Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

30-08-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT XXII MÙA THƯỜNG NIÊN năm B

30/08/2015
Chúa Nhật 22 Quanh Năm Năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật XXII Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN - B
Đnl 4,1-2.6-8
Gc 1,17-18.21b-22.27
Mc 7,1-8.14-15.21-23
Chủ đề:
LẮNG NGHE VÀ THỰC HÀNH
LỜI CHÚA TRUYỀN DẠY
Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành,
chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình
(Gc 1,22)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC 1: Đnl 4,1-2.6-8
Đệ Nhị Luật là quyển cuối cùng trong Bộ Ngũ Thư (Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số và Đệ Nhị Luật). Sách Đệ Nhị Luật chứa đựng nội dung ba diễn từ của Môsê dành với dân Israel trước khi Môsê qua đời và trước khi dân Israel tiến vào Đất Hứa. Bài đọc 1 hôm nay phản ánh một phần diễn từ thứ nhất của Môsê (Đnl 1,1-4,43). Nội dung bài đọc 1 hôm nay xoay quanh những điểm chính sau đây:
1/ Môsê khuyên dân Israel không chỉ biết lắng nghe những điều Thiên Chúa truyền dạy, nhưng quan trọng hơn, còn phải biết đem ra thực hành (c1). Việc lắng nghe suông mà thôi chẳng khác nào tỏ sự thiếu kính trọng đối với Lời Chúa, và vì thế, sẽ không giúp ích gì cho cuộc sống của họ. Sách Đệ Nhị Luật thường dùng các hạn từ khác nhau, nhưng với ý nghĩa tương tự, như “thánh chỉ”, “quyết định”, “lệnh truyền” để chỉ Luật Giao Ước mà Thiên Chúa ký kết với dân Israel.
2/ Khi thực hành những điều Thiên Chúa truyền dạy, dân Israel sẽ được sống và được chiếm Đất Hứa làm gia nghiệp (c1). Được sống và được sở hữu Đất Hứa là niềm hạnh phúc vô bờ của một dân tộc vốn đã từng làm nô lệ trên đất Ai-cập và đã từng phải thực hiện cuộc đại hành trình 40 năm trong sa mạc. Khi được sống trong vùng Đất Hứa như những chủ nhân và những người tự do, dân Israel sẽ nhận biết những gì Thiên Chúa đã hứa ban cho các tổ phụ của họ là Abraham, Isaac và Jacob nay đã được thành toàn.  
3/ Dân Israel cần phải tuân giữ một cách trung tín những gì Thiên Chúa truyền dạy. Hai câu mệnh lệnh “Đừng thêm” và “đừng bớt” những gì Môsê truyền đạt hàm ý điều này (c2).
4/ Việc tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa sẽ làm cho họ trở nên một dân tộc vĩ đại, khôn ngoan và thông minh dưới mắt mọi người. Sở dĩ như vậy, vì họ là dân được Thiên Chúa ở gần mỗi khi kêu cầu Người. Đấy là một đặc ân Thiên Chúa ưu ái dành cho dân tộc Israel bé nhỏ (cc6-8).
2. BÀI ĐỌC 2: Gc 1,17-18.21b-22.27
Bài đọc 2 hôm nay thuộc về những “lời mở đầu” trong bức thư của thánh Giacôbê, mà theo nhiều nhà chú giải, được thánh nhân viết cho những tín hữu đang phải đối diện với nhiều thử thách nghiêm trọng vì đức tin của họ – bị đe dọa, bị bách hại, chịu tử vì đạo. Đứng trước những thử thách trăm chiều ấy, người tín hữu được thánh Giacôbê khuyên dạy hãy kiên nhẫn trong đức tin (x.1,2-4); với lòng tin không chút do dự, hãy biết cầu xin Thiên Chúa ban cho mình ơn khôn ngoan (x. 1,5-6); và trên hết, hãy biết lãnh nhận và thực hành Lời Chúa (x.1,16-27). Lý do được nêu ra là: Vì Lời Chúa có sức cứu độ linh hồn người tín hữu. Tuy nhiên, tương tự như nội dung của bài đọc 1, việc lắng nghe Lời Chúa phải đi liền với việc thực hành. Nếu chỉ nghe suông mà thôi, thì người tín hữu đang tự lừa dối mình. Tự lừa dối mình khi họ cho rằng chỉ cần lắng nghe Lời Chúa là đủ sống tinh thần đức tin. Tuy nhiên, thánh Giacôbê muốn dạy chúng ta: việc lắng nghe Lời Chúa là cần thiết, nhưng việc sống Lời Chúa mới làm mang lại ý nghĩa đích thực cho việc lắng nghe. Ai tự hài lòng với việc lắng nghe mà thôi, mà phớt lờ việc thực hành, thì như Chúa Giêsu từng nói: họ chẳng khác nào kẻ dại xây nhà trên cát (x. Mt 7,26).
3. BÀI TIN MỪNG: Mc 7,1-8.14-15.21-23
Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta biết một số người Pharisêu và kinh sư, vốn từ trung tâm tôn giáo của Israel là Jerusalem đến nơi Chúa Giêsu đang giảng dạy, hầu chắc tại Gennesaret, đã chất vấn Chúa Giêsu về việc một vài môn đệ của Ngài đã dùng bữa mà chưa rửa tay trước đó. Điều mà họ bận tâm không phải là vấn đề vệ sinh khi dùng bữa. Đúng hơn, họ đặt vấn đề tại sao các môn đệ của Chúa Giêsu lại không tuân giữ truyền thống mà các rabbi để lại: phải giữ cho đôi tay được “thanh sạch” trước khi dùng bữa.
Chúa Giêsu không phủ nhận việc một số môn đệ của Ngài đã không tuân giữ truyền thống này, nhưng Ngài cho biết đây chỉ là truyền thống của người phàm, chứ không thuộc về các lệnh truyền của Thiên Chúa. Hẳn là vào thời Chúa Giêsu có nhiều người đã tuân giữ những truyền thống phàm nhân tương tự như thế này một cách gắt gao, và nhân danh những truyền thống đó, họ cũng muốn hay đòi những người khác phải làm như vậy. Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy những truyền thống phàm nhân này có thể có giá trị nào đó đối với cuộc sống của con người, nhưng chúng không thể nào được đặt ngang hàng với Lời Chúa, và do đó chúng cũng không có tính “đòi buộc” người ta phải tuân giữ như thể tuân giữ chính Lời Chúa truyền dạy.
Chúa Giêsu còn chỉ ra sự kiện từ những gì Ngài đã quan sát thấy: nhiều người Pharisêu và các kinh sư, tuy rất cẩn thận tuân giữ các chi tiết truyền thống các rabbi để lại, nhưng không tôn kính và tuân giữ cho phải phép những gì chính Thiên Chúa truyền dạy họ. Thậm chí, họ dùng khối kiến thức Kinh Thánh của mình để giải thích sai lệch lệnh truyền của Thiên Chúa cho mọi người. Họ “đánh lận con đen” khi cho rằng chỉ cần dâng các corban (lễ phẩm) cho Thiên Chúa là đã chu toàn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ mình. Thi hành bổn phận đối với Thiên Chúa là điều phải làm, nhưng thi hành điều này không đồng nghĩa với việc đã chu toàn bổn phận làm con đối với cha mẹ. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết “mến Chúa và yêu người”. Cả hai bổn phận này phải song hành với nhau. Không biết phụng dưỡng cha mẹ mình khi cha mẹ đang thực sự cần đến mình đồng nghĩa với việc chưa thể yêu người thân cận nhất của mình. Nếu thế, làm sao yêu người khác được?! 
Chúa Giêsu cũng nhân dịp này dạy cho dân chúng biết bản chất đích thực của việc ô uế là gì. Luật Cựu Ước nói nhiều đến sự ô uế mang tính nghi lễ, nghĩa là khi một ai đó “nhiễm uế”, thì trong thời gian bị nhiễm uế, họ không được đụng đến các vật thánh hay không được vào Thánh Điện. Có nhiều điều làm cho con người ra “ô uế” về mặt phụng tự, ví dụ như khi đụng phải xác chết một con vật hay ăn thịt xác chết của nó hay mang vác xác chết của con vật đó thì sẽ ra ô uế cho đến chiều (x. Lv 11,39-40). Điều họ cần làm là “thanh tẩy” mình qua các nghi thức tạ tội nếu là những trường hợp nhiễm uế kéo dài, ví dụ trường hợp người nữ sinh con, hay người bị bệnh phong, hay người bị bệnh rong huyết (x. Lv 12-15). Trong những trường hợp nhẹ, ví dụ mang vác xác chết con vật, thì họ cần phải giặt sạch quần áo và qua một chiều thì không còn bị nhiễm uế nữa (x. Lv 11,39-40). Luật Cựu Ước cũng cấm người ta không được ăn hay đụng đến xác chết những con vật được kể là ô uế, ví dụ như heo, lạc đà, thỏ rừng, các loài cá da trơn, đà điểu, v.v. (x. Lv 11).
Nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh nhiều hơn đến sự ô uế nơi tâm hồn. Những thứ từ lòng người xuất ra như “những ý định tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”, những thứ này mới đáng sợ vì chúng làm cho con người ra ô uế về mặt luân lý. Những ý định xấu này một khi không được kiểm soát, mà biến thành hành động, chúng sẽ không chỉ làm cho kẻ thực hiện trở thành kẻ có tội, kẻ gian ác, mà còn gây hại biết bao cho xã hội và cho người khác. Chúng cũng làm cho kẻ phạm tội xa cách với Thiên Chúa là Đấng toàn thiện, xa cách với phẩm giá làm người của họ, vốn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng cũng có thể làm “lây lan” sự dữ nơi nhiều người khác.
II. CÂU HỎI PHẢN TỈNH
1/ Việc lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa là điều rất hệ trọng đối với người tín hữu, tôi đã sống hai chiều kích này như thế nào?
2/ Ông Môsê truyền dạy dân Israel: việc tuân giữ Lời Chúa sẽ giúp dân Israel được kể là một dân tộc vĩ đại, khôn ngoan và thông minh. Trong kinh nghiệm của tôi, việc tuân giữ Lời Chúa giúp gì cho tôi và cho xã hội hôm nay?
3/ Chúa Giêsu dạy chúng ta cần phải giữ mình cho thanh sạch khỏi các ý định xuất xuất phát từ tâm hồn. Theo bạn, làm sao có thể sống thanh sạch như lòng Chúa mong ước? Làm sao người Kitô hữu chúng ta có thể kiến tạo một xã hội bớt dần 12 thứ gây “ô uế” xã hội và con người hôm nay (x. Mc 7,21-23)?
Nghe audio: 
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã ban Lề Luật và Lời Chúa để hướng dẫn Dân Người theo đường công chính, hầu được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Với tâm tình tri ân và tín thác, chúng ta cùng tha thiết cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng rao giảng Lời Chúa và mời gọi mọi người tuân giữ Luật Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần của Hội Thánh luôn ý thức chu toàn sứ vụ ngôn sứ bằng lời rao giảng và gương sáng trong đời sống hằng ngày.
2. Con người thời đại đang tỏ ra thờ ơ với những giá trị thiêng liêng và dị ứng với lề luật. Chúng ta cầu xin Chúa soi dẫn những tâm hồn lầm lạc, để họ biết trân trọng đón nhận sứ điệp Tin Mừng và nhạy bén trước tiếng thôi thúc của lương tâm.
3. Gia đình Công Giáo là ngôi trường đầu tiên huấn luyện và đào tạo đức tin. Chúng ta cầu nguyện cho các kitô hữu với trách nhiệm làm cha mẹ, luôn quan tâm và tận tình hướng dẫn con cái trong việc thực thi Lời Chúa và tuân giữ lề luật.
4. “Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông.” Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết yêu mến và say mê học hỏi Thánh Kinh, thực hành Lời Chúa, và nỗ lực sống giới răn mến Chúa - yêu người.
Chủ tếLạy Chúa là nguồn mạch sự sống, Chúa đã ban lề luật và Lời Chúa làm ngọn đèn dẫn đưa chúng con đến sự sống đời đời. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn giúp sức để chúng con luôn vững bước theo đường ngay nẻo chính. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Chủ đề :
Lề luật và tấm lòng

"Cái gì từ trong con người xuất ra mới là cái làm cho người ta ô uế"
(Mc 7,15)

Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Đnl 4,1-2.6-8) : Môsê khuyên dân do thái hãy đem lề luật đã học ra thực hành.
- Tin Mừng (Mc 7,1-8a.14-15.21-23) : Đức Giêsu trách những người biệt phái và kinh sư chỉ lo giữ những khoản luật quy định về sự trong sách bề ngoài mà không lo giữ tâm hồn cho trong sạch.
- Bài đọc II (Gc 1,17-18.21b-22.27) : Đối với Lời Chúa, đừng nghe suông mà hãy thực hành.

I. Dẫn vào Thánh  lễ
Anh chị em thân mến
Ngày xưa Đức Giêsu đã dùng lời ngôn sứ Isaia để trách dân do thái rằng : "Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta". Phải chăng chúng ta cũng đáng bị trách như thế ? Mỗi ngày Chúa nhật, chúng ta đến đây đọc kinh và rước lễ. Nhưng đó chỉ mới là bằng môi bằng miệng thôi. Tôn kính Chúa bằng một tấm lòng chân thành còn đòi buộc chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa, kết hợp với Mình Thánh Chúa và sống theo ý Chúa nữa. Chúng ta hãy dâng Thánh lễ này với cả tấm lòng chân thành yêu kính như vậy.

II. Gợi ý sám hối
- Nhiều lần chúng ta dự thánh lễ nhưng lòng trí không ở với Chúa.
- Chúng ta nghe Lời Chúa rất nhiều nhưng chẳng thực hành bao nhiêu.
- Chúng ta cố gắng giữ luật vì sợ phạm tội chứ không vì lòng yêu mến Chúa.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Đnl 4,1-2.6-8)
Dân do thái rất hãnh diện vì có Thiên Chúa làm Chúa của họ và vì được Thiên Chúa ban Luật cho họ : "Có dân tộc vĩ đại nào được Thần minh ở gần như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu Người ? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh như tất cả Lề luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em ?"
Nhưng Ông Môsê lưu ý : (1) Không được thêm cũng không được bớt gì vào những Lề luật của Chúa ; (2) Phải đem những lề luật đó ra thực hành.
2. Đáp ca (Tv 14)
Thánh vịnh này ca tụng những người luôn cố gắng sống công chính theo chỉ dẫn của lề luật.
3. Tin Mừng (Mc 7,1-8a.14-15.21-23)
Đức Giêsu và nhóm biệt phái cùng kinh sư tranh luận với nhau về vấn đề sạch dơ.
- Họ bám sát mặt chữ những quy định của luật lệ về sự phân biệt cái gì sạch cái gì dơ và về những đòi buộc phải rửa tay chân chén dĩa...
- Đức Giêsu nói đó chỉ mới là sạch dơ bề ngoài, không quan trọng bằng sạch dơ trong tâm hồn.
- Ngài nhận xét đạo đức của họ chỉ là đạo đức giả : "Dân này kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta".
- Ngài còn kết án họ lấy tập tục của loài người để thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa. Ngài lấy tục lệ Corban ra làm thí dụ điển hình : Corban là của dâng cúng cho Thiên Chúa. Mặc dù Xh 20,12 buộc con cái phải phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng để khuyến khích người ta đóng góp cho Đền thờ, biệt phái và kinh sư đã dạy rằng nếu ai khấn hứa đem những gì phải giúp cha mẹ để dâng cho Đền thờ thì không còn phải giúp cha mẹ nữa. Quả thật đây là một cách bóp méo luật Chúa.
4. Bài đọc II (Gc 1,17-18.21b-22.27)
Thánh Giacôbê bảo rằng được đón nhận Lời Chúa quả là một ân huệ to lớn. Nhưng Ngài khuyên tín hữu "đừng nghe suông mà phải đem ra thực hành". Cụ thể là hãy "thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian".
IV. Gợi ý giảng
* 1. Chớ giả hình
Năm 587, trước khi Chúa ra đời, thủ đô Giêrusalem bị thất thủ, nước Do Thái sụp đổ, người Do thái bị bắt đi đày bên nước Babylon. Sống bên xứ lạ quê người, đền thờ không còn, tế tự không còn, niềm tin của người Do thái yếu kém đi. Hơn nữa sống giữa người ngoại, nhiều người Do thái đã dần dà bỏ đạo Chúa và theo các bụt thần. Trước hoàn cảnh đó, các luật sĩ Do thái đã hết sức cứu vãn niềm tin của dân mình bằng cách đặt ra những luật lệ nhằm bảo vệ đức tin cho tinh tuyền. Vì thế, có những khoản luật cấm tiếp xúc với kẻ tội lội, với những gì gọi là ô uế xấu xa.
Thế nhưng sau khi lưu đày trở về, các luật sĩ đã đi quá trớn, đưa ra những khoản luật rất là tỉ mỉ. Thí dụ :
. Một người đàn ông bị đi lính thì bị coi là ô uế. Tất cả mùng mền chiếu gối của họ đều bị coi là dơ. Ai đụng tới cũng bị dơ và phải giặt quần áo của mình, và cho dù đã tắm giặt như vậy vẫn còn bị coi là dơ cho đến chiều tối. Xe họ ngồi cũng bị coi là dơ, phải rửa cho sạch.
. Đàn bà tới kỳ xuất huyết thì bị coi là ô uế suốt 7 ngày. Ai đụng tới họ cũng bị lây ô uế, có tắm giặt cũng còn ô uế tới chiều.
. Nếu kẻ bị coi là ô uế hay lây ô uế khi tắm giặt cũng phải theo những luật tỉ mỉ : lấy nước thì lấy bằng bình đồng, bình sành hay bình gỗ chứ không được dùng bằng thứ bình nào khác. Đụng tới một người ô uế thì phải rửa từ khuỷu tay trở xuống, và phải rửa 2 lần : 1 lần vì tay bẩn, lần thứ hai để tẩy đợt nước thứ nhất đã bị bẩn khi dính vào tay bẩn của mình.
. Trước khi ăn thì phải rửa tay cho khỏi những ô uế mà có thể vì vô tình mình đã chạm phải. Người ta kể rằng có 1 luật sĩ tên là Aqiba đã thà chết khát trong tù còn hơn vi phạm luật này : trong tù nước rất ít, nhưng ông cũng dùng để rửa tay trước khi ăn dù rửa xong thì không còn nước để uống.
Đi tới chỗ quá trớn đó thì trở thành thói vụ hình thức. Và nếu chỉ coi trọng hình thức mà quên phần nội tâm thì trở thành chứng giả hình. Vụ hình thức và giả hình, đó là 2 điều mà Đức Giêsu cực lực công kích trong bài Tin mừng hôm nay.
Nhưng dù sao giữ hình thức cũng dễ hơn giữ nội tâm, cho nên những người cho nên không riêng gì người Do thái thời xưa, mà cả chúng ta ngày nay cũng dễ mắc thói vụ hình thức và giả hình.
. Thiếu gì người thích làm đám cưới linh đình, lễ cưới có nhiều cha đồng tế nhưng chẳng lo phần giáo lý cho đôi tân hôn bao nhiêu.
. Thiếu gì người cha mẹ già còn sống thì bỏ bê, nói nặng nói nhẹ. Chỉ khi cha mẹ nằm xuống mới lo làm tang lễ um sùm, than khóc bù lu bù loa..
. Thiếu gì người không khuyến khích con cái đi học giáo lý, nhưng tới ngày Rước lễ, Thêm Sức thì tới xin xỏ, làm áp lực cho con mình cũng có mặt trong ngày lễ trọng đại ấy.
. Và thiếu gì người hết sức sùng kính ảnh thánh này, tượng thánh nọ, mà khi đối xử với người khác thì chẳng thấy có chút gì giống tinh thần bác ái vị tha của các vị thánh đó.
Với những kẻ giả hình thời trước cũng như thời nay, Lời Đức Giêsu trách sứ vẫn luôn luôn nghiêm nhặt : "Hỡi bọn giả hình, Isaia đã nói thật chí lý về các ngươi rằng : dân này kính ta bằng môi miệng, còn lòng nó thì ở cách xa ta, vì nói sùng kính ta cách giả dối".
Nhưng thực ra, chúng ta không muốn giả hình mà chỉ vì có bề ngoài thì dễ hơn có bề trong. Bề ngoài và bề trong đều quan trọng, nhưng bề trong quan trọng hơn. Giữ đạo mà không thật lòng mến Chúa yêu người thì vô ích, bởi vì công phúc không phải từ bên ngoài mà tự trong lòng mà ra, không phải do đọc kinh dự lễ mà có nhưng do tâm tình sốt sắng khi đọc kinh dự lễ.
* 2. Bàn về luật lệ
Năm 336 trước Chúa Giáng Sinh, nước Hy Lạp nổi lên một vị anh hùng, đó là Alexandre đại đế. Mới có 20 tuổi, ông đã chứng tỏ tài thao lược của mình khi nổi lên bẻ gãy ách đô hộ của đế quốc Ba Tư lúc đó đang đè nặng trên nước Hy Lạp. Chẳng những thế, ông còn quật ngược lại tình hình, biến Ba Tư trở thành một nước chư hầu và đưa Hy Lạp lên ngôi bá chủ. Ông đánh đâu thắng đó, trăm trận trăm thắng, xâm chiếm nhiều nước khác, đế quốc Hy lạp trải rộng cho tới Ấn Độ,. Nước Do thái bé nhỏ cũng rơi vào vòng thống trị của đế quốc Hy Lạp. Loé mắt trước nền văn minh Hy Lạp, nhiều người Do Thái đua nhau học đòi kiểu sống Hy Lạp : nói tiếng Hy Lạp, mặc theo kiểu Hy lạp, ăn uống theo kiểu Hy Lạp và thờ các thần Hy Lạp. Mặt khác các quan thái thú Hy Lạp dùng sức mạnh để buộc người Do thái bỏ đạo Chúa để thờ đạo Hy Lạp, họ bắt đầu ăn thịt heo và đốt nhang trước các tượng thần. Ai không làm theo thì bị xử tử. Văn hóa dân tộc và đức tin vào Chúa có nguy cơ bị huỷ diệt. Vì thế, những nhà lãnh đạo tinh thần của dân đã hết sức cố gắng giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân. Họ đặt ra những khoản luật buộc dân giữ mình khỏi bị lây nhiễm nọc độc của ngoại bang, trong đó có những luật về ăn uống, về cách giữ các lễ nghi. Từ đó dấy lên một phong trào đề cao lề luật.
Nhưng phong trào này càng ngày càng đi tới chỗ quá trớn. Tới thời CG thì luật lệ đã quá sức tỉ mỉ, nhất là luật về sạch dơ : đi đâu về trước khi vào nhà cũng đều phải rửa tay rửa chân, trước khi ăn uống cũng phải rửa tay chân, và những chén dĩa ly tách dùng để ăn uống cũng phải rửa nhiều lần trong ngày. Điều đáng ta chú ý là những luật này không phải để giữ vệ sinh hay bảo vệ sức khoẻ, mà chỉ để giữ nghi thức thôi, cho nên dù không dơ nhưng cũng phải tắm rửa, ai không làm vậy thì bị coi là người tội lỗi, bị người khác chỉ trích và kết án nặng nề.
Như một lần kia, các môn đệ CG đã ăn mà không rửa tay trước. Lập tức họ bị những luật sĩ và biệt phái chỉ trích. Nhân dịp đó CG đã lên tiếng vừa để bênh vực môn đệ mình, vừa để nói lên quan điểm của Chúa về vấn đề lề luật cách chung và cách riêng về vấn đề sạch dơ. Đại khái CG cho rằng luật lệ chỉ là hình thức để diễn tả tấm lòng. Tấm lòng mới quan trọng, còn hình thức không quan trọng. Bởi vì dơ hay sạch là do tự tấm lòng bên trong. Nếu lòng dạ dơ dấy xấu xa thì cho dù hình thức bên ngoài có đẹp đẽ mấy thì cũng chỉ là vô ích, là giả hình.
Đức Giêsu đã nói rất đúng. Luật lệ giống như cái khuôn khổ, giống như những bức tường, những hàng rào, như sợi dây cương để lèo lái con ngựa chỉ được chạy một hướng, như chiếc đường rày không cho chiếc xe lửa chạy lệch hướng. Thành ra luật lệ có tính cách gò bó, ép buộc. Còn tấm lòng thì dự do và thoải mái, cũng giống như tình cảm người ta thì không có hàng rào, không có bánh lái. Dĩ nhiên luật lệ cũng cần thiết và hữu ích để gìn giữ không cho tấm lòng đi lệch lạc. Nhưng coi luật trọng hơn tấm lòng, dùng luật lệ để bóp chết tấm lòng, hoặc chỉ chú ý đến luật lệ mà bỏ hẳn tấm lòng thì quả là một sai lầm to lớn.
Sai lầm đó, các luật sĩ và biệt phái thời CG đã phạm. Và ngày nay nhiều người vẫn phạm. Thí dụ như mới đây thôi tôi gặp một người rất lâu không thấy đi xưng tội, hỏi tại sao thì người ấy đáp : "Có chứ con xưng tội một năm một lần, đúng luật mà"
Khi đã có tấm lòng thì có thể chẳng cần lề luật. Cũng như cha mẹ đối với con cái. Tình thương của cha mẹ lúc nào cũng bao la lai láng, vì thế cha mẹ đã lo cho con ăn, lo cho con mặc, chăm sóc con cái mọi chuyện.... chỉ do sự thúc đẩy của tình thương chứ không do một luật lệ nào bắt buộc. Đứa con nào biết thương cha mẹ thực lòng thì cũng tận tuỵ phụng dưỡng cha mẹ như vậy. Nhưng có một số gia đình mà con cái không còn tấm lòng với cha mẹ nên khi cha mẹ già yếu phải đề ra những quy luật giao cho đứa này phải lo gạo, đứa kia lo tiền chợ, đứa khác lo tiền điện nước trong nhà. Khi đã không có tình nghĩa thì người ta phải xài tới luật lệ. Nhưng mà luật lệ cũng không bảo đảm làm cho tình nghĩa sống lại, chúng chỉ là một mớ hình thức lỏng lẽo, héo khô. Như gia đình mà tôi đang nói, các đứa con tuy giữ đúng quy định phân chia trách nhiệm như thế, nhưng khi cha mẹ đau yếu, cha mẹ cần tiền để đi dự một đám cưới, cha mẹ có khách tới ở nhà... thì không đứa nào chịu bỏ tiền ra đưa cho cha mẹ, bởi vì những khoản đó không có kể trong quy luật gia đình. Những đứa con ấy giữ luật rất đúng nhưng đâu phải là những đứa con hiếu thảo.
Nếu chúng ta là những tín hữu đã tuân giữ luật Chúa và luật Giáo Hội một cách chu đáo thì chúng ta cũng không được tự mãn cho rằng mình đã làm đầy đủ tất cả. Bởi vì có thể chỉ là đầy đủ về hình thức thôi, chứ chưa hẳn là đầy đủ tình nghĩa yêu mến kính thờ Chúa. Chúng ta cũng nên áp dụng nhận thức trên vào một việc cụ thể là việc đọc kinh và dự lễ.
. Luật dạy chúng ta đọc kinh sáng tối mỗi ngày : đọc những kinh gì, và đọc lúc nào, đó là hình thức. Người chỉ để ý tới hình thức thì đọc thật nhanh, đọc cho có cho rồi. Ngày nào có cớ để không đọc thì chộp ngay lấy cớ đó để bỏ. Nhưng ta phải biết tinh thần của luật ấy là gì ? Đó là muốn chúng ta tỏ lòng kính mến Chúa mỗi ngày vào khoảng khắc đầu tiên và cuối cùng trong ngày. Ai có tinh thần đó thì không nhất thiết là phải đọc những kinh gì, đọc bao lâu. Mỗi ngày khi vừa thức dậy và khi sắp đi ngủ họ nâng tâm hồn lên tới Chúa, có thể họ đọc kinh mà có khi cũng không đọc kinh, chỉ nói với Chúa đôi lời, những lời đơn sơ, thực tình nhưng rất hiếu thảo.
. Luật buộc đi lễ Ngày Chúa Nhật : Đi lễ cũng chỉ là hình thức. Còn tinh thần chính là dành ra một ngày trong tuần để đặc biệt cho Chúa, lo việc thờ phượng Chúa. Người nào đi lễ mà chỉ đứng ở ngoài nhà thờ, hay đến thì trễ mà về thì sớm thì đúng là người chỉ chú ý đến hình thức. Kẻ coi trọng tinh thần ngày Chúa Nhật nếu vì một cản trở nào đó mà không đến nhà thờ được thì cũng biết cách để thánh hóa ngày Chúa Nhật, như cầu nguyện riêng ở nhà, như làm một vài việc lành dâng lên Chúa trong ngày đó.
Xin Chúa giúp chúng ta kính mến Chúa thực sự trong lòng chứ không phải chỉ bằng những hình thức giữ lề luật bên ngoài, để chúng ta không bị Chúa trách như đã trách các biệt phái và luật sĩ ngày xưa "Dân này kính ta ngoài môi miệng, mà lòng nó ở cách xa ta".
* 3. Đức Kitô và KARMELIUK
Có một cuốn phim truyền hình mang tên Karmeliuk,, kể chuyện một vị anh hùng dân tộc Nga : khi ấy nước Nga còn sống trong chế độ nông nô, một số ít phú nông địa chủ chiếm hầu hết đất đai, còn đa số dân chúng không có đất, thì phải đi làm nô lệ cho các phú nông địa chủ trên, đời sống của họ hết sức cơ cực, họ bị bóc lột, đàn áp dã man. Lúc bấy giờ có một chàng thanh niên có tâm huyết tên là Karmeliuk. Chàng cũng là một nông nô, nhưng không chịu nỗi cảnh đàn áp, bất công đó nên đã trốn vào bưng biền để cùng với một số bạn tâm huyết khác nổi loạn. Họ tổ chức đánh cướp nhà các phú nông địa chủ và lấy tài sản của chúng đem chia cho các người nghèo. Danh tiếng Karmeliuk loan truyền khắp nước. Có những bài thơ, những bài hát được lưu truyền trong dân gian để ca ngợi chàng. Chàng Karmeliuk trên những dặm đường gió bụi cũng đã gặp gỡ nhiều thanh niên. Lúc đầu họ không biết chàng. Nhưng khi họ hỏi "Anh là ai ?" và Karmeliuk trả lời "Tôi là Karmeliuk", thì những thanh niên ấy vô cùng sung sướng, bỏ lại sau lưng tất cả để theo chàng. Họ hãnh diện vì đã đi theo một vị anh hùng dân tộc.
Bài Tin mừng hôm nay, nếu được diễn tả bằng ngôn ngữ thời đại, thì cũng tương tự như câu chuyện trên. Thuở bấy giờ dân chúng đang sống khổ sở, không phải họ chỉ mang một ách nô lệ, mà tới hai cái ách nô lệ : Nô lệ đế quốc La mã, và nô lệ đế quốc tội lỗi. Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đi đó đi đây khắp nơi để xoa dịu những cực khổ thể xác, và giải phóng khỏi cách tội lỗi. Có nhiều tiếng đồn, nhiều dư luận về Ngài. Một ngày kia, trên con đường từ Betsaiđa đến thành phố Xêxarê Philip, Đức Giêsu đột ngột hỏi các môn đệ mình : "Còn anh em, anh em nghĩ Ta là ai ?" Các môn đệ bối rối trước câu hỏi đột ngột ấy nên không trả lời được, khi ấy, Phêrô lên tiếng : "Thầy là Đức Kitô". Đức Kitô, đó là một danh xưng theo tiếng Hy Lạp, ý nghĩa của nó, nói theo ngôn ngữ thời nay, chính là "Vị anh hùng giải phóng". Lời Phêrô nói : "Thầy là Đức Kitô", có nghĩa là "Thầy chính là vị Anh Hùng giải phóng mà toàn dân đã từ lâu mong đợi". Chắc hẳn Phêrô và các bạn ông rất hãnh diện vì được đi theo một Vị Anh Hùng như vậy. Họ dám bỏ lại sau lưng tất cả, nhà cửa, nghề nghiệp, gia đình, vợ con mà không hề tiếc nuối, bởi vì họ đi theo một Vị Anh Hùng, họ vô cùng hãnh diện.
Thế nhưng vấn đề không phải chỉ đơn giản có thế. Đi theo một Vị Anh Hùng không phải chỉ để được hãnh diện, mà còn phải chia xẻ tất cả những gian truân nguy hiểm trên con đường dài mà vị Anh Hùng ấy đã vạch ra. Trong chuyện Karmeliuk, nhiều thanh niên đã hãnh diện khi được đi theo chàng. Thế rồi gian truân nguy hiểm đã phân họ thành hai hạng : có một người đã không chịu nỗi những gian khổ nên cuối cùng đã phản bội, nghe theo âm mưu của địch để đầu độc Karmeliuk, rất may là chàng không chết ; hạng thứ hai là những kẻ trung thành với chàng cho đến chết. Thánh Phêrô và các bạn cũng hãnh diện vì đi theo Đức Kitô. Nhưng Đức Kitô phải nhắc họ : Đi theo Ngài không phải chỉ để hãnh diện, mà còn phải cùng Ngài dấn thân vào con đường Thập Giá đầy đau khổ. Rõ ràng là các môn đệ chưa được biết điều đó, cho nên nghe vậy thì họ sợ nguy ngay. Và một lần nữa Phêrô lên tiếng thay các bạn "Thưa Thầy, đừng, không được như vậy đâu ?" Đức Giêsu nghiêm khắc rầy Phêrô và xác định lại dứt khoát "Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình, vác Thập Giá mà theo". Từ đó trở đi, các môn đệ dần dần hiểu được con đường của Thầy. Nhưng họ cũng phân ra thành hai hạng : 1 hạng gồm những kẻ trung thành với Thầy cho đến chết, và hạng kia là Giuđa cuối cùng đã phản lại Thầy.
Đoạn kết của câu chuyện Karmeliuk và câu chuyện Đức Giêsu cũng giống nhau : cả 2 đều bị giết. Kể như cả 2 đều thất bại. Nhưng thực ra đó không phải là thất bại, mà là thành công : Karmeliuk đã gây được ý thức giải phóng nơi dân chúng, với ý thức đó, về sau họ đã đứng lên và dành lại được quyền sống cho mình. Còn CG thì đã vạch ra một con đường cứu thoát rõ ràng : phải dám vác Thập giá, phải dám chết đi, rồi sau đó sẽ sống lại và toàn thắng. Con đường ấy ngày nay đang được hàng trăm triệu người đi theo.
Trong số đó có chúng ta.
Nhưng hôm nay, chúng ta hãy đặt lại 2 vấn đề cơ bản :
1. Chúng ta có hãnh diện vì đã đi theo Đức Kitô không ?
Người ta thường hãnh diện khi đi theo một Vị Anh Hùng đang nổi tiếng, đang thành công, đang đứng giữa vòng hào quang. Nhưng những vị "Anh Hùng Mạt lộ" thì thường bị đệ tử bỏ rơi. Khi CG bị chống đối, rất nhiều người đã bỏ Ngài. Khi các thủ lãnh dân Do thái âm mưu giết ngài, Giuđa đã trở mặt, nộp Ngài cho chúng giết đi, còn Phêrô thì xấu hổ không dám nhận là môn đệ của Ngài. Có thể coi đó là tâm lý thường tình. Và chắc chúng ta cũng rơi vào thứ tâm lý thường tình đó khi thấy đạo của mình hình như không được vinh dự lắm, khi nghe thấy những lời chỉ trích, chế nhạo, lên án Đạo mình. Có người đã làm như Giuđa, trở mặt bỏ Đạo ; có người làm như Phêrô không dám để cho người ta biết mình có Đạo.
Giuđa thì một lần phản bội đã hư mất luôn. Còn Phêrô chỉ chối Thầy 3 lần. Sau đó đã ý thức được điều mà tôi đã trình bày ở phần trước : CG xem ra đã thất bại vì đã bị Vác Thập Giá và đã bị giết chết ; nhưng thực ra đó chính là thành công : Thập giá là đường đưa tới Phục Sinh, đau khổ là đường đưa tới vinh quang. Vì ý thức như vậy nên sau đó Phêrô (và các tông đồ khác) đã kiên trì theo Thầy cho đến cùng, và hãnh diện mà đi theo Thầy : vẫn hãnh diện khi bị bắt bớ, vẫn hãnh diện khi bị giết, luôn luôn hãnh diện. Thánh Phaolô đã nói "Vinh dự của chúng tôi là Thập Giá Đức Kitô".
Đó là điều thứ nhất chúng ta nên nghiền ngẫm suy nghĩ.
2. Và điều thứ hai cần xác định : chúng ta đi theo Chúa không phải chỉ để được hãnh diện.
Theo ai, chủ yếu là để cùng chia vui, xẻ buồn với người đó, đồng lao cộng khổ để đồng hưởng vinh quang. Như lời Thánh Phaolô "Nếu ta cùng chết với Ngài. Ta sẽ sống lại với Ngài ; nếu Ta cùng chịu đau khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài chia xẻ vinh quang". Ai có dám cùng bước với CG trên những đoạn đường gian khổ thì mới có thể cùng đứng với Ngài trên đài Vinh quang.
Nhưng Vinh Quang, chiến thắng chỉ là bước cuối cùng, có thể còn xa xôi vời vợi. Còn trước khi đó là cả một đoạn đường thánh giá dài lê thê. Theo Chúa là phải theo cả con đường thánh giá ấy thì mới có thể đến cuối đường vinh quang kia. CG đã nói trước "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác Thập Giá mà theo".
Liệu chúng ta có kiên trì để theo Chúa như vậy không ?
Xin Chúa giúp chúng ta tìm ra câu trả lời,. Và nếu đó là câu trả lời : "Có" thì xin Chúa ban thêm sức cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể này mà chúng ta tiếp tục cử hành.
Văn hào Dostoevski trong tác phẩm "Anh em nhà Karamazov" có kể lại câu chuyện sau đây : "Vào thời đại của tòa phán quan ở Tây ban Nha, người ta đã dựng những hỏa đài để thiêu sống những kẻ tà giáo. Đức Kitô dịu hiền đột nhiên đến thăm con cái của Người ở Seville, Người về giữa loài người như một dân thường. Đức Giêsu bước xuống những con đường sôi bỏng của thành phố phương Nam. Nơi đây, mới hôm trước, vị phán quan vĩ đại đã cho thiêu sống trăm tên tà giáo "Ad majorem Gloriam Dei".
Hỏa đài ngay trước khán đài danh dự có đông đủ vô số triều đình, các hiệp sĩ, các mệnh phụ xinh đẹp và cả Đức hồng Y giáo chủ. Đức Giêsu nhẹ nhàng bước trên đường bằng dáng điệu trầm tĩnh, nhưng lạ lùng tất cả đã nhận ra Người. Dân chúng xô đẩy nhau quấn quít bước chân Người. Người lặng lẽ vào giữa đám đông với nụ cười và ánh mắt từ bi. Một cụ già mù van xin : "Lạy Chúa, xin cho con được sáng để con nhìn thấy Người". Một cái vẩy rơi xuống và cụ nhìn thấy được. Dân chúng vui mừng chảy nước mắt và hôn lên mảnh đất chỗ Người đi qua. Những em bé tung hoa trên lối Người đi.
Đức Kitô đứng lại trước giáo đường Seville ngay lúc có đám tang một cô bé bảy tuổi. Cạnh cỗ áo quan màu trắng phủ đầy hoa, người mẹ đang nức nở. Trong đám đông có người hô lớn : "Con bà sẽ hồi sinh". Người mẹ tha thiết : "Nếu đúng là Người xin hãy hồi sinh đứa con của con". Đức Giêsu nhắc lại lời thuở trước : "Talitha Kum" và em bé ngồi lên.
Đúng lúc đó, Hồng Y giáo chủ và phán quan vĩ đại đi ngang qua. Từ xa ông đã thấy hết. Ông thấy chiếc áo quan đặt xuống, đứa bé hồi sinh. Mặt ông xịu xuống, mắt ông chớp tia sáng ghê hồn. Ông lấy ngón tay chỉ vào Đức Giêsu và ra lệnh cho bọn lính bắt người. Thế lực ông quá lớn nên ông khuất phục cả quần chúng. Phán quan ra lệnh tống giam Giêsu. Ông vào ngục một mình gặp Người. Ông thương cảm nhưng "Luật là luật, trật tự của Giáo hội phải được bảo tồn bằng mọi giá". Ông tuyên bố "Tôi chẳng rõ Người là ai. Hình như Người là Đức Giêsu, nhân danh Giáo hội, Ad majorem gloriam Dei, ngày mai Ngài cũng lên giàn hỏa".
*
Vị phán quan trong câu chuyện trên cũng chỉ đi theo vết xe cũ của các biệt phái và ký lục Do thái. Bài Tin mừng hôm nay chứng minh điều ấy, Đức Giêsu đang ở Galilê, các Biệt phái và Ký lục từ Giêrusalem tới, nghĩa là họ phải vượt qua 170 Km đường bộ để chỉ hỏi tại sao các môn đệ Người không rửa tay trước khi ăn. Điều đó cho thấy người Do thái rất coi trọng việc tuân giữ các tập tục tiền nhân về vấn đề thanh tẩy.
Thực ra, lúc đầu luật rửa tay trước khi vào nơi thánh dành cho các tư tế. Mục đích là tẩy rửa các ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa. Sau này, dân chúng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Với suy nghĩ tương tự họ cũng rửa tay trước khi ăn. Ý tưởng này rất cao đẹp vì nó làm cho tôn giáo thâm nhập vào hành vi con người trong cuộc sống.
Khốn thay trong quá trình thực thi luật này, tôn giáo đã thoái hóa đến chỗ chỉ còn giữ nghi thức bên ngoài, nghĩa là ai tuân giữ các nghi thức này thì được xem là đạo đức, là đẹp lòng Thiên Chúa, còn không tuân giữ là phạm tội. Nói như nhà thần học William Barclay : "Người ta có thể căm thù tha nhân tận xương tuỷ mà không một chút áy náy vì họ đã tuân giữ chặt chẽ các nghi thức rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác". Tôn giáo không phải là một mớ luật lệ. Tôn giáo là một diễn tả tình yêu, một phát minh của Thiên Chúa nhân từ.
Thế nên, Đức Giêsu mới vạch mặt sự giả hình của họ, vì họ chẳng quan tâm đến chuyện tẩy rửa trái tim. Họ rửa tay để được an tâm. Họ rửa tay để khỏi phải rửa tâm hồn. Rửa tay thì dễ chứ rửa tâm hồn mới thực là khó. Nhưng cái ô uế thực lại không từ bên ngoài vào, nó ở ngay trong trái tim mỗi người. Đức Giêsu đã kể ra 12 ý định xấu từ trong trái tim. Từ ý định xấu xa sẽ dẫn đến những hành vi tội lỗi (x.Mc.7,21-22). Michael Taeboit nói : "Khi cái dầm tội lỗi ra khỏi mắt ta, tất cả thế giới sẽ tỏa sáng".
Vậy điều quan trọng là phải đổi mới trái tim. Đổi mới được trái tim là đổi được tất cả. Điều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Việc đọc kinh dự lễ, suy niệm Lời Chúa, làm việc bác ái… tự chúng không bảo đảm rằng chúng ta thánh thiện, nếu chúng ta làm vì một lý do không mấy đúng đắn. Nó chỉ trở nên thánh thiện trước mặt Chúa khi những hành động ấy phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Phaolô đã quả quyết : "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà tôi không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1Cr.13,3).
*
Lạy Chúa, xin nhắc cho chúng con nhớ rằng : luật lệ và nghi thức là cần thiết, nhưng đừng quên điều cốt lõi của luật Chúa là yêu thương. Xin dạy chúng con chỉ biết có một điều : là chúng con làm mọi sự chỉ để kính mến Chúa và yêu thương anh em. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
5. Mảnh suy tư
a/ Đầu và tim
Trong trường học, người ta để ý huấn luyện cái đầu hơn là trái tim, vì người ta cho rằng cái đầu mới biết suy nghĩ. Bởi đó người ta lo đào tạo nên những đứa trẻ giỏi hơn là những đứa trẻ tốt, vì công việc và nghề nghiệp sau này của đứa trẻ đòi hỏi hiệu năng hơn là tấm lòng. Kết quả của lối giáo dục trên là nền văn minh khoa học kỹ thuật ngày nay, rất hiệu quả nhưng cũng rất lạnh lùng, ích kỷ và tàn nhẫn.
Tuy nhiên trong trường đời thì trái tim lại quan trọng hơn, vì sống ở đời và giao tiếp với người đời, "được việc" mà thôi chưa đủ, còn phải "được người" nữa. Nền văn minh mang lại hạnh phúc cho con người không phải là văn minh của khoa học kỹ thuật mà là văn minh của tình thương.
b/ Chăm sóc bề ngoài
Hàng ngày xem TV, chúng ta thấy quảng cáo rất nhiều sản phẩm : các loại xà bông mới, các loại dầu gội mới, nhiều loại nước hoa v.v. Tất cả đều nhằm chăm sóc cho làm da, mái tóc, cơ thể… nhưng đều là bề ngoài. Ngày nay, người ta cũng để ý nhiều hơn đến chất lượng của những thức ăn và thức uống… Mọi thứ phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những thứ từ bên ngoài được đưa vào trong cơ thể con người.
Nhưng xem ra người ta rất ít lo chăm sóc cái bề trong của con người, như lương tâm, lòng nhân ái, ý thức về tội… và cũng rất ít để ý tới những cái từ trong lòng phát ra.
6. Chuyện minh họa
Một sư phụ hỏi các đệ tử của mình : "Cái gì ta phải lo tránh nhất trong cuộc đời ?" Sau đây là những câu trả lời của các đệ tử :
- Một con mắt xấu
- Một người bạn xấu
- Một người láng giềng xấu
- Một trái tim xấu.
Sư phụ đánh giá câu trả lời thứ tư là đúng nhất, bởi vì một trái tim xấu chứa đựng tất cả những sự xấu khác.
Sau đó sư phụ lại hỏi : "Và cái gì ta cần bồi dưỡng nhất trong cuộc đời ?" Cũng có những câu trả lời tương tự :
- Một con mắt tốt.
- Một người bạn tốt.
- Một người láng giềng tốt
- Một trái tim tốt.
Vị sư phụ cũng đánh giá câu trả lời thứ tư là đúng nhất, vì một trái tim tốt chứa đựng tất cả mọi thứ tốt khác.
Nhưng sư phụ lưu ý thêm : Một trái tim tốt không chỉ là một trái tim sạch mà còn phải là một trái tim đầy, bởi vì một trái tim sạch có thể chỉ là một trái tim trống rỗng, còn một trái tim đầy thì chan chứa tình thương.

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, người biệt phái Do thái tranh luận với Đức Giêsu về sự ô uế và trong sạch Đức Giêsu đã bảo họ : "Tất cả những điều xấu xa đều từ bên trong xuất ra và làm cho con người thành ô uế". Chúng ta hãy khiêm tốn cầu nguyện :
1. Xin cho các Đức Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục và cá giáo lý viên / biết hướng dẫn mọi người sống theo tinh thần lề luật của Chúa / và tránh mọi lối sống vụ hình thức cũng như giả hình.
2. Xin cho các người lãnh đạo các dân tộc / biết ứng xử với nhau và với đồng bào của mình trong tinh thần và sự thật / để đôi bên luôn tín nhiệm và đoàn kết với nhau.
3. Xin cho những người quen sống lối sống vụ hình thức và giả hình / biết nhận thức rằng chính lối sống đó chỉ làm cho họ trở nên ô uế xấu xa.
4. Xin cho anh chị em trong giáo xứ chúng ta / biết yêu mến và tuân giữ lề luật của Chúa / hơn là chạy theo những thói quen ngoại giao giả hình.
Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã dạy chúng con rằng : tất cả những điều xấu xa đều từ bên trong mà xuất ra. Xin Chúa giúp chúng con luôn thanh tẩy tâm hồn cho trong sạch, để chúng con biết phục vụ Chúa và mọi người trong thần khí và sự thật. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. Trong Thánh lễ
- Trước lúc rước lễ : Chúng ta hãy nhớ lời Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng : "Chính cái từ trong con người xuất ra là cái làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng". Xin Chúa thương tẩy xóa mọi thứ ô uế đó khỏi lòng chúng ta để chúng ta xứng đáng rước Chúa vào lòng.

VII. Giải tán
Anh chị em hãy ghi nhớ một lời Tin Mừng hôm nay : "Dân này thớ kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì lại xa Ta". Ước gì tuy Thánh lễ đã kết thúc và chúng ta sắp ra khỏi nhà thờ, nhưng lòng chúng ta luôn gắn bó với Chúa.
Bài đọc thêm
A. Tác giả
1. Đầu thư có ghi tên tác giả : "tôi là Giacôbê, tôi tớ của Chúa Trời và của Đức Giêsu Kitô"(1,1). Điều này cho ta biết tác giả tên là Giacôbê. Nhưng Giacôbê nào vì Tân Ước có nhiều người tên Giacôbê ?
a/ Giacôbê "tiền" con của Giêbêđê, anh của Gioan, là một trong 12 tông đồ, được Đức Giêsu gọi là "con của sấm sét", và cũng là một trong 3 tông đồ được Đức Giêsu thường đem riêng theo trong những hoàn cảnh đặc biệt ?
b/ Giacôbê con ông Anphê, cũng là một trong số 12 tông đồ ?
c/ Giacôbê "hậu" người bà con của Đức Giêsu (Mc 6,3). Dù không phải là tông đồ nhưng đã được thấy Chúa phục sinh hiện ra (1 Cr 15,7). Sau khi Đức Giêsu về trời, ông trở thành người lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem và đã chủ tọa công đồng Giêrusalem bàn về quy chế cho các tín hữu gốc lương dân ?
2. Giọng văn của một kẻ có quyền (3,1) khiến người ta đoán tác giả thư này phải thuộc giới lãnh đạo Giáo hội. Xét về nội dung thì tác giả viết cho những người do thái tòng giáo, có lẽ là giáo đoàn Giêrusalem. 2 chi tiết này khiến người ta kết luận tác giả thư này là Giacôbê hậu.
Tân Ước cho ta một số chi tiết về tác giả :
- là một người anh em của Đức Giêsu (Mt 13,55 - Tin lành, vì cho rằng Đức Giêsu có nhiều anh em ruột, nên còn nghĩ rằng Giacôbê là anh cả hay ít ra là anh kế tiếp Đức Giêsu, vì tên ông được kể đầu tiên trong bảng danh sách này).
- là một trong số ít người được Đức Giêsu chọn hiện ra sau khi Ngài sống lại (1Cr 15,7).
- được Phaolô coi là một trong những trụ cột của Giáo Hội (Gl 2,9).
- do đó Phaolô luôn quan tấm đến trình diện với Giacôbê sau khi mới trở lại đạo (Gl 1,19) và trong chuyến về Giêrusalem lần cuối (Cv 21,18).
- Ngay cả Phêrô cũng coi trọng Giacôbê : ngay sau khi thoát khỏi từ, Phêrô đã bảo người ta báo tin này cho Giacôbê (Cv 12,17).
- Giacôbê đóng vai trò quan trọng trong hội nghị Giêrusalem (Cv 15,13).
- là một người nổi tiếng đến nỗi trong thư Giuđa, tác giả không cần xưng tên mình trong liên hệ với cha mình (theo thói quen người do thái) mà lại lấy liên hệ với Giacôbê : "tôi là anh em của Giacôbê" (Gđ 1,1).
3. Tuy nhiên văn chương hy lạp của thư này quá hay, không thể là của Giacôbê anh em Đức Giêsu, vì ông này chỉ biết tiếng hy lạp sơ sài thôi. Nhưng cả 3 ông Giacôbê cũng đều như nhau về điểm này. Vậy có thể là Giacôbê anh em Đức Giêsu đưa ý tưởng, rồi một thư ký rành tiếng hy lạp viết lại.
B. Thời điểm và người nhận
Nếu ta nhìn nhận giả thuyết tác giả là Giacôbê hậu, thì thời điểm viết thư này vào khoảng các năm 57-62. Đó là thời gian ông điều khiển giáo đoàn Giêrusalem.
Đầu thư có đề tên người nhận, đó là "những kiều bào tản cư 12 chi tộc" (1,1b). Họ là những kitô hữu gốc do thái đang lưu lạc khắp nơi trong các diaspora giữa thế giới hy lạp, có lẽ sau biến cố Têphanô bị ném đá chết (x. Cv 8,1 11,19). Kiểu nói "12 chi tộc" chỉ toàn thể Dân Mới.
C. Hoàn cảnh
Nội dung thư cho thấy 2 hoàn cảnh đặc biệt :
a/ Hoàn cảnh tín hữu bị bắt bớ ;
b/ Hoàn cảnh một giáo đoàn có sự chia rẽ giữa người giàu và người nghèo :
- Người giàu thì hám danh, đòi đặc quyền ngay cả trong những buổi nhóm họp phụng vụ (2,1-3), thích nói bù lu bù loa miễn là khỏi phải chi tiền (2,16), và bóc lột người nghèo (5,1-6)
- Người nghèo thì bị coi rẽ bởi chính những người tự coi là mục tử của họ (2,2-6)
Do chia rẽ như thế nên sinh ra ganh ghét (3,14 4,2), giận dữ (1,19), chửi bới nhau (4,11 5,9)
Giacôbê đứng về phía  người  nghèo để chống lại các bất công xã hội.
D. Nội dung
Thư này không có một chủ đề chính như các thư của Phaolô, mà bàn về nhiều vấn đề cụ thể.
- 1,2-4 : sư thử thách
- 1,13-15 : Cám dỗ
- 2,1-13 : Cư xử với người nghèo
- 4,13-5,6 : Lên án người giàu
- 2,14-26 : Đức tin và việc làm
- 3,1-12 : Lo giữ miệng lưỡi
- 5,14-15 : Bí tích xức dầu bệnh nhân
E. Nhận định
"Where there is life, there is motion" (hễ sống thì phải động) :
- Đành rằng "động" không sinh ra "sống", nhưng "động" là bằng chứng hiển nhiên nhất của "sống".
- "Động" là việc lành ; "sống" là đức tin.
- Giacôbê diễn tả một cách vừa dễ hiểu vừa rất chắc chắn : đức tin mà không có việc làm là đức tin chết ; quỷ cũng tin nhưng nó đâu có được cứu độ, vì nó tin mà không làm.
Thư này là câu trả lời rất vững chắc cho những kẻ ngụy biện rằng chỉ cần tin trong lòng (đạo tại tâm).

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật XXII Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 30 Tháng 8, 2015
Cái gì là tinh sạch và cái gì là ô uế
Chúa Giêsu đáp ứng ước vọng của người dân:  sống trong bình an với Thiên Chúa
Mc 7:1-8, 14-15, 21-23


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc 

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
*  Phần Tin Mừng của Chúa Nhật XXII Thường Niên mô tả phong tục tôn giáo vào thời Chúa Giêsu, nói về những người Biệt Phái đã dạy mọi người những phong tục tập quán ấy và về giáo huấn của Chúa Giêsu liên quan đến vần đề này.  Nhiều phong tục tập quán này đã mất đi ý nghĩa của chúng và làm cho đời sống người dân vất vả.  Người Biệt Phái nhìn thấy tội lỗi trong tất cả mọi thứ và răn đe với hình phạt trong hỏa ngục!  Lấy ví dụ, dùng bữa mà không rửa tay trước thì bị xem là tội lỗi.  Nhưng những phong tục tập quán này tiếp tục truyền dạy qua các thế hệ và được dạy từ nỗi sợ hãi hoặc từ mê tín dị đoan.  Bạn có biết bất kỳ một tập quán tôn giáo nào đã mất đi ý nghĩa của nó mà vẫn còn được giảng dạy không?  Trong văn bản của bài đọc, chúng ta sẽ cố gắng nhìn vào thái độ của Chúa Giêsu liên quan đến những gì Người nói về các người Biệt Phái và những gì Người giảng dạy liên quan đến các tập tục tôn giáo được truyền dạy bởi người Biệt Phái.
*  Văn bản của phần phụng vụ Chúa Nhật tuần này trình bày một số câu Tin Mừng và bỏ ra các câu khác để rút ngắn bài Tin Mừng và làm cho nó dễ hiểu hơn.  Vì lợi ích của sự hoàn chỉnh, chúng tôi dùng toàn bộ văn bản và cũng cho ý kiến về những câu bị bỏ ra khỏi phần phụng vụ.  Các phần bị bỏ ra trong phần phụng vụ được viết bằng chữ nghiêng.         
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 7:1-2:  Cuộc tấn công của người Biệt Phái và sự tự do của các môn đệ
Mc 7:3-4:  Lời giải thích của Máccô về Truyền Thống của các Tiền Nhân
Mc 7:5:   Những người Kinh Sư và Biệt Phái chỉ trích cách cư xử của các môn đệ Chúa Giêsu
Mc 7:6-8:  Câu trả lời cứng rắn của Chúa Giêsu liên quan đến việc không mạch lạc của người Biệt Phái
Mc 7:9-13:  Một ví dụ cụ thể về cách thức người Biệt Phái đánh đổ tất cả ý nghĩa về giới răn của Thiên Chúa
Mc 7:14-16:  Lời giải thích của Chúa Giêsu với dân chúng:  một phương cách mới đến với Thiên Chúa
Mc 7:17-23:  Lời giải thích của Chúa Giêsu với các môn đệ

c) Tin Mừng:
1 Khi ấy, những người Biệt Phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, 2 và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. 3 Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người Biệt Phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, 4 và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. 5 Vậy những người Biệt Phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" 6 Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. 7 Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. 8 Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người".
9 Người còn nói:  “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông. 10 Quả thế, ông Môisen đã dạy rằng:  Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! 11 Còn các ông, các ông lại bảo:  “Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “Ko-ban” (nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa rồi), 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. 13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa.  Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”   
14 Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. 15Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế.
16 Ai có tai nghe thì nghe!” 17 Khi Đức Giêsu đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18 Người nói với các ông:  “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao?  Anh em không hiểu sao?  Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài.”  Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói:  “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.
21 Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: dâm ô, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. 23 Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế".
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Trong đoạn Tin Mừng này, điều gì đã làm bạn hài lòng nhất hoặc làm bạn cảm động nhất?  Tại sao?
b)  Theo văn bản, những tập tục nào mà người Biệt Phái đã dạy cho dân chúng? Chúa Giêsu chỉ trích những người Biệt Phái trong những điều gì?            
c)  Trong văn bản này, phương cách mới mà Chúa Giêsu chỉ cho người ta đến với Thiên Chúa là gì?
d)  Nhân danh “truyền thống tiền nhân” họ không tuân giữ giới răn của Chúa.  Điều này có xảy ra ngày hôm nay không?  Ở đâu?  Khi nào?
e)  Những người Biệt Phái thực ra là người Do Thái, nhưng đức tin của họ đã tách rời khỏi đời sống của dân chúng.  Chúa Giêsu chỉ trích họ về điều này.  Chúa Giêsu có sẽ chỉ trích chúng ta ngày nay không?  Tại sao?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh thời ấy và ngày nay:

i)  Trong phần Đọc và Suy Niệm Lời Chúa này, chúng ta hãy nhìn kỹ vào thái độ của Chúa Giêsu liên quan đến câu hỏi về sự tinh sạch.  Máccô đã đề cập đến vấn đề này.  Trong sách Máccô chương 1:23-28, Chúa Giêsu đã trục xuất một thần ô uế.  Trong Mc 1:40-45, Người chữa lành một kẻ bị phong cùi.  Trong Mc 5:25-34, Chúa chữa một người phụ nữ bị xem là không thanh sạch.  Trong nhiều dịp khác, Chúa Giêsu đã chạm vào những người bệnh tật về thể chất mà không lo ngại mình sẽ trở nên ô uế.  Tại đây, trong chương 7, Chúa Giêsu giúp dân chúng và các môn đệ của mình hiểu sâu hơn về ý tưởng của sự tinh sạch và các quy định về sự tinh sạch.

ii)  Trong hằng nhiều thế kỷ, người Do Thái đã không đụng chạm đến những gì bị xem là ô uế, tiếp xúc với dân ngoại và ăn uống với họ là điều cấm kỵ.  Trong thập niên 70, khi Máccô đang viết sách Tin Mừng của ông, một số người Do Thái cải đạo đã nói:  “Chúng ta bây giờ đã là những Kitô hữu thì chúng ta phải gạt bỏ những tập tục xưa cũ đã khiến chúng ta xa cách với những người dân ngoại theo đạo!” Nhưng có một số những người Do Thái cải đạo khác cho rằng họ phải tiếp tục tuân giữ các lề luật liên quan đến sự khiết tịnh.  Thái độ của Chúa Giêsu, như được mô tả trong phần Tin Mừng hôm nay, giúp khắc phục vấn đề này.    

b)  Lời bình luận về văn bản:

Mc 7:1-2:  Sự kiểm soát của những người Biệt Phái và sự tự do của các môn đệ
Những người Biệt Phái và một số Kinh Sư tại Giêrusalem quan sát các môn đệ của Chúa Giêsu ăn bánh với bàn tay không tinh sạch.  Có ba điểm đáng chú ý:  (i) Các Kinh Sư là người ở Giêrusalem, ở kinh đô!  Điều này có nghĩa là họ đã đến để quan sát và kiểm soát các hoạt động của Chúa Giêsu.  (ii) Các môn đệ không rửa tay trước khi ăn!  Điều này có nghĩa rằng việc các ông sống với Chúa Giêsu đã cho các ông sự can đảm để vượt qua các quy luật đặt ra bởi truyền thống mà họ đã nhạy cảm cả đời.  (iii) Tập tục rửa tay, cho đến ngày nay vẫn còn là vấn đề vệ sinh cần thiết, đã mang lấy một ý nghĩa tôn giáo để dùng cho việc kiểm soát và phân biệt đối xử đối với người ta.

Mc 7:3-4:  Lời giải thích của Máccô về Truyền Thống của các Tiền Nhân
“Truyền thống của các tiền nhân” được truyền lại thành các quy tắc cho dân chúng phải tuân theo để đạt được sự thanh sạch đòi hỏi bởi lề luật.  Việc tuân giữ sự thanh sạch được coi như là một vấn đề rất nghiêm trọng.  Họ nghĩ rằng một người không thanh sạch thì không thể nhận lãnh được phúc lành đã hứa bởi Thiên Chúa cùng ông Abraham.  Các quy tắc liên quan đến sự thanh sạch tinh khiết được giảng dạy theo một cách mà khi người ta tuân giữ chúng, thì họ có thể đi trên con đường tiến đến Thiên Chúa, nguồn gốc của bình an.  Tuy nhiên, thay vì là nguồn gốc của sự bình an, những quy tắc này đã là những xiềng xích, một hình thức của chế độ nô lệ.  Trên thực tế, những người bần cùng không thể nào tuân giữ được những lề luật và quy tắc này.  Do đó, người dân đen bị khinh thường, bị coi là dốt nát và bị nguyền rủa vì không biết lề luật (Ga 7:49).

Mc 7:5:  Những người Kinh Sư và Biệt Phái chỉ trích cách cư xử của các môn đệ Chúa Giêsu
Các Kinh Sư và người Biệt Phái hỏi Chúa Giêsu:  Tại sao các môn đệ của Ngài không tôn trọng truyền thống của tiền nhân mà dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?  Họ giả vờ như muốn biết lý do về cách cư xử của các môn đệ.  Thật ra, họ đang chỉ trích Chúa Giêsu đã để cho các môn đệ của mình xem thường các quy tắc liên quan đến sự tinh sạch.  Các kinh sư và luật sĩ là những người giám thị của giáo điều.  Họ cống hiến cuộc đời họ cho việc nghiên cứu về lề luật Thiên Chúa và dạy người ta làm thế nào để tuân giữ Luật Chúa cách hoàn hảo, đặc biệt là các quy tắc liên quan đền việc tinh sạch.  Những người Biệt Phái là một loại phường hội mà mối bận tâm chính của họ là tuân giữ tất cả các lề luật liên quan đến sự tinh khiết. Chữ Biệt Phái có nghĩa là đứng riêng ra.  Họ đã nỗ lực để tuân giữ hoàn toàn tất cả các lề luật về sự tinh khiết, mọi người sẽ trở nên tinh khiết, được chọn lọc riêng biệt và thánh thiện như các Lề Luật Truyền Thống đòi hỏi!  Bởi vì sự chứng tá mẫu mực của cuộc sống của họ theo luật lệ thời bấy giờ, họ đã nắm giữ quyền hành cao trọng trong các thôn làng miền Galilêa.  

Mc 7:6-8:  Câu trả lời cứng rắn của Chúa Giêsu liên quan đến việc không mạch lạc của người Biệt Phái
Chúa Giêsu trả lời bằng sự trích dẫn sách tiên tri Isaia:  Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta.  Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người.  Nhưng đó chỉ là những sáo ngữ (Is 29:13).  Bởi vì, bằng cách nhấn mạnh về các quy tắc liên quan đến sự tinh sạch, những người Biệt Phái đã làm vô nghĩa các giới răn lề luật của Thiên Chúa về sự kết hợp tất cả.  Chúa Giêsu lập tức đưa ra một ví dụ cụ thể về cách thức mà họ làm cho giới răn của Chúa thành vô nghĩa.

Mc 7:9-13:  Một ví dụ cụ thể về cách thức người Biệt Phái đánh đổ tất cả ý nghĩa về giới răn của Thiên Chúa
“Truyền thống của tiền nhân” đã dạy:  một người con cống hiến tài sản của mình vào Đền Thờ, thì không có thể dùng những tài sản này mà phụ giúp cha mẹ mình khi họ cần đến.  Như vậy, vì nhân danh truyền thống, họ đã làm mất đi sự mạch lạc của giới răn thứ tư về thảo kính cha mẹ.  Ngày nay vẫn còn có những người như thế.  Họ dường như tuân giữ giới răn, nhưng chỉ là bề ngoài.  Bên trong, trái tim họ thì xa cách với Thiên Chúa!  Như trong một bài thánh ca của chúng ta đã nói:  “Tên của Người là Đức Giêsu Kitô và Người đang đói, người đang sống bên lề đường. Và khi người ta trông thấy Người, họ liền rảo bước nhanh chân đến nhà thờ!”  Trong thời của Chùa Giêsu, người ta, trong sự khôn ngoan của họ, đã không đồng ý với tất cả những gì họ đã được giảng dạy.  Họ hy vọng rằng một ngày nào đó Đấng Cứu Thế sẽ đến để chỉ cho họ một cách thức khác hầu được trở nên tinh sạch. Niềm hy vọng này đã đến và ở trong Chúa Giêsu.

Mc 7:14-16:  Lời giải thích của Chúa Giêsu với dân chúng:  một phương cách mới đến với Thiên Chúa
Chúa Giêsu nói với đám đông:  “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế!” (Mc 7:15).  Chúa Giêsu đảo ngược mọi điều:  điều làm cho ô uế không từ bên ngoài vào trong con người, như các luật sĩ đã giảng dạy, mà là điều từ bên trong con người làm cho người ta ô uế.  Do đó, người ta không cần phải hỏi xem thức ăn hay thức uống này có thanh sạch hay không.  Chúa Giêsu đặt vấn đề về sự thanh sạch và ô uế trên một cấp độ cao hơn, ở cấp độ của tư cách đạo đức.  Người chỉ cho con đường đi đến Thiên Chúa, và do đó đáp ứng được mong muốn sâu xa nhất của đám đông.  Chúa Giêsu kết thúc lời giải thích của mình với một câu nói mà Người thích sử dụng:  Ai có tai để nghe thì hãy nghe!  Hay là:  “Chỉ thế thôi!  Các ngươi đã nghe Ta nói!  Bây giờ hãy cố mà hiểu!”  Nói cách khác, hãy dùng trí óc và suy nghĩ thông thường của các ngươi mà nhìn vào những sự việc thông qua kinh nghiệm sống của các ngươi.


Mc 7:17-23:  Lời giải thích của Chúa Giêsu với các môn đệ
Các môn đệ không hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì.  Khi các ông trở về nhà, họ xin Người giải thích.  Chúa Giêsu đã kinh ngạc.  Người nghĩ rằng các ông đã hiểu. Trong lời giải thích của Người, Chúa đã đào sâu vào trong vấn đề liên quan đến sự thanh sạch.  Người tuyên bố tất cả mọi thức ăn đều tinh khiết!  Không có một thực phẩm nào từ bên ngoài đi vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế, bởi vì nó không nhập tâm mà chỉ vào trong dạ dày và rồi bị thải ra ngoài.  Chúa Giêsu nói, điều mà làm cho người ta ra ô uế là từ bên trong con người, từ trái tim, và nó làm nhiễm độc những mối quan hệ của con người.  Rồi Người nhắc đến:  “dâm ô, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng”.  Như vậy, trong nhiều cách, bằng phương tiện lời nói, hành động hoặc sống chung với nhau, Chúa Giêsu đã giúp người ta hiểu được sự thanh khiết.  Bằng phương tiện lời nói, Người chữa lành kẻ phong cùi (Mc 1:40-44), xua trừ thần ô uế (Mc 1:26,39; 3:15,22, v.v.) và chiến thắng được cái chết, căn nguyên của mọi sự ô uế.  Bằng phương tiện hành động, người phụ nữ bị xa lánh và bị coi là ô uế được chữa lành (Mc 5:25-34).  Bằng phương cách sống chung vớiChúa Giêsu, các môn đệ đã có can đảm bắt chước Chúa Giêsu, Đấng không hề sợ bị ô nhiễm, đã dùng bữa chung với những người bị xem là ô uế (Mc 2:15-17).

c)  Phần phụ chú:

Luật lệ về sự thanh khiết và ô uế vào thời Chúa Giêsu

Thời bấy giờ, người ta lo lắng rất nhiều về sự thanh khiết.  Các quy tắc liên quan đến sự thanh khiết được chỉ về các điều kiện cần thiết để được hưởng thánh nhan Thiên Chúa sắp tới và để cảm thấy xứng đáng trước mặt Người.  Người ta không thể đến trước mặt Thiên Chúa theo bất kỳ phương cách xưa cũ.  Bởi vì Thiên Chúa là Đấng Thánh!  Lề Luật đã nói:  “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh!” (Lv 19:2).  Bất cứ ai không thanh sạch thì không thể hiện diện trước Thiên Chúa để nhận lành phúc lành đã hứa với Abraham.
Đối với chúng ta, để hiểu thấu được mức độ nghiêm trọng của những lề luật liên qua đế sự tinh sạch này, chúng ta có thể nhớ lại những gì đã xảy ra trong Giáo Hội chúng ta năm mươi năm trước.  Trước Công Đồng Vatican II, để rước lễ vào buổi sáng, người ta phải giữ chay từ nửa đêm.  Bất cứ ai rước lễ mà không giữ chay thì đã phạm tội trọng gọi là phạm sự thánh.  Chúng ta đã cho rằng một chút thức ăn hoặc thức uống nào sẽ làm cho chúng ta trở nên bất tịnh để nhận lãnh Mình Thánh Chúa.
Vào thời Chúa Giêsu cũng thế, có nhiều vấn đề và hoạt động khiến cho một người trở nên ô uế và do đó không thể đến trước Thiên Chúa:  Động chạm vào người cùi, ăn uống chung với người thu thuế, ăn mà không rửa tay trước, chạm vào máu hoặc thi thể người chết và nhiều thứ khác.  Tất cả những điều này làm cho người ta trở nên ô uế, và bất kỳ một sự đụng chạm nào với người ấy thì sẽ trở nên ô uế.  Đó là lý do tại sao những người “ô uế” phải tránh mặt.  Người ta sống chia cách, luôn luôn bị đe dọa bởi quá nhiều thứ ô uế đe dọa cuộc sống của họ.  Tất cả người ta đều sợ hãi mọi người và mọi thứ.
Giờ đây, với sự xuất hiện của Chúa Giêsu, tất cả mọi thứ thay đổi cách đột ngột! Bằng vào sự tin tưởng nơi Đức Giêsu, người ta đã có thể đạt được sự thanh khiết và cảm thấy dễ chịu trước Thiên Chúa mà không phải tuân thủ tất các các lề luật và quy tắc của “truyền thống tiền nhân”.   Thật là một sự giải thoát riêng tư và thực sự!  Tin Mừng được công bố bởi Đức Giêsu giải thoát người ta khỏi thái độ phòng vệ và khôi phục lại cho họ hương vị của đời sống, niềm hân hoan được làm con cái Thiên Chúa, mà không phải lo không được hạnh phúc!

6.  Cầu nguyện với Thánh Vịnh 24 (23)   

Ai được trèo lên cao sơn Chúa!

CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.

Ai được lên núi CHÚA?
Ai được ở trong đền thánh của Người?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.

Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là ĐỨC CHÚA mạnh mẽ oai hùng
ĐỨC CHÚA oai hùng khi xuất trận.
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét