Trang

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

18-08-2015 : THỨ BA TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN

18/08/2015
Thứ Ba sau Chúa Nhật 20 Quanh Năm

Bài Ðọc I: (Năm I) Tl 6, 11-24a
"Hỡi Giêđêon, hãy đi giải thoát Israel: ngươi biết Ta thương xót ngươi".
Trích sách Thủ Lãnh.
Trong những ngày ấy, Thiên thần Chúa đến ngồi dưới gốc cây sồi ở đất Êphra, thuộc sở hữu của ông Gioas, tổ gia tộc Abiêzer. Khi ấy, Giêđêon, con trai của ông, đang đập và rê lúa trong nhà ép nho để tránh mắt quân Mađian, thì Thiên thần Chúa hiện ra với ông và nói rằng: "Hỡi người dũng sĩ, Chúa ở cùng ngươi". Giêđêon thưa lại rằng: "Thôi, xin Ngài, nếu Chúa ở cùng chúng tôi, tại sao chúng tôi phải chịu tất cả những sự này? Nào đâu những việc kỳ diệu của Chúa mà cha ông chúng tôi đã kể lại cho chúng tôi mà rằng: "Chúa đã dẫn chúng ta ra khỏi Ai-cập"? Nhưng nay Chúa lại bỏ rơi chúng tôi và trao chúng tôi vào tay quân Mađian". Chúa nhìn ông mà phán rằng: "Ngươi hãy mạnh mẽ tiến đi mà giải thoát Israel khỏi tay quân Mađian: chính Ta sai ngươi đó". Ông thưa lại rằng: "Thôi, xin Chúa, con dựa vào đâu mà giải thoát Israel? Ðây gia đình con là gia đình rốt hết trong chi tộc Manassê, và con là con út trong nhà cha con". Chúa phán cùng ông rằng: "Ta sẽ ở cùng ngươi: ngươi sẽ đánh ngã quân Mađian như đánh một người vậy". Ông thưa rằng: "Nếu con đẹp lòng Chúa, thì xin Chúa ban cho con một dấu chứng rằng chính Chúa phán dạy con. Xin Chúa chớ lìa khỏi nơi đây cho đến khi con trở lại cùng Chúa, mang theo của lễ dâng lên Chúa". Chúa đáp lại rằng: "Ta sẽ đợi ngươi trở lại".
Vậy Giêđêon vào nhà làm thịt một con dê đực, lấy một đấu bột làm bánh không men: để thịt vào giỏ, đổ nước thịt vào nồi, mang các món đó đến dưới cây sồi mà dâng cho Chúa. Thiên thần Chúa bảo ông rằng: "Ngươi hãy đem thịt và bánh không men đặt trên tảng đá kia, rồi đổ nước thịt lên trên". Khi ông làm như vậy, thì Thiên thần Chúa giơ cây gậy Người cầm trong tay lên và chạm đến thịt và bánh không men, tức thì có lửa từ tảng đá bốc lên thiêu đốt thịt và bánh không men. Thiên thần Chúa liền biến đi khuất mắt ông. Giêđêon nhận biết đó là Thiên thần Chúa, liền thưa rằng: "Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con đã nhìn thấy Thiên thần Chúa nhãn tiền". Chúa phán cùng ông rằng: "Bình an cho ngươi. Ðừng sợ, ngươi không chết đâu". Giêđêon liền dựng một bàn thờ dâng kính Chúa, và gọi bàn thờ đó là "Bình an của Chúa".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 84, 9. 11-12. 13-14
Ðáp: Chúa phán bảo về sự bình an cho dân tộc Người (x. c. 9).
Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an, bình an cho dân tộc và các tín đồ của Chúa, và cho những ai thành tâm trở lại với Người. - Ðáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.
3) Vâng Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất Nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 36a và 29b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin nghiêng lòng con theo lời Chúa răn bảo, và xin rộng tay ban luật pháp của Chúa cho con. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 19, 23-30
"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời". Các môn đệ nghe vậy thì bỡ ngỡ quá mà thưa rằng: "Vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu nhìn các ông mà phán rằng: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được". Bấy giờ Phêrô thưa Người rằng: "Này đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?" Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Thầy bảo thật các con: Các con đã theo Thầy, thì trong ngày tái sinh, khi Con Người ngự trên toà vinh hiển, các con cũng sẽ ngồi trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và tất cả những ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, vợ con, ruộng nương vì danh Thầy, thì sẽ được gấp trăm và được sự sống đời đời. Nhưng có nhiều kẻ trước hết sẽ nên sau hết, và kẻ sau hết sẽ nên trước hết".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Giáo Hội Của Người Nghèo
"Giáo Hội của người nghèo", "Ưu tiên phục vụ người nghèo", đó là những khẩu hiệu đã trở thành thời trang trong Giáo Hội kể từ vài thập niên qua. Bất cứ ai có ý thức về công bằng xã hội hoặc đôi chút trăn trở về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, cũng đều thốt lên những khẩu hiệu ấy. Nhưng Giáo Hội có thực sự là Giáo Hội của đại đa số dân nghèo khổ chưa?
Sự hiện diện của người nghèo quả là một thách đố lớn cho Giáo Hội. Ngày nay, tiếng kêu than của họ luôn là một nhắc nhớ cho Giáo Hội về bản chất và sứ mệnh của mình trong thế giới. Cuộc trở lại của Hoàng đế Constantinople vào thế kỷ thứ 4 đã chấm dứt những cuộc bách hại đẫm máu và đã biến Tây Phương thành thế giới Kitô giáo, nhưng không chừng đã làm Giáo Hội quên đi bản chất đích thực của mình. Sự tương nhập giữa thế quyền và giáo quyền đã biến Giáo Hội thành một thế lực chính trị, và các vị lãnh đạo Giáo Hội thành những vua chúa trần gian. Nhiều người đã có lý để nói rằng nhờ những lay động của Karl Marx mà Giáo Hội đã lắng nghe được tiếng kêu than của người nghèo, đồng thời ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay.
Ngay từ khi mới khai sinh, cộng đoàn Kitô tiên khởi đã ý thức được vấn đề ấy. Tin Mừng hôm nay là một phản ánh về những trăn trở của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cách riêng cộng đoàn Giêrusalem là cộng đoàn gồm toàn những người nghèo trong xã hội thời bấy giờ. Ðọc lại giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của Kitô hữu đối với tiền bạc của cải, cộng đoàn tiên khởi đặt lại vấn đề về sự hiện diện của người giầu trong Giáo Hội. Theo quan niệm quen thuộc của người Do thái, thì sự giầu sang phú quí là một chúc lành của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đánh đổ quan niệm sai lầm ấy, khi nói rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó", và rằng sự nghèo khó là điều kiện thiết yếu để vào Nước Trời.
Giáo Hội của người nghèo, điều đó có nghĩa là trước tiên tất cả những ai thuộc về Giáo Hội đều phải có tinh thần nghèo khó đích thực, họ phải sống phó thác và quảng đại chia sẻ cho nhau. Các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu được điều ấy: họ để chung của cải lại, chia sẻ với nhau và yêu thương đùm bọc nhau như trong cùng một gia đình. Giáo Hội của người nghèo, điều đó cũng có nghĩa là các tín hữu phải lấy sự phục vụ người nghèo làm ưu tiên hàng đầu. Bản sắc của người Kitô hữu do đó được xác nhận bằng chính tương quan với người nghèo.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách sống đạo của chúng ta. Thách đố của Giáo Hội hiện nay cũng chính là thách đố của mỗi người chúng ta. Nếu những người cùng khổ chưa phải là thao thức trăn trở của chúng ta, thì có lẽ chúng ta còn quá xa với Giáo Hội Chúa Kitô. Nếu cuộc sống chúng ta chưa phải là cuộc sống liên đới chia sẻ với người khốn khổ, thì có lẽ chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực.

Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 20 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Judg 6:11-24a; Mt 19:23-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa chọn những kẻ khiêm cung, khó nghèo.
Tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa khác hẳn tiêu chuẩn chọn lựa của thế gian. Trong khi thế gian chọn những kẻ tài giỏi, khỏe mạnh, giầu có; Thiên Chúa lại chọn kẻ ít tài, yếu đuối và nghèo khó. Hơn nữa, Đức Kitô còn mặc khải tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa trong Ngày Phán Xét: "Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu."
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng cách chọn lựa của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa chọn Gideon làm Thủ Lãnh, một người trẻ nhất trong gia đình, thuộc một chi tộc nhỏ nhất của Israel, chi tộc Manasseh, để giải phóng dân chúng khỏi tay những người Midian. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chọn 12 tông-đồ: đa số là nghèo khó, yếu đuối và thất học; để huấn luyện các ông trở nên những người rao giảng Tin Mừng. Tiêu chuẩn chọn lựa này chứng tỏ: tất cả thành công hay vinh quang con người có được là do sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa, chứ không đến từ con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa chọn Gideon là Thủ Lãnh cứu dân khỏi tay quân thù Midian.
1.1/ Thiên Chúa chọn ông Gideon: Khi con cái Israel quay lưng lại với Thiên Chúa và chạy theo thờ phượng các thần ngoại bang; nên Thiên Chúa không bảo vệ họ nữa, và để cho quân thù Midian bắt họ làm nô lệ cực khổ. Nhưng vì tình yêu trung thành, Thiên Chúa muốn chọn một vị Thủ Lãnh, để lãnh đạo và giải phóng con cái Israel khỏi ách nô lệ của quân thù.
Sách Thủ Lãnh kể: Sứ Thần của Đức Chúa đến và ngồi dưới cây tùng ở Ophrah. Cây này là của ông Joash, thuộc gia đình Abiezrite. Con ông là Gideon bấy giờ đang đập lúa trong bồn đạp nho để tránh mặt người Midian. Sứ Thần Đức Chúa nói với Gidion: "Chào chiến sĩ can trường! Đức Chúa ở với ông." Ông Gideon thưa với Sứ Thần: "Ôi, thưa Ngài, nếu Đức Chúa ở với chúng tôi, thì sao chúng tôi đến nông nỗi này? Đâu cả rồi những kỳ công mà cha ông đã kể lại cho chúng tôi nghe, rằng: chẳng phải Đức Chúa đã đưa chúng ta lên khỏi Ai-cập sao? Thế mà bây giờ Đức Chúa đã bỏ rơi chúng tôi, trao chúng tôi vào tay người Midian." Ông Gideon có lý do để nghi ngờ vì ông chỉ nghe thế hệ cha ông nói về những gì Thiên Chúa đã làm cho con cái Israel; nhưng chưa bao giờ ông chứng kiến Thiên Chúa tỏ uy quyền, mà chỉ thấy trước mắt cảnh dân Israel phải làm nô lệ cho người Midian.
Sứ thần Đức Chúa quay lại nhìn ông và nói: "Hãy mạnh bạo lên đường cứu Israel khỏi tay quân Midian. Không phải chính Ta sai ngươi sao?" Ông Gideon tỏ vẻ nghi ngờ: "Ôi, thưa Ngài, con lấy gì mà cứu Israel? Này giòng họ con thấp kém nhất trong chi tộc Manasseh, mà con lại nhỏ nhất trong nhà cha con." Đức Chúa phán với ông: "Ta sẽ ở với ngươi, và ngươi sẽ đánh quân Midian như đánh có một người."
1.2/ Ông Gideon xin sứ thần một dấu chỉ để biết chắc chắn sự chọn lựa của Thiên Chúa.
Ông Gideon thưa với Sứ Thần: "Nếu Ngài thương con thì xin cho con một dấu chứng tỏ Ngài đang nói với con. Xin Ngài đừng rời khỏi đây cho tới khi con trở lại, mang theo của lễ đặt trước nhan Ngài." Người phán: "Ta sẽ ở lại cho tới khi ngươi trở về."
Ông Gideon đi bắt một con dê non làm thịt, và lấy hai thùng bột làm mấy chiếc bánh không men. Thịt thì ông để trong một cái rổ, còn nước cốt thì đựng trong một cái thố. Rồi ông mang đến cho Người ở dưới cây tùng. Khi ông đến gần, thì Sứ Thần Thiên Chúa nói với ông: "Hãy lấy thịt và bánh không men đặt trên tảng đá này và rưới nước cốt lên." Ông đã làm như thế.
Sứ thần của Đức Chúa giơ đầu gậy đang cầm trong tay đụng vào thịt và bánh không men, lửa liền từ tảng đá bốc lên, đốt cháy hết thịt cùng bánh không men. Sứ Thần Đức Chúa biến khỏi mắt ông. Khi ông Gideon nhận ra đó chính là Thần sứ Đức Chúa, ông kêu lên: "Chết tôi rồi, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng của tôi, vì tôi đã thấy Thần sứ Đức Chúa nhãn tiền!" Nhưng Đức Chúa phán với ông: "Bình an cho ngươi! Đừng sợ: ngươi không chết đâu."
2/ Phúc Âm: Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được.
2.1/ Người giầu có khó vào nước Thiên Chúa: Trình thuật của Matthew hôm nay tiếp nối cuộc đàm đạo của Chúa Giêsu với chàng thanh niên giầu có. Khi chàng thanh niên buồn bã bỏ đi rồi, bấy giờ Chúa Giêsu nói với các môn đệ của Người: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: "Thế thì ai có thể được cứu?"
Các môn đệ ngạc nhiên vì các ông đã quá quen tiêu chuẩn chọn lựa của thế gian. Có lẽ vì các môn đệ nghĩ rằng: giầu có được Thiên Chúa chúc phúc, nên mới sửng sốt khi Chúa Giêsu tuyên bố như vậy. Chúng ta cần hiểu quan niệm về sự sống đời sau của người Do-thái thời đó chưa rõ nét cho lắm. Nhiều người Do-thái quan niệm hạnh phúc cho những người tuân giữ luật pháp của Thiên Chúa được sống lâu, con đàn cháu đống, và được sung túc về của cải chỉ ở đời này. Phải đợi tới khoảng thế kỷ thứ hai trước Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy nói về sự sống đời sau qua Sách Daniel và Maccabees. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài mặc khải cho các môn đệ cách rõ ràng về sự sống đời sau và điều kiện để được vào Nước Trời.
Tại sao Chúa Giêsu dạy "người giàu có khó vào Nước Trời." Chúng ta có thể dẫn chứng những lý do sau đây:
(1) Người giầu có tin ở mình: thay vì họ phải tin ở tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa.
(2) Người giầu có không khôn ngoan: họ yêu của cải hơn Đấng dựng nên của cải.
(3) Người giầu có không biết tiêu chuẩn để được vào Nước Trời: hoàn toàn là do tình thương và ơn thánh của Thiên Chúa, chứ không do cố gắng của con người, như Đức Giêsu tuyên bố với các môn đệ: "Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được."
2.2/ Phần thưởng Chúa Giêsu hứa ban cho các môn đệ: Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?" Đức Giêsu đáp: "Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp."
Mục đích của Thiên Chúa khi cho chúng ta vào cuộc đời này không phải để nỗ lực làm giầu; nhưng biết sống làm sao để đạt tới Nước Trời và giúp cho tha nhân cũng đạt được mục đích đó.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần tập làm quen và sống theo những tiêu chuẩn chọn lựa của Thiên Chúa, thay vì sống theo các tiêu chuẩn chọn lựa của thế gian.
- Vào Nước Trời không do nỗ lực và công lao của con người; nhưng do tình yêu và ơn thánh Chúa ban. Chúng ta cần biết khiêm nhường đón nhận và sống theo sự chỉ dạy của Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

18/08/15 THỨ BA TUẦN 20 TN
Mt 19,23-30

Suy niệm: Nền kinh tế hiện đại có môt qui luật rất kỳ lạ. Đồng tiền không được phép nằm yên trong két sắt. Chúng phải được chi ra thì mới thu lợi được nhiều hơn. Nếu người ta không đầu tư vào công trình sản xuất kinh doanh này nọ, thì cũng phải gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, mua cổ phiếu, v.v… Nếu người ta ít mua sắm thì phải “kích cầu” để tăng sức mua, hòng quay vòng vốn cho nhanh và như thế nền kinh tế mới tăng trưởng. Trong chương trình cứu độ – các nhà thần học còn gọi là “nền kinh tế cứu độ” (economy of salvation) – cũng có qui luật tương tự: phải biết “bán hết tài sản” để đầu tư “cho người nghèo” thì mới trở thành người giàu có trong Nước của Thiên Chúa. Tiếc thay, người ta dễ bị cám dỗ dừng lại ở sự giàu có trong nền kinh tế trần thế này mà không dám tiếp tục đầu tư để trở thành giàu có trong “nền kinh tế” Nước Trời. Người giàu có vào Nước Trời khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim là vậy.
Mời Bạn: Chớ hiểu lầm rằng chỉ khi mình có nhiều tiền của mới rơi vào tình trạng “khó hơn lạc đà” này. Ngay khi bạn không sẵn sàng cống hiến một cái gì đó thuộc về bạn (một chút thời giờ, một nụ cười, một lời an ủi cho một ai đó đang cần đến, v.v…) thì lúc đó bạn đã trở thành “trọc phú” và khó vào được Nước Trời rồi.
Chia sẻ: “Không ai nghèo quá đến nỗi không có gì để cho người khác.”
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm ít nhất một việc phục vụ vô vị lợi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân dẫu có phải hy sinh chính bản thân mình.

Lạc đà qua lỗ kim 
Quả thực của cải dễ làm ta khép lòng lại trước Thiên Chúa và tha nhân, và làm cái tôi của ta trở nên cứng cỏi, tự mãn.

Suy nim:
Người thanh niên giàu có đã bỏ đi
khi Thầy Giêsu mời anh bán tài sản và cho người nghèo.
Của cải đã trói buộc anh, dù anh là người có thiện chí.
Anh tìm sự sống đời sau, nhưng lại bị vướng bởi vật chất đời này.
Người giàu có thật khó vào Nước Trời” (c. 23).
Câu nói này của Thầy Giêsu khiến các môn đệ rất đỗi ngạc nhiên (c. 25),
vì vào thời đó, giàu sang thường được coi là dấu hiệu Chúa chúc lành.
Thầy Giêsu dùng một hình ảnh ngoa dụ, cường điệu,
để diễn tả việc người giàu khó vào Nước Trời,
khó hơn con lạc đà rất to chui qua lỗ kim rất nhỏ.
Dĩ nhiên lạc đà thì chẳng thể nào chui qua lỗ kim được,
nhưng người giàu thì vẫn có thể được vào Nước Trời, dù rất khó khăn,
“vì đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (c. 26).
Đã có những người giàu tốt bụng đi theo Thầy Giêsu.
Họ là Giuse Arimathia, Nicôđêmô, Dakêu, là các phụ nữ.
Giuse và Nicôđêmô đã lo mộ phần và việc tẩm liệm Thầy Giêsu.
Dakêu đã tự nguyện chia nửa phần tài sản mình cho người nghèo khó.
Các phụ nữ theo Thầy từ Galilê đã giúp đỡ vật chất cho Thầy (Lc 8, 3).
Có vẻ họ được tự do với của cải trần thế.
Của cải không ngăn cản họ trở thành người môn đệ Thầy Giêsu.
Nhưng cũng phải nhìn nhận của cải vật chất có sức mạnh của nó.
Như người ta hay nói: có tiền mua tiên cũng được.
Tiền bạc của cải có vẻ đem lại chỗ dựa vững chắc cho chủ nhân,
chính vì thế người ta thích thu tích của cải một cách vô độ (Lc 12, 21).
Của cải làm chúng ta phải bận tâm:
“Kho tàng anh em ở đâu, trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21),
kho tàng dưới đất sẽ giữ tim ta dưới đất.
Ham mê của cải có thể bóp nghẹt hạt giống lời Chúa trong tim ta (Mt 13, 22).
Nó làm chúng ta dễ trở nên nô lệ:
“Anh em không thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia…
Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24).
Như thế nó có khả năng đẩy Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu.
Quả thực của cải dễ làm ta khép lòng lại trước Thiên Chúa và tha nhân,
và làm cái tôi của ta trở nên cứng cỏi, tự mãn.
Khác với anh thanh niên giàu có, nhóm Mười Hai đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.
“Vậy chúng con sẽ được gì?”, họ đã hỏi Thầy Giêsu như vậy.
Thầy hứa sẽ cho họ được cùng Thầy xét xử Israel trong ngày tận thế.
Hơn nữa, Thầy còn hứa bất cứ ai chịu mất mát về gia đình, cơ nghiệp,
đều được đền bù gấp trăm, và nhất là được sự sống đời đời (c. 29).
Hôm nay chúng ta cũng hỏi Ngài như vậy, về cái được, cái mất.
Chúng ta có thể bỏ mất nhiều điều mà thiên hạ coi là giá trị,
như một đời sống tiện nghi, một chỗ làm ổn định, hay một chút tiếng tăm.
Chỉ mong được tấm lòng luôn an vui, hạnh phúc,
vì biết mình được Đức Kitô và ở lại trong Ngài (Pl 3, 8-9).
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG TÁM
Thiên Chúa Sử Dụng Chúng Ta Để Xây Dựng Công Cuộc Sáng Tạo Mới
Con người hiện đại chắc chắn ý thức về vai trò của mình. Nhưng “nếu … sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần qui hướng về Đấng Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, tạo vật đều tiêu tan… Quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối” (MV 36).
Chúng ta nhớ lại một bản văn cho phép chúng ta nắm bắt khía cạnh khác của sự phát triển thế giới bởi con người. Công Đồng nói: “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (MV 26). Thánh Thần sử dụng chúng ta để xây dựng cuộc sáng tạo mới bằng cách giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và những sự dữ khác trong cuộc sống chúng ta. Rồi chúng ta có thể tái tạo bộ mặt trái đất và hoàn thành định mệnh của chúng ta. Nhờ Thánh Thần Chúa để vượt qua sự dữ, điều đó có nghĩa là chọn lựa sự tiến bộ luân lý của con người, chứ không chỉ là những tiến bộ vật chất và thể lý. Khi ấy phẩm giá của con người có thể được bảo vệ. Con người có thể đưa ra một câu trả lời cho những đòi hỏi thiết yếu nhất của một thế giới đích thực có nhân tính. Bằng cách này, Nước Thiên Chúa sẽ dần dần lớn lên trong lịch sử của con người, tìm thấy bản sắc tâm linh của mình và cho con người thấy những dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18-8
Tl 6, 11-24a; Mt 19, 23-30

LỜI SUY NIỆM: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời.”
Giàu có là điều mong ước của mọi con người đang sống trên thế gian này. Để được giàu có không thể, không vi phạm đức ái và sự công bình, Khi vi phạm Luật “công bình bác ái” chúng ta đã tự cắt lìa sự liên đới với tha nhân, chúng ta sẽ thờ ơ, dững dưng; không còn quan tâm đến người khác, tự trở thành người sống ích kỷ, tất cả chỉ dành cho chính bản thân mình. Đi ngược lại với tình yêu của Thiên Chúa, tự tách mình ra khỏi tình yêu ấy; khó mà vào được Nước Trời. Nhưng không phải vì thế mà mất hết niềm hy vọng. Thiên Chúa vẫn chờ đợi sự hồi tâm của chúng ta, với ơn Thánh của Ngài. “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” (Mt 19,26)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa vừa cảnh báo vừa tạo niềm hy vọng, trông cậy vào quyền năng ơn ban cả Chúa. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con biết sống cho đi, để được nhận lại trong ngày sau hết của chúng con.
Mạnh Phương


18 Tháng Tám
Ngài Là Sự Bình An Của Chúng Ta
Năm 1899, cuộc xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến tranh khốc liệt... Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng giao tranh với nhau.
Trong suốt tuần thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.
Không mấy chốc, một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói lên thiện chí xây dựng hòa bình, quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là "Ðức Kitô của dãy núi Andes". Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Cánh tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay trái cầm thánh giá.
Chính phủ Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước. Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến xa do lừa kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi, chính các quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.
Sau khi đã dựng bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: "Những ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân Ðức Kitô". Trên mặt khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau: "Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị chia rẽ nên một".
Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.
Hòa bình mà tổng thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự "đạp đổ": chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại, của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở...
Người La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự có bình an trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức tường ấy được đạp đổ trong chúng ta.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét