Chúa
Giêsu là lương thực không thể thiếu đối với con người
Tin vào Chúa
Giêsu có nghĩa là làm cho Chúa trở thành trung tâm và ý nghĩa cuộc sống của
chúng ta. Chúa Kitô không phải là yếu tố phụ thuộc: Ngài là “bánh hằng sống”,
là lương thực không thể thiếu được.
ĐTC
Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương
trong buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhật hôm qua.
Mở đầu bài
huấn dụ ĐTC nói: Hôm nay kết thúc bài đọc chương 6 Phúc Âm thánh Gioan với diễn
văn về “Bánh sự sống”, mà Chúa Giêsu đã nói hôm sau ngày làm phép lạ hóa bánh
và cá ra nhiều. ĐTC ghi nhận bầu khí lúc đó như sau:
Vào cuối diễn
văn sự hứng khởi của ngày hôm trước đã tắt lịm, bởi vì Chúa Giêsu đã nói rằng
Ngài là bánh từ trời xuống, và sẽ cho thịt Ngài làm của ăn và máu ngài làm của
uống, ám chỉ một cách rõ ràng hiến tế mạng sống của chính Ngài.
Các lời này
dấy lên nỗi thất vọng nơi dân chúng, họ cho rằng chúng không xứng đáng với Đấng
Cứu Thế, “không chiến thắng”. Vài người đã nhìn Chúa Giêsu như vậy: như một Đấng
Cứu Thế phải nói và hành động làm sao để sứ mệnh của Người thành công, ngay lập
tức. Nhưng họ lầm ở chính điểm này: về cách hiểu sứ mệnh của Đấng Messia! Cả
các môn đệ cũng không chấp nhận ngôn ngữ ấy, ngôn ngữ gây âu lo đó của Thầy
mình. Và đoạn Phúc Âm hôm nay kể lại sự khó chịu này của các vị: “Lời này thật
là chướng tai! – họ nói – ai mà có thể nghe được” (Ga 6,60).
ĐTC nói tiếp
trong bài huấn dụ: Thật ra họ đã hiểu rõ diễn văn của Chúa Giêsu. Họ hiểu rõ đến
nỗi không muốn lắng nghe Ngài, bởi vì đó là một diễn văn khiến cho tâm thức của
họ gặp khủng hoảng. Các lời của Chúa Giêsu luôn luôn đặt chúng ta vào trong cuộc
khủng hoảng: trong khủng hoảng chẳng hạn như trước tinh thần của thế giới, trước
tinh thần thế tục. Nhưng Chúa Giêsu cống hiến chìa khoá giúp thắng vượt khó
khăn; một chìa khóa gồm ba yếu tố. Thứ nhất, nguồn gốc thiên linh của Chúa
Giêsu: Ngài từ trời xuống và “sẽ lại lên nơi Ngài ở trước kia”( c. 62). Thứ
hai, các lời Ngài chỉ có thể được hiểu qua hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng
“ban sự sống” (c. 63). Chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta hiểu Chúa Giêsu.
Thứ ba, lý do đích thật của việc không hiểu các lời Ngài là sự thiếu lòng tin:
Giữa anh em có vài người không tin” (c. 64). Thật vậy, vì từ lúc đó “nhiều môn
đệ Người rút lui” (c. 66). Đứng trước các bỏ cuộc này, Chúa Giêsu không tính
toán cũng không giảm thiểu các lời nói của Ngài, trái lại Ngài thúc đẩy làm một
lựa chọn chính xác: hoặc là ở lại với Ngài hay tách rời Ngài, và Ngài nói với
Nhóm Mười Hai: “Các con cũng muốn bỏ đi sao? (c. 67).
Tới đây
thánh Phêrô, nhân danh các Tông Đồ, tuyên xưng đức tin rằng: “Lậy Chúa, chúng
con đi tới với ai? Thầy có lời của sự sống vĩnh cửu” (c. 68). Thánh nhân không
nói: “Chúng con sẽ đi đâu?” nhưng nói “chúng con sẽ đi đến với ai?”. Vấn đề nền
tảng không phải là ra đi và bỏ rơi công trình đã bắt đầu, nhưng đi tới với ai.
Từ câu hỏi này của thánh Phêrô chúng ta hiểu rằng sự trung thành với Thiên Chúa
là vấn đề trung thành với một người, mà ta cột buộc mình vào để cùng đi trên
cùng con đường. Và người đó là Chúa Giêsu. ĐTC giải thích thêm như sau:
Tất cả những
gì chúng ta có trên thế giới không thoả mãn cái đói sự vô tận của chúng ta.
Chúng ta cần Chúa Giêsu, ở với Người, nuôi sống mình ở bàn của Người, bằng các
lời của sự sống vĩnh cửu của Người! Tin nơi Chúa Giêsu có nghĩa là khiến cho
Người trở thành trung tâm điểm, trở thành ý nghĩa của đời ta. Chúa Kitô không
phải là một yếu tố phụ thuộc: Ngài là “bánh hằng sống”, là tlương thực không thể
thiếu. Cột buộc vào Ngài trong một tương quan đức tin và tình yêu, không có
nghĩa là bị xiềng xích, nhưng tự do một cách sâu xa, luôn luôn tiến bước. Giờ
đây mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi mình xem: “Chúa Giêsu là ai đối với
tôi? Đó là một tên gọi? Một ý tưởng? Hay đó chỉ là một nhân vật lịch sử? Hay đó
thật sự là người yêu thương tôi, đã hiến mạng sống cho tôi và đi với tôi?” Đối
với bạn, Chúa Giêsu là ai? Bạn có ở với Chúa Giêsu không? Bạn có tìm hiểu biết
Ngài trong lời của Ngài hay không? Bạn có đọc Phúc Âm mỗi ngày, một đoạn Phúc
Âm để hiểu biết Chúa Giêsu không? Bạn có đem theo sách Phúc Âm trong túi, trong
xách tay, để đọc nó ở khắp mọi nơi không? Bởi vì chúng ta càng ở với Ngài bao
nhiêu, ước muốn ở lại với Ngài lại càng lớn lên bấy nhiêu. Bây giờ tôi sẽ xin
anh chị em, chúng ta hãy thinh lặng một chút và mỗi người trong thinh lặng,
trong tim của mình, tự hỏi: “Đối vói tôi Chúa Giêsu là ai?”. Trong thinh lặng,
mỗi người hãy tự trả lời trong tim mình: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” Sau một
lúc thinh lặng ĐTC kết thúc bài huấn dụ:
Xin Đức
Trinh Nữ Maria giúp chúng ta luôn luôn đến với Chúa Giêsu để sống kinh
nghiệm sự tự do, mà Ngài cống hiến cho chúng ta và cho phép chúng ta tẩy rửa
các lựa chọn của chúng ta khỏi các cáu ghét trần tục và các sợ hãi.
Tiếp đến ĐTC
đã cất Kinh Truyên Tin rồi ban phép lành toà thánh cho mọi người.
Sau Kinh
Truyền Tin ĐTC đã tái kêu gọi hòa bình cho Ucraina. Ngài nói: Tôi rất âu lo
theo dõi cuộc xung đột tại vùng đông Ukraina lại gia tăng trong các tuần vừa
qua. Tôi lập lại lời kêu gọi để các dấn thân đã có được tôn trọng, hầu đạt
đến việc bình định với sự trợ giúp của các người thiện chí và để đáp ứng cấp
thiết trợ giúp nhân đạo trong nước này. Xin Chúa ban hoà bình cho Ucraina, đang
sửa soạn cử hành quốc lễ ngày mai. Xin Đức Trinh Nữ Maria bầu cử cho chúng con!
Tiếp đến ĐTC
đã chào các đoàn hành hương hiện diện, đặc biệt là các đại chủng sinh trường Bắc
Mỹ đến Roma theo học thần học, nhóm thể thao San Giorgio su Legnano, các tín hữu
tỉnh Luzzana và Chioggia, cũng như các bạn trẻ giáo phận Verona trung bắc
Italia. Ngài xin mọi người trong tuần này đừng quên mỗi ngày ngừng lại một lát
và tự hỏi: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?” Và mỗi người tự trả lời trong tim
mình: “Chúa Giêsu là ai đối với tôi?”. ĐTC đã chúc mọi người một ngày Chúa Nhật
tươi vui an bình và ngài xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét