Nhân ngày Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Tín điều Đức
Mẹ Hồn Xác Lên Trời không hẳn là điều đáng lưu tâm trong tâm thức nhiều người
Công Giáo, trong đó có Elizabeth Scalia (xem Mary was a true tabernacle within
which the Divinity did continually reside, The Catholic Answer, 1/7/2015).
Cô biết Elijah
và Enoch từng được triệu về trời, thì việc Đức Maria có được triệu về trời hay
không, đâu có gì quan trọng, đáng phải suy nghĩ?
Bài sinh lý
học
Đến ngày cô
tham dự một lớp giải phẫu học và sinh lý học, thì quan điểm trên đã thay đổi hẳn.
Cô được biết chúng ta đã được dựng nên một cách “kỳ diệu và đáng sợ” biết chừng
nào, với những tế bào máu được tạo nên rồi biến đi, xương và các mô được ôxi
hóa và được máu và hơi thở rửa sạch ra sao, tuy nhiên không điều gì khiến cô
lưu ý bằng lúc học về diễn trình microchimerism. Vừa nghe vị giáo
sư trình bầy diễn trình này, Scalia liền kêu lên: “Vậy thì diễn trình này giải
thích được việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời rồi!”.
Nói một cách
đơn giản, microchimerism là diễn trình nhờ đó một số lượng nhỏ
tế bào, phát sinh từ một cơ thể khác, có thể sống trong một cơ thể chủ (host
body) mà vẫn khác biệt với cơ thể này. Nơi người, trong diễn trình
microchimerism giữa bào thai và người mẹ (fetomaternal), mọi đứa trẻ đều để lại
nơi người mẹ một phần cực nhỏ của nó. Nghĩa là mọi vụ mang thai, dù có kéo dài
tới lúc sinh nở hay không, đều để lại một lượng nhỏ tế bào nơi cơ thể người mẹ,
và các tế bào này tiếp tục ở lại trong bà mãi mãi.
Sự hiểu biết
trên bỗng cho cô hiểu lý lẽ tại sao của một tín điều mà trước đây cô coi không
hơn không kém một hình thức đạo đức đầy cảm tính, không cần tìm hiểu suy nghĩ.
Bỗng chốc cô thấy mọi lý lẽ đều được giải thích: một lượng nhỏ tế bào của Chúa
Giêsu Kitô ở lại mãi trong Đức Mẹ, suốt cuộc đời ngài. Trong khi người Công
Giáo chúng ta chỉ cảm nghiệm thể xác Chúa Kitô một cách giới hạn khi lãnh nhận
Thánh Thể, thì Đức Maria quả là nhà tạm chân thực trong đó Thần Tính luôn luôn
cư ngụ.
Trong Sách
Thánh Vịnh, ta đọc thấy Đấng Thánh sẽ không hư nát (xem Tv 16:10). Thân xác thần
thánh của Chúa Kitô sẽ không hư nát. Từ đó, ta kết luận: thân xác của Mẹ Người,
vì chứa đựng vết tích tí hon Thần Tính (mà phần tí hon của Thiên Chúa vẫn là
Thiên Chúa trọn vẹn) nên sẽ không thể nào hư nát được. Khoa học quả đã biến thần
học thành dễ hiểu vì bỗng nhiên, ta chẳng còn cần phải phỏng đoán nữa: Lúc Thiếp
Ngủ (nói theo kiểu Chính Thống Giáo Đông Phương), thân xác Đức Mẹ, vì chứa Chúa
Kitô trong đó, không thể ở lại trần thế được; dĩ nhiên, nó phải kết hợp với Chúa
Kitô trên thiên đàng.
Người
Lutheran: bỏ qua Thánh Mẫu là điều thiển cận
Graham Glover,
một mục sư của Giáo Hội Lutheran, nhân ngày Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, đã có một
suy nghĩ khác.
Ông bảo: tuần
này lịch phụng vụ của Kitô hữu khắp thế giới dành một ngày đặc biệt kính Nữ
Trinh Diễm Phúc Maria, Mẹ Thiên Chúa. Người Công Giáo Rôma cử hành Lễ Mông Triệu,
người Chính Thống Giáo cử hành Lễ Đức Bà Ngủ, trong khi người Lutheran cử hành
Lễ Thánh Maria Mẹ Chúa Ta và người Anh Giáo cử hành Lễ Thánh Maria Đồng Trinh.
Ngày này chắc
chắn thích hợp, chính đáng và sinh ích. Sau các ngày lễ và hội hè mừng Chúa
chúng ta, nó là một trong các ngày lễ quan trọng nhất trong năm của Kitô hữu.
Những người theo chân Chúa Giêsu chúng ta thật khôn ngoan khi dành riêng ngày
này, vì Mẹ Chúa Ta quả là diễm phúc và như Luther từng ghi nhận, ngài là “người
đàn bà cao trọng nhất và là viên ngọc cao quí nhất trong Kitô Giáo sau Chúa
Kitô”. Ta không thể nào vinh danh ngài cho đủ.
Buồn thay, hàng
triệu Kitô hữu vẫn để ngày 15 tháng Tám trôi qua mà đến một cái cúi đầu cũng
không có đối với ngài. Ngày này vẫn tiếp tục bị coi là vô nghĩa đối với biết
bao con người đang thờ phượng Chúa Giêsu. Và việc này không những chỉ đáng buồn
mà còn đáng xấu hổ nữa. Quả là một chứng từ bệnh hoạn cho những ai cho rằng họ
yêu mến Chúa Giêsu mà lại dành rất ít tình yêu, thậm chí không chút nào, cho
bình đựng từng đưa Người vào thế gian này. Đây quả là một dửng dưng đáng trách
khi làm ngơ chứng từ rõ rệt của Sách Thánh, và là một lạc giáo từng bị bác bỏ tại
Công Đồng Êphêsô năm 421. Bất cứ ai quen thuộc với thực hành của Giáo Hội Sơ
Khai đều không nên ngạc nhiên trước việc sùng kính của Kitô hữu đối với Đức
Maria, vì Giáo Hội khắp thế giới đã lập ra truyền thống phổ quát sùng kính ngài
cả nhiều thế kỷ trước đó.
Đâu có sao? một
số Kitô hữu nói thế. Nếu Đức Maria bị lãng quên, thì cũng đâu có sao! Ngài đâu
phải Cứu Chúa của ta. Tôn vinh Chúa Kitô là làm đủ những gì Thiên Chúa yêu cầu
ta rồi. Chỉ cần chạy lại với Con của ngài và với người này mà thôi, ta đã có đủ
những gì cần có để bảo đảm được tha tội và thừa hưởng cuộc sống đời đời.
Nói như thế
đúng một phần, nhưng thiển cận. Ta không thể hiểu cuộc đời Chúa Kitô nếu không
mặc nhiên thừa nhận vai trò cực kỳ quan trọng của Mẹ Người trong cuộc đời ấy.
Dù không phải là Cứu Chúa của ta, ngài là phương thế của lịch sử cứu rỗi. Tiếng
“Xin Vâng” của ngài ngỏ với Tổng Lãnh Thiên Thần chính là tiếng “Xin Vâng” đã
đem Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta tới cho chúng ta, những kẻ tội lỗi.
Vũ Văn An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét