10/08/2015
Thứ Hai sau Chúa Nhật
19 Quanh Năm
Thánh Lôrensô, phó tế,
tử đạo. Lễ kính.
* Phó tế Lôrenxô chịu tử đạo tại Rôma
ngày 10 tháng 8 năm 258, sau ĐGH Xít-tô II bốn ngày. Chuyện kể rằng người phải
chịu cực hình lửa thiêu trên một chiếc giường sắt sau khi người đã phân phát
cho người nghèo tài sản của cộng đoàn.
Ngay từ thế kỷ IV, lòng tôn kính
người đã phổ biến trong Hội Thánh.
Bài
Ðọc I: (Năm I) Ðnl 10, 12-22
"Các
ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi. Hãy yêu thương khách trọ, vì chính các
ngươi cũng đã là khách trọ".
Trích sách Ðệ
Nhị Luật.
Môsê nói với
dân chúng rằng: "Giờ đây, hỡi Israel, Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đòi hỏi
các ngươi điều gì, nếu không phải là kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, đi
theo mọi đường lối của Người, yêu mến Người, làm tôi Chúa là Thiên Chúa các
ngươi hết lòng và hết linh hồn các ngươi, tuân giữ các giới răn và nghi lễ của
Thiên Chúa mà hôm nay tôi truyền cho các ngươi để các ngươi được hạnh phúc.
"Hãy
xem trời và các tầng trời, trái đất và mọi sự trên mặt đất đều thuộc về Chúa là
Thiên Chúa các ngươi. Nhưng Chúa chỉ quyến luyến cha ông các ngươi, đã yêu
thương các ông ấy, và sau đó, trong mọi dân tộc, Người đã chọn dòng dõi kế tiếp
các ông ấy là chính các ngươi như ngày hôm nay.
"Vậy
các ngươi hãy cắt bì lòng dạ các ngươi, và đừng cứng cổ nữa, vì Chúa là Thiên
Chúa các ngươi, là Thiên Chúa trên hết các chúa, là Chủ Tể trên hết các chủ tể,
là Chúa cao cả, quyền năng và đáng khiếp sợ, là Ðấng không vị nể ai, và không để
cho lễ vật hối lộ; Người giải oan cho cô nhi quả phụ, Người yêu mến người khách
trọ và cho họ cơm ăn áo mặc. Vậy các ngươi hãy yêu thương khách trọ, vì các
ngươi cũng đã là khách trọ trong đất Ai-cập.
"Các
ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, và phụng sự một mình Người, phải
trìu mến Người và lấy danh Người mà thề. Chính Người là Ðấng các ngươi phải ca
tụng và là Chúa các ngươi. Người đã thực hiện cho các ngươi những điều trọng đại
và khủng khiếp, mà mắt các ngươi đã xem thấy. Cha ông các ngươi chỉ có bảy mươi
khi xuống ở Ai-cập, và nay Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, đã làm cho các ngươi
đông như sao trên trời".
Ðó là lời
Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi
khen Chúa! (c. 12a)
Xướng: 1)
Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa, hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi
Sion, vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi
trong thành nội. - Ðáp.
2) Người giữ
cho bờ cõi ngươi được bình an, Người dưỡng nuôi ngươi bằng tinh hoa của lúa mì.
Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. -
Ðáp.
3) Người đã
loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho
Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho
họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.
Alleluia:
Ga 14, 23
Alleluia,
alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến
người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 17, 21-26
"Họ
sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các
môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng:
"Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ
ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.
Khi các ngài
đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng:
"Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có
chớ".
Khi ông về đến
nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần
gian thu thuế má hạng người nào? Ðòi con cái mình hay người ngoài?" Ông
thưa rằng: "Ðòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì
con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển
thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một
đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".
Ðó là lời
Chúa.
Suy
Niệm:
Nộp
Thuế Cho Ðền Thờ
Vào thời
Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế
dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Ðền thờ nữa: ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên
và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì
và tu sửa Ðền thờ Giêrusalem.
Câu chuyện
trong Tin Mừng hôm nay xẩy ra vào khoảng tháng 10, năm thứ hai cuộc đời rao giảng
của Chúa Giêsu, tức là ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor.
Chúa Giêsu và các môn đệ trở lại Capharnaum, và ở đó, những người thu thuế đến
yêu cầu Phêrô nộp thuế. Dĩ nhiên là Phêrô sẵn sàng nộp thuế.
Khi Phêrô về
tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian
lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: "Thưa, người
ngoài. Chúa Giêsu liền bảo thế thì con cái được miễn". Ðây cũng là một mạc
khải, bởi vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn
nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế;bởi vì qua câu:
"Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính
Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế; nhưng xét về bản tính loài người, Ngài
cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Ðền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế
bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên,
trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo
Giuđa xuất quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài
đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài.
Nếu ngày
xưa, người Do thái có bổn phận nộp thuế cho Ðền thờ để lo việc phụng sự Nhà
Chúa, thì ngày nay trong Giáo Hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó
cũng là một việc thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh chị em nghèo
khó. Chúng ta hãy nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập
vào nếp sống cụ thể của những người đồng thời với Ngài. Mầu nhiệm nhập thể đòi
buộc Chúa phải chia sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ước gì chúng ta cũng biết
noi gương Chúa, chấp nhận như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để trổ sinh
nhiều hoa trái tốt đẹp.
Veritas
Asia
Thánh Lôrensô, phó tế,
tử đạo. Lễ kính.
BÀI
ĐỌC I: 2 Cr 9, 6-10
"Thiên Chúa
yêu thương kẻ cho cách vui lòng".
Trích thư thứ
hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân
mến, ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người hãy cho theo
như lòng đã định, không phải cách buồn rầu, hoặc vì miễn cưỡng: Thiên Chúa yêu
thương kẻ cho cách vui lòng. Thiên Chúa có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân
phúc: để anh em vừa luôn luôn sung túc mọi mặt, vừa còn được dư dật để làm các
thứ việc phúc đức, như đã chép rằng: "Người đã rộng tay bố thí cho kẻ
nghèo khó, đức công chính của Người sẽ tồn tại muôn đời". Đấng đã cung cấp
hạt giống cho kẻ gieo và bánh để nuôi mình, thì cũng sẽ cung cấp cho anh em hạt
giống dư đầy, và sẽ làm phát triển hoa quả sự công chính của anh em. Đó là lời
Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 111, 1-2. 5-6. 7-8. 9
Đáp: Phúc đức
cho người biết xót thương và cho vay (c. 5a).
Xướng: 1)
Phúc đức thay người tôn sợ Chúa, người hết lòng hâm mộ luật pháp của Ngài. Con
cháu người sẽ hùng cường trong đất nước: thiên hạ sẽ chúc phúc cho dòng dõi hiền
nhân. - Đáp.
2) Phúc đức cho
người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình.
Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời.
- Đáp.
3) Người
không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa.
Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, cho tới khi nhìn thấy kẻ thù phải hổ
ngươi. - Đáp.
4) Người ban
phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi; sừng
người được ngẩng lên trong vinh quang. - Đáp.
ALLELUIA:
Ga 8, 12
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có
ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Ga 12, 24-26
"Ai phụng sự
Ta thì Cha Ta sẽ tôn vinh nó".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa
Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Ta nói thật với các con: Nếu hạt
lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu
nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai
ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự
Ta, hãy theo a, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta,
Cha Ta sẽ tôn vinh nó". Đó là lời Chúa.
SUY
NIỆM : Tài sản của Giáo Hội
Hôm
nay, Giáo Hội kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ
đầu tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị
thánh này...
Theo
tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời
Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của
Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.
Chuyện
kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội,
Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người
nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.
Sau
khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi
mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo,
các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân
phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả
các chén thánh dùng trong phụng tự...
Hoạt
động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho
rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để
cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn
lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội.
Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô
nhi... và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc
tuyên bố: "Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội".
Viên
thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh
cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay
phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú...
Câu
chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín
hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh
này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh
thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với
lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.
Sống
và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức
bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự
do tín ngưỡng một cách tinh vi.
Có
nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết
dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người
Kitô đang phải trải qua.
Sống
trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết
trí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám
dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc
tử đạo dai dẳng.
Quyết
trí trung thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước
đoạt quyền lợi: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Kinh Thánh Laurensô
TĐ
Bài đọc: II Cor 9:6-10; Jn
12:24-26.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cho đi là nguyên tắc
sống của cuộc đời.
Nhiều
người nghĩ muốn giầu có hạnh phúc phải biết cách đầu cơ tích trữ, để tiền vào
như nước và tiền ra nhỏ giọt. Theo cách đầu tư khôn ngoan, họ phải làm sao để
mua vào với giá rẻ như bèo, và bán ra với giá cắt cổ. Ngược lại, Chúa Giêsu dạy:
nếu muốn sống sung mãn hạnh phúc phải phục vụ hết mình và luôn rộng lượng cho
đi, vì "ai có sẽ được cho thêm, và ai không có, ngay cả cái nó đang có
cũng sẽ bị lấy đi." Phó-tế Lawrense là thủ quỹ của giáo-triều Rôma, và được
nghĩ là người nắm hết tài sản của Giáo Hội. Khi bị thẩm vấn và bắt trao hết tài
sản của Giáo Hội cho hoàng-đế Valerian, ông xin ba ngày để kiểm kê tài sản.
Ngày thứ ba, ông dẫn tới cho hoàng đế một đám đông giáo hữu nghèo và nói với
hoàng-đế: Đây là tài sản của Giáo Hội; nếu hoàng-đế muốn, xin trao lại cho
hoàng-đế.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn chứng minh nguyên tắc sống này cho mọi người. Trong Bài Đọc
I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Corintô hãy rộng lượng và vui vẻ giúp đỡ cho
Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem, vì Thiên Chúa sẽ rộng lượng cho lại họ cách dư đầy.
Khi rộng lượng cho đi, họ cũng đang xây dựng cho họ kho tàng vĩnh cửu đời sau.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn nêu bật một nguyên lý bất di dịch của cuộc sống:
nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình;
còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương.
1.1/
Định luật của trời đất:
Thánh Phaolô nhắc nhở cho các tín hữu Corintô một định luật phổ quát:
"gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều." Thánh nhân muốn nói
khi con người càng cho đi bao nhiêu, họ sẽ được nhận lại càng nhiều bấy nhiêu.
Điều này có thể áp dụng cho mọi lãnh vực của cuộc sống; ví dụ, khi một học sinh
bỏ nhiều thời giờ và nỗ lực cho việc học hành, anh sẽ hiểu biết nhiều hơn và
thu lượm nhiều kết quả trên đường học vấn. Tương tự như thế cho việc chăn giữ
đoàn chiên: nếu cha mẹ hay các mục tử biết dành nhiều thời giờ để giáo dục và
chăm sóc con cái hay giáo dân, đàn chiên sẽ mạnh khỏe và tốt lành, gia đình
cũng như giáo xứ sẽ tiến triển tốt đẹp; nhưng nếu cha mẹ và các mục tử không
dành thời giờ để dạy dỗ và săn sóc con cái hay giáo dân, làm sao đàn chiên, gia
đình, hay giáo xứ có thể phát triển được?
Của
cho không quí trọng bằng cách cho. Vì Thiên Chúa thấu suốt mọi tư tưởng, thánh
Phaolô khuyên các tín hữu phải tập luyện những điều này khi họ cho đi: "Mỗi
người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không
miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương."
(1)
Cho đi cách vô vị lợi: Khi cho, đừng tính toán xem người khác sẽ cho lại mình
điều gì, như câu tục ngữ Việt-nam: "hòn đất ném đi, hòn chì ném lại."
Chắc chắn Thiên Chúa và tha nhân sẽ không để mình phải thiệt hại, nhưng mong muốn
điều này không phải là lý do để khuyến khích con người cho đi. Những lý do
chính giúp con người cho đi: Thứ nhất, vì mình đã nhận quá nhiều từ Thiên Chúa
và tha nhân, nhất là những người mình không thể trả ơn được như Thiên Chúa và
những người quá cố; vì thế, mình phải làm ơn cho con cái của Ngài và cho thế hệ
mai sau. Thứ hai, tất cả là của Thiên Chúa, con người chỉ là quản lý; nhiệm vụ
của quản lý là phân phát cho đúng thời đúng buổi, chứ không phải để hoang phí
hay đào lỗ để chôn của. Sau cùng, cho đi là cách xây dựng cộng đồng: nếu tất cả
mọi người đều biết hăng hái cho đi, hòa bình sẽ ngự trị trên trái đất và Nước
Chúa sẽ trị đến ngay từ đời này.
(2)
Cho đi cách vui vẻ, không cho đi cách miễn cưỡng: Nhiều người cho đi vì họ cảm
thấy bắt buộc phải cho; ví dụ, khi một người có địa vị đến xin, họ phải cho
cách miễn cưỡng vì sợ bị mang tiếng là keo kiệt. Người cho đi cách vui vẻ là
người sau khi đã nhận ra nhu cầu và thấy mình có khả năng để đóng góp, họ vui vẻ
góp phần vào việc giúp đỡ tha nhân.
(3)
Không hối hận khi đã cho đi: Người rộng lượng không hối tiếc khi cho đi, họ có
thể chấp nhận hy sinh thiếu thốn để tha nhân được sống. Người keo kiệt, tính
toán sẽ tiếc nuối những gì mình đã cho đi. Nếu không chịu tập luyện, họ sẽ để
cho tính ích kỷ thống trị, và sẽ không cho đi lần tới.
1.2/
Thiên Chúa là Đấng ban phát muôn ơn lành: Thánh Phaolô nêu lên một số lý do chính để giúp con
người biết rộng lượng cho đi:
(1)
Thiên Chúa tốt lành: Ngài ban cho con người không những đủ để sinh sống, mà còn
dư thừa để làm việc thiện.
(2)
Ngài yêu mến kẻ có lòng thương xót tha nhân: Tất cả tha nhân đều là con cái
Thiên Chúa; vì thế, làm cho tha nhân là làm cho Thiên Chúa. Lòng thương xót,
yêu mến, và giúp đỡ tha nhân làm con người trở nên giống Thiên Chúa hơn tất cả
điều khác.
(3)
Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào sự quan phòng của Ngài: Thánh Phaolô diễn
tả như sau: "Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi
dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công
chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào." Thiên Chúa có thể ban ơn lành
trực tiếp đến tất cả mọi người; nhưng nếu làm như thế, con người chẳng có ơn
ích gì trước mặt Ngài. Vì thế, Ngài ban qua chúng ta, để xem chúng ta có biết
cách xử dụng để phát triển nhân đức và xây dựng cuộc sống vĩnh cửu cho chúng ta
sau này hay không. Chúng ta đừng quên tiêu chuẩn phán xét của Thiên Chúa là
hòan toàn dựa vào những gì chúng ta làm cho tha nhân (x/c Mt 25).
2/
Phúc Âm:
Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/
Định luật của Thiên Chúa trong đời sống sinh vật: Chúa dạy các môn đệ:
"Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết
đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt
khác." Không một sinh vật nào không qua tiến trình này; nếu sinh vật nào từ
chối không tham dự định luật này, nó sẽ chẳng những không sinh sôi nẩy nở, mà
còn mục rữa và chết cách cô độc.
2.2/
Định luật của Thiên Chúa trong đời sống con người: Định luật trên chẳng
những đúng với thiên nhiên mà còn đúng trong đời sống con người. Chúa dạy:
"Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở
đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời."
Định
luật này phải mở mắt cho những con người ích kỷ, những người chỉ biết tôn thờ
chủ nghĩa cá nhân và vun quén cho mình. Thứ nhất, họ phải biết Thiên Chúa có mắt
và vẫn đang theo dõi những việc làm của họ; họ không thể chỉ biết tận hưởng những
ơn lành của Thiên Chúa mà từ chối không phục vụ và chia sẻ cho tha nhân. Dù họ
có thể qua mặt Ngài trong cuộc sống đời này, họ vẫn phải đối diện với Ngài và
tha nhân trong Ngày Phán Xét. Thứ hai, tha nhân không phải là những người ngu dại,
họ chỉ có thể lợi dụng ít lần, nhưng không thể lợi dụng tha nhân suốt đời; người
ích kỷ là người tự khai trừ mình ra khỏi đời sống của cộng đoàn. Nếu những người
ích kỷ chịu khó suy xét: nếu ai cũng ích kỷ như mình, làm sao có mình và có những
thứ cho mình hưởng thụ?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải xác tín Thiên Chúa có uy quyền trên tất cả cuộc sống của con người:
Ngài không những ban cho chúng ta đủ của ăn để sinh sống, mà còn dư thừa để làm
việc phúc đức.
-
Chúng ta chỉ là những người quản lý những ơn lành của Thiên Chúa, và Ngài muốn
chúng ta hãy luôn rộng lượng cho đi; tại sao chúng ta lại muốn giữ lại?
-
Khi cho đi, chúng ta làm theo ý Thiên Chúa, được Người yêu thương, được tha
nhân quí mến, và xây dựng cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Tại sao chúng ta cần ích
kỷ giữ lại để rồi phải chịu trách nhiệm với Thiên Chúa?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
10/08/15 THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Lô-ren-xô, phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26
Th. Lô-ren-xô, phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26
Suy niệm: Thân
phận hạt lúa là một nghịch lý, nhưng lại là chân lý cơ bản cho đức tin và cuộc
sống người ki-tô hữu. Hạt lúa phải chết mới được sống và sống dồi dào hơn. Nếu
nó được bảo vệ, được an toàn thì nó sẽ bất động và vô hiệu. Nhưng nếu nó phải
chịu chôn vùi trong lòng đất lạnh, chịu mục nát như thể đã chết đi, thì sức
sống tiềm tàng nơi nó mới phát triển và sinh trái dồi dào. Các vị tử đạo, và
đặc biệt, thánh Lô-ren-xô phó tế tử đạo chúng ta mừng kính hôm nay, là nhân
chứng hùng hồn cho chân lý-nghịch lý này: “Máu các vị tử đạo là hạt giống
phát sinh Hội Thánh” (Tertullian); “Các ngài đã chấp nhận nên hạt lúa gieo vào
lòng đất để Hội Thánh Việt Nam thu lượm được mùa lúa dồi dào” (Kinh các thánh tử đạo Việt Nam).
Mời Bạn: Là
ki-tô hữu, bạn là hạt lúa được mời gọi cùng Đức Ki-tô chết đi trong mầu nhiệm
thập giá để cùng với Ngài sống lại trong mầu nhiệm phục sinh. Đó chính là ơn
gọi của bạn trong Bí tích Thánh Tẩy. Bạn đã ý thức điều đó chưa? Bạn đã sống
thân phận hạt lúa của người ki-tô hữu như thế nào?
Chia sẻ: “Gẫm
Đàng Thánh Giá” là một việc làm đạo đức giúp suy niệm mầu nhiệm thập giá Chúa
Ki-tô. Bạn thực hành việc đó bao lâu một lần?
Sống Lời Chúa: Mỗi
ngày bạn hãy tự nguyện làm một việc hy sinh, dù nhỏ, để tập sống mầu nhiệm thập
giá.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã dùng thập giá để cứu chuộc chúng con. Xin
cho chúng con biết yêu mến thập giá Chúa và sẵn sàng vác thập giá mình hằng
ngày mà theo Chúa.
Mang nhiều hoa trái
Kitô hữu không phải là những
kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế. Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là
không đặt nó lên chỗ cao nhất, không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa.
Suy niệm:
Khi nghĩ đến cái chết sắp
đến của mình,
Đức Giêsu lại nghĩ đến thân
phận hạt lúa mì.
Ngài nói một điều mà ai cũng
biết như một định luật tự nhiên,
một điều chẳng làm ai ngỡ
ngàng kinh ngạc.
“Nếu một hạt lúa rơi xuống
đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình;
nhưng nếu nó chết đi, nó mới
mang nhiều hoa trái” (c. 24).
Đức Giêsu ví mình như hạt
lúa đem gieo.
Điều kiện để đời Ngài đơm
bông kết trái, đó là cái chết.
Không chấp nhận chết đi, hạt
lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi.
Đức Giêsu không muốn mình là
thứ hạt lúa ấy,
được bao bọc vững chắc bởi
lớp vỏ,
cố giữ cho mình được nguyên
vẹn,
vì thế cũng chẳng chịu vươn
ra khỏi mình,
chẳng dám đánh mất chính
mình để nảy mầm sinh hạt.
Đức Giêsu đã đón lấy cái
chết như con đường để sự sống sinh sôi.
Cái chết của Ngài trên thập
giá
có khả năng kéo được mọi
người lên (Ga 12, 32),
và thu hút cả vũ trụ về với
Thiên Chúa.
Có một hạt lúa mang tên
Giêsu.
Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu
mục nát,
để cả thế giới trở thành
đồng lúa thơm trĩu hạt.
Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt
lúa,
được mời gọi để sống như hạt
lúa Giêsu.
“Ai yêu mạng sống của mình,
thì sẽ mất nó;
còn ai ghét mạng sống của
mình ở trần gian này,
thì sẽ giữ được nó cho sự
sống đời đời” (c. 25).
Vấn đề là yêu hay ghét cuộc
sống ở đời này.
Kitô hữu không phải là những
kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế.
Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ
cao nhất,
không để nó chiếm chỗ của
Thiên Chúa.
Chính khi nhận ra giá trị
tương đối của cuộc đời trần thế này,
chúng ta mới có hy vọng giữ
được nó mãi mãi.
Ngược lại, thái độ bám chặt
vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc,
lại dẫn đến việc đánh mất
hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.
Thánh Laurensô đã bị thiêu
sống ở Rôma trên một chiếc giường sắt,
sau khi ngài đã phân phát
tài sản của cộng đoàn cho người nghèo.
Thầy phó tế Laurensô đã sống
như người phục vụ cho Đức Kitô (c. 26)
bằng cuộc sống và cái chết
tử đạo năm 258.
Được ở bên Thầy Giêsu mãi
mãi và được Cha Thầy quý trọng,
đó là điều Laurensô được
hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của
tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở
mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong
mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ
muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn
của Người
và thực hiện ý Người trong
suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG TÁM
Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày
Nay
Chân lý về sự quan phòng của Thiên Chúa được
mạc khải trong những dòng mở đầu của Kinh Tin Kính, rất sâu sắc và rất xác thực:
“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất”.
Chân lý lớn lao ấy được đề cập đến một cách
tuyệt vời trong giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Thật vậy, trong nhiều văn
kiện Công Đồng, chúng ta tìm thấy những qui chiếu rất hữu ích đến chân lý đức
tin này, đặc biệt trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng.
Như chúng ta đều biết, Hiến Chế Vui Mừng và
Hy Vọng mang chủ đề Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay. Tuy nhiên, ngay từ những
đoạn đầu tiên, rõ ràng các Nghị Phụ của Công Đồng không thể làm việc về chủ đề
này mà không trở lại với chân lý mạc khải về mối quan hệ giữa Thiên Chúa với thế
giới, nhất là trở lại với chân lý về sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY
10-8
Thánh
Laurensô, Phó tế tử đạo
2Cr
9, 6-10; Ga 12, 24-26.
LỜI
SUY NIỆM: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy
ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người
ấy.”
Đây
là những lời hứa của Chúa Giêsu đối với tất cả mọi con người đang sống. Muốn
lãnh nhận Lời Hứa của Chúa, mỗi người trong chúng ta phải được ơn ban của Người.
Chỉ có ơn ban của Người, mỗi người chúng ta mới từ bỏ chính mình được, mới nhin
thấy Người nơi những người nghèo, những người đang đau khổ vì thiếu cơm ăn áo mặc
và học hành, bị áp bức và tù đày; nơi những con người đang mang bệnh không có tiền
để mua thuốc và đến nơi chữa trị, những người khuyết tật, thiếu sự nâng đỡ và
khuyến khích. Còn nhiều con người đang nằm trong nhiều hoàn cảnh khác nữa.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đang mời gọi chúng con đến với Chúa, để được vui hưởng hạnh
phúc với Chúa và được Chúa Cha quý trọng. Xin cho mọi thành viên trong gia đình
chúng con được ơn có lòng yêu người như Chúa đã yêu thương chúng con, để chúng
con phục vụ lẫn nhau trong Chúa.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
10-08
Thánh
LAURENSÔ
Phó
Tế Tử Đạo (+258)
Thánh
Laurensô là vị thánh tử đạo Roma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một
mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi
thức Đức giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Trời Trung Cổ
đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng
thứ ba của thành Roma.
Tại
sao thánh Laurensô được tôn kính cách đặc biệt như vậy ? Thật khó mà trả lời được.
Người nếu bản tường thuật về cuộc tử đạo của Ngài là đúng sự thật, câu trả lời ấy
sẽ rõ rệt. Sau đây là tóm lược bản tường thuật ấy :
Là
tổng phó tế của thánh Xystô, Laurensô gặp Đức giáo hoàng đang bị bắt giữ và
trách Ngài đã không cho mình được chia sẻ triều thiên tử đạo với Ngài. Đức giáo
hoàng hứa rằng trong vài ngày nữa, Laurensô sẽ được lãnh phúc tử đạo, đau đớn
hơn nhiều. Ngài còn truyền cho vị tổng phó tế của mình hãy phân phát tài sản
Giáo hội cho người nghèo. Khi những lời này tới tai hoàng đế Đêciô, ông truyền
bắt giam Laurensô. Thánh nhân cải hóa được viên gác ngục Hippolytô. Bị điệu tới
trước viên tổng trấn Valrianô, Ngài được lệnh phải nhượng lại các tài sản của
Giáo hội. Được dành cho ba ngày để thâu thập của cải, Ngài đã mang tất cả tài sản
phân phát cho kẻ nghèo. Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô,
như là tài sản của Giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng
lễ tiến các thần minh.
Từ
khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ. Trên giường
chết lạ lùng này, Ngài còn chế nhạo Dêciô, người đích thân ngồi ghế chánh án rằng
: - Một bên đã chín rồi hãy chiên bên kia nữa mà ăn.
Bản
tường thuật khó tin nổi. Tác giả đã lẫn lộn hai vị hoàng đế Dêciô và Valêrianô
khi coi ông này là tổng trấn dưới quyền ông kia. Hơn nữa, Đức Xystô không bị xử
mà bị chặt đầu khi bị giam.
Một
cách tổng quát, người ta công nhận rằng: thánh Laurensô là một trong bảy vị phó
tế của Đức Xystô và chịu tử đạo vào năm 158. Nhưng nếu Ngài chỉ bị chặt đầu như
các bạn thì chắc không đủ lý do để được tôn kính đặc biệt như vậy.
(daminhvn.net)
10
Tháng Tám
Tài Sản Của Giáo Hội
Hôm
nay, Giáo Hộ kính nhớ một vị thánh được tôn kính rất nhiều trong những thế kỷ đầu
tiên của Kitô giáo: đó là thánh Lôrenxô. Thật ra, người ta biết rất ít về vị
thánh này...
Theo
tương truyền, thì Lôrenxô là một vị phó tế người Roma phục vụ Giáo Hội dưới thời
Ðức Giáo Hoàng Sixtô II, và có lẽ cũng đã chịu tử đạo trong thời kỳ bách hại của
Hoàng đế Velerianô vào thế kỷ thứ 3.
Chuyện
kể lại rằng, cũng như các phó tế trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội,
Lôrenxô được giao phó trách nhiệm quản lý tài sản của Giáo Hội và trợ giúp người
nghèo. Ngày nay chúng ta gọi là hoạt động xã hội của Giáo Hội.
Sau
khi Ðức Sixtô II bị bắt giữ, phó tế Lôrenxô cũng đã nghĩ ngay đến số phận chờ đợi
mình mà Giáo Hội phải trải qua. Ngài tập trung lại tất cả những người nghèo,
các bà góa và các em cô nhi tại Roma. Tất cả tài sản của Giáo Hội, ngài phân
phát cho họ. Ðể cung cấp đủ cho số người túng thiếu quá đông, ngài đã cho bán cả
các chén thánh dùng trong phụng tự...
Hoạt
động bác ái quá rầm rộ này không mấy chốc đến tai viên thị trưởng Roma. Ông cho
rằng, Giáo Hội phải có rất nhiều kho tàng. Thế là Lôrenxô đã bị điệu đến để
cung khai về tất cả tài sản của Giáo Hội. Vị phó tế khôn ngoan này đã xin hoãn
lại một thời gian để xếp đặt mọi sự và lập danh sách của cải của Giáo Hội.
Trong suốt ba ngày, ngài cho triệu tập những người tàn tật, đui mù, góa bụa, cô
nhi... và cho họ xếp hàng đứng trước dinh viên thị trưởng. Rồi ngài dõng dạc
tuyên bố: "Ðây là tất cả tài sản của Giáo Hội".
Viên
thị trưởng đã cho lời tuyên bố này là một thách thức ngạo mạn. Ông truyền lệnh
cho thiêu sống Lôrenxô trên một chiếc giường sắt được nung đỏ. Các lý hình thay
phiên nhau để quay trở thân xác của thánh nhân như một con thú...
Câu
chuyện trên đây có thể chỉ là sản phẩm của một lòng tôn kính cao độ mà các tín
hữu thời sơ khai dành cho một vị thánh. Nhưng, dù không biết nhiều về vị thánh
này, chúng ta vẫn có thể xác quyết một điều: ngài đã chết vì Ðức Kitô. Sự thánh
thiện ở thời đại nào cũng được định nghĩa như một sự đáp trả hoàn toàn đối với
lời mời gọi bước theo Ðức Kitô.
Sống
và chết cho Ðức Kitô: đó là ơn gọi từng ngày của người Kitô. Có nhiều hình thức
bắt đạo khác nhau: từ những sắc lệnh cấm đạo công khai cho đến những hạn chế tự
do tín ngưỡng một cách tinh vi.
Có
nhiều hình thức tử đạo khác nhau: từ cảnh đầu rơi, máu đổ cho đến những cái chết
dần mòn trong nơi lao tù, cũng như những khước từ hy sinh từng ngày mà mỗi người
Kitô đang phải trải qua.
Sống
trọn vẹn ơn gọi của người Kitô cũng là một hình thức tử đạo từng ngày. Quyết
trí trung thành lắng nghe tiếng nói của lương tâm để không chạy theo những cám
dỗ của quyền lực, của tiền bạc, của gian dối, của lường gạt: đó cũng là một cuộc
tử đạo dai dẳng.
Quyết
trí trung thành với Giáo Hội dù phải chịu những phân biệt đối xử, dù phải bị tước
đoạt quyền lợi: đó cũng là một cuộc tử đạo dai dẳng.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét