ quay lại chống anh em, giáng hoạ xuống anh em và tiêu diệt anh
em, dù trước đây Người đã giáng phúc cho anh em."
(2)
Cam kết trước Thiên Chúa: Ông Joshua nói với dân: "Anh em hãy cam đoan với chính mình
là anh em đã chọn Đức Chúa để phụng thờ." Họ nói: "Xin cam
đoan!" Hai điều dân chúng xin cam kết là: "Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức
Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, và chúng tôi sẽ nghe lời Người."
(3)
Ký kết giao ước: Trong ngày ấy, ông Joshua thay mặt dân kết giao ước, ông đưa ra
quy luật và điều luật ở Shechem. Ông Joshua viết những lời đó trong Sách Luật của
Thiên Chúa. Ông lấy một tảng đá lớn và dựng ở đó, dưới cây sồi trong nơi thánh
của Đức Chúa. Ông Joshua nói với toàn dân: "Đây, tảng đá này sẽ làm chứng
về những điều chúng ta đã cam đoan, vì nó đã nghe mọi lời Đức Chúa phán với
chúng ta. Nó sẽ làm chứng về những điều anh em đã cam đoan, kẻo anh em chối bỏ
Thiên Chúa của anh em."
2/
Phúc Âm: Nước Trời là của những người giống như con trẻ?
2.1/
Tại sao các môn đệ la rầy trẻ nhỏ? Trẻ em thường ồn ào và chạy nhảy lung tung làm chia trí cuộc đàm
thọai hay cần được nghỉ ngơi của người lớn. Các môn đệ thấy Thầy mình bận rộn tối
ngày, hết giảng dạy rồi lại chữa bệnh, xuất hiện ở đâu cũng kéo theo một đám
đông ồn ào chen lấn, nên các ông có lý do để la rầy và ngăn cản không cho chúng
đến. Hiểu ý hướng tốt lành của họ nên Chúa Giêsu không trách các ông, Ngài chỉ
nói: Cứ để trẻ em đến với Thầy! Đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những
ai giống như chúng." Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
Qua
bài học này, Chúa Giêsu dạy cho những người lãnh đạo một bài học quan trọng để
có thể đối đầu với đòi hỏi của đám đông. Khi chọn xuất hiện nơi công cộng là chọn
để cho đám đông đến với mình, đừng khinh thường và trốn tránh họ vì sứ vụ và thành
công của mình phần lớn cũng liên quan tới họ. Có những người sau khi đã nổi tiếng
tìm cách bảo vệ mình và xa lánh đám đông nên họ cũng từ từ rơi vào quên lãng.
Tuy nhiên, Chúa cũng không dạy dành hết thời giờ cho đám đông mà quên đi việc
nghỉ ngơi bồi dưỡng. Chúa đã từng nhắc nhở các môn đệ: “Các con hãy lui vào nơi
thanh vắng mà nghỉ ngơi” (Mk 6:31); hay Chúa bảo các ông xuống thuyền và chèo
qua bờ bên kia trong khi Chúa giải tán đám đông đang muốn tuyên xưng Chúa làm
vua cai trị họ (Mt 14:22). Và rất nhiều lần, Ngài đã bỏ đám đông và các môn đệ
để lên núi cầu nguyện một mình (Mt 14:23, Lk 9:18, Jn 6:15). Chúa biết cách làm
chủ thời gian và xử thế trong mọi trạng huống xảy ra cho Ngài.
2.2/
Người lớn cần trở nên giống trẻ về phương diện nào? Chắc chắn Chúa không đòi
chúng ta trở nên trẻ nhỏ về mọi phương diện vì chúng cũng có những điều cần phải
học để trưởng thành hơn, nhưng một số các đặc tính của trẻ rất cần cho mối liên
hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa như:
(1)
Trẻ thơ tuyệt đối tin tưởng nơi cha mẹ chứ không nơi chúng hay người ngòai, chúng ta cũng phải tuyệt đối
tin tưởng nơi Thiên Chúa chứ không nơi bất cứ quyền lực nào khác, ngay cả chính
mình.
(2)
Cha mẹ dạy sao nghe vậy, chúng chưa biết bướng bỉnh cãi lại; chúng ta cũng cần có thái
độ như vậy khi tiếp cận các giới răn của Chúa, đừng lý sự để tìm cách biện minh
cho các hành động sai trái của mình.
(3)
Trẻ thơ cần gì xin đấy, hết rồi lại xin thêm, chúng không biết tích trữ phòng hờ; Chúa
cũng đòi chúng ta như thế, lương thực này nào đủ cho ngày đó chứ không lo tích
trữ cho cả một đời trong khi biết bao người cần có của ăn hằng ngày.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Mỗi người phải chịu trách nhiệm về các hành động và cuộc đời mình. Chúng ta đừng
đổ tội cho tiền nhân cũng đừng tùy thuộc vào công đức của hậu thế.
-
Chúng ta cần có một niềm tin vững vàng nơi Thiên Chúa như con trẻ tin vào cha mẹ
chúng; đừng để những bon chen của cuộc sống làm chúng ta mất đi niềm tin này.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 19 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 19,13-15
A. Hạt giống...
Người do thái coi khinh trẻ nhỏ, vì chúng chưa
đến hội đường để học cho nên chưa biết Luật Môsê. Trong chuyện này, các môn đệ
cũng theo quan điểm khinh thường trẻ nhỏ như thế, cho nên khi người ta đem
chúng đến với Chúa Giêsu thì các ông đuổi. Đó là thái độ khai trừ.
Chúa Giêsu không đồng ý với thái độ khai trừ đó.
Ngài bảo “Cứ để trẻ em đến với Thầy và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc
về những ai giống như chúng” : Trẻ nhỏ (và những người giống như chúng) được
Người đề cao không phải vì chúng khờ dại hoặc yếu ớt mà vì 2 lý do : 1/ Chúng
bị xã hội “khai trừ”. Mà ai bị người đời khai trừ thì Thiên Chúa lại che
chở ; 2/ Chúng ngoan ngoãn lệ thuộc và tín nhiệm người lớn (trẻ nhỏ dễ
nghe, dễ vâng lời). Hai điểm này khiến chúng trở thành những “người nghèo” được
Thiên Chúa ưu ái.
B.... nẩy mầm.
1. Người đời quen phân biệt ai là người mình nên
trọng ai là kẻ mình khinh thường. Ngày xưa người do thái khinh thường và khai
trừ một số người khỏi sinh hoạt chung của xã hội và tôn giáo, đó là phụ nữ,
người cùi, người tội lỗi công khai và trẻ nhỏ…. Đặc điểm của Kitô giáo và đặc
biệt của Công giáo là mở rộng vòng tay tiếp đón mọi người không khai trừ ai.
Nhưng đó mới chỉ là thái độ của Chúa Giêsu thôi.
Đó có phải là thái độ của mọi kitô hữu chưa ?
2. Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm
chúng” : người lớn ngăn cấm trẻ nhỏ đến với Chúa bằng nhiều cách : không dẫn
chúng đến nhà thờ, không tạo điều kiện cho chúng học giáo lý, làm gương xấu,
gieo vào đầu óc ngây thơ của chúng những ý tưởng đen tối v.v.
3. Một cậu bé gõ cửa nhà một bà già và hỏi xem bà
có mua những trái trứng cá chín mọng cậu vừa hái được. Bà trả lời : “Có, bà sẽ
xách xô của cháu vào bếp và đong 2 lít”.
Cậu bé đứng ngoài đùa với con chó. Bà nói : “Sao
cháu không vào xem bà đong có đúng không ? Nhỡ bà lường gạt cháu thì sao ?”
- Cháu không sợ, vì làm thế bà sẽ nhận được điều
xấu nhất.
- Cháu muốn nói gì ?
- Vì cháu chỉ mất vài trái nhỏ, nhưng bà tự biến
mình thành kẻ trộm. (Góp nhặt)
4. Chúa Giêsu nói : “Cứ để trẻ em đến với Thầy,
đừng ngăn cấm chúng vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 19,14)
Con đường nhỏ xíu, chay ngoằn ngoèo. Nước chảy
lênh láng, những dãy nhà nhô ra thụt vào mất trật tự như đám con nít xóm này.
Không thể tưởng tượng ở đâu ra nhiều con nít đến thế. Chúng dơ bẩn, áo quần cũ
rích, chạy lung tung ngoài đường, nói bậy luôn mồm. Một cậu bé mải chơi đâm sầm
vào một bà đi đường. Té ngã, thằng bé văng tục. Bà kia quát : “Đồ du côn, đồ
mất dạy...” Lời “giáo huấn” tưởng chùng không bao giờ kết thúc.
Là ai, nếu không phải người lớn đã vô tình hoặc
cố ý làm vấy bẩn tâm hồn trong trắng của các em. Hơn ai hết, chúng đủ tư cách
được hưởng hạnh phúc nhất, nhưng xã hội lại rất nhẫn tâm đè bẹp những cánh hoa
mong manh ấy bằng những gương xấu, bằng cơ chế nghèo hèn, thất học. Thậm chí những
em kém may mắn bị đẩy ra đời sớm còn tiêm nhiễm biết bao thói hư tật xấu. Thiên
đàng của các em là đâu !
Xã hội phân hoá giàu nghèo, con người quay cuồng
với miếng cơm manh áo. Nhưng xin Cha cho chúng con luôn biết nhớ và tôn trọng
quyền được chăm sóc, giáo dục của trẻ em. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp. Cần Thơ
17/08/13 THỨ BẢY TUẦN 19 TN
Mt 19,13-15
Mt 19,13-15
ĐỂ TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA
Chúa Giê-su nói :”Cứ để trẻ em
đến với Thầy, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)
Suy niệm: Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su nói Nước
Trời thuộc về những người hiền lành, nghèo khó, trong sạch… nhưng lại không nói
rõ đó là những ai, thuộc lứa tuổi nào. Còn ở đây Chúa cho biết rõ: “Nước Trời
thuộc về những người giống như các trẻ nhỏ”. Do đó, để trở nên như trẻ nhỏ
trước mắt Thiên Chúa, phải có những tiêu chuẩn của Tám Mối Phúc Thật. Quả thật,
trẻ nhỏ bất luận là da trắng, da vàng hay da đen đều dễ thương vì những nét
hiền lành, trong sách nhân ái… Tiếc thay, những nét dễ thương ấy lắm khi đã sớm
biến mất trên những khuôn mặt còn măng sữa, bởi vì biết bao người đang ngăn cản
chúng đến với Chúa bằng bạo lực, dâm ô, gian dối tham lam, ích kỷ… Chúa nói
những người làm như thế đáng phải cột cối đá vào cổ mà quăng xuống biển để khỏi
làm gương xấu cho trẻ nhỏ nữa.
Mời Bạn: Kiểm điểm và thanh lọc những gì có thể gây
gương xấu: - nơi bạn: lời nói, hành động, tác
phong; - nơi gia đình bạn: sách báo, hình ảnh, những
chương trình TV xen lẫn những cảnh bạo lực dâm ô… Và bạn hãy hướng dẫn con em biết cách tự bảo
vệ trước những gương xấu ngoài xã hội.
Nói riêng với các thiếu nhi: Các em cương quyết bảo vệ sự đơn sơ trong
trắng của mình bằng cách luôn luôn nói “không” với điều xấu. Nhớ lời thánh trẻ
Đa-minh Xa-vi-ô: “Thà chết chứ không phạm tội”.
Sống Lời Chúa: Nỗ lực đấu tranh để xoá bỏ những gương xấu cho
trẻ nhỏ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù tuổi đời con là bao đi nữa, xin cho con luôn sống
tinh thần trẻ thơ trước nhan Chúa.
Để
trẻ em đến với Thầy
Trẻ em có chỗ trong Nước Trời và trong Giáo Hội tại
thế. Các em cũng là thành viên trong cộng đoàn đức tin.
Suy
niệm:
Bàn
tay con người thật là cao quý.
Trong
Cựu Ước, Đức Chúa muốn ông Môsê đặt tay trên ông Giosuê
để
chia sẻ cho ông này quyền lãnh đạo dân (Ds 27, 18. 23).
Cụ
Giacóp đã chúc phúc cho hai đứa cháu là Épraim và Mơnase
bằng cách đưa hai tay đặt
trên đầu chúng (St 48, 14).
Cử chỉ đặt tay trên cũng
thường thấy trong Giáo Hội thuở ban đầu.
Chúa Thánh Thần được trao
ban qua việc đặt tay (Cv 8, 17-19; 19, 6).
Qua đặt tay, bảy phó tế
đầu tiên lãnh nhận sứ vụ (Cv 6, 6).
Bácnaba và Saolô cũng
được đặt tay sai để sai đi truyền giáo (Cv 13, 3).
Bàn tay Thiên Chúa là khí
cụ che chở, đỡ nâng.
“Ngài bao bọc con cả sau
lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài
đặt trên con (Tv 138, 5).
Bàn tay của Đức Giêsu
đóng vai trò lớn trong sứ vụ.
Ngài chữa anh mù bằng
cách đặt tay trên mắt anh (Mc 8, 25).
Ngài cũng chữa bà còng
lưng theo cách tương tự (Lc 13, 13).
Người ta xin Ngài đặt tay
để chữa một anh điếc và ngọng (Mc 7, 32),
thậm chí đặt tay để hoàn
sinh một em gái mới chết (Mt 9, 18).
Trong bài Tin Mừng hôm
nay,
Cha mẹ của các em đã đưa
các em đến với Đức Giêsu,
để được Ngài đặt tay trên
chúng và cầu nguyện (c. 13).
Họ tin phúc lành đến với
con cái họ qua cử chỉ ấy.
Cuối cùng, Đức Giêsu đã
đặt tay trên các em nhỏ và cầu nguyện,
trước khi tiến về
Giêrusalem để chịu khổ nạn (c. 15).
Nhưng các môn đệ lại bực
bội và la rầy cha mẹ của các em.
Có lẽ đối với họ, Thầy
Giêsu còn nhiều việc lớn lao để làm
hơn là mất thì giờ để
chúc lành cho mấy em bé.
Đức Giêsu hoàn toàn không
đồng ý với thái độ coi thường này.
Ngài nói thẳng: “Hãy để
trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.”
Đến với Thầy Giêsu là
quyền lợi của mọi trẻ em,
người lớn không được phép
xâm phạm.
Ngài đưa ra lý do khiến
các môn đệ phải tôn trọng trẻ em:
“vì Nước Trời là của
những ai giống như chúng” (c. 14).
Như thế trẻ em, tuy không
có chỗ cao trong xã hội,
nhưng lại có chỗ vững
chãi trong Nước Trời.
Trẻ em có chỗ vì chúng
hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ,
và đón nhận mọi sự từ
người khác với lòng biết ơn.
Những người lớn muốn vào
Nước Trời phải nên giống chúng.
Đây là một tiến trình khó
khăn và lâu dài,
vì người lớn phải quay
lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ như trẻ thơ,
phải tự hạ mình xuống, bỏ
đi những tự hào, tự mãn về mình (Mt 18, 3-4).
mở lòng đón lấy Nước Trời
như quà tặng nhưng không.
Như thế trẻ thơ lại là
mẫu mực cho các môn đệ của Thầy Giêsu.
Nước Trời dành cho trẻ
thơ và những ai trở nên giống chúng.
Trẻ em có chỗ trong Nước
Trời và trong Giáo Hội tại thế.
Các em cũng là thành viên
trong cộng đoàn đức tin.
Lời dạy của Đức Giêsu vẫn
mãi âm vang nơi chúng ta:
“Hãy để trẻ em đến với
tôi, đừng ngăn cấm chúng.”
Chúng ta đã làm gì để đưa
các em đến với Giêsu?
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên
xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho
con biết yêu
những
công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những
công việc âm thầm,
những
bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho
con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui
lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng
làm tim con đau đớn.
Cho
con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn
sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung
sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn
nữa, xin cho con can đảm,
dám
chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ
đó con vui tuoi phục vụ mọi người
và
hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi
lần bị cám dỗ tự cao,
xin
cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con
đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước
gì con được làm bạn của Chúa
trên
đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và
được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy Niệm:
Đức Giêsu biểu lộ tình thương và gần gủi với các
em nhỏ qua cử chỉ đón nhận, đặt tay và chúc lành cho chúng. Ngài rất yêu mến
tinh thần đơn sơ, phó thác và cho đó là điều kiện để vào nước trời. Ngày xưa
người Do thái khinh thường và khai trừ một số những người ra khỏi sinh hoạt
chung của xã hội và tôn giáo như những phụ nữ, người cùi, người tội lỗi công
khai và trẻ nhỏ. Ngày nay, vẫn còn nhiều thái độ loại trừ nhất là đối với trẻ
em trong xã hội của chúng ta như nạn bạo hành đối với trẻ em, thậm chí là cướp
đi mạng sống của các em như nạn phá thai, lợi dụng và buôn bán trẻ em... Chúa
Giêsu không đồng ý với thái độ khai trừ đó. Ngài bảo cứ để trẻ em đến với thầy
và đừng ngăn cấm chúng. Trẻ nhỏ được Chúa đề cao không phải vì chúng yếu ớt,
khờ dại mà vì: (1) những ai thường bị xã hội khai trừ thì hay được Thiên Chúa
che chở; (2) trẻ nhỏ dễ nghe, dễ vâng lời, ngoan ngoãn, lệ thuộc và tín nhiệm
người lớn. Điều này khiến chúng trở thành những 'người nghèo' của Giavê trong
Kinh Thánh, người được Thiên Chúa ưu ái. Ngày nay, nhiều người lớn hay ngăn cấm
trẻ nhỏ đến với Chúa bằng nhiều cách như: không dẫn chúng đến nhà thờ, không
tạo điều kiện cho chúng học giáo lý, hay làm gương xấu, hay gieo vào đầu óc
ngây thơ của chúng những ý tưởng đen tối.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống đơn sơ, tin
tưởng cậy trông vào Chúa. Xin Chúa dạy cho chúng con biết làm gương sáng cho
các em trong lời nói, việc làm. Xin đừng để chúng con vì danh lợi mà cướp mất
mạng sống và nhân phẩm của các em. Ước gì tinh thần yêu thương và thánh thiện
của Chúa được lan tràn trên thế giới này, để không còn những cảnh chết chóc của
trẻ em vô tội, không còn cảnh trẻ em bị trở thành công cụ cho những
thú tính ác độc. Xin cho chúng con luôn biết nhớ và tôn trọng quyền
được chăm sóc, giáo dục của trẻ em. Xin Chúc chúc lành cho chúng con vì
danh Ðức Giêsu Kitô. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Tám
17
THÁNG TÁM
Sử
Dụng Năng Lực Một Cách Đúng Đắn
Chúng
ta sẽ thường xuyên tham chiếu đến những suy tư của Công Đồng Vatican II về tình
trạng của con người trong thế giới hôm nay. Con người có một địa vị độc đáo
trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Một đàng, con người được Thiên Chúa ủy
trao nhiệm vụ làm chủ thế giới tạo vật. Đàng khác, trong tư cách là một thụ tạo,
con người qui phục Thiên Chúa là Cha và là Đấng sáng tạo nên mình.
Ngày
nay, hơn bất cứ thời nào khác, con người ý thức về tầm quan trọng của sứ mạng
mình trong tư cách là người quản lý thiên nhiên. Con người phải chế ngự thiên
nhiên và sử dụng thiên nhiên một cách khôn ngoan và một cách có trách nhiệm.
Tuy
nhiên, có một trở lực nghiêm trọng đối với việc phát triển thế giới. Đó là tội
lỗi và hậu quả xáo trộn đầy tai hại của tội lỗi. Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng của
Công Đồng Vatican II nêu rõ tình trạng bi đát này: “Được Thiên Chúa thiết lập
trong sự công chính, tuy nhiên, ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ
nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới
cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa” (MC 13).
Hậu
quả tất nhiên của sự lạm dụng tự do này là “sự tiến bộ – tuy là một lợi ích lớn
lao của con người – nhưng cũng đem theo một cám dỗ mãnh liệt. Thực vậy, khi bậc
thang giá trị bị đảo lộn, khi ác và thiện lẫn lộn, thì cá nhân cũng như tập thể
chỉ xét quyền lợi của mình chứ không để ý đến quyền lợi kẻ khác. Do đó, thế giới
chưa phải là nơi có tình huynh đệ thật, và sự gia tăng quyền lực của con người
lại đe dọa hủy diệt chính nhân loại” (MV 37).
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức
dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 17-8
Gs 24, 14-29; Mt 19, 13-15
LỜI SUY NIỆM: Bấy giờ người
ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các
môn đệ la rầy chúng” (Mt 19,13)
Hình ảnh trong câu
chuyện này cũng thường xãy ra cho chúng ta, vì mỗi khi có một cuộc rước đón một
đấng bậc quan trọng nào đó trong Giáo Hội, những người có trách nhiệm, thường
không để các em nhỏ đến gần, sợ làm mất vẻ tôn kinh, mất sự trang trọng. Ước gì
mọi thành phần trong Dân Chúa luôn thấy hình ảnh Chúa Giêsu yêu thương trẻ em.
Ngài đạt tay trên chúng. Ngài còn cho chúng ta biết: “Nước Trời là của ai giống
như chúng”
Mạnh Phương
17
Tháng Tám
Tiếng Thì Thầm Của Sa Mạc
Một
nhà thám hiểm nọ lạc mất giữa sa mạc. Đi từ dụm cát này đến cồn cát nọ, nhìn hết
hướng này sang hướng kia, nơi đâu ông cũng thấy toàn là cát với cát. Lê gót
trong tuyệt vọng, tình cờ chân ông vấp phải một gốc cây khô. Ông vấp ngã và nằm
vùi bên gốc cây. Ông không còn đủ sức để đứng lên, ông không còn đủ sức để chiến
đấu và cũng không còn một chút hy vọng sống sót nào. Trong tư thế bất động ấy,
nhà thám hiểm bỗng ý thức được sự thinh lặng của sa mạc. Bốn bề chỉ có thinh lặng.
Thình lình ông ngẩng đầu lên. Trong sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc, ông bỗng
nghe được như có tiếng thì thào yếu ớt vọng lại bên tai. Dồn tất cả sự chú ý,
nhà thám hiểm mới nhận thức đó là tiếng róc rách chảy của một dòng suối từ xa vọng
lại.
Như
sống lại từ cõi chết, ông định hướng nơi xuất phát của tiếng suối. Rồi dùng nguồn
năng lực còn sót lại, ông cố gắng lê lết cho đến khi tìm được dòng suối...
Cuộc sống có quá nhiều bận rộn và ồn ào khiến chúng ta không
nghe được tiếng nói và nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Có những ồn ào của những bận tâm thái quá cho danh vọng, cho tiền
của, cho tương lai. Có những ồn ào của tham lam giành giật không đếm xỉa đến
người khác. Có những ồn ào của sôi sục cừu hận, báo thù...
Có thinh lặng trong cõi lòng, chúng ta mới nghe được tiếng thì
thầm mời gọi của Chúa trong từng phút giây của cuộc sống. Có thinh lặng, chúng
ta mới nhận ra được tiếng Ngài qua những khóc than của không biết bao nhiêu người
bất hạnh xung quanh. Có thinh lặng, chúng ta mới nghe được lời an ủi, đỡ nâng của
Ngài giữa gánh nặng chồng chất của cuộc sống...
(Lẽ
Sống)
Thứ Bẩy 17-8
Chân Phước Joan Delanoue
(1666-1736)
Joan Delanoue sinh năm 1666 và là con út trong gia đình mười hai
người con. Gia đình ngài có một cơ sở thương mại nhỏ. Khi người mẹ goá bụa từ
trần, bà đã để lại cơ sở cho Joan trông coi. Ngài không phải là một cô gái có
tâm địa xấu xa, nhưng Joan chỉ nghĩ đến cách làm tiền. Và cũng chỉ vì thích làm
tiền, ngài đã phạm nhiều lỗi lầm. Trước đây, ngài là một người ngoan đạo nhưng
bây giờ tâm hồn ngài không có chút bác ái. Mẹ ngài thường rộng lượng với người
ăn xin. Nhưng Joan, thường chỉ mua thực phẩm khi đến giờ ăn. Vì như vậy, ngài
mới có thể nói với những người đến ăn xin rằng: "Tôi không có gì để cho
cả."
Với lối sống đó, Joan không có hạnh phúc.
Sau cùng, khi ngài hai mươi bảy tuổi, một linh mục thánh thiện đã giúp ngài
khởi đầu cuộc sống đức tin một cách chân thành và hăng say. Dần dà, ngài thấy
rằng cơ sở thương mại của ngài là để cho đi, chứ không phải để tích trữ. Joan
bắt đầu chăm sóc các gia đình nghèo cũng như các trẻ mồ côi. Sau cùng, ngài
phải đóng cửa tiệm để có thời giờ chăm sóc họ. Dân chúng gọi căn nhà đầy trẻ mồ
côi của ngài là, "Nhà Ðấng Quan Phòng." Sau này, ngài thuyết phục các
phụ nữ khác đến giúp đỡ. Cuối cùng, họ trở thành các Nư õ Tu của Thánh Anna của
Ðấng Quan Phòng ở Saumur, nước Pháp.
Sơ Joan sống một cuộc đời rất hy sinh.
Ngài thi hành nhiều việc đền tội nặng nhọc. Thánh Grignon de Montfort đến gặp
sơ Joan. Lúc đầu thánh nhân nghĩ rằng sự kiêu ngạo đã khiến sơ Joan quá khó
khăn với chính mình. Nhưng sau đó, thánh nhân nhận ra rằng tâm hồn sơ Joan thực
sự ngập tràn tình yêu Thiên Chúa. Thánh nhân nói: "Hãy tiếp tục con
đường mà con đã khởi sự. Thần Khí Chúa luôn ở với con. Hãy nghe theo tiếng
Người và đừng sợ."
Sơ Joan từ trần ngày 17 tháng Tám 1736 lúc
bảy mươi tuổi. Dân chúng ở Saumur nói rằng, "Bà chủ tiệm buôn nhỏ bé đó
đã giúp đỡ người nghèo ở Saumur còn nhiều hơn tất cả các hội viên thành phố gọp
lại. Thật là một phụ nữ phi thường! Thật là một người thánh thiện!"
Vào năm 1947, Sơ Joan được Ðức Giáo Hoàng
Piô XII tuyên phong chân phước, cùng năm với Thánh Grignon de Montfort khi
thánh nhân được tuyên phong hiển thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét