Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Bản chất của nhân đức

Bản chất của nhân đức

Trong các dòng sau đây, ta sẽ xem sét điều tất cả chúng ta đều quan tâm, cách này hay cách khác, đó là nhân đức. Từ ngữ này có lẽ làm ta hơi bối rối, thậm chí bất lợi nữa, vì nghe ra nó cổ lỗ làm sao, thuộc loại răn đời thế nào ấy. 

Tuy nhiên, bốn mươi năm trước đây, triết gia Max Scheler viết một tiểu luận tựa là “Tiến Tới Việc Phục Chế Nhân Đức” (Toward the Rehabilitation of Virtue) (1). Tựa đề này nghe hơi lạ nhưng dễ hiểu, nếu ta biết rằng vào lúc đó, đạo đức học, vốn đã bị hóa đá và trở thành một học thuyết về nhiệm vụ dưới ảnh hưởng của Kant (2) nay đang cựa quậy và người ta đang bắt đầu nghĩ tới sự thiện như một điều gì sống động, có liên quan tới toàn bộ con người. Nhân cơ hội này, Scheler nhắc tới các thay đổi của hạn từ và ý niệm nhân đức này trong dòng lịch sử cho tới lúc chúng bị khóac cho một đặc tính thảm hại vẫn còn phảng phất đâu đây.

Đối với người Hy Lạp, nhân đức hay areté vốn là bản chất của người có tâm hồn cao thượng và phát triển cao về văn hóa; còn đối với người Rôma, nhân đức hay virtus có nghĩa là sự cứng rắn và vững chắc mà người cao thượng duy trì được trong sinh hoạt công cũng như tư; thời Trung Cổ hiểu nhân đức (tugent) là tác phong của người mã thượng. Rồi dần dần, nhân đức trở thành cư xử tốt và hữu dụng, cho tới khi nó mang cái âm sắc kỳ cục gây bối rối cho người bình thường. 

Nếu ngôn ngữ của ta có một từ ngữ khác, có lẽ ta đã dùng nó rồi. Nhưng vì ngôn ngữ này chỉ có nó; nên ta đành phải bắt đầu bằng cách nhất trí rằng nhân đức chỉ một điều sống động và đẹp đẽ. Nhưng điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa: các động lực, các năng lực, các hành động, và hữu thể con người, vào một lúc nhất định nào đó được hội nhập vào một toàn bộ độc đáo nhờ một giá trị luân lý dứt khoát, một yếu tố đạo đức nổi bật, có thể nói như thế. 

Ta hãy đơn cử một nhân đức rất thông thường là tính ngăn nắp thứ tự (orderliness). Nhân đức này có nghĩa: người có nó biết một sự vật nào đó ở đâu, và thì giờ thích hợp để làm một hành động nào đó là lúc nào... Nó cho thấy một ý thức về qui luật và việc lặp đi lặp lại qui luật này cũng như cảm thấy điều gì cần thiết khiến một điều kiện hay một sắp xếp nào đó tồn tại. Khi tính ngăn nắp trở thành một nhân đức, người thực hành không chỉ muốn thể hiện nó trong một quyết định đơn độc mà thôi, như khi phải làm một công việc nào đó, nhưng lại thích làm một điều gì khác, họ vận động toàn bộ con người của họ và nhất định làm việc phải làm. 

Tính ngăn nắp thứ tự trở thành một thái độ của cả cuộc sống họ, một thiên hướng trổi vượt khắp nơi và xác định không những các hành động của họ mà cả khu vực bao quanh họ nữa, đến nỗi toàn bộ môi trường nhận được một phẩm tính rõ ràng và đáng tin cậy. 

Nhưng, muốn là một điều sống động, nhân đức thứ tự ngăn nắp cũng phải liên quan tới các nhân đức khác nữa. Để một cuộc đời được sắp xếp đúng cách, ta không thể để tính ngăn nắp này trở thành một cái ách đè nặng và làm ta khó chịu; đúng hơn, nó phải góp phần vào việc tăng trưởng của ta. Do đó, nó phải lưu ý tới điều gây trở ngại cho cuộc sống và điều làm dễ dàng cuộc sống ấy. Như thế, nhân cách sẽ được sắp xếp đúng đắn nếu nó thủ đắc được nghị lực và có khả năng vượt thắng mình; nhưng nó cũng phải có khả năng phá luật, nếu điều đó cần thiết để không bị co quắp tê liệt. 

Muốn chân thực, một nhân đức phải có khả năng thẩm thấu toàn bộ cuộc sống ta. Như đã nói, trong nhân đức này, một giá trị đạo đức trở thành trổi vượt và hội tụ trọn vẹn sự viên mãn của nhân cách. 

Bây giờ, ta xét tới hai cách thể hiện nhân đức ngăn nắp. Nó có thể bẩm sinh; lúc đó, nó phát xuất một cách dễ dàng và hiển nhiên ngay trong bản chất người sở hữu. Ai cũng phải biết một người như thế: bàn giấy của họ luôn luôn sạch sẽ và tay họ đụng tới đâu, mọi sự xem ra đều có chỗ phù hợp với chúng. Nhiệm vụ của người này chỉ là vun sới phẩm tính bẩm sinh của mình và phát triển để nó trở thành một việc đương nhiên làm cho cuộc sống ngăn nắp và tươi đẹp. Nhưng người này cũng cần thận trọng đừng rơi vào thoái hóa, vì ngăn nắp quá độ khiến ta trở thành cứng cỏi và hẹp hòi. Nó có thể khiến ta thành mô phạm, mọi điều quanh ta đều ra khô cứng. 

Nhưng cũng có những người có thiên hướng khác; đối với họ, ngăn nắp không hẳn là một đặc điểm tự nhiên. Họ có khuynh hướng tuân theo các thúc đẩy nhất thời, và do đó, hành động của họ thiếu nhất quán. Họ bỏ đở điều vừa bắt đầu vì thấy không hứng thú; họ để đồ vật nằm ở chỗ chúng rơi rớt vì bận phải ra ngoài. Thực ra, tự nó, thứ tự làm phiền họ. Họ coi một căn phòng ngăn nắp không mấy ấm cúng; cứ phải dự trù trước và sắp xếp mọi sự xem ra mô phạm quá; tính sổ chi thu và quyết toán (balance) chúng xem ra gò bó bực mình làm sao. Sự kiện cần có qui luật khiến họ ngứa ngáy, những muốn vi phạm, vì đối với họ, tự do là khả thể luôn luôn chỉ làm điều được xúc cảm thúc giục họ làm mà thôi. Những người loại này chỉ có thể ngăn nắp nhờ hiểu ra rằng nó là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống, cuộc sống cá nhân và cả cuộc sống cộng đồng nữa. Họ phải tự khép mình vào kỷ luật, bắt đầu lại mỗi khi thất bại và tranh đấu để có ngăn nắp thứ tự. Theo cách này, nhân đức ngăn nắp nơi họ có đặc điểm hữu thức và khá vất vả mới có được, cuối cùng rồi cũng đạt được một mức độ tự nhiên nào đó, nhưng luôn có nguy cơ thất bại.

Cả hai hình thức ngăn nắp trên đều tốt và cần thiết. Lầm lẫn lớn là nghĩ rằng chỉ có tính ngăn nắp phát xuất tự nhiên từ thiên hướng của một người là tính ngăn nắp chân chính, cũng như bảo chỉ những gì nhờ đau đớn và vất vả mà có được mới hợp đạo đức. Cả hai thứ ấy đều là nhân đức cả, đều là nhân tính được huấn luyện về luân lý, chỉ thể hiện theo các lối khác nhau mà thôi. 

Có lẽ ta cũng có thể cho rằng ngăn nắp thứ tự đúng nghĩa sẽ mang đặc điểm khác tùy theo phạm vi nó gặp phải. Các đồ vật vô tri trong nhà kho được sắp thứ tự khác với các thú vật có sự sống trong chuồng thú vật, hay người ta trong một kỹ nghệ nào đó; binh lính trong quân ngũ có thứ tự khác với trẻ em trong trường học.

Thành thử ra, về chủ đề này, người ta có rất nhiều điều để nói về. Liên quan tới giá trị nhân bản và địa vị xã hội, ý thức thứ tự đem đến tác phong đúng đắn trong sinh hoạt xã hội cùng với sự nhậy cảm đối với hoàn cảnh... 

Nhân đức cũng là vấn đề thái độ của ta đối với thế giới. Người mà cảm tính đối với ngăn nắp thứ tự đã trở thành kiến hiệu, thì sẽ nhìn thế giới ra sao? Hẳn họ sẽ thấy mọi vật trên thế giới đều được “xếp đặt thứ tự theo kích thước, con số và trọng lượng” (3) như Thánh Kinh từng ghi. Họ biết rằng không có gì ngẫu nhiên xẩy ra cả và mọi vật đều có một ý nghĩa và tương quan. Họ vui khi thấy trật tự này. Họ có thể nghĩ tới vũ trụ luận của phái Pythgore, là những người ví các định luật của vũ trụ như các định luật trong hòa âm âm nhạc, cho rằng tiếng đàn của Apollo đã điều hướng mọi dòng biến cố. 

Ai có thiên hướng này cũng thấy lịch sử có thứ tự, và muốn thấy các định luật sâu xa có giá trị ở đấy; họ cho rằng mọi sự đều có nguyên nhân và không điều gì không có hiệu quả. Người Hy Lạp phát biểu điều này bằng ý niệm themis, theo đó, mọi hoạt động nhân bản đều được luật và công lý thần linh điều hòa. Thành thử, nhân đức này chỉ mối tương quan với toàn thể hiện hữu và giúp ta khả năng khám phá được nhiều khía cạnh mà người quen sống trong vô trật tự không bao giờ hiểu rõ.

Lẽ dĩ nhiên, quan điểm trên cũng có thể trở nên cứng ngắc đến nỗi coi trật tự chỉ là trật tự tự nhiên, thậm chí chỉ là một tất yếu có tính máy móc. Hiểu như thế, hình thức nguyên thủy và hiệu xuất sống động sẽ biến mất; cũng như tất cả những gì vốn được coi là viên mãn, tự do và sáng tạo thiêng liêng; và cuộc hiện hữu sẽ trở thành đông lạnh trong một tất yếu tẻ nhạt và vô âm sắc.

Nhưng người nhậy cảm đối với trật tự cũng có thể chịu hậu quả. Thực thế, mọi nhân đức chân chính đều mang theo mình một bẩm chất hân hoan cũng như đau khổ tâm linh. Người vô trật tự luôn dửng dưng đối với cái rắc rối của nhân sự, bao lâu chúng không trực tiếp ảnh hưởng tới con người của họ, hay bao lâu họ không xem chúng như yếu tố bẩm sinh của mình để thụ hưởng. Nhưng ai đã biết ý nghĩa của trật tự, thẩy đều ý thức được mối nguy, thậm chí sự nham hiểm của vô trật tự nữa. Điều này có thể được diễn tả bằng ý niệm hỗn mang cổ xưa, hay hủy diệt hiện hữu. Hình thể trở thành vô thể nơi quái vật, rồng lộn, ma sói, và rắn biển huyền thoại. Ở đây, ta thấy bản chất người anh hùng thực sự [Gilgamesh,(4) Heracles, (5) Siegfried (6)] là người không lên đường tìm kiếm mạo hiểm hay danh vọng, mà vì biết rằng nhiệm vụ của mình là thắng vượt hỗn mang. Họ chiến thắng điều từng biến thế giới thành quái tượng, không thể náo sống được; họ tạo nên tự do và những điều kiện xứng hợp để sống. Với người mong muốn trật tự, mọi vô trật tự trong cuộc sống nội tâm của con người, trong các liên hệ nhân bản, trong sự nghiệp của họ, và trong quốc gia, đều đáng báo động, thậm chí còn là điều dằn vặt họ nữa. 

Nhân đức cũng có thể trở thành bệnh hoạn. Ta đã đề cập tới điểm này rồi. Trật tự có thể trở thành một cái còng tròng vào cổ con người. Người có tài cũng có thể phát biểu như sau: “khi đã quyết định làm một điều gì đó, tôi không còn khả năng thay đổi quyết định đó được nữa dù có muốn làm thế đi chăng nữa”. Trong trường hợp này, trật tự đã trở thành cưỡng bức. Ta hãy nghĩ tới người có tính bối rối lương tâm; tính này dằn vặt họ, buộc họ luôn thấy mình phải làm một điều gì đó và phải làm đi làm lại, bất tận, vì bị đun đẩy bởi một thôi thúc không bao giờ rời khỏi họ. Hay thầy giáo luôn buộc mọi sự phải theo qui luật cứng ngắc để mãi mãi thống trị được học trò, vì không làm sao tạo được một trật tự mềm dẻo phù hợp với mục tiêu đời người...

Ở đây, sự cưỡng bức đã làm mất hết nội dung đích thực của trật tự. Trong mọi nhân đức, luôn có khả hể cưỡng bức này. Bởi thế, điều cần là phải làm chủ chính mình, thậm chí làm chủ cả nhân đức của mình để đạt được sự tự do trong tư cách hình ảnh Thiên Chúa. 

Nhân đức trải dài qua suốt cuộc hiện sinh của ta, nó hoà hợp và qui tụ mọi sự về một mối. Nó cũng vươn lên tới Thiên Chúa hay đúng hơn nó từ Người mà xuống. Platông biết rõ điều này, khi ông dành cho Thiên Chúa danh xưng Agathon, “Đấng Tốt Lành”. Chính từ sự tốt lành đời đời của Thiên Chúa, mà giác ngộ luân lý đã đi vào hồn người dễ tiếp thu. Nó ban cho các tính khí khác nhau xu hướng liên hệ hướng tới sự thiện. Cái hiểu này đạt tới toàn thiện trong Đức Tin Kitô Giáo. Ta nhớ lại thị kiến huyền nhiệm trong Sách Khải Huyền, trong đó, hiện thân của trật tự, tức Thành Thánh, từ Thiên Chúa xuống với con người (7). Xin trình bày một vài nét căn bản về Thành Thánh này.

Thứ nhất, ta thấy có sự thật, một thực tại mà mọi trật tự của hiện sinh đều tùy thuộc vào. Sự thực là chỉ một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa mà thôi, còn con người là tạo vật và là hình ảnh của Người; sự thực là Thiên Chúa thực sự là Thiên Chúa, chứ không phải là nguyên lý vô danh của vũ trụ, cũng không phải chỉ là một ý niệm, hay mầu nhiệm của hiện hữu, nhưng là Đấng có thật và sống động, là Chúa và là Hóa Công, còn con người là tạo vật của Người và có bổn phận vâng lệnh Chúa Tể Tối Cao. 

Đó là trật tự căn bản của mọi điều kiện và sinh hoạt trần thế. Người đầu tiên đã nổi loạn chống lại trật tự này khi để mình bị thuyết phục rằng mình có thể “như Thiên Chúa” (8) và cuộc nổi loạn này vẫn tiếp diễn cho tới ngày nay, cả bậc vĩ nhân lẫn người thấp hèn, cả bậc thiên tài lẫn người lắp bắp. Nhưng nếu trật tự này bị khuấy động, thì bất kể chiếm được bao nhiêu quyền lực, bảo đảm được bao nhiêu an sinh, hay phát triển văn hóa tới mức nào, mọi sự vẫn tiếp tục trong tình trạng hỗn mang.

Một cách nữa để Thiên Chúa thiết lập nhân đức trật tự ngăn nắp là định luật không thể nào đảo ngược được này: mọi điều sai đều đòi một đền trả (expiation). Con người thích gán các quên sót của mình cho lịch sử và nghĩ rằng khi họ làm sai, mọi sự rồi đâu cũng vào đó cả: hậu quả họ nhắm còn đó, nhưng điều sai thì đã lui vào dĩ vãng, bị hủy tiêu. Một ý niệm về nhà nước đã được phát sinh, theo đó, nhà nước được phép làm bất cứ điều sai nào miễn có lợi cho quyền hành, cho thịnh vượng và tiến bộ. Đạt được các mục tiêu này, thì mọi cái sai đều được tẩy xóa. 

Nhưng thực ra, cái sai vẫn còn đó, trong chất thể và trong tính liên tục của lịch sử, trong đời sống những ai phạm nó và trong đời sống những ai chịu thiệt hại vì nó, trong ảnh hưởng nó tạo nơi người khác, và trong dấu ấn trên dư luận, trong ngôn ngữ, và các thái độ đánh dấu thời đại. Và nó đòi phải được đền trả vào một ngày nào đó; nhất định thế, không trốn được. Thiên Chúa bảo đảm điều này. 

Điểm thứ ba là mạc khải về phán xét. Lịch sử không phải là diễn trình tự biện minh một cách tự nhiên; đúng hơn, nó phải trả lẽ, nhưng không trả lẽ cho công luận hay cho khoa học và học thuật. Cũng là điều không đúng khi bảo rằng dòng lịch sử vốn tự nó đã là một phán xét rồi, một phán xét phần lớn bị dấu kín, lãng quên, và trách nhiệm đối với nhiều sự việc đã bị đặt sai chỗ. Không, phán xét chỉ dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Mọi sự sẽ phải tới trước sự thật của Người và sẽ lộ nguyên hình. Mọi sự đều phải ra trước công lý của Người và nhận lấy bản án sau cùng. 

Ta thấy điều ta gọi là “nhân đức ngăn nắp thứ tự”, thoạt nhìn tưởng là tầm thường, nhưng thực sự mỗi lúc nó mỗi vào sâu hơn và trở nên mỗi lúc mỗi bao gồm hơn và sau cùng vươn lên tới chính Thiên Chúa, và từ Người xuống với con người. Đó chính là chiều hành động của nhân đức. 

Sau đây, ta sẽ xem xét một loạt các cấu trúc trong mối tương quan của ta với sự thiện. Ta sẽ không dựa vào bất cứ hệ thống nào, nhưng sẽ dùng nhiều hình ảnh, vì chỉ có hình ảnh mới nói hết đa dạng tính của kinh nghiệm nhân bản. Việc này sẽ giúp ta hiểu được con người một cách tốt đẹp hơn, thấy rõ họ sống ra sao, cuộc đời trở thành một bổn phận đối với họ như thế nào, và họ phải sống thế nào cho có ý nghĩa hay lại phung phí nó như một canh bạc. 

Điều này cũng giúp ta sống cuộc sống ta một cách thực tiễn. Vì quả có mối liên hệ chọn lựa giữa nhiều bẩm chất khác nhau đối với các nhân đức khác nhau. Các nhân đức này không phải là khuôn thước tổng quát áp dụng cho mọi người, nhưng tự chúng vốn là nhân tính sống động, bao lâu nhân tính này nghe lời kêu gọi của sự thiện và ra sức thể hiện trọn vẹn lời kêu gọi này. Còn sự thiện, nó là một kho tàng sống động, từ Thiên Chúa toả sáng đến ta, tận gốc thì vô cùng phong phú nhưng lại đơn giản, nhưng khi tiếp xúc với kinh nghiệm nhân bản nó trở thành nhiều mảnh và từ từ triển khai. 

Mỗi nhân đức là một nhiễu xạ (diffraction) của sự đơn giản vô cùng phong phú kia khi đụng tới tiềm năng tính của con người. Điều này có nghĩa tùy theo tiềm năng tính của họ, các cá nhân khác nhau có liên hệ hay tỏ ra xa lạ ít hay nhiều đối với các nhân đức. Bởi thế, một người có khuynh hướng xã hội, tức người sẵn sàng thiết lập liên hệ với người khác, sẽ thấy nhân đức thông cảm (understanding) là điều dễ dàng và tự nhiên, trong khi đó, nó khá xa lạ đối với những ai cương quyết thực hiện cho bằng được các mục tiêu của mình. Một con người có tinh thần sáng tạo sẽ rất uyển chuyển đối với một hoàn cảnh nào đó, trong khi một người sống nhiều với óc luận lý, thì duy trì các qui luật nhất định là điều họ quan tâm hơn cả. 

Nắm được các điểm trên là điều quan trọng giúp ta hiểu rõ đời sống luân lý của các cá nhân khác nhau. Nó cũng quan trọng cho cuộc sống hàng ngày của ta, vì trong việc phát triển đời sống luân lý của ta, ta phải bắt đầu với những gì quen thuộc sau đó mới tiến qua những điều ít quen thuộc hơn. 
___________________________________________________________________________
(1) Max Scheler, “On the Reversal of Values,” Tuyển Tập (Bern: 1955), III, 13 ff.
(2) Immanuel Kant (1724-1804), triết gia Đức.
(3) Khôn Ngoan 11:20.
(4) Anh hùng ca Sumeria và Babylone 
(5) Hercules, người anh hùng trong thần thoại cổ điển, người đã thủ đắc được một sức mạnh phi thường.
(6) Vai chính trong kịch phẩm “The Ring of the Nibelungs” của Richard Wagner
(7) Kh. 21:10 ff.
(8) Xem St 3:5.

Vũ Văn An11/15/2013(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét