12/8/2015
Thứ Tư sau Chúa Nhật
19 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) Ðnl 34, 1-12
"Môsê
qua đời tại đó như Chúa đã truyền dạy, và không còn tiên tri nào như ông đứng
lên nữa".
Trích
sách Ðệ Nhị Luật.
Trong
những ngày ấy, ông Môsê từ đồng bằng Moab đi lên núi Nêbô, ngọn núi Phasga,
ngay trước mặt thành Giêricô. Và Chúa cho ông thấy khắp xứ Galaad cho đến Ðan,
cả miền Nephtali, đất Ephraim và Manassê, cả xứ Giuđa cho đến Biển Tây, phần đất
phía nam vùng đồng bằng rộng lớn Giêricô, là thành cây chà là, cho đến Sêgor.
Chúa phán cùng ông rằng: "Ðây là Ðất Ta đã thề hứa với Abraham, Isaac và
Giacóp bằng những lời này: "Ta sẽ ban nó cho con cháu ngươi". Ta đã
cho ngươi thấy tận mắt xứ ấy, nhưng ngươi sẽ không được qua đến đó".
Môsê,
tôi tớ của Chúa, đã qua đời tại đó, trên đất Moab, như Chúa đã truyền dạy. Ông
được chôn cất trong thung lũng tại xứ Moab, ngay trước mặt thành Phegor. Mãi đến
nay, không ai biết ngôi mộ của ông. Khi Môsê qua đời, ông được một trăm hai
mươi tuổi: mắt vẫn chưa mờ và răng vẫn chưa lung lay. Con cái Israel thương
khóc ông suốt ba mươi ngày trong đồng bằng Moab. Ngày thọ tang Môsê chấm dứt,
thì Giosuê, con ông Nun, được đầy tinh thần khôn ngoan, vì Môsê đã đặt tay trên
ông. Con cái Israel vâng lời ông, thi hành mệnh lệnh Chúa đã truyền cho Môsê.
Về
sau, trong Israel không còn tiên tri nào như Môsê đứng lên nữa: ông là người
Thiên Chúa từng quen mặt. Biết bao dấu lạ, kỳ công Chúa đã sai ông làm trong đất
Ai-cập, chống lại Pharaon cùng tất cả triều thần và xứ sở vua ấy. Môsê đã tác
oai và làm những việc kỳ diệu vĩ đại trước mắt toàn thể Israel.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 65, 1-3a. 5 và 8. 16-17
Ðáp: Chúc tụng
Chúa là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống (c. 20a & 9a).
Xướng:
1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy ca ngợi vinh quang danh Người;
hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc
thay sự nghiệp Chúa. - Ðáp.
2)
Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa. Người thi thố những chuyện kinh
ngạc giữa con cái người ta! Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và
loan truyền lời ca khen Người. - Ðáp.
3)
Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi
những điều trọng đại biết bao. Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi
đã ngợi khen Người. - Ðáp.
Alleluia:
Gc 1, 21
Alleluia,
alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng, lời đó có
thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 18, 15-20
"Nếu
nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi
sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người
anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi
việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy
trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người
ngoại giáo và như người thu thuế.
"Thầy
bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc,
và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy
cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu
xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì
ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Hiệp
Thông Huynh Ðệ
Một
linh mục quản xứ nọ bất ngờ nhận được một cú điện thoại hỏi xin cho biết nhân vật
quan trọng X có đến tham dự Thánh lễ sáng Chúa Nhật tới hay không? Vị linh mục
trả lời: "Tôi không biết gì về chương trình của nhân vật đó; ông ta có đến
hay không, tôi không biết; nhưng tôi có thể báo cho anh biết chắc chắn rằng
trong Thánh lễ đó, có một vị thượng khách sẽ hiện diện với chúng ta, đó là Chúa
Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa".
Câu
trả lời trên đây có thể thức tỉnh chúng ta về thái độ trong sinh hoạt phụng vụ
của cộng đoàn. Chúng ta thường muốn có và hãnh diện vì sự hiện diện của những
nhân vật quan trọng trong những cử hành phụng vụ; trong khi đó, chúng ta lại bỏ
quên hoặc lơ là với một nhân vật quan trọng nhất, đó là Chúa Giêsu Kitô.
Chương
18 Tin Mừng Mátthêu gồm những giáo huấn của Chúa Giêsu về thái độ của người môn
đệ trong cộng đoàn. Ở đây chúng ta đọc thấy điểm căn bản cho giáo lý về Giáo Hội
như một sự hiệp thông, một cộng đoàn, một thân thể của Chúa Kitô. Chính Chúa
Giêsu đã quả quyết: "Ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy thì
có Thầy ở giữa họ". Ðây là yếu tố quyết định cho lời cầu xin của chúng ta,
vì chính Chúa Giêsu mới là Ðấng làm cho lời cầu xin của chúng ta được Thiên
Chúa nhậm lời.
Một
điểm nữa được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đó là thái độ phải có đối với những
người tội lỗi trong cộng đoàn. Tội lỗi, nết xấu, đó là một thực tại không thể
tránh được, dù đó là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu qui tụ. Cộng đoàn có Chúa hiện
diện, nhưng đồng thời là cộng đoàn bao gồm những con người yếu đuối, có thể lỗi
phạm. Lời Chúa dạy về việc sửa lỗi huynh đệ cần được chúng ta lưu tâm: Kẻ phạm
lỗi kia là người anh em chúng ta, chứ không phải là kẻ thù. Lời khuyên, sự nâng
đỡ, sửa lỗi riêng tư phải là bước đầu tiên; kế đến là việc sửa lỗi chung nhờ sự
hỗ trợ của cộng đoàn; cuối cùng là phán quyết của vị đại diện đã được Chúa trao
cho tác vụ bảo vệ sự hiệp nhất và hiệp thông cũng như chữa trị những gì làm hại
đến cộng đoàn.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta kiểm điểm lại thái độ sống của chúng ta: chúng ta
đã làm gì để duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn? Chúng ta đã đối xử ra sao
trước tội lỗi của chính mình cũng như của người khác?
Xin
Chúa tha thứ và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi mà tự sức riêng, chúng ta
không thoát được. Xin Chúa luôn hiện diện với chúng ta, để chúng ta sống hiệp
nhất với nhau và được ơn cứu độ.
Verias Asia
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ
Tư Tuần 19 TN1,
Năm lẻ.
Bài
đọc:
Deut 34:1-12; Mt 18:15-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chiều kích cộng đoàn phải đặt trên chiều kích cá nhân.
Thiên
Chúa không sống một mình, Ngài hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa, với thiên thần,
và với con người. Thiên Chúa có dư uy quyền để làm tất cả mọi sự; nhưng Ngài chọn
để cộng tác với tất cả trong chương trình cứu độ của Ngài. Nếu Thiên Chúa chú
trọng chiều kích cộng đoàn hơn chiều kích cá nhân, con người cũng phải làm như
thế.
Các
Bài Đọc hôm nay đều muốn nêu bật tính cộng đoàn trong chương trình cứu độ của
Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Đệ Nhị Luật nêu bật sự hy sinh và
lãnh đạo của ông Moses trong việc đưa dân Chúa ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập và
vào Đất Hứa. Moses đã hoàn tất sứ vụ Thiên Chúa trao và trước khi qua đời, ông
đã chuyển giao sứ vụ cho ông Joshua như ý Thiên Chúa muốn, để đưa dân vào Đất Hứa.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một số điều phải làm để bảo vệ và lãnh đạo cộng
đoàn: sửa lỗi huynh đệ, quyền cầm buộc và tháo cởi, và những giờ cầu nguyện
chung.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa gởi mỗi nhà lãnh đạo tới để hoàn tất một phần của chương trình cứu độ.
1.1/
Ông Moses hoàn tất trách nhiệm Thiên Chúa trao phó: Theo sự quan phòng của
Thiên Chúa: những gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ thực hiện; khi nào Ngài sẽ thực hiện,
không ai biết được thời gian. Lịch sử cứu độ là bằng chứng của điều này. Ông
Abraham không sống trên đời để nhìn thấy ngày con cháu của ông "đông như
sao trên trời và như cát dưới biển" như ngày nay. Chúa Giêsu không sống
trên dương gian đến ngày nhìn thấy Tin Mừng lan ra đến tận cùng bờ cõi trái đất.
Và trong trình thuật hôm nay, Moses không sống để đưa con cái Israel vào miền đất
mà Thiên Chúa hứa sẽ đem dân vào khi ông đưa dân ra khỏi Ai-cập; mặc dù Thiên
Chúa đã đem ông lên núi Nebo để nhìn thấy trước vùng Đất Hứa này. Thiên Chúa
dùng mỗi nhà lãnh đạo trong một thời gian, để thực thi một phần Kế Hoạch Cứu Độ
của Ngài cho nhân loại.
1.2/
Con cái Israel nhìn lại cuộc đời ông Moses: Nước chảy đá mòn; để hoàn tất sứ vụ
Thiên Chúa trao, ông Moses đã phải hy sinh đời mình cho con cái Israel đến hơi
thở cuối cùng. Con cái Israel than khóc cái chết của ông Moses một phần vì hối
hận đã đối xử không tốt với ông khi ông đồng hành với họ suốt 40 năm trong sa mạc,
một phần vì thương tiếc cho ông đã không sống để được hưởng kết quả mà ông đã vất
vả thực hiện.
Ông
Moses phải là mẫu gương cho các nhà lãnh đạo tinh thần: Mục đích của việc lãnh
đạo là hoàn tất ý định của Thiên Chúa, chứ không phải để mưu cầu lợi ích cho bản
thân mình. Những điều họ làm cho dân chúng không luôn được định giá và mang đến
kết quả ngay, nhiều khi phải chờ đến lúc tạm biệt ra đi hay lúc chết, dân chúng
mới nhìn thấy và ghi ơn những gì họ đã làm cho dân. Con cái Israel nhận ra tất
cả những gì ông Moses đã làm cho họ:
+
Ông Moses đã chuẩn bị cho họ có nhà lãnh đạo mới: "Ông Joshua, con ông
Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Moses đã đặt tay trên ông. Con cái
Israel nghe ông và làm như Đức Chúa đã truyền cho ông Moses." Sự nối tiếp
giữa Moses và Joshua có thể so sánh với sự nối tiếp sứ vụ tiên tri giữa Elijah
và Elisha. Việc đặt tay có ý muốn nói lên sự chuyển thông thần khí (spirit); đồng
thời với việc chuyển giao sứ vụ.
+
Ông Moses là ngôn sứ cao trọng nhất: "Trong Israel, không còn xuất hiện một
ngôn sứ nào như ông Moses, người mà Đức Chúa biết rõ, mặt giáp mặt." Có
nhiều ngôn sứ trong lịch sử Israel; nhưng họ chỉ được nghe tiếng của Thiên Chúa
trong giấc mơ hay trong thị kiến, chỉ có ông Moses được đàm đạo với Thiên Chúa
mặt đối mặt mà không phải chết.
2/
Phúc Âm:
Hiệp nhất trong cộng đoàn
2.1/
Cách sửa lỗi anh/chị/em: Sửa lỗi người khác là một việc rất tế nhị, nhưng phải
làm vì lợi ích của cộng đoàn. Để việc sửa lỗi có kết quả, Chúa Giêsu dạy chúng
ta phải theo cẩn thận tiến trình như sau:
(1)
Giữa hai người mà thôi: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh
hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh
đã chinh phục được người anh em." Hai điều Chúa muốn chúng ta lưu ý: Thứ
nhất, hầu hết chúng ta thường sửa lỗi đương sự trước mặt người thứ ba. Làm như
thế sẽ không có kết quả hay đưa đến kết quả ngược lại điều chúng ta mong muốn,
vì theo tâm lý chung, không ai muốn bị sửa lỗi trước mặt người khác, nhất là
người đó lại là người thân thiết với đương sự. Thứ hai, mục đích của việc sửa lỗi
là chinh phục đương sự, không phải là để thỏa mãn tính nóng giận.
(2)
Sự thật được chứng minh bởi hai hay ba nhân chứng: "Còn nếu nó không chịu
nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết,
căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân." Đây là điều rất khôn ngoan vì nó
giúp cho cả hai tránh được cái nhìn chủ quan. Hầu hết các tòa án trong mọi quốc
gia đều dựa vào lời của hai hoặc ba nhân chứng.
(3)
Can thiệp của cộng đoàn: "Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh.
Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một
người thu thuế." Cộng đoàn có thể là gia đình, đoàn thể, dòng tu, hay Giáo
Hội. Đây chỉ là giải pháp sau cùng để bảo vệ lợi ích của cộng đoàn và tránh
gương mù. Người ngoại hay người thu thuế là người không biết hay coi thường Lề
Luật của Thiên Chúa. Tuy vậy, vẫn phải tha thứ khi họ biết ăn năn trở lại.
2.2/
Thiên Chúa hiện diện giữa cộng đoàn: Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận việc
Thiên Chúa cũng hiện diện trong cá nhân; nhưng sự hiện diện của Ngài trong cộng
đoàn có một thứ tự ưu tiên hơn. Chúa Giêsu đưa ra hai ví dụ để chứng minh sự hiện
diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn:
(1)
Quyền cầm buộc và tháo cởi: "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc
những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những
điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy." Trước tiên, quyền này áp dụng
cho sự thật; chứ không cho sự sai lầm vì Thiên Chúa là sự thật. Thứ hai, Chúa
muốn nhắc nhở những tội nhân: tuy họ chưa thấy những hậu quả xảy ra đời này,
nhưng không có nghĩa họ có thể tránh được ở đời sau. Sau cùng, Giáo Hội dùng
quyền này cho Bí-tích Hòa Giải, để tội nhân có thể làm lại cuộc đời.
(2)
Hiệp nhất trong lời cầu nguyện: "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất,
hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự
trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có
Thầy ở đấy, giữa họ." Lời hứa này không có nghĩa tất cả những gì con người
cầu xin đều được Thiên Chúa chấp nhận. Để được Thiên Chúa nhận lời, con người
phải tránh những lời cầu xin ích kỷ hay có hại cho người khác, mà là những lời
đẹp lòng Thiên Chúa và sinh ích cho tha nhân. Thứ đến, khi Thiên Chúa nhận lời,
không có nghĩa người xin sẽ được đúng điều mình mong muốn. Thiên Chúa biết điều
tốt lành, Ngài sẽ ban những gì tốt lành cho tương lai con người. Sau cùng, Chúa
Giêsu muốn nhấn mạnh việc hiện diện của Ngài ngay cả khi ít người, chứ không phải
chỉ những nơi có đông người tụ họp.
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Thiên Chúa không bao giờ muốn con người sống riêng lẻ. Ngài muốn con người sống
quây quần thành đoàn thể, và chúc lành cho các công việc của cộng đoàn.
-
Mỗi khi có xung đột quyền lợi, chúng ta phải luôn luôn đặt quyền lợi của cộng
đoàn lên trên lợi ích của cá nhân trong việc lãnh đạo, sửa lỗi, hay cầu nguyện.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
12/08/15 THỨ TƯ TUẦN 19
TN
Th. Gio-an-na Phan-xi-ca Xăng-tan, nữ tu
Mt 18,15-20
Th. Gio-an-na Phan-xi-ca Xăng-tan, nữ tu
Mt 18,15-20
Suy niệm: Cộng
đoàn Hội Thánh gồm những tội nhân đang cần được ơn thánh Chúa biến đổi mỗi ngày
để trở nên thánh thiện. Đó là những con người bất toàn, những người cần được
tha thứ, cần được chữa lành để thay đổi trở nên tốt hơn. Chính vì thế, việc sửa
chữa lỗi lầm cho nhau là việc đương nhiên phải làm. Thế nhưng việc sửa chữa lỗi
lầm của người khác như uốn một cành cây, là cả một nghệ thuật. Có những cách
chỉnh sửa làm cho người có lỗi khiêm nhường nhận lỗi và thành tâm sám hối.
Nhưng cũng có những cách phản tác dụng, làm cho họ thấy mình bị xúc phạm, đâm
ra bất mãn và càng cố chấp hơn. Cách thức sửa lỗi Chúa Giêsu đề nghị ở đây là
những bước đi rất tế nhị, luôn quan tâm bảo vệ danh dự người anh em cho dù họ
là người có lỗi: “hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Như thế, không chỉ người anh em đó, mà chính
chúng ta cũng phải nỗ lực tìm kiếm và quyết tâm trở về với chân lý, đặt mình
trước tôn nhan Thiên Chúa, Đấng thấu biết mọi sự.
Mời Bạn: Trong
cộng đoàn mỗi khi có người lầm lỗi, bạn có làm theo phương cách Chúa dạy không?
Hay cứ theo cảm tính tự nhiên, thiên lệch, nhục mạ, trút giận lên người có lỗi.
Bạn có đủ nhẫn nại khi sống chung với những anh em mang cố tật rất khó thay đổi
không?
Sống Lời Chúa: Tìm gặp, lắng nghe một người anh em trong cộng
đoàn của bạn mắc lầm lỗi và khích lệ, trợ giúp người ấy trỗi dậy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con ý thức rằng, xây dựng vẫn hơn phá đổ, hòa
hợp vẫn hơn hiềm khích, khích lệ vẫn hơn chê bai, vì Chúa là Tình Yêu.
Sửa lỗi người anh em
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi
ta để cho Ngài quy tụ. Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin
và tình yêu.
Suy niệm:
Trong Giáo hội ngay từ thuở
ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi
nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc
17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai
lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược
với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm
mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người
anh em phạm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay phản
ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây
vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ
này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển
qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín
đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người
phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay
đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước
một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo
hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng
khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa
chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra
khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói
của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra
ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không
nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có
những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn
giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh
em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng
để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho
người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa
ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng
đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu phục sinh đã cho
Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng
buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết
định về những phần tử của mình (c. 18).
Sự hiện diện của những nhóm
nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người,
nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho
(c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội
họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc
gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen,
là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu phục sinh cũng hứa
ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện
một cách kín đáo, thầm lặng
nơi những cuộc hội họp nhỏ
bé nhất giữa các tín hữu.
Thiên Chúa đã đi với dân
Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng
hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi
nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc đời chúng con diễn ra quanh những chiếc bàn,
làm bằng những chất liệu khác nhau,
kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.
Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
trước những chân trời mới,
và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
để chúng con có sức phục vụ tha nhân.
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.
Lạy Chúa,
giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
để gặp gỡ, chia sẻ, để bàn bạc, thảo luận,
để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
để tất cả trở nên con đường
đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn
Lên
12 THÁNG TÁM
Đưa Vũ Trụ Về Với Thiên Chúa
Trong thế giới hữu hình, nguyên động lực
chính của lịch sử và văn hóa là con người. Con người được tạo dựng theo hình ảnh
Thiên Chúa và giống như Ngài và được Ngài bảo vệ để hiện hữu. Con người được
Thiên Chúa hướng dẫn trong tình từ phụ để thực hiện vai trò làm chủ trên các tạo
vật khác. Như chúng ta nhớ lại, một cách nào đó, con người là một “sự quan
phòng của Thiên Chúa”.
Công Đồng Vatican II diễn tả điều này một
cách chính xác như sau: “Đối với các tín hữu, chắc chắn hoạt động cá nhân cũng
như tập thể của nhân loại, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế
kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó vốn phù hợp với ý định của Thiên
Chúa. Thực vậy, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận mệnh
lệnh chinh phuc trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó, cai quản vũ
trụ trong công bình và thánh thiện – và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng
muôn loài, họ qui hướng về Ngài chính bản thân mình cũng như muôn vật: như thế,
khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp cả địa cầu”
(MV 34).
Cũng trong Hiến Chế trên, Công Đồng tuyên bố:
“Thật vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật
chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử
vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi
vật. Khi con người quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu
này, ở đó, Thiên Chúa Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ, và cũng nơi đó
chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên
Chúa” (MV 14).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
12-8
Thánh
Joanna Phanxica Chantal, nữ tu
Đnl
34, 1-12; Mt 18, 15-20.
LỜI
SUY NIỆM: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai
người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên
trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở
đấy, giữa họ.”
Đây
là một trong những lời hứa của Chúa Giêsu, đồng thời cũng là lời mời gọi của
Người đối với tất cả chúng ta. Đặc biệt trong lời hứa và mời gọi này Chúa Giêsu
bày tỏ cho chúng ta thấy được hai đặc ân quan trọng và cần thiết, đó là: khi
chúng ta thật tình họp lại với nhau cầu xin nhân danh Người thì được chính Chúa
Cha ban cho điều chúng ta cầu xin; đồng thời được diễm phúc là có sự hiện diện
của Người trong lời cầu xin của chúng ta.
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa muốn tất cả chúng con, luôn biết kết hợp với nhau trong đời sống
và cầu nguyện, để tất cả được gần gũi trong một tình yêu thương; xóa bỏ được mọi
sự chia rẽ, ngăn cách, loại bỏ nhau. Xin cho mọi thành viên trong gia đình
chúng con luôn biết tận dụng mọi cơ hội để sum họp chia sẻ và cầu nguyện cho
nhau, cho Giáo Hội cũng như cho toàn xã hội chúng con.
Mạnh
Phương
12
Tháng Tám
Món Quà Vô Giá
Một
người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh. Trong tờ chúc thư để lại,
bà kể tên của tất cả mọi người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà.
Tuyệt nhiên, bà không hề đá động đến cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà từng
giây từng phút. Quà tặng duy nhất mà bà tặng cho cô đó là một thánh giá được bọc
thạch cao.
Cô
gái nhận lấy món quà nhưng lòng cô đầy cay đắng buồn phiền. Cô tự nghĩ: mình đã
trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được món quà không ra gì.
Không
còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy từng giọt cay đắng, cô đã kéo thập giá xuống khỏi
tường và ném tung trên nền nhà. Cây thập giá vỡ tung và kìa, trước sự ngạc
nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ thạch cao đều là những
viên kim cương óng ánh...
Cô
gái chỉ có thể hiểu được lòng tốt của người chủ khi cô nhận ra giá trị của món
quà... Lắm khi Thiên Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những món quà được bao bọc
bằng hình thù của thập giá. Sự sần sù và dáng vẻ thê thảm của thập giá làm ta
không thể hiểu được lòng tốt của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta,
Thiên Chúa không bao giờ muốn điều dữ cho chúng ta. Tất cả mọi sự xảy đến cho
chúng ta đều nhằm dẫn đưa chúng ta đến nguồn hạnh phúc cao cả hơn.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét