Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

01-12-2013 : CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG năm A

CHÚA NHẬT 01/12/2013
Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A
(Phần I)

Giới Thiệu Mùa Vọng:
1. Năm Phụng Vụ:
Thiên Chúa đã có một chương trình, một kế hoạch đối với vũ trụ nói chung và loài người nói riêng. Nói đúng hơn, Người dự tính cho loài người một lịch sử thật tốt đẹp và xếp đặt mọi sự theo quan niệm đó. Dự liệu của Người được trải ra trong thời gian. Và từ ngày đầu tiên tạo thành thiên địa cho đến ngày thế mạt được gọi là Lịch Sử Cứu Ðộ.
Giáo hội muốn chúng ta sống Lịch sử này trong chu kỳ một năm Phụng vụ. Từ lễ này qua lễ kia, Phụng vụ của Giáo hội trải ra cho chúng ta thấy chương trình và kế hoạch cứu chuộc mầu nhiệm của Chúa; để chúng ta đón nhận ơn lành Chúa ban, đem lịch sử cứu độ vào trong tâm hồn và đời sống của mình, hầu được cứu chuộc và tham gia và chương trình cứu thế.
2. Các Mùa Phụng Vụ:
Năm Phụng vụ bắt đầu từ hôm nay, với Chúa nhật I Mùa Vọng. Vì sao lại khởi sự vào một ngày mà xã hội không thấy có gì khác thường? Lịch sử cho biết, ngay từ đầu, Giáo hội đã mừng ngày Chúa Phục sinh, tức là các ngày Chúa nhật và đặc biệt ngày Chúa nhật Phục sinh. Biến cố Phục sinh là khởi điểm của niềm tin, lòng cậy và tình mến của Giáo hội đối với Ðức Kitô. Mừng biến cố này một hôm, Giáo hội không lấy làm thỏa mãn. Các ngày Chúa nhật nhắc lại cũng không đủ. Mầu nhiệm Phục sinh không những gồm việc Chúa sống lại, mà còn bao hàm việc Người lên trời và ban Thánh Thần xuống. Nên Mùa Phục Sinh kéo dài mãi tới ngày lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau khi Chúa sống lại, ngày Thánh Thần xuống chan hòa trên các môn đệ Chúa.
Ðể các tín hữu dọn mình đón nhận các ơn phong phú của mầu nhiệm Phục sinh, và nhất là để các tân tòng chuẩn bị sâu sắc việc nhập đạo, trở thành Dân được cứu chuộc nhờ mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, Giáo hội đã đặt ra Mùa Chay, gồm 4 tuần lễ và Mùa Tử Nạn, gồm 2 tuần lễ, trước lễ Phục sinh. Suýt soát tất cả 40 ngày nhắc lại việc Chúa chay tịnh 40 ngày trước khi ra đi cứu thế. Tuần lễ I của Mùa Tử nạn, vì cử hành những mầu nhiệm thánh thiện nhất của lịch sử cứu độ, nên được gọi là Tuần lễ Thánh.
Như vậy, trong nhiều thế kỷ đầu, Giáo hội chỉ chú trọng đến mầu nhiệm Phục sinh, bao gồm mọi mầu nhiệm khác trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Cho mãi tới thế kỷ VI, Phụng vụ mới dứt khoát chọn một mầu nhiệm nữa làm một cái trục thứ hai để khai triển, dẫn vào mầu nhiệm Phục sinh. Ðó là mầu nhiệm Chúa Nhập Thể cứu đời. Lễ Sinh nhật và Hiển linh của Ðức Kitô trở thành một Mùa Phụng vụ mới, gọi là Mùa Giáng Sinh và Hiển Linh. Và cũng như Mùa Phục sinh đã được chuẩn bị bằng một số tuần lễ làm thành Mùa Chay và Mùa Tử nạn, thì Mùa Giáng sinh - Hiển linh cũng được sửa soạn bằng 4 tuần lễ Mùa Vọng, mà mục đích cũng là để chuẩn bị tâm hồn tín hữu và giúp đỡ tân tòng chịu phép Rửa tội.
Nhưng đang khi biến cố Phục sinh rõ rệt đã xảy ra vào dịp lễ Vượt Qua của người Dothái, việc Chúa giáng sinh vào đúng ngày nào, ai mà biết rõ? Vậy vì sao lại chọn ngày 25 tháng 12 để xếp đặt Mùa Giáng sinh và Mùa Vọng như hiện nay?
3. Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh:
Thực ra, lúc đầu người ta chỉ chú trọng đến việc Chúa chịu chết và sống lại, vì là hành vi dứt khoát cứu chuộc chúng ta. Ðến khi muốn biết rõ ngày nào Chúa sinh ra, Ðức Mẹ đã về trời rồi, không còn chứng nhân chắc chắn nào để hỏi nữa. Nhưng không thể không có ngày giờ Chúa sinh ra. Chọn ngày giờ nào thích hợp hơn cả? Ở Ðông phương, người ta tính Ðông chí là ngày 6 tháng 1; còn ở Tây phương, đó lại là ngày 25 tháng 12. Cả Ðông Tây đều mừng rỡ trong ngày Ðông chí, ngày mùa Ðông xuống đến điểm cuối cùng, và mặt trời lại bắt đầu đi lên quỹ đạo, đem ánh sáng mới sưởi ấm trần gian sau những ngày đông lạnh buốt. Tạo vật bắt đầu hồi sinh. Sự sống mới lại xuất hiện, ngày Ðông chí thật thích hợp để kỷ niệm ngày Chúa đem sự sống mới xuống thế gian. Lương dân quý mến ngày đó đến nỗi hân hoan mừng rỡ chào đón mặt trời đi lên như vị thần đem sự sống đến cho loài người. Và như trong các cuộc liên hoan quá độ, không thiếu những hành vi say sưa, dâm dật không tốt đẹp. Giáo hội muốn con cái mình "luôn vui với người vui", nhưng không muốn có những lạm dụng. Không được thờ mặt trời, vì không phải là thần thánh mà chỉ là tạo vật. Không được say sưa tửu sắc. Chúa mới là Mặt Trời Công Chính; và ánh sáng của Người mọc lên phải đuổi xa tội lỗi và băng hoại. Thế là ngày 25 tháng 12 được chọn ở Tây phương để mừng Ngày Chúa Giáng Sinh; còn Ðông phương chọn ngày 6 tháng 1 để mừng Chúa Hiển Linh khi cho Ngôi Sao của Người mọc lên trên nền trời phía Ðông. Nhưng Giáng sinh cũng là Hiển linh và câu chuyện Ngôi Sao lạ hiện ra ở Ðông phương cũng gắn liền với việc Chúa Giáng sinh. Giáng sinh - Hiển linh làm thành một Mùa Phụng vụ; và 4 tuần lễ đi trước là Mùa Vọng để chuẩn bị tâm hồn tín hữu và giáo huấn tân tòng.
4. Thực Hành Thế Nào?
Khỏi nói đến việc dạy dỗ tân tòng. Theo lịch sử và xếp đặt của Phụng vụ, Mùa Chay mới là thời gian chuẩn bị chính để tân tòng chịu thanh tẩy. Nhưng Mùa Vọng cũng đã được coi như giai đoạn phụ. Lễ Ðêm Giáng sinh thật thích hợp để người tân tòng thấy họ được "kéo ra khỏi nơi tối tăm và đưa vào trong Nước ánh sáng của Chúa". Chọn Mùa Vọng để khởi sự giáo huấn tân tòng cho đến Ðêm Phục sinh, lại càng quý hóa, vì họ sẽ có thời gian tập sống đạo dài hơn. Dĩ nhiên chúng ta đã biết phải dạy dỗ tân tòng như thế nào rồi.
Việc chuẩn bị tâm hồn đón nhận mầu nhiệm Giáng sinh, thực tế có thể khó hơn, vì sẽ đòi cá nhân chúng ta phải cố gắng đối với chính mình. Ðừng đơn sơ nghĩ rằng chỉ cần đi xưng tội, dọn mình mừng lễ là xong! Quả thật, Phụng vụ dùng lễ phục màu tím để nói lên thời giờ thống hối ăn năn. Nhưng các Thánh ca và Kinh lễ Mùa Vọng lại chứa chan những cảm tình nồng nhiệt, phấn khởi. Nhất là từ ngày 17 tháng 12 trở đi, thời gian đầu tiên chuẩn bị lễ Giáng sinh, với các tiền khúc bắt đầu bằng tiếng "Ôi", Phụng vụ chỉ muốn đốt to dần dần ngọn lửa tình yêu nồng nàn đi đón Chúa Cứu Thế mỗi ngày mỗi tới gần.
Như vậy tâm tình chính phải phát triển trong Mùa Vọng là tình yêu. Người tín hữu hãy đốt lửa lòng mình lên để khao khát Chúa hơn. Không phải để rồi khư khư giữ lấy Chúa cho thỏa mãn khát vọng của mình. Nhưng vì Chúa đến với chúng ta là Cứu Chúa, nên người tín hữu phải khao khát Chúa Cứu Thế, Ðấng đến cứu mình khi cứu chuộc mọi người. Do đó không thể chờ đón Người một cách riêng rẽ. Phải chia sẻ tâm tình trông đợi với mọi người. Phải khơi dậy cả một niềm tin yêu cứu thế trong môi trường mình sống. Mùa vọng tự bản chất không phải là mùa đạo đức cá nhân riêng rẽ, nhưng là mùa sống tập thể, vừa truyền giáo vừa công giáo.
Huấn giáo, sửa mình, tin yêu, bác ái là những công tác lớn của Mùa Vọng. Chúng ta đọc Lời Chúa để tu thân hầu mến Chúa và thương người hơn thì Nước Chúa không những sẽ tới mà còn lan rộng. Mầu nhiệm Chúa Nhập thể giáng thế cứu đời đã xảy ra ngày trước trong lịch sử, sẽ như dội lại ở nơi ta, đem ơn cứu độ lan xa hơn như làn sóng, để sang năm bằng giờ lại cuộn lên, lấy đà đổ xuống mang ơn cứu thế đi xa hơn nữa, cho đến mút cùng địa cầu, để cuối cùng ở chân trời thế mạt Ðức Kitô sẽ lại xuất hiện như Vừng Ðông, tỏa sáng vinh quang trên toàn thể vũ trụ và đặc biệt trên cả nhân loại được cứu độ, thiết lập Nước Trời hạnh phúc vĩnh cửu, cho Vinh Danh Chúa Cha đã xếp đặt một kế hoạch cứu độ tốt đẹp như vậy.
5. Các Chúa Nhật Mùa Vọng Năm A:
Tổng quát:
Danh từ Mùa Vọng đúng về ý nghĩa, nhưng cần giải thích. Nôm na mà gọi thì đây là "Mùa Chúa Ðến" (bởi chữ Adventus, advenire là đến). Danh từ này, các tín hữu ngày xưa có lẽ đã mượn của dân ngoại. Thời đó ở Tây phương (cũng giống như ở Việt Nam) và lúc Ðông chí hay sang Xuân, dân ngoại có thói quen rước thần hoàng. Ðó là ngày thần đến ở với dân làng trong suốt năm. Nhưng Chúa chúng ta không chỉ đến để ở giữa chúng ta, như một Ðấng "Emmanuel", mà còn để cứu chuộc chúng ta. Thế nên Mùa Vọng không phải là thời gian sắm sửa trang hoàng cho một ngày đại lễ, nhưng là muà khát khao ơn cứu độ.
Người ta có thể tưởng Phụng vụ muốn đồng hóa mùa này với thời gian dân Israel ngày xưa trông chờ Ðấng Cứu Thế. Cao độ của việc mong đợi này thể hiện trong giai đoạn lưu đày. Thế nên Phụng vụ mượn các bài đọc Cựu Ước mùa này trong sách Isaia, quyển II. Nhưng phải cẩn thận! Không được đồng hóa Mùa Vọng với lịch sử Israel gần ngày Chúa đến. Phụng vụ không diễn xuất, không đóng kịch. Chúng ta không giả vờ sống lại tâm tình của Dân Chúa ngày xưa. Nhìn về Ngày Chúa "sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết", chúng ta thật sự phải trở thành những người chờ đợi Ngày Chúa đến cứu Dân Người. Chúng ta mượn lại những lời sách Isaia để hướng dẫn, kích thích những tâm tình thật sự chúng ta phải có để sống đúng giai đoạn hiện tại. Như lời thánh Phaolô nói Cựu Ước đóng vai trò "quản giáo" hay mẫu giáo, cần cho tuổi lớn lên, ta phải sống nhờ Tân Ước.
Các lời thư thánh Phaolô trong các bài đọc II sẽ nhắn nhủ ta những thái độ Kitô giáo trong thời gian trông chờ Ngày Chúa quang lâm. Chính thánh Tông đồ cũng chỉ rút ra những bài học đó từ Mạc khải của Chúa Giêsu mà các bản Tin Mừng còn làm vọng lại. Chúng ta sẽ được nghe những đoạn Tin Mừng về Gioan Tẩy Giả và về Ðức Maria trước ngày sinh con. Như vậy các bài đọc III cũng rõ rệt muốn cho chúng ta đào sâu mầu nhiệm chờ Ngày Chúa đến. Isaia, Gioan Tẩy Giả, Ðức Maria sẽ hướng dẫn chúng ta trong mùa này. Và ta sẽ được sức mạnh để sửa soạn ngày Chúa đến như các ngài, nhờ ở chính thần lực Thánh Thể mà ta được chịu lấy mỗi khi tham dự thánh lễ.
Như vậy, ta tạm coi ngày Chúa nhật I như để nghe tiếng nói của Isaia, giới thiệu ý nghĩa sâu xa của Mùa Vọng, cũng như để nói lên thái độ tổng quát của tâm hồn người tín hữu trong khi chờ mong Chúa đến.
Chúa nhật II và III cũng còn vọng tiếng nói của Isaia, nhưng nơi Gioan Tẩy Giả, vị Thần sứ đến trước Chúa cho ta thấy những sửa soạn cụ thể và khẩn trương hơn vì kìa "Con Thiên Chúa gánh tội thiên hạ đã đến".
Chúa nhật IV dọn dẹp chính nơi Chúa ngự đến trong lòng Trinh nữ Maria. Ðó là chuẩn bị cuối cùng và mật thiết, đưa ta vào mầu nhiệm đón nhận Chúa Kitô như là bằng chứng của tình yêu nơi Thiên Chúa: Người đã yêu thương ta đến nỗi đã ban chính Con Một Người đến cứu chuộc chúng ta, để ai đón nhận Người Con ấy cũng sẽ yêu mến Cha trên trời như Ngài và bắt chước Ngài trong việc thi hành ý Cha trên trời là cứu độ trần gian về cho Người. Bốn Chúa nhật Mùa Vọng đưa ta đến nếp sống đạo chân thực mến Chúa-yêu người vậy.




Bài Ðọc I: Is 2, 1-5
"Thiên Chúa quy tụ các dân tộc trong nước Người, để hưởng bình an đời đời".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðiềm Isaia con trai của Amos đã thấy về Giuđa và Giêru-salem. Ðiềm sẽ xảy ra trong những ngày sau hết, là núi của nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi, và các dân nước sẽ đổ về đó.
Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: "Hãy đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà Thiên Chúa của Giacóp. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người"; vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem.
Người sẽ xét xử các dân ngoại và khiển trách nhiều dân tộc. Họ sẽ lấy gươm mà rèn nên lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm. Nước này không còn tuốt gươm ra đánh nước kia nữa; người ta cũng sẽ không còn thao luyện để chiến đấu nữa. Hỡi nhà Giacóp, hãy đến, và chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).
Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.
2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavít. - Ðáp.
4) Hãy nguyện cầu cho Giêrusalem được thanh bình, nguyện cho những kẻ yêu mến ngươi được an ninh. Nguyện cho trong thành luỹ được bình an, và trong các lâu đài của ngươi yên ổn. - Ðáp.
5) Vì anh em và bằng hữu của tôi, tôi nguyện chúc: bình an cho ngươi! Vì nhà Chúa là Thiên Chúa chúng ta, tôi khẩn cầu cho ngươi những điều thiện hảo. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Rm 13, 11-14
"Phần rỗi chúng ta gần đến".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy. Vì giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo. Ðêm sắp tàn, ngày gần đến. Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị. Nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và chớ lo lắng thoả mãn những dục vọng xác thịt.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 84, 8
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 24, 37-44
"Hãy tỉnh thức để sẵn sàng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến.
"Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến".
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm : Dọn Mừng Giáng Sinh

Với những bài Thánh Kinh trên, Phụng vụ cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa Mùa Vọng, cũng như về thái độ căn bản của người tín hữu trong Mùa này.

A. Ý Nghĩa Mùa Vọng
Isaia đã nói về tương lai. Ông nhìn thấy "vào những ngày mai sau, hết thảy mọi nước sẽ tuốn lên Ðền thờ Thiên Chúa... Ngài sẽ phân xử mọi dân tộc và thiên hạ sẽ rèn gươm làm cày, nghĩa là không còn luyện binh đao nữa". Ðó là cái nhìn của nhà tiên tri. Ông không nghĩ rằng xã hội lý tưởng kia sẽ xảy ra vào thời ông. Ngược lại ông chắc chắn dân tộc Israel đang đi vào con đường đen tối. Nói rằng đây là những lời an ủi ông đưa ra trước để nói về thời phục hưng sau lưu đày, cũng chỉ một phần nào đúng thôi; vì xã hội tốt đẹp ông nhìn thấy lý tưởng quá, khó xảy ra trong một quê hương bị nạn binh đao tàn phá. Cũng có người tưởng, đoạn văn Isaia ở đây là một văn phẩm sau thời gian lưu đày. Dân Israel được khuyến khích trở về Yêrusalem xây dựng lại Ðền thờ của Chúa. Nhưng lịch sử cho biết số người trở về cũng không rầm rộ đắc thắng và cuộc trùng tu Ðền thờ đã gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, những lời tiên tri không ám chỉ tương lai gần thời Isaia. Cùng lắm cái nhìn thời cuộc lúc bấy giờ chỉ là khởi điểm hay điểm tựa để nhà Tiên tri phác họa ra tương lai của niềm tin. Ông diễn tả đức tin mạnh mẽ của ông vào Lời Chúa. Ngay từ đầu, với Abraham, Ngài đã hứa cho Israel trở thành dân đông đảo và mọi nước sẽ được chúc phúc ở trong ông. Lời hứa mỗi ngày mỗi được củng cố, đào sâu và phổ biến. Dần dần lịch sử đã mở mắt và hướng dẫn cho dân Israel để họ hiệu Lời Hứa trên sẽ không thực hiện đầy đủ trong các biến cố lịch sử do con người tạo ra. Họ ý thức rằng: duy chỉ một mình Chúa có thể thực hiện Lời Hứa trên: và khi Ngài ra tay làm sự nghiệp vĩ đại ấy, lịch sử sẽ đi vào thời đại hoàn toàn mới mẻ, thời đại của chính Thiên Chúa, của Ðấng Thiên Sai mà Ngài sai đến. Như vậy, lời sách Isaia ở trên nói về thời Thiên Sai, thời Ðấng Cứu Thế.
Chúng ta biết: Ngài đã đến. Ðó là Ðức Yêsu Kitô Chúa chúng ta. Và các lời sách Isaia cũng đã thực hiện. Các dân tộc đã tuốn về nhà Chúa là Giáo hội và người ta đang đi trong đường lối của Ngài. Tuy nhiên chúng ta đều biết, chưa có sự hoàn toàn và đầy đủ. Chính Ðức Kitô, trong bài Tin Mừng hôm nay, bảo chúng ta phải chờ đợi "Ngày Con Người sẽ đến", khiến thật sự, các lời tiên tri Isaia chỉ thực hiện hoàn toàn sau này, trong tương lai. Vậy dùng những lời ấy để khai mạc Mùa Vọng, và dùng chính lời Tin Mừng để giải thích rõ lời Tiên tri, Phụng vụ hôm nay đã nói lên ý nghĩa đích thực của mùa này, là hướng lòng chúng ta về Ngày "Con Người sẽ đến". Vì thế chủ yếu của Mùa Vọng không nhằm việc dọn mừng lễ Giáng sinh; nhưng muốn khơi lại niềm tin về Ngày Chúa sẽ trở lại, để tất cả cuộc đời của chúng ta là Mùa Vọng, trông đợi "Ngày Chúa lại đến".

B. Vai Trò Của Việc Dọn Mừng Giáng Sinh
Tuy nhiên việc dọn mừng lễ Giáng sinh rất cần thiết cho Mùa Vọng. Cả đời chúng ta phải chờ Ngày Chúa trở lại. Nhưng để nuôi dưỡng và phấn khích lòng chờ đợi này, chúng ta cần làm sống lại mầu nhiệm Chúa đến trong xác thịt hầu khi thấy Chúa đã nhập thể thế nào, chúng ta được thêm vững tin về việc Ngài sẽ trở lại như thế. Và nhất là chúng ta cần đến ơn Nhập thể của Chúa, mới biết chờ đợi và mới có khả năng chờ đợi Ngày Con Người sẽ đến sau này. Có thể nói Phụng vụ muốn giúp chúng ta dọn mừng lễ Chúa Giáng sinh để ta thêm khả năng sửa soạn cho Ngày Chúa trở lại. Như vậy Mùa Vọng nhắm lễ Giáng sinh như mục tiên gần để vươn tới và đạt tới mục tiêu cuối cùng là Ngày Ðức Kitô lại đến để phân xử các nước và phán xét mọi dân tộc.
Nhưng việc dọn mừng lễ Giáng sinh chỉ có thể đóng được vai trò vừa nói, nếu Phụng vụ không phải chỉ là kính nhớ hay nhớ lại. Phụng vụ phải mang đến ơn Chúa Giáng sinh thật sự, nghĩa là phải làm sống lại thật sự cho chúng ta sự kiện Ðức Kitô đã làm người. Phụng vụ phải hiện đại hóa cho chúng ta ngày nay việc Ngài đã giáng sinh ở Bêlem ngày trước, để chúng ta được tiếp nhận Ngài như Ðức Maria và thánh Giuse, để chúng ta lại được như các Tông đồ lắng nghe Lời Chúa và thấy các việc Ngài làm, hầu chúng ta có thể chờ đợi Ngài trở lại. Thành ra không kể việc Chúa đã đến một lần trong lịch sử khi sinh ra làm người, và không kể việc Ngài sẽ đến sau này trong tương lai, còn có việc Ngài đến cách mầu nhiệm trong tâm hồn tín hữu nhờ việc lãnh nhận Bí tích với niềm tin yêu. Việc Ngài đến cách mầu nhiệm này là kết quả của việc Ngài đã đến trong xác thịt; và là bảo chứng cho việc Ngài sẽ đến trong vinh quang. Chúng ta dọn mình mừng lễ Giáng sinh, vì thế, vừa để tạ ơn vừa để xin ơn. Nhớ lại việc Chúa đã giáng sinh, chúng ta cảm mến các ơn lành Người ban để biết chờ mong hạnh phúc viên mãn sẽ đến sau này.

C. Làm Thế Nào?
Isaia đã khuyên nhà Yacob, hãy đi trong ánh sáng của Chúa. Thánh Phaolô cũng bảo, hãy từ bỏ công việc của đêm tối và mặc lấy mã giáp của sự sáng. Vì Chúa đã đến trong thế gian khi Ngài giáng sinh làm người. Ngài đã đem giáo lý chân thật làm ánh sáng dẫn đưa các tín hữu của Ngài trên đường lữ thứ trần gian. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài dạy chúng ta biết thái độ căn bản trong thời "Con Người chưa đến". Ngài bảo: "Vậy chúng con hãy sẵn sàng". Và để chúng ta hiểu rõ khẩu lệnh này, chính Ngài đã cho chúng ta hai thí dụ, hay hai dụ ngôn để so sánh. Ngài nói: hãy nhớ lại thời Noe; cho đến khi nước lụt ập đến cuốn đi tất cả. Thật ra sách Khởi nguyên còn yếm thế hơn. Tác giả nói thời ấy người ta cứ ăn uống, cưới xin như không có việc gì sắp xảy tới. Như vậy, Ngài không cảnh cáo riêng gì kẻ tội lỗi. Ngài dạy mọi người không được sống "bình chân như vại", chỉ lo việc đời này, dường như không có đời sau. Không có việc Chúa trở lại, không có lễ Giáng sinh sắp tới. Những người sống như vậy chắc chắn sẽ không được ơn gì của lễ Giáng sinh và sẽ ngỡ ngàng khi Ngày Con Người đến. Và để diễn tả sự ngỡ ngàng này, Chúa Yêsu đã lấy hình ảnh hai người (đàn ông) cùng đang ở ngoài đồng và hai người (đàn bà) cùng đang xay bột ở nhà. Người sẵn sàng chờ đợi Chúa đến sẽ được Ngài đem đi (hưởng nơi hạnh phúc); còn người không chờ đợi sẽ chưng hửng thấy người bạn cùng làm với mình được cất lên trời, còn mình phải ở lại nơi trần tục. Như vậy rõ ràng Chúa muốn bảo chúng ta, đang khi chu toàn các phận sự ở đời này, phải thao thức về việc Ngài trở lại. Và ai sống như thế, chắc chắn sẽ được như lời Thánh Tông đồ nói: không bê tha tửu sắc và giành giật gây chuyện với người khác, một sẽ càng ngày càng mặc lấy Chúa Yêsu để trở nên giống Ngài.
Chúa còn lấy một thí dụ khác để nói lên thái độ sống đạo căn bản. Nếu người chủ hộ biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt ông sẽ thức đến lúc đó, không để cho nó đào ngạch khoét vách. Nhiều lời khác như thế đã tạo nên trong Giáo Hội thói quen canh thức cầu nguyện ban đêm. Ở đây, Chúa không đòi mọi người đến mức độ đó. Ngài chỉ bảo: vì chẳng biết giờ nào, Con Người sẽ đến, nên luôn luôn phải sẵn sàng. Và như trên đã nói, thái độ sẵn sàng là luôn nuôi dưỡng ý thức việc Chúa trở lại, để chúng ta được xứng đáng trong Ngày Chúa đến cất nhắc chúng ta lên với Ngài. Ý thức đó phân biệt người tin với kẻ không tin. Người không tin chỉ biết nói đến những sự việc đời này; còn kẻ tin làm tất cả mọi việc ở trần gian mà vẫn không ngơi quy hướng mọi sự về đời sau và Chúa. Họ phải làm tốt các nhiệm vụ trần gian để được nhìn thấy là xứng đáng trong Ngày Chúa trở lại. Không những thế, họ còn biết rằng bất cứ giây phút nào Chúa cũng muốn đến gõ cửa tâm hồn họ để vào ở với họ trong tình thân mật. Nên thái độ sẵn sàng đòi họ giữ tâm hồn trong trắng và muốn cầu nguyện tiếp xúc với Chúa và đón nhận ơn Ngài.
Như vậy, khi nếu cao ý thức "Chúa Sẽ Ðến" Mùa Vọng muốn chúng ta trở thành những con người có thái độ sẵn sàng, sẵn sàng đối với ơn Chúa đến viếng thăm và làm giàu cho đời sống, nên luôn luôn thao thức sống đẹp lòng Chúa. Thái độ ấy phải thực hiện ngay trong việc dâng lễ, để có Chúa đến trong tâm hồn, chúng ta có khả năng đón mừng lễ Giáng sinh và được Chúa cất nhắc khi Ngài lại đến.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật I Mùa Vọng, Năm A
Bài đọc: Isa 2:1-5; Rom 13:11-14; Mt 24:37-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải học mới biết cách cư xử đúng đắn.
Trong xã hội hiện đại, ai cũng biết để trở thành những nhà chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư, luật sư... họ phải học và phải qua các kỳ khảo hạch trước khi có thể được chứng nhận và hành nghề. Trong lãnh vực tôn giáo cũng thế, để được ơn cứu độ hay vào Thiên Đàng, con người cần biết và thực hành những gì Chúa dạy. Thái độ vô cùng nguy hiểm của các tín hữu là chỉ cần tin và Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, mà không cần học hỏi để biết và thực hành những gì Ngài dạy dỗ. Nhưng đức tin không hành động là đức tin chết; và như thế nào mới được gọi là ăn ngay ở lành? Một thái độ nguy hiểm khác nữa là con người tự cho mình đã biết đủ rồi, không cần phải học hành gì nữa! Đây chỉ là điều ảo tưởng, và rất nhiều lần con người phải trả giá đắt cho những quyết định nông nổi của mình vì không biết. Để biết cách quyết định khôn ngoan, con người phải biết học nơi Thiên Chúa, Đấng dựng nên, cai quản, và hướng dẫn con người về một mục đích nhất định. Thiên Chúa không dùng áp lực để bắt con người làm theo những gì Ngài muốn, vì Ngài dựng nên con người như những chủ thể có tự do. Ngài muốn hướng dẫn con người, để con người biết dùng khôn ngoan và tự do của mình làm những gì sinh ích lợi cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật nhu cầu con người cần biết học hỏi với Thiên Chúa để biết cách cư xử đúng đắn. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah thấy trước ngày toàn thể nhân loại sẽ hướng về Jerusalem và Judah để học hỏi và được Thiên Chúa hướng dẫn. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu cần biết sáng suốt nhận định thời cuộc và phải biết cư xử thích ứng với hoàn cảnh. Trong Phúc Âm, nếu con người không biết tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng, khi Ngày của Thiên Chúa đến, họ sẽ bị tiêu diệt như tất cả mọi người trong thời Lụt Hồng Thủy, trừ gia đình của Noah là những người biết cách chuẩn bị.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ.
1.1/ Con người cần được Thiên Chúa dạy dỗ cho biết sự thật: Con người bị bao quanh bởi
những điều giả trá của thế gian; ví dụ, câu nói: "Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh." Ý họ muốn nói: Nếu dân chúng muốn ấm no hạnh phúc, quốc gia cần phải có lực lượng quân sự mạnh để đánh chiếm và thu thập tài nguyên của các nước khác, hay ít nhất làm cho họ sợ để đừng tính chuyện xâm lấn nước mình. Vì thế, họ dùng mọi thủ đoạn để chinh phục các nước láng giềng. Họ quên một điều là ai cũng cần sống; một khi đã bị dồn vào chân tường, đối phương sẽ phản ứng lại để dành quyền sống. Chiến tranh và hận thù sẽ tiếp tục lan tràn và kéo dài từ thời này sang thời kia. Vì thế, vũ lực không phải là cách thức để có bình an và hạnh phúc.
Làm thế nào để có hòa bình thực sự: Con người cần được Thiên Chúa dạy dỗ cho biết sự thật. Thị kiến của ngôn sứ Isaiah cho biết trước những gì sẽ xảy ra cho Judah và Jerusalem: "Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Jacob, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Sion, thánh luật ban xuống, từ Jerusalem, lời Đức Chúa phán truyền.''"
1.2/ Hậu quả của việc biết cách sinh sống và cư xử: Tiên-tri Isaiah mặc khải cho con người biết một sự thật: Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền trên mọi dân tộc: "Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc." Lịch sử thế giới đã nhiều lần chứng minh: không một cường quốc nào đối xử tàn bạo với các quốc gia khác mà còn tồn tại. Nhiều lần các ngôn sứ của Cựu Ước đã chứng minh: Bình an và hạnh phúc thực sự không đến nhờ vũ lực; nhưng chỉ đến với quốc gia nào biết kính sợ Thiên Chúa và cư xử công chính với mọi người. Khi đã biết cách để kiến tạo và hòa bình, vũ khí dùng để tiêu diệt con người trong chiến tranh sẽ không còn cần thiết nữa, và sẽ được con người sáng chế thành những khí cụ lợi ích cho cuộc sống hơn, như Isaiah diễn tả: "Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến."
2/ Bài đọc II: Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.
Con người không chỉ phải đối diện với chiến tranh bên ngoài, nhưng còn phải đương đầu với cuộc chiến nội tâm bên trong. Thánh Phaolô muốn các tín hữu ý thức về cuộc chiến nội tâm này và biết cách để đối phó.
2.1/ Phải biết chúng ta đang sống trong thời nào: Trước khi biết cách đối phó, các tín hữu cần phải nhận định tình hình: "Anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu." Cuộc đời con người trên trần gian làm sao cho được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ngài chỉ cho con người sống một thời gian cố định để làm điều này; mỗi ngày qua đi là mỗi ngày con người gần với ngày chết hơn. Vì thế con người phải biết nắm lấy mọi cơ hội để làm sao cho họ được hưởng ơn cứu độ. Ảo tưởng của nhiều người là ngày chết còn lâu mới đến, vì thế họ cứ việc ăn chơi thả dàn. Đến khi lâm bệnh hay biết ngày đời của mình sắp tận, bấy giờ họ mới hốt hoảng lo ăn năn và chuẩn bị; nhưng hỡi ôi, đã quá muộn màng!
2.2/ Phải biết cách xử sự: Khi đã nhận định được tình hình của mình, con người phải ra tay hành động ngay. Thánh Phaolô không lý thuyết suông, ngài đưa ra những việc làm rất cụ thể:
(1) Những việc người tín hữu cần tránh:
- Không chè chén, say sưa: Ăn quá nhiều làm con người ra nặng nề, làm con người buồn ngủ, và con người không có nghị lực để làm những điều mình muốn. Uống quá nhiều làm con người say xỉn, trí khôn u mê, không còn biết nhận ra điều phải nên làm và điều ác nên tránh. Câu tục ngữ "một tinh thần lành mạnh trong một thân thể tráng kiện" nói lên sự liên hệ giữa việc ăn uống, tập thể dục, và giữ cho tâm hồn lành mạnh.
- Không chơi bời, dâm đãng: Con người cần có nghị lực và thời gian để làm việc, để học hỏi, và để giúp đỡ tha nhân. Khi một người hoang phí thời gian và sức lực vào những chuyện dâm đãng, họ sẽ không còn nghị lực và thời gian để mở mang Nước Chúa, tập luyện nhân đức, và giúp đỡ tha nhân. Ấy là chưa kể những bệnh tật họ phải lãnh nhận do sự hoang dâm vô độ.
- Không cãi cọ, ghen tương: Người tín hữu phải tỏ lòng yêu thương tha nhân và xây dựng hòa bình. Những chi li, tính toán, và ham muốn thế gian làm con người dễ ích kỷ, ghen tỵ, và vơ vét mọi sự cho mình.
- Đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng: Điều này mở rộng tới những tội khác hơn là tội tình dục như: tham lam của cải, ham hố danh vọng, chức quyền... Thánh Gioan cắt nghĩa rõ hơn: "Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi" (I Jn 2:15-17).
(2) Hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô: Thánh Phaolô nhiều lần cắt nghĩa: khi con người được Rửa Tội là họ cởi bỏ con người cũ cùng với mọi dục vọng xấu xa, và mặc lấy con người mới là Đức Kitô. Vì thế, người tín hữu phải tập luyện để biết sống như Đức Kitô. Trong Thư Colosse, Phaolô liệt kê các đức tính con người cần tập luyện để sống như Ngài: "Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo" (Col 3:10-14).
3/ Phúc Âm: Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.
3.1/ Phải biết rút tỉa kinh nghiệm: Tiếp tục tư tưởng của những ngày cuối năm, Thiên Chúa muốn nhắc nhở cho con người hai điều quan trọng: Ngày Tận Thế chắc chắn sẽ đến, và đến một cách bất ngờ. Trình thuật hôm nay nêu ra những biến cố lịch sử và kinh nghiệm đời để con người biết rút tỉa kinh nghiệm.
(1) Nạn Lụt Hồng Thủy: Chúa Giêsu dẫn chứng: "Quả thế, thời ông Noah thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Noah vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy.'' Chỉ có gia đình Noah tin và làm theo những lời Thiên Chúa nói, và họ được thoát nạn.
(2) Kinh nghiệm đời sống: Chúa Giêsu nói: "Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến." Kẻ trộm trước khi hành động, họ thường điều nghiên kỹ càng để biết lúc nào chủ nhà vắng mặt hay lơ là không coi sóc. Đa số những vụ trộm thường xảy ra ban đêm hay khi về sáng, lúc mà con người đang say ngủ.
3.2/ Phải biết canh thức và chuẩn bị sẵn sàng: Nhiều người nghĩ làm sao Thiên Chúa có thể phân biệt người lành hay kẻ dữ trong số bao nhiêu con người của thế gian này; nhưng Lời Chúa hôm nay cho con người thấy sự chính xác khi nhận ra ai là người lành hay kẻ dữ: "Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần biết đúng trước khi có thể làm đúng. Hiểu biết sự thật giúp chúng ta nhận ra và tránh được những gian manh và sai lầm của thế gian.
- Để hiểu biết sự thật, chúng ta cần tìm đến và học hỏi nơi Đức Kitô, vì Ngài là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng dựng nên, cai quản, và hướng dẫn tất cả về một mục đích nhất định.
- Chúng ta không chỉ cần biết sự thật; nhưng còn phải thi hành sự thật thì mới đem lại ích lợi cho đời sống. Một điều tối quan trọng trong cuộc đời là chúng ta phải biết sẵn sàng và chuẩn bị cho Ngày Chúa quang lâm.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

01/12/13 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – A 
Mt 24,37-44

CANH THỨC
“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến.” (Mt 24,42)
Suy niệm: Mùa Vọng lại về, với sự chuyển tiếp liền mạch trong sứ điệp Lời Chúa: vẫn là lời mời gọi canh thức dồn dập như ta đã nghe trong những ngày cuối năm Phụng Vụ cũ. Canh thức để khỏi bất ngờ khi một điều có bản tính bất ngờ xảy đến. Mùa Vọng không chỉ nhằm giúp các tín hữu đón mừng Lễ Giáng Sinh: lễ ấy đã được định ngày sẵn trong lịch, và sẽ tới trong bốn tuần lễ nữa – không có gì là bất ngờ! Mùa Vọng còn đặt chúng ta trước viễn tượng cuộc quang lâm của Chúa – chính cuộc quang lâm này luôn luôn còn đó tính bất ngờ. Vì thế, người tín hữu luôn cần canh thức, không chỉcanh thức trong bốn tuần Mùa Vọng này, mà canh thức trong cả ‘Mùa Vọng’ cuộc đời.
Mời Bạn: Có người sẽ tự hỏi: Đã xấp xỉ hai ngàn năm rồi mà Chúa chưa đến lại, vậy phải chăng lời Chúa nói về cuộc quang lâm hóa ra chỉ là sự ‘hù dọa’ vô ích cho bao thế hệ đã qua? Và phải chăng chúng ta cứ ‘vô tư’ mà sống, không cần phải ‘thức’ hay ‘canh’ chi cho căng thẳng, mệt đầu? Câu trả lời tốt ở đây là: Chúa quang lâm không chỉ ở ngày tận thế, mà còn ở cuối lịch sử cuộc đời mỗi con người nữa; và chỉ có những người ân hận mãi mãi vì đã không canh thức, chứ không hề có ai canh thức mà thấy rằng mình đã làm một việc vô ích! Lời Chúa bạn canh thức, bằng cách tổ chức lại cho ‘ngay ngắn’ cuộc sống của mình ngay hôm nay, ngay bây giờ.
Sống Lời Chúa: Canh thức cách đích thực nhất là giao hòa với Chúa và với Giáo Hội. Bạn chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Hoà Giải ngay từ tuần này, không phải chờ cho đến những ngày cận lễ.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn Năn Tội.


Suy niệm của Ủy Ban Kinh Thánh – HĐGMVN
Đức Giêsu đã đến xưa kia, sẽ đến vào ngày Quang Lâm và vẫn đang đến mỗi ngày. Cần biết đón tiếp Người đến dưới bất cứ dạng nào.
Năm Phụng vụ mới lại bắt đầu bằng Mùa Vọng với tâm tình chuẩn bị, đón chờ ngày Chúa đến: Chúa đến trong ngày lễ Giáng Sinh sắp tới, nhưng căn bản là ngày Chúa quang lâm: Chúa sẽ trở lại trong vinh quang vào ngày thế tận, như lời tuyên xưng hằng ngày trong Thánh lễ: Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.
1. Israel mong chờ Đấng Thiên Sai (Messia)
Do-Thái, dân tuyển chọn, lúc ấy đang sống trong thời kỳ bi thảm về chính trị, xã hội lẫn tôn giáo. Phương Bắc đã hoàn toàn bị đế quốc Assyri tiêu diệt (721), Phương Nam, tức đất nước Giuđa, sống dưới sức ép của đế quốc Babylone đang hăm he thôn tính. Xã hội đầy những bất công, áp bức và chèn ép: người giàu cứ phè phỡn hưởng thụ trong khi dân nghèo bị bỏ rơi và khốn khổ. Tôn giáo lỏng lẻo, pha trộn, vụ hình thức. Chính trong thời buổi nhiễu nhương và thất vọng ấy, sấm ngôn Nathan (2S 7,14) về việc Thiên Chúa hứa sẽ bảo đảm cho vương triều Đavít được miên trường khơi dậy trong lòng người nỗi mong chờ một vị Thiên Sai thuộc dòng tộc Đavít xuất hiện để giải cứu và phục hưng đất nước. Ngôn sứ Isaia cổ võ thêm cho sự mong chờ ấy bằng lời sấm đầy tràn hy vọng về đấng Emmanuel: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). Vị ngôn sứ còn loan báo một cuộc hành hương vĩ đại vào thời thiên sai: mọi dân nước trên mặt đất sẽ tiến về Giêrusalem, tập trung quanh Israel, để nhận biết và phụng thờ Giavê (Is 2,2-5; x. Mk 4,1-5). Niềm hy vọng vội tan biến khi Israel bị Babylone xâm lăng và bị lưu đày (587). Nếu trước đây Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-Cập, giờ đây Người lại giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày để họ được hồi hương tái thiết Đền Thờ và đất nước. Một lần nữa, hy vọng lại dâng cao với sự mong chờ vị Thiên Sai Ngôn sứ mà trước đây Môsê đã từng loan báo (Đnl 18,18). Đấng Thiên Sai Ngôn sứ này là người Tôi trung của Giavê mà Isaia II đã phác hoạ là người được Thiên Chúa tuyển chọn và ban tràn đầy Thần Khí, sẽ phải chịu nhiều đau khổ và chịu chết để cứu độ dân Người. Hy vọng và mong chờ vẫn kéo dài cho đến lúc người ta lại chuyển sang việc mong đợi Con Người, một nhân vật thiên quốc mà Daniel mô tả là Đấng ngồi bên hữu Thiên Chúa, được Thiên Chúa trao cho toàn quyền chung thẩm nhân loại (Dn 7,13-14). Trong từng giai đoạn, Israel lại mong chờ vị Thiên Sai cứu tinh. Niềm hy vọng mong chờ đó đã nâng đỡ dân trong suốt thời kỳ đầy thảm hoạ. Sống là hy vọng và mong chờ. Suốt thời kỳ đầu của Giáo Hội tiên khởi, giữa trăm chiều thử thách, các tín hữu hằng mong chờ ngày Chúa trở lại và tha thiết kêu xin: Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!
2. Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai đã đến hoàn tất niềm mong đợi Cựu Ước
Giữa lúc nhân loại đang chìm sâu trong đêm tối của lầm lạc và tội lỗi, khát mong ơn cứu độ. Khi Israel đang mòn mỏi mong chờ vị Thiên sai đến giải thoát. Một vì sao sáng xé ngang màn đêm. Ánh sáng xuất hiện. Thiên Chúa đã nhập thể đến giữa loài người, mang tên gọi Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1,23). Loài người khát khao cứu độ, nhưng nhận biết mình hoàn toàn bất lực, chỉ còn biết trông đợi ở Chúa. Con người không thể lên được với Thiên Chúa thì Thiên Chúa lại xuống với con người. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Người Con một ấy chính là Ngôi Lời vĩnh cữu đã trở nên người phàm (Ga 1,1.14), sinh bởi một người nữ và sống dưới Lề Luật để cứu những ai đang sống dưới Lề Luật, hầu cho họ được ơn làm nghĩa tử (Gl 4,4-5). Đó là lần thứ nhất Thiên Chúa xuống trong lịch sử mà ta vui mừng tưởng niệm trong ngày lễ Giáng Sinh. Lễ Giáng Sinh sắp đến, hãy chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Chúa đến với ta, mang niềm vui, an bình và cứu độ.
3. Hướng về ngày Quang Lâm
Tưởng niệm không phải chỉ là một hoài niệm quá khứ, nhưng căn bản là hiện tại hoá việc Chúa đến hôm nay trong mỗi giây phút cuộc sống và nhất là hướng lòng về ngày Chúa quang lâm khi niên cùng nguyệt tận để phán xét toàn nhân loại. Lúc ấy Người sẽ phân định sự sống đời đời cho những người lành và án phạt muôn đời cho những kẻ dữ là những ai khi sống nơi dương thế đã chối từ Thiên Chúa để đặt mình dưới quyền thống trị của ma quỷ và tội lỗi.
Ngày Chúa quang lâm thật bất ngờ, không ai biết trước được sẽ xảy đến lúc nào. Vì thế, Chúa dạy phải sẵn sàng tỉnh thức như người đầy tớ khôn ngoan chờ đợi chủ về vào lúc đêm khuya, hoặc như các trinh nữ khôn ngoan chờ đợi chàng rễ đến chậm, như người quản gia trung tín luôn biết chu toàn bổn phận khi chủ vắng nhà. “Hãy cầm đèn cháy sáng trong tay và hãy thắt lưng như người chờ đợi chủ về ”. Hình ảnh Hồng thuỷ và Sôđôma luôn là một cảnh tỉnh con người trong cuộc sống cần biết hướng về ngày thế tận, chứ không phải sống như thể trần gian và hiện tại là tất cả. Cuộc sống hiện tại là một chuẩn bị và xác định cho định mệnh cuối cùng. Chúa Giêsu đã có lần cảnh cáo qua dụ ngôn người giàu khờ dại: “Không phải sự sung túc của cải đời này đảm bảo hạnh phúc đời đời” (Lc 12,15). Thánh Phaolô khuyên: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Hãy loại bỏ mọi hành vi ám muội và mang lấy khí giới ánh sáng để chiến đấu...” (Rm 13,11-14).
4. Chúa vẫn đến mỗi ngày
Ngày Quang Lâm vào lúc thế tận sẽ rất bất ngờ. Sự chuẩn bị sẵn sàng được xác định qua tư cách biết đón Chúa đến mỗi ngày trong cuộc sống hiện tại. Sách Khải huyền viết: “Phúc cho ai chết trong ân nghĩa của Chúa”. Nhưng để chết trong ân nghĩa thì phải biết sống trong ân nghĩa. Chúa đứng ngoài cửa và gõ; ai sẵn lòng mở, Người sẽ vào và dự bàn tiệc với người ấy.
- Chúa đến và đối thoại với ta trong Kinh Thánh. Hãy biết lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa.
- Chúa đến và ở giữa chúng ta trong Thánh Thể bằng tất cả tình yêu tự hiến, và trở nên Bánh hằng sống nuôi dưỡng ta trên bước đường lữ thứ tiến về nhà Cha. Hãy siêng năng tham dự thánh lễ và rước lễ, hãy chiêm ngắm, tôn thờ và sống bí tích Thánh Thể.
- Chúa đến trong anh em: “Sự gì các ngươi làm cho một anh em bé mọn là làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Trọn cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu là yêu thương và phục vụ hết tình và hết mình. Người đã rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc ly như mẫu gương của sự phục vụ khiêm tốn và vô vị lợi (Ga 13,14-15). Người đã yêu thương đến tận cùng, đến chết trên thập giá. Hãy sống yêu thương và phục vụ vì đó là lề luật quan trọng nhất và là dấu chỉ của người môn đệ Chúa Giêsu (Ga 13,34-35).


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG MƯỜI HAI
Hãy Tỉnh Thức
Các bài đọc phụng vụ khích lệ tất cả con cái Giáo Hội nắm vững chân lý Mùa Vọng: Thiên Chúa đang đến gần! Nó cho chúng ta biết mình phải đáp trả thế nào trước sự đến này, một sự đến vừa gần vừa xa. Con người cần nâng tâm hồn mình lên, như Thánh Vịnh đáp ca mời gọi chúng ta: “Lạy Chúa, này con nâng hồn lên tới Chúa!” (Tv 25,1).
Nâng hồn lên nghĩa là gì? Trước hết nó có nghĩa là học biết đường lối của Thiên Chúa. “Xin dẫn con đi trong chân lý của Ngài và dạy bảo con” (Tv 25, 5). Tác giả Thánh Vịnh biết rằng Thiên Chúa “chỉ đường cho các tội nhân, Ngài hướng dẫn kẻ khiêm nhường đi trên đường công chính” (Tv 25,8-9).
Bằng cách này, Thiên Chúa cho thấy “giao ước của Ngài” (Tv 25,14). Xuyên qua giao ước này, các ý định của Thiên Chúa về con người được bộc lộ rõ cho mọi người. Để có thể hoàn thành các ý định này cho con người, Thiên Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài: “Mọi đường lối Chúa đều yêu thương và thành tín” (Tv 25,10).
Như vậy, Thánh Vịnh đáp ca mạc khải cho chúng ta tiếng gọi căn bản của Mùa Vọng, tiếng gọi mà Giáo Hội tìm thấy trong lời Chúa nói với mọi người: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01-12
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Is 2,1-5; Rm 13, 11-14; Mt 24, 37-44


LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”
Khởi đầu năm phụng vụ Giáo Hội nối kết ngày quang lâm của Chúa với câu chuyện và hình ảnh con tàu ông Noe và lụt Đại Hồng Thủy, để mời gọi mọi tín hữu luôn tỉnh thức trong tư thế  sẵn sàng chờ đợi ngày  đón Chúa đến. Chờ đợi không như chờ lên xe và xuống xe; chờ đợi không phải như chờ giờ làm việc và giờ tan sở. Nhưng phải làm tròn bổn phận với trách nhiệm trong tình yêu mến.
Lạy Chúa Giêsu. Trong năm phụng vụ này;  Xin cho mọi thành viên trong gia đình của chúng con luôn biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình hằng ngày  với một tình yêu vì Chúa và vì nhau.
Mạnh Phương


01 Tháng Mười Hai
Mang Nặng Ðẻ Ðau
Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta đọc thấy ở trang bìa của số ra tháng 12 như sau: Mùa Vọng là mùa của thai nghén...
Có lẽ chỉ có những người đàn bà đã hơn một lần kinh qua thời kỳ thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau... Trong 9 tháng 10 ngày, ngoài những nôn mửa không ngừng, người đàn bà mang thai thường phải trải qua nhiều tâm trạng khác nhau của vui buồn lẫn lộn...
Vui vì sự sống và niềm hi vọng đang lớn dần trong tâm hồn và thể xác của mình, người đàn bà mang thai cũng lo sợ vì những bất ngờ không lường trước được. Những đột biến trong người cũng khiến cho người đàn bà mang thai cảm nhận được sự mỏng dòn, yếu đuối của con người. Tất cả mọi cử động, chế độ dinh dưỡng đều được cân nhắc cẩn thận để không phương hại đến bào thai... Có nên tiếp tục đi nhanh như trước kia không? Có được hút một điếu thuốc như trước không? Có nên dùng càfê không? Có nên dùng một chút bia rượu không? Có nên thức khuya không?... Tất cả đều được cân nhắc từng li từng tí.
Bào thai càng lớn dần, niềm vui và nỗi lo lắng cũng tăng thêm... Và khi đến ngày nở nhụy khai hoa, như chúa Giêsu đã nhận xét, niềm vui của người đàn bà khỏa lấp được tất cả những chờ đợi trong khi mang thai và những đớn đau trong khi sinh con.
Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui, nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Ðứa bé đã trở thành trung tâm của cuộc sống gia đình. Giờ giấc  thay đổi, nhịp sống cũng thay đổi. Và có lẽ cái nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.
Mùa Vọng là mùa của thai nghén... Do tiếng "Thưa, xin vâng!" đáp trả của Ðức Tin, chúng ta cũng cưu mang chính Chúa. Như người đàn bà có thể cảm nhận được sự tăng trưởng của bào thai, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự hiển diện mỗi lúc một thêm thân mật và gần gũi của Chúa trong tâm hồn chúng ta.
Cũng như người đàn bà mang thai có thể nhận ra sự mỏng dòn yếu đuối của mình, với sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, chúng ta cũng cảm nhận sâu sắc hơn những bất toàn, khiếm khuyết và tội lỗi của chúng ta. Ý thức ấy càng mời gọi chúng ta bước đi trong từng cố gắng vươn cao hơn. Cũng như người đàn bà mang thai cân nhắc từng đường đi nước bước, từng cách ăn mặc đi đứng, người cưu mang Chúa cũng tập trung tất cả suy tư, hành động, cư xử của mình vào chính Chúa. Lẽ sống là động lực của người có niềm tin chính là Chúa... Bào thai càng lớn lên thì sự quên mình của người mẹ càng gia tăng. Người cưu mang Chúa cũng thế. Thánh Gioan Tẩy Giả đã diễn tả đúng đòi hỏi ấy khi Ngài nói về chúa Giêsu: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại"... Càng quên mình, người tín hữu Kitô càng cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn. Ðó là định luật của đời sống Ðức Tin. Chính khi quên mình, người Kitô cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và càng gặp được chính mình...
Mùa Vọng là mùa của thai nghén: chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa Giêsu một máng cỏ trong tâm hồn chúng ta. Cũng như người đàn bà quên mình vì không biết bao nhiêu chuẩn bị cho con, chúng ta cũng hãy hưởng trọn cuộc sống của chúng ta về với Chúa Giêsu. Hãy để cho Ngài lớn lên bằng những nhỏ lại của chúng ta: nhỏ lại trong tham vọng, nhỏ lại trong những ước muốn  bất chính, nhỏ lại trong những đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ, nhỏ lại trong muôn vàn những đớn hèn, nhỏ nhặt trong cuộc sống... Và rồi, với Chúa ngự trị trong ta, tình mến sẽ lớn mãi trong trái tim.
(Lẽ Sống)

NGÀY 1/12:
THÁNH MARY JOSEPH ROSELLO 





Lược sử
Thánh Mary Joseph sinh ở làng ven biển Albissola, nước Ý, trong một gia đình Công Giáo đông con. Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã có ý định đi tu.
Thiên Chúa Quan Phòng đã can thiệp qua vị giám mục địa phương, là người biết đến tài dạy giáo lý của thánh nữ, nên đã cung cấp cho ngài và các cô dạy giáo lý một ngôi nhà để làm lớp học.
Từ một khởi đầu khiêm tốn ấy đã phát triển thành tu hội Nữ Tử củaĐấng Nhân Hậu vào năm 1837.
Các nữ tu nào bị đau yếu đều cảm nhận sự chăm sóc đặc biệt của ngài.
Sơ Mary Joseph từ trần vào tháng Mười Hai năm 1880 và được phong thánh năm 1949.
Suy niệm 1: Ý định đi tu
Ngay từ khi còn nhỏ, Roselle đã có ý định đi tu.
Ngài xuất thân từ một gia đình rất giàu lòng đạo đức và đồng thời cũng rất giàu con cái, nhưng lại rất nghèo tiền của vật chất, đến mức ngài phải chấp nhận đi giúp việc cho một đôi vợ chồng láng giềng khá giả nhưng lại hiếm muộn.
Hấp thụ bầu khí đạo đức của gia đình, vào lúc 16 tuổi, ngài có ý định đi tu. Nhưng dù lòng khao khát ấy mãnh liệt đến đâu đi nữa, ngài đã bị từ chối chỉ vì quá nghèo, không có của hồi môn. Đôi vợ chồng đạo đức nhưng hiếm muộn mà ngài giúp việc trong bảy năm, lẽ ra đã có thể giúp ngài thể hiện giấc mơ ấy, nhưng họ không muốn làm như vậy chỉ vì quá yêu quý thánh nữvà họ muốn nhận ngài làm con nuôi. Dầu vậy ngài vẫn nuôi dưỡng ước nguyện ấy bằng việc không ngừng tự nhủ: Thiên Chúa sẽ Quan Phòng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho thế giới có nhiều ân nhân hảo tâm trợ giúp các ơn thiên triệu gặp khó khăn về kinh tế.
Suy niệm 2: Thiên Chúa Quan Phòng
Thiên Chúa Quan Phòng đã can thiệp qua vị giám mục địa phương.
Niềm vững tin vào Thiên Chúa Quan Phòng mà ngài hằng tự nhủ đã trởthành hiện thực. Vào năm 1837, Vị giám mục địa phận biết đến tài dạy giáo lý của thánh nữ, nên đã cung cấp cho ngài và các cô dạy giáo lý một ngôi nhà để làm lớp học. Ngài vội quy tụ 3 người bạn cùng chí hướng và dần dần biến nơi này thành Tu Hội với danh xưng là Nữ Tử của Đấng Nhân Hậu.
Đúng như tâm sự của một người sau giờ kinh Thần Vụ ban sáng đã đọc tiểu sử của ngài: Cả cuộc đời thánh nhân chỉ cần tóm gọn trong một câu, đólà một người tin vào Thiên Chúa Quan Phòng.
Một câu chuyện cũng xác minh. Một ngày kia, hết tiền. Mẹ Rosello tập trung các học sinh mồ côi từ Nhà Chúa Quan Phòng cũng như các chị em trong cộng đoàn. Mẹ xin họ hãy cùng nhau cầu nguyện. Sau vài phút, Mẹbảo chị quản lý vào hộp tiền xem sao. Chị đi và trở lại với hai đồng tiền. Mẹbảo: Chúng ta chưa cầu xin tha thiết đủ, cần cầu xin tha thiết và sốt sắng hơn nữa. Một giờ sau, chị quản lý lại vào xem hộp tiền và trở ra với nét mặt ngạc nhiên, vì hộp tiền đã đầy ắp đủ cho nhu cầu của mọi người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương thánh nhân luôn vững tin vào Thiên Chúa Quan Phòng.
Suy niệm 3: Dạy giáo lý
Thiên Chúa Quan Phòng đã can thiệp qua vị giám mục địa phương, là người biết đến tài dạy giáo lý của thánh nữ.
Giáo lý viên là ai?
Tông điệp "sứ vụ Đấng Cứu độ" của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô IIđã viết: "Những cán bộ chuyên trách, những chứng tá trực tiếp, những người Phúc âm hoá không thể thay thế, tượng trưng cho sức mạnh cơ bản của cộng đoàn Kitô giáo, đặc biệt là các cộng đoàn trẻ".
Giáo luật khoản 785/1 dạy: "Những giáo dân được huấn luyện thíchđáng và trổi vượt về đời sống Kitô giáo, để dưới sự hướng dẫn của các vịthừa sai họ dấn thân giảng dạy giáo lý Phúc âm, tổ chức các cử hành Phụng vụ và các việc bác ái". Sổ tay hướng dẫn về giáo lý viên có dạy: "giáo dân"được Hội Thánh uỷ thác cách đặc biệt, theo nhu cầu địa phương, để giúp những người chưa biết Đức Kitô và cả tín hữu nữa, có thể nhận biết yêu mến và bước theo.
Ngoài ra bộ Phúc âm hoá còn dựa theo tông huấn "Kitô hữu giáo dân" đểnhắc các mục tử có thể trao cho giáo lý viên giáo dân làm những việc không thuộc riêng chức thánh như: thi hành tác vụ Lời Chúa, chủ toạ buổi cầu nguyện, rửa tội, cho rước lễ tùy theo các qui tắc, luật định; vai trò giáo lý viên giáo dân đặt nền tảng trên bí tích Rửa tội, Thêm sức, Hôn phối nữa.
Là một giáo lý viên, Roselle chẳng những truyền đạt mà còn sống nhờthấu hiểu giá trị của câu lời Chúa: Ai kêu cầu danh Chúa sẽ được ơn cứu độ(Cv 2,21) và nhất là câu: Hãy tìm kiếm Nước Chúa trước hết… Đừng lo lắng cho ngày mai (Mt 6,33-34). Ngài đã nêu gương sống niềm tin vào lời cầu nguyện và tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, với ý thức: Không ai có thể cho điều mình không có! Không ai có thể dạy những gì mình không biết! Đúng như nhận định của Đức Giáo Hoàng Phalô VI: người thời đại sẵn sàng lắng nghe các nhân chứng hơn là các thầy cô, và nếu họ có lắng nghe các thầy cô, chỉ bởi vì những thầy cô ấy là những nhân chứng” (Evangelii Nuntiandi, 41).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các giáo lý viên luôn sống đời chứng nhân như một củng cố cho những gì giảng dạy.
Suy niệm 4: Nữ Tử của Đấng Nhân Hậu-phát triển
Từ một khởi đầu khiêm tốn ấy đã phát triển thành tu hội Nữ Tử củaĐấng Nhân Hậu vào năm 1837.
Đức Giám Mục Savona nhận thấy nơi Roselle năng khiếu có thể quy tụvà giáo huấn giới nữ trẻ. Người cung cấp cho một ngôi nhà để làm lớp học. Từ một khởi đầu khiêm tốn ấy đã phát triển thành tu hội Nữ Tử của Đấng Nhân Hậu vào năm 1837 với công việc dạy dỗ giới trẻ và chăm sóc các bệnh nhân. Vài năm sau, nhóm phụ nữ đạo đức ấy tuyên khấn, và Mary Joseph làm bề trên của tu hội ấy trong 40 năm, ngài đặt cộng đoàn dưới sựbảo trợ của Đức Mẹ Từ Bi và Thánh Giuse. Câu nói thời danh của thánh nữlà: "Đôi tay để làm việc, trái tim để dâng cho Chúa." Ngài muốn cảm nghiệm cay đắng của ngài khi còn nhỏ sẽ không cản trở các thiếu nữ muốn dâng mình cho Chúa. Do đó, bất cứ thiếu nữ nào cũng được nhận vào cộngđoàn của ngài mà không cần của hồi môn.
Công đoàn phát triển lớn mạnh. Vào năm 1875, ngài mở thêm những nhà mới ở Buenos Aires, Argentina, và dần dần đạt tới con số hơn 3.000 nữtu trong 200 nhà rãi khắp Ý, Argentina và Hoa Kỳ. Trước thành quả đáng ghi nhận này của Mẹ Roselle, Đức Giám Mục cho phép Mẹ thiết lập một cơ sởnhằm hỗ trợ ơn thiên triệu cho các chủng sinh không có khả năng vào được chủng viện.
Mẹ qua đời vào ngày 07.12.1880. Ngài được nâng lên bậc Chân Phước vào năm 1938 và được phong Thánh vào năm 1949.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp cho thế giới chúng con hiện nay vốn có chiều hướng suy giảm về ơn thiên triệu thì đừng xảy ra trường hợp một ơn gọi bị mất chỉ vì tình trạng đói nghèo.
Suy niệm 5: Nữ Tử của Đấng Nhân Hậu-linh đạo
Từ một khởi đầu khiêm tốn ấy đã phát triển thành tu hội Nữ Tử củaĐấng Nhân Hậu vào năm 1837.
Một nét linh đạo làm nền cho đời sống thiêng liêng và công việc phục vụ của các chị em trong tu hội, đó là lòng tôn thờ Phép Thánh Thể. Mẹ răn dạy: Hãy đến cùng cùng Chúa Giêsu. Người yêu quý các bạn và hằng trông chờ các bạn đến để phú ban nhiều ơn huệ. Người hiện diện trên bàn thờđược các thiên thần vây quanh chầu chực và thờ lạy. Hãy để các ngài dành chỗ cho các bạn và liên kết với các ngài khi làm những gì các ngài làm”. Đóchỉ là một trong những lời chỉ bảo của một thánh nhân.
Mẹ Rosello thấu biếu tầm quan trọng của việc tôn thờ Thánh Thể cũng như bao nhiêu hồng ân nhận được, bất cứ khi nào một tâm hồn khiêm tốn và chân thành thống hối đến gần với Chúa trong Phép Thánh Thể Cực Trọng của Người, vốn đích thực hiện diện trong Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Người. Mẹ cũng xác tín viếng Thánh Thể thì không phải viếng Bí Tích mà đúng hơn là viếng chính “Người”, là Chúa và là Đấng Cứu ĐộGiêus Kitô, cũng là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Chí Thánh.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con xác tín rằng viếng Thánh Thể là đến với một Nhân Vị và Ngôi Vị.
Suy niệm 6: Chăm sóc
Các nữ tu nào bị đau yếu đều cảm nhận sự chăm sóc đặc biệt của Roselle.
Thái độ chăm sóc phải phát xuất từ một tâm hồn dạt dào đức ái trọn hảo, vốn đã nung nấu và giúp Mẹ Roselle thực hiện ngay từ hồi còn thơ ấu. Ngày kia, trên dường cùng đi viếng thánh điện với một số bạn hữu, một cô bạn ít tuổi nhất yếu sức không theo kịp nên tụt lùi dần đàng sau. Sôi sục lòng yêu thương, Roselle không phải cùng đi bộ mà cõng cô bạn suốt hai dặm đến thánh điện. Đức ái là giúp khi có người cần đến.
Từ bài học của một kinh nghiệm bản thân, Mẹ Roselle luôn tiếp nhận vào cộng đoàn bất cứ ơn gọi nào, mà không bao giờ đòi hỏi phải có của hồi môn. Đúng hơn, ngài chỉ yêu cầu một điều: một con tim dạt dào yêu thương. Điều mà Đức Giêsu đã yêu cầu nơi Phêrô để an tâm chuyển giao trách nhiệm (Ga 21,15-19). Ngài luôn sống yêu thương đặc biệt ân cần chăm sóc các bệnh nhân, như được bày tỏ trong lời nói sau đây: "Chúng ta phải quan tâm hơn hết các bệnh nhân như một nguồn hỗ trợ vững chắc nhất của chúng ta. Qua sự kiên nhẫn, sự đau khổ và lời cầu nguyện của họ, toàn thể cộng đoàn này đã sống còn cho đến ngày nay, nhờ bởi họ luôn luôn tìm kiếm và đạt đươc những ơn sủng cho chúng ta từ Cha Nhân Lành."
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hãy yêu rồi làm gì thì làm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét