14/10/2018
Chúa Nhật tuần 28 Thường Niên năm B.
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Kn 7, 7-11
“Đem so sánh sự giàu sang với sự
khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không”.
Trích sách Khôn
Ngoan.
Tôi đã ước ao được ban
sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự
khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Đem so sánh sự giàu sang với sự
khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim
cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem
để trước nó thì kể như đất bùn.
Tôi yêu quý sự khôn
ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của
nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ
tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 89, 12-13.
14-15. 16-17
Đáp: Xin cho chúng
con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).
1) Xin dạy chúng con
biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin
trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. – Đáp.
2) Xin cho chúng con sớm
được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng
con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những
năm chúng con mục kích nạn tai. – Đáp.
3) Xin cho các bầy tôi
nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. Xin
cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay
chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con
làm ra. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Dt 4, 12-13
“Lời của Chúa phân tách tình cảm
với ý nghĩ của tâm hồn”.
Trích thư gửi tín hữu
Do-thái.
Anh em thân mến, lời
Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu
suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình
cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa;
tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Đấng mà chúng ta phải trả lẽ.
Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia!
– Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh
quang trên các tầng trời! – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 10, 17-27
hoặc 17-30
“Ngươi hãy đi bán tất cả gia
tài rồi đến theo Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu vừa
lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân
lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi
Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết
các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng
gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều
đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.
Bấy giờ Chúa Giêsu
chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều,
là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ
có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó,
thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu
nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên
Chúa khó biết bao!” Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại
nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật
khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người
giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy
thì ai có thể được cứu độ?” Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Đối với
loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên
Chúa làm được mọi sự”.
Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng:
“Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Thầy bảo
thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng
vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về
nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và
ở đời sau được sự sống vĩnh cửu.
Nhưng có nhiều kẻ trước
nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hãy Ði Theo Chúa
Hằng tuần và có khi hằng
ngày, chúng ta họp nhau lại đây cử hành thánh lễ để làm gì? Có lẽ cuối cùng
chúng ta phải dựa vào các bài Thánh Kinh hôm nay để trả lời một cách thỏa đáng.
Chúng ta muốn bắt chước vua Salomon đến đây cầu xin ơn khôn ngoan để biết sống ở
đời. Và hơn nữa, chúng ta muốn như chàng thanh niên trong Phúc Âm xin Chúa chỉ
đàng cho chúng ta như lời bài Thánh Thư hôm nay không? Do đó những bài Kinh
Thánh chúng ta vừa nghe đọc, rất đáng suy nghĩ và phải được đem ra thực hành.
Chúng ta hãy đọc lại.
1. Cầu Xin Ơn Khôn
Ngoan
Bài sách Khôn ngoan
cho chúng ta được nghe lại chính lời của Salomon. Ông nổi tiếng thông minh nhất
đời, ít là theo ý kiến người Dothái. Không phải tự ông có sự khôn ngoan vượt bực
ấy. Ông đã xin cùng Thiên Chúa và Người đã thương ban cho ông vì ông biết quý
nó hơn hết mọi sự ở đời. Về điểm này ông đã nói đúng. Sách Các Vua quyển I còn
kể (3,4-14): khi mới lên ngôi, Salomon đã đến Gabaon, một thánh điện nổi tiếng
thời bấy giờ. Ông dâng có cả hàng nghìn tế vật lên Thiên Chúa. Người đã hiện ra
với ông và hỏi ông xin gì? Ông khiêm tốn thú nhận mình còn trẻ trung mà phải
cai trị một dân tộc "đông đúc"; nên ông không xin điều gì khác ngoài
một lòng trí biết nghe lời Chúa để trị dân và phân biệt phải trái mà thôi. Ðiều
ông xin đã đẹp ý Chúa và Salomon đã nhận được ơn khôn ngoan.
Câu đầu của đoạn sách
hôm nay nhắc lại câu truyện ấy. Và những câu sau làm chứng Salomon đã nhớ kỹ những
lời Chúa phán hôm ở Gabaon. Người bảo: vì ngươi đã xin sự khôn ngoan chứ không
xin được sống lâu giàu bền hay là chiến thắng trên quân thù� nên Ta se cho ngươi một lòng trí khôn ngoan đến nỗi trước
và sau ngươi không có ai trong thiên hạ khôn ngoan bằng ngươi. Salomon đã nhớ lời
này. Ông hằng suy niệm. Và hôm nay trong đoạn sách Khôn ngoan chúng ta vừa
nghe, ông lặp đi nói lại rằng ông quý sự khôn ngoan hơn hết. Sức khỏe và sắc đẹp,
vàng bạc và ánh sáng, tất cả đều như cát mạt sánh với sự khôn ngoan. Ðược nó là
có mọi sự vì nó nắm giữ mọi sự trong tay.
Ðối với Salomon, khôn
ngoan là một sự gì rõ rệt. Ðó là tài cai trị dân theo đúng ý Chúa. Nói đúng hơn
đó là ơn trung thành biết lắng nghe lời Chúa và hiểu ý Người để lãnh đạo dân. Sự
khôn ngoan đó chắc chắn không dành cho mọi người. Và không phải ai ai cũng cần
cầu xin ơn ấy. Khôn ngoan khuyên bảo hết thảy chúng ta ao ước sự khôn ngoan,
thì nó muốn nói đến sự khôn ngoan nào?
Không dễ trả lời câu hỏi
này đâu. Ðọc sách Khôn ngoan từ đầu tới cuối, chúng ta thấy tác giả không bao
giờ định nghĩa sự khôn ngoan bằng những công thức cụ thể. Dường như khôn ngoan
là một huyền nhiệm. Người ta phải cố gắng mon men tới gần. Và tùy như mức cải tạo
thực hiện được khi tiến lên với đức khôn ngoan, người ta mới hiểu thêm được và
lãnh nhận dần được ơn cao cả này. Cuối cùng chúng ta có thể nói, khôn ngoan
chính là Thiên Chúa, là thần trí của Người, là sự sống của Người, không phải
như một thực tại ở xa chúng ta, nhưng đang muốn đến với chúng ta để làm cho chúng
ta nên khôn ngoan hơn, tức là thánh thiện hơn và do đó hạnh phúc hơn.
Ðó mới thật là sự khôn
ngoan mà phụng vụ hôm nay mượn lời Salomon khuyên nhủ chúng ta hãy ao ước và cầu
xin. Ðừng quý gì hơn nó vì chỉ có nó là hạnh phúc đầy đủ cho chúng ta. Nếu muốn
cụ thể hơn, chúng ta hãy nói rằng sự khôn ngoan mà chúng ta phải cầu xin chính
là ơn cứu độ mà Ðức Kitô đã mang đến, là chính Ðức Yêsu là sự khôn ngoan của
Thiên Chúa đã giáng sinh làm người. Chúng ta hãy nhìn Người trong bài Tin Mừng
hôm nay.
2. Hãy Ði Theo Chúa
Thánh Marcô kể hôm ấy
Ðức Yêsu đang đi đường. Người lên Yêrusalem để thụ nạn cứu thế và ban hạnh phúc
cho mọi người. Một chàng thanh niên chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và thưa
với Người như một bậc "tôn sư": "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải
làm gì để được sống đời đời làm cơ nghiệp". Anh chưa thấy Người khác mọi bậc
thầy và khác với mọi sư phụ. Anh tưởng Người cũng giống như bao luật sĩ hoặc
nhà truyền đạo đã thay lượt nhau đến dạy đường khôn ngoan cho loài người. Có lẽ
anh chỉ coi Người hơn họ một chút xíu thôi.
Nhưng Người không phải
như vậy. Người không đến dạy sự khôn ngoan, nhưng là chính sự khôn ngoan nhập
thể. Người không chỉ dạy đàng dẫn đến sự sống đời đời, nhưng có chính sự sống ấy
để ban cho những ai biết đón nhận... Thế nên Người đã nhắc nhở anh nghĩ tới điều
đó và phải nhận ra Người không phải là một bậc Thầy thông thường. Người bảo
anh: "Sao ngươi nói Ta tốt lành? Không có ai tốt lành trừ phi có một Thiên
Chúa". Nghĩa là nếu ngươi nói Ta là tốt lành, thì ngươi nên nhận ra thần tính
ở nơi Ta; Ta là Thiên Chúa giáng trần. Thế nên lời Ta nói đây không phải là ý
kiến của một luật sĩ hay của một nhà truyền đạo, nhưng là của chính Thiên Chúa.
Và Người đã nhắc lại cho anh những giới răn trong Luật pháp. Chàng thanh niên vội
thưa: "Lạy Thầy, mọi điều đó tôi đã giữ từ thuở bé". Lời anh nói làm
chúng ta liên tưởng tới ý kiến của Phaolô phát biểu sau này: "Ðời tôi từ
lúc thiếu thời... đã sống theo phái nhiệm nhặt trong tôn giáo chúng
tôi...". Hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ tới lời tự tín của người biệt phái
nọ lên đền thờ cầu nguyện: "Lạy Thiên Chúa, tôi đội ơn Người, vì tôi không
phải như những người khác... mỗi tuần tôi ăn chay 2 lần, tôi nộp thuế thập
phân...".
Quả thật, chàng thanh
niên đang đứng trước mặt Chúa Yêsu, là hình ảnh của biệt phái, của những con
người tưởng rằng có thể chiếm được Nước Trời bằng cách giữ luật hoặc thi hàn
các nguyên tắc khôn ngoan này, khôn ngoan khác. Ðức Yêsu nhìn chàng thanh niên ấy;
Người muốn yêu những tâm hồn như vậy; Người muốn cứu độ họ thật sự. Người bảo
anh ta: ngươi chỉ thiếu một điều: đi đi! Có gì thì đem bán hết mà chi kẻ khó,
và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Ta.
Thánh Marcô kể tiếp:
"Người ấy sầm mặt xuống vì lời đó mà bỏ đi buồn rầu, vì nó có nhiều của".
Có thể thánh nhân đã viết như vậy để chuyển ý sang đoạn văn sau nói về nguy hiểm
do của cải, đối với Nước Trời. Ðúng hơn người đã áp dụng ý của Chúa vào trường
hợp cụ thể của độc giả tác phẩm của người. Những người này là các tín hữu đã
tin vào Ðức Kitô chứ không phải là các biệt phái nữa. Họ cũng phải giữ Lời
Chúa. Và cho được như vậy phải biết áp dụng Lời của Người vào trường hợp của
mình. Vậy lời của Người khi xưa, tức là lúc Người đang ở trần gian, đã trực tiếp
nói với chàng thanh niên đã giữ các giới răn từ thuở bé, tức là vẫn tưởng rằng
có thể dùng sức mình và theo sự khôn ngoan của mình mà được sự sống đời đời.
Không, người ta phải từ bỏ mọi ảo tưởng đó, phải khước từ hết, phải bắt chước
Salomon trông cậy nguyên vào Chúa. Người ta phải đi bán tất cả, từ bỏ tất cả vì
Nước Trời, rồi đến đi theo Chúa.
Lời Ðức Yêsu nói với
chàng thanh niên có giá trị tổng quát và triệt để. Chúng ta phải ghi nhớ tính
cách tuyệt đối này. Người ta không được cậy dựa gì ngoài Chúa. Của cải chỉ là một
diện phải từ bỏ, tuy là diện khá quan trọng.
Nhưng vì sao thánh
Marcô lại chú ý đến diện này? Phải chăng như lời Tin Mừng Luca viết: "Biệt
phái vốn tham tiền"? (16,14). Hay là tại vì ở thời Marcô viết sách Tin Mừng,
của cải đã trở thành vấn đề trong đời sống đạo? Tín hữu phải tự đồng hóa mình với
hạng "nghèo khó được rao giảng Phúc Âm". Như vậy sẽ không được giàu
có sao? Và như vậy sẽ được gì?
Chúng ta có thể coi lời
Phêrô hỏi Chúa hôm nay như phản ảnh tâm lý và những thắc mắc này. Và chúng ta
thấy câu trả lời thật khôn ngoan. Kẻ bỏ mọi sự mà theo Chúa vẫn có mọi sự ở đời
này và cộng thêm sự bị bắt bớ. Ðàng rằng chỉ có Marcô thêm chữ "bị bắt bớ"
này vào câu trả lời của Chúa. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt của Hội Thánh thời
Marcô viết tác phẩm Tin Mừng. Nhưng ai cấm chúng ta suy nghĩ rằng: theo thánh
nhân, môn đệ của Chúa ở đời này không tất nhiên phải biến mình trở thành khố
rách áo ôm. Như mọi người, họ vẫn có nhà để ở, áo để mặc, cơm để ăn, họ hàng bè
bạn để tương giao... và còn có hơn vì tình huynh đệ và tương trợ trong Hội
Thánh; nhưng họ hãy có như không có, hưởng như không hưởng, vì họ phải sống mầu
nhiệm thập giá Ðức Kitô mà viễn tượng "bị bắt bớ" luôn nhắc nhở người
ta phải có tinh thần từ bỏ tuyệt đối vì Nước Trời. Và của cải là diện khó từ bỏ,
đến nỗi con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Trời.
Các môn đệ của Ðức
Yêsu đã ngạc nhiên trước những đòi hỏi như vậy. Họ sợ ít người có thể vào được
Nước Thiên Chúa. Ðúng, với sức mình, với sự khôn ngoan của mình, loài người
không làm gì được đâu. Nhưng, "mọi sự đều là có thể nơi Thiên Chúa";
tức là người ta phải trông cậy vào Chúa và chỉ trông cậy vào một mình Người mà
thôi. Salomon đã có thái độ như vậy trong bài sách Khôn ngoan hôm nay... Còn
chàng thanh niên kia, giống như các biệt phái, không muốn bỏ mọi sự và quan điểm
của mình mà theo Chúa và thi hành Lời của Người. Tại sao vậy? Chúng ta hãy nghe
lời thư Hipri.
3. Hãy Thi Hành Lời
Chúa
Thư Hipri bàn rất nhiều
và sâu sắc về chức tư tế trong đạo mới. Ðạo cũ tức là Dothái giáo có hàng tư tế
đông đảo và lễ nghi sầm uất. Số lượng tế vật cùng khói hương và huyết chảy
không thể tưởng tượng được. Nhưng tất cả để làm gì? Chỉ là một thất bại hoàn
toàn; một bất lực không hơn không kém. Tội lỗi của dân chúng vẫn còn đó. Chính
vì vậy mà Cựu Ước cứ phải dâng lễ không ngừng.
Trong Tân Ước trái lại,
máu Ðức Yêsu đã rửa sạch mọi tội. Người chỉ dâng lễ một lần. Người đã đi vào
cung thánh của chính bản tính Thiên Chúa qua mầu nhiệm tử nạn của Người. Người
ta chỉ còn phải tham dự vào lễ tế vô giá ấy.
Nhưng đi vào lễ tế này
sao được khi không để thân thể mình nát ra như chính của lễ hy sinh trên thập
giá? Và phương tiện phân nát thân thể con người chính là Lời Chúa. Vì đây không
phải là ý tưởng, mà là sự sống. Ðó là sự sống bởi trời xuống, đi vào thân xác
con người, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi và đâm phập vào tận ranh giới hồn
phách... cùng biện phân ra được tình và ý tưởng của lòng dạ. Người ta cứ xem
Ngôi Lời đã thành nhục thể. Người đã sống một cuộc đời gian khổ như thế nào. Cuối
cùng Người đã chết trên thập giá để trở thành của lễ cứu độ và trở nên vị Thượng
tế của đạo mới. Người ta cũng phải để cho Lời Chúa thấm nhập tâm can... đóng đinh dục vọng
và xác thịt vào thập giá. Có như vậy con người mới trở nên của lễ và mới tham dự
vào chức tư tế của Ðức Kitô, mới được khỏi tội và ngang qua các tầng trời đi
vào nơi yên nghĩ ở trong Thiên Chúa.
Cái lầm của đạo cũ là thái độ vụ hình thức, là não trạng tưởng rằng giữ
được Luật pháp là có sự sống đời đời. Thật ra điều quan trọng là phải từ bỏ
"sự sống của mình", của con người cũ ở nơi mình và nhận lấy sự sống mới
đến từ Thiên Chúa. Salomon đã biết từ bỏ mọi sự để được sự khôn ngoan; Ðức Yêsu
bảo người thanh niên phải đi bán tất cả để đến đi theo Người; tác giả thư Hipri
khuyên chúng ta hãy để cho Lời Chúa thấm nhập biện phân tình và ý tưởng của
lòng dạ. Ai sẵn sàng làm như vậy?
Chúng ta hãy chạy đến Thánh Thể, tham dự vào lễ tế của Ðức Kitô. Hãy hòa
mình vào tâm tình xả kỷ cứu thế của Người. Hãy sống chân thật theo lương tâm và
Lời Chúa dạy bảo và thôi lấy hình thức che đậy tâm can. Ai làm như vậy mà còn sợ
sẽ không được sự sống đời đời? Ðó là người khôn ngoan hơn hết, hơn cả Salomon,
vì ở đây nơi bàn thờ, còn có Ðấng trọng hơn Salomon và còn dạy đường khôn ngoan
hơn Salomon. Chúng ta hãy đến và nhận lấy Người.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 28 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Wis
7:7-11; Heb 4:12-13; Mk 10:17-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải
làm gì để đạt được cuộc sống đời đời?
Nhiều người biết rất
rõ đích điểm của cuộc đời là cuộc sống hạnh phúc muôn đời bên Chúa; nhưng làm
thế nào để đạt được đích điểm đó, có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho chỉ cần
tin vào Đức Kitô là được cứu rỗi; có người cho chỉ cần đi lễ mỗi tuần, đọc kinh
mỗi ngày; có người cho chỉ cần ăn ngay ở lành… Nhưng thánh Giacôbê nói: “đức
tin không việc làm là đức tin chết.” Chúa Giêsu cũng tuyên bố: ”không phải ai
nói Lạy Chúa! Lạy Chúa! mà được vào Nước Trời; nhưng chỉ có những ai lắng nghe
và thực hành Lời Chúa.” Và câu châm ngôn ăn ngay ở lành cũng rất tổng quát và
mơ hồ: Nếu chỉ giản lược trong đời sống chỉ biết lo cho cá nhân hay gia đình
mình, cuộc sống như thế có đủ đáp ứng lời mời gọi mà Chúa dạy các môn đệ trong
Kinh Lạy Cha không? Một cách cụ thể, con người đã góp phần gì vào việc: xin cho
danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời?
Các Bài Đọc hôm nay
chú trọng đến câu hỏi: Phải làm thế nào để đạt được cuộc sống đời đời? và câu
trả lời: “Phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa.” Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn
Ngoan đề cao sự quan trọng của Đức Khôn Ngoan. Theo ông, Đức Khôn Ngoan đáng
quý trọng hơn mọi sự trên trần gian này, vì hai lý do: (1) Có Đức Khôn Ngoan là
có mọi sự; và (2) Chỉ có Đức Khôn Ngoan tồn tại muôn đời. Trong Bài Đọc II, tác
giả Thư Do-thái đồng nhất Đức Khôn Ngoan với Lời Chúa, hay Ngôi Lời chính là sự
khôn ngoan của Thiên Chúa. Không như khôn ngoan của thế gian, Lời Chúa luôn sống
động, hiệu quả, và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi. Lời Chúa đòi con người phải
suy tư, thúc đẩy con người phải hành động, và làm chứng cho con người trước tòa
phán xét của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, khi được người thanh niên hỏi phải làm
gì để đạt được cuộc sống đời đời, Chúa Giêsu tuyên bố: phải giữ tất cả các điều
răn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
1.1/ Hiểu biết khôn ngoan
đáng quí trọng hơn mọi sự: Theo truyền thống
Do-thái, vua Solomon là “tác giả” của các Sách Khôn Ngoan; vì vua Solomon được
coi là người khôn ngoan nhất trong lịch sử của nhân loại. Truyền thống kể lại
truyện khi Thiên Chúa hỏi nhà vua muốn xin bất cứ gì, thì Thiên Chúa cũng ban
cho. Vua Solomon không xin cho có uy quyền, cũng chẳng xin cho được giầu có, sức
khỏe, sống lâu, hay bất cứ điều gì khác; nhưng chỉ xin cho được khôn ngoan để
biết sống và cai trị dân. Thiên Chúa rất hài lòng với điều nhà vua xin; nên
Ngài hứa sẽ ban cho vua Solomon được khôn ngoan đến độ không có ai trước và sau
vua được khôn ngoan như thế.
+ Khôn ngoan quí trọng
hơn vương quyền: Nắm giữ vương trượng, ngai vàng, mà không biết cách cai trị
dân chúng; sớm muộn gì rồi vương quyền cũng vào tay người khác. Nếu có Đức Khôn
Ngoan, vua sẽ biết lòng dân mong ước gì, và cai trị họ theo những điều họ mong
ước, thì vương quyền sẽ tồn tại lâu dài, và vua không phải chịu trách nhiệm trước
tòa phán xét của Thiên Chúa.
+ Khôn ngoan quí trọng
hơn của cải: Vua Solomon thú nhận: ”Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh
được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng
chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.” Có giàu có
đến đâu chăng nữa, mà không biết cách sống sao để được bình an và hạnh phúc, có
lợi cho người sở hữu nó đâu. Thực tế chứng minh: nhiều người giàu có, nhưng vẫn
không muốn sống, và có người còn tìm cách kết liễu đời mình nữa.
+ Khôn ngoan quí trọng
hơn sức khỏe và sắc đẹp: Đây phải là bài học khôn ngoan cho nhiều người trong
xã hội chúng ta, quá chú trọng đến việc tập luyện và nhịn ăn uống để có một
thân thể cân đối đẹp đẽ và khỏe mạnh. Dĩ nhiên chúng ta không đả kích những điều
đó không quan trọng; nhưng không đủ để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Có đẹp
đẽ khỏe mạnh đến đâu chăng nữa, rồi cũng úa tàn theo thời gian. Vua Solomon cho
biết lý do ông quí trọng Đức Khôn Ngoan hơn: ”Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan
hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức
Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.”
Nói tóm, vua Solomon
đã suy nghĩ rất nhiều khi xin cho được Đức Khôn Ngoan, vì khi có Đức Khôn Ngoan
là có tất cả: ”Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.”
1.2/ Làm sao để có Đức
Khôn Ngoan? Khác với khôn ngoan của thế
gian, ai muốn có phải cố gắng luyện tập; Đức Khôn Ngoan mà vua Solomon có được
là do Thiên Chúa ban: “Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu
biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.”
2/ Bài đọc II: Đức Khôn Ngoan chính là Lời của Thiên Chúa.
2.1/ Đặc tính trổi vượt của
Lời Chúa: Tác giả Thư Do-thái liệt kê các đặc
tính của Lời Chúa như sau: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu
hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân
cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của
lòng người.”
(1) Sống động (zôn):
Tất cả các tác phẩm nhân loại, dù hay đến đâu chăng nữa, cũng bị thời gian đào
thải, vì không theo kịp đà tiến của nhân loại; nhưng Kinh Thánh lại khác, nó vẫn
luôn sống động. Đã hơn hai ngàn năm qua, Kinh Thánh vẫn là Sách được nhiều người
đọc nhất, vì nội dung của Kinh Thánh vẫn thích hợp và sống động với con người ở
mọi thời và mọi nơi.
(2) Hữu hiệu (energês):
Lời Chúa trong Kinh Thánh không phải chỉ là những lời để suy niệm; nhưng thúc đẩy
và cung cấp năng lực cho con người hành động. Tiên-tri Isaiah nói rất hay về Lời
Chúa như sau: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu
chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ
gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất
phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý
muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11). Hai câu này chắc
chắn áp dụng cho Đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa, khi Ngài xuống trần gian
nhập thể để cứu chuộc con người. Hai câu đó cũng áp dụng cho chúng ta, vì tuy
ơn cứu chuộc Đức Kitô đã dọn sẵn cho con người; nhưng nó phải hoạt động nơi
chúng ta để mang lại ơn cứu chuộc cho cá nhân chúng ta.
(3) Sắc bén hơn cả
gươm hai lưỡi: Như thanh gươm hai lưỡi có sức xuyên thủng cả hai bên, Lời Chúa
sắc bén, có sức xuyên thủng bất cứ con người nào, cho dù những người lạnh lùng
và chai đá nhất.
+ xuyên thấu chỗ phân
cách tâm với linh: Truyền thống Hy-lạp tin con người là tập hợp của ba phần:
tinh thần (pneuma), đời sống thể lý (psychê), và thân xác (sark).
Psyche là đời sống thể lý của con người, cái mà con người có chung với các tạo
vật khác; nhưng cái làm con người suy nghĩ và hành động khác nhau là tinh thần.
+ xuyên thấu chỗ phân
cách sụn (harmos) với tuỷ (muelos): Nếu thanh gươm có thể tách rời
sụn với tủy; Lời Chúa cũng có thể tách rời tinh thần ra khỏi đời sống thể lý của
một người. Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.
2.2/ Lời Chúa là chứng cớ
phán xét con người: “Vì không có loài thọ tạo
nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước
mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” Lời Chúa thúc đẩy con người phải hành động,
các việc làm của con người sẽ là những bằng chứng tố cáo con người. Ví dụ,
Gioan nói về việc con người phán xét chính mình như sau: “Quả vậy, Thiên Chúa
sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế
gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị
lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con
Một Thiên Chúa” (Jn 3:17-18). Sự hiện diện của Đức Kitô buộc con người phải
hành động: tin hay không tin vào Ngài; và tùy vào việc tin hay không tin, con
người tự luận phạt chính mình. Con người không thể giữ thái độ trung dung,
không chịu phản ứng, trước sự hiện diện của Đức Kitô trong cuộc đời.
3/ Phúc Âm: Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời
làm gia nghiệp?
3.1/ Làm thế nào để đạt
được đích điểm của cuộc đời: Đức Giêsu vừa
lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa
Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức
Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một
mình Thiên Chúa. Hai điều Chúa đòi anh phải làm:
(1) Giữ các giới răn với
tha nhân: ”Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm
cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói:
“Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”
(2) Giữ các giới răn với
Thiên Chúa: Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh
ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người
nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Điều Chúa
Giêsu đòi hỏi anh ở đây không gì khác hơn giới răn thứ nhất: “Phải yêu mến
Thiên Chúa trên hết mọi sự.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ
đi, vì anh ta có nhiều của cải.”
3.2/ Giàu có khó vào Nước
Trời: Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Những
người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim
còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa
và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”
Đức Giêsu nhìn thẳng
vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên
Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
(1) Điều Chúa muốn nhấn
mạnh ở đây là con người không được đặt của cải trên lòng mến Thiên Chúa, vì “của
cải anh ở đâu, lòng trí anh ở đó.” Nếu lòng trí đã đặt vào của cải, còn lòng
trí đâu dành cho Thiên Chúa và các việc của Ngài? Chúng ta không nói của cải
không cần thiết; nhưng chúng ta phải đặt đúng thứ tự của nó: sau Thiên Chúa và
sau tha nhân.
(2) Phần thưởng cho những
môn đệ của Đức Kitô: Thiên Chúa là Đấng uy quyền và thương yêu, Ngài không bao
giờ bỏ đói những ai trông cậy và làm việc cho Ngài. Chúa Giêsu hứa với các môn
đệ: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha,
con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại
không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng
với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” Khi các môn đệ đi theo Chúa,
họ giả sử phải bỏ tất cả: nghề nghiệp, gia đình, nhà cửa, và mọi thứ tiện nghi;
nhưng họ không chết đói, và họ có nhiều thời gian dành cho việc mở mang Nước Trời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải đặt
đúng thứ tự ưu tiên trong cuộc đời: Thiên Chúa, tha nhân, và của cải vật chất.
Đảo lộn thứ tự ưu tiên này sẽ gây bất an, chia rẽ, và làm cho con người mất hạnh
phúc.
– Tin như nào sẽ sống
như thế. Nếu chúng ta tin Đức Khôn Ngoan là điều đáng quí trọng hơn hết các giá
trị vật chất, hãy cầu nguyện để xin Thiên Chúa cho chúng ta hiểu được Lời Chúa.
– Để đạt được cuộc sống
đời đời, chúng ta phải giữ tất cả điều răn; chứ không chỉ giữ một số những gì
chúng ta thích, và bỏ lơ những gì chúng ta không thích.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
14/10/2018 – CHÚA NHẬT TUẦN 28 TN – B
Mc 10,17-30
CHO ĐI TẤT CẢ ĐỂ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán
những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy
đến theo tôi.” (Mc 10,21)
Suy niệm: Các vua chúa thời xưa đi tìm thuốc trường sinh bất lão. Các nhà khoa học
ngày nay nghiên cứu để kéo dài tuổi thọ của kiếp người. Thế nhưng, được sống đời
đời vẫn là mơ ước chưa nằm trong tầm tay của con người. Chàng thanh niên trong
Phúc Âm sở hữu nhiều của cải, nhưng chúng không phải là, cũng không đem lại sự
sống đời đời. Anh đã tuân giữ các giới răn: “không giết người, không ngoại
tình, không trộm cắp, không làm hại ai,” và anh tin rằng nhờ đó anh sẽ được trường
thọ, được hạnh phúc mãi mãi (x. Đnl 4,40; 5,29). Chúa Giê-su cho biết anh vẫn
còn thiếu một điều, một đòi hỏi ngược với toan tính của con người, nhưng lại là
chìa khoá khai mở cánh cửa dẫn vào sự sống đời đời: Bán đi tất cả mà cho người
nghèo rồi đi theo Ngài.
Mời Bạn: Cả cuộc đời mẹ thánh Têrêsa Cancutta là một bằng chứng về việc thực
hành Lời Chúa hôm nay: “Một tình yêu mãnh liệt chỉ cho đi, chứ không tính
toán.” Mẹ Têrêsa gặp Đức Kitô khi mẹ trung thành dành cho Chúa tất cả trong việc
chầu Thánh Thể hai giờ mỗi ngày. Và mẹ lại gặp được Đức Kitô nơi những người
nghèo mà mẹ trao hiến tất cả những gì mẹ có để phục vụ họ. Cho đi tất cả như thế,
mẹ đã đạt tới sự sống đời đời ngay ở đời này.
Sống Lời Chúa: Thực hành bác ái theo lời khuyên của mẹ thánh Têrêsa
Cancutta: “Đừng để ai đến với bạn phải rời đi mà không hạnh phúc hơn.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, có
Chúa đời con sướng vui! Xin cho con luôn tâm niệm và bám vào Chúa như thế.
Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Được gấp trăm (14.10.2018
– Chúa nhật 28 Thường niên, Năm B)
Suy Niệm
Khi đọc bài Tin Mừng trên đây
ta nếm được nỗi buồn của Ðức Giêsu và của anh nhà giàu.
Ðức Giêsu buồn vì bị từ chối bởi người mà mình yêu mến,
Anh kia buồn vì có sự rạn nứt nơi bản thân.
Anh đã phấn khởi gặp Chúa, rồi ra đi đầy muộn phiền.
Thầy Giêsu đòi anh đúng điều anh muốn giữ lại,
vì của cải vốn là chỗ dựa của đời anh.
Anh sẵn sàng làm mọi điều Thầy đòi hỏi,
trừ việc bỏ chỗ dựa này.
Bây giờ anh thấy rõ hơn mình nô lệ cho điều gì.
Tiếc thay anh không có can đảm ra khỏi sự nô lệ này
dù anh vẫn khát khao sự sống đời đời.
Bi kịch của anh cũng là của chúng ta.
Ai trong chúng ta cũng từng bị giằng co
giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất.
Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt.
Tôi làm chủ nó, nhưng sau đó nó lại làm chủ tôi
và trở thành thịt xương mà tôi không thể dứt bỏ.
Không chắc người giàu này sẽ bị luận phạt,
nhưng chắc chắn anh ta khó hạnh phúc.
Hạnh phúc chỉ đến với người dám sống theo ý Chúa.
ta nếm được nỗi buồn của Ðức Giêsu và của anh nhà giàu.
Ðức Giêsu buồn vì bị từ chối bởi người mà mình yêu mến,
Anh kia buồn vì có sự rạn nứt nơi bản thân.
Anh đã phấn khởi gặp Chúa, rồi ra đi đầy muộn phiền.
Thầy Giêsu đòi anh đúng điều anh muốn giữ lại,
vì của cải vốn là chỗ dựa của đời anh.
Anh sẵn sàng làm mọi điều Thầy đòi hỏi,
trừ việc bỏ chỗ dựa này.
Bây giờ anh thấy rõ hơn mình nô lệ cho điều gì.
Tiếc thay anh không có can đảm ra khỏi sự nô lệ này
dù anh vẫn khát khao sự sống đời đời.
Bi kịch của anh cũng là của chúng ta.
Ai trong chúng ta cũng từng bị giằng co
giữa ước mơ bay cao và sự kéo ghì của vật chất.
Của cải vật chất có sức hấp dẫn mãnh liệt.
Tôi làm chủ nó, nhưng sau đó nó lại làm chủ tôi
và trở thành thịt xương mà tôi không thể dứt bỏ.
Không chắc người giàu này sẽ bị luận phạt,
nhưng chắc chắn anh ta khó hạnh phúc.
Hạnh phúc chỉ đến với người dám sống theo ý Chúa.
Người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!
Vào thời Ðức Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành.
Vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm.
Của cải dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa
và nỡ tâm chà đạp lên quyền lợi anh em.
Tệ nạn tham nhũng, hối lộ ở Châu Á
là một thí dụ về nguy hiểm của tiền bạc.
Ðức Giêsu và các môn đệ đã sống nghèo,
sống như những người lữ hành, không chỗ cậy dựa,
để tín thác vào Cha và dễ dàng đến với anh em.
Theo Ðức Giêsu là chấp nhận tay trắng, bấp bênh.
Nhưng đừng quên theo Ngài cũng là trở nên giàu có.
Không phải sự giàu có do ích kỷ giữ lại,
nhưng là sự giàu có do mở ra trao hiến.
Không phải sự giàu có do tìm kiếm chiếm đoạt,
nhưng là sự giàu có đến như một quà tặng biếu không.
Theo Ngài không phải chỉ là bỏ nhà cửa, ruộng vườn,
bỏ những người thân yêu, bỏ đến cả mạng sống.
Theo Ngài còn là được gấp trăm ngay từ đời này,
và nhất là đời sống vĩnh cửu mai hậu.
Khi Phêrô ra khỏi hồ Galilê, với nghề đánh cá,
ông được biết những biển khơi mênh mông hơn nhiều.
Khi Phêrô bỏ lại cha mẹ, vợ con,
ông đứng đầu một cộng đoàn đông đảo là Hội Thánh.
Chắc Têrêxa Hài Ðồng không ngờ mình trở nên Thánh Sư.
Chắc Têrêxa Calcutta không ngờ đám táng của mình
sẽ có cả triệu người tham dự.
Vào thời Ðức Giêsu, giàu có được coi là một phúc lành.
Vậy mà Ngài lại coi đây là một cản trở nguy hiểm.
Của cải dễ làm người ta khép kín trước Thiên Chúa
và nỡ tâm chà đạp lên quyền lợi anh em.
Tệ nạn tham nhũng, hối lộ ở Châu Á
là một thí dụ về nguy hiểm của tiền bạc.
Ðức Giêsu và các môn đệ đã sống nghèo,
sống như những người lữ hành, không chỗ cậy dựa,
để tín thác vào Cha và dễ dàng đến với anh em.
Theo Ðức Giêsu là chấp nhận tay trắng, bấp bênh.
Nhưng đừng quên theo Ngài cũng là trở nên giàu có.
Không phải sự giàu có do ích kỷ giữ lại,
nhưng là sự giàu có do mở ra trao hiến.
Không phải sự giàu có do tìm kiếm chiếm đoạt,
nhưng là sự giàu có đến như một quà tặng biếu không.
Theo Ngài không phải chỉ là bỏ nhà cửa, ruộng vườn,
bỏ những người thân yêu, bỏ đến cả mạng sống.
Theo Ngài còn là được gấp trăm ngay từ đời này,
và nhất là đời sống vĩnh cửu mai hậu.
Khi Phêrô ra khỏi hồ Galilê, với nghề đánh cá,
ông được biết những biển khơi mênh mông hơn nhiều.
Khi Phêrô bỏ lại cha mẹ, vợ con,
ông đứng đầu một cộng đoàn đông đảo là Hội Thánh.
Chắc Têrêxa Hài Ðồng không ngờ mình trở nên Thánh Sư.
Chắc Têrêxa Calcutta không ngờ đám táng của mình
sẽ có cả triệu người tham dự.
Theo Ðức Giêsu, ta sẽ được lại cả những điều đã mất.
Cái được quan trọng nhất là được Ðức Giêsu (x. Pl 3,8).
Cái được quan trọng nhất là được Ðức Giêsu (x. Pl 3,8).
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải phóng chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG MƯỜI
Loan Báo Tin Mừng,
Một Nhu Cầu Cấp Bách Và Toàn Diện
Công Đồng Vatican II,
trong Sắc Lệnh Truyền Giáo, đã tổng hợp một cách tuyệt vời cả lý do lẫn trách
nhiệm loan báo Tin Mừng. Sắc Lệnh này đề cập đến các hoạt động truyền giáo của
Giáo Hội : “Lý do của sứ mạng truyền giáo phát xuất từ ý định của Thiên Chúa,
Ngài ‘muốn tất cả mọi người được cứu độ và được biết sự thật. Và sự thật là:
Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất. Cũng chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa
Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng đã
trao hiến chính mình làm giá chuộc cho mọi người’ (1Tm 2,4-6), và ‘không có ơn
cứu độ nơi bất cứ ai khác’ (Cv 4,12). Do đó, mọi người phải trở về với Ngài sau
khi đã nhận biết Ngài nhờ lời rao giảng của Giáo Hội, và phải kết hiệp mật thiết
với Ngài cũng như với Giáo Hội là thân thể của Ngài qua Phép Rửa…”
“Đành rằng Thiên Chúa
– bằng những cách thế chỉ một mình Ngài biết – có thể dẫn dắt những người có
lương tâm ngay thẳng nhưng không biết Tin Mừng đến với đức tin – ‘bởi người ta
không thể làm hài lòng Thiên Chúa được nếu không có đức tin’ (Dt 11,6); tuy
nhiên, bổn phận tất yếu của Giáo Hội phải là rao giảng Tin Mừng, nghĩa là hoạt
động truyền giáo của Giáo Hội luôn luôn còn đầy đủ tính khẩn thiết của nó – hôm
nay và mãi mãi” (TG, 7).
Loan báo Tin Mừng là
công việc thường xuyên của Giáo Hội. Nó luôn khẩn thiết và không bao giờ có thể
chước miễn. Ơn cứu độ của con người luôn là vấn đề nóng bỏng. Đó là lý do tại
sao Đức Phao-lô VI, trong Tông Huấn Evangelii nuntiandi, đã viết: “Người tông đồ
phải hiến dâng tất cả thời giờ, tất cả sức lực, và nếu cần, hy sinh cả sự sống
mình cho việc loan báo Tin Mừng” (EN, 5).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 14/10
Chúa Nhật XXVIII
thường niên
Kn 7, 7-11; Dt 4,
12-13; Mc 10, 17-27.
LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy nhân
lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”
Trong cuộc gặp gỡ của người thanh niên đạo đức với Chúa Giêsu, Người đã đặt câu
hỏi về đời sống của anh với các điều răn, Anh ta đã trả lời: “Thưa Thầy, tất cả
những điều đó, tôi đã tuân giữa từ nhỏ”. Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem
lòng cảm mến.” Đây là niềm vui đầu tiên của cuộc gặp gỡ. Và để hướng dẫn anh ta
đạt được sự sống đời dời như lòng mong ước của anh ta. Chúa Giêsu đề nghi: “Anh
chỉ thiếu có một điều là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ
được kho tàng trên trời, rồi đến theo tôi.” Nhưng sau lời đề nghị đó đã làm cho
cuộc gặp gỡ thành một nỗi buồn và thất vọng: “Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó,
và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” Và Chúa Giêsu mở lời than
trách: “Những người có của thì khó vào Nýớc Thiên Chúa biết bao!”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết hy sinh vì hạnh phúc của người nghèo. Và
dạy chúng con biết yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Vì chính Chúa mới là hạnh phúc
của đời chúng con.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 14-10
Thánh CALLISTÔ I
Giáo Hoàng Tử Đạo
(+222)
Chúng ta biết được cuộc
đời của thánh Callistô I chính là nhờ vào bản ký thuật của thánh Hyppolytô
(Philosphoumena q. IX). Nhưng chẳng may đây lại là thuật ký của một kẻ thù nghiệt
ngã với thánh nhân. Dầu vậy, thánh Hyppolytô không thể ngụy tạo các sự kiện hiển
nhiên được và biết lượng định theo lương tri, chúng ta biết nhiều về thánh
Callistô I hơn các đức giáo hoàng tiên khởi khác.
Người là nô lệ của một
Kitô hữu tên là Carpôphôrô. Biết được khả năng về kinh tế và tài tổ chức của
Ngài, ông đặt Ngài quản trị một ngân hàng. Công cuộc làm ăn thất bại, chúng ta
có thể tin chắc rằng Callistô vô tội chứ không phải Ngài biển thủ ngân quỹ như
Hippolytô qui trách. Để đòi lại những món nợ bởi người Do thái, Ngài bắt buôc
phải vào một hội đường. Thế nhưng những người Do thái lại tố cáo Ngài là Kitô hữu.
Quan tổng trấn Roma bắt Ngài, đánh đòn rồi gửi đi làm lao công ở các hầm mỏ miền
Sardinia.
Khi bà Marcia, người
thân của hoàng đế Commodô xin được ơn phóng thích cho các tội nhân, Callistô trở
về. Đức giáo hàong Victor gửi Ngài tới Antium để dưỡng sức và cấp dưỡng cho
Ngài. Điều này chứng tỏ rằng việc Ngài bị đức giáo hoàng Victor gạch tên khỏi sổ
những người bị tù tội vì đức tin, mà Hippolytô viết ra là sai sự thật. Đến khi
thánh Zephirinô lên kế vị Đức giáo hoàng Victor, Callistô được đặt làm tổng phó
tế và có nhiệm vụ coi sóc các nghĩa trang. Ngài xây dựng một mộ địa mang tên
Ngài. Đây là tài sản do một người bạn có quyền thừa kế tên là Cêcilia dâng tặng.
Callistô đã tỏ ra là một nhà quản trị có khả năng, nên năm 217, Ngài được chọn
làm giáo hoàng kế vị thánh Zephirinô.
Trên ngai giáo hoàng,
đức Callistô I tỏ ra là người kiên quyết bảo vệ đức tin tôn giáo. Ngài đã kết
án Sabelliô vì ông này chủ trương sai lạc về tín điều Chúa Ba ngôi. Đối với
Hippolytô, Ngài cảnh cáo chủ trương sai lạc theo khuynh hướng nhị nguyên của
ông về Chúa Giêsu. Tuy nhiên về phương diện kỷ luật, Ngài tỏ ra rất khôn ngoan
và nhân từ. Dường như chính Ngài là đấng đã tổ chức các tước vị tại Roma, tại
các nhà thờ thuộc giáo xứ…
Năm 222, thánh
Callistô I từ trần bằng một cái chết dữ dằn. Theo truyền thuyết, Ngài bị đám
đông giận dữ ném xuống giếng, tại Trstevere. Người ta cho rằng các lương dân
căm thù vì bị Ngài trục xuất đã đưa tới cái chết này. Từ đầu tới cuối, Ngài là
một con người cương nghị và độc tài. Ngài được chôn cất, không phải nơi hầm mộ
mang tên Ngài, nhưng tại nghĩa địa ở đường Aurelia.
(daminhvn.net)
14 Tháng Mười
Lời Trăn Trối Của Người Mẹ
Thời cách mạng
Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục:
đó là đại úy Laly.
Ông đã gia nhập vào
đảng Jacobins đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục
đã kín đáo đến khuyên nhủ để lôi kéo ông ra khỏi tội ác. Nhưng tất cả mọi cố gắng
của người khác đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những
lời lẽ thô tục.
Thế nhưng một hôm,
khi mọi người tưởng như không còn một chút hy vọng, Laly đã lần mò đến một linh
mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó ông đã thú nhận: “Cả đời,
ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước
khi chết”.
Có những câu ca dao,
có những bài hát, có những bài học làm người, chúng ta tiếp thu ngay khi còn ngồi
trên gối mẹ. Trí óc non dại của chúng ta chưa đủ khả năng để lĩnh hội ý nghĩa
sâu xa của những bài học đó. Nhưng dần dà với thời gian, khi bắt đầu chúng ta
biết suy nghĩ, những bài học đó trồi lên một cách trong sáng trong kiến thức của
chúng ta. Có lẽ người mẹ nào cũng hiểu được giá trị của câu: “Dạy con từ thuở còn
thơ…”.
Mẹ Maria, Hiền Mẫu của
chúng ta, vừa là một mẫu gương vừa là một nhà giáo dục tuyệt hảo trong Ðức Tin.
Lời kinh dâng Mẹ mà chúng ta bập bẹ khi vừa biết nói là bài ca dao đẹp nhất
không ngừng ngân vang trong cuộc sống Kitô chúng ta. Có thể, đôi lúc chúng ta
cũng ngâm nga một cách máy móc, nhưng Mẹ vẫn có đó và Mẹ vẫn đeo đuổi, ấp ủ
chúng ta trong Tình Yêu bao la của Mẹ.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét