20/08/2015
Thứ Năm sau Chúa Nhật
20 Quanh Năm
Thánh Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh năm 1090 gần Đi-giông,
nước Pháp. Được giáo dục theo nếp sống đạo đức, năm 1111, người nhập dòng các
đan sĩ Xitô. Ít lâu sau, người được chọn làm viện phụ. Người đã dùng hoạt động
và gương sáng để hướng dẫn các đan sĩ tập luyện các nhân đức. Vì có sự phân ly
trong Hội Thánh, người đã đi khắp châu Âu để lo vãn hồi sự hòa bình và hiệp nhất.
Người đã biên soạn nhiều tác phẩm thần học và tu đức. Người qua đời năm 1153.
Bài
Ðọc I: (Năm I) Tl 11, 29-39a
"Hễ
người nào ra khỏi cửa nhà trước hết, tôi sẽ dâng nó làm của lễ toàn
thiêu".
Trích
sách Thủ Lãnh.
Trong
những ngày ấy, Thần Trí của Chúa ngự trên ông Giéphtê, ông liền đi quanh đất
Galaad, Manassê, (rồi) Maspha (của) Galaad, và từ đó tiến sang đánh con cái
Ammon. Ông thề hứa với Chúa rằng: "Nếu Chúa trao con cái Ammon vào tay
con, thì khi con từ đất con cái Ammon trở về bình an, hễ người nào ra khỏi nhà
con và đón tiếp con trước hết, con sẽ dâng nó cho Chúa làm của lễ toàn
thiêu".
Ông
Giéphtê liền trẩy sang đánh con cái Ammon, Chúa đã trao chúng trong tay ông.
Ông đã đánh phá hai mươi thành trong một trận ác liệt, từ Arôê đến cửa thành
Mennith, và đến Abel Kêramim. Con cái Ammon bị con cái Israel hạ nhục. Khi ông
Giéphtê trở về nhà ở Maspha, người con gái duy nhất ra với hội hát trống phách
đón rước ông, vì ông chẳng có người con nào khác. Khi thấy đứa con gái, ông liền
xé áo mình ra mà kêu lên rằng: "Con ơi, con làm khổ cha, con cũng khổ nữa,
vì cha đã khấn hứa cùng Chúa, và cha không thể làm gì khác được". Người
con gái đáp: "Cha ơi, nếu cha đã khấn hứa cùng Chúa, thì cha cứ làm cho
con mọi điều cha đã thề hứa, vì Chúa ban cho cha được trả thù và thắng kẻ thù của
cha". Cô lại nói với cha rằng: "Con chỉ xin cha điều này: xin cha cho
con hai tháng, để con cùng các bạn con đi quanh núi đồi mà than khóc tuổi thanh
xuân của con". Người cha đáp: "Con cứ đi". Và ông đã cho cô đi
hai tháng. Khi cô ra đi làm một với bạn nghĩa thiết của cô, thì cô than khóc tuổi
thanh xuân của cô trên núi đồi. Sau hai tháng, cô trở về nhà cha cô, và ông đã
thi hành như ông đã thề hứa.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 39, 5. 7-8a. 8b-9. 10
Ðáp: Lạy Chúa, này
con xin đến, để thực thi ý Chúa (c. 8a & 9a).
Xướng:
1) Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa, không theo kẻ thờ thần tượng,
không hướng về chuyện gian tà. - Ðáp.
2)
Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi
hỏi hy lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến".
- Ðáp.
3)
Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa,
và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.
4)
Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm
môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 147, 12a và 15a
Alleluia,
alleluia! - Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai Lời Người xuống cõi trần
ai. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 22, 1-14
"Các
ngươi gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ
ngôn này rằng: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử.
Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu
đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: "Hãy nói cùng những người đã được
mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự
đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới". Nhưng những người ấy đã
không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những
người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi
cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố
của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: "Tiệc cưới đã dọn sẵn
sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường,
gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp
ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Ðoạn
vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục
lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn vào đây mà lại
không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các
đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải
khóc lóc và nghiến răng!" Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được
chọn thì ít".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Tiệc Cưới , Áo Cưới
Dụ
ngôn tiệc cưới và chiếc áo cưới trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy
một trong những tâm tình cơ bản nhất của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng.
Kitô giáo thiết yếu là đạo của Tin Mừng.
Trong
rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu
chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc
cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói
lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý
nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó
Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui.
Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng
bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.
Không
những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của
những người Biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với
gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể
trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng
bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn
cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.
Bữa
ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người,
như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy,
Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Ðến
đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc
vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao
ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.
Có
người đã tưởng tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa
ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi
vì mỗi người đều cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được,
nhưng không thể đưa thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt,
nhưng khác một điều, là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp
thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn uống
no nê.
Ước
gì niềm vui bàn tiệc thánh mà chúng ta tham dự cũng được tiếp tục thể hiện
trong đời thường của chúng ta. Ước gì cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra
trong gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui tươi, nhờ đó chúng ta cảm nhận được niềm
vui đích thực của Nước Trời và thắng vượt được mọi khó khăn thử thách trong cuộc
sống.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Năm Tuần 20 TN1,
Năm lẻ.
Bài
đọc:
Judg 11:29-39a; Mt 22:1-14.
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Trung tín giữ những gì đã thề hứa.
Con
người ngày nay tìm đủ mọi lý do để không phải giữ những gì mình đã thề hứa: tại
không biết những gì sẽ xảy ra, tại hoàn cảnh khó khăn, tại đương sự, tại gia
đình ... Nhưng người quân tử là người giữ những lời mình đã thề hứa: "nhất
ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy," có nghĩa: một lời nói ra khỏi miệng, bốn
con ngựa chạy theo cũng không đuổi kịp. Để giữ những gì mình thề hứa, con người
cần có nhân đức anh hùng để vượt qua mọi trở ngại ngăn cản thi hành lời hứa.
Các
Bài Đọc hôm nay dẫn chứng hai sự thật trái ngược nhau. Trong Bài Đọc I, Sách Thủ
Lãnh tường thuật sự trung tín và lòng can đảm của ông Jephthah, khi ông dám sát
tế đứa con gái duy nhất để giữ trọn lời ông đã thề hứa với Thiên Chúa. Trong
Phúc Âm, nhà vua tức giận vì các khách được mời dự tiệc đã không giữ lời hứa đến
dự tiệc, nên đã sai các đầy tớ đi tru diệt các khách được mời, và sai các đầy tớ
đi khắp các nẻo đường để mời mọi người vào tham dự tiệc cưới của con mình.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Ông Jephthah giữ lời đã khấn hứa với Đức Chúa.
1.1/
Lời khấn kỳ lạ của ông Jephthah với Đức Chúa: Thủ Lãnh Jephthah khấn hứa với Đức
Chúa rằng: "Nếu Ngài trao con cái Ammon vào tay con, thì - khi con đã thắng
con cái Ammon mà trở về bình an - hễ người nào ra khỏi cửa nhà con để đón con,
người đó sẽ thuộc về Đức Chúa, và con sẽ dâng nó làm lễ toàn thiêu." Ông
Jephthah qua bên con cái Ammon để giao chiến với chúng, và Đức Chúa đã trao
chúng vào tay ông. Ông đánh chúng tơi bời từ Aroer cho tới gần Minnith, tất cả
là hai mươi thành, và cho tới Abelkeramim. Thật là một cuộc đại bại: con cái
Ammon bị hạ nhục trước mặt con cái Israel.
1.2/
Ông Jephthah giết con gái để giữ trọn lời thề.
(1)
Ông Jephthah không ngờ hậu quả của lời hứa: Khi ông Jephthah trở về nhà ông tại
Mizpah, thì này con gái ông ra đón ông, vừa đánh trống vừa nhảy múa. Cô là con
gái độc nhất của ông: ngoài cô ra, ông không có con trai con gái nào khác. Thoạt
nhìn thấy cô, ông liền xé áo và nói: "Ôi, con gái của cha, thật con làm khổ
cha rồi! Chính con lại ở trong số những kẻ gây bất hạnh cho cha! Cha đã trót mở
miệng khấn hứa cùng Đức Chúa và không thể rút lại được." Thiên Chúa muốn
thử đức tin của Thủ Lãnh Jephthah: thật là dễ dàng khi phải hy sinh người dưng
nước lã, nhưng thật khó biết bao khi phải hy sinh máu mủ ruột thịt của mình,
đưa con độc nhất mà ông có.
(2)
Sự anh hùng của cô con gái: Đây là lời thề hứa của cha cô, cô có thể từ chối
không cộng tác để cha thi hành lời hứa; nhưng cô là người biết kính sợ Thiên
Chúa, nên cô đã anh hùng thưa với cha: "Thưa cha, cha đã trót mở miệng khấn
hứa cùng Đức Chúa, thì cha cứ thi hành cho con như lời cha đã khấn hứa, vì Đức
Chúa đã cho cha trả thù được con cái Ammon, kẻ thù của cha."
Cô
chỉ xin cha cô một điều: "Xin cha cho con điều này là hoãn cho con hai
tháng để con đi lang thang trên các núi đồi, mà khóc cho đời con gái của con
cùng với các bạn con." Ông nói: "Con cứ đi," và ông để cho cô đi
hai tháng. Cô ra đi cùng với các bạn, khóc cho đời con gái của cô trên các núi
đồi. Sau hai tháng, cô trở về với cha, và ông thi hành cho cô lời ông đã khấn hứa.
Cô chưa biết đến việc vợ chồng.
Hành
động anh hùng của cô đã nên gương sáng cho con cái Israel; mỗi năm, họ đều dành
ngày này để kính nhớ cô, và đã thành một tục lệ trong Israel.
2/
Phúc Âm:
Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.
2.1/
Dân chúng không đáp trả lời mời của Đức Vua: Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn mà nói
với họ rằng: "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho
con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ
đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và
dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn
xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!"
Theo
truyền thống Do-thái, người ta có thói quen đi đến tất cả nhà các người quen để
mời đến dự tiệc, chủ nhà sẽ báo cho các quan khách biết lý do, nơi chốn, và
ngày giờ dự tiệc. Khi đã biết bao nhiêu người đến dự tiệc, chủ nhà sẽ chuẩn bị
cho phần ăn cho bấy nhiêu người; rồi sai các đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã
được mời đến dự tiệc.
Nhà
vua tức giận vì quan khách đã không giữ lời hứa. Họ chẳng những không thèm đếm
xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn; còn những kẻ khác lại
bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ,
sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng.
2.2/
Quyết định của vua: Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà
những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp
ai cũng mời hết vào tiệc cưới." Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất
luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
(1)
Người không chịu mặc y phục lễ cưới: "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát
khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy:
"Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy
câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói
chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc
lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."
Nhiều
người thắc mắc không hiểu lý do tại sao nhà vua bắt khách qua đường tham dự phải
mặc y phục lễ cưới. Một người có thể trả lời ngược lại: tại sao bao khách qua
đường khác lại có thời gian mặc y phục lễ cưới! Điều Chúa Giêsu có lẽ muốn nhấn
mạnh ở đây là phải có những điều kiện tối thiểu để được vào Nước Trời, chứ
không phải ai cũng vào được.
(2)
Áp dụng của dụ ngôn: Nhiều nhà chú giải áp dụng dụ ngôn này cho người Do-thái:
Họ là những quan khách được mời trước; khách gặp các nẻo đường là người Dân Ngoại.
Vì người Do-thái từ chối không tham dự tiệc cưới Người Con của Thiên Chúa là Đức
Kitô; nên ơn cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng đến mọi người.
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi thề hứa bất cứ điều gì với Thiên Chúa:
trong đời sống thánh hiến hay trong đời sống gia đình. Chúa muốn chúng ta trung
thành với điều chúng ta đã khấn nguyện.
-
Chúng ta chắc chắn sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng
chúng ta phải cố gắng vượt qua, và Thiên Chúa ban ơn thánh đủ để chúng ta có thể
giữ trọn vẹn lời thề.
Lm. Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
20/08/15 THỨ NĂM TUẦN
20 TN
Th. Bê-na-đô, viện phụ, tiến sĩ HT
Mt 22,1-14
Th. Bê-na-đô, viện phụ, tiến sĩ HT
Mt 22,1-14
Suy niệm: Dường
như Lời Chúa bao giờ cũng có một cái gì đó có vẻ nghịch lý, cách riêng nơi bài
Tin Mừng hôm nay: Sao lại đòi một kẻ qua đường, bất ngờ được mời vào dự tiệc
cưới, phải mang y phục lễ cưới? Nhưng điểm nghịch lý này lại chính là chìa khoá
để mở cánh cửa Nước Trời. Nước Thiên Chúa là nước dành cho mọi người; đây là “TÍNH CÔNG GIÁO”
của đạo Chúa. Điều kiện không thể thiếu để vào Nước Trời – một tấm áo dự tiệc
cưới – đó chính là tấm lòng “TIN-CẬY-MẾN”, điều làm cho con người trở
nên xinh đẹp, xứng đáng đến trước Thiên Chúa Đấng ba lần Thánh.
Mời Bạn: Thiên
Chúa thương chúng ta thật đấy; nhưng phần ta cũng phải đáp lại bằng một đời
sống xứng đáng với tình thương ấy; chớ chẳng lẽ ta cứ ỷ lại vào Chúa “vì Chúa
là Đấng trọn tốt, trọn lành” mãi sao ?
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày ta dệt thêm một sợi chỉ vào tấm áo thánh thiện của mình bằng một việc lành
nho nhỏ: bớt một lời nói hành, lượm một cái rác nơi công cộng, điều chỉnh âm
thanh để khỏi làm phiền lòng hàng xóm những lúc họ cần yên tĩnh nghỉ ngơi…
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống xứng đáng là người được mời gọi
vào dự tiệc cưới Nước Trời đó là biết thực hành niềm tin-cậy-mến. Xin dạy con
biết làm chứng cho Nước Trời bằng việc nhận ra và phụng sự Chúa nơi tha nhân.
Amen.
Tiệc
cưới đã sẵn sàng
Các Kitô hữu chúng ta đã được ngồi trong phòng tiệc
của Thiên Chúa. Chúng ta đã được mời và được gọi để sống trong Giáo hội, nhưng
chưa chắc chúng ta nằm trong số những người được tuyển chọn.
Suy niệm:
Dụ
ngôn hôm nay nói về một tình yêu bị từ chối.
Chẳng
có gì long trọng và tưng bừng cho bằng tiệc cưới của hoàng tử.
Tiệc
cưới này do chính nhà vua khoản đãi với sự chuẩn bị chu đáo.
Vua
đã mời các quan khách từ trước, và còn mời nhiều lần sau đó.
Trước
những lời mời trân trọng của nhà vua, họ đã chối từ.
Thái
độ của quan khách thật không sao hiểu nổi.
Họ
chẳng sợ xúc phạm đến nhà vua khi coi chuyện đi buôn và chăn nuôi
quan
trọng hơn chuyện dự tiệc cưới hoàng tử (c. 5).
Thậm
chí có kẻ còn bắt các đầy tớ, hành hạ và giết đi (c. 6).
Những
khách quý bây giờ trở thành kẻ sát nhân.
Họ
sẽ phải chịu cơn thịnh nộ ghê gớm của nhà vua về sự xúc phạm đó.
Như
thế tiệc cưới cho hoàng tử sẽ đi về đâu?
Ai
là người sẽ được mời tiếp theo, khi những người trước tỏ ra bất xứng?
Nhà
vua đã đưa ra một quyết định rất bất ngờ.
“Hãy
đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c. 9).
Như
thế phòng tiệc bây giờ vẫn đầy người được mời, có cả tốt lẫn xấu.
Dụ
ngôn trên đây lại được kết nối với một dụ ngôn khác.
Chúng
ta ngạc nhiên khi thấy nhà vua đi vào phòng tiệc
để
quan sát cách ăn mặc của những vị khách đến từ đường phố (c. 11).
Có
người không mặc y phục lễ cưới và đã bị trừng phạt nặng nề (c. 13).
Tại
sao lại phạt anh, khi anh bất ngờ được đưa vào ăn cưới?
Nhưng
đừng quên các người khác đều mang y phục lễ cưới đầy đủ,
nên
anh chẳng nói được gì để tự biện minh (c. 12).
Lịch
sự với Thiên Chúa là điều ta dễ quên.
Ngài
vẫn trân trọng mời ta dự tiệc chung vui với Ngài, với Con của Ngài.
“Mọi
sự đã sẵn, mời quý vị đến dự tiệc cưới” (c. 4).
Đối
với Ngài, sự hiện diện của chúng ta đem lại niềm vui lớn.
Khi
đa số dân Do thái, những khách quý được mời trước, từ chối Ngài,
Ngài
đã không muốn phòng tiệc bị trống, tiệc cưới bị đình hoãn.
Thiên
Chúa chấp nhận mở cửa phòng tiệc cho mọi người.
Họ
đến từ muôn phương, có người tốt người xấu, để làm nên Giáo hội.
Giáo
hội gồm những người được mời và được gọi một cách nhưng không.
Tuy
nhiên, chúng ta vẫn cần lịch sự với Thiên Chúa, người chủ tiệc,
cần
mặc y phục lễ cưới một cách đàng hoàng.
Y
phục ấy chính là một đời sống nghiêm túc theo giáo huấn của Đức Giêsu.
Các
Kitô hữu chúng ta đã được ngồi trong phòng tiệc của Thiên Chúa.
Chúng
ta đã được mời và được gọi để sống trong Giáo hội,
nhưng
chưa chắc chúng ta nằm trong số những người được tuyển chọn.
Số
người được chọn bao giờ cũng ít hơn số người được gọi.
Để
vào số những người được chọn, chúng ta phải biết trân trọng ơn ban.
Có
khi chúng ta cũng coi chuyện buôn bán làm ăn của mình
quan
trọng hơn những lời mời khẩn thiết đến từ Thiên Chúa.
Làm
thế nào để chúng ta giữ được ơn cứu độ Chúa đang ban hôm nay?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh
tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng
trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở
trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời
ở gần bên. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
20
Tháng Tám
Hai Vì Sao Mỉm Cười
Một
vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước
uống.Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban
ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.
Ngày
nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ
chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo.
Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời
vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn
cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của
mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước.
Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một
mình.
Họ
càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy
cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy
nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông.
Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh
ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ
đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông
ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười
với ông.
Ðể
mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa,
Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những
kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy
Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do
Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy
thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau:
"Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người
đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ".
Qua
thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt
lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc
ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên
Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ
chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật
ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người
phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành
động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.
Nói
như mẹ Têrêxa Calcutta: "Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một
điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị.
Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.
Khi
tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một
hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của
người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những
người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi
một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ
hy sinh đích thực".
Lẽ sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét