Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Giải đáp phụng vụ: Chủ tế chia sẻ phận vụ với các vị đồng tế ra sao?

Giải đáp phụng vụ: Chủ tế chia sẻ phận vụ với các vị đồng tế ra sao?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

Hỏi: Trong một Thánh Lễ an táng đồng tế, liệu vị chủ tế được phép chia sẻ một số phần của nghi thức với các vị đồng tế khác không; thí dụ, một vị đồng tế làm nghi thức đón linh cửu ở cửa nhà thờ, một vị khác làm nghi thức phó dâng và từ biệt, và một vị khác làm nghi thức an táng, trong khi vị chủ sự cử hành Thánh lễ được không? Về một điểm liên quan khác, trong Thánh lễ hôn phối, liệu một vị đồng tế được phép cử hành nghi thức hôn phối cho đôi tân hôn thay vì linh mục chủ tế không? - B. T., Tamale, Ghana.


Đáp: Trong khi không có câu trả lời chính thức về vấn đề Thánh lễ an táng, có một câu trả lời riêng tư từ Tòa Thánh liên quan đến vấn đề các phó tế chủ sự Thánh Lễ hôn phối có thể chiếu ánh sáng cho chủ đề này. Bức thư năm 2007, do Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích công bố, giải quyết vấn đề từ các căn cứ giáo luật và phụng vụ, và đó là những điều liên quan đến chúng ta bây giờ.

Thánh bộ ở Vatican nói rằng một sự thay đổi vị chủ sự, trong diễn tiến một buổi cử hành, là không thể chấp nhận được. Do đó, một phó tế (dù là phó tế vĩnh viễn hoặc phó tế chuyển tiếp), hay một linh mục khác với vị chủ tế, không thể cử hành nghi thức hôn phối cho đôi tân hôn.

Tài liệu này cũng giải thích tại sao các trường hợp ngoại lệ rõ ràng không làm suy giảm luật không cho phép thay đổi vị chủ sự. Các trường hợp ngoại lệ rõ ràng này – chẳng hạn một Giám mục không đồng tế là người chủ tọa một số khoảnh khắc nào đó của Thánh Lễ, hoặc một Giám mục mới được tấn phong, trở thành vị chủ tế - phát sinh từ bản chất của sứ vụ của vị Giám mục.

Do đó, bức thư kết luận rằng vị linh mục cử hành Thánh Lễ phải là vị giảng lễ, cử hành nghi thức hôn phối và chúc lành cho đôi tân hôn. Theo quyết định của linh mục này, một phó tế có thể giảng lễ.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng bức thư này là chính thức, nhưng với tư cách là bức thư riêng, nên không có hiệu lực pháp luật. Nó chỉ phản ảnh suy nghĩ của Thánh bộ và dựa vào lý lẽ phụng vụ rõ ràng.

Nếu đây là trường hợp cho một lễ cưới, thì một nguyên tắc không thay đổi vị chủ tế cũng sẽ áp dụng cho các cử hành phụng vụ khác, trừ khi chữ đỏ cho phép cách đặc biệt sự tham gia trực tiếp của các linh mục khác, mà nói theo nghĩa chặt, không hàm ý một sự thay đổi vị chủ tế.

Điều này được tiên liệu, thí dụ, trong một Thánh lễ đồng tế, các linh mục khác có thể đọc một mình một phần của Kinh Nguyện Thánh Thể. Cũng có thể phân chia một số phần của nghi thức Xức Dầu bệnh nhân. Do đó, số 19 của phần dẫn nhập Nghi thức Xức Dầu Bệnh Nhân nói:

"Khi hai hoặc nhiều linh mục hiện diện để xức dầu cho một bệnh nhân, một vị có thể đọc lời nguyện, thực hiện việc xức dầu, đọc công thức bí tích. Các vị khác có thể thực hiện các phần còn lại, chẳng hạn các nghi thức dẫn nhập, bài đọc, lời cầu, hay hướng dẫn. Mỗi linh mục có thể đặt tay trên người bệnh".

Sách Nghi thức An táng dường như không tiên liệu việc phân chia phận vụ của vị chủ tế trong Thánh lễ an táng. Các nghi thức dành cho vị chủ tế duy nhất thực hiện các yếu tố liên quan đến nghi thức, chẳng hạn tiếp nhận linh cửu vào nhà thờ và làm nghi thức phó dâng cuối lễ.

Tuy nhiên, các linh mục đồng tế không bị loại trừ trong một số phần khác. Như trong bất cứ Thánh lễ đồng tế nào, một linh mục khác với vị chủ tế có thể đọc Tin Mừng khi vắng phó tế, có thể giảng lễ, và đọc lời nguyện phó dâng đặc biệt cho người quá cố, vốn được tìm thấy trong các Kinh nguyện Thánh Thể.

Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ cho quy tắc chung này. Điều này thường có khi vị Giám mục có mặt trong Thánh lễ an táng mà ngài không đồng tế. Thí dụ, nếu Giám mục tham dự lễ tang của cha (mẹ) của một linh mục, ngài có thể không đồng tế để cho phép một linh mục chủ sự trong Thánh Lễ, trong khi ngài thực hiện nghi thức phó dâng vào cuối lễ.

Vì vậy, trong khi sự phân chia như thế của các nghi thức tang lễ không phải là một sự việc bình thường, có thể có một số trường hợp đặc biệt, mà trong đó sự việc có thể được biện minh, đặc biệt là phần cử hành nghi thức phó dâng.

Các nghi thức khác, bên ngoài Thánh Lễ, như các buổi cầu nguyện tại nhà người quá cố hay nhà tang lễ, và nghi thức làm phép mộ và chôn cất, chắc chắn có thể được giao cho một linh mục khác với linh mục cử hành Thánh lễ an táng. Mặc dù ở nhiều nơi, việc chôn cất diễn ra ngay sau lễ tang, như là tạo nên một nghi thức duy nhất, trường hợp này thường ít xảy ra, và do đó, chúng thường được xem là các nghi thức riêng biệt, nên một linh mục khác có thể chủ sự. (Zenit.org 25-8-2015)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét